Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 71/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Số hiệu: 71/2011/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 22/08/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/2011/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2011

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em về các hành vi vi phạm quyền trẻ em; trách nhiệm bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;

2. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em

1. Trẻ em là công dân Việt Nam được hưởng các quyền, thực hiện bổn phận theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trẻ em là công dân Việt Nam trong thời gian sinh sống ở nước ngoài được hưởng các quyền và thực hiện bổn phận theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước nơi trẻ em đang sinh sống và điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên.

3. Trẻ em là người nước ngoài trong thời gian cư trú tại Việt Nam được hưởng các quyền và thực hiện các bổn phận theo quy định của các điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên.

Chương 2.

CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUYỀN TRẺ EM

Điều 3. Cha, mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ

1. Sau khi sinh con, cha, mẹ bỏ con, không chăm sóc, nuôi dưỡng.

2. Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật.

3. Cha, mẹ, người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 4. Dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi

1. Nói chuyện, viết, dịch, nhân bản sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi âm, ghi hình, dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác nhằm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em bỏ nhà đi lang thang dưới mọi hình thức.

2. Bắt trẻ em, tập hợp, chứa chấp trẻ em, cho thuê, cho mượn trẻ em để đi lang thang kiếm sống, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi.

Điều 5. Dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; lôi kéo trẻ em đánh bạc; bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích khác có hại cho sức khỏe

1. Nói chuyện, viết, dịch, nhân bản sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi âm, ghi hình nhằm dụ dỗ, lôi kéo trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, đánh bạc, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.

2. Dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác, dùng các thủ đoạn nói dối, gian lận, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy hoặc để trẻ em chứng kiến việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới mọi hình thức.

3. Dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc các lợi ích khác để lôi kéo trẻ em đánh bạc; tổ chức cho trẻ em đánh bạc, để trẻ em chứng kiến, tham gia phục vụ đánh bạc dưới mọi hình thức.

4. Bán cho trẻ em, để trẻ em mua, bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.

Điều 6. Dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em

1. Dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác, dùng thủ đoạn nói dối, gian lận, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm hoặc chứng kiến, tham gia phục vụ hoạt động mại dâm.

2. Dẫn, chỉ dẫn, môi giới, tổ chức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí nơi để trẻ em hoặc sử dụng trẻ em hoạt động mại dâm, để trẻ em chứng kiến, tham gia phục vụ hoạt động mại dâm.

3. Cho trẻ em tiếp xúc với sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng có nội dung khiêu dâm; tác động vào cơ thể trẻ em nhằm kích động tình dục trẻ em hoặc nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục.

Điều 7. Lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hóa phẩm kích động bạo lực, đồi trụy; làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em

1. Dùng quan hệ tình cảm, uy tín, sự phụ thuộc của trẻ em, nói dối, gian lận, dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em tiếp xúc, mua, bán, thuê, mượn, sử dụng, phát tán, tham gia sản xuất sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng có nội dung bạo lực, đồi trụy, có hại cho sự phát triển của trẻ em.

2. Viết, dịch, sao chép, sản xuất, lưu hành, vận chuyển, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, phát tán, quảng cáo sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng khiêu dâm trẻ em, kích động bạo lực, đồi trụy có hình ảnh trẻ em hoặc có sự tham gia của trẻ em gây nguy hiểm, có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

3. Không thông báo hoặc không xác định tuổi của trẻ em không được tiếp xúc, sử dụng đối với sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em.

Điều 8. Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua, bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác.

1. Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.

2. Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

3. Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần.

4. Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người giám hộ.

5. Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần.

6. Mua, bán trẻ em dưới mọi hình thức.

7. Đánh tráo trẻ em vì bất cứ mục đích gì.

8. Xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em dưới mọi hình thức làm cho trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ.

9. Xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự của người khác.

Điều 9. Lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động

1. Cha, mẹ, người giám hộ, người nhận nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em hoặc bắt trẻ em làm những công việc mà pháp luật không cho phép.

2. Người nhận dạy nghề cho trẻ em bắt trẻ em làm công việc quá sức, nặng nhọc, quá thời gian, trong môi trường độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em.

3. Sử dụng lao động trẻ em không trả công hoặc trả công không tương xứng, không có cam kết của cha, mẹ, người giám hộ, không có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; bắt trẻ em lao động quá sức, quá thời gian, nặng nhọc, trong môi trường độc hại, nguy hiểm; sử dụng trẻ em làm những công việc trái với quy định của pháp luật về lao động.

4. Sử dụng trẻ em làm những công việc trong vũ trường, cơ sở xoa bóp, vật lý trị liệu, sòng bạc, nhà hàng ka-ra-ô-kê, quán rượu, quán bia hoặc những nơi có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em.

5. Sử dụng trẻ em để mua, bán, vận chuyển hàng giả, hàng cấm, hàng trốn thuế.

6. Để trẻ em tham gia, sử dụng trẻ em trong sản xuất, kinh doanh, phổ biến sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng có nội dung bạo lực, đồi trụy, nguy hiểm, không phù hợp hoặc có hại cho sự phát triển của trẻ em.

Điều 10. Cản trở việc học tập của trẻ em

1. Lợi dụng uy tín, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vật chất, uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học.

2. Bắt buộc, dụ dỗ trẻ em bỏ học, nghỉ học để gây áp lực, khiếu kiện, biểu tình trái pháp luật.

3. Gây rối, cản trở hoạt động của cơ sở giáo dục, phá hoại cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, giảng dạy của các cơ sở giáo dục.

4. Cố tình không thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc học tập của trẻ em theo quy định của pháp luật, không bảo đảm thời gian, điều kiện học tập cho trẻ em.

5. Hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em.

6. Từ chối tiếp nhận hoặc gây áp lực để cản trở việc tiếp nhận trẻ em khuyết tật có khả năng học tập, trẻ em nhiễm, nghi nhiễm, có nguy cơ hoặc có cha, mẹ nhiễm HIV được vào học tại các cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật

1. Lăng nhục, chửi mắng, bắt làm những việc có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật.

2. Tra tấn, gây đau đớn về thể xác, giam hãm trong điều kiện tồi tệ hoặc dùng các biện pháp làm tổn thương về tinh thần đối với trẻ em vi phạm pháp luật.

Điều 12. Đặt cơ sở sản xuất, kho chứa thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, chất dễ gây cháy, nổ gần cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em

1. Đặt cơ sở sản xuất, kho chứa thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, chất dễ gây cháy, nổ trong phạm vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc ngược lại.

2. Đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh có chất thải độc hại, có tiếng ồn lớn vượt quá giới hạn cho phép trong phạm vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển, sự an toàn của trẻ em và hoạt động của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc ngược lại.

Điều 13. Sử dụng cơ sở vật chất dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của trẻ em

1. Sử dụng sai mục đích, làm hư hại cơ sở vật chất dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em.

2. Lấn chiếm đất đai, công trình, nhà, diện tích, khu vực, thời gian sử dụng dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em.

3. Không thực hiện, thực hiện không đúng, làm sai lệch quy hoạch cơ sở vật chất dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em đã được phê duyệt.

Chương 3.

TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM CÁC QUYỀN CƠ BẢN CỦA TRẺ EM

Điều 14. Đăng ký khai sinh cho trẻ em

1. Cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm đi khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn quy định. Việc khai sinh cho trẻ em được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.

2. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo cơ quan Tư pháp phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp tuyên truyền để cha, mẹ, người giám hộ, người hoặc tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em đi khai sinh cho trẻ em đúng quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các biện pháp để đăng ký khai sinh cho trẻ em đúng quy định tại những khu vực có điều kiện đi lại khó khăn, người dân còn bị ảnh hưởng bởi những phong tục, tập quán lạc hậu.

Điều 15. Xác định cha, mẹ cho trẻ em

1. Trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, nếu có yêu cầu xác định của trẻ em thông qua người giám hộ hoặc của người giám hộ, kể cả trường hợp cha, mẹ đã chết thì được Tòa án xác định cha, mẹ theo quy định của pháp luật. Việc xác định cha, mẹ cho trẻ em phải được xem xét trên cơ sở lợi ích tốt nhất của trẻ em.

2. Cha, mẹ, người giám hộ, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho trẻ em.

3. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp khi nhận được yêu cầu xác định cha, mẹ cho trẻ em có trách nhiệm tìm hiểu, xác minh, xem xét lợi ích của trẻ em và yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho trẻ em.

Điều 16. Bảo đảm lợi ích của trẻ em khi phải sống cách ly cha, mẹ

1. Cha, mẹ đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù thì trẻ em phải sống cách ly cha, mẹ và được chăm sóc thay thế. Trong trường hợp người mẹ nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi nhưng đang phải chấp hành hình phạt tù thì được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa bàn có trại tạm giam, trại giam chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ em từ đủ ba mươi sáu tháng tuổi trở lên khi cha, mẹ là người bị tạm giam, phạm nhân trong trại tạm giam, trại giam đó nếu không có thân nhân của trẻ em nhận nuôi dưỡng, chăm sóc.

2. Cha, mẹ bị Tòa án quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em thì trong thời gian thi hành quyết định của Tòa án, trẻ em được giúp đỡ, bảo vệ; trường hợp Tòa án quyết định không cho cha, mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì trẻ em phải sống cách ly cha, mẹ và được chăm sóc thay thế.

3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức việc chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng thay thế đối với trẻ em phải sống cách ly cha, mẹ theo các hình thức: giao cho thân nhân của trẻ em, giao cho gia đình chăm sóc thay thế, giao cho cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em tại địa phương để chăm sóc thay thế.

4. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp có trách nhiệm xác minh điều kiện, hoàn cảnh sống, khả năng kinh tế của người thân, gia đình chăm sóc thay thế, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em để đề xuất thân nhân, gia đình, cơ sở chăm sóc thay thế cho trẻ em phải sống cách ly cha, mẹ; kiểm tra điều kiện sống của trẻ em phải sống cách ly cha, mẹ sau khi giao cho thân nhân, gia đình, cơ sở chăm sóc thay thế. Việc đưa trẻ em phải sống cách ly cha, mẹ vào sống tại các cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội chỉ được coi là giải pháp cuối cùng khi không tìm được thân nhân, gia đình chăm sóc thay thế.

5. Trong thời gian trẻ em ở các cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện, cha, mẹ của trẻ em có trách nhiệm thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ trẻ em; các cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện phải tạo điều kiện để trẻ em giữ mối liên hệ với gia đình và được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Điều 17. Bảo vệ trẻ em trong trường hợp cha, mẹ có hành vi vi phạm quyền trẻ em quy định tại Chương II Nghị định này

1. Tòa án quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em nếu cha, mẹ có hành vi vi phạm quyền trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm.

2. Trách nhiệm bảo đảm an toàn và sự phát triển bình thường của trẻ em trong trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con là trẻ em:

a) Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em. Các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền đề nghị Viện Kiểm sát xem xét, yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em.

b) Trong trường hợp khẩn cấp, cần phải bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và lợi ích hợp pháp của trẻ em khi chưa có quyết định của Tòa án, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tạm thời giao cho trẻ em cho thân nhân nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; trong trường hợp không có thân nhân thì giao trẻ em cho gia đình chăm sóc thay thế hoặc cho cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội.

c) Sau khi có quyết định của Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em hoặc trong trường hợp khẩn cấp, việc tổ chức chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng thay thế đối với trẻ em được thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 16 Nghị định này.

Điều 18. Trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông tin cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã khi phát hiện các nguy cơ, hành vi ngược đãi, xâm hại tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự trẻ em.

2. Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các nguy cơ, hành vi ngược đãi, xâm hại tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự trẻ em.

3. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan cùng cấp có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa ngược đãi, xâm hại, bạo lực, trừng phạt trẻ em cho cha, mẹ, người giám hộ, công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã, giáo viên trong các cơ sở giáo dục và trẻ em.

4. Cha, mẹ, người giám hộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; xây dựng và công bố các tiêu chuẩn an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em ở gia đình, nơi công cộng.

Điều 19. Trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em được tiếp cận thông tin phù hợp với sự phát triển

1. Cha, mẹ, người giám hộ, các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, văn hóa, tổ chức xã hội, cơ sở dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để trẻ em được tiếp cận các nguồn thông tin phù hợp với lứa tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em.

2. Các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, văn hóa, tổ chức xã hội, cơ sở dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có trách nhiệm công khai thông tin về tổ chức, hoạt động của đơn vị mình thông qua các hình thức phù hợp.

3. Các thông tin mà trẻ em được tiếp cận, được cung cấp phải vì lợi ích của trẻ em, không xâm hại, không ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em.

Điều 20. Trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề trẻ em quan tâm

1. Cha, mẹ, người giám hộ, các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, văn hóa, tổ chức xã hội, cơ sở dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề trẻ em quan tâm.

2. Cơ quan xây dựng pháp luật, chính sách về trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em phải nghiên cứu, tham khảo ý kiến của trẻ em. Diễn đàn trẻ em là hoạt động để đại diện của trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng của trẻ em hoặc để các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề có liên quan đến trẻ em.

3. Các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em gửi đến cơ quan, tổ chức, cơ sở có liên quan phải được trả lời, được giải thích, được đáp ứng trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cơ sở đó.

4. Các hoạt động bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của trẻ em phải vì lợi ích của trẻ em và phù hợp với sự phát triển của trẻ em.

5. Không lợi dụng các hoạt động bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của trẻ em vào các mục đích gây áp lực, khiếu kiện, biểu tình, kinh doanh trái pháp luật.

Điều 21. Trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em được tham gia hoạt động xã hội

1. Cha, mẹ, người giám hộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, văn hóa, tổ chức xã hội, cơ sở dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có trách nhiệm tạo điều kiện cho trẻ em tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với năng lực, lứa tuổi và giới tính của trẻ em.

2. Các hoạt động xã hội của trẻ em phải vì lợi ích của trẻ em, của xã hội và không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em.

3. Không được lợi dụng sự tham gia hoạt động xã hội của trẻ em và các hoạt động xã hội có sự tham gia của trẻ em vào các mục đích gây áp lực, khiếu kiện, biểu tình, kinh doanh trái pháp luật, lạm dụng và xâm hại trẻ em.

Điều 22. Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động có sự tham gia của trẻ em

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến, tham gia hoạt động xã hội của trẻ em và các hoạt động khác có sự tham gia của trẻ em; đình chỉ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ các hoạt động có sự tham gia của trẻ em nhưng không vì lợi ích của trẻ em, lạm dụng, xâm hại trẻ em; xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi ngăn cản trẻ em được tiếp cận thông tin phù hợp, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề liên quan, tham gia hoạt động xã hội.

Chương 4.

BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT

Điều 23. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở cơ sở

Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn, bao gồm:

1. Lập hồ sơ theo dõi diễn biến và xây dựng kế hoạch hỗ trợ, phục hồi, hòa nhập cho từng trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2. Vận động cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tình nguyện hỗ trợ chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không nơi nương tựa, không còn nguồn nuôi dưỡng làm con nuôi, nhận làm gia đình chăm sóc thay thế hoặc nhận đỡ đầu. Trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình, gia đình chăm sóc thay thế thì làm thủ tục gửi trẻ em đó đến cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội.

3. Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn kỹ năng cho cha, mẹ, người giám hộ, các thành viên gia đình, người tham gia chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về biện pháp giải quyết, giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt, phục hồi sức khoẻ, tinh thần, giáo dục đạo đức và tái hòa nhập phù hợp với hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em.

4. Thực hiện chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, liên hệ với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phối hợp với các cơ quan; tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để ngăn chặn nguy cơ vi phạm quyền trẻ em; phát hiện, xác minh, xử lý hành vi để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ, phục hồi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Quản lý, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm:

1. Tổ chức, quản lý công tác thu thập, xử lý, phân tích thông tin, số liệu về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo từng nhóm đối tượng, mức độ hoàn cảnh đặc biệt, loại hình trợ giúp; lập báo cáo tình hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2. Lập kế hoạch và hướng dẫn việc phối hợp tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bảo đảm mọi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, có cơ hội phục hồi sức khỏe, tinh thần và giáo dục đạo đức, hòa nhập với gia đình, xã hội.

3. Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

4. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em; hạn chế, giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em; phục hồi sức khỏe, tinh thần và giáo dục đạo đức cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

5. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách, biện pháp, tiêu chuẩn, quy trình chuyên môn, kỹ thuật và các quy định khác trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 25. Quản lý, trợ giúp trẻ em vi phạm pháp luật đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt

1. Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan có liên quan, tổ chức xã hội nơi có trẻ em vi phạm pháp luật đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt thực hiện các biện pháp cụ thể để quản lý, trợ giúp trẻ em tiến bộ và tái hòa nhập gia đình, xã hội

2. Trẻ em vi phạm pháp luật đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt mà không có nơi nương tựa được đưa vào cơ sở trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

3. Ủy ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, tổ chức xã hội, cá nhân vận động người tình nguyện có kinh nghiệm, có phương pháp giáo dục, hiểu tâm lý trẻ em nhận giáo dục, đỡ đầu, chăm sóc thay thế hoặc nhận tổ chức, quản lý cơ sở trợ giúp trẻ em vi phạm pháp luật đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt.

4. Ủy ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí cho trẻ em, cơ sở trợ giúp trẻ em nhận hoặc tạo điều kiện để trẻ em được học văn hóa, học nghề hoặc có việc làm phù hợp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có chính sách khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhận trẻ em vào học tập, làm việc hoặc hỗ trợ kinh phí cho trẻ em, cho cơ sở trợ giúp trẻ em.

5. Cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm đóng góp một phần kinh phí theo thỏa thuận với cơ sở trợ giúp trẻ em vi phạm pháp luật để nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em trong trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt tuy còn nơi nương tựa nhưng chưa thể tái hòa nhập ngay với gia đình; đóng góp một phần kinh phí theo thỏa thuận với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận trẻ em vào học văn hóa, học nghề nếu được yêu cầu.

Điều 26. Các cơ sở trợ giúp trẻ em

1. Cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung riêng biệt:

a) Cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung riêng biệt thực hiện việc chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chuyên môn sâu: chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật không có khả năng tham gia giáo dục hòa nhập; giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật; cai nghiện cho trẻ em nghiện ma túy; nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

b) Tổ chức và hoạt động của cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung riêng biệt được thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và các quy định của pháp luật có liên quan.

c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có trách nhiệm quản lý và hướng dẫn việc cấp phép, xây dựng và công bố quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với cơ sở trợ giúp trẻ em thuộc quyền quản lý.

2. Cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung ngành, lĩnh vực:

a) Cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung ngành, lĩnh vực thuộc các ngành, lĩnh vực sau: khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng; giáo dục; dạy nghề, tạo việc làm; văn hóa, thể thao.

b) Tổ chức và hoạt động của các cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung ngành, lĩnh vực được thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, quy định của pháp luật đối với ngành, lĩnh vực.

c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm quản lý và hướng dẫn việc cấp phép; xây dựng và công bố quy chuẩn kỹ thuật; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với cơ sở trợ giúp trẻ em thuộc quyền quản lý.

3. Cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung hỗn hợp:

a) Cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung hỗn hợp có hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực; hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục thay thế cho nhiều nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tư vấn về kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, cha, mẹ, người giám hộ, người chăm sóc, giáo dục trẻ em; trợ giúp chữa bệnh; trị liệu tâm lý; giáo dục hòa nhập, dạy nghề, tạo việc làm; tổ chức hoạt động xã hội.

b) Tổ chức và hoạt động của cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung hỗn hợp được thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động trợ giúp trẻ em.

c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan có trách nhiệm quản lý và hướng dẫn việc cấp phép; xây dựng và công bố quy chuẩn kỹ thuật; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung hỗn hợp, bảo đảm mọi cơ sở trợ giúp trẻ em đều được quản lý và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Quản lý nhà nước đối với cơ sở trợ giúp trẻ em

1. Ủy ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện quản lý nhà nước đối với các cơ sở trợ giúp trẻ em trên địa bàn theo quy định sau đây:

a) Xây dựng, chỉ đạo thực hiện quy hoạch chung để bảo đảm các loại cơ sở trợ giúp trẻ em phù hợp với các đối tượng trẻ em trên địa bàn, tạo điều kiện cho mọi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có cơ hội được phục hồi sức khỏe, tinh thần và được giáo dục đạo đức; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không còn nơi nương tựa được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình chăm sóc thay thế hoặc tại cơ sở trợ giúp trẻ em.

b) Kiểm tra, thanh tra việc tổ chức và hoạt động của các cơ sở trợ giúp trẻ em trên địa bàn, bảo đảm mọi cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động đúng mục đích và theo quy định của pháp luật.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện quản lý nhà nước đối với các cơ sở trợ giúp trẻ em thuộc quyền quản lý theo quy định sau đây:

a) Xây dựng, chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển các cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động vì mục đích bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em.

b) Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chế độ, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho hoạt động trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và những người bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

c) Cung cấp thông tin, hướng dẫn nghiệp vụ, đào tạo cán bộ cho các cơ sở trợ giúp trẻ em.

d) Quyết định thành lập, cấp giấy phép hoạt động, giải thể, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở trợ giúp trẻ em.

đ) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với việc tổ chức và hoạt động của cơ sở trợ giúp trẻ em; sơ kết về tổ chức và hoạt động của các cơ sở trợ giúp trẻ em.

Điều 28. Quỹ bảo trợ trẻ em

1. Quỹ bảo trợ trẻ em được thành lập nhằm mục đích vận động sự đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

2. Quỹ bảo trợ trẻ em được thành lập ở cấp nào do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp đó quản lý và sử dụng vào việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, không được dùng vào mục đích khác.

3. Quỹ bảo trợ trẻ em hoạt động theo nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận; tôn trọng mục đích đóng góp; công khai các nguồn thu và các khoản chi; khai thác, tiếp nhận, phát triển và sử dụng nguồn vốn theo kế hoạch hoạt động được phê duyệt, theo yêu cầu của nhà tài trợ; không được sử dụng Quỹ để hoạt động trái pháp luật.

4. Quỹ bảo trợ trẻ em được sử dụng để chi hỗ trợ: trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em mắc các bệnh nặng, hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao; trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng bị thiên tai, dịch bệnh; trẻ em thuộc gia đình nghèo; công tác quản lý Quỹ.

Chương 5.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Điều 29. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo những nội dung quản lý nhà nước được phân công.

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược, chương trình, kế hoạch, biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở trung ương tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, biện pháp, mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

3. Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

4. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

5. Tổ chức thu thập, xử lý và công bố thông tin, số liệu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ em trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật; tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ em; thực hiện hợp tác quốc tế về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ em trong phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

6. Xây dựng và công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, định mức về bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuộc thẩm quyền quản lý; về hoạt động của các cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em thuộc thẩm quyền quản lý.

7. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình đào tạo trong các trường dạy nghề liên quan đến trẻ em; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy hoạch, xây dựng mạng lưới cơ sở dạy nghề liên quan đến trẻ em.

8. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi, hòa nhập gia đình, xã hội.

9. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn việc giáo dục trẻ em về bổn phận của trẻ em, những việc trẻ em không được làm, kỹ năng sống của trẻ em.

10. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan khác có liên quan kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo trợ trẻ em.

11. Phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng chương trình giáo dục hướng nghiệp, hướng dẫn việc tổ chức dạy nghề trong trường giáo dưỡng.

12. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo thẩm quyền.

Điều 30. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan huy động các nguồn vốn viện trợ, vốn vay quốc tế cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

3. Công bố một số chỉ tiêu thống kê quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Bố trí kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình, đề án và các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo trợ trẻ em.

Điều 32. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Hướng dẫn việc củng cố và nâng cao chất lượng của mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em; hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em; từng bước thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ và lập sổ theo dõi sức khỏe cho trẻ em; đặc biệt quan tâm đến trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em khuyết tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị tai nạn, thương tích.

2. Bảo đảm việc cung cấp đủ thuốc có chất lượng phục vụ việc phòng bệnh, chữa bệnh cho trẻ em; điều kiện và chất lượng phòng bệnh, khám bệnh, phát hiện bệnh, chữa bệnh, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, số lượng và chất lượng cán bộ y tế nhi khoa.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em; bảo đảm trẻ em dưới sáu tuổi được khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; khám bệnh định kỳ cho những người làm công việc thường xuyên tiếp xúc với trẻ em; hướng dẫn cha, mẹ, người giám hộ phòng bệnh cho trẻ em.

4. Công bố một số chỉ tiêu thống kê quốc gia về y tế và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy hoạch, xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Xây dựng, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông nhằm bảo đảm điều kiện cần thiết cho việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; xây dựng chương trình hướng nghiệp; xây dựng chính sách miễn, giảm học phí và các biện pháp trợ giúp phù hợp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được học tập hòa nhập; quy định chương trình giáo dục đối với các cơ sở giáo dục dành cho trẻ em khuyết tật.

4. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan quy định chương trình giáo dục đối với các trường, lớp năng khiếu dành cho trẻ em.

5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và thực hiện chương trình y tế học đường; chỉ đạo thực hiện quy định về hoạt động y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

6. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

7. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý đồ chơi trẻ em trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra cơ sở giáo dục trong việc trang bị, quản lý, sử dụng đồ chơi trẻ em trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật.

8. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn việc giáo dục trẻ em về bổn phận của trẻ em, những việc trẻ em không được làm, về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa gia đình, kỹ năng sống của trẻ em trong các cơ sở giáo dục.

9. Công bố một số chỉ tiêu thống kê quốc gia về giáo dục và đào tạo liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch ưu tiên và khuyến khích đầu tư đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn học, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tăng cường thể lực, vui chơi, giải trí, du lịch phù hợp với sự phát triển của trẻ em và tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

2. Quản lý, tổ chức việc sáng tác văn học, nghệ thuật và xây dựng các chương trình, tiết mục nghệ thuật, sân khấu, ca nhạc, biểu diễn cho trẻ em và về trẻ em; quy định tỷ lệ sản phẩm dành cho trẻ em trong tổng số tác phẩm, văn hóa phẩm, chương trình, tiết mục thực hiện hằng năm; quản lý và hướng dẫn việc sử dụng dụng cụ thể dục, thể thao cho trẻ em.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn việc sử dụng thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hóa, nhà hát, rạp chiếu phim, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở thể dục, thể thao dành cho trẻ em; trường hợp chưa có điều kiện xây dựng công trình dành riêng cho trẻ em trên địa bàn thì quy định phải dành ít nhất 20% thời gian sử dụng các công trình chung để phục vụ nhu cầu phù hợp của trẻ em hoặc có khu vực dành riêng cho trẻ em với trang thiết bị phù hợp. Trong kinh phí hoạt động thể thao quần chúng, dành một phần kinh phí cho hoạt động thể thao quần chúng của trẻ em. Có chính sách ưu tiên cho trẻ em thăm quan danh lam thắng cảnh, đi du lịch, sử dụng các cơ sở thể dục, thể thao.

4. Quy định những sản phẩm văn hóa, những chương trình, tiết mục nghệ thuật, sân khấu, ca nhạc, biểu diễn không dành cho trẻ em hoặc chỉ dành cho từng lứa tuổi trẻ em.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển về thể lực, trí tuệ, tinh thần của trẻ em.

6. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn việc giáo dục trẻ em về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa gia đình.

7. Công bố một số chỉ tiêu thống kê quốc gia về gia đình, văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật.

8. Kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch dành cho trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em thuộc thẩm quyền của Bộ để bảo đảm yêu cầu giáo dục, tâm lý, sinh lý lứa tuổi và an toàn cho trẻ em.

Điều 35. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam và các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí, xuất bản, thông tin dành cho trẻ em thuộc thẩm quyền, đáp ứng nhu cầu thông tin, giáo dục, giải trí, bày tỏ ý kiến phù hợp với sự phát triển của trẻ em.

2. Xây dựng, ban hành, kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo chí, xuất bản, viễn thông, internet, phát thanh, truyền hình dành cho trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em thuộc thẩm quyền để bảo đảm lợi ích cho trẻ em, không lạm dụng, xâm hại trẻ em.

3. Kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin và truyền thông dành cho trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em thuộc thẩm quyền.

Điều 36. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng kế hoạch hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật bị đưa vào trường giáo dưỡng hoặc trại tạm giam, trại giam; bảo đảm các điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết cho trẻ em trong trường giáo dưỡng, trại tạm giam, trại giam; phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm quyền và lợi ích của trẻ em theo quy định của pháp luật.

3. Chỉ đạo việc thực hiện quản lý nhà nước về cư trú để tạo điều kiện cho trẻ em được thực hiện các quyền của trẻ em tại nơi cư trú.

4. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chương trình giáo dục cho trường giáo dưỡng.

Điều 37. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp

1. Chỉ đạo, tổ chức việc đăng ký hộ tịch, quốc tịch cho trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được đăng ký khai sinh theo quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan khác có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về nuôi con nuôi.

4. Làm đầu mối phối hợp tổ chức, thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Điều 38. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân địa phương việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nhu cầu sử dụng đất để xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, dịch vụ, điểm vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao cho trẻ em theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, cơ sở trợ giúp trẻ em, điểm vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao dành cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Điều 39. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng

Xây dựng, ban hành, kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, dịch vụ, điểm vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao cho trẻ em; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn của công trình xây dựng dành cho trẻ em, công trình công cộng phù hợp với trẻ em.

Điều 40. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

Xây dựng, ban hành, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu tiên cho trẻ em khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện, công trình giao thông phù hợp với trẻ em.

Điều 41. Trách nhiệm của các Bộ, ngành khác

Các Bộ, ngành khác, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Điều 42. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong phạm vi địa phương.

2. Chịu trách nhiệm thực hiện mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở địa phương; tổ chức phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan ở địa phương trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

3. Ban hành một số chính sách, chế độ phù hợp với đặc điểm của địa phương để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

4. Tổ chức thực hiện các biện pháp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bố trí đủ công chức, viên chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa phương; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghiên cứu, xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở. Bố trí, quản lý, sử dụng kinh phí để bảo đảm thực hiện các mục tiêu vì trẻ em, các quyền của trẻ em ở địa phương.

5. Huy động nguồn lực để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở địa phương.

6. Kiểm tra, thanh tra, đánh giá và định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở địa phương.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 43. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2011.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Điều 44. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

 

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
---------

No. 71/2011/ND-CP

Hanoi, August 22, 2011

 

DECREE

DETAILING AND GUIDING A NUMBER OF ARTICLES OF THE LAW ON CHILD PROTECTION, CARE AND EDUCATION

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the June 15, 2004 Law on Child Protection, Care and Education;

At the proposal of the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs,

DECREES:

Chapter I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope of regulation and subjects of application

1. This Decree details and guides a number of articles of the Law on Child Protection, Care and Education concerning acts of violating children's rights; responsibilities to ensure children's fundamental rights; the protection, care and education of disadvantaged children; and responsibilities of agencies, organizations and individuals for child protection, care and education.

2. This Decree applies to domestic and foreign agencies, organizations and individuals in Vietnam.

Article 2. Subjects entitled to fundamental rights of children

1. Children being Vietnamese citizens enjoy the rights and perform the duties provided in the Law on Child Protection, Care and Education and other relevant laws.

2. Children being Vietnamese citizens living overseas enjoy the rights and perform the duties provided by the Vietnamese law and the laws of the foreign countries where they are living, and treaties to which such foreign countries and Vietnam are contracting parties.

3. Children being foreigners residing in Vietnam enjoy the rights and perform the duties provided in treaties to which their country and Vietnam are contracting parties.

Chapter II

ACTS OF VIOLATING CHILDREN'S RIGHTS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Parents abandon their children after birth without caring for or nurturing them.

2. Parents or guardians do not perform the obligation of nurturing their children, break up all emotional and material ties with their children, except cases in which they allow their children to be adopted or must be separated from their children in accordance with law.

3. Parents or guardians deliberately leave their children in public places, leave their children alone or force them to live away from their families or leave them to live on their own without caring for, nurturing and educating them, letting them fall into disadvantageous circumstances.

Article 4. Seducing, enticing, forcing, controlling children to live a street life, abusing street children for self-seeking purposes

1. Talking, writing, translating or reproducing books, newspapers, documents, pictures and photos; audio-recording, video-recording, using money, material benefits, prestige or other benefits to seduce, entice, force or control in any form children to live a street life.

2. Forcing, gathering or harboring children, hiring out or lending for self-seeking purposes children to live a street life, go begging or carry out other activities.

Article 5. Seducing, deceiving, forcing children to illegally buy, sell, transport, store or use narcotics: enticing children to gamble; selling to children or letting them drink liquor and beer, smoke cigarettes or use other stimulants harmful to their health

1. Talking, writing, translating or reproducing books, newspapers, documents, pictures or photos; audio-recording or video- recording in order to seduce or entice children to illegally buy. sell, transport, store or use narcotics, gamble, drink liquor and beer, smoke cigarettes or use other stimulants harmful to their health and development.

2. Using money, material benefits, prestige or other benefits, using such tricks as lying or cheating, using force or threatening to use force or using power to seduce or entice children to illegally buy, sell, transport, store or use narcotics or letting children witness the illegal use of narcotics in any form.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Selling to children liquor, beer, cigarettes or other stimulants harmful to their health and letting children buy, sell or drink liquor and beer, smoke cigarettes or use other stimulants harmful to their health and development.

Article 6. Seducing, deceiving, leading, harboring or forcing children into prostitution; sexually abusing children

1. Using money, material benefits, prestige or other benefits, using such tricks as lying or cheating, using force or threatening lo use force or using power to seduce, entice or force children into prostitution or to witness or serve prostitution activities.

2. Leading, guiding, brokering, organizing, enticing, harboring, covering up, leasing, lending or arranging places for children to engage in prostitution or using children in prostitution, letting children witness or .serve prostitution activities.

3. Exposing children lo pornographic cultural, information and communication products, toys, games or items; touching their body to sexually stimulate them or satisfy one's sexual needs.

Article 7. Abusing, seducing or forcing children to buy, sell or use violence-provoking or debauched cultural products; making, reproducing, circulating, transporting or storing child-pornographic cultural products; producing or trading in toys or games harmful to the healthy development of children

1. Using one's emotional ties with children or one's prestige or the dependence of children, lying, cheating or using money, material benefits, prestige or other benefits, using force or threatening to use force or using power to seduce, entice or force children to contact, buy. sell, hire, borrow, use, distribute or participate in producing violence-provoking or debauched cultural, information and communication products, toys, games or items harmful to the development of children.

2. Writing, translating, reproducing, making, circulating, transporting, trading in, importing, storing, distributing or advertising child-pornographic, violence-provoking or debauched cultural, information and communication products, toys, games or items containing child images or with the participation of children which are dangerous or harmful to the healthy development of children.

3. Hailing to notify or define the age of children disallowed lo come into contact with or use cultural, information and communication products, toys, games, radio or television broadcasts, artistic or cinematographic programs with contents unsuitable for children.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Infringing upon children's body, beating or maltreating children; forcing children to abstain from eating and drinking, leaving them in raggedness, restricting their personal hygiene; detaining children; forcing children to live in a hazardous or dangerous environment.

2. Hurting children spiritually, hurting children's dignity or honor, humiliating, scolding, intimidating, segregating or neglecting children, thus affecting their development.

3. Using punitive measures to teach children, hurting them physically and spiritually.

4. Using force or threatening to use force or other tricks to appropriate, kidnap children or segregate children from their parents or guardians.

5. Regularly intimidating children by means of images, sounds, animals or items, thus frightening them and hurting them spiritually.

6. Buying, selling children in any form.

7. Fraudulently exchanging children for any purpose.

8. Enticing, inciting or deceiving children in any form to hate their parents or guardians.

9. Enticing, inciting or deceiving children to infringe upon others' life, body, dignity or honor.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Parents, guardians or nurturers of children force them to do housework beyond their strength or for too long, thus affecting their learning, recreation, entertainment and badly affecting their development, or force children to do jobs forbidden by law.

2. Job trainers force their child trainees to do jobs beyond their strength or for too long, do heavy jobs or do jobs in a hazardous or dangerous environment badly affecting their development.

3. Employing children without payment or with underpayment, without their parents' or guardians' commitment, without labor contracts as required by law; forcing children to work beyond their strength or for too long, do heavy jobs or jobs in a hazardous or dangerous environment; employing children for jobs in contravention of the labor law.

4. Employing children in dance halls, massage parlors, physio-therapy establishments, casinos, karaoke bars, pubs or beer restaurants or other places at risk of adversely affecting their development.

5. Employing children to buy, sell or transport counterfeit, banned or contraband goods.

6. Letting children participate in. employing children in the production, trading or circulation of violence-provoking, debauched or dangerous cultural, information and communication products, toys, games or items unsuitable or harmful to their development.

Article 10. Obstructing children's learning

1. Abusing one's prestige, using force or threatening to use force or using material benefits or power to seduce, entice or force children to give up or stop their schooling.

2. Forcing or seducing children to give up or stop their schooling in order to put pressure, initiate lawsuits or go on demonstrations unlawfully.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Deliberately declining to perform the law-prescribed obligation to make contributions to children's learning, failing to ensure learning time and conditions for children.

5. Destroying children's books, notebooks and learning aids.

6. Refusing to admit, or putting pressure to obstruct the admission of, children with disabilities who have learning ability, HIV-infected children, children suspected of or at risk of HIV infection or with HIV-infected parents, to educational institutions as required by law

Article 11. Applying measures that offend or debase the honor or dignity of, or applying corporal punishments to. juvenile delinquents

1. Humiliating or scolding juvenile delinquents, forcing them to do jobs which offend or debase their honor or dignity.

2. Torturing or inflicting corporal pains to juvenile delinquents, detaining them in miserable conditions or applying measures hurting them spiritually.

Article 12. Setting up establishments for the production or storage of pesticides, toxic chemicals, flammables or explosives near children-nurturing establishments or educational, medical, cultural, recreation or entertainment establishments for children

1. Locating establishments for the production or storage of pesticides, toxic chemicals, flammables or explosives within areas that affect the health and development of children or at the risk of endangering the life of children at children-nurturing establishments or educational, medical, cultural, recreation or entertainment establishments for children, or vice versa.

2. Locating production and business establishments that discharge hazardous wastes or cause noises in excess of allowable limits within areas that affect the health, development and safety of children and activities of children- nurturing establishments or educational, medical, cultural, recreation or entertainment establishments for children, or vice versa.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Using for improper purposes and damaging physical foundations reserved for children's learning, recreation and entertainment.

2. Encroaching land, works, houses, areas and space and misusing the time for children's learning, recreation and entertainment.

3. Failing to implement, incorrectly implementing or distorting approved master plans on physical foundations reserved for children's learning, recreation and entertainment.

Chapter III

RESPONSIBILITIES FOR ENSURING CHILDREN'S FUNDAMENTAL RIGHTS

Article 14. Birth registration for children

1. Parents or guardians have the responsibility to register the birth of their children in time as prescribed. Birth registration for children shall be made in accordance with the law on civil status registration.

2. People's Committees at all levels shall direct justice agencies to coordinate with labor, war invalids and social affairs agencies of the same level to urge parents, guardians and persons or organizations nurturing children to register the birth of their children in accordance with law; organize the implementation of measures for child birth registration according to regulations in difficult-to-access areas where inhabitants still follow backward customs and practices.

Article 15. Identification of parents for children

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Parents or guardians of children: labor, war invalids and social affairs agencies and women's unions at all levels and other agencies, organizations and individuals defined by the civil procedures law have the right to request courts to identify parents for children.

3. Labor, war invalids and social affairs agencies and women's unions at all levels shall, when receiving requests for identification of parents for children, examine, verify and consider the children's interests, then request courts to identify parents for such children.

Article 16. Assurance of the interests of children separated from their parents

1. If their parents are held in custody or detention or have to serve imprisonment sentences, children must be separated from their parents and receive surrogate care. For mothers with children under 36 months old who have to serve imprisonment sentences, they will be given appropriate time to take care of and nurture their children. Provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Departments of the localities in which detention camps or prisons are located shall designate social relief or child support establishments to receive and nurture children of 36 months or older of detainees or inmates in such detention camps or prisons if such children have no relatives to take care of or nurture.

2. If parents have their parental rights toward minor children restricted under court decisions, during the time of executing court decisions, their children shall be given help and protection. In case the courts decide to disallow parents to take care of, nurture and educate their children, such children must be separated from their parents and receive surrogate care.

3. The People's Committees at all levels shall organize the surrogate care, education and nurturing of children who have to be separated from their parents in the following forms: handing them to their relatives, surrogate families or local social relief establishments or child support establishments for surrogate care.

4. The labor, war invalids and social affairs agencies at all levels shall verify the living conditions and circumstances as well as economic capabilities of children's relatives, surrogate families or social relief establishments or child support establishments in order to propose the care and nurturing of children who have to be separated from their parents, and regularly inspect the living conditions of children who are separated from their parents and handed to surrogate caretakers. The sending of children who have to be separated from their parents to live in social relief establishments or child support establishments must be regarded as the last resort when their relatives or surrogate families cannot be found.

5. When children stay in social relief establishments, child support establishments, reformatories or detoxification establishments, their parents have the responsibility to regularly visit, encourage and support (hem: social relief establishments, child support establishments. reformatories and detoxification establishments shall create conditions for children to keep in touch with their families and have access to child protection, care and education services.

Article 17. Protection of children in case their parents violate children's rights provided in Chapter II of this Decree

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Responsibilities for assuring the safety and normal development of children in case their parents have their parental rights to minor children restricted:

a/ The labor, war invalids and social affairs agencies and women's unions at all levels may, pursuant to the civil procedure law, request courts or propose procuracies to request courts to restrict the parental rights to minor children. Other organizations and individuals may, pursuant to the civil procedure law, propose procuracies to consider and request courts to restrict the parental rights to minor children.

b/ In case of emergency to protect the lives, bodies, dignity, honor and lawful interests of children pending decisions of courts, the labor, war invalids and social affairs agencies or women's unions at all levels and other agencies, organizations and individuals may, pursuant to the civil procedure law, request competent courts to issue decisions to temporarily hand over such children to their relatives for nurturing, care and education. In case such children have no relatives, they shall be handed to surrogate families or child support establishments or social relief establishments.

c/ After courts issue decisions to restrict the parental rights to minor children or in case of emergency, surrogate care for, education and nurturing of such children shall be organized under Clauses 3 and 4, Article 16 of this Decree.

Article 18. Responsibility for protecting the lives, bodies, dignity and honor of children

1. When detecting risks and acts of maltreating or infringing upon the lives, bodies, dignity and honor of children, agencies, organizations and individuals shall report them to the labor, war invalids and social affairs agencies or People's Committees at any level or commune-level civil servants specializing in labor, war invalids and social affairs.

2. The labor, war invalids and social affairs agencies or People's Committees at any level or commune-level civil servants specializing in labor, war invalids and social affairs shall receive and verify reported information mentioned in Clause 1 of this Article; and coordinate with related agencies, organizations and individuals in taking measures to promptly prevent and handle risks and acts of maltreating or infringing upon the lives, bodies, dignity and honor of children.

3. The labor, war invalids and social affairs agencies at all levels shall assume the prime responsibility for, and coordinate with related same-level agencies in, directing and guiding the provision of public information on and education in skills of child protection and prevention of child maltreatment, abuse. violence and punishment for parents, guardians and commune-level civil servants specializing in labor, war invalids and social affairs, teachers at educational institutions and children.

4. Parents, guardians, children-nurturing establishments, educational, health, cultural, physical training and sports establishments and production, business and service establishments shall implement measures to prevent injuries for children.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 19. Responsibility for assuring children's right to access information suitable to their development

1. Parents, guardians, mass media agencies, children-nurturing establishments, educational and cultural establishments, social organizations and service establishments engaged in child protection, care and education shall create every condition for children to access information sources suitable to their age, gender and development.

2. Children-nurturing establishments, educational and cultural establishments, social organizations and service establishments engaged in child protection, care and education shall make public information on their organiza­tion and activities through appropriate forms.

3. Information accessible and supplied to children must be in the interests of children, neither harming nor affecting their development.

Article 20. Responsibility for assuring children's right to express their opinions and aspirations on issues of their concern

1. Parents, guardians, mass media agencies, children-nurturing establishments, educational and cultural establishments, social organizations and service establishments engaged in child protection, care and education shall create every condition for children to express their opinions and aspirations on issues of their concern.

2. Agencies making laws and policies on or related to children shall study and consult opinions of children. Children's forums arc for children's representatives to voice children's opinions and aspirations or for agencies and organizations to consult children on matters related to children.

3. Opinions and aspirations of children sent to related agencies, organizations and establishments shall be responded to, explained and satisfied within the scope of responsibilities and powers of these agencies, organizations and establishments.

4. Activities of expressing children's opinions and aspirations must be in the interests of children and suitable to their development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 21. Responsibility for assuring children's right to participate in social activities

1. Parents, guardians, mass media agencies, children-nurturing establishments, educational and cultural establishments, social organizations and service establishments engaged in child protection, care and education shall create conditions for children to participate in social activities suitable to their abilities, age and gender.

2. Social activities of children must be in the interests of children and society and must not affect the normal development of children.

3. It is prohibited to abuse the participation in social activities of children and social activities involving children for the purposes of putting pressure, initiating lawsuits, organizing demonstrations or doing business in contravention of law, abusing and harming children.

Article 22. Guidance on and examination of activities involving children

The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and People's Committees at all levels shall direct related agencies in guiding and examining children's activities of accessing information, expressing opinions and participating in social activities and other activities involving children; stopping or proposing competent authorities to stop activities involving children which are not in the interests of children, abusing or harming them; handling or proposing competent authorities to handle under law acts that hinder children from accessing information, expressing their opinions and aspirations on related matters and participating in social activities.

Chapter IV

PROTECTION, CARE FOR AND EDUCATION OF DISADVANTAGED CHILDREN

Article 23. Protection, care for and education of disadvantaged children at grassroots level

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Compiling dossiers to monitor developments of every disadvantaged child and making plans to support, rehabilitate and integrate them into their communities.

2. Mobilizing agencies, organizations, families and individuals to voluntarily support the care for and education of disadvantaged children, to adopt, sponsor or act as surrogate families of those who have nobody to rely on no nurturing sources. For those who are neither cared for nor nurtured at their families or surrogate families, compiling dossiers for sending them to child support establishments or social relief establishments.

3. Providing public information on, educating in measures and guiding skills for parents, guardians, family members and caretakers and nurturers of disadvantaged children to solve or and mitigate disadvantageous circumstances of these children, restore their health and spirit, educate them morally and reintegrate them, which are suitable to the disadvantageous circumstance of each child.

4. Organizing the implementation of policies on the protection, care for and education of disadvantaged children, contacting child protection, care and education services; coordinating with competent agencies, organizations and persons in preventing risks of violating children's rights; detecting, verifying and handling acts of letting children fall into disadvantageous circumstances; and supporting and rehabilitating disadvantaged children in accordance with law.

Article 24. Management of and assistance for disadvantaged children

The People's Committees at all levels shall perform the task of managing and assisting disadvantaged children, including:

1. Organizing and managing the collection, processing and analysis of information and data on disadvantaged children by group, extent of disadvantageous circumstance and form of support; making reports on the situation of disadvantaged children.

2. Planning and guiding coordination in the protection, care for and education of disadvantaged children, ensuring that every disadvantaged child receive support, have opportunity to recover physically and spiritually, be educated morally and integrate into their families and community.

3. Developing and implementing policies and regimes in support of disadvantaged children.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Examining and inspecting the implementation of regimes, policies, measures, criteria, professional and technical processes and other regulations applicable to the protection, care for and education of disadvantaged children.

Article 25- Management of and support for juvenile delinquents who have completely served their reformation terms or penalties

1. Commune-level People's Committees, related agencies and social organizations in localities in which live juvenile delinquents who have completely served their reformation terms or penalties shall take concrete measures to manage and support them to make progress and reintegrate into their families and society.

2. Juvenile delinquents who have completely served their reformation terms or penalties but have nobody to rely on shall be sent to disadvantaged children support establishments.

3. The People's Committees at all levels shall assume the prime responsibility for, and coordinate with related agencies, social organizations and individuals in, mobilizing people who are experienced, have proper education methods and understand children's psychology to voluntarily educate, sponsor and take care of or organize and manage child support establishments for juvenile delinquents who have completely served their reformation terms or penalties.

4. The People's Committees at all levels shall assume the prime responsibility for, and coordinate with related agencies in. mobilizing agencies, organizations, enterprises and individuals to support funding for children and child support establishments to admit or create conditions for children to study, learn jobs or have appropriate jobs. Provincial-level People's Committees shall adopt policies to encourage agencies, organizations, enterprises and individuals to admit children for study or work or support funding for children and child support establishments.

5. With regard to juvenile delinquents who have completely served their reformation terms or penalties and who. though still having someone to rely on, cannot immediately reintegrate into their families, they shall be sent to child support establishments and their parents shall contribute part of funding for their nurturing and education as agreed with child support establishments, and contribute part of funding as requested by and agreed with agencies, organizations or enterprises admitting their children for study or learning jobs.

Article 26. Child support establishments

1. Child support establishments with particular activities:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ The organization and operation of child support establishments with particular activities comply with the Law on Child Protection, Care and Education and relevant laws.

c/ The Ministry of Labor. War Invalids and Social Affairs, the Ministry of Education and Training, the Ministry of Health and the Ministry of Public Security shall, within the ambit of their assigned functions, tasks and powers, manage, and guide the licensing and building of, and notification of technical regulations and technical and professional knowledge for. child support establishments under their respective management.

2. Child support establishments operating in specific sectors:

a/ Specific sectors include medical examination and treatment, functional rehabilitation, general education, vocational training, job generation, culture and sports.

b/ The organization and operation of child support establishments operating in specific sectors comply with the Law on Child Protection. Care and Education and laws applicable to relevant sectors.

c/ The ministries and ministerial-level agencies managing specific sectors shall manage, and guide the licensing and building of, and notification of technical regulations and technical and professional knowledge for, child support establishments under their respective management.

3. Child support establishments with mixed activities:

a/ Mixed activities include professional activities related to different sectors; support, surrogate care for and education for different groups of disadvantaged children: knowledge and skill consultancy for children and parents, guardians and child caretakers and educators; support for medical treatment: psychological therapy: integration education, vocational training, job generation, organization of social activities.

b/ The organization and operation of child support establishments with mixed activities comply with the Law on Child Protection, Care and Education and laws concerning relevant child support activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 27. State management of child support establishments

1. The People's Committees at all levels shall assume the prime responsibility for, and coordinate with related agencies in, performing the state management of child support establishments in their localities according to the following provisions:

a/ Elaborating, and directing the implemen­tation of. master plans to ensure suitable types of child support establishments for target groups of children in their localities, creating conditions for all disadvantaged children to have opportunity to restore their health and spirit and receive moral education, and disadvantaged children who have nobody to rely on to be cared for and nurtured in surrogate families or child support establishments.

b/ Examining and inspecting the organization and operation of all child support establishments in their localities, ensuring that they lawfully operate for proper purposes.

2. The ministries and ministerial-level agencies shall, within the ambit of their assigned functions, tasks and powers, perform the state management of child support establish-ments under their respective management according to the following provisions:

a/ Elaborating, and directing the implementation of, master plans and plans on development of child support establishments which operate for the purpose of protecting, and ensuring the exercise of. children's rights.

b/ Elaborating and submitting to competent agencies for promulgation, or promulgating according to their competence regimes, policies, technical regulations and professional guidance for activities in support of disadvantaged children and their protectors, caretakers and educators.

c/ Providing information, professional guidance and personnel training for child support establishments.

d/ Deciding on the establishment, licensing, dissolution and termination of the operation of child support establishments.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 28. Child support funds

1. Child support funds arc set up for mobilizing voluntary contributions of domestic and foreign agencies, organizations and individuals, international aid and state budget supports for the cause of child protection, care and education.

2. Child support funds set up at a certain level shall be managed and used by the labor, war invalids and social affairs agencies of such level for child protection, care and education but not for other purposes.

3. Child support funds shall operate not for profits: respect the purposes of contributions; publicize their revenues and expenditures; exploit, receive, develop and use their funding sources according to approved plans of action and requirements of donors: it is prohibited to use these funds for illegal activities.

4. Child support funds shall be used to provide support for orphaned children having nobody to rely on, abandoned children, handicapped and disabled children; children who are toxic chemical victims; HIV/AIDS-infected children; children doing heavy or dangerous jobs or jobs in exposure to hazardous substances: children working far from their families; street children: sexually abused children; narcotic-addicted children; juvenile delinquents; children suffering dangerous diseases in need of high treatment costs, children in mountainous, deep-lying, remote, revolutionary base and natural disaster-stricken or epidemic-hit areas; children of poor families; and for their management work.

Chapter V

RESPONSIBILITIES OF AGENCIES AND ORGANIZATIONS

Article 29. Responsibilities of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs

1. To perform the state management of child protection, care and education according to the assigned state management contents.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. To submit to competent state agencies for promulgation or promulgate according to its competence legal documents on child protection and care, and organize the implementation thereof.

4. To propagate, disseminate and educate about the laws and policies on child protection and care.

5. To organize the collection, processing and notification of information and data on child protection and care and the exercise of children's rights nationwide in accordance with law: to Organize scientific research and application of scientific advances and technology transfer in the field of child protection and care and exercise of children's rights: to enter into international cooperation on child protection and care and exercise of children's rights within the scope of its state management as provided by law.

6. To develop and notify professional regulations and standards and norms for child protection and care activities under its management: and for activities of child support establishments and social relief establishments nurturing and caring for children under its management.

7. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Education and Training in, developing training programs for vocational training schools related to children: and to guide provincial-level People's Committees in planning and building networks of these schools.

8. To assume the prime responsibility for, and coordinate with related agencies and organizations in, directing, guiding and implementing the prevention of children from falling into disadvantageous circumstances and supporting disadvantaged children to rehabilitate and integrate into their families and society.

9. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Education and Training, the Ministry of Culture, Sports and Tourism and the Ministry of Information and Communications in. directing and guiding the education of children about their obligations, prohibited acts and living skills.

10. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance and other related agencies in, examining and inspecting the management and use of child support funds.

11. To coordinate with the Ministry of Public Security in developing career orientation education programs and guiding vocational training in reformatories.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 30. Responsibilities of the Ministry of Planning and Investment

1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Labor. War Invalids and Social Affairs in. guiding and examining the materialization of planned targets of child protection, care and education.

2. To assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries and sectors in. mobilizing international aid and loans for child protection, care and education.

3. To announce national statistical indexes regarding child protection, care and education in accordance with law.

Article 31. Responsibilities of the Ministry of Finance

1. To arrange funds for the implementation of child protection, care and education policies, programs, projects and activities according to the decentralization under the Law on the State Budget.

2. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs in, guiding the management and use of child support funds.

Article 32. Responsibilities of the Ministry of Health

1. To guide the strengthening and quality improvement of the network of medical examination and treatment for children; to provide professional and technical guidance on medical prevention, examination and treatment for children; to step by step provide regular medical check-ups for and compile books to monitor the health of children; to pay special attention to malnourished children, children with disabilities, children who arc toxic chemical victims, HIV-infected children, sexually abused children, narcotic-addicted children and injured children.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and the Ministry of Education and Training in, guiding and organizing medical prevention, examination and treatment for children; to ensure that under-6 children have medical examination and treatment under the law on health insurance; to provide regular medical check-ups for people working in regular contact with children; to guide parents and guardians in preventing diseases for children.

4. To announce national statistical indexes regarding child health and medical care in accordance with law.

Article 33. Responsibilities of the Ministry of Education and Training

1. To guide provincial-level People's Committees in planning and building the networks of preschools and general education schools in the national educational system.

2. To elaborate and promulgate regulations on organization and operation of preschools and general education schools to ensure necessary conditions for the nurturing and education of children.

3. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Labor. War Invalids and Social Affairs in. working out programs on propagation, education and popularization of knowledge about child protection, care and education for pupils, teachers and administrators of educational institutions, to develop career orientation programs; to formulate policies on school fee exemption and reduction and appropriate measures for disadvantaged children to follow integration learning: to provide education programs for educational institutions exclusively for children with disabilities.

4. To assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries and sectors in, determining education programs for gifted children's schools and classes.

5. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Health in, formulating and implementing the school health program; to guide the implementation of regulations on healthcare activities in preschools and general education schools.

6. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Justice in, formulating and implementing the law education program in preschools and general education schools.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Labor. War Invalids and Social Affairs, the Ministry of Culture. Sports and Tourism and the Ministry of Information and Communications in. directing and guiding the education of children about their obligations and prohibited acts, the conservation and promotion of national cultural identity, familial culture and living skills at educational institutions.

9. To announce national statistical indexes regarding child-related education and training in accordance with law.

Article 34. Responsibilities of the Ministry of Culture. Sports and Tourism

1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, the Ho Chi Minh Communist Youth Union and related agencies and organizations in. elaborating and directing the implementation of master plans and plans to prioritize and encourage investment to meet children's demands for culture, literature, arts, physical training, sports, physical strengthening, recreation, entertainment and tourism suitable to children's development and the situation of socio-economic development.

2. To manage and organize the creation of literature and arts and development of artistic, theatrical, musical and performance programs and items for children and about children; to set percentages of products for children of total works, cultural products, programs and items annually created or performed; and to manage and guide the use of physical training and sports instruments for children.

3. To direct and guide the use of libraries, clubs, cultural houses, theaters, cinemas, recreation and entertainment facilities for children, and physical training and sports establishments for children; in localities which lack conditions for building separate facilities for children, to provide that at least 20% of the use time of common-use facilities must be reserved to meet children's appropriate demands or such facilities must have areas with appropriate equipment for children. To earmark a portion of funds for mass sports movements for children's mass sports activities. To adopt policies to prioritize children's visits to scenic places, tours and use of physical training and sports establishments.

4. To define cultural products and artistic, theatrical, musical and performance programs and items which are not appropriate for children or only appropriate for a certain age group of children.

5. To direct and guide the organization of cultural, recreation, entertainment, physical training, sports and tourist activities for children suitable to their ages as well as their physical, intellectual and spiritual development.

6. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, the Ministry of Education and Training and the Ministry of Information and Communications in, directing and guiding the education of children about the conservation and promotion of national cultural identity and family culture.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. To examine, inspect and handle illegal acts in the field of culture, family, physical training, sports and tourism for or related to children under its competence to ensure requirements of education, psychology and physiology of and safety for children.

Article 35. Responsibilities of the Ministry of Information and Communications

1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, the Ho Chi Minh Youth Communist Union, Vietnam Journalists Association and related ministries, sectors and mass organizations in, formulating, and directing the implementation of, master plans and plans on development of press, publication and information activities for children within its competence, meeting children's needs for information, education and entertainment and expression of opinions suitable to their development.

2. To formulate, promulgate and examine the implementation of, national technical regulations on press. publication, telecommunications, internet, radio and television for or related to children within its competence to ensure the interests of children and not to abuse and harm children.

3. To examine, inspect and handle acts in violation of the law on information and communications for or related to children within its competence.

Article 36. Responsibilities of the Ministry of Public Security

1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, the Ho Chi Minh Communist Youth Union, the Vietnam Women's Union and law enforcement agencies as well as related agencies and organizations in, working out plans to guide and organize the application of measures to prevent and stop acts of harming children and children's illegal acts.

2. To assume the prime responsibility for, and coordinate with related agencies in. managing and educating juvenile delinquents at reformatories, detention camps or prisons; to ensure necessary physical and spiritual conditions for children at reformatories, detention camps and prisons; to coordinate with the People's Courts and People's Procuracies in severely handling under law acts of violating children's rights and interests.

3. To direct the state management of residence to create conditions for children to exercise children's rights in their places of residence.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 37. Responsibilities of the Ministry of Justice

1. To direct and organize civil status and nationality registration for children, and ensure children's birth registration in accordance with law.

2. To direct and organize legal assistance for disadvantaged children in accordance with the legal aid law.

3. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Labor. War Invalids and Social Affairs, the Ministry of Foreign Affairs and the Ministry of Public Security in. performing the state management of child adoption.

4. To act as the focal point in organizing and performing the dissemination of and education about the law on child protection, care and education.

Article 38. Responsibilities of the Ministry of Natural Resources and Environment

1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Labor. War Invalids and Social Affairs and related ministries and sectors in, guiding ministries, sectors and local People's Committees in elaborating master plans and plans on land use and identifying needs for land areas to build education, healthcare, cultural and service establishments and recreation, entertainment and physical training and sports facilities for children in accordance with the land law,

2. To coordinate with related ministries and ministerial-level agencies in formulating and promulgating national technical regulations on environment applicable to educational, healthcare, cultural and service establishments and recreation, entertainment and physical training and sports facilities for children in accordance with law.

Article 39. Responsibilities of the Ministry of Construction

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 40. Responsibilities of the Ministry of Transport

To formulate and promulgate, and examin the implementation of. priority policies for children using public means of transport; and national technical regulations on means and works of transport suitable for children.

Article 41. Responsibilities of other ministries and sectors

Other ministries and sectors shall, within the ambit of their respective functions and tasks, coordinate with the Ministry of Labor. War Invalids and Social Affairs in performing the work of child protection, care and education.

Article 42. Responsibilities of the People's Committees of all levels

1. To perform the state management of child protection, care and education in their localities.

2. To achieve the objectives of child protection, care and education in their localities; to organize coordination among related local agencies and organizations in the work of child protection, care and education.

3. To promulgate policies and regimes suitable to local characteristics so as to perform the work of child protection, care and education.

4. To implement measures suitable to local socio-economic conditions to perform the work of child protection, care and education. To arrange sufficient civil servants and public employees for the work of child protection and care in their localities; to coordinate with socio­political organizations and social organizations in studying and building grassroots networks of collaborators and volunteers in child protection and care. To arrange, manage and use of funds for the achievement of the objectives for children and their rights in their localities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. To examine, inspect, evaluate and periodically review the work of child protection, care and education in their localities.

Chapter VI

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 43. Effect

1. This Decree takes effect on October 10, 2011.

2. This Decree replaces the Government's Decree No. 36/2005/ND-CP of March 17, 2005, detailing a number of articles of the Law on Child Protection, Care and Education.

Article 44. Implementation responsibilities

1. Ministers and heads of ministerial-level agencies shall, within the ambit of their respective functions, tasks and powers, guide the implementation of this Decree.

2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies and chairpersons of provincial-level People's Committees shall implement this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 71/2011/NĐ-CP ngày 22/08/2011 hướng dẫn Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


31.555

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.54.136
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!