ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 755/KH-UBND
|
Nghệ An, ngày 26 tháng 11 năm 2015
|
KẾ HOẠCH
TỔNG
ĐIỀU TRA, RÀ SOÁT HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TỈNH NGHỆ AN THEO PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN
ĐO LƯỜNG NGHÈO TỪ ĐƠN CHIỀU SANG ĐA CHIỀU ÁP DỤNG CHO GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Thực hiện Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 21 tháng 9
năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “chuyển đổi phương
pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn
2016 - 2020”; Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 -
2020; Công văn số 4789/LĐTBXH-VPQGGN ngày 23
tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015.
Trên cơ sở đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội tại Văn bản số 3015/LĐTBXH ngày 24/11/2015,
Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Kế
hoạch tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo phương pháp
tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 -
2020 trên địa bàn tỉnh, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xác định và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo
theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều trên phạm vi toàn tỉnh để thực hiện các
chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn 2016-2020.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận
nghèo và các đặc điểm của hộ nghèo, hộ cận nghèo phục vụ cho việc quản lý hộ
nghèo, hộ cận nghèo; giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
- Giúp các địa phương trong tỉnh thực hiện lồng ghép
chương trình giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa
bàn.
2. Yêu cầu
- Việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải
được thực hiện từ khối phố, thôn, xóm, bản; trực tiếp với từng hộ, đảm bảo công khai, dân chủ, có sự
tham gia của các cấp, các ngành
và của người dân; Triển khai thực hiện đúng quy trình, xác định đúng đối tượng,
không bị trùng lặp, bỏ sót, phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo
trên từng địa bàn.
- Kết thúc cuộc điều tra, rà soát, từng khối phố/thôn,
xóm/bản phải xác định được chính xác số hộ nghèo, hộ cận nghèo, lập một danh
sách duy nhất về hộ nghèo, hộ cận nghèo để theo dõi, quản lý. Các xã/phường/thị
trấn; các huyện/ thành phố/ thị xã xác định được tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo
và các đặc điểm của hộ nghèo, cận nghèo phục vụ cho việc quản lý hộ nghèo, hộ cận
nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo giai đoạn 2016 -
2020.
- Kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 của các huyện,
thành phố, thị xã phải báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)
để tổng hợp chung và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầy đủ, đúng nội
dung, kịp thời gian theo quy định.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI
1. Đối tượng điều tra, rà soát, bao gồm: Các hộ gia đình trong danh
sách hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2014 trên địa bàn (Danh sách 1) và các hộ gia
đình không nghèo năm 2014 tham gia đăng ký điều tra, qua rà soát nhanh bằng Phiếu
A, có số đặc điểm nhận dạng nhỏ hơn 03 chỉ tiêu, đưa vào danh sách cần điều tra
(Danh sách 2).
2. Phạm vi điều tra, rà soát: Toàn bộ các xã, phường, thị
trấn thuộc các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.
III. TIÊU CHÍ ĐIỀU TRA, RÀ SOÁT
Thực hiện các tiêu chí và mức chuẩn nghèo theo phương
pháp tiếp cận đa chiều, quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng
11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng
cho giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể:
1. Các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng
cho giai đoạn 2016 - 2020
1.1. Các tiêu chí về thu nhập
a) Chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực
nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
b) Chuẩn cận nghèo: 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu
vực nông thôn và
1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
1.2. Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội
cơ bản
a) Các dịch vụ xã hội cơ bản (5 dịch vụ): y tế; giáo
dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; tiếp cận thông tin.
b) Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ
xã hội cơ bản (10 chỉ số): tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ
giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện
tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn
nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản
phục vụ tiếp cận thông tin.
2. Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai
đoạn 2010 - 2020
2.1. Hộ nghèo
a) Khu vực nông thôn: là hộ đáp ứng một trong hai
tiêu chí sau:
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống;
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000
đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp
cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
b) Khu vực thành thị: là hộ đáp ứng một trong hai
tiêu chí sau:
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000
đồng trở xuống;
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000
đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản
trở lên.
2.2. Hộ cận nghèo
a) Khu vực
nông thôn: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận
các dịch vụ xã hội cơ bản.
b) Khu vực thành thị: là hộ có thu nhập bình quân đầu
người/tháng trên
900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt
dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
2.3. Hộ có mức sống trung bình
a) Khu vực nông thôn: là hộ có thu nhập bình quân đầu
người/tháng trên 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng.
b) Khu vực thành thị: là hộ có thu nhập bình quân đầu
người/tháng trên
1.300.000 đồng đến 1.950.000 đồng.
IV. TRÌNH TỰ, NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Công tác chuẩn bị
a) Cấp tỉnh
- Thành lập Ban chỉ đạo điều tra hộ nghèo, hộ cận
nghèo trên cơ sở Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp tỉnh, bổ sung thành viên là lãnh đạo
Cục thống kê tỉnh. Trưởng ban là Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực.
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cấp tỉnh:
- Xây dựng kế hoạch tổng điều tra, rà soát hộ nghèo,
hộ cận nghèo năm 2015 của tỉnh.
- Hoàn thiện mẫu phiếu điều tra, tài liệu hướng dẫn
và hệ thống biểu tổng hợp kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo các cấp (khối
phố/xóm, thôn/bản; xã/phường/thị trấn; huyện/thành phố/thị xã và tỉnh).
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ điều tra cho cán bộ giám sát cấp tỉnh,
đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã để tổ chức tập huấn cho cán bộ, điều tra viên ở xã/phường/thị trấn và khối phố/thôn,
xóm/bản.
- Thời gian hoàn thành: Một số nội dung đã hoàn thành
trước ngày 30 tháng 10 năm 2015.
b) Cấp huyện và cấp xã.
Thành lập Ban chỉ đạo tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận
nghèo trên cơ sở Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, cấp xã. Trưởng ban là đồng chí Phó Chủ tịch UBND
phụ trách, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, bổ
sung thành viên là lãnh đạo cơ quan thống kê cùng cấp.
- Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cấp huyện:
+ Xây dựng kế hoạch tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận
nghèo năm 2015 trên địa
bàn.
+ Thành lập bộ phận giám sát viên, giúp việc cho BCĐ
điều tra cấp huyện;
+ Tổ chức in ấn tài liệu: kế hoạch triển khai, mẫu phiếu điều tra, tài liệu
hướng dẫn và hệ thống biểu tổng hợp kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo các
cấp (khối phố/thôn, xóm/bản; xã/phường/thị trấn và cấp huyện) phục vụ cho công tác điều tra.
+ Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ điều tra cho
bộ phận giám sát viên cấp huyện và điều tra viên ở xã/phường/thị trấn và khối phố/thôn,
xóm/bản.
- Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cấp xã:
+ Tổ chức lực lượng điều tra viên ở xã/phường/thị trấn
và khối phố/thôn, xóm/bản.
+ Trực tiếp tổ chức thực hiện điều tra, rà soát hộ
nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo hướng dẫn,
chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp huyện và báo
cáo kết quả điều tra theo kế hoạch đề ra.
- Thời gian hoàn thành: Trước ngày 30 tháng 11 năm
2015.
2. Tổ chức điều tra, rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận
nghèo ở cấp khối phố/xóm/bản và cấp xã
- Thời gian thực hiện: từ ngày 01 tháng 12 đến ngày
15 tháng 12 năm 2015.
- Phương pháp, công cụ điều tra, rà soát theo hướng dẫn
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Quy trình thực hiện như sau:
a) Lập danh sách hộ gia đình tham gia khảo sát/điều
tra
- Danh sách 1 là các hộ gia đình trong danh sách hộ
nghèo, hộ cận nghèo năm 2014 trên địa bàn.
- Danh sách 2 là các hộ gia đình không nghèo năm 2014
tham gia đăng ký điều tra và khai thác thông tin của các hộ đăng ký theo Phiếu
A - NHẬN DẠNG NHANH HỘ GIA ĐÌNH được
đưa vào danh sách cần điều tra.
- Danh sách hộ cần khảo sát/ điều tra bao gồm các hộ trong Danh
sách 1 và Danh sách 2.
b) Khảo sát đặc điểm hộ gia đình
Tổ chức điều tra phiếu B - PHIẾU KHẢO SÁT XÁC ĐỊNH HỘ NGHÈO đối với những hộ trong danh
sách cần khảo sát đã được lập.
Phiếu B gồm 3 phần:
- Phần B1 khai thác các thông tin để ước tính thu nhập của hộ;
- Phần B2 khai thác các thông tin để xác định mức thiếu
hụt tiếp cận các dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông
tin;
- Phần 3 phân loại hộ theo kết quả điều tra.
Tất cả các hộ khảo sát được phân thành các nhóm sau:
Nhóm hộ không nghèo. Nhóm hộ nghèo. Nhóm hộ có khả năng nghèo. Nhóm có khả năng
cận nghèo.
c) Tổng hợp sơ bộ kết quả khảo sát
Kết quả khảo sát phiếu B được tổng hợp theo BIỂU TỔNG HỢP SỐ 1 và
xác định số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo của khối phố/thôn, xóm/bản.
d) Họp cán bộ khối phố/thôn, xóm/bản rà soát kết quả
phân loại hộ và tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo
- Thành phần tham gia gồm: Đại diện Ban chỉ đạo cấp
xã, cán bộ chuyên trách giảm nghèo xã, trưởng khối/thôn, xóm/bản, Bí thư/phó bí
thư Chi bộ, Chi hội trưởng các hội, Bí thư Đoàn Thanh niên
khối/thôn, xóm/bản và cán bộ điều tra viên.
- Nội dung họp:
- Rà soát lại những hộ đã được phân loại hộ nghèo, hộ
cận nghèo đúng với các tiêu chí quy định hay chưa? So sánh với những hộ còn lại
(những hộ điều tra phiếu B nhưng không nghèo) đã đảm bảo công bằng,
chính xác, khách quan hay chưa? Nếu hộ nào chưa đúng tiến hành phúc tra lại.
- Tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trước họp
dân vào BẢNG TỔNG HỢP SỐ 1 theo quy trình hướng dẫn.
đ) Họp dân thông qua kết quả điều tra, niêm yết danh
sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và báo cáo Ban chỉ đạo cấp xã.
Thành phần hội nghị gồm: Đại diện Ban chỉ đạo cấp xã,
cán bộ chuyên trách giảm nghèo xã, trưởng khối/thôn, xóm/bản, Bí thư/phó bí thư
Chi bộ, Chi hội trưởng các hội, Bí thư Đoàn Thanh niên khối/xóm/bản, cán bộ điều
tra viên và các hộ trong khối phố/xóm/bản.
Nội dung cuộc họp:
- Lấy ý kiến về kết quả điều tra Phiếu A, B. Danh
sách hộ nghèo, hộ cận nghèo (nếu có sai sót, nhầm lẫn).
- Các trường hợp nhầm lẫn, sai sót được phát hiện cần
điều chỉnh, bổ sung vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo của khối phố/thôn, xóm/bản.
Biên bản cuộc họp được lập thành 2 bản, có chữ ký của trưởng khối/thôn,
xóm/bản, thư ký cuộc họp, 01 bản lưu và 01 bản gửi Ban chỉ đạo cấp xã.
Niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tại
nhà văn hóa khối phố/thôn, xóm/bản và
trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Tổng hợp và báo cáo kết quả điều tra
a) Đối với cấp khối phố/thôn, xóm/bản:
Lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và tổng hợp kết quả
theo BIỂU TỔNG HỢP SỐ 1; các bảng biểu phân tích
kết quả: Biểu 1a, 1b, 1c, 1d (Kèm theo kế hoạch này).
Báo cáo UBND xã/phường/thị trấn trước ngày 20 tháng
12 năm 2015.
b) Đối với cấp xã:
Tổng hợp kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo từ
báo cáo của khối phố/xóm/bản theo BIỂU TỔNG HỢP SỐ 2; các bảng biểu phân tích
kết quả: Biểu 2a, 2b, 2c, 2d (Kèm theo kế hoạch này).
Báo cáo UBND
các huyện/thành/thị (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) trước
ngày 25 tháng 12 năm 2015.
Sau khi có Quyết định phê duyệt kết quả điều tra của
Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp
xã làm thủ tục công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn và chỉ đạo thu thập
đặc điểm thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo (Phiếu C).
c) Đối với cấp huyện:
Tổng hợp kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo từ
báo cáo của các xã/ phường/thị trấn theo BIỂU TỔNG HỢP SỐ 3; các bảng biểu
phân tích kết quả: Biểu 3a, 3b, 3c, 3d (Kèm theo kế hoạch này).
Báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội) trước ngày 31 tháng 12 năm 2015.
d) Đối với cấp tỉnh (Sở Lao động - TB&XH - Cơ quan thường trực):
Tổng hợp kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo
chung toàn tỉnh từ báo cáo của các huyện/thành/thị
theo BIỂU TỔNG HỢP SỐ 4; các bảng biểu phân tích
kết quả: Biểu 4a, 4b, 4c, 4d (Kèm theo kế hoạch này).
Báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
trước ngày 05 tháng 01 năm 2016.
V. KINH PHÍ PHỤC VỤ TỔNG ĐIỀU TRA,
RÀ SOÁT
1. Ngân sách tỉnh bố trí thực hiện các nội dung:
- Kinh phí tổ chức hội nghị quán triệt, tập huấn hướng
dẫn nghiệp vụ cấp
tỉnh.
- Kinh phí chỉ đạo, kiểm tra, phúc tra công tác điều
tra, rà soát cấp tỉnh.
- Hỗ trợ một phần kinh phí cho các huyện, thành phố,
thị xã tổ chức công tác điều tra, rà soát trên địa bàn.
2. Ngân sách cấp huyện và cấp xã bố trí thực hiện các
nội dung:
- Kinh phí tổ chức hội nghị quán triệt, tập huấn hướng
dẫn nghiệp vụ cấp huyện.
- Kinh phí chỉ đạo,
kiểm tra, phúc tra công tác điều tra, rà soát cấp huyện.
- Kinh phí in tài liệu hướng dẫn, phiếu điều tra, mẫu
biểu tổng hợp.
- Kinh phí chỉ đạo, kiểm tra, phúc tra công tác điều
tra, rà soát cấp xã và cấp khối phố/thôn, xóm/bản.
- Thù lao cho đội ngũ điều tra viên trực tiếp thực hiện
nhiệm vụ điều tra, rà soát tại cơ sở.
UBND cấp huyện, cấp xã bố trí đủ kinh phí phục vụ
công tác điều tra, rà soát trên địa bàn.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan:
- Tham mưu UBND
tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo điều tra cấp tỉnh.
- Tổ chức Hội nghị quán triệt và tập huấn nghiệp vụ
điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cho giám sát viên cấp tỉnh và đội ngũ cán bộ chủ
chốt cấp huyện, cấp xã.
- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi quá trình điều tra của các huyện,
thành, thị.
- Tổng hợp
và báo cáo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh
theo kế hoạch.
- Lập dự toán kinh phí chuyển Sở Tài chính thẩm định
trình UBND tỉnh xem xét, quyết định đảm bảo kinh
phí phục vụ công tác điều tra.
2. Sở Tài chính: Thẩm định dự toán kinh phí (do Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội
trình), tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách đảm bảo
phục vụ công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hướng dẫn các cơ
quan, đơn vị liên quan sử dụng và thanh quyết toán kinh phí đảm bảo đúng các
quy định hiện hành.
3. Cục thống kê tỉnh: Phối
hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc Chi Cục
thống kê cấp huyện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện,
thành phố, thị xã triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo,
hộ cận nghèo trên địa bàn.
4. Các sở, ban, ngành chức năng liên quan: Có trách nhiệm tham gia phối
hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ tổng
điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
5. UBND cấp huyện:
- Chỉ đạo việc thành lập Ban chỉ đạo điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp huyện.
- Xây dựng kế hoạch tổng điều tra, rà soát hộ nghèo,
hộ cận nghèo năm 2015 của địa phương, tổ chức in ấn tài liệu phục vụ cho cuộc
điều tra.
- Tổ chức Hội nghị quán triệt và tập huấn nghiệp vụ
điều tra hộ nghèo, hộ cận
nghèo cho giám sát viên cấp huyện và lực lượng điều tra viên ở xã/phường/thị trấn và khối phố/thôn, xóm/bản…
- Đôn đốc, kiểm tra, theo dõi quá trình điều tra của
các xã/phường/thị trấn.
- Tổng hợp và báo cáo kết quả khảo sát hộ nghèo của địa
phương cho UBND tỉnh theo kế hoạch.
- Bố trí Ngân sách huyện/ thành phố/ thị xã phục vụ
công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.
6. UBND cấp xã:
- Chỉ đạo việc thành lập Ban chỉ đạo điều tra hộ
nghèo, hộ cận nghèo cấp xã.
- Tổ chức lực lượng điều tra viên ở xã/phường/thị trấn
và khối phố/thôn, xóm/bản.
- Triển khai thực hiện điều tra hộ nghèo, hộ cận
nghèo theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp huyện.
- Tổng hợp kết quả điều tra của khối phố/thôn, xóm/bản, báo cáo kết quả điều tra của địa
phương cho Ban chỉ đạo cấp huyện theo kế
hoạch.
- Bố trí Ngân sách xã/phường/thị trấn phục vụ công
tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trên đây là kế hoạch tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận
nghèo năm 2015 tỉnh Nghệ An, theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn
chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Yêu cầu các cơ quan,
ban, ngành cấp tỉnh liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã,
phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời./.
Nơi nhận:
- Bộ
Lao động-TB&XH (b/c);
- TT Tỉnh ủy,
TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh VP, PVP (VX) UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- Thành viên BCĐGN cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Lưu VT, TM.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng
Viết Đường
|