HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
189/2009/NQ-HĐND
|
Việt Trì, ngày 24
tháng 07 năm 2009
|
NGHỊ QUYẾT
V/V
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TỈNH PHÚ THỌ GIAI
ĐOẠN 2009 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BẢY
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Dân số số 06/2003/PL-UBTVQH11, ngày
09 tháng 01 năm 2003; Pháp lệnh số 08/2008/UBTVQH12 ngày 27 tháng 12 năm 2008
sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số;
Căn cứ Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 4 tháng 8 năm
2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số - Kế hoạch
hóa gia đình và một số giải pháp cấp bách;
Sau khi xem xét Tờ trình số 1922/TTr-UBND ngày 6 tháng
7 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về
việc đề nghị phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số - Kế hoạch hóa
gia đình tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2009 - 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa -
Xã hội và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ
Điều 1. Tán thành thông qua Đề án tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số
- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2009 - 2015. Hội đồng nhân dân
tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng quát
Thực hiện gia đình ít con, mỗi cặp vợ chồng chỉ có một
hoặc hai con, khỏe mạnh tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý để có cuộc
sống ấm no hạnh phúc. Nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực
chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời
đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần vào sự phát triển nhanh
và bền vững của đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
- Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh hàng năm bình
quân từ 0,15‰ đến 2‰ để đảm bảo quy mô dân số, cơ cấu dân số phù hợp với sự
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vào năm 2015.
- Nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ
và tinh thần.
3. Các chỉ tiêu cơ bản đến năm 2015
- Dân số của tỉnh không vượt quá 1.450 nghìn người;
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,92%;
- Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên dưới 5%;
- Tỷ lệ số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng
các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 80%;
- Tỷ lệ giới tính khi sinh dưới 110 nam/100 nữ;
- Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức trung bình
của cả nước.
II. Nhiệm vụ và các giải pháp
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy
Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, thực hiện hiệu quả việc quản lý Nhà
nước đối với công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
Lồng ghép chỉ tiêu về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
(DS-KHHGĐ) trong hoạch định chính sách và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
các huyện, thành, thị ban hành nghị quyết chuyên đề, đề án, kế hoạch tiếp tục
đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2009 - 2015. Đưa công tác DS-KHHGĐ thành
nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động, coi đây là tiêu chuẩn để đánh
giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, của người đứng đầu chính
quyền; tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức; là căn cứ
để xem xét đề bạt, bổ nhiệm, đề cử vào các chức vụ lãnh đạo của các cấp chính
quyền, các tổ chức chính trị - xã hội.
Xử lý nghiêm cán bộ, công chức viên chức vi phạm chính
sách DS-KHHG. Xây dựng, ban hành hệ thống chính sách DS-KHHGĐ của tỉnh nhằm cụ
thể hóa chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với địa phương.
2. Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, vận
động và giáo dục thay đổi hành vi
Triển khai đồng bộ trên cả diện rộng và chiều sâu các
hoạt động truyền thông, vận động và giáo dục thay đổi hành vi nhằm làm chuyển
biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong toàn xã hội; tạo môi
trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực và dư luận xã hội ủng hộ thực hiện
mục tiêu: Mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con; quan tâm đến chăm sóc sức
khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số, góp phần ngăn chặn hành vi lựa chọn
giới tính thai nhi khi sinh.
Nâng cao chất lượng giáo dục dân số, sức khỏe sinh
sản, kế hoạch hóa gia đình; giới và giới tính cho các đối tượng thanh, thiếu
niên trong và ngoài nhà trường. Cung cấp kiến thức, tạo nhận thức và hành vi
đứng đắn, xây dựng kỹ năng sống phù hợp cho vị thành niên, thanh niên để đáp
ứng yêu cầu của cuộc sống và giữ gìn bản sắc dân tộc.
Hướng dẫn bổ sung đưa nội dung DS-KHHGĐ vào hương ước,
quy ước của làng, xã nhằm tạo dư luận xã hội ủng hộ việc thực hiện KHHGĐ, ổn
định quy mô và nâng cao chất lượng dân số.
3. Tiếp tục kiện toàn, củng cố và hoàn thiện hệ thống
tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ ở các cấp
UBND các cấp thành lập Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ
do lãnh đạo UBND trực tiếp phụ trách.
Kiện toàn bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ các cấp, chú
trọng bộ máy cấp cơ sở theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ
quản lý và chuyên môn cho cán bộ, nhất là cán bộ tuyến cơ sở.
4. Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe
sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số
Củng cố và phát triển màng lưới dịch vụ chăm sóc sức
khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ). Đảm bảo tính sẵn có của
dịch vụ CSSKSS cơ bản, thiết yếu tại 100% số trạm y tế xã vào năm 2010; dịch vụ
CSSKSS toàn diện 100% các bệnh viện đa khoa huyện vào năm 2012. Triển khai các
mô hình cung ứng dịch vụ thích hợp với từng địa phương, tập trung vào vùng khó
khăn, vùng sâu, vùng xa. Phát huy hiệu quả các đội cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ
lưu động. Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp tránh thai ở cả 2 kênh: Miễn phí
và tiếp thị xã hội. Hàng năm tổ chức các chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận
động lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và
vùng khó khăn.
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em,
góp phần nâng cao chất lượng dân số. Đảm bảo 98% phụ nữ có thai được quản lý
thai nghén; 98% phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế; 99,5% phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đỡ; 98%
phụ nữ đẻ được chăm sóc sau sinh. Nâng cao chất lượng và lồng ghép hiệu quả chương
trình tiêm chủng mở rộng, duy trì tỷ lệ 99,5% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng
đầy đủ; phấn đấu 99,5% phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván đủ liều và được
bổ sung vi chất dinh dưỡng. Khuyến khích việc nghiên cứu và ứng dụng y học cổ
truyền trong CSSKSS/KHHGĐ. Huy động y tế tư nhân và cộng đồng tham gia vào việc
chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Nhân rộng mô hình kiểm tra sức khỏe và tư vấn
tiền hôn nhân cho vị thành niên, thanh niên từ 15 đến 24 tuổi. Đến năm 2015 có
13/13 huyện, thành, thị và 30% số xã triển khai thực hiện mô hình.
5. Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, dữ liệu
về dân cư
Nâng cấp kho dữ liệu dân cư, bổ sung hệ thống máy chủ,
máy trạm và mạng tin học; đến năm 2010 tiến hành kết nối và truyền dữ liệu trên
Internet bằng đường truyền băng thông rộng giữa kho dữ liệu điện tử của huyện
với tỉnh và Trung ương.
6. Đầu tư nguồn lực và xã hội hóa công tác
DS-KHHGĐ
Kinh phí đầu tư cho chương trình DS-KHHGĐ gồm 3 nguồn:
Chương trình mục tiêu của Trung ương, ngân sách của tỉnh và huy động đóng góp
cộng đồng, tranh thủ sự viện trợ của quốc tế. Đảm bảo mức đầu tư cho công tác
DS-KHHGĐ đến năm 2010 đạt 10.000 đồng/người/năm. Trong đó: 70% từ ngân sách
Trung ương, 30% từ ngân sách tỉnh, huyện, xã và huy động đóng góp cộng đồng,
tranh thủ sự viện trợ của Quốc tế.
Hàng năm bố trí ngân sách của tỉnh để thực hiện Nghị
quyết 18/1998/NQ-HĐND-KXIV ngày 17 tháng 7 năm 1998 của HĐND tỉnh về một số quy
định chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình và hỗ trợ thực hiện các nội dung
và hoạt động của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Tăng cường xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ nhằm huy động
sức mạnh của toàn xã hội tham gia thực hiện chương trình. Huy động sự đóng góp
của các cá nhân, cộng đồng, các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ triển khai
công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân
dân tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện nghị quyết;
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ
khóa XVI, kỳ họp thứ mười bảy thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2009.