ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
08/2024/QĐ-UBND
|
Kiên Giang, ngày
05 tháng 3 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ KHU VỰC BẢO VỆ; KHU VỰC CẤM TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI;
CẤM GHI ÂM, GHI HÌNH, CHỤP ẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Bảo vệ bí mật
nhà nước ngày 15 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số
38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp
bảo đảm trật tự công cộng;
Căn cứ Nghị định số
37/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan
trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội
do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách
nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan; Nghị định số 39/2021/NĐ-CP ngày 30
tháng 3 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
37/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan
trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội
do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách
nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan;
Căn cứ Thông tư số
09/2005/TT-BCA ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thi
hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của
Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng;
Căn cứ Thông tư số
20/2010/TT-BCA ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi
tiết thi hành một số điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm
2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại
giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có
trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có
liên quan;
Căn cứ Thông tư số
28/2022/TT-BCA ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 20/2010/TT-BCA ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Bộ
trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số
37/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan
trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội
do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách
nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan;
Theo đề nghị của Giám đốc
Công an tỉnh tại Tờ trình số 52/TTr-CAT-ANCTNB ngày 26 tháng 02 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
1. Quyết định này quy định về
khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh
trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
2. Các nội dung liên quan đến
khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh
không được quy định tại Quyết định này được thực hiện theo các văn bản pháp luật
hiện hành.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân là người Việt Nam cư trú và hoạt động trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
2. Tổ chức, cá nhân người nước
ngoài đang cư trú, hoạt động trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, trừ trường hợp pháp
luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định
khác.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
1. Khu vực bảo vệ là khu
vực có giới hạn nhất định, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại
giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; khu vực đang xảy
ra thiên tai, dịch bệnh hoặc đang diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng do lực
lượng Công an, Quân đội và các lực lượng bảo vệ có trách nhiệm quản lý, kiểm
soát hoạt động của người, phương tiện nhằm duy trì an ninh, trật tự; phòng, chống
các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
2. Khu vực chứa bí mật nhà
nước là những khu vực đang lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật chứa bí mật nhà
nước hoặc những địa điểm tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung
bí mật nhà nước được người đứng đầu các cơ quan, tổ chức xác định là khu vực, địa
điểm chứa bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 4. Những
hành vi bị nghiêm cấm
1. Đối với khu vực bảo vệ,
nghiêm cấm các hành vi quy định tại Điều 5a Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23
tháng 4 năm 2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị,
kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát
nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ
chức có liên quan được bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 39/2021/NĐ-CP
ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ.
2. Đối với khu vực cấm tập
trung đông người, nghiêm cấm tập trung từ 05 người trở lên khi chưa được Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép; tập trung từ 05 người trở lên đã được cho phép
hoặc tập trung dưới 05 người nhưng có một trong các hành vi quy định tại khoản
2 Thông tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công an
hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3
năm 2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.
Điều 5. Khu
vực bảo vệ
1. Trụ sở các cơ quan
a) Tỉnh ủy Kiên Giang;
b) Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội
đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang;
c) Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên
Giang;
d) Kho bạc Nhà nước tỉnh Kiên
Giang;
đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Chi nhánh tỉnh Kiên Giang;
e) Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh Kiên Giang;
g) Trạm thu phát sóng quốc gia
Hòn Me;
2. Các khu vực khác:
a) Khu vực đang diễn ra các hội
nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước; nơi tổ chức các sự kiện
chính trị, văn hóa, đối ngoại, thể thao quan trọng của các cơ quan Đảng, Nhà nước,
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần bảo vệ
theo quy định của pháp luật;
b) Khu vực đang xảy ra những vụ
việc nghiêm trọng liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khu
vực xảy ra thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô lớn, đe dọa
nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
3. Phạm vi khu vực bảo vệ theo
khoản 1 Điều này là toàn bộ khuôn viên cơ quan, trụ sở, phía trước lối ra vào, vỉa
hè, lòng đường, lề đường tiếp giáp cơ quan, trụ sở và những khu vực quy định tại
khoản 2 Điều này.
Điều 6. Khu
vực cấm tập trung đông người
1. Không được tập trung từ 05
người trở lên nhằm mục đích đưa ra những yêu cầu hoặc kiến nghị về những vấn đề
có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức hoặc những vấn
đề có liên quan chung đến đời sống chính trị - xã hội, đến quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân khác mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép tại
các địa điểm sau:
a) Khu vực quy định tại Điều 5
Quyết định này;
b) Trụ sở Công an tỉnh và các
đơn vị trực thuộc; trụ sở Công an huyện, thành phố;
c) Trụ sở các cơ quan, đơn vị
trực thuộc Bộ Công an đóng trên địa bàn tỉnh;
d) Trụ sở Huyện, Thành ủy; trụ
sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố;
đ) Vỉa hè, lòng đường, quảng
trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc tại những nơi công
cộng khác.
2. Quy định tại khoản 1 Điều
này không áp dụng đối với các hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ
chức chính trị - xã hội tổ chức và các khu vực được bố trí tiếp công dân theo
quy định.
Điều 7. Các
trường hợp cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh
1. Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh
trong các khu vực sau:
a) Khu vực có chứa bí mật nhà
nước;
b) Khu vực có đặt biển báo “Khu
vực bảo vệ”; “Khu vực cấm tập trung đông người”;
c) Khu vực đang xảy ra các vụ
việc có ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và những
vấn đề khác cần phải giữ bí mật.
2. Trong trường hợp cần thiết,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh cho phép chủ thể là cán bộ,
chiến sỹ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức được ghi âm, ghi hình, chụp ảnh
tại các khu vực quy định tại khoản 1 Điều này và sử dụng dữ liệu ghi âm, ghi
hình, chụp ảnh để phục vụ công tác xử lý đối với hành vi vi phạm hoặc các hoạt
động công vụ được pháp luật cho phép.
3. Trường hợp các văn bản quy
phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên quy định cho phép ghi âm, ghi
hình, chụp ảnh tại các khu vực được quy định tại khoản 1 Điều này thì dữ liệu
ghi âm, ghi hình, chụp ảnh được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 8. Biển
báo “Khu vực bảo vệ”; “Khu vực cấm tập trung đông người”; “Cấm ghi âm, ghi
hình, chụp ảnh”
1. Các khu vực được xác định là
“Khu vực bảo vệ”; “Khu vực cấm tập trung đông người”; “Cấm ghi âm, ghi hình, chụp
ảnh” phải được đặt biển báo và nội quy bảo vệ do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản
lý khu vực đó quy định.
2. Đặt biển báo được thực hiện
như sau:
a) Biển báo “Khu vực bảo vệ”
đặt cố định tại các khu vực được quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định
này; đặt cố định hoặc tạm thời khi có yêu cầu bảo vệ tại các khu vực quy định tại
khoản 2 Điều 5 Quyết định này;
b) Biển báo “Khu vực cấm tập
trung đông người” đặt cố định hoặc tạm thời tại các khu vực bảo vệ quy định
tại khoản 1 Điều 6 Quyết định này khi có yêu cầu;
c) Biển báo “Cấm ghi âm, ghi
hình, chụp ảnh” đặt cố định hoặc tạm thời tại các khu vực quy định tại khoản
1 Điều 7 Quyết định này khi có yêu cầu;
d) Vị trí đặt biển báo do Thủ
trưởng cơ quan, đơn vị quản lý khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người;
cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh quyết định. Biển báo được đặt ở vị trí phù hợp,
không bị che khuất tầm nhìn và không gây cản trở giao thông.
3. Hiệu lực biển báo do Thủ trưởng
cơ quan, đơn vị quản lý quyết định; tùy thuộc vào phạm vi của khu vực bảo vệ;
khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.
4. Mẫu biển báo khu vực bảo vệ;
khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh thực hiện theo
Phụ lục kèm theo Quyết định này.
Điều 9. Áp
dụng các biện pháp đảm bảo an toàn tại các khu vực bảo vệ và đảm bảo trật tự
công cộng tại các khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh
1. Đối với các khu vực bảo vệ
quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định này, lực lượng Công an có trách nhiệm vũ
trang canh gác bảo vệ và thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 11 Thông tư số
20/2010/TT-BCA ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi
tiết thi hành một số điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm
2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại
giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có
trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên
quan.
2. Đối với các khu vực cấm tập
trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, khi xảy ra các hành vi nghiêm
cấm tại khoản 2 Điều 4 Quyết định này, lực lượng Công an đang trực tiếp thi
hành nhiệm vụ đảm bảo trật tự công cộng tại khu vực cấm tập trung đông người, cấm
ghi âm, ghi hình, chụp ảnh cần áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm 9.3,
9.4 và 9.5 khoản 9 Thông tư số 09/2005/TT- BCA ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Bộ
trưởng Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP
ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự
công cộng.
Trường hợp khi xảy ra các hoạt
động tập trung đông người trái phép theo quy định tại điểm 9.4 khoản 9 Thông tư
số 09/2005/TT-BCA ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn
thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của
Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng mà cần thiết sử dụng
vũ khí, công cụ hỗ trợ, xe phun nước, chó nghiệp vụ, chất gây cay (hơi, khói,
nước), quả nổ và các trang thiết bị, phương tiện đặc chủng khác thì phải xin ý
kiến của lãnh đạo có thẩm quyền quy định tại điểm 10.3 khoản 10 Thông tư số
09/2005/TT-BCA ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thi
hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của
Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.
Điều 10.
Trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố
1. Công an tỉnh
a) Căn cứ Quyết định này và quy
định của pháp luật hiện hành để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định cụ thể vị
trí đặt biển báo cố định hoặc tạm thời; mẫu biển báo “Khu vực bảo vệ”; “Khu vực
cấm tập trung đông người”; “Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh” và áp dụng các biện
pháp bảo đảm trật tự công cộng theo quy định của pháp luật;
b) Phối hợp với các cơ quan
liên quan lắp đặt các biển báo và xây dựng nội quy niêm yết công khai tại các
khu vực đã được xác định;
2. Cơ quan, đơn vị quy định tại
khoản 1, khoản 2 Điều 5 Quyết định này
a) Chủ trì, phối hợp với Công
an tỉnh tổ chức đặt biển báo “Khu vực bảo vệ”; “Khu vực cấm tập trung đông người”;
“Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh” theo quy định tại Điều 8 Quyết định này;
b) Xây dựng nội quy bảo vệ cụ
thể và niêm yết công khai trước cổng trụ sở của cơ quan, đơn vị; có lực lượng bảo
vệ chuyên trách đảm bảo việc thực hiện nội quy trong phạm vi do cơ quan, đơn vị
quản lý.
3. Thủ trưởng các cơ quan, ban,
ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo thẩm quyền,
chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh triển khai thực hiện
nghiêm túc Quyết định này; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Ủy
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể quần
chúng Nhân dân biết, thực hiện.
Điều 11. Tổ
chức thực hiện
1. Giao Giám đốc Công an tỉnh tổ
chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này; định kỳ
hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.
2. Trong trường hợp các văn bản
quy phạm pháp luật được dẫn chiếu áp dụng tại Quyết định này được sửa đổi, bổ
sung, thay thế thì thực hiện theo quy định của văn bản sửa đổi, bổ sung, thay
thế.
3. Trong quá trình tổ chức thực
hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá
nhân có liên quan phản ánh Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để xem xét,
quyết định.
Điều 12.
Điều khoản thi hành
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh; Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày 20 tháng 3 năm 2024./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lâm Minh Thành
|
PHỤ LỤC MẪU BIỂN BÁO
KHU VỰC BẢO VỆ; KHU VỰC CẤM TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI; CẤM GHI
ÂM, GHI HÌNH, CHỤP ẢNH
(Kèm theo Quyết định số 08/2024/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Kiên Giang)
1. Mẫu biển báo “Khu vực bảo
vệ”
Hình chữ nhật nằm ngang, có
kích thước 80cm x 60cm, được làm bằng vật liệu bền vững; chữ viết màu đen trên
nền biển màu trắng, có phản quang; in hoa, kiểu chữ đứng, đậm; cụm từ “KHU VỰC
BẢO VỆ” được viết bằng tiếng Việt ở một dòng trên, chiều cao hàng chữ là
12cm và tiếng Anh “PROTECTED AREA” ở một dòng dưới, chiều cao hàng chữ
là 10cm.
|
KHU VỰC BẢO VỆ
PROTECTED AREA
|
|
2. Mẫu biển báo “Khu vực cấm
tập trung đông người”
Hình chữ nhật nằm ngang, có kích
thước 80cm x 60cm, được làm bằng vật liệu bền vững; chữ viết màu đen trên nền
biển màu trắng, có phản quang; in hoa, kiểu chữ đứng, đậm; cụm từ “KHU VỰC CẤM
TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI” được viết bằng tiếng Việt ở hai dòng trên, chiều cao
hàng chữ là 12cm và tiếng Anh “NO GATHERING” ở một dòng dưới, chiều cao
hàng chữ là 10cm.
|
KHU VỰC CẤM
TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI
NO GATHERING
|
|
3. Mẫu biển báo “Cấm ghi âm,
ghi hình, chụp ảnh”
Hình chữ nhật nằm ngang, có
kích thước 80cm x 60cm, được làm bằng vật liệu bền vững; chữ viết màu đen trên
nền biển màu trắng, có phản quang; in hoa, kiểu chữ đứng, đậm; cụm từ “CẤM
GHI ÂM, GHI HÌNH, CHỤP ẢNH” được viết bằng tiếng Việt ở hai dòng trên, chiều
cao hàng chữ là 12cm và tiếng Anh “NO RECORDING FILMING, PHOTO - TAKING” ở
hai dòng dưới, chiều cao hàng chữ là 10cm.
|
CẤM GHI ÂM, GHI HÌNH, CHỤP ẢNH
NO RECORDING FILMING, PHOTO - TAKING
|
|