Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 03/2015/QĐ-UBND quản lý vùng hoạt động thể thao giải trí Ninh Thuận

Số hiệu: 03/2015/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
Ngày ban hành: 15/01/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2015/QĐ-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 15 tháng 01 năm 2015

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CÁC VÙNG HOẠT ĐỘNG THỂ THAO GIẢI TRÍ TRÊN BIỂN TẠI ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao số 77/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật biển Việt Nam số 18/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2007 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao;

Căn cứ Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo;

Căn cứ Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển;

Căn cứ Thông tư số 05/2007/TT-UBTDTT ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban Thể dục thể thao hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao;

Căn cứ Thông tư số 08/2011/TT-BVHTTDL ngày 29 tháng 6 năm 2011 Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 05/2007/TT-UBTDTT ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban Thể dục thể thao hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao;

Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động môtô nước trên biển;

Căn cứ Thông tư số 18/2011/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1734/TTr-SVHTTDL ngày 29 tháng 12 năm 2014 và Báo cáo thẩm định số 2055/BC-STP ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Sở Tư Pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý các vùng hoạt động thể thao giải trí trên biển tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận (gồm 3 chương, 15 điều).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ CÁC VÙNG HOẠT ĐỘNG THỂ THAO GIẢI TRÍ TRÊN BIỂN TẠI ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định việc quản lý đối với các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh các hoạt động thể thao giải trí trên biển tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tổ chức các loại hình kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí trên biển gồm các hoạt động: lặn biển, ca nô dù kéo, ca nô kéo diều, ca nô lướt ván, lướt ván buồm, lướt ván diều, lướt ván dù, dù lượn, môtô nước, thuyền buồm, thuyền kayak, tàu đáy kính và những hoạt động thể thao giải trí khác ở trên và dưới mặt nước biển.

2. Các hoạt động dưới hình thức tập luyện, thi đấu, biểu diễn, cứu hộ, cứu nạn được cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao của tỉnh cho phép (ngoài các hoạt động tại khoản 1 điều này) thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.

Điều 3. Những quy định chung

1. Hoạt động thể thao giải trí trên biển phải đảm bảo khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân.

2. Hoạt động thể thao giải trí trên biển phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến việc quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.

Chương II

QUẢN LÝ VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VÀ CÁC VÙNG HOẠT ĐỘNG THỂ THAO GIẢI TRÍ TRÊN BIỂN

Điều 4. Điều kiện kinh doanh

1. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí trên biển được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Thể dục, thể thao; Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Biển Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Điều kiện giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí trên biển:

- Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép hoặc quyết định cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển ở khu vực biển đề nghị giao;

- Khu vực biển đề nghị giao phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển hoặc quy hoạch ngành, địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ;

- Việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải được thể hiện bằng quyết định giao khu vực biển do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp;

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh các hoạt động thể thao giải trí trên biển chỉ được phép khai thác, sử dụng và tổ chức các hoạt động dịch vụ kinh doanh giải trí trong ranh giới, diện tích khu vực biển được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

3. Điều kiện hoạt động kinh doanh của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí trên biển gồm:

a) Điều kiện về giấy phép:

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

- Giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp.

- Đối với hộ gia đình và cá nhân kinh doanh có sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp;

b) Điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị:

- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với loại hình hoạt động.

- Phải có điểm giao dịch cố định, có bảng hiệu, nội quy hoạt động.

- Có phòng thay đồ, phòng gửi đồ, nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà để xe, tủ thuốc sơ cấp cứu phục vụ cho người tham gia hoạt động trên biển.

- Trang thiết bị lặn phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tham gia: phương tiện vận chuyển, áo chống lạnh, kính lặn, chân vịt, bình khí, bộ điều khí, áo phao, dây chì (đối với môn lặn biển).

- Hệ thống thông tin liên lạc phải đảm bảo yêu cầu từ trung tâm điều độ và cứu nạn đến các vùng hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý.

- Trang thiết bị tập luyện phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, không gây nguy hiểm và các biến đổi không tốt cho sự phát triển của cơ thể người tham gia.

- Các phương tiện ca nô, mô tô nước (jetsky), thuyền buồm, thuyền kayak, … (riêng đối với hoạt động lặn phải có dụng cụ máy nén khí, bình khí nén) khi đưa vào phục vụ cho hoạt động kinh doanh phải được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cấp giấy phép bao gồm:

+ Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đường thủy nội địa.

+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa do Sở Giao thông Vận tải cấp theo quy định.

+ Giấy chứng nhận bảo vệ môi trường đối với phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp theo quy định;

c) Điều kiện về nhân viên chuyên môn:

- Chủ cơ sở thể thao tổ chức hoạt động phải có người hướng dẫn chuyên môn, có chứng nhận trình độ chuyên ngành được cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế công nhận; bố trí nhân viên phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với loại phương tiện điều khiển theo quy định pháp luật hiện hành.

- Nhân viên cứu hộ, cứu nạn phải có giấy chứng nhận về khả năng bơi lội cứu hộ 400m trở lên do Tổng cục Thể dục Thể thao, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp.

- Nhân viên y tế có trình độ trung cấp y trở lên và được tập huấn sơ cứu, cấp cứu thông thường.

- Người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ, cứu nạn phải được khám sức khỏe theo quy định trước khi tham gia hoạt động và phải tái khám định kỳ 6 tháng một lần.

- Người tham gia lặn biển phải được kiểm tra sức khỏe và mua bảo hiểm trước khi tham gia lặn biển;

d) Riêng đối với loại hình mô tô nước thì điều kiện hoạt động kinh doanh phải tuân thủ theo đúng Thông tư số 17/2010/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động môtô nước trên biển.

Điều 5. Điều kiện về khu vực hoạt động, phao neo và cờ

1. Về khu vực hoạt động.

- Khu vực hoạt động khoảng cách từ mép nước của bờ biển đến giới hạn ngoài của vùng hoạt động tối đa là 650m, đến giới hạn trong của vùng hoạt động tối thiểu là 60m, các phương tiện không được vào khu vực tắm biển, luồng, tuyến tàu thuyền thường xuyên qua lại. Riêng đối với môn lặn biển khi tổ chức hoạt động chỉ được phép tổ chức trong phạm vi khu vực hoạt động đã được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan chức năng xác định;

- Đường phân luồng ra vào có chiều rộng là 10m, dùng cờ để xác định ranh giới;

- Phải lắp đặt hệ thống phao neo hoặc cờ neo được định vị để phân biệt khu vực hoạt động;

- Các phương tiện thể thao giải trí không được hoạt động ở khu vực có luồng, tuyến tàu thường xuyên đi lại, các khu vực bảo tồn rạng san hô, khu vực ranh giới nhà máy điện hạt nhân (xã Phước Dinh), các cảng cá (bến cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải) và các khu vực bãi tắm tối thiểu là 200m;

- Đối với hoạt động ca nô kéo dù, lướt ván diều: chiều cao tính từ mặt nước biển đến đỉnh cao nhất của dù, diều không quá 25m, phải chú ý đến phạm vị an toàn hàng không.

2. Về phao neo và cờ.

a) Phao neo, cờ có màu sắc tương phản với màu nước và cảnh quan môi trường để dễ quan sát, phù hợp theo Quy tắc báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam (22TCN 269-2000) ban hành theo Quyết định số 4099/2000/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Bộ Giao thông Vận tải.

Chất liệu được sử dụng làm phao neo phải là các chất liệu không gây ô nhiễm môi trường biển;

b) Phao neo, cờ có kích thước như sau:

- Đường kính phao tiêu ít nhất là 30cm, kích thước cờ từ 30x40cm trở lên;

- Khoảng cách giữa các cờ hoặc phao tiêu không quá 10m.

Điều 6. Vùng hoạt động thể thao giải trí trên biển

Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh các hoạt động thể thao giải trí trên biển tại tỉnh Ninh Thuận chỉ được phép khai thác và tổ chức các hoạt động thể thao giải trí trên biển trong ranh giới, diện tích khu vực biển được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật tại các bãi tắm biển sau:

1. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm:

Khu vực bãi tắm biển Bình Sơn - Ninh Chử: có không gian từ resort Long Thuận đến khách sạn Sài Gòn Ninh Chử, chiều dài bãi biển khoảng 3.000m.

Loại hình được phép tổ chức, khai thác: ca nô dù kéo, ca nô kéo diều, ca nô lướt ván, lướt ván buồm, lướt ván diều, lướt ván dù, dù lượn, môtô nước, thuyền buồm, thuyền kayak và những hoạt động thể thao giải trí khác ở trên và dưới mặt nước biển.

2. Huyện Thuận Nam:

- Khu vực bãi biển xã Phước Dinh: có không gian từ Vũng Tròn, thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam đến Mũi Dinh, thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; có chiều dài bãi biển khoảng 6.000m.

Loại hình được phép tổ chức, khai thác: lướt ván buồm, lướt ván diều, lướt ván dù, dù lượn, thuyền buồm và những hoạt động thể thao giải trí khác (không sử dụng động cơ) ở trên và dưới mặt nước biển.

Không cho phép tổ chức hoạt động môtô nước và các hoạt động kinh doanh có sử dụng động cơ (dưới bất kỳ hình thức nào).

- Khu vực bãi biển Cà Ná: có không gian từ khách sạn Hòn Cò đến khách sạn Mai Linh; chiều dài bãi biển khoảng 1.000m (khu vực có nhiều bãi đá ngầm).

Loại hình được phép tổ chức, khai thác: lặn biển, tàu đáy kính xem san hô.

Không cho phép tổ chức hoạt động thể thao giải trí ở trên và dưới mặt nước biển ngoài hai hoạt động được cho phép trên.

3. Huyện Ninh Hải:

- Khu vực bãi biển xã Thanh Hải - Vĩnh Hải: có không gian từ Mũi Thị, thôn Mỹ Hòa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải đến Hòn Đỏ, thôn Mỹ Hiệp, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; có chiều dài bãi biển khoảng 2.000m.

Loại hình được phép tổ chức, khai thác: lướt ván buồm, lướt ván diều, lướt ván dù, dù lượn, thuyền buồm và những hoạt động thể thao giải trí khác (không sử dụng động cơ) ở trên và dưới mặt nước biển.

Không cho phép sử dụng hoạt động môtô nước và các hoạt động kinh doanh có sử dụng động cơ (dưới bất kỳ hình thức nào).

- Khu vực xã Vĩnh Hải – huyện Ninh Hải: có không gian từ vịnh Vĩnh Hy đến khu vực Bãi Kinh, có chiều dài bãi biển khoảng 8.500m.

Loại hình được phép tổ chức, khai thác: lặn biển, ca nô dù kéo, ca nô kéo diều, ca nô lướt ván, lướt ván buồm, lướt ván diều, lướt ván dù, dù lượn, môtô nước, thuyền buồm, thuyền kayak, tàu đáy kính và những hoạt động thể thao giải trí khác ở trên và dưới mặt nước biển.

Các khu vực bãi biển trên nằm trong Khu bảo tồn biển Núi Chúa, thuộc phạm vi bảo tồn thiên nhiên của Vườn quốc gia Núi Chúa. Vì vậy, mọi hoạt động thể thao giải trí trên biển tại khu vực nêu trên bắt buộc phải tuân thủ theo Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và chịu sự hướng dẫn, giám sát của Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa.

4. Huyện Thuận Bắc:

Khu vực bãi tắm biển Bình Tiên, huyện Thuận Bắc: có chiều dài bãi biển khoảng 2.000m.

Loại hình được phép tổ chức, khai thác: ca nô dù kéo, ca nô kéo diều, ca nô lướt ván, lướt ván buồm, lướt ván diều, lướt ván dù, dù lượn, môtô nước, thuyền buồm, thuyền kayak và những hoạt động thể thao giải trí khác ở trên và dưới mặt nước biển.

Điều 7. Thông tin cứu nạn

1. Về thông tin liên lạc: hệ thống thông tin liên lạc phải đảm bảo được yêu cầu liên lạc từ trung tâm điều độ và cứu nạn đến các vùng hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của doanh nghiệp. Thiết bị thông tin phải đảm bảo yêu cầu hoạt động ở môi trường tiếp xúc với nước. Thông tin phải được kiểm tra, cho phép của Trung tâm kiểm tra tần số khu vực.

2. Về công tác an toàn cứu nạn:

a) Đối với chủ phương tiện và phương tiện:

- Phải mua bảo hiểm cho khách du lịch.

- Chủ phương tiện phải lập phương án cứu nạn theo quy định, tại các điểm hoạt động thể thao giải trí trên biển phải có bảng nội quy hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn cho khách.

- Chỉ được phép khai thác phương tiện đúng tính năng, công dụng và chỉ được phép hoạt động trong vùng, luồng, tuyến đã được quy định. Đối với loại hình môtô nước sử dụng cứu hộ hoạt động trong vùng không cho phép phải đăng ký với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc Ban quản lý khu du lịch và phải được đánh dấu phương tiện theo quy định.

- Không tổ chức và để các phương tiện hoạt động trong vùng có người tắm và cắt ngang luồng, tuyến của các phương tiện thủy khác.

- Đối với tàu hoạt động lặn có khí tài khi có người lặn dưới nước phải treo cờ hiệu theo quy định quốc tế.

- Cơ sở thể thao phải có trạm quan sát đảm bảo quan sát toàn bộ vùng hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ sở.

- Cơ sở thể thao phải có ca nô cứu hộ, phao cứu sinh, áo phao theo quy định.

- Cơ sở thể thao có trách nhiệm nhắc nhở các du khách tham gia các hoạt động thể thao trên biển cần lưu ý các biển báo an toàn nơi có nhiều rạn san hô và vùng nước xoáy.

- Phải bố trí nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế thường trực và có phương án khắc phục sự cố, tai nạn xảy ra.

- Nghiêm cấm tổ chức các hoạt động thể thao trên trong điều kiện thời tiết bất lợi như: sấm sét, mưa bão, giông gió;

b) Đối với người quản lý điều hành phương tiện: người quản lý điều hành các phương tiện quy định tại khoản 1 Điều 2 phải hướng dẫn khách sử dụng thành thạo, có áo phao cứu sinh trước khi cho khách tham gia các hoạt động thể thao giải trí trên biển và phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của khách.

Điều 8. Đối với khu vực kinh doanh của doanh nghiệp phải có bảng nội quy

- Người không biết bơi, có bệnh về tim mạch, huyết áp, hô hấp không được tham gia vào các hoạt động thể thao giải trí trên biển;

- Không được uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi tham gia các hoạt động thể thao giải trí trên biển;

- Không được điều khiển các phương tiện ra khỏi vùng hoạt động cho phép đã có cờ, phao neo;

- Người tham gia hoạt động thể thao trên biển phải mặc áo phao và phải được hướng dẫn sử dụng thành thạo phao cứu sinh;

- Những người không biết sử dụng hoặc sử dụng không thành thạo môtô nước phải có huấn luyện viên hoặc hướng dẫn viên đi kèm để hướng dẫn, hỗ trợ;

- Người tắm biển, người đang hoạt động trên biển không được vào vùng có phương tiện hoạt động và đu bám hệ thống cờ, phao neo giới hạn an toàn (trừ nhân viên đang thừa hành nhiệm vụ và thực hiện công tác cứu nạn trên biển và người đang thi hành nhiệm vụ theo quy định của pháp luật).

Điều 9. Quốc phòng - an ninh

Các phương tiện hoạt động thể thao giải trí trên biển phải thực hiện tốt các quy định sau đây:

1. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh thể thao giải trí trong khu vực biên giới biển phải xuất trình những giấy tờ liên quan trực tiếp đến hoạt động của người điều khiển và phương tiện với đồn, trạm kiểm soát Biên phòng và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng theo quy định tại Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển.

2. Không được hoạt động ngoài phạm vi luồng, tuyến đã quy định và các khu vực có biển cấm.

3. Trước khi tổ chức hoạt động phải phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan chức năng để có kế hoạch khảo sát xác định khu vực đăng ký hoạt động.

Điều 10. Bảo vệ môi trường

1. Nghiêm cấm các hành vi có thể gây tổn hại đến môi trường.

2. Quản lý ô nhiễm dầu thải, rác thải:

a) Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí trên biển phải chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường trong phạm vi được giao; phải thực hiện các biện pháp quản lý chất thải, tiếng ồn; hướng dẫn, nhắc nhở mọi người thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường;

b) Các phương tiện thể thao giải trí trên biển không được thải nước làm mát động cơ có nồng độ dầu vượt quá 5mg/lít (theo TCVN 5945:2005). Không được thải hoặc làm rơi vãi xăng, dầu, dầu thải xuống biển. Dầu phải được lưu trữ và vận chuyển một cách an toàn đến hệ thống tiếp nhận tại các khu vực được quy định. Các bến neo đậu bắt buộc phải có hệ thống thu hồi dầu thải từ các phương tiện khi hoạt động trên biển. Vị trí cửa ra vào của mỗi bến bãi neo đậu phương tiện phải các nhau ít nhất là 250m; cửa ra vào bến bãi neo đậu của phương tiện phải có chiều rộng tối thiểu là 6m;

c) Đối với phương tiện chở khách đi lặn, du lịch phải trang bị các thiết bị vệ sinh và các dụng cụ chứa đựng rác thải. Rác thải được tập trung và xử lý đúng quy định.

Điều 11. Bảo vệ rạn san hô và các tài nguyên sinh vật biển

1. Không được thả neo các phương tiện thể thao giải trí trên biển tại các vùng có rạn san hô; phương tiện phải buộc vào các phao neo tàu.

2. Không được khai thác, phá hoại, di chuyển, mua bán, tàng trữ san hô sống và chết dưới bất cứ hình thức nào.

Điều 12. Thuê lao động người nước ngoài

1. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí trên biển sử dụng lao động người nước ngoài phải đến Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) để được hướng dẫn và làm thủ tục theo quy định của pháp luật.

2. Khi được các cơ quan chức năng liên quan cho phép, trước khi làm việc phải đăng ký danh sách với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 13. Thời gian hoạt động vui chơi giải trí trên biển

Để đảm bảo môi trường và an toàn cho người, tài sản khi tham gia vui chơi giải trí trên biển, thuận tiện cho việc quản lý và xử lý các vi phạm, các hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí trên biển được hoạt động từ 5h00 đến 18h00 hàng ngày.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của các sở, ban ngành thuộc tỉnh

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện quy định này; phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các Ban quản lý khu du lịch (nếu có); Ban quản lý khu bảo tồn biển (nếu có) và phòng Văn hóa thông tin các huyện, thành phố quy định vùng khai thác tại các bãi tắm biển;

b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh tổ chức hoạt động kinh doanh thể thao giải trí trên biển bảo đảm theo đúng quy định;

c) Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo tình hình cho Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về giao, sử dụng khu vực biển trên địa bàn tỉnh; giải quyết các tranh chấp về sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí trên biển.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các hoạt động du lịch sinh thái theo Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

4. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận phương tiện thủy nội địa theo Thông tư số 21/2011/TT-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ Giao thông Vận tải về quy định đăng ký phương tiện thủy nội địa.

5. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Thuận và các cơ quan truyền thông có kế hoạch thông báo rộng rãi nội dung Quy định này trên các phương tiện thông tin đại chúng như các website, trên các ấn phẩm, báo chí, truyền hình, … gắn với các địa điểm được phép khai thác các hoạt động thể thao giải trí trên biển.

6. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh có trách nhiệm tuần tra, kiểm soát người, phương tiện hoạt động kinh doanh thể thao giải trí trên biển bảo đảm theo đúng quy định.

7. Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các vấn đề hoạt động kinh doanh các hoạt động thể thao giải trí trên biển trong phân khu được giao quản lý theo quy định Nhà nước.

8. Ban quản lý các khu du lịch (nếu có), Ban quản lý các khu bảo tồn (nếu có), Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương trực thuộc có trách nhiệm cắm mốc vị trí bến, bãi neo đậu cho các phương tiện thể thao giải trí trên biển theo quy định của pháp luật. Các phương tiện thể thao giải trí trên biển chỉ được phép neo đậu ở những nơi đã được cho phép.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quy định này đến Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc.

2. Thực hiện việc cắm mốc vị trí bến, bãi đậu cho các phương tiện thể thao giải trí theo quy định của pháp luật.

3. Chỉ đạo và chủ trì triển khai, tổ chức thực hiện quy định này, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung đề nghị các đơn vị, tổ chức và cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 03/2015/QĐ-UBND ngày 15/01/2015 về Quy định quản lý vùng hoạt động thể thao giải trí trên biển tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.600

DMCA.com Protection Status
IP: 18.222.184.162
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!