THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1117/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ CÁC SỰ KIỆN
HỘI NHẬP QUỐC TẾ NỔI BẬT GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày
5 tháng 11 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện có hiệu quả tiến
trình hội nhập kinh tế quốc tế;
Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày
10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế;
Căn cứ Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày
13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ
thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị về hội
nhập quốc tế;
Căn cứ Quyết định số 40/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ ngày 7 tháng 1 năm 2016 ban hành Chiến lược tổng thể hội nhập
quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch đẩy
mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật
giai đoạn 2017 - 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
I. Ý NGHĨA, MỤC
ĐÍCH
1. Ý nghĩa, sự cần thiết
Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ đảm
nhiệm nhiều trọng trách quốc tế như đăng cai Năm APEC 2017, đảm nhận vai trò Chủ
tịch ASEAN vào năm 2020, ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, hoàn tất các cam kết quốc tế lớn, trong đó
có các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2018; Ký kết,
phê chuẩn và triển khai nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, với
mức độ cam kết sâu rộng hơn.
Đặc biệt các bộ, ngành, địa phương cần
chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về yêu cầu hội nhập quốc tế, các cơ
hội và thách thức, nhiệm vụ trọng yếu khi tham gia các FTA thế hệ mới trong từng
ngành, từng lĩnh vực để tạo sự thống nhất về nhận thức, tạo sức mạnh tổng hợp
trong quá trình hội nhập. Việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sẽ
góp phần vào việc nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của cả xã hội, đặc biệt
là của doanh nghiệp, doanh nhân đối với các thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là cơ
hội, thách thức và những yêu cầu phải đáp ứng khi tham gia và thực hiện các hiệp
định thương mại tự do thế hệ mới. Đây cũng là nhiệm vụ cần được nghiêm túc triển
khai theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05 tháng 11 năm
2016 của Trung ương về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế,
giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định
thương mại tự do thế hệ mới.
2. Mục đích
- Tiếp tục nâng cao và đẩy mạnh hiệu
quả công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về hội nhập quốc tế, hình ảnh đất
nước, con người và văn hóa Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam đến với cộng đồng trong nước
và nước ngoài, qua đó góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường
quốc tế.
- Trang bị các kiến thức và thông tin
cần thiết nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các cán bộ
hoạch định chính sách, quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân hiểu rõ
về các sự kiện hội nhập quốc tế, về các giá trị, lợi ích, quyền lợi, trách nhiệm
và cả các thách thức mà hội nhập và các hiệp định thương mại tự do mang lại cho
Việt Nam nói chung và từng đối tượng nói riêng, bảo đảm các cam kết hội nhập quốc
tế của Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, mang lại những lợi ích thiết thực.
- Nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận
của cả xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp, doanh nhân đối với các thỏa thuận
quốc tế, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu phải đáp ứng khi tham
gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
- Tăng cường sự phối hợp và phân công
trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, sự tham gia tích cực và chủ động
của các cơ quan truyền thông, báo chí từ Trung ương đến địa phương.
- Phát huy thế mạnh của công nghệ
thông tin, các phương tiện thông tin và truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet,
phát thanh, truyền hình để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền
về hội nhập, nhằm tác động sâu rộng, kịp thời và hiệu quả đến cộng đồng xã hội.
- Góp phần xây dựng văn hóa hội nhập
cho các địa phương và người dân, theo hướng “Yêu nước - Đổi mới sáng tạo - Hợp
tác trách nhiệm”, thể hiện hình ảnh một Việt Nam hội nhập sâu rộng, đổi mới
năng động, là điểm đến an toàn.
II. ĐỐI TƯỢNG
TUYÊN TRUYỀN
1. Trong nước
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan,
tổ chức từ Trung ương đến địa phương.
- Các cơ quan, tổ chức kinh tế -
chính trị - xã hội.
- Các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ
chức kinh tế - chính trị - xã hội nước ngoài hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ
Việt Nam.
- Cộng đồng doanh nghiệp, chú trọng
các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, người lao động trong những
ngành, lĩnh vực có nhiều cơ hội thuận lợi và phải đối mặt với những thách thức,
nguy cơ ảnh hưởng từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như ngành nông
nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ và sản xuất).
- Các nhà nghiên cứu, học giả, sinh
viên, học sinh, đặc biệt kêu gọi các đội ngũ tri thức, các giáo sư, tiến sỹ
trong lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội
tham gia vào quá trình nghiên cứu, đánh giá về các cơ hội và tác động để có được
những tư liệu thực sự khoa học, khách quan về hội nhập.
- Người nước ngoài sinh sống, làm việc
tại Việt Nam hoặc có liên quan và quan tâm đến Việt Nam.
- Tất cả các tầng lớp nhân dân.
2. Ngoài nước
- Người Việt Nam sinh sống, làm việc,
học tập ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước ASEAN, các nước có đông người Việt
Nam sinh sống và làm việc.
- Người nước ngoài, đặc biệt là công
dân của các nước thành viên ASEAN, các nước có quan hệ đối tác chiến lược của
Việt Nam, các nước có ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương với Việt
Nam hoặc cùng tham gia với Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do.
- Người nước ngoài ở một số nước có
vai trò, vị thế có tác động tích cực cho các hoạt động đối ngoại, hoạt động
thương mại, đầu tư của Việt Nam.
III. NỘI DUNG
TUYÊN TRUYỀN
A. CÁC NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN CHUNG
VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
1. Tuyên truyền về chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế.
2. Tuyên truyền về các sự kiện, hoạt
động và kết quả hội nhập nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực chính trị, quốc
phòng, an ninh, về sự chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần định hình luật chơi, xây dựng trật tự chính trị
và thế giới công bằng dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa
bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi.
3. Tuyên truyền về các sự kiện, hoạt
động và kết quả hội nhập nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, xã hội,
giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, về hợp tác song phương, đa phương của Việt
Nam trong các lĩnh vực này với các nước, các tổ chức quốc tế, về sự tích cực và
chủ động của Việt Nam trong việc mở rộng tham gia các diễn đàn, hội nghị quốc tế
lớn, góp phần tăng cường vai trò, vị thế, tuy tín của Việt Nam trên trường quốc
tế thông qua đảm nhận các vị trí điều hành trong các tổ chức quốc tế lớn và
chuyên ngành.
4. Tăng cường quảng bá hình ảnh, đất
nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, về sự tham gia tích cực và các
thành tích đạt được của Việt Nam trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể
thao khu vực và thế giới.
5. Tuyên truyền về các hoạt động và lễ
kỷ niệm các năm chẵn, năm tròn trong ngoại giao song phương và đa phương, các
chương trình hoạt động đối ngoại lớn của Đảng và Nhà nước.
6. Tuyên truyền về các sự kiện quốc tế
lớn trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật
diễn ra tại Việt Nam.
B. CÁC NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN CỤ THỂ
1. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á -
Thái Bình Dương (APEC)
Thông điệp bao trùm của Năm APEC Việt
Nam 2017 “thể hiện hình ảnh một Việt Nam đổi mới năng động, giàu tiềm năng,
đóng góp tích cực và tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết của khu vực,
con người Việt Nam hiếu khách, thuận hòa, giàu tình nghĩa”. Các thông điệp nhỏ
có thể được xây dựng phù hợp với từng nhóm đối tượng truyền thông và từng thời
kỳ cụ thể trong khoảng thời gian từ 2017 - 2020.
a) Đối với nhóm đối tượng các bộ,
ngành, địa phương:
- Khẳng định Việt
Nam là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng APEC.
Rộng hơn, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng
đồng quốc tế.
- Việt Nam đã chuyển đổi tư duy đối ngoại từ “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp, xây
dựng, định hình luật chơi chung”. Việt Nam là trung tâm của mở cửa và hội nhập
quốc tế của khu vực.
- Đề cao các nỗ lực phát triển, thay
đổi của Việt Nam từ khi gia nhập APEC; vai trò, đóng góp thiết thực của Việt
Nam đối với APEC, nhấn mạnh vào các ý tưởng và sáng kiến của Việt Nam đóng góp
cho APEC.
- Gây dựng niềm tin, góp phần vận động
để Việt Nam nhận được sự ủng hộ, ứng cử thành công thành viên không thường trực
Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.
b) Đối với nhóm đối tượng doanh nghiệp:
- Việt Nam là nền kinh tế mở, phát
triển năng động, bền vững với chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định.
- Chính phủ Việt Nam có nhiều ưu đãi,
chính sách tốt cho doanh nghiệp nước ngoài.
- Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, ở vùng
giao thoa của nhiều liên kết kinh tế quan trọng (AEC, RCEP, TPP...). Chính phủ
Việt Nam cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để phù hợp với luật chơi
thương mại chung của quốc tế.
- Tham gia APEC là diễn đàn giao lưu
tìm kiếm cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
c) Đối với nhóm đối tượng công chúng:
- Thông tin cơ bản, ngắn gọn, dễ hiểu,
thiết thực về APEC.
- Những lợi ích khi Việt Nam tham gia
APEC và đăng cai APEC 2017.
- Nêu bật chủ đề, nội dung, kết quả APEC 2017.
- Quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam
tới công chúng quốc tế.
d) Đối với nhóm đối tượng giới truyền
thông:
- Quảng bá hình ảnh đất nước, con người
Việt Nam.
- Quảng bá về điểm đến đầu tư, cơ hội
hợp tác của các doanh nghiệp.
2. Cộng đồng ASEAN
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên
truyền về Cộng đồng ASEAN với các mốc kỷ niệm lớn: kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN
và 22 năm Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 2017; 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN
và Năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, trong đó tiếp tục nâng cao nhận
thức và hiểu biết của người dân về Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam,
các thách thức, cơ hội, lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại, khuyến khích các tầng
lớp nhân dân tham gia đóng góp cho quá trình xây dựng Cộng đồng.
- Chú trọng tuyên truyền về kết quả
triển khai các ưu tiên của Cộng đồng ASEAN trong năm 2017, các năm tiếp theo và
sự tham gia của Việt Nam, bao gồm triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch
tổng thể trên cả ba trụ cột Cộng đồng, Chương trình Nghị sự kết nối ASEAN 2025
và Kế hoạch Công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn III về thu hẹp
khoảng cách phát triển, tình hình hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu
và thế mạnh.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên
truyền về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tới các doanh nghiệp và người dân: Tập
trung giới thiệu các nội dung liên quan đến lợi ích doanh nghiệp và người dân
được hưởng khi tham gia vào Cộng đồng chung ASEAN; Tuyên truyền về các cam kết,
biện pháp đã có về tự do hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có
tay nghề.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên
truyền về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), gắn liền với lợi ích thiết
thực của người dân như phúc lợi và bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới...
- Tạo cơ chế và diễn đàn để người dân
và doanh nghiệp trao đổi, giao lưu và tìm hiểu về Cộng đồng ASEAN.
3. Các Hiệp định thương mại tự do
- Các nội dung cụ thể về nghĩa vụ và
xu hướng quản lý, xu hướng thị trường thể hiện tại các hiệp
định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết (cụ thể là Hiệp định
thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam
và Liên minh châu Âu (FTA Việt Nam - EU), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực
(RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu).
- Những quyền lợi và thách thức đặt
ra cho Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam; Những biện pháp doanh nghiệp Việt Nam
cần thực hiện để nắm bắt các lợi ích và cơ hội các FTA mang lại; Những nghĩa vụ
của Việt Nam theo các cam kết quốc tế được quy định trong các FTA, trong đó có
các nội dung về thuế, hải quan và thuận lợi hóa thương mại.
- Làm rõ với từng nhóm đối tượng về
những nguy cơ, rủi ro khi tham gia các FTA và phương hướng, giải pháp cụ thể để
phòng tránh.
- Bài học kinh nghiệm của các nước
trong quá trình hội nhập quốc tế.
4. Liên hợp quốc
- Về sự tham gia
chủ động và tích cực của Việt Nam tại Liên hợp quốc với vai
trò là thành viên của các tổ chức của Liên hợp quốc như Hội đồng Kinh tế - Xã hội
nhiệm kỳ 2016 - 2018, Hội đồng chấp hành Tổ chức Khoa học - Giáo dục-Văn hóa
nhiệm kỳ 2015 - 2019; về việc Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ
hòa bình của Liên hợp quốc, qua đó nâng cao hình ảnh, phát huy vị thế của Việt
Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong Cộng đồng quốc tế.
- Về kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs); Ứng phó với biến
đổi khí hậu, trong đó có chuẩn bị thực hiện Thỏa thuận Paris (COP-21); Bảo vệ
và thúc đẩy lợi ích về an ninh nguồn nước...
- Tuyên truyền về sự tham gia của Việt
Nam trong Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), bao gồm:
+ Về sự tham gia
tích cực của Việt Nam với vai trò là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm
kỳ 2015 - 2019, Ủy ban Di sản thế giới.
+ Tăng cường thông tin về UNESCO trên
các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá hình ảnh của UNESCO đối với người
dân Việt Nam, về sự tham gia và các thành tích, kết quả Việt Nam đạt được trong
các lĩnh vực của UNESCO.
IV. HÌNH THỨC TRIỂN
KHAI
1. Duy trì thông tin thường kỳ trên
các phương tiện thông tin đại chúng (gồm báo viết, báo nói, báo hình, báo điện
tử, mạng xã hội...), hệ thống thông tin cơ sở về chủ đề hội nhập:
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng
nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các báo lớn như Nhân Dân, Quân Đội Nhân
Dân... duy trì thông tin về hội nhập trong các bản tin, chuyên mục hiện có,
nghiên cứu xây dựng bản tin, chuyên mục chuyên đề về hội nhập định kỳ hàng tuần.
- Các đài phát thanh, truyền hình và
các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình chủ động xây dựng bản
tin, chuyên mục, chuyên đề, tọa đàm, giao lưu, các chương trình trò chơi truyền
hình có nội dung về hội nhập; Tích cực sản xuất các phim tài liệu, phóng sự,
chuyên đề về những sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật của Việt
Nam hiện nay.
- Các kênh VTV4, VTC10 chủ động lồng
ghép các nội dung tin, bài, phim ảnh về hội nhập trong các chương trình phát
sóng của mình tại địa bàn nước ngoài.
- Khuyến khích các báo điện tử, các
trang thông tin điện tử có uy tín, đông lượt truy cập truyền tải thông tin bằng
nhiều ngôn ngữ tham gia thực hiện Kế hoạch tuyên truyền hội nhập này thông qua
việc thường xuyên đưa tin bài, xây dựng bản tin, chuyên đề, chuyên mục về hội
nhập, tổ chức tọa đàm, giao lưu, bàn tròn trực tuyến, lập fanpage trên các mạng
xã hội có đông người sử dụng về chủ đề hội nhập, xây dựng các website riêng biệt,
tạo đường liên kết đến các website chuyên ngành để tận dụng xu thế ứng dụng
công nghệ thông tin ngày càng tăng của cộng đồng
- Các cơ quan thông tin của các bộ,
cơ quan ngang bộ cần xây dựng chuyên trang, chuyên mục về hội nhập và tăng thời
lượng thông tin tuyên truyền tại các hội nghị, hội thảo, giao ban... tại các bộ,
cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
2. Tích cực và chủ động trong việc
tham gia các diễn đàn, chương trình, hoạt động của các tổ chức quốc tế lớn, qua
đó nâng cao hình ảnh, phát huy vị thế của Việt Nam là thành viên tích cực và có
trách nhiệm trong Cộng đồng quốc tế.
3. Tổ chức các hội nghị, hội thảo
chuyên đề về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật, về cam kết của Việt Nam
trong các hiệp định Việt Nam tham gia cho các nhóm đối tượng khác nhau, trong
đó tập trung vào các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế xã hội.
4. Tổ chức các chương trình đào tạo,
tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế ở các
cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
5. Tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức,
kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền cho phóng viên, nhà báo, đội ngũ tuyên truyền
viên về hội nhập quốc tế, về các hiệp định thương mại tự do song phương và đa
phương Việt Nam đã và chuẩn bị ký kết, về sự tham gia của Việt Nam trong các tổ
chức quốc tế lớn.
6. Xây dựng cổng thông tin, cơ sở dữ
liệu, chuyên trang, chuyên mục nhằm cung cấp các thông tin, văn kiện, tài liệu
thiết yếu về hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại tự do để các cơ quan bộ, ngành, tổ chức, các cơ quan truyền thông báo chí, các đối
tượng cần nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề cụ thể về hội nhập có thể khai thác
và sử dụng.
7. Xây dựng và phát hành các ấn phẩm,
tài liệu tuyên truyền về tiềm năng, cơ hội, kết quả hợp tác và hội nhập quốc tế
của Việt Nam trên các lĩnh vực, giải thích và làm rõ các cam kết trong các thỏa
thuận thương mại tự do. Các hình thức gồm: xuất bản sách, sản xuất phim, phóng
sự, tài liệu, phát hành áp phích, sổ tay, tờ rơi tuyên truyền...
8. Tổ chức các cuộc thi sáng tác các
tác phẩm báo chí viết về quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, các cuộc thi ảnh,
phim phóng sự, tài liệu và tổ chức triển lãm sách, ảnh, tư liệu với chủ đề về hội
nhập.
9. Tổ chức phát hành bộ tem bưu chính
nhân các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật.
V. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch thông
tin, tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật giai đoạn 2017 - 2020
do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
2. Căn cứ vào Kế hoạch này, các cơ
quan, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và dự toán kinh phí thực hiện,
tổng hợp chung trong kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị
mình, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
3. Căn cứ ngân sách được giao, thủ
trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, các cơ quan thông tấn báo
chí Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm bố trí kinh phí để các cơ quan,
đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch đã được phê duyệt.
4. Huy động từ các nguồn tài trợ
khác, các nguồn xã hội hóa, đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức xã
hội và các nguồn hợp pháp khác.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Phân công trách nhiệm giữa các Bộ,
ngành, địa phương:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì theo dõi, đôn đốc việc thực
hiện và định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai Kế hoạch
đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật
giai đoạn 2017 - 2020.
- Chỉ đạo, định hướng công tác thông
tin tuyên truyền cho các cơ quan thông tấn, báo chí, các trang thông tin điện tử
có uy tín và hệ thống thông tin cơ sở để bảo đảm thực hiện
các mục tiêu tuyên truyền theo Kế hoạch, tổ chức tập huấn
cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác thông tin cơ sở.
- Xây dựng cổng thông tin, cơ sở dữ
liệu, chuyên trang hoặc chuyên mục cung cấp các thông tin, văn kiện, tài liệu
thiết yếu về hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại tự
do cho các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức, các cơ quan truyền thông báo chí, các đối
tượng cần nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề cụ thể về hội nhập có thể khai thác
và sử dụng.
- Tổ chức các cuộc thi, triển lãm sách,
ảnh, tư liệu, xây dựng các ấn phẩm, tài liệu, phim tài liệu, phóng sự, chuyên đề
để tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, về APEC, ASEAN,
các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật, các tiềm năng và kết
quả hội nhập của Việt Nam trên các lĩnh vực.
- Tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo,
chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hội nhập
quốc tế ở các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp từ trung ương đến địa
phương.
- Hàng năm, tổ chức Hội nghị tổng kết
kết quả thực hiện công tác tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật
để rút kinh nghiệm nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả cho các năm tiếp theo.
2. Bộ Ngoại giao:
- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền
thông cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin về các hoạt động đối
ngoại của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại các nước, các tổ chức, diễn đàn, hội
nghị quốc tế; các sự kiện đối ngoại lớn do Việt Nam đăng cai chủ trì liên quan
đến APEC, ASEAN và các tổ chức quốc tế và khu vực khác.
- Chủ trì triển khai các hoạt động
thông tin tuyên truyền về hội nhập trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc
phòng, an ninh.
3. Bộ Công Thương:
- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền
thông cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin về Cộng đồng kinh tế
ASEAN và các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương đã hoàn tất
trong giai đoạn 2015 - 2016 và các hiệp định đang đàm phán và dự kiến ký kết
trong thời gian tới.
- Chủ trì triển khai các hoạt động
thông tin tuyên truyền về hội nhập trong lĩnh vực kinh tế, lưu ý các thông tin
chuyên đề phù hợp với các đối tượng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cụ thể.
- Chủ trì tổ chức sự kiện vinh danh
các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong việc thực
hiện nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu hội nhập
quốc tế.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền
thông cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí về việc thực hiện “Chiến lược
Hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và
“Đề án về hợp tác ASEAN sau năm 2015 của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN” và
các tình hình tham gia kí kết và thực hiện các Hiệp định tự do thương mại song
phương và đa phương trong giai đoạn 2017 - 2020.
- Chủ trì triển khai các hoạt động
thông tin tuyên truyền về hội nhập trong lĩnh vực lao động, văn hóa, xã hội.
5. Bộ Tài chính:
- Phối hợp trong cung cấp thông tin,
tuyên truyền liên quan đến vấn đề thuế, hải quan và thuận lợi hóa thương mại
trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết.
- Bộ Tài chính chủ trì bố trí kinh
phí thực hiện các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phát sinh mới, không trùng lắp
với các nhiệm vụ thông tin tuyên truyền mang tính thường xuyên và thuộc Kế hoạch
đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật
giai đoạn 2017 - 2020 trong dự toán ngân sách hàng năm của các bộ, cơ quan
trung ương có liên quan.
6. Các cơ quan thông tấn, báo chí
Trung ương và địa phương:
- Tổ chức thực hiện các hoạt động phù
hợp để thông tin sâu rộng về các vấn đề hội nhập quốc tế.
- Trên cơ sở kế hoạch tuyên truyền
này, các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí đủ nguồn
lực để thực hiện kế hoạch tuyên truyền của cơ quan mình.
7. Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức
tham gia trực tiếp vào các hoạt động hội nhập quốc tế tại Việt Nam và Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao, xây dựng Danh mục hoạt động cho từng năm để thực hiện Kế hoạch này. Định
kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ Thông
tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ có
liên quan trong khuôn khổ Kế hoạch thông tin, tuyên truyền các sự kiện quốc tế
nổi bật giai đoạn 2017 - 2020.
- Tạo điều kiện, khuyến khích các cơ
quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, báo chí và mọi người dân
tham gia vào quá trình triển khai, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch.
- Tăng cường công tác phổ biến thông
tin về hội nhập trên trang tin điện tử của cơ quan mình, cần chủ động thông báo cho báo chí về kế hoạch tổ chức hoặc tham gia các
hoạt động về hội nhập quốc tế, kịp thời cung cấp thông tin, thông cáo báo chí đầy đủ cho báo chí trước và sau các sự kiện.
- Bố trí kinh phí trong dự toán ngân
sách hàng năm của các bộ, ngành và địa phương, đồng thời huy động từ nguồn vốn
khác theo quy định pháp luật để tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế
hoạch.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan
thông tấn, báo chí trung ương và địa phương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng,
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các thành viên BCĐ quốc gia về hội nhập quốc tế;
- Các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
- Lưu: VT, QHQT (3b) TB.
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|