ỦY BAN DÂN TỘC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 960/KH-UBDT
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 8 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN VẬN ĐỘNG NGUỒN LỰC XÃ HỘI HỖ TRỢ TRẺ EM CÁC XÃ ĐẶC BIỆT
KHÓ KHĂN THUỘC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2019-2025
Thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các
xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 -
2025, Ủy ban Dân tộc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Đề án
và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày
19/5/2019;
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan,
tổ chức, cá nhân tạo sự đồng thuận xã hội trong tổ chức vận động nguồn lực xã hội
hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc
thiểu số và miền núi;
- Bảo đảm mục tiêu của Đề án góp phần cải thiện
tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, hỗ trợ và tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu
số ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tham
gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí tại cộng đồng.
2. Yêu cầu
- Các nội dung hoạt động trong kế hoạch phải cụ thể,
khả thi, bám sát các nội dung của Đề án và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ
giao;
- Phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo sự phối hợp chặt
chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong tổ chức thực hiện Kế
hoạch.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI
1. Đối tượng
- Trẻ em dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó
khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
- Các cơ quan công tác dân tộc các cấp và các cơ
quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan.
2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2019 đến năm
2025.
3. Phạm vi thực hiện: Vùng dân tộc thiểu số
và miền núi trên phạm vi toàn quốc.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Tăng cường công tác truyền thông, vận động
nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc
vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng
tăng cường các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, phản ánh, giới thiệu
các trường hợp trẻ em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; những địa
phương, cơ sở ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền
núi còn thiếu các công trình phúc lợi vì trẻ em hoặc có các công trình, nhưng
chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của trẻ em... kịp thời giới thiệu, cung cấp
thông tin cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và quốc tế
để vận động đóng góp nguồn lực hỗ trợ trẻ em;
- Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dịp
các sự kiện, các ngày lễ, tết, như: Tháng hành động Vì trẻ em, ngày Quốc tế Thiếu
nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Khai giảng năm học mới hoặc vào những dịp gặp
mặt trẻ em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...nhằm thu hút sự
quan tâm đông đảo của các lực lượng xã hội, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,
cá nhân ở trong nước và quốc tế đóng góp nguồn lực hỗ trợ trẻ em;
- Kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng các
cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp, vận động nguồn lực
xã hội hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân
tộc thiểu số và miền núi.
2. Đa dạng hóa các hình thức vận động nguồn
lực xã hội hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng
dân tộc thiểu số và miền núi
- Chú trọng công tác vận động trực tiếp. Chủ động
tiếp cận và duy trì mối quan hệ thường xuyên với các đối tác, các nhà tài trợ
có tiềm năng; có kế hoạch và định hướng vận động cụ thể, giới thiệu những địa
chỉ, cung cấp những thông tin cần thiết, chính xác đến nhà tài trợ, để nhà tài
trợ lựa chọn giải pháp hỗ trợ phù hợp;
- Thường xuyên kết nối và phối hợp với các cơ quan,
tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các cơ sở y tế tổ chức các hoạt động thiện nguyện
đến thăm, khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em; tặng đồ ấm cho
trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng dụng cụ, phương tiện cho các công
trình phúc lợi vì trẻ em... ở những địa phương, cơ sở còn khó khăn nhằm tạo điều
kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số được tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi,
giải trí tại cộng đồng.
3. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện
công tác vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn, chương trình tập huấn
nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên có liên
quan ở trung ương và địa phương cơ sở tham gia thực hiện công tác vận động nguồn
lực xã hội hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số;
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng
liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động nguồn lực, tiếp nhận, quản lý, sử
dụng nguồn lực vận động được từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
4. Phối hợp với các địa phương vùng dân tộc
thiểu số và miền núi đánh giá nhu cầu cần hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số để triển
khai thực hiện; xây dựng triển khai thí điểm và phát triển các mô hình tư vấn,
hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận và
hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và tham gia các hoạt động
văn hóa, vui chơi, giải trí tại cộng đồng.
5. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản
lý, sử dụng các nguồn lực vận động được đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch,
đúng mục đích, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả.
6. Rà soát, nghiên cứu, kiến nghị bổ sung, sửa
đổi hoặc ban hành các văn bản có liên quan đến công tác vận động nguồn lực xã hội
nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân
tham gia đóng góp, tổ chức các hoạt động hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số ở các
xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
7. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra,
đánh giá và nắm tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch; kịp thời phát hiện,
ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong công tác vận động và
sử dụng nguồn lực xã hội thực hiện Đề án.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn vận động từ các cơ quan, tổ chức,
các doanh nghiệp, các quỹ từ thiện, quỹ xã hội, các cá nhân trong và ngoài nước;
các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nội dung hoạt động
của Kế hoạch này.
2. Ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ
quan trung ương và địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước; nguồn
kinh phí lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án có liên quan đến công tác
bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Vụ Dân tộc thiểu số chủ trì, phối hợp với
các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc, Cơ quan công tác dân tộc các địa
phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân liên quan tổ chức thực hiện
các nội dung hoạt động theo kế hoạch được phê duyệt.
2. Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, thành phố chủ
trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp, cá nhân liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch
thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số ở các
xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn theo
nội dung kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; định kỳ sơ, tổng kết, đánh
giá kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Ủy
ban Dân tộc theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT (để b/c);
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để p/h);
- Cơ quan Công tác dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để t/h);
- Các Vụ, đơn vị thuộc UBDT (để t/h);
- Cổng TTĐT của UBDT;
- Lưu: VT, DTTS (05b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM
Hoàng Thị Hạnh
|