CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/2017/NĐ-CP
|
Hà Nội,
ngày tháng
năm 2017
|
DỰ THẢO
|
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH PHÁP LỆNH QUY ĐỊNH
DANH HIỆU VINH DỰ NHÀ NƯỚC"BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG"
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26
tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng
ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua,
khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự
Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" ngày 29 tháng 8 năm 1994; Pháp lệnh
sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước
"Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ngày 20 tháng 10 năm 2012;
Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công với
cách mạng ngày 29 tháng 6 năm 2005; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ngày 16 tháng 7 năm 2012;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết
và biện pháp thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt
Nam anh hùng” và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định
danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn về đối tượng, chế độ
ưu đãi, hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà
nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Điều 2. Đối
tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam
anh hùng”
1. Những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng
hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà
mẹ Việt Nam anh hùng”:
a) Có 2 con trở lên là liệt sỹ;
b) Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh suy giảm
khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ;
d) Có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ;
đ) Có 1 con là liệt sỹ và bản thân là thương binh suy giảm
khả năng lao động từ 81% trở lên.
- Người con là
liệt sỹ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”, bao
gồm con đẻ; con nuôi theo quy định của pháp luật hoặc được gia đình liệt sỹ
thừa nhận.
Trường
hợp liệt sỹ là con của chồng sau mà bà mẹ có công nuôi dưỡng (01 liệt sỹ
hoặc 02 liệt sỹ), bà mẹ đó đã được hưởng trợ cấp tiền tuất của liệt sỹ, thì bà
mẹ được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh
hùng” nếu có đủ điều kiện; trường hợp bà mẹ có công nuôi dưỡng liệt sỹ nhưng đã
chết trước khi người con đó được công nhận liệt sỹ, thì vẫn được xem xét, giải
quyết theo quy định.
Trường hợp liệt
sỹ là con đẻ đồng thời là con nuôi thì xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự
Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ nếu đủ điều kiện.
Trường hợp liệt
sỹ là con của bà mẹ này lại là chồng của bà mẹ khác thì xét tặng hoặc truy tặng
danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ nếu có đủ
điều kiện.
Trường hợp liệt
sỹ là con đẻ của bà mẹ có nhiều con, nhưng những người con khác đều đã chết trước
khi liệt sỹ tham gia cách mạng, thì bà mẹ được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu
vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
- Người
chồng là liệt sỹ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi
công” mà bà mẹ là vợ của người đó (kể cả trường hợp bà mẹ đó đã lấy chồng
khác).
- Trường hợp bà
mẹ có chồng là liệt sỹ, sau khi đi lấy chồng khác vẫn có trách nhiệm chăm sóc bố
mẹ của liệt sỹ và nuôi con của liệt sỹ đến tuổi trưởng thành hoặc vì thực hiện
nhiệm vụ hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc bố, mẹ, con của liệt
sỹ, thì bà mẹ đó vẫn được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước
“Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, nếu có đủ điều kiện.
Trường
hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ địch nhưng bà mẹ chấp hành đường lối,
chính sách của Đảng và Nhà nước; được quần chúng nhân dân đồng thuận thì
vẫn được xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam
anh hùng”.
- Thương binh quy định tại Điểm b, Điểm đ Khoản 1 Điều này là người đã được cấp có thẩm quyền
cấp Giấy chứng nhận thương binh, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Điều kiện liên
quan đến mẹ của liệt sỹ được nêu trong Nghị định này, đồng thời là điều kiện
liên quan đến mẹ của thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
2. Những trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng phản bội,
đầu hàng địch, có hành động gây nguy hại cho cách mạng hoặc vi phạm pháp luật bị
Tòa án xét xử bằng hình thức phạt tù mà bản án, quyết định của Tòa án đang có
hiệu lực pháp luật (kể cả trường hợp được hưởng án treo) thì không được xét tặng
danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Điều 3. Chế độ ưu
đãi
1. Bà mẹ được tặng danh hiệu
vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tặng Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt
Nam anh hùng”, được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp
luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Trường
hợp bà mẹ được phong tặng nhưng đã chết mà chưa được hưởng chế độ trợ cấp ưu
đãi hàng tháng thì thực hiện chế độ, chính sách như đối với bà mẹ được truy tặng.
2. Bà mẹ được truy tặng
danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì thân nhân thờ cúng bà
mẹ được nhận Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, được hưởng các chế độ, chính
sách theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về ưu
đãi người có công với cách mạng.
3. Tổ chức lễ tặng hoặc
truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được quy định
như sau:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức lễ tặng hoặc
truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;
b) Lễ tặng hoặc truy tặng
được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, có ý nghĩa giáo dục truyền thống; trang
trí buổi lễ có dòng chữ: Lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà
mẹ Việt Nam anh hùng”.
4. Tổ chức lễ tang khi Bà
mẹ Việt Nam anh hùng từ trần được quy định như sau:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức lễ tang với thành phần đại diện cấp ủy,
chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan, đơn vị phụng dưỡng và
nhân dân nơi bà mẹ cư trú;
b) Lễ tang được tổ chức
trang trọng, tiết kiệm phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương; trang
trí buổi lễ có dòng chữ: Lễ tang Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
5. Kinh phí tổ chức lễ tặng
hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” không quá 01
tháng lương cơ sở cho 01 trường hợp; lễ tang
Bà mẹ Việt Nam anh hùng không quá 02 tháng lương cơ sở cho 01 trường hợp.
Điều 4. Hồ sơ xét
duyệt và đề nghị
1. Hồ sơ xét duyệt, gồm:
a) Bản
khai cá nhân theo Mẫu số 01a/BMAH; thân nhân của bà mẹ kê khai theo Mẫu số
01b/BMAH, kèm theo giấy ủy quyền kê khai và thực hiện chế độ theo Mẫu số
02/BMAH;
Trường
hợp bà mẹ nhận nuôi con nuôi trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 nhưng chưa ghi vào
sổ hộ tịch thì phải kèm theo biên bản họp gia đình liệt sỹ và xác nhận của Ủy
ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý hồ sơ liệt sỹ; trường hợp đã ghi vào sổ
hộ tịch thì phải kèm theo bản sao công chứng được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận
(Mẫu số 01a/BMAH hoặc Mẫu số 01b/BMAH);
Trường
hợp bà mẹ nhận nuôi con nuôi từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 thì phải kèm theo bản
sao công chứng được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận (Mẫu số 01a/BMAH hoặc Mẫu số
01b/BMAH)”.
Trường
hợp bà mẹ có chồng là liệt sỹ, sau khi đi lấy chồng khác vẫn có trách nhiệm
chăm sóc bố mẹ của liệt sỹ và nuôi con của liệt sỹ đến tuổi trưởng thành, thì
phải kèm theo biên bản họp gia đình liệt sỹ và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp
xã hoặc cơ quan quản lý hồ sơ liệt sỹ (Mẫu số 01a/BMAH hoặc Mẫu số 01b/BMAH)”.
b) Bản sao Bằng Tổ quốc
ghi công, Giấy chứng nhận thương binh có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trường
hợp đã thực hiện chế độ đối với gia đình liệt sỹ, nhưng Bằng “Tổ quốc ghi công”
bị mất, hư hỏng thì phải được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận; trường
hợp chưa được cấp thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm thủ tục đề nghị cấp
Bằng “Tổ quốc ghi công” trước khi lập danh sách đề nghị.
2. Hồ sơ đề nghị xét tặng
hoặc truy tặng, gồm:
a) Các giấy tờ quy định tại
Khoản 1 Điều này;
b) Biên bản xét duyệt của Ủy
ban nhân dân cấp xã theo Mẫu số 03/BMAH;
c) Tờ trình kèm theo danh
sách theo Mẫu số 04/BMAH đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước
“Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Điều 5. Trình tự, thủ tục
1. Bà mẹ hoặc thân nhân của
bà mẹ lập bản khai cá nhân hoặc thân nhân (01 bản chính) kèm theo giấy tờ làm căn
cứ xét duyệt (03 bộ), nộp về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bà mẹ đăng ký hộ khẩu
thường trú (đối với bà mẹ còn sống) hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người
được ủy quyền kê khai.
Trường
hợp bà mẹ đã từ trần, việc đề nghị truy tặng do người được gia đình, dòng họ ủy
quyền thực hiện. Nếu người được ủy quyền không ở nơi bà mẹ cư trú khi còn sống
thì hồ sơ phải có văn bản xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi
quản lý hồ sơ thương binh, liệt sỹ; văn bản của chính quyền địa phương nơi bà mẹ
cư trú khi còn sống xác nhận về việc chưa lập hồ sơ đề nghị truy tặng và tình
trạng nhân thân của bà mẹ (có mấy con, có lấy chồng khác hay không, thái độ
chính trị, việc chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước).
2. Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp xã trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định
có trách nhiệm:
a) Tổ chức họp xét duyệt hồ
sơ của từng trường hợp đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước
“Bà mẹ Việt Nam anh hùng” với thành phần đại diện cấp ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, quân sự, công an và các đoàn thể có liên quan;
Trường
hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ địch, thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải
niêm yết công khai danh sách tại cấp thôn, xóm nơi cư
trú của bà mẹ; thời hạn niêm yết và thông báo trên phương tiện thông tin đại
chúng của địa phương là 10 ngày. Căn cứ kết quả niêm yết công khai, Hội
đồng xác nhận người có công cấp xã xét duyệt, lập biên bản họp Hội đồng đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự
Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đối với trường hợp được nhân dân đồng thuận,
không có khiếu nại, tố cáo (Mẫu số 03/BMAH).
b) Lập hồ sơ (03 bộ), ký Tờ
trình kèm theo danh sách trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp huyện trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo
quy định có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo cơ quan được
giao tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định theo quy định;
b) Ký Tờ trình kèm theo
danh sách và hồ sơ (03 bộ) trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo
quy định có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo cơ quan được
giao tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định theo quy định;
b) Ký Tờ trình kèm theo
danh sách và hồ sơ (03 bộ) trình Thủ tướng Chính phủ.
5. Bộ Nội vụ trong thời hạn
10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, có trách nhiệm thẩm định
hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định tặng
hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
6. Một số quy định chung:
a) Tổ chức lễ trao tặng hoặc
truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt
Nam anh hùng” hàng năm được tiến hành 03 đợt vào các dịp: Ngày giải phóng miền
Nam 30 tháng 4; ngày Quốc khánh 02 tháng 9 và Ngày thành lập Quân đội nhân dân
Việt Nam 22 tháng 12;
b) Trường hợp người kê
khai không lưu giữ được giấy tờ làm căn cứ xét duyệt theo quy định tại Khoản 1
Điều này thì có đơn gửi Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận để
làm căn cứ lập hồ sơ;
c) Trường hợp người con là
thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang ở Trung tâm Điều dưỡng
thương binh hoặc cư trú ở địa phương khác thì có đơn gửi Giám đốc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội nơi quản lý thương binh xác nhận để làm căn cứ lập hồ sơ;
d) Trường hợp hồ sơ chưa đầy
đủ, hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp
xét duyệt trả lại hồ sơ và thông báo lý do bằng văn bản. Trường hợp hồ sơ chưa
rõ ràng thì yêu cầu kiểm tra, xác minh làm rõ.
Điều 6. Xử lý vi
phạm
1. Tổ chức, cá nhân có
hành vi giả mạo hồ sơ, xác nhận không đúng sự thực hoặc vi phạm quy định tại
Nghị định này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử
phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của
pháp luật.
2. Những trường hợp có kết
luận của cấp có thẩm quyền là giả mạo, khai man thì bị tước danh hiệu, thu lại
Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; truy thu số tiền ưu đãi đã nhận và bồi
thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
3. Việc tước danh hiệu
vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thực hiện theo quy định của pháp luật
về thi đua, khen thưởng.
Điều 7. Tổ chức thực
hiện
1. Bộ Nội
vụ có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn
việc xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh
hùng”; tiếp nhận hồ sơ đề nghị của cấp tỉnh, thẩm định, trình Thủ tướng
Chính phủ;
b) Tổ chức thanh tra, kiểm
tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về quy định danh hiệu
vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
2. Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo ngành
Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện hồ sơ,
xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;
b) Tổ chức thực hiện việc
xác nhận liệt sỹ, thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên quy định
tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.
3. Bộ
Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quân sự, công an phối hợp
xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
4. Bộ Tài chính có trách
nhiệm bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt
Nam anh hùng.
5. Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo tuyên truyền,
phổ biến chính sách, pháp luật về quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt
Nam anh hùng”;
b) Chỉ
đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ chuyển Sở Nội
vụ tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trình Thủ tướng
Chính phủ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) để đề nghị xét tặng hoặc
truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo quy định;
c) Tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi và bảo đảm kinh phí tổ chức
lễ phong tặng hoặc truy tặng, lễ tang đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng thuộc
phạm vi, thẩm quyền.
Điều 8. Hiệu lực
thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày tháng năm 2018.
Chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ
Việt Nam anh hùng được thực hiện theo Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh số
05/2012/UBTVQH13 ngày 20 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Nghị định số
56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh
hùng”, hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Điều 9. Trách nhiệm
thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTƯ về phòng chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- VPTƯ và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư; VP Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao; Viện KSND tối cao;
- UB giám sát Tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP; BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP; Cổng TT ĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (02). B320.
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|