ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
11/2007/QĐ-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 28
tháng 03 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH DU
LỊCH, DỊCH VỤ TẠI CÁC KHU, ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND, UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Du lịch ngày
29/11/2005;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày
27/12/1993;
Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng
di tích Lịch sử - Văn hóa, Danh lam - Thắng cảnh ngày 04/4/1994;
Theo đề nghị của Sở Thương mại Du lịch
tại Công văn số 68/STMDL ngày 29/01/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm
thời một số nội dung đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ
tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ
ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các
Sở, Ngành: Thương mại Du lịch, Văn hóa - Thông tin, Tài nguyên - Môi trường, Tư
pháp, Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng
các Ban, Ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Tổng Cục Du lịch;
- Cục Kiểm tra Văn bản-Bộ Tư pháp;
- TT tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đ/c Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu VT, TH, TM1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Văn Chất
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
MỘT SỐ NỘI DUNG ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH DỊCH VỤ DU LỊCH
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2007
của UBND tỉnh)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy định này cụ thể các quyền lợi, nghĩa
vụ, những việc được phép làm và không được làm của các tổ chức, cá nhân kinh
doanh du lịch, dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du
lịch bao gồm: Cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, nhà hàng, các hộ kinh doanh tại
các quầy, ki ốt; chụp ảnh, xe lai, khuân vác hành lý và một số dịch vụ khác tại
các khu, điểm du lịch.
Chương 2
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ
THỂ
Mục 1: KINH DOANH LƯU
TRÚ DU LỊCH
Điều 3. Cơ sở kinh
doanh lưu trú du lịch
Cơ sở lưu trú du lịch trong quy định này
bao gồm:
Khách sạn; Biệt thự du lịch; Căn hộ du
lịch; Nhà nghỉ du lịch; Làng du lịch; Bãi cắm trại du lịch; Nhà ở có phòng trọ
cho thuê; Các cơ sở lưu trú khác.
Điều 4. Quy định về
xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch
1. Trong thời hạn 3 tháng kể từ khi bắt
đầu hoạt động kinh doanh, chủ cơ sở lưu trú phải gửi hồ sơ đăng ký hạng cơ sở
lưu trú du lịch đến Sở Thương mại - Du lịch Hà Tĩnh để tổ chức thẩm định, xếp
hạng cho cơ sở lưu trú du lịch theo quy định hiện hành và nộp phí thẩm định theo
quy định của pháp luật.
2. Hồ sơ đăng ký hạng du lịch bao gồm:
Theo quy định.
3. Tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú du
lịch được áp dụng theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
4. Khi được xếp hạng cơ sở lưu trú du
lịch, Chủ cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch chịu trách nhiệm bố trí đầy đủ nhân lực,
duy trì tiêu chuẩn của cơ sở theo đúng hạng đã được xếp. Sau 3 năm kể từ ngày
được xếp hạng, Chủ cơ sở lưu trú phải làm thủ tục gửi Sở Thương mại - Du lịch
để được thẩm định, xếp hạng lại cơ sở của mình phù hợp với thực trạng cơ sở vật
chất và dịch vụ hiện có.
Điều 5. Điều kiện
kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch
Tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu
trú du lịch phải có đầy đủ các điều kiện sau đây:
1. Các điều kiện chung bao gồm:
- Các công trình, hạng mục công trình xây dựng đảm bảo
đúng quy hoạch, tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất
lượng công trình, vệ sinh môi trường.
- Có đăng ký kinh doanh lưu trú du lịch;
- Có biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi
trường, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật đối với cơ sở lưu trú du
lịch.
2. Các điều kiện cụ thể bao gồm:
- Đối với khách sạn, làng du lịch phải đảm bảo yêu cầu
tối thiểu về trang thiết bị, dịch vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ
của người quản lý và nhân viên phục vụ theo tiêu chuẩn tương ứng đã được xếp
hạng;
- Đối với biệt thự du lịch và căn hộ du lịch phải đảm
bảo yêu cầu tối thiểu về trang thiết bị và mức độ phục vụ theo tiêu chuẩn xếp
hạng tương ứng đối với mỗi loại, hạng;
- Đối với các bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch,
nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, cơ sở lưu trú du lịch khác phải đảm bảo
trang thiết bị tối thiểu kinh doanh lưu trú du lịch.
Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của
các tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch
1. Có các quyền sau:
- Thuê tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quản lý,
điều hành và làm việc tại cơ sở lưu trú của mình.
- Từ chối hoặc hủy bỏ hợp đồng với khách hàng trong
trường hợp khách du lịch có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế
của cơ sở lưu trú, hay khi khách có yêu cầu vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở.
- Lựa chọn loại hình dịch vụ và sản phẩm hàng hóa không
trái với quy định của pháp luật để kinh doanh trong cơ sở lưu trú du lịch.
2. Nghĩa vụ:
- Tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến
hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch và kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký.
- Gắn biển tên, loại, hạng đã được công nhận và chỉ
được quảng cáo đúng với loại, hạng đã được công nhận.
- Niêm yết công khai giá cả hàng hóa, dịch vụ; nội quy,
quy chế cơ sở lưu trú bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài theo đúng quy định;
thông báo rõ với khách hàng về các chương trình khuyến mãi của cơ sở lưu trú
(nếu có).
- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an ninh trật
tự, phòng cháy, chữa cháy; các biện pháp nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ
sinh an toàn thực phẩm... đảm bảo sức khỏe, tính mạng, tài sản cho khách du lịch.
- Thực hiện nghiêm túc việc khai báo tạm trú cho khách
du lịch theo quy định của pháp luật
- Bồi thường thiệt hại cho khách du lịch khi lỗi do
mình gây ra.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ sổ sách kế toán, thống
kê, lưu trữ hồ sơ và chế độ báo cáo theo quy định hiện hành.
- Cán bộ điều hành và nhân viên phục vụ tại các khách
sạn, nhà nghỉ ngoài chứng chỉ, chứng nhận phù hợp với việc làm còn phải có
chứng nhận hoàn thành chương trình lớp tập huấn nâng cao nhận thức về văn hóa
ứng xử trong du lịch và chịu sự kiểm tra, sát hạch của cơ quan quản lý Nhà nước
có thẩm quyền.
Mục 2: ĐỐI VỚI NGƯỜI HÀNH NGHỀ
HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH
Điều 7. Quyền, nghĩa vụ của
người hành nghề hướng dẫn viên du lịch.
Những người hành nghề hướng dẫn du lịch phải có thẻ
hướng dẫn viên do cơ quan có thẩm quyền cấp.
1. Hướng dẫn viên có các quyền sau:
- Hướng dẫn cho khách du lịch theo nhiệm vụ được giao
hoặc theo hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành;
- Tham gia hiệp hội nghề nghiệp;
- Nhận lương, thù lao theo hợp đồng của đơn vị sử dụng;
- Tham gia thi tuyển, công nhận cấp bậc nghề nghiệp
hướng dẫn viên;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Hướng dẫn viên có các nghĩa vụ sau:
- Tuân thủ và hướng dẫn khách tuân thủ pháp luật của
Việt Nam, nội quy, quy chế nơi đến tham quan du lịch và tôn trọng phong tục tập
quán của địa phương;
- Thông tin về lịch trình, chương trình du lịch và các
quyền lợi hợp pháp khác của khách du lịch;
- Hướng dẫn khách tham quan theo đúng chương trình,
có tinh thần, thái độ văn minh, tận tình, chu đáo với khách;
- Có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn tính mạng,
tài sản của khách du lịch;
- Đeo thẻ hướng dẫn khi làm nhiệm vụ;
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp
luật.
Điều 8. Những điều hướng dẫn
viên du lịch không được làm:
- Cung cấp thông tin làm phương hại đến chủ quyền quốc
gia, an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội;
- Cho người khác mượn thẻ hướng dẫn viên;
- Có hành vi, lời nói ảnh hưởng xấu tới thuần phong
mỹ tục Việt Nam;
- Đưa khách du lịch đến những khu vực cấm;
- Thay đổi chương trình du lịch đã thông báo với khách
mà không được sự đồng ý của khách;
- Kiếm lợi bất chính đối với khách du lịch, nài ép khách
du lịch mua hàng hóa dịch vụ;
- Tùy tiện cắt giảm các tiêu chuẩn, dịch vụ của khách
du lịch;
- Phân biệt đối xử với khách du lịch.
Mục 3: ĐỐI VỚI VIỆC KINH DOANH,
DỊCH VỤ TẠI CÁC QUẦY, KI ỐT TẠI CÁC KHU, ĐIỂM DU LỊCH
Điều 9. Những quy định đối với
những cá nhân, tổ chức dịch vụ tại các quầy, ki ốt tại các khu, điểm du lịch
1. Thực hiện các thủ tục có liên quan đến hoạt động
kinh doanh, dịch vụ du lịch như: Đăng ký kinh doanh; vệ sinh môi trường, an ninh
trật tự, phòng cháy, chữa cháy; đăng ký, kê khai nộp thuế; đăng ký tạm trú; hợp
đồng lao động theo quy định của pháp luật. Có chứng nhận hoàn thành chương
trình lớp tập huấn nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử trong du lịch.
2. Xây dựng quầy, ki ốt đúng quy hoạch; đảm bảo diện
tích, chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, cảnh quan môi trường theo quy định của cơ
quan có thẩm quyền.
3. Treo biển hiệu giới thiệu quầy ốt. Có bảng giá
và bán đúng giá niêm yết, bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Khi bán hàng
phải đeo biển hiệu.
4. Sử dụng nước sạch phục vụ khách du lịch; không tự
ý khoan hay đào giếng khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, Các công
trình vệ sinh phải đảm bảo tiêu chuẩn quy định; chịu trách nhiệm vệ sinh khu
vực kiốt kinh doanh đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan khu du lịch
5. Thực hiện đầy đủ, đúng thời gian quy định các khoản
phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.
6. Đảm bảo an ninh trật tự xã hội, an toàn vệ sinh thực
phẩm. Có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử
lý các đối tượng có liên quan đến tệ nạn xã hội, gây rối...
Điều 10. Nghiêm cấm đối với
những người bán hàng tại các quầy ốt trong khu, điểm du lịch có các hành vi sau
1. Kinh doanh không đúng các mặt hàng, loại hình đã
đăng ký theo từng khu vực, địa điểm.
2. Tự ý nâng giá hàng hóa, dịch vụ; ép giá; bố trí người
đứng vẫy, chèo kéo hoặc có thái độ thiếu văn minh đối với khách.
3. Thải nước thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
4. Cơi nới, sử dụng quá diện tích đất cho phép. Thưng,
che chắn làm mất cảnh quan.
5. Môi giới, chứa chấp các tệ nạn: Mại dâm, cờ bạc và
các tệ nạn xã hội khác.
6. Gây rối, làm mất trật tự trị an...
7. Bán hàng không niêm yết giá hoặc bán không đúng với
giá đã niêm yết.
Mục 4: ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI BÁN
HÀNG RONG
Điều 11. Những quy định đối với
người bán hàng rong
Những người bán hàng rong tại các khu, điểm du lịch
phải có lý lịch rõ ràng, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú và phải
được Ban quản lý khu, điểm du lịch đồng ý mới được hành nghề và chỉ được bán
tại những nơi cho phép được bán. Khi hành nghề phải đeo biển trước ngực. Phải
có chứng nhận hoàn thành chương trình lớp tập huấn nâng cao nhận thức về văn
hóa ứng xử trong du lịch.
Điều 12. Nghiêm cấm những người
bán hàng rong có những hành vi sau
1. Bán hàng tại những nơi quy định không được bán; bán
những loại hàng kém chất lượng, hàng đã hết thời hạn sử dụng.
2. Vào các khách sạn, nhà nghỉ, các quầy ốt để bán hàng
khi chưa được sự đồng ý của bảo vệ hay của chủ các cơ sở lưu trú, quầy ốt.
3. Chèo kéo khách, có hành vi thiếu văn hóa đối với
khách du lịch.
4. Xả rác, nước thải bừa bãi làm mất vệ sinh, cảnh quan
môi trường.
Mục 5: ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HÀNH
NGHỀ CHỤP ẢNH
Điều 13. Những điều kiện đối
với người hành nghề chụp ảnh
1. Những người hành nghề chụp ảnh tại các khu, điểm
du lịch phải có lý lịch rõ ràng; có đơn xin hành nghề được chính quyền địa phương
sở tại hay Ban quản lý khu, điểm du lịch xác nhận.
2. Khi hành nghề chụp ảnh phải đeo biển hiệu và có đầy
đủ các giấy tờ kèm theo như: Chứng minh nhân dân, biên lai hộp thuế, phí và lệ
phí... Phải có chứng nhận hoàn thành chương trình lớp tập huấn nâng cao nhận thức
về văn hóa ứng xử trong du lịch.
Điều 14. Quyền lợi và nghĩa vụ
đối với người hành nghề chụp ảnh tại các khu, điểm du lịch
1. Quyền: Được cấp thẻ chụp ảnh sau khi làm đầy đủ mọi
thủ tục; được tập huấn và nghe phổ biến các quy định liên quan đối với nghề chụp
ảnh; được thành lập hội, hiệp hội hoặc tổ nhóm hành nghề chụp ảnh; thủ tục thành
lập theo quy định của pháp luật.
2. Có nghĩa vụ nộp thuế, phí và lệ phí theo quy định
hiện hành; trả ảnh cho khách đúng thời gian và địa điểm quy định. Phát hiện và
báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng những vụ việc, hiện tượng liên quan đến
an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Điều 15. Nghiêm cấm những người
chụp ảnh có các hành vi sau
1. Tranh giành khách, đeo bám, tự nâng giá, ép giá,
lôi kéo hoặc có những hành vi thiếu văn hóa đối với khách du lịch.
2. Ra vào các khách sạn, nhà nghỉ... khi chưa được sự
đồng ý của Chủ sở hữu hoặc bảo vệ.
3. Hành nghề khi chưa có đầy đủ các thủ tục quy định
tại mục 1, 2 Điều 13.
Mục 6: ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HÀNH
NGHỀ XE LAI
Điều 16. Những điều kiện đối
với người hành nghề xe lai
1. Những người hành nghề xe lai tại các khu, điểm du
lịch phải có lý lịch rõ ràng; có đơn xin hành nghề được chính quyền địa phương
hay Ban quản lý khu, điểm du lịch chấp nhận mới được hành nghề. Phải có chứng
nhận hoàn thành chương trình lớp tập huấn nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử
trong du lịch.
2. Khi hành nghề phải đeo biển hiệu, có đủ giấy tờ kèm
theo như: Chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy, giấy
phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm xe mô tô, xe máy. Phương tiện hành nghề
phải đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Quyền lợi và nghĩa vụ
đối với những người hành nghề xe lai
1. Được hành nghề, đưa đón khách du lịch; được cấp biển
hiệu sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết như đã quy định, được tập huấn và
nghe phổ biến các quy định có liên quan đến hành nghề xe lai.
2. Có nghĩa vụ nộp thuế, phí và lệ phí theo quy định
hiện hành. Đón trả khách đúng địa điểm quy định. Khi phát hiện tội phạm hay các
tệ nạn xã hội có trách nhiệm báo cáo kịp thời với cơ quan công an nơi gần nhất.
3. Thực hiện nghiêm chỉnh nội quy, quy chế các khu,
điểm du lịch. Tất cả các phương tiện xe lai phải đi đúng tuyến, đỗ đúng nơi và chở
đúng số người theo đúng quy định.
4. Những người hành nghề xe lai tại các khu, điểm du
lịch trên địa bàn Hà Tĩnh được phép thành lập hiệp hội hoặc tổ, nhóm hành nghề.
Thủ tục thành lập theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Nghiêm cấm những người
hành nghề xe lai có các hành vi sau đây
1. Đeo bám các loại ôtô, xe chở khách du lịch để
nài ép khách gây mất trật tự và tai nạn giao thông.
2. Tranh giành khách, ép giá hoặc có hành vi thiếu văn
hóa đối với khách du lịch.
3. Môi giới, lôi kéo, dụ dỗ khách du lịch tham gia các
hoạt động mà pháp luật không cho phép.
4. Dừng đón, trả khách trên lòng đường, cổng ra vào
cơ quan nhà nước.
5. Ra vào các khách sạn, nhà nghỉ khi chưa có sự đồng
ý của chủ sở hữu, bảo vệ.
6. Hành nghề khi chưa đầy đủ các thủ tục quy định ở
mục 1, 2 Điều 16.
Mục 7: ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI
KHUÂN VÁC, GÁNH HÀNG THUÊ
Điều 19. Những quy định đối với
người khuân vác, gánh hàng thuê
1. Có lý lịch rõ ràng, có xác nhận của chính quyền địa
phương nơi cư trú và phải được Ban quản lý các khu, điểm du lịch đồng ý mới được
hành nghề. Khi hành nghề phải đeo biển trước ngực. Phải có chứng nhận hoàn thành
chương trình lớp tập huấn nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử trong du lịch.
2. Bảo quản hàng hóa khách thuê khuân vác. Phát hiện
và báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng những vụ việc, những hiện tượng liên
quan đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
3. Giá cước khuân vác, gánh thuê theo quy định chung
của Ban quản lý hoặc theo sự thỏa thuận của du khách.
Điều 20. Nghiêm cấm những người
khuân vác, gánh hàng thuê có các hành vi sau đây
1. Tự ý nâng giá cước, chèo kéo, xin thêm tiền hoặc
có những hành vi thiếu văn hóa đối với khách du lịch.
2. Tham gia, môi giới các hoạt động liên quan đến an
ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Mục 8: ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HOẠT
ĐỘNG DỊCH VỤ VĂN HÓA TÂM LINH
Điều 21. Những quy định đối với
người hoạt động phục vụ dịch vụ văn hóa tâm linh tại các khu, điểm du lịch văn
hóa:
1. Những người phục vụ dịch vụ văn hóa tâm linh tại
các khu, điểm du lịch văn hóa trong toàn tỉnh Hà Tĩnh phải có lý lịch rõ ràng, được
Ban quản lý khu, điểm du lịch đồng ý mới được hành nghề. Chỉ được làm những
việc phù hợp với phong tục tập quán và ý nguyện của người Việt Nam.
2. Có chứng nhận hoàn thành chương trình lớp tập huấn
nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử trong du lịch. Khi hành nghề phải đeo biển.
Điều 22. Nghiêm cấm những người
phục vụ dịch vụ văn hóa tâm linh có các hành vi sau đây
1. Lợi dụng nghề nghiệp để tuyên truyền mê tín dị đoan,
đồng bóng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng
xấu đến bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam và của du khách nước ngoài khi
đang du lịch tại Việt Nam; tranh giành khách; phỉ báng, cãi cọ nhau trong khi
hành lễ làm mất trật tự, trị an khu vực và tạo tâm lý không tốt cho du khách.
2. Gợi ý để moi tiền du khách dưới danh nghĩa tiền công
đức...
Chương 3
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện
quy định này thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Xử lý vi phạm
Mọi hành vi vi phạm các điều khoản trong Quy định này,
tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 25. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các Ban
quản lý, các Chủ đầu tư các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh căn cứ vào tính
chất, quy mô các khu, điểm du lịch, các quy định của pháp luật và những nội
dung nêu tại Quy định này để xây dựng nội quy, quy chế hoạt động các khu, điểm
du lịch làm căn cứ quản lý các hoạt động du lịch, dịch vụ tại khu điểm du lịch do
mình quản lý.
2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND các
phường, xã, thị trấn, các Ban quản lý, các Chủ đầu tư, các cơ sở kinh doanh lưu
trú tại các khu, điểm du lịch triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung quy định
này. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung bản quy định này cho mọi người
và mọi đối tượng tham gia hoạt động dịch vụ tại các khu điểm du lịch. Tổ chức
và cá nhân vi phạm các nội dung nêu trên đều bị xử lý nghiêm theo quy định của
pháp luật.
3. Sở Thương mại - Du lịch Hà Tĩnh chủ trì phối hợp
với các Sở, Ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra
việc thực hiện Quy định này; hàng quý tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo
cáo UBND tỉnh (Kể cả những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi)./.