ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 96/KH-UBND
|
Thái Bình, ngày
12 tháng 7 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM
Để tiếp tục triển khai thực hiện
các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả, làm giảm tội phạm xâm hại tình
dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống
tội phạm xâm hại tình dục trẻ em như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Phát huy sức mạnh tổng
hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, phối hợp hiệp đồng, chặt
chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong
công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
2. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu
quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Xác định công tác phòng
ngừa là căn bản; kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở, phòng ngừa chung, góp phần kiềm
chế, làm giảm các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
3. Bảo đảm 100% các tố
giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ việc xâm hại tình dục
trẻ em được tiếp nhận, giải quyết kịp thời; 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm
xâm hại tình dục trẻ em được khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Phân công, phân cấp,
xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng lực lượng trong công tác
phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
II. NỘI
DUNG, BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH
1. Công tác
tham mưu, chỉ đạo thực hiện
- Cấp ủy, chính quyền các cấp căn
cứ tình hình thực tế tại địa phương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác
phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cụ thể hóa bằng văn bản, trong
đó xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, các biện pháp tiến hành gắn với trách nhiệm
người đứng đầu, các cấp, các ngành, các tổ chức cơ sở đảng và mỗi cán bộ đảng
viên; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát đưa vào thành một nội dung để
theo dõi, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện,
kiên quyết không để tội phạm này gây bức xúc.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp
với lực lượng Công an cơ sở bám sát địa bàn, thường xuyên trao đổi thông tin đối
tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh.
- Huy động các nguồn lực theo
hướng xã hội hóa kết hợp bố trí kinh phí của địa phương hỗ trợ công tác đấu
tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
- Công an tỉnh chủ động
tham mưu sơ kết 01 năm Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 14/8/2020 của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh về việc tăng cường phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý các
hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đánh giá toàn diện tình hình, kết quả, tồn tại,
hạn chế và nguyên nhân, đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới làm giảm
tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh (thực hiện trong Quý
III/2021).
2. Công tác
tuyên truyền, phòng ngừa
- Chỉ đạo đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các chính sách liên quan đến trẻ
em; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm xâm hại tình dục
trẻ em; hậu quả nguy hiểm của các vụ xâm hại trẻ em; các biện pháp phòng, chống
xâm hại tình dục trẻ em… để từng gia đình, nhà trường, cộng đồng hiểu rõ quyền,
trách nhiệm của mình trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đối với trẻ em; để chính
các em (nhất là trẻ em gái) được trang bị những kiến thức cơ bản tự bảo vệ mình
trước nguy cơ xâm hại tình dục.
- Tăng cường xây dựng các
chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ
em; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội, công khai
phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại
chúng để cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên biết, nâng cao nhận thức, phối hợp,
tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.
- Phát động mạnh mẽ phong trào
toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, có cơ chế chính sách động viên người dân tham
gia trực tiếp công tác phòng ngừa, đấu tranh, lên án hành vi vi phạm, xây dựng
hình ảnh xã hội văn minh, lan tỏa gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo
vệ trẻ em.
- Tăng cường thanh tra, kiểm
tra chuyên ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực văn
hóa xã hội không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Kịp thời phát hiện, khắc phục,
kiến nghị khắc phục các sơ hở thiếu sót theo chức năng của từng ngành, hạn chế
nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm này.
- Thực hiện tốt chính sách vận
động quần chúng, động viên, khuyến khích, bảo vệ kịp thời những người dân tham
gia tố giác, cung cấp thông tin có giá trị phản ánh hoạt động của tội phạm.
3. Công tác
đấu tranh, xử lý
- Các lực lượng chức năng triển
khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tăng cường công tác quản lý địa bàn, đối
tượng, đặc biệt là rà soát, quản lý cư trú, quản lý giáo dục đối tượng tại địa
bàn cơ sở.
- Thường xuyên gọi hỏi, răn đe,
cảm hóa giáo dục đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật. Chủ động thu thập,
tích lũy tài liệu, lập hồ sơ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (đưa vào Cơ
sở giáo dục, Trường giáo dưỡng, Cơ sở cai nghiện bắt buộc và giáo dục tại xã,
phường, thị trấn).
- Tiếp nhận, phân loại, giải
quyết kịp thời các tố giác, tin báo có dấu hiệu tội phạm xâm hại trẻ em. Nâng
cao chất lượng công tác điều tra, khai thác mở rộng triệt để từ các vụ án, vụ
việc khác, kiên quyết không bỏ sót, bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.
- Đẩy nhanh tiến độ điều tra,
truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em theo đúng trình tự, thủ tục
quy định của pháp luật.
III. PHÂN
CÔNG NHIỆM VỤ
1. Công an tỉnh
- Chỉ đạo các lực lượng nghiệp
vụ, Công an huyện, thành phố chủ động nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình
hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên
địa bàn tỉnh; mở hồ sơ theo dõi, thu thập, tích lũy tài liệu đối với các đối tượng:
có tiền án, tiền sự về hành vi xâm hại trẻ em; đối tượng có biểu hiện hoạt động
phạm tội; mối quan hệ của đối tượng (thường xuyên qua lại với gia đình trẻ em
có hoàn cảnh đặc biệt, thường xuyên dụ dỗ, lôi kéo, đưa đón trẻ em đi chơi…).
Trên cơ sở đó, tổ chức phân loại, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa,
ngăn chặn (gọi hỏi, răn đe, cảm hóa, giáo dục đối tượng).
- Chủ động phối hợp với các cơ
quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm bảo trợ xã hội,
hoạt động môi giới xuất khẩu lao động, tìm việc làm, môi giới kết hôn với người
nước ngoài, cho nhận con nuôi… Làm tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm
trú, tạm vắng; quản lý các nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự
(karaoke, khách sạn, nhà nghỉ ...); kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng chứa
mại dâm, môi giới mại dâm là trẻ vị thành niên. Phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt
động quảng cáo, phim ảnh đồi trụy, sách có nội dung bạo lực, khiêu dâm trên
không gian mạng; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Thực hiện tốt công tác tiếp
nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tập trung lực
lượng khẩn trương điều tra làm rõ các vụ việc có dấu hiệu xâm hại tình dục trẻ
em. Chủ động đấu tranh khai thác mở rộng làm rõ các hành vi, đối tượng khác có
liên quan để xử lý triệt để, không để bỏ sót, bỏ lọt tội phạm.
2. Sở Thông tin và Truyền
thông: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan
báo chí của tỉnh, Đài truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố và Đài
truyền thanh các xã, phường, thị trấn tích cực phối hợp với các lực lượng chức
năng xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền phòng, chống tội phạm xâm hại
tình dục trẻ em; thực hiện tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh. Nội
dung tuyên truyền tập trung phổ biến pháp luật gắn với cảnh báo phương thức, thủ
đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; kết quả đấu tranh, xử lý của
các lực lượng chức năng để răn đe, phòng ngừa tội phạm góp phần nâng cao nhận
thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm
này.
3. Sở Lao động Thương binh
và Xã hội
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi,
bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại
tình dục được tiếp cận với các cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật;
kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên gia đình và trẻ em bị xâm hại.
- Phối hợp tổ chức các hoạt động
tư vấn, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học về kỹ năng sống, kết nối
các chương trình, dịch vụ xã hội sẵn có tại địa phương (triển khai hàng tháng,
hàng quý trong năm).
- Đào tạo, nâng cao năng lực
cho đội ngũ chuyên trách làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới;
quan tâm, đề xuất can thiệp, hỗ trợ đối với từng trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại
tình dục.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Nghiên
cứu đưa chương trình đào tạo các kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, các biện pháp
phòng tránh xâm hại tình dục, chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường
cho học sinh. Nâng cao kỹ năng cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về công
tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Triển khai các biện pháp bảo đảm môi trường
giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức
nhà giáo đặc biệt là các hành vi xâm hại trẻ em. Thường xuyên trao đổi thông
tin tình hình học sinh đối với gia đình để kịp thời giáo dục, phòng ngừa.
5. Sở Tư pháp: Tham mưu
Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh ban hành kế hoạch triển khai
thực hiện, phổ biến các luật và văn bản có liên quan đến công tác bảo vệ trẻ
em; phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Hàng năm tổ chức sơ, tổng kết,
rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp tuyên truyền hiệu quả, thiết thực.
6. Sở Tài chính: Phối hợp
với Công an tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí bảo đảm triển
khai công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hàng năm trên địa
bàn tỉnh.
7. Đề nghị Viện Kiểm sát
nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh: Phối hợp với Cơ quan điều tra chỉ đạo
tiếp nhận, giải quyết kịp thời các vụ xâm hại tình dục trẻ em; rà soát hồ sơ
các vụ xâm hại tình dục trẻ em để xử lý dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài. Đẩy
nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em theo
đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh: Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật. Phối hợp xây dựng, củng cố hoạt động của các mô hình quần chúng
tự quản, tự phòng, các điển hình tiên tiến tham gia bảo đảm an ninh trật tự;
phát hiện, tố giác tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
9. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh tỉnh
- Hàng năm, xây dựng chương
trình hành động gắn với mục tiêu, chỉ tiêu nâng cao hiệu quả của Đoàn thanh
niên trong bảo vệ trẻ em. Tổ chức nhiều hoạt động hữu ích cho trẻ em như tuyên
truyền, tập huấn kiến thức về sử dụng internet, mạng xã hội hiệu quả; tổ chức
các chương trình lành mạnh như “Học kỳ quân đội”, “Học làm chiến sỹ Công an”,
“Trải nghiệm để trưởng thành”. Lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống xâm
hại tình dục trẻ em trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, liên đội, các
cuộc thi, tọa đàm, hội thảo…để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa cho học
sinh.
- Nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng
mô hình hoạt động lành mạnh trên mạng xã hội cho thiếu nhi tham gia nhằm tạo
sân chơi bổ ích, giúp các em có môi trường vui chơi, giải trí, học tập lành mạnh,
phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ hiện đại.
10. Đề nghị Hội liên hiệp Phụ
nữ tỉnh
- Chỉ đạo các cấp hội phát huy
vai trò tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo
lực đối với phụ nữ, trẻ em gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3
sạch”, gia đình văn minh, hạnh phúc. Tuyên truyền đến từng hội viên phụ nữ quan
tâm, giúp con tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục, dạy con kỹ năng tự vệ khi bị kẻ
xấu tấn công.
- Xây dựng, nhân rộng các mô
hình hoạt động hiệu quả, can thiệp, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại;
kịp thời động viên tinh thần, không để xảy ra các trường hợp bị kỳ thị dẫn đến
hành vi tiêu cực của trẻ em.
- Vận động cán bộ, hội viên phụ
nữ có con em bị xâm hại không tự ti, mặc cảm, xấu hổ, kịp thời phối hợp cung cấp
thông tin cho lực lượng chức năng để điều tra, xử lý theo đúng quy định của
pháp luật.
11. Ủy ban nhân dân huyện,
thành phố:
- Chỉ đạo Ủy ban nhân
dân các xã, phường, thị trấn tuyên truyền mạnh trên hệ thống truyền thanh cơ sở
về tình hình xâm hại tình dục trẻ em; phương thức, thủ đoạn của tội phạm xâm hại
tình dục trẻ em; hậu quả nguy hiểm của các vụ xâm hại trẻ em; các biện pháp
phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em…
- Chỉ đạo các ngành, đoàn thể,
cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn,
đấu tranh, xử lý và chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Nếu địa bàn nào buông lỏng quản lý, không triển khai các biện pháp phòng ngừa,
ngăn chặn để tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tăng, diễn biến phức tạp,
gây bức xúc thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm
của Ban chỉ đạo 138 và các bộ phận chức năng có liên quan.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Căn Kế hoạch này, các
sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố khẩn trương
xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 01
năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công
an tỉnh) để chỉ đạo.
2. Giao Công an tỉnh chủ
trì, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch này. Quá trình triển khai thực
hiện có khó khăn vướng mắc, đề nghị các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố liên hệ Công an tỉnh (số điện thoại 0692.760.001) để phối
hợp giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Các cơ quan TW đóng tại địa phương;
- UBND huyện, thành phố;
- Lưu: VT, NC.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lại Văn Hoàn
|