HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 28/2022/NQ-HĐND
|
Nghệ
An, ngày 09 tháng 12 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN
VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ
sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Xét Tờ trình số 9242/TTr-UBND ngày
22 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa
- Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy
định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn
hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi chung là di tích) được xếp hạng và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các di tích đã được cấp có thẩm
quyền xếp hạng (cấp tỉnh, cấp Quốc gia, cấp Quốc gia đặc biệt); không bao gồm
các di tích: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Khu lưu niệm Phan
Bội Châu, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Khu di tích lịch sử Truông
Bồn.
b) Các di sản văn hóa phi vật thể đã
được đưa vào danh mục cấp Quốc gia.
c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Điều 2. Nguyên tắc
hỗ trợ
1. Việc thực hiện chính sách đảm bảo
tính công khai, công bằng, minh bạch, đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả và theo
đúng quy định của pháp luật.
2. Việc thực hiện chính sách nhằm bảo
tồn và phát huy giá trị di tích, các di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát
triển du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Trong trường hợp cùng một nội dung
hỗ trợ và cùng một đối tượng thụ hưởng được quy định tại nhiều chính sách thì đối
tượng thụ hưởng chỉ được lựa chọn một chính sách.
Điều 3. Hỗ trợ
cho người trông coi tại các di tích đã được xếp hạng
1. Điều kiện hỗ trợ
a) Người trực tiếp trông coi tại các
di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An được Ban/Tổ quản lý di tích hoặc
thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý các di tích có văn bản phân công nhiệm vụ.
b) Đối với các thành viên của Ban/Tổ
quản lý di tích đã được hưởng lương từ ngân sách thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm
tại di tích và các di tích có hợp đồng lao động thực hiện chi trả lương từ nguồn
thu công đức của di tích thì không thuộc đối tượng được hưởng chính sách này.
2. Mức hỗ trợ
a) Đối với di tích xếp hạng cấp Quốc
gia đặc biệt: 3.000.000 đồng/di tích/tháng.
b) Đối với di tích xếp hạng cấp Quốc
gia: 1.000.000 đồng/di tích/tháng.
c) Đối với di tích xếp hạng cấp tỉnh:
500.000 đồng/di tích/tháng.
d) Đối với các di tích có từ 02 địa điểm
trở lên thì mỗi địa điểm được áp dụng mức hỗ trợ theo quy định tại điểm a, b, c
khoản này.
Điều 4. Hỗ trợ tổ
chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích
1. Điều kiện hỗ trợ
a) Di tích được cấp có thẩm quyền quyết
định xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh.
b) Có kế hoạch tổ chức lễ đón nhận bằng
xếp hạng được cấp có thẩm quyền phê duyệt kèm theo dự trù kinh phí.
2. Mức hỗ trợ
a) Đối với di tích xếp hạng cấp Quốc
gia: 30.000.000 đồng/di tích.
b) Đối với di tích xếp hạng cấp tỉnh: 20.000.000 đồng/di tích.
Điều 5. Hỗ trợ
kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích đã được xếp hạng
1. Điều kiện và nguyên tắc hỗ trợ
a) Các di tích đã được cấp có thẩm
quyền quyết định xếp hạng (cấp Quốc gia, cấp tỉnh) đang xuống cấp nghiêm trọng
thì được xem xét hỗ trợ tu bổ, tôn tạo. Nội dung các hạng mục thực hiện tu bổ,
tôn tạo phải phù hợp với quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp
có thẩm quyền phê duyệt.
b) Ưu tiên hỗ trợ tu bổ, tôn tạo các
di tích lịch sử cách mạng quan trọng; di tích lưu niệm danh nhân tiêu biểu; di tích
kiến trúc nghệ thuật có giá trị đặc biệt, nổi bật; di tích khảo cổ; các di tích
có tiềm năng phát huy giá trị, khai thác phát triển du lịch.
c) Căn cứ nhu cầu thực tế và các quy
định hiện hành có liên quan để thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích.
d) Các di tích được bố trí kinh phí
thực hiện dự án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi từ nguồn đầu tư công trung hạn
không thuộc đối tượng được hưởng chính sách này.
2. Mức hỗ trợ
a) Nhóm các di tích xếp hạng cấp Quốc
gia thuộc quyền sở hữu của cộng đồng; di tích lịch sử cách mạng; di tích lưu niệm
danh nhân; di tích là đình, đền; di tích khảo cổ xếp hạng cấp tỉnh: không quá
05 tỷ đồng/di tích.
b) Nhóm các di tích xếp hạng cấp tỉnh
thuộc quyền sở hữu cộng đồng (trừ nhóm di tích được quy định
tại điểm a khoản này): không quá 03 tỷ đồng/di tích.
c) Nhóm các di tích thuộc quyền sở hữu
tài sản của cá nhân, gia đình, dòng tộc (từ đường, nhà thờ họ) và các di tích
khác không thuộc quy định tại điểm a, b khoản này: không quá 01 tỷ đồng/di
tích.
Điều 6. Hỗ trợ đối
với công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể
1. Điều kiện hỗ trợ
a) Các di sản văn hóa đã được cấp có
thẩm quyền quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
b) Có chương trình, kế hoạch, đề án bảo
tồn, phát huy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ nghiên cứu, thực hiện phục
hồi các trình thức, lễ nghi, không gian đã mai một; hoàn thiện trình thức, kịch
bản tổ chức, thực hành di sản và thực hiện tuyên truyền quảng bá về di sản văn
hóa phi vật thể là: 700.000.000 đồng/di sản.
b) Hỗ trợ tập huấn cho các nghệ nhân, người thực hành di sản và mua sắm trang thiết bị
phục vụ thực hành di sản là: 500.000.000 đồng/di sản.
Điều 7. Nguồn
kinh phí thực hiện
1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ.
2. Đối với chính sách quy định tại Điều
5 Nghị quyết này, tổng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trong giai đoạn 2023 -
2027 là 50 tỷ đồng.
Điều 8. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức
thực hiện nghị quyết này.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân
tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Điều 9. Điều khoản
thi hành
1. Bãi bỏ cụm từ
“chi trả phụ cấp bảo vệ khu di tích, văn hóa” tại gạch đầu dòng thứ 2 tiết c điểm
3.2 khoản 3 Điều 5 Quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán
chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, ổn định đến năm 2025 trên địa
bàn tỉnh Nghệ An ban hành kèm theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng
12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Nghệ An Khoá XVIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 09 tháng 12 năm
2022 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 hết hiệu lực đến ngày 31 tháng
12 năm 2027./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ: Tài chính, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra
VBQPPL);
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Website http://dbndnghean.vn;
- Lưu: VT.
|
CHỦ
TỊCH
Thái Thanh Quý
|