HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/2021/NQ-HĐND
|
Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HỖ TRỢ, ĐÓNG GÓP TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC
ĐƯỜNG GÓP PHẦN NÂNG CAO TẦM VÓC TRẺ EM MẪU GIÁO VÀ HỌC SINH TIỂU HỌC TRÊN ĐỊA
BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ HAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Thực hiện Quyết định số 641/QĐ-TTg
ngày 28 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 -
2030;
Thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ ngày 31 tháng 12 năm 2017 về việc ban hành
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Thực hiện Quyết định số 41/QĐ-TTg
ngày 08 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường
hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự
phòng bệnh ung thư, tim
mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn
2018 - 2025”;
Thực hiện Thông tư số
31/2019/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2019 của Bộ Y tế về việc Quy định yêu cầu đối
với sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường;
Xét Tờ trình số 137/TTr-UBND ngày
23 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách
thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp
phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội cho đến khi Đề án
tổng thể về sức khỏe học
đường cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt;
báo cáo thẩm tra số 39/BC-HĐND ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Ban Văn hóa - Xã hội; báo cáo giải trình, tiếp thu số
252/BC-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố; ý kiến thảo
luận và kết quả biểu quyết của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành
quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp tiếp tục thực hiện Chương trình Sữa học đường
góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn
thành phố Hà Nội, cụ thể như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định cơ chế hỗ trợ,
đóng góp tiếp tục thực hiện Chương trình Sữa học đường góp phần nâng cao tầm
vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội cho đến
khi Đề án tổng thể về sức khỏe học đường cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến
năm 2030 được Chính phủ phê duyệt.
2. Đối tượng áp dụng
Trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học
đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội và phụ huynh
của các đối tượng này; doanh nghiệp cung cấp sữa và các tổ chức, cá nhân liên
quan.
3. Thời gian, định mức thụ hưởng
Thời gian thụ hưởng: Từ năm học 2021
- 2022 cho đến khi Đề án tổng thể về sức khỏe học đường cho giai đoạn
2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt.
Định mức thụ hưởng: Trẻ em mẫu giáo
và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 05 lần/tuần của 9 tháng đi học theo
khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (mỗi ngày uống một
lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.
4. Cơ chế hỗ trợ, đóng góp
a) Mức hỗ trợ, đóng góp
Ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp
cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%.
Riêng đối với trẻ em mẫu giáo và học
sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo (theo quy định chuẩn
hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND Thành phố ban hành), học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách
theo quy định của Nhà nước1: Ngân sách hỗ trợ
50%; doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.
b) Thời gian hỗ trợ: Thực hiện như thời
gian thụ hưởng.
c) Nguồn kinh phí thực hiện cơ chế hỗ
trợ từ ngân sách:
Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh
tiểu học học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo: Ngân
sách Thành phố đảm bảo kinh phí hỗ trợ.
Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh
tiểu học học tại các cơ sở giáo dục còn lại trên địa bàn Thành phố: Kinh phí thực
hiện do ngân sách quận, huyện, thị xã đảm bảo theo phân cấp ngân sách.
Riêng năm 2021:
Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh
tiểu học học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo: Ngân
sách Thành phố đảm bảo kinh phí hỗ trợ.
Đối với 12 quận (Ba Đình, Bắc Từ
Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ,
Thanh Xuân, Nam Từ Liêm): Ngân sách quận đảm bảo kinh
phí
Đối với 18 huyện, thị xã (Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai,
Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa): ngân sách Thành phố bổ sung kinh phí
để thực hiện hỗ trợ (nguồn điều hành tập trung tại Quyết định số 5568/QĐ-UBND
ngày 9/12/2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố).
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố
a) Tổ chức thực hiện Nghị quyết, chỉ
đạo làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết đến các tầng lớp nhân
dân, phụ huynh học sinh và học sinh trên địa bàn, đồng thuận và tự nguyện tham
gia Chương trình sữa học đường; phân công rõ trách nhiệm đối với các sở, ngành,
các đơn vị có liên quan để việc tiếp tục triển khai Chương trình sữa học đường
trên địa bàn Thành phố đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng quy định và mang lại
hiệu quả cao.
b) Rà soát, đề nghị Hội đồng nhân
dân, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, quyết định việc sửa đổi,
bổ sung các quy định theo thẩm quyền khi Trung ương ban hành cơ chế chính sách
mới liên quan.
c) Chỉ đạo việc tổ chức lựa chọn các
đơn vị cung ứng sữa đúng quy định của pháp luật. Chất lượng sữa các doanh nghiệp
cung cấp phải đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế.
d) Công khai cơ chế hỗ trợ, đóng góp;
tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý chặt chẽ các nguồn lực thực hiện Chương
trình Sữa học đường.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân,
các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân
Thành phố giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động tạo
sự đồng thuận trong nhân dân và tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị
quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân thành phố Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ Hai thông qua ngày 23 tháng 9 năm
2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 10 năm 2021./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc
hội;
- Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu thuộc UBTV Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Y tế, Tư pháp, Lao động - Thương
binh và Xã hội;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường Trực: HĐND, UBND, UBMTTQ Thành phố;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội;
- Đại biểu HĐND Thành phố;
- VP TU, các Ban Đảng TU;
- Các Ban HĐND Thành phố;
- VP Đoàn ĐBQH&HĐND; VP UBND Thành phố;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- TT HĐND, UBND quận, huyện, thị xã;
- Công báo Thành phố, Cổng GTĐT Thành phố;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Tuấn
|
1 Thân
nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14
ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách
mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân
(có hiệu lực từ 01/7/2021); trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học không có nguồn
nuôi dưỡng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày
15/3/2020 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội
đối với đối tượng bảo trợ xã hội (có hiệu lực từ 01/7/2021); trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học là con của hạ sĩ
quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ cỏ thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định tại Khoản
2 Điều 6 Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số
chế độ, chính sách đối với hạ sỹ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và
thân nhân của hạ sỹ quan, binh sĩ tại ngũ); trẻ em mẫu giáo khuyết tật và học
sinh khuyết tật theo Điều 85 Luật số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về
Giáo dục.Trong quá trình thực hiện khi có văn bản sửa đổi
bổ sung hay thay thế các văn bản trích yếu thì sẽ được thực
hiện theo văn bản mới ban hành.