ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1298/2008/QĐ-UBND
|
Huế, ngày 02 tháng 6 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TẬP TRUNG NUÔI DƯỠNG
NGƯỜI LANG THANG XIN ĂN, CƠ NHỠ, NGƯỜI TÂM THẦN LANG THANG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân
và Uỷ ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị
định số 25/2001/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ ban hành Quy chế
thành lập và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội;
Căn cứ
Thông tư số 10/2002/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 6 năm 2002 của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế thành lập và
hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 25/2001/NĐ-CP
ngày 30 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị
định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ
giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;
Căn cứ
Thông tư số 09/2007/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số
67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các
đối tượng bảo trợ xã hội;
Xét đề nghị
của Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tập trung các đối tượng là người lang thang xin ăn, cơ nhỡ
và người tâm thần lang thang trên địa bàn tỉnh đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội
tỉnh hoặc Trung tâm Nuôi dưỡng xã hội tỉnh để nuôi dưỡng, khám điều trị và
chuyển trả về gia đình, địa phương.
Điều
2. Quy trình tập
trung chuyển giao đối tượng
1. UBND xã, phường,
thị trấn tổ chức tập trung phân loại các đối tượng quy định tại Điều 1 trên địa
bàn quản lý, lập biên bản, chuyển giao cho Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, Trung
tâm Nuôi dưỡng Xã hội tỉnh (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) và các
Trung tâm Y tế trên địa bàn để khám, sàng lọc, điều trị, nuôi dưỡng, xác định
địa chỉ cư trú.
Sau khi UBND xã,
phường, thị trấn có thông báo cho Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh và Trung tâm
Nuôi dưỡng Xã hội tỉnh hoặc các Trung tâm Y tế liên quan thì không quá 01 ngày
các Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, Trung tâm Nuôi dưỡng Xã hội tỉnh và Trung
tâm Y tế liên quan phải tổ chức tiếp nhận đối tượng để nuôi dưỡng, điều trị,
quản lý...
2. Đối với người
lang thang xin ăn, cơ nhỡ (kể cả người đi kèm): Trung tâm Nuôi dưỡng Xã hội
tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, nuôi dưỡng và giải quyết như sau:
a) Trường hợp xác
định được địa chỉ cư trú: trong thời hạn không quá 30 ngày mời gia đình đến cam
kết, tiếp nhận; thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của đối tượng
để phối hợp quản lý, giáo dục, tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho đối tượng.
b) Trường hợp
lặp lại từ lần thứ hai trở lên hoặc không xác định được địa chỉ cư trú, Trung
tâm Nuôi dưỡng Xã hội tỉnh có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị chuyển vào nuôi dưỡng,
quản lý tại Trung tâm.
3. Đối với người
tâm thần lang thang: UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức thu gom, thông báo
kịp thời cho Trung tâm Y tế trên địa bàn cử cán bộ chuyên khoa tâm thần và xe
cấp cứu đến khám, sàng lọc; nếu đúng đối tượng thì vận chuyển đưa vào Bệnh viện
Tâm thần Huế để khám, điều trị và giải quyết như sau:
a) Đối tượng đang
cư trú trên địa bàn tỉnh: chuyển Bệnh viện Tâm thần Huế để khám, điều trị và
thông báo chuyển giao cho gia đình chăm sóc, quản lý.
b) Đối tượng không
xác định được địa chỉ cư trú (có kết luận bằng văn bản của Bệnh viện Tâm thần
Huế) và đối tượng đã được tập trung từ lần thứ hai trở lên thì chuyển Trung tâm
Bảo trợ Xã hội tỉnh làm thủ tục nuôi dưỡng, quản lý.
4. Đối với người
lang thang ốm yếu, suy kiệt: UBND xã, phường, thị trấn thông báo kịp thời cho
Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 đưa đối tượng vào Trung tâm Y tế các huyện,
thành phố khám điều trị; sau khi ổn định sức khỏe giải quyết như sau:
a) Các Trung tâm
Y tế phối hợp với Trung tâm Nuôi dưỡng Xã hội tỉnh: Nếu xác định được địa chỉ
cư trú, mời gia đình đến cam kết, tiếp nhận.
b) Nếu không xác
định được địa chỉ cư trú chuyển Trung tâm Nuôi dưỡng Xã hội tỉnh, hoặc Trung
tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh làm thủ tục đề nghị ra quyết định tiếp nhận nuôi dưỡng,
quản lý.
Điều
3. Trách nhiệm thực hiện:
1. UBND xã,
phường, thị trấn chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan:
a) Tổ chức tập
trung đối tượng lang thang xin ăn, cơ nhỡ, người tâm thần lang thang trên địa bàn
để quản lý, giáo dục tại cộng đồng và thông báo kịp thời cho Trung tâm Nuôi dưỡng
Xã hội tỉnh và Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh đến tiếp nhận hoặc thông báo Trung
tâm vận chuyển cấp cứu (115) chuyển vào Bệnh viện Tâm thần Huế.
b) Tuyên truyền,
vận động, khuyến khích nhân dân phát hiện, thông báo (bằng điện thoại hoặc bằng
văn bản) cho UBND xã, phường, thị trấn kịp thời tập trung đối tượng lang thang
xin ăn, cơ nhỡ và người tâm thần lang thang trên địa bàn.
2. UBND thành
phố Huế và các huyện:
a) Tăng cường chỉ
đạo, kiểm tra Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực
hiện quyết định này, hàng quý, 6 tháng, năm báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh.
b) Chỉ đạo các
cơ quan chuyên môn trực thuộc, đồng thời phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và
các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quyết định này và
tuyên truyền, vận động, quản lý, giáo dục đối tượng trên địa bàn để họ có cuộc
sống ổn định.
3. Giám đốc
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chỉ đạo Trung
tâm Nuôi dưỡng Xã hội tỉnh và Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh tiếp nhận người
lang thang xin ăn, cơ nhỡ và người tâm thần lang thang được các xã, phường, thị
trấn thu gom tập trung để lập hồ sơ, nuôi dưỡng, quản lý và chuyển trả về gia
đình, địa phương theo quy định.
b) Kịp thời ban
hành quyết định tiếp nhận đối tượng tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm
b khoản 4, Điều 2 để nuôi dưỡng, quản lý tại Trung tâm Nuôi dưỡng Xã hội tỉnh
hoặc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh.
c) Phối hợp với
các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể quy trình tập trung, tiếp nhận nuôi dưỡng
người lang thang xin ăn, cơ nhỡ và người tâm thần lang thang; đôn đốc, kiểm tra
các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng quy định; theo định kỳ 6 tháng và hằng
năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
d) Xây dựng kế
hoạch tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân lực cho các Trung tâm Bảo
trợ xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng xã hội để đảm bảo việc quản lý, giáo dục, nuôi
dưỡng các đối tượng người lang thang xin ăn, cơ nhỡ, người tâm thần lang thang
và các loại đối tượng xã hội khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.
đ) Thông báo và
phối hợp với các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh khác có các đối
tượng lang thang xin ăn, cơ nhỡ và người tâm thần lang thang trên địa bàn tỉnh
Thừa Thiên Huế để giao nhận. Kiên quyết và kịp thời tổ chức bàn giao giải quyết
các đối tượng ngoài tỉnh để các tỉnh có biện pháp giải quyết.
e) Lập dự toán
kinh phí và quản lý sử dụng theo quy định hiện hành.
4. Giám đốc
Sở Y tế:
a) Chỉ đạo các
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố Huế, Bệnh viện Tâm thần Huế, Trung tâm vận
chuyển cấp cứu 115 tiếp nhận, vận chuyển, khám và điều trị người tâm thần lang
thang và người xin ăn, cơ nhỡ lang thang ốm yếu, suy kiệt.
b) Chỉ đạo các
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố Huế, Bệnh viện Tâm thần Huế, Trung tâm vận
chuyển cấp cứu 115 và phối hợp với Trung tâm Nuôi dưỡng Xã hội tỉnh và Trung
tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh phân loại, giải quyết các đối tượng tại khoản 3, khoản
4 Điều 2.
5. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể: phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương xây dựng kế
hoạch triển khai tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quyết định này đến tận thôn
xóm, cụm dân cư, tổ dân phố để nhân dân hiểu rõ và tự giác tham gia.
6. Các cơ
quan thông tin đại chúng: Trung
tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh,
Báo Thừa Thiên Huế, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố Huế, các xã, phường,
thị trấn tăng cường thời lượng chuyên mục giáo dục và thông tin, phản ánh kịp
thời tình hình và kết quả triển khai thực hiện, góp phần làm lành mạnh môi
trường xã hội của tỉnh.
7. Ban chỉ
đạo về đảm bảo trật tự vệ sinh môi trường của tỉnh: tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp và
các địa phương trong tỉnh tổ chức và phối hợp tổ chức thực hiện quyết định gắn
với quy định tại Quyết định số: 1218/2008/QĐ-UBND ngày 23/5/2008 của Ủy ban Nhân
dân tỉnh về việc ban hành Quy chế "Đảm bảo trật tự, trị an và vệ sinh môi trường
tại các điểm tham quan, các điểm hoạt động kinh doanh du lịch, thương mại, vui
chơi giải trí và các điểm giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh". Chỉ đạo
đội truy quét, thu gom các đối tượng lang thang xin ăn, cơ nhỡ, người tâm thần
lang thang và các loại đối tượng xã hội khác nhằm tiếp tục giữ gìn môi trường
xã hội lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
8. Giám đốc
Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì
phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan bố
trí kinh phí trong kế hoạch hàng năm để thực hiện quyết định này.
9. Giám đốc
Sở Tài chính: chủ trì phối hợp với
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp kinh phí theo dự toán và hướng dẫn quản
lý chi và thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ
các quy định trước đây của Uỷ ban Nhân dân tỉnh trái với quy định này.
Chánh Văn phòng
Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế,
Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Du lịch, Văn hóa Thông tin, Công an tỉnh; Chủ
tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế, các xã, phường, thị trấn; Giám
đốc các Trung tâm Y tế huyện, thành phố Huế; Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Huế;
Giám đốc Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115; Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Xã hội
tỉnh, Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan và cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.