HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 19/NQ-HĐND
|
Bình Phước, ngày 07 tháng
12 năm 2016
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC ĐẶT TÊN QUẢNG TRƯỜNG
TỈNH
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ BA
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định
số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế
đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;
Căn cứ Thông tư
số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông
tin hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và
công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng
7 năm 2005 của Chính phủ;
Xét Tờ trình số
81/TTr-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm
tra số 33/BC-HĐND-VHXH ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Ban văn hóa - xã hội Hội đồng
nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ
họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua việc đặt tên Quảng trường tỉnh là Quảng trường 23 tháng
3 tại thị xã Đồng Xoài (Có bảng mô tả kèm theo).
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện; giao Thường trực Hội
đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.
Nghị quyết này
đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa IX, kỳ họp thứ ba thông qua ngày
07 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực, kể từ ngày thông qua./.
Nơi
nhận:
- Ủy
ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- VPQH, VPCP, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính;
- TU, TTHDND, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã;
- LĐVP, Phòng Tổng hợp;
- Lưu: VT.
|
CHỦ
TỊCH
Trần Tuệ Hiền
|
BẢNG MÔ TẢ
QUẢNG TRƯỜNG TỈNH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày
07 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước)
1. Tên gọi
Quảng trường 23
tháng 3.
2. Địa điểm
Trung tâm hành
chính tỉnh Bình Phước (Quốc lộ 14, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình
Phước).
3. Ý nghĩa ngày
23 tháng 3
Tên gọi tỉnh
Bình Phước có từ ngày 30 tháng 01 năm 1971, khi Trung ương Cục miền Nam ra Nghị
quyết sáp nhập hai tỉnh Bình Long, Phước Long thành một đơn vị trực thuộc Trung
ương Cục. Bình Phước là một trọng điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước đầy gian khổ và hy sinh anh dũng của nhân dân ta.
Tỉnh Bình Phước có nhiều địa phương được giải phóng trước ngày giải phóng
miền Nam, thống nhất đất nước nhưng tỉnh ta chưa xác định được ngày giải phóng.
Ngày 15 tháng 4 năm 2015, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các nhân
chứng lịch sử, của các nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh để xác định
ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Từ kết quả Hội nghị, ngày 21 tháng 4 năm 2015,
tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiên cứu, thảo luận nghiêm túc với tinh thần
khách quan, khoa học, trách nhiệm với lịch sử. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đi đến
thống nhất chọn ngày 23 tháng 3 năm 1975 ngày giải phóng quận An Lộc - trung
tâm hành chính của tỉnh Bình Long làm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước với các
lý do sau đây:
Thứ nhất, về
nguyên tắc:
- Nguyên tắc đầu
tiên: cần phải được tôn trọng và xem xét theo quan điểm lịch sử cụ thể, có
nghĩa là phải xem xét vấn đề gắn với bối cảnh lịch sử ở thời điểm xảy ra sự kiện.
Trong trường hợp này, chúng ta phải ghi nhận cơ cấu tổ chức hành chính và vị thế
của các địa phương trong tỉnh Bình Phước ngày nay đúng như hiện trạng ở giai đoạn
1972 - 1975, tức là ở từng thời điểm được giải phóng, chỉ có 2 quận Phước Bình
và An Lộc là Tỉnh lỵ (trung tâm hành chính) của 2 tỉnh Phước Long và Bình Long.
Các quận còn lại như Bù Đăng, Bù Đốp, Lộc Ninh, Chơn Thành, kể cả quận Đôn Luân
(thị xã Đồng Xoài ngày nay) đều là quận nhỏ không phải là trung tâm hành chính
của tỉnh lúc bấy giờ.
- Nguyên tắc thứ
hai: để chọn một ngày có tính chất đại diện cho một chuỗi sự kiện, bao giờ cũng
phải lấy ngày diễn ra sự kiện tại trung tâm chính trị - hành chính, nơi đặt bộ
máy chính quyền đầu não của đất nước hoặc địa phương.
Nếu tuân thủ các
nguyên tắc trên và đối chiếu với tình hình thực tế ở 2 tỉnh Phước Long và Bình
Long lúc đó thì chỉ có 2 ngày được chọn là ngày 06 tháng 01 năm 1975 ngày giải
phóng Phước Bình, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Phước Long và ngày 23 tháng 3 năm
1975 ngày giải phóng An Lộc trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Bình Long.
Thứ hai: ngoài
các nguyên tắc trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn căn cứ vào các tiêu chí sau đây
để xác định ngày giải phóng của tỉnh Bình Phước:
1. Ngày giải
phóng là ngày diễn ra tại trung tâm chính trị - hành chính, nơi đặt bộ máy
chính quyền đầu não của đối phương đã sụp đổ toàn diện về chính trị, quân sự,
kinh tế, văn hóa xã hội.
2. Sự kiện này
phải nằm trong chuỗi sự kiện của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm
1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Như vậy, ngày 06
tháng 01 năm 1975 giải phóng tỉnh Phước Long là “Trận trinh sát chiến lược” rất
quan trọng đối với địa phương và với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng lại
không liên quan trực tiếp và không nằm trong chuỗi sự kiện của cuộc tổng tiến
công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, vì cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng
hoàn toàn miền Nam được chính thức bắt đầu từ ngày 04 tháng 3 năm 1975 với chiến
dịch Tây Nguyên, mặt khác lúc đó ngày 06 tháng 01 năm 1975 giải phóng Phước
Long thì mới chỉ là giải phóng một nửa tỉnh Bình Phước ngày nay. Do vậy, nếu chọn
ngày 06 tháng 01 năm 1975 là ngày giải phóng tỉnh Bình Phước thì chưa đầy đủ ý nghĩa
và các tiêu chí, nguyên tắc.
Chính vì vậy,
ngày 23 tháng 3 năm 1975 giải phóng An Lộc, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Bình
Long là sự kiện đã đáp ứng đầy đủ và trọn vẹn các nguyên tắc và tiêu chí để chọn
ngày giải phóng tỉnh Bình Phước.
Ngoài ra, về mặt
thực tế các tỉnh và thành phố ở miền Nam thường chọn ngày giải phóng của tỉnh
là ngày mà địa phương nơi trung tâm tỉnh hiện nay được giải phóng. Nhưng riêng
tỉnh Bình Phước chúng ta lại có đặc điểm khác hẳn, vì trung tâm tỉnh hiện nay không
phải đặt tại Phước Long hoặc Bình Long, mà tại Đồng Xoài (tức trung tâm quận
Đôn Luân trước đây đã được giải phóng vào ngày 26 tháng 12 năm 1974). Vì vậy,
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn ngày 23 tháng 3 năm 1975 giải phóng An Lộc, trung
tâm tỉnh lỵ Bình Long vì lúc này toàn bộ chính quyền đầu não của 2 tỉnh Phước
Long - Bình Long đã sụp đổ, hầu hết đất đai, dân số ở các địa phương thuộc tỉnh
Bình Phước hiện nay đã được giải phóng. Tóm lại, chọn ngày 23 tháng 3 năm 1975
là ngày giải phóng tỉnh Bình Phước là khách quan, khoa học và đầy đủ ý nghĩa nhất.
Tại lễ kỷ niệm
40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức
vào ngày 24 tháng 4 năm 2015; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chính thức thông báo với toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân trong tỉnh và người Bình Phước ở ngoài tỉnh: Ngày giải phóng tỉnh
Bình Phước là ngày 23 tháng 3 năm 1975.
Ngày giải phóng
tỉnh Bình Phước 23 tháng 3 năm 1975 mãi mãi là một trang chói lọi nhất của lịch
sử tỉnh Bình Phước anh hùng. Đây là ngày để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh
Bình Phước tổ chức các hoạt động kỷ niệm, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu
nước, đoàn kết xây dựng tỉnh Bình Phước ngày càng giàu đẹp, văn minh; tôn vinh,
thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh, đóng
góp to lớn cho độc lập, hòa bình và sự phát triển của tỉnh.
4. Mô tả
Quảng trường nằm
ở vị trí thuận lợi trong khu trung tâm hành chính tỉnh; phía trước Tỉnh ủy, Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với hệ thống
đường giao thông, cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ và nằm trong khu đông dân cư.
Ngày 08 tháng 11
năm 2001, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã quyết định xây dựng công trình
công viên quảng trường tỉnh Bình Phước và đến quý III/2003 thì hoàn thành các hạng
mục cuối cùng và chính thức đưa vào sử dụng Quảng trường tỉnh. Với tổng diện
tích chiếm hữu 31.961,07m2, bao gồm các hạng mục như: Đường nội bộ,
thảm cỏ, cây xanh, hàng rào bảo vệ, cấp nước, hệ thống chiếu sáng và trang trí
(kèm theo Bảng vẽ mặt bằng tổng thể).
5. Sinh hoạt văn
hóa liên quan đến quảng trường
Quảng trường tỉnh
trong thời gian qua là nơi quảng bá, chia sẻ thông tin kinh tế - chính trị của
tỉnh; là cửa ngõ giao thương, nơi xuất phát các hoạt động giao lưu văn hóa; với
các cuộc diễu hành, các sự kiện kinh tế - chính trị của tỉnh.
Bên cạnh đó, hàng
năm, nhân các sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh, Quảng trường là nơi
thường xuyên tổ chức các loại hình lễ hội như: Lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch
(Lễ hội Quả Điều vàng Việt Nam - Bình Phước năm 2010); Lễ hội lịch sử, cách mạng
(Lễ kỷ niệm 10 năm, 15 năm ngày tái lập tỉnh Bình Phước); Lễ hội dân gian (Lễ hội
Giao thừa được tổ chức hàng năm). Qua đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của
nhân dân, tạo bề nổi cho bộ mặt của tỉnh Bình Phước. Đồng thời, nơi đây đã trở
thành biểu tượng của trung tâm thị xã Đồng Xoài nói riêng và tỉnh Bình Phước
nói chung.
6. Kết luận
Với ý nghĩa quan
trọng và các giá trị tiêu biểu của quảng trường, Hội đồng nhân dân tỉnh thống
nhất đặt tên là Quảng trường 23 tháng 3 (phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh
Bình Phước).