ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
04/2011/QĐ-UBND
|
Biên Hòa, ngày 20
tháng 01 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày
01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày
30/12/2008 và Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày
01/6/2007 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch tại Tờ trình số 567/TTr-SVHTTDL ngày 30 tháng 11 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý hoạt động
du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên
Hòa triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày
ký và thay thế Quyết định số 246/2005/QĐ.UBT ngày 24/01/2005 của UBND tỉnh.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các
huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa cùng các đơn vị liên quan có
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Huỳnh Thị Nga
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2011/QĐ-UBND ngày 20/01/2011 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy định này quy định về quản lý hoạt động du lịch,
tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản
lý Nhà nước có liên quan đến du lịch và các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức,
cá nhân nước ngoài (tổ chức, cá nhân) hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng
Nai.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư
có hoạt động liên quan đến du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Phương tiện vận chuyển khách du lịch được quy
định tại Quy định này là ô tô vận chuyển khách du lịch các loại.
2. Cơ sở hạ tầng du lịch: Các công trình hạ tầng
kỹ thuật được sử dụng phục vụ các hoạt động du lịch gồm: Hệ thống giao thông,
thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường.
Điều 4. Một số nguyên tắc
cơ bản trong quản lý hoạt động du lịch
1. Kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp
luật trong lĩnh vực du lịch.
2. Quản lý và khai thác tài nguyên du lịch hợp
lý để phát huy hiệu quả sử dụng và đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
3. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của
tài nguyên du lịch.
4. Thu hút khách du lịch đến địa phương.
5. Ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại
tài nguyên du lịch, môi trường du lịch.
6. Đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn
xã hội của địa phương.
Chương II
QUẢN LÝ KHU DU LỊCH, ĐIỂM
DU LỊCH
Điều 5. Quản lý xây dựng, kiến
trúc và khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật
1. Các dự án phát triển khu du lịch, điểm du lịch
mới phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án có diện
tích từ 10 ha trở lên; lập đề án bảo vệ môi trường đối với các dự án có diện
tích dưới 10 ha trước khi tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
2. Các dự án đầu tư phát triển khu du lịch, điểm
du lịch ngoài việc phải phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành du lịch, phù hợp
quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng phải đảm bảo
phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày dự án được
giới thiệu địa điểm đầu tư, chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư theo
quy định mà không làm thủ tục gia hạn hoặc có làm thủ tục gia hạn nhưng không
được cấp có thẩm quyền chấp nhận gia hạn thì văn bản thỏa thuận địa điểm không
còn hiệu lực.
4. Chủ đầu tư chỉ được phép xây dựng và hoạt động
sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Khi triển khai dự án, chủ đầu
tư phải tuân thủ các quy định của các cơ quan chuyên ngành và các cơ quan có
liên quan. Đồng thời, chủ đầu tư phải thường xuyên, định kỳ duy tu, bảo dưỡng
cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới công nghệ dịch vụ đảm bảo tương xứng với loại
hình và quy mô của khu du lịch, điểm du lịch. Việc điều chỉnh, bổ sung hoặc
thay đổi dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Chủ đầu tư phải báo cáo về tiến độ thực hiện
dự án định kỳ 06 tháng/lần về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp huyện (UBND
cấp huyện) nơi thực hiện dự án.
Điều 6. Công nhận khu du lịch,
điểm du lịch địa phương
1. Thẩm quyền công nhận khu du lịch, điểm du lịch
địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận khu du lịch,
điểm du lịch địa phương, theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Trình tự, thủ tục công nhận khu du lịch, điểm
du lịch.
a) Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư khu
du lịch, điểm du lịch hoặc được giao quản lý khai thác kinh doanh các khu du lịch,
điểm du lịch lập hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch, điểm du lịch gửi đến Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
b) Trong thời gian 20 ngày làm việc kể từ ngày
nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, thẩm định hồ sơ
trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận.
Trường hợp không đủ điều kiện công nhận khu du lịch,
điểm du lịch địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời bằng văn bản,
nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân quản lý khai thác khu du lịch, điểm du lịch
đó biết.
3. Hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch, điểm du
lịch địa phương.
a) Hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch gồm:
- Tờ trình đề nghị công nhận khu du lịch;
- Báo cáo quy hoạch chi tiết khu du lịch (tỷ lệ
1/500) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Bản sao các giấy tờ hợp lệ (báo cáo đánh giá
tác động môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy);
- Số lượng hồ sơ: 02 bộ.
b) Hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch gồm:
- Tờ trình đề nghị công nhận điểm du lịch;
- Bản thuyết minh về điểm du lịch đề nghị công
nhận;
- Bản sao các giấy tờ hợp lệ (báo cáo đánh giá
tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy
chữa cháy);
- Số lượng hồ sơ: 02 bộ.
Điều 7. Quản lý khu du lịch,
điểm du lịch
1. Khu du lịch, điểm du lịch phải thành lập Ban
Quản lý khu du lịch, điểm du lịch; trường hợp khu du lịch, điểm du lịch giao
cho doanh nghiệp là chủ đầu tư thì chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý khu du lịch,
điểm du lịch theo Quy định này và các quy định khác có liên quan.
2. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Ban
Quản lý khu du lịch trong phạm vi ranh giới hành chính của tỉnh; Chủ tịch UBND
tỉnh phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Ban Quản lý điểm
du lịch trong phạm vi hành chính của địa phương. Trường hợp điểm du lịch thuộc
ranh giới hành chính hai huyện trở lên, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập
Ban Quản lý điểm du lịch.
3. Ban Quản lý khu du lịch có trách nhiệm xây dựng
quy chế quản lý khu du lịch trình UBND cấp tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm
định của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý điểm du lịch có trách nhiệm
xây dựng quy chế quản lý điểm du lịch trình UBND cấp huyện phê duyệt theo phân
cấp sau khi có ý kiến thẩm định của phòng Văn hóa Thông tin cấp huyện có liên
quan.
4. Ban Quản lý khu du lịch, điểm du lịch có
trách nhiệm tổ chức quản lý tài nguyên du lịch, môi trường du lịch, quản lý đầu
tư, phát triển, quản lý sử dụng và khai thác cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ
tầng du lịch, các hoạt động kinh doanh dịch vụ, trật tự trị an và thực hiện các
nhiệm vụ khác theo phân cấp và quy chế khu du lịch, điểm du lịch.
5. Trường hợp khu du lịch, điểm du lịch gắn với
khu vực có tài nguyên du lịch tự nhiên hoặc di tích lịch sử - văn hóa đã có Ban
Quản lý chuyên ngành thì trong thành phần của Ban Quản lý khu du lịch, điểm du
lịch phải có đại diện của Ban Quản lý chuyên ngành để phối hợp giải quyết các vấn
đề trong quản lý và phát triển khu du lịch, điểm du lịch.
Điều 8. Tổ chức hoạt động
kinh doanh trong khu du lịch, điểm du lịch
1. Các hoạt động kinh doanh du lịch trong khu du
lịch, điểm du lịch phải thực hiện đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh, giấy
phép kinh doanh du lịch đối với ngành, nghề cần có giấy phép.
2. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du
lịch trong khu du lịch, điểm du lịch phải có đội ngũ nhân viên được đào tạo
chuyên môn nghiệp vụ và có sức khỏe phù hợp với từng vị trí công việc. Có trang
phục thống nhất, có bảng tên, được ký hợp đồng lao động theo Luật Lao động.
3. Phải có nhân viên y tế, tủ thuốc và phương tiện
phục vụ sơ cấp cứu ban đầu cho du khách, cán bộ công nhân viên khi gặp tai nạn
hay ốm đau.
4. Khu du lịch, điểm du lịch phải có sơ đồ hướng
dẫn và nội dung hoạt động của từng khu vực, có bản nội quy được viết rõ ràng và
đặt ở nơi dễ nhìn thấy.
5. Các điểm du lịch văn hóa, di tích lịch sử đã
xếp hạng có thu phí tham quan theo quy định; bảo tàng, vườn Quốc gia, khu bảo tồn
thiên nhiên, khu đa dạng sinh học phải có đội ngũ thuyết minh viên, có kiến thức,
am hiểu về điểm du lịch đó; các khu du lịch, điểm du lịch khác khuyến khích có
đội ngũ thuyết minh viên để phục vụ khách tham quan. Các thuyết minh viên phải
đeo thẻ khi làm nhiệm vụ.
6. Các khu du lịch, điểm du lịch có tổ chức dịch
vụ vui chơi giải trí dưới nước phải có nội quy hướng dẫn, áo phao, nhân viên cứu
nạn và phải mua bảo hiểm cho khách du lịch tính trong giá dịch vụ.
7. Phải có phương án phòng cháy chữa cháy và
trang bị đầy đủ các phương tiện phòng cháy chữa cháy đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ
thuật. Xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy và lực lượng bảo vệ nội bộ đáp ứng
yêu cầu phòng cháy và chữa cháy và đảm bảo an ninh trật tự trong khu du lịch,
điểm du lịch.
8. Hoạt động kinh doanh phải theo hướng dẫn, kiểm
tra của Ban Quản lý khu du lịch, điểm du lịch; cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch
có thẩm quyền.
9. Việc tổ chức khuyến mãi, quảng cáo thực hiện
theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 9. Thủ tục cấp thẻ thuyết
minh viên
1. Người được cấp thẻ thuyết minh viên phải có đủ
các điều kiện sau:
a) Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt
Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng
các chất gây nghiện;
c) Tốt nghiệp trung học phổ thông, có giấy chứng
nhận đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch do cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch
có thẩm quyền cấp.
2. Hồ sơ cấp thẻ thuyết minh viên:
a) Đơn đề nghị theo quy định;
b) Bản sao hợp lệ các giấy tờ liên quan được quy
định tại điểm c khoản 1 điều này;
c) Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền
cấp không quá 06 tháng tính từ thời điểm nộp hồ sơ;
d) Hai ảnh chân dung (4cm x 6cm) chụp trong thời
gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ
sơ hợp lệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm xem xét, cấp thẻ thuyết
minh viên cho người đề nghị; trường hợp từ chối thì phải trả lời cho người đề
nghị bằng văn bản nêu rõ lý do.
3. Hồ sơ đổi thẻ thuyết minh viên:
a) Đơn đề nghị theo quy định;
b) Bản sao thẻ thuyết minh viên đã hết hạn không
quá 30 ngày tính từ ngày nộp hồ sơ;
c) Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền
cấp không quá 06 tháng tính từ thời điểm nộp hồ sơ;
d) Hai ảnh chân dung (4cm x 6cm) chụp trong thời
gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ
sơ hợp lệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm xem xét, đổi thẻ thuyết
minh viên cho người đề nghị; trường hợp từ chối thì phải trả lời cho người đề
nghị bằng văn bản nêu rõ lý do.
4. Thẻ thuyết minh viên có thời hạn trong 03 năm
kể từ ngày cấp.
Điều 10. Bảo vệ môi trường
trong khu du lịch, điểm du lịch
1. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức,
cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch:
a) Xây dựng nội quy bảo vệ môi trường phù hợp với
đặc thù của khu du lịch, điểm du lịch và niêm yết tại lối vào và những nơi dễ
quan sát trong khu du lịch, điểm du lịch.
b) Đặt các thùng rác ở những vị trí thuận tiện
cho khách bỏ rác; thực hiện thu gom hoặc hợp đồng với các tổ chức, cá nhân khác
để thu gom rác trong khu du lịch, điểm du lịch và chuyển đến nơi xử lý.
c) Tùy theo quy mô của khu du lịch, điểm du lịch
phải có số lượng nhà vệ sinh phù hợp, đảm bảo sạch sẽ và an toàn cho du khách.
d) Kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức cá
nhân có hoạt động tại khu du lịch, điểm du lịch thực hiện các quy định về bảo vệ
môi trường.
e) Kịp thời phát hiện các hiện tượng ô nhiễm, sự
cố môi trường tại khu du lịch, điểm du lịch, thông báo ngay cho các cơ quan có
trách nhiệm, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa và khắc phục hậu quả
trong phạm vi khả năng.
2. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá
nhân hoạt động kinh doanh trong khu du lịch, điểm du lịch:
a) Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ
trong các khu du lịch, điểm du lịch không được có các hoạt động gây ảnh hưởng xấu
đến cảnh quan môi trường du lịch.
b) Thu gom, xử lý rác thải và tuân thủ các quy định
về bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý khu
du lịch, điểm du lịch.
c) Tham gia bảo vệ, tôn tạo môi trường du lịch,
phòng và chống ô nhiễm, các sự cố về môi trường trên địa bàn.
Chương III
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH
DOANH DU LỊCH
Điều 11. Quản lý kinh doanh
lữ hành, hướng dẫn viên du lịch
1. Giám đốc doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có
trách nhiệm:
a) Gửi hồ sơ đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hồ sơ của doanh nghiệp gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Thông báo thời điểm bắt đầu hoạt động kinh
doanh;
- Phương án kinh doanh lữ hành nội địa;
- Giấy xác nhận người điều hành hoạt động kinh
doanh lữ hành nội địa phải có thời gian ít nhất 03 năm hoạt động trong lĩnh vực
lữ hành.
- Giấy phép kinh doanh lữ hành Quốc tế (nếu doanh
nghiệp kinh doanh lữ hành Quốc tế).
b) Không sử dụng những người không có thẻ hướng
dẫn viên để hướng dẫn khách du lịch.
2. Trách nhiệm của hướng dẫn viên du lịch:
a) Không cho người khác mượn thẻ để hành nghề hướng
dẫn viên du lịch;
b) Phải đeo thẻ khi làm nhiệm vụ;
c) Trung thực, hòa nhã, tận tụy với khách;
d) Chấp hành và hướng dẫn khách tuân thủ các quy
định của pháp luật, nội quy của khu du lịch, điểm du lịch.
Điều 12. Quản lý hoạt động
cơ sở lưu trú du lịch
1. Hoạt động của cơ sở lưu trú du lịch được thực
hiện theo Luật Du lịch, Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ
và Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch.
2. Cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm:
a) Kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký kinh
doanh. Trong quá trình hoạt động phải bảo đảm và thường xuyên duy trì các điều
kiện, tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc đã được công nhận.
b) Thông báo về thời điểm bắt đầu kinh doanh bằng
văn bản về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt
động kinh doanh.
c) Trong thời hạn chậm nhất là 03 tháng kể từ
khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, chủ cơ sở phải đăng ký với Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch để được xem xét thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo
quy định.
d) Phải có tên riêng cho cơ sở lưu trú du lịch
không trùng lắp với cơ sở lưu trú khác trên địa bàn tỉnh. Cơ sở lưu trú du lịch
đã được công nhận xếp hạng phải gắn biển hiệu đúng với loại hạng đã được công
nhận tại cửa chính của cơ sở hoặc nơi dễ nhìn thấy tại khu vực tiếp tân theo mẫu
quy định thống nhất.
e) Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn
tính mạng, tài sản của khách lưu trú tại cơ sở; chấp hành nghiêm chỉnh quy định
về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường.
g) Thực hiện việc khai báo lưu trú cho khách
đúng với quy định hiện hành và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền tại địa
phương.
h) Phải có bản nội quy và công bố bản nội quy của
cơ sở bằng tiếng Việt Nam và bằng tiếng Anh đặt trong từng buồng ngủ.
i) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ sổ sách kế
toán, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về hoạt động kinh doanh và khách lưu trú tại cơ sở.
Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành của pháp luật.
k) Tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ
với các cơ quan hữu quan giữ gìn an ninh trật tự; ngăn chặn, phòng chống các tệ
nạn xã hội.
Điều 13. Quản lý kinh doanh
vận chuyển khách du lịch
Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du
lịch ngoài việc tuân thủ các quy định về kinh doanh vận chuyển khách. Bên cạnh
đó còn phải thực hiện các quy định sau:
1. Người điều khiển phương tiện và người phục vụ
trên phương tiện vận chuyển khách du lịch có chuyên môn, sức khỏe tốt, được bồi
dưỡng kiến thức về nghiệp vụ du lịch.
2. Có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, sức
khỏe và tài sản của khách du lịch trong quá trình vận chuyển; mua bảo hiểm hành
khách cho khách du lịch theo phương tiện vận chuyển.
3. Phương tiện vận chuyển khách du lịch từ 24 chỗ
ngồi trở lên phải được trang bị: Rèm chống nắng, bảng hướng dẫn lúc khẩn cấp,
búa đập cửa kính, tủ thuốc y tế, bình chữa cháy, thùng rác, dây đeo an toàn cho
tất cả các vị trí ngồi của khách du lịch và của tài xế, máy điều hòa hoạt động
tốt, ti vi, đầu đĩa, micro.
Điều 14. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh các dịch vụ khác
như dịch vụ ăn uống, giải khát, bán hàng lưu niệm, kinh doanh dịch vụ xông hơi,
xoa bóp, các dịch vụ về văn hóa, vui chơi giải trí và các hoạt động kinh doanh
khác nhằm phục vụ khách du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng trong cơ sở lưu trú du lịch,
khu du lịch, điểm du lịch thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của pháp
luật.
Điều 15. Quản lý giá dịch vụ
du lịch
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch
phải niêm yết giá công khai hàng hóa dịch vụ, cụ thể:
1. Cơ sở lưu trú du lịch: Phải niêm yết giá
phòng và giá các dịch vụ có trong cơ sở lưu trú (giặt là, cước điện thoại, cước
internet…) tại nơi dễ thấy tại khu vực tiếp tân.
2. Cơ sở kinh doanh ăn uống phải có thực đơn ghi
rõ giá cả theo thực đơn.
3. Niêm yết giá vé tham quan tại cổng nơi bán
vé.
4. Kinh doanh dịch vụ du lịch khác phải niêm yết
giá sản phẩm, dịch vụ du lịch tại điểm dễ thấy.
Điều 16. Chế độ báo cáo
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch thực hiện
chế độ báo cáo hoạt động kinh doanh định kỳ hoặc đột xuất đến Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch; phòng Văn hóa Thông tin có liên quan.
2. Phân cấp quản lý chế độ báo cáo thống kê.
a) Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch
dưới hình thức doanh nghiệp; chi nhánh doanh nghiệp, văn phòng đại diện, các cơ
sở lưu trú du lịch từ 01 đến 05 sao và hạng cao cấp gửi báo cáo thống kê du lịch
về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo thời gian quy định.
b) Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch không thuộc
quy định tại điểm a, khoản 2, điều này gửi báo cáo thống kê về phòng Văn hóa
Thông tin trước ngày 10 (tháng báo cáo). Phòng Văn hóa Thông tin tổng hợp báo
cáo về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15 (tháng báo cáo).
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ,
NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN TRONG QUẢN LÝ VỀ DU LỊCH
Điều 17. Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch
1. Phối hợp với các sở, ngành và các địa phương
triển khai việc xây dựng và quản lý quy hoạch tổng thể ngành du lịch, quy hoạch
chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch và các di tích lịch sử - văn hóa đưa vào
phục vụ du lịch;
2. Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND
cấp huyện hướng dẫn thi hành và kiểm tra, xử lý việc thực hiện theo quy định hiện
hành;
3. Phối hợp các sở, ngành và UBND cấp huyện thực
hiện quản lý Nhà nước thống nhất đối với các hoạt động kinh doanh khu du lịch,
điểm du lịch, của các tổ chức, cá nhân;
4. Nghiên cứu, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành các văn bản tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách nhằm đẩy
nhanh tốc độ phát triển du lịch ở địa phương, đặc biệt là trong các khu du lịch,
điểm du lịch nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh;
5. Phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa
phương để quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và sử dụng các công trình di tích
lịch sử - văn hóa đã được đưa vào hoạt động du lịch theo các quy định hiện hành
của Nhà nước;
6. Phối hợp với các cơ sở đào tạo về du lịch tổ
chức bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho những người điều khiển phương tiện và người
phục vụ khách du lịch, nghiệp vụ thuyết minh viên;
7. Phối hợp với Ban Quản lý các khu du lịch, điểm
du lịch có tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tổ chức tập huấn
về kỹ năng cứu hộ cho các nhân viên cứu hộ của khu du lịch, điểm du lịch.
Điều 18. Sở Kế hoạch và Đầu
tư
1. Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
trong việc lập quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh;
2. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và các
ngành liên quan trong việc tổ chức khảo sát thỏa thuận địa điểm, tham mưu điều
chỉnh bổ sung, gia hạn các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch; thẩm định hồ sơ
dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Điều 19. Sở Tài nguyên và
Môi trường
1. Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch và các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện triển khai thực hiện việc
xác định ranh giới tại thực địa và trên bản đồ các khu du lịch, điểm du lịch,
các di tích lịch sử - văn hóa làm cơ sở cho việc quản lý đất đai theo quy hoạch
và xây dựng kế hoạch sử dụng đất, lập thủ tục giao đất, cho thuê đất trình Ủy
ban nhân dân tỉnh phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện;
2. Phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp
huyện thường xuyên giám sát chất lượng môi trường tại các khu du lịch, điểm du
lịch để đề xuất các biện pháp bảo vệ tốt môi trường tại các khu du lịch, điểm
du lịch theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và Quy định này;
3. Hướng dẫn việc thực hiện báo cáo đánh giá tác
động môi trường đối với các dự án đầu tư khu du lịch, điểm du lịch;
4. Kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ
môi trường ở các khu du lịch, điểm du lịch và xử lý theo quy định.
Điều 20. Sở Xây dựng
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch, UBND cấp huyện trong việc quản lý Nhà nước về xây dựng các khu du lịch,
điểm du lịch theo thẩm quyền. Tham gia cùng các ngành, địa phương trong quá
trình xét duyệt quy hoạch và thẩm định dự án đầu tư các khu du lịch, điểm du lịch;
2. Phối hợp các ngành, các cấp xử lý vi phạm
hành chính về xây dựng theo thẩm quyền.
Điều 21. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
Theo dõi, quản lý các loài động vật hoang dã quý
hiếm ở các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Điều 22. Sở Y tế
Hướng dẫn các khu du lịch, điểm du lịch thực hiện
tốt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Phối hợp với các ngành liên quan kiểm
tra để có biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn cho khách du lịch.
Điều 23. Công an tỉnh
- Quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động
kinh doanh du lịch thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về trật tự, an toàn
xã hội;
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch, UBND các cấp trong công tác quản lý Nhà nước về an ninh trong hoạt động
du lịch; phát hiện, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động
du lịch theo pháp luật.
Điều 24. Sở Giao thông và Vận
tải
Hướng dẫn hỗ trợ các chủ đầu tư dự án du lịch có
liên quan đến hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy; cấp giấy phép kinh
doanh vận tải và biển hiệu xe vận chuyển khách du lịch theo quy định; phối hợp
kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh vận chuyển khách du lịch của
các tổ chức, cá nhân.
Điều 25. Trách nhiệm của
UBND cấp huyện
1. Quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện,
thành phố, thị xã theo thẩm quyền;
2. Phối hợp với các sở, ngành liên quan; chỉ đạo
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai và đề xuất giải quyết
theo thẩm quyền những vấn đề liên quan đến việc quản lý các khu du lịch, điểm
du lịch và các di tích lịch sử - văn hóa theo Quy định này.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 26. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với
các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quy định
này.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc;
các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân nhân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố
Biên Hòa kịp thời phản ánh về Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch thống nhất đề xuất
trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.