ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 6003/KH-UBND
|
Đồng Nai, ngày 31 tháng 07 năm 2015
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của
Chính phủ về
định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ
năm 2011 đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của
Thủ tướng Chính
phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015;
Căn cứ Nghị quyết số 126/2014/NQ-HĐND ngày 26/9/2014 của
HĐND tỉnh về chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận
nghèo và chính sách hỗ trợ đối với hộ mới thoát
nghèo tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực
hiện Chương trình giảm nghèo
(CTGN) bền vững giai đoạn 2015 - 2020 trên
địa bàn tỉnh như sau:
I. CHUẨN HỘ NGHÈO,
HỘ CẬN NGHÈO VÀ THỰC TRẠNG
1. Chuẩn hộ nghèo mới giai đoạn 2015 - 2020: Khu vực nông thôn thu nhập từ
1.000.000 đồng/người/tháng trở xuống, khu vực thành thị thu nhập từ
1.200.000 đồng/người/tháng trở xuống (theo Nghị quyết số 126/2014/NQ-HĐND ngày
26/9/2014 của HĐND tỉnh) toàn tỉnh có
20.487 hộ nghèo (76.859 khẩu) chiếm tỷ lệ 2,89% so với tổng số hộ là 707.728, trong
đó:
a) Hộ nghèo chủ hộ là người dân tộc thiểu số: 2.546 hộ (chiếm tỷ lệ
12,42% so với hộ nghèo); hộ nghèo có
thành viên là đối tượng có công với cách mạng: 15 hộ (chiếm tỷ lệ
0,07% so với hộ nghèo); hộ nghèo có thành
viên hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: 3.131
hộ (chiếm tỷ lệ 15,28% so với hộ nghèo);
hộ nghèo có chủ hộ là nữ: 9.610 hộ (chiếm
tỷ lệ 46,9% so với hộ nghèo);
b) Hộ nghèo thuộc hộ nghèo B (là hộ
không có thành viên nào trong hộ có khả
năng lao động, không thuộc mục tiêu của CTGN
bền vững tỉnh Đồng Nai, được tách ra khỏi
CTGN để có chính sách hỗ trợ riêng):
4.189 hộ (chiếm tỷ lệ 20,44% so với hộ
nghèo); hộ nghèo A (là hộ có ít nhất một
thành viên trong hộ còn khả năng lao
động, hộ thuộc mục tiêu của CTGN bền vững
tỉnh Đồng Nai): 16.298 hộ (chiếm tỷ lệ 79,55% so với
hộ nghèo). Trong 16.298 hộ nghèo A:
- Khu vực thành thị có 2.362 hộ
(chiếm tỷ lệ 14,5% so với hộ nghèo A) khu
vực nông thôn có 13.936 hộ (chiếm tỷ lệ 85,5% so với
hộ nghèo A);
- Có 70.282 người, trong đó có 39.814 lao
động trong độ tuổi (chiếm tỷ lệ 56,64%);
- Có 800 hộ (chiếm tỷ lệ 4,9%) chưa
có nhà ở hiện những hộ này đang ở nhà
thuê hoặc ở nhờ; 3.107 hộ đang ở nhà tạm (chiếm tỷ lệ 19,06%); 7.554 hộ thiếu đất canh tác (chiếm tỷ lệ 46,34% so với hộ nghèo A); thu nhập bình quân chung 778 ngàn
đồng/người/tháng.
- Nguyên nhân dẫn đến nghèo: Thiếu đất canh tác (6.752 hộ, chiếm 41,42%)- thiếu vốn
sản xuất (6.442 hộ, chiếm 39,52%); ốm đau
nặng (5.259 hộ, chiếm 32,26%); đông người
ăn theo (4.925 hộ, chiếm 30,21%); thiếu lao động (2.837 hộ chiếm 17,4%); không có
(hoặc thiếu) việc làm (2.747 hộ, chiếm 16,85%); thiếu phương tiện sản xuất (1.345
hộ, chiếm 8,25%); không biết cách làm ăn
(1.213 hộ, chiếm 7,44%); mắc tệ nạn xã hội (111 hộ, chiếm 0,68%); chây lười lao động (51 hộ, chiếm 0,31%); các nguyên
nhân khác (1.978 hộ, chiếm 12,13%).
2. Chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2015 - 2020: Khu vực nông thôn thu nhập từ
1.001.000 - 1.300.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị thu nhập từ 1.201.000 -
1.560.000 đồng/ngươi/tháng (theo Nghị
quyết số 126/2014/NQ-HĐND ngày
26/9/2014 của HĐND tỉnh) toàn tỉnh có 7.956
hộ cận nghèo (34.142 khẩu) chiếm tỷ lệ 1,12% so với
tổng hộ dân, (có 2.049 khẩu là thành viên có công cách mạng và trợ cấp xã hội, chiếm 6% số khẩu cận nghèo),
trong đó:
a) Khu vực nông thôn có; 7.050 hộ,
chiếm tỷ lệ 0,99% so với tổng số hộ dân;
b) Khu vực thành thị có: 906 hộ,
chiếm tỷ lệ 0,13% so với tổng hộ dân; trong
đó:
- Chủ hộ là nữ có: 2.897 hộ, chiếm tỷ lệ 36,41% so với hộ cận nghèo;
- Chủ hộ là người dân tộc thiểu số
có: 894 hộ chiếm tỷ lệ 11,24% so với hộ
cận nghèo;
- Hộ có thành viên hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: 468 hộ, chiếm tỷ lệ 5,88% so với hộ cận nghèo.
II. MỤC TIÊU THỰC
HIỆN
1. Mục tiêu chung
Cải thiện
và từng bước
nâng cao về mức sống, điều kiện sống và
chất lượng
cuộc sống của người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo của
tỉnh, ưu tiên người nghèo thuộc gia đình
chính sách, người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc huyện, xã vùng sâu, vùng xa có tỷ
lệ hộ nghèo cao; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở
các vùng nghèo; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành
thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân
tộc và các nhóm dân cư.
2. Mục tiêu cụ thể
Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình
quân 01%/năm (riêng các huyện vùng sâu,
vùng xa có tỷ lệ hộ nghèo cao giảm từ 1,5 - 02%/năm;
các xã vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ hộ nghèo cao giảm từ 2,5 - 04%/năm) và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm bình quân 0,5%/năm (riêng các huyện vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ
hộ cận nghèo cao giảm từ 01 - 1,2%/năm; các
xã vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ hộ cận nghèo cao từ 1,5 - 02%/năm). Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới
01% tổng hộ dân của tỉnh và tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 0,5% tổng hộ dân của tỉnh.
3. Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm
2020
a) Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định
các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung
(theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày
19/05/2011 của Chính phủ);
b) Bình quân mỗi năm có khoảng 1,5 - 03% hộ nghèo tham gia dự án
nhân rộng mô hình giảm nghèo và phấn đấu
thu nhập của hộ nghèo tham gia dự án nhân
rộng mô hình giảm nghèo tăng 15 - 20%/năm;
c) 100% cán bộ tham gia làm công tác giảm nghèo từ cấp tỉnh đến cơ
sở được tập huấn về: Kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện
các chương trình, chính sách, dự án về giảm nghèo.
III. ĐỐI TƯỢNG ÁP
DỤNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Đối tượng áp dụng: Hộ nghèo, hộ
cận nghèo theo chuẩn của tỉnh, ưu tiên người nghèo, cận nghèo thuộc đối tượng
chính sách có công, người dân tộc thiểu
số, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em.
2. Phạm vi thực hiện: Chương
trình được thực hiện trên phạm vi toàn
tỉnh; ưu tiên nguồn lực Chương trình đầu
tư trên địa bàn trọng điểm (huyện xã vùng
sâu, vùng xa có tỷ lệ hộ nghèo cao; ấp đặc biệt khó khăn; vùng có nhiều đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi).
IV. NỘI DUNG THỰC
HIỆN
1. Thực hiện các chế độ hỗ trợ giảm
nghèo chung
a) Chế độ tín dụng ưu đãi hộ nghèo,
hộ cận nghèo
- Dư nợ đến cuối năm 2014, đạt 573.783 triệu đồng với 39.780 hộ vay, trong đó: Dư nợ bằng nguồn vốn
Trung ương 492.970 triệu đồng với 33.942 hộ vay; dư nợ bằng nguồn vốn địa phương
80.813 triệu đồng với 5.838 hộ vay.
- Dự kiến, tổng doanh số cho vay 06 năm
(2015 - 2020): 54.000 lượt hộ vay, với số tiền 1.110.000 triệu đồng, bình quân mỗi
năm cho vay 9.000 lượt hộ, mức cho vay mới bình quân là 20,5 triệu đồng/hộ.
- Để đảm bảo kế hoạch cho vay như trên,
tăng trưởng nguồn
vốn Trung ương (phục vụ cho vay hộ
nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn cả nước) hàng năm
là 40.000 triệu đồng (tỷ lệ tăng 8,11%);
tăng trưởng nguồn
vốn địa phương (phục vụ cho vay hộ
nghèo theo chuẩn của tỉnh) bổ sung mới hàng năm là
20.000 triệu đồng (tỷ lệ tăng 24,47%).
b) Hỗ trợ khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển
sản xuất, phát
triển ngành nghề
- Đẩy mạnh công tác khuyến nông - lâm
- ngư và hỗ
trợ phát triển sản xuất phát triển ngành nghề cho khoảng 500 -
800 hộ nghèo, cận nghèo/năm.
- Xây
dựng mạng lưới cộng tác viên
khuyến nông nhân dân bên cạnh tổ chức khuyến
nông của nhà nước, thực hiện chuyển giao
kỹ thuật sản xuất bằng phương pháp cầm tay, chỉ việc cho người nghèo.
c) Hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc
làm
Hỗ trợ dạy nghề giải quyết việc làm
cho lao động nghèo, cận nghèo được xác định là giải
pháp quan trọng cần tập trung thực hiện với
các chỉ tiêu cụ thể như sau: Phấn đấu thực hiện lồng ghép với chương trình đào tạo nghề
cho lao động nông thôn để đào tạo nghề cho khoảng 800 - 1.000 lao động nghèo/năm; tỷ lệ lao động học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có hiệu quả cao, đạt trên 75%.
d) Chế độ hỗ trợ y tế cho người
nghèo, cận nghèo
Thực hiện theo chính sách của Trung ương về hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, cận
nghèo theo chuẩn cả nước; vận dụng chính sách của Trung ương
hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của
tỉnh, cụ thể:
- Đối với hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh: Hỗ trợ
100% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế;
- Đối với
hộ cận nghèo theo chuẩn của tỉnh: Hỗ trợ
70%, hộ cận nghèo đóng 30% chi phí mua thẻ
bảo hiểm y tế;
- Đối với hộ nghèo mới thoát nghèo theo chuẩn của
tỉnh: Hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ bảo hiểm
y tế, thời gian hỗ trợ 02 năm sau khi thoát nghèo;
đ) Chế độ hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo, người
cận nghèo
Thực hiện Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của
Chính phủ về
sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số
49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ
quy định về
miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và
cơ chế thu, sử dụng học phí đối với
cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc
dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015; tích cực vận dụng quy định của
Chính phủ để miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí
học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của tỉnh.
e) Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
Tiếp tục thực hiện chính sách xây dựng
nhà tình thương, sửa chữa nhà ở cho hộ
nghèo còn khó khăn về nhà ở từ nguồn vận
động quỹ “Ngày vì người nghèo”, dự kiến mức hỗ trợ bình quân 30
triệu đồng/căn.
g) Trợ giúp pháp lý cho người
nghèo
Lồng ghép, mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp lý để hỗ trợ cho người nghèo,
giúp người nghèo tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp lý; khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia
các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo để thường
xuyên và kịp thời phổ biến những quy định của
pháp luật, chính sách của Nhà nước, giải đáp, tư vấn về pháp luật cho người
nghèo.
h) Thực hiện chế độ hỗ trợ tiền điện
Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo theo quy định của
Chính phủ, vận dụng chính sách của Trung ương
hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo theo chuẩn của
tỉnh.
i) Thực hiện hỗ trợ tết Nguyên đán
Hỗ trợ tiền tết Nguyên đán cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chế độ của tỉnh, huyện nhằm giúp họ giải quyết những nhu cầu thiết yếu trong những ngày
tết cổ truyền của dân tộc, đón tết vui tươi, lành
mạnh.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, nếu Trung ương có các văn bản bổ
sung, sửa đổi các chính sách nêu trên cũng như ban
hành các chính sách hỗ trợ mới sẽ được
vận dụng để hỗ trợ kịp thời cho người nghèo, người
cận nghèo theo chuẩn của tỉnh.
2. Thực
hiện các dự án
thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
a) Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo
- Mục tiêu: Nhân rộng các mô hình
giảm nghèo hiệu quả, phù hợp nhằm chuyển
giao tiến bộ kỹ thuật cho lao động nghèo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh
doanh và đa dạng hóa về thu nhập cho người nghèo, hộ nghèo; tạo cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các chính sách,
nguồn lực thị trường (vốn, khoa học kỹ
thuật - công nghệ và hàng hóa đầu vào,
đầu ra...) hướng đến phát triển sản
xuất và dịch vụ, tăng nhanh thu
nhập, góp phần giảm nghèo nhanh và bền
vững.
- Kinh phí: Tổng nhu cầu vốn thực hiện:
48.000 triệu đồng từ ngân sách tỉnh (mỗi năm
8.000 triệu đồng), ngoài ra khuyến khích các hộ nghèo tham gia hỗ trợ kinh phí
thông qua hình thức vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn khác nhằm góp phần thực hiện dự án
hiệu quả.
b) Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm
nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương
trình
- Mục tiêu: Nâng cao năng lực đội ngũ
giảm nghèo các cấp; tăng cường công tác truyền thông về giảm nghèo nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận
thức của cộng đồng người dân, các cấp, các ngành về ý nghĩa và
tầm quan trọng của giảm nghèo và cách tiếp cận về
giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác
hoạt động giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
- Kinh phí: Tổng nhu cầu vốn thực hiện:
7.200 triệu đồng từ ngân sách tỉnh (mỗi năm
1.200 triệu đồng).
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Huy động tối đa nguồn lực để thực hiện
chương trình với tổng nguồn vốn là:
1.787.516 triệu đồng, trong đó: Ngân sách
Trung ương hỗ
trợ là: 2.952 triệu đồng; Ngân
hàng Chính sách xã hội bổ sung là:
240.000 triệu đồng; ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp là: 1.013.114 triệu đồng, trong
đó có 120.000 triệu đồng bổ sung vốn cho
vay hộ nghèo; ngân sách huyện là: 1.000
triệu đồng; lồng ghép các chương trình - dự án, chính sách khác là: 310.400 triệu đồng; hộ nghèo tham gia là 24.000 triệu đồng; miễn giảm các loại
là: 185.850 triệu đồng; từ nguồn lãi cho vay
hộ nghèo là: 7.200 triệu đồng. Cụ thể, năm
2015 (245.339 triệu đồng), năm 2016 (234.341
triệu đồng), năm 2017 (354.274 triệu
đồng), năm 2018 (339.569 triệu đồng), năm 2019 (327.084 triệu đồng), năm 2020 (286.909 triệu đồng) (đính kèm phụ
lục).
VI. GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp
ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp
đối với công tác giảm nghèo bền vững. Nâng
cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng
cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả chương trình. Kiện toàn Ban Chỉ đạo
giảm nghèo các cấp để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình
giảm nghèo của tỉnh đa dạng về hình thức,
phong phú về nội dung và sâu rộng đến các
cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo
nhằm thay đổi, chuyển biến về nhận thức của người
dân trong công tác giảm nghèo; vận động
hộ nghèo cùng vươn lên làm giàu, giúp hộ nghèo tiếp nhận và sử dụng
có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của
Nhà nước và
cộng đồng để thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
3. Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; đảm bảo có đủ phẩm chất,
năng lực thực tiễn, nhiệt tình và trách
nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
4. Tăng cường phân cấp, trao trách
nhiệm cho địa phương, cơ sở; tạo điều
kiện để người dân tích cực tham
gia vào các hoạt động của Chương trình;
thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các hộ vượt nghèo tiếp tục được thụ
hưởng thêm 02 năm như hộ nghèo về các chế
độ: Tín dụng; bảo hiểm y tế; giáo dục; dạy nghề; khuyến nông - khuyến công; thực hiện tốt quy chế phối hợp lồng ghép giữa chương trình giảm nghèo với các chương trình, dự án khác của
địa phương đảm bảo có hiệu quả hướng đến mục tiêu thoát
nghèo bền vững.
5. Huy động, tổng hợp và đảm bảo đủ
nguồn lực để thực hiện Chương trình. Phát động rộng rãi phong trào ủng
hộ “Quỹ vì người nghèo” đến mọi tổ chức kinh tế - xã hội, các tầng lớp nhân dân, nhằm huy
động tốt nguồn lực cộng đồng để hỗ trợ hộ
nghèo.
6. Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát, thực hiện tốt báo cáo định kỳ; sơ, tổng
kết kết quả
thực hiện chương
trình và công tác thi đua khen thưởng.
VII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Đề nghị HĐND cấp huyện và
cấp xã có Nghị quyết về CTGN bền vững giai
đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn.
2. Kiện toàn Ban Chỉ đạo CTGN bền vững ở cấp tỉnh, cấp huyện và Ban giảm nghèo cấp
xã; củng cố Văn phòng Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh và Tổ chuyên viên giúp việc
Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện; cấp
xã bố trí công chức chuyên trách lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội làm Thường
trực Chương trình.
3. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
a) Là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo CTGN bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn
2015 - 2020; chủ trì, phối hợp các đơn vị
liên quan, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện Chương
trình hàng năm và giai đoạn 2015 - 2020 trình UBND
tỉnh quyết định.
b) Xây dựng kế hoạch, tổ chức điều
tra, lập danh sách và quản lý đối tượng
hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn cả nước, chuẩn của
tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.
c) Xây dựng chương trình phần mềm vi tính quản
lý đối tượng hộ nghèo, hộ cận
nghèo của tỉnh phục vụ công tác điều
hành, chỉ đạo, quản lý Chương trình;
d) Tổng hợp, đề xuất Ban Chỉ đạo và
UBND tỉnh quản lý, điều hành Chương
trình trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu kiến nghị Trung ương, HĐND tỉnh, UBND
tỉnh những giải pháp, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình.
đ) Chủ trì và thực hiện dự án hỗ trợ
nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và
giám sát đánh giá; dự án nhân rộng mô
hình giảm nghèo; xây dựng kế hoạch hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho người
nghèo, người cận nghèo; điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm.
e) Định kỳ 06 tháng, hàng năm, giữa kỳ, giai đoạn tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chương
trình và đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện
Chương trình trình UBND tỉnh.
4. Sở Tài chính
a) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện Chương
trình hàng năm và giai đoạn 2015 - 2020 trình UBND tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội và các đơn vị liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo;
thẩm định phương
án phân bổ dự toán kinh phí sự nghiệp để thực
hiện Chương trình hàng năm và giai
đoạn 2015 - 2020 trình UBND tỉnh.
c) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và
các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện
Chương trình tại địa phương.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và
các đơn vị liên quan tổng hợp kế hoạch
thực hiện Chương
trình hàng năm và giai đoạn 2015 - 2020 trình UBND
tỉnh để phân bổ nguồn lực.
b) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và
các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát,
đánh giá tình hình thực hiện Chương
trình tại địa phương.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
a) Xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình nông
thôn mới; chủ trì phối hợp Sở Lao động -
Thương binh và
Xã hội và các đơn vị liên quan thực hiện dự án khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ sản xuất,
phát triển ngành nghề cho hộ nghèo hộ cận
nghèo.
b) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và
các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện
Chương trình tại địa phương.
7. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách
xã hội Đồng Nai
a) Thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi
cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cho vay giải quyết
việc làm,
cho vay học sinh, sinh viên... của tỉnh theo quy
định.
b) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương
trình tại địa phương.
8. Bảo hiểm xã hội tỉnh
a) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và các đơn vị liên quan cấp
thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo; xây
dựng phần mềm về quản lý cấp phát và thanh toán thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo người
cận nghèo.
b) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát tình
hình thực hiện Chương trình tại địa phương.
9. Sở Y tế
Nghiên cứu đề xuất và triển khai thực
hiện các chế độ hỗ trợ, chăm lo về sức khỏe
cho người nghèo, người cận nghèo trên
địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Chỉ đạo
các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực
hiện đầy đủ các chế độ chăm sóc sức khỏe
cho người nghèo, người cận nghèo.
10. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội và các đơn vị liên quan thực hiện chế độ hỗ
trợ về giáo dục cho con, em hộ nghèo,
hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn
2015 - 2020;
b) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát tình
hình thực hiện Chương trình tại địa phương;
11. Sở Xây dựng
Nghiên cứu đề xuất và triển khai thực hiện các chế độ hỗ trợ, chăm lo cho người
nghèo về nhà ở giai đoạn 2015 - 2020.
12. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội chỉ đạo cơ quan báo, đài và
các đơn vị liên quan xây dựng kế
hoạch tổ chức tuyên truyền về CTGN bền vững trên
địa bàn tỉnh;
b) Chỉ đạo các cơ quan báo, đài thực hiện
công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về các chế độ và tình hình thực hiện
các hoạt động của Chương trình.
13. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất bố trí đủ cán bộ giúp việc
Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp, nhất là
cấp xã và
có chế độ hỗ trợ thỏa đáng cho đội ngũ
cán bộ này.
14. Sở Tư pháp
Xây dựng chương trình trợ giúp pháp lý cho người
nghèo giai đoạn 2015 - 2020 và triển khai thực hiện
trên địa bàn tỉnh.
15. Sở Tài nguyên và Môi trường
Nghiên cứu, đề xuất các chế độ hỗ trợ hộ nghèo trong
thực hiện các thủ tục hợp thức hóa về
nhà đất, quyền sử dụng đất, thuế nhà, đất.
16. Ban Dân tộc tỉnh
Nghiên cứu, đề xuất chế độ hỗ trợ, chăm lo đối
với hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh
là người
dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.
17. Cục Thống kê tỉnh
Hướng
dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và
các địa phương về nghiệp vụ điều tra hộ
nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2015 -2020 và
xử lý báo cáo các dữ liệu thực trạng nghèo, cận nghèo của
tỉnh.
18. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Chủ trì, phối hợp các đoàn thể thành viên tổ
chức cuộc vận động quỹ “Ngày vì người nghèo”, chủ trì Chương trình hỗ trợ nhà
tình thương và
sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, tiếp tục thực hiện
cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn
hóa ở khu dân cư” gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
19. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ
tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Cựu chiến binh tỉnh
Vận động các hội viên thuộc diện
nghèo tự vươn lên và có kế hoạch hỗ trợ giúp
đỡ họ cải thiện cuộc sống, góp phần trực
tiếp thực hiện CTGN bền vững của tỉnh.
20. UBND
cấp huyện
a) Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện Chương
trình hàng năm và cả giai đoạn để tổ chức thực hiện, gửi
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng
hợp, trình UBND tỉnh.
b) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện,
UBND cấp
xã triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn hiệu quả.
c) Kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo, tổ Chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo
giảm nghèo cấp huyện và chỉ đạo
cấp xã kiện toàn Ban giảm nghèo, bố trí
công chức chuyên trách lĩnh vực Lao động - Thương
binh và Xã hội làm Thường trực CTGN bền
vững.
d) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế
hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá
tình hình thực
hiện Chương trình trên địa bàn huyện.
đ) Chỉ
đạo Đài Truyền thanh cấp huyện thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chủ
trương, chế độ, kết quả thực hiện Chương
trình giảm nghèo bền vững của địa
phương.
e) Định kỳ 06 tháng, hàng năm, giữa kỳ, giai đoạn xây dựng báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện
Chương trình trên địa bàn huyện, gửi Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình UBND tỉnh theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện CTGN bền
vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020. Đề nghị các đơn vị, địa phương liên
quan triển khai thực hiện. Trong quá trình
thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc; các đơn
vị, địa phương chủ động báo cáo đề
xuất UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội) tổng hợp, trình UBND
tỉnh chỉ đạo giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các ngành, địa phương tại mục VII;
- Chánh, PCVP. UBND tỉnh (VX);
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Lưu VT, VX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Trí
|