ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 58/KH-UBND
|
Cà Mau, ngày 10
tháng 5 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH CẤP HUYỆN
ĐẾN NĂM 2020 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
Thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg
ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động Truyền
thanh - Truyền hình cấp huyện đến năm 2020”.
Thực hiện Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg
ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động thông tin
cơ sở.
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cà Mau
xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Quản lý hoạt động Truyền thanh -
Truyền hình cấp huyện đến năm 2020 và những năm tiếp theo” trên địa bàn tỉnh Cà
Mau với những nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Đài Truyền thanh các huyện và Đài
Truyền thanh - Truyền hình thành phố Cà Mau (gọi chung là Đài Truyền thanh cấp
huyện) giữ vai trò quan trọng trong việc thông tin, tuyên
truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện.
Vì vậy, việc cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu, liên quan trực tiếp đến đời
sống hàng ngày của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh Cà Mau là yêu cầu cần thiết, nhất là đối với người dân vùng nông thôn,
vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Công tác tổ chức, quản lý và hoạt
động của Đài Truyền thanh cấp huyện phải theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất,
lưu trữ, truyền dẫn chương trình, đáp ứng nhu cầu thông tin, phổ biến khoa học
kỹ thuật phục vụ sản xuất, nuôi trồng cho nông, ngư dân.
3. Kết hợp với các chương trình, đề
án, dự án khác có liên quan về thông tin cơ sở để đạt được mục đích, yêu cầu và
mục tiêu đến năm 2020.
II. CÁC CHỈ TIÊU
CHỦ YẾU
1. 100% Đài Truyền thanh cấp huyện được
trang bị các thiết bị phục vụ việc số hóa sản xuất chương trình phát thanh; thường
xuyên sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã để
duy trì hệ thống truyền thanh không dây, đảm bảo hoạt động ổn định.
2. 100% viên chức làm việc tại Đài
Truyền thanh cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp
với vị trí việc làm.
3. 100% Đài Truyền thanh cấp xã tiếp
được sóng của Đài Truyền thanh cấp huyện, Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau
và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
4. Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ
thống truyền thanh, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở theo Chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
III. NỘI DUNG VÀ
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Kiện toàn, nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực
1.1. Thực trạng nhân lực
Hiện nay nhân lực của các Đài Truyền
thanh cấp huyện không giống nhau, số lượng từ 09 đến 18 người.
Nhân lực có trình độ đại học chiếm
83% (trong đó có 34% chuyên ngành báo chí tuyên truyền, 9% điện tử viễn thông,
40% tốt nghiệp chuyên ngành khác). Nhân lực có trình độ trung cấp trở xuống chiếm
17% (lực lượng này chưa được đào tạo chuyên sâu, cần được bồi dưỡng về chuyên
môn, nghiệp vụ).
1.2. Giải pháp thực hiện
Sắp xếp nhân lực hợp lý, mỗi Đài Truyền
thanh cấp huyện có cấp trưởng và cấp phó. Công tác lãnh đạo quản lý, biên tập,
thực hiện tin, bài, phát thanh viên, kỹ thuật viên, trị sự - văn phòng có thể
kiêm nhiệm nhiều công việc để phù hợp với tổng số nhân sự được giao; riêng Đài
Truyền thanh - Truyền hình thành phố Cà Mau có thể nhiều hơn (Số lượng cấp phó
và biên chế công chức, viên chức, người lao động của từng Đài Truyền thanh cấp
huyện giao cho Sở Nội vụ có hướng dẫn cụ thể).
Đơn vị tạo điều kiện cho viên chức,
người lao động được đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về
chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ năng biên tập, sản xuất
chương trình và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phù hợp với vị trí
việc làm.
- Đơn vị chủ trì: Sở Nội vụ.
- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và
Truyền thông; Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau và UBND các huyện, thành phố
Cà Mau.
- Thời gian thực hiện: Năm 2019 và những
năm tiếp theo.
2. Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng
kỹ thuật, truyền dẫn phát sóng
2.1. Thực trạng
Hiện nay tất cả các Đài Truyền thanh cấp
huyện đang duy trì công nghệ truyền thanh không dây, thiết bị phát sóng FM; Mỗi
đơn vị có ít nhất 02 máy ghi hình, 02 máy ghi âm, có từ 02 đến 03 máy vi tính,
có từ 30 đến 50 cụm loa đang sử dụng. Vùng nông thôn, vùng ven biển máy phát
sóng và hệ thống loa hay bị hư hỏng, cần phải sửa chữa, nâng cấp thường xuyên,
kịp thời.
Với máy móc thiết bị, phương tiện, cơ
sở vật chất như trên, các Đài Truyền thanh cấp huyện có một số khó khăn, hạn chế
trong quá trình tác nghiệp, sản xuất, phát sóng chương trình.
2.2. Giải pháp thực hiện
Đầu tư, nâng cấp hệ thống các thiết bị
để các đơn vị tự sản xuất chương trình phát thanh số, đồng bộ phù hợp và đủ điều
kiện cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, đồng thời nhận được tín hiệu
và tiếp âm chương trình phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, Đài
tiếng nói Việt Nam.
Đầu tư thiết bị số để phục vụ công
tác lưu trữ, lưu chiểu, khai thác sử dụng tư liệu, tin, bài, chương trình đã
phát.
- Đơn vị chủ trì: UBND các huyện,
thành phố Cà Mau.
- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và
Truyền thông; Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau.
- Thời gian thực hiện: Năm 2019 và những
năm tiếp theo.
3. Nâng cao chất lượng nội dung
chương trình
3.1. Thực trạng
Hiện nay nội dung chương trình tự sản
xuất của các Đài Truyền thanh cấp huyện có tỷ lệ 27% nội dung tuyên truyền chủ
trương, pháp luật; 29% nội dung chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa
phương; 21% phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội; 23%
gương tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến.
Chương trình tự sản xuất còn nghèo về
nội dung thông tin; phương thức thể hiện chưa phong phú, hấp dẫn.
3.2. Giải pháp thực hiện
Đổi mới phương thức tuyên truyền,
thông tin thời sự, phản ánh kịp thời tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã
hội, quốc phòng, an ninh... của địa phương, cơ sở; tăng cường nội dung tọa đàm,
trao đổi, phỏng vấn, chương trình phát thanh trực tiếp, phát thanh tương tác.
Nội dung thông tin kịp thời, chính
xác và phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực; hình thức thể hiện hấp dẫn, phù hợp với nhiều
đối tượng, lứa tuổi.
Bảo đảm cung cấp các thông tin thiết
yếu, các chương trình khuyến nông khuyến ngư, quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững
rừng, biển và hải đảo, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững... với nội
dung ngắn gọn và dễ hiểu, giúp người dân có thêm nhiều kiến thức khoa học, thực
tiễn áp dụng sản xuất.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản
xuất, truyền dẫn các chương trình phát thanh, xây dựng cơ chế thu nhận và xử lý
thông tin phản hồi của người dân một cách nhanh chóng, chính xác.
- Đơn vị chủ trì: UBND các huyện,
thành phố Cà Mau.
- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và
Truyền thông; Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau.
- Thời gian thực hiện: Năm 2019 -
2020.
4. Thời lượng chương trình
4.1. Thực trạng
Tổng thời lượng phát sóng của các Đài
Truyền thanh cấp huyện không đồng nhất, từ 300 phút đến 330 phút/ngày, kể cả
phát lại (từ 05 giờ đến 05 giờ 30 phút/ngày). Thời lượng
chương trình tự sản xuất từ 30 đến 45 phút/ngày (kể cả phát lại). Thời lượng tiếp
âm Đài tiếng nói Việt Nam từ 30 phút đến 60 phút/ngày; thời lượng tiếp âm Đài
Phát thanh - Truyền hình Cà Mau từ 60 phút đến 150 phút/ngày. Tần suất phát
sóng giống nhau: 90 kỳ/tháng (03 lần/ngày).
4.2. Giải pháp thực hiện
Tùy vào điều kiện thực tế về cơ sở vật
chất kỹ thuật, nhân sự và yêu cầu nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa
phương, UBND cấp huyện ấn định thời lượng, khung giờ, định kỳ phát sóng của Đài
Truyền thanh cấp huyện, nhưng đảm bảo tần suất 03 buổi/01 ngày,
tổng thời lượng phát sóng không ít hơn 05 giờ/ngày. Đảm bảo chương trình tự sản
xuất, tự biên tập không ít hơn 45 phút/ngày (kể cả phát lại).
- Đơn vị chủ trì: UBND các huyện,
thành phố Cà Mau.
- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và
Truyền thông; Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau.
- Thời gian thực hiện: Năm 2019.
5. Nhuận bút, thù lao tin, bài được
phát sóng
5.1. Thực trạng
Hiện nay việc mức chi trả nhuận bút,
thù lao tin, bài phát trên Đài Truyền thanh cấp huyện không thống nhất, tùy thuộc
ngân sách địa phương hàng năm. Mức chi thấp sẽ ảnh hưởng chất lượng tin, bài do
viên chức của Đài thực hiện và không khuyến khích, thu hút được lực lượng cộng
tác viên.
5.2. Giải pháp thực hiện
Việc chi trả nhuận bút, thù lao tin, bài
phát trên Đài Truyền thanh cấp huyện cần phải thực hiện theo Quyết định số
10/2018/QĐ-UBND ngày 18/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành Quy định mức chi nhuận bút, thù lao cho người viết tin, bài đã đăng,
phát trên Tờ tin, Đặc san, Đài truyền thanh, Trạm truyền thanh trên địa bàn tỉnh
Cà Mau.
- Đơn vị chủ trì: UBND huyện, thành
phố Cà Mau.
- Thời gian thực hiện: Năm 2019 -
2020.
6. Thực hiện sắp xếp, sáp nhập cơ
sở Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện
Tỉnh Cà Mau chỉ có hệ thống Đài Truyền
thanh cấp huyện (trực thuộc UBND cấp huyện), hiện nay không có các cơ sở Truyền
thanh - Truyền hình thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao hoặc Trung
tâm Truyền thông và Văn hóa cấp huyện. Hiện tại, hoạt động của hệ thống Đài
Truyền thanh cấp huyện đang ổn định và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được
giao. Tuy nhiên, do yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực,
hiệu quả theo yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương. Giao Sở Nội vụ nghiên cứu các
văn bản, ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng có thẩm quyền và các yêu cầu nhiệm
vụ cụ thể của địa phương để tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy,
UBND tỉnh chỉ đạo việc sáp nhập các cơ sở Truyền thanh - Truyền hình vào đơn vị
sự nghiệp công lập khác khi đủ điều kiện.
- Đơn vị chủ trì: Sở Nội vụ.
- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và
Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND cấp huyện.
- Thời gian thực hiện: Năm 2020 và những
năm tiếp theo.
7. Đối với Đài Truyền thanh cấp xã
7.1. Thực trạng
Toàn tỉnh có 100/101 đơn vị cấp xã có
Đài Truyền thanh (riêng đơn vị thị trấn U Minh vẫn hoạt động
bình thường nhưng sử dụng chung trụ sở, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất
chương trình và phát thanh viên của Đài huyện).
Hiện nay 100% xã, phường, thị trấn có
01 công chức phụ trách Văn hóa - xã hội, thường là kiêm nhiệm công tác thông
tin và truyền thông và Đài Truyền thanh cấp xã. Lực lượng này thường bị luân
chuyển, điều động nên chưa được đào tạo chuyên sâu, không ổn định lâu dài (hiện
có 08% được đào tạo về báo chí, tuyên truyền, 3% về điện tử viễn thông, 89% là
ngành nghề khác), số lượng nhân sự như hiện nay chưa đảm tốt việc tự sản xuất
chương trình và công tác biên tập, thực hiện tin bài, phát
thanh bản tin, trực kỹ thuật và phát sóng.
Truyền thanh không dây: Hiện có
88/100 Đài Truyền thanh sử dụng thiết bị không dây (chiếm 88%) phát sóng FM
công suất từ 10W đến 50W. Hiện có 14 Đài bị hư hỏng máy phát sóng, cần phải sửa
chữa, thay thế.
Truyền thanh có dây: Hiện có 12/100
Đài Truyền thanh sử dụng thiết bị có dây (chiếm 12%); truyền thanh có dây bị nhiều
hạn chế, khó khăn đối với địa hình nông thôn, sông nước, hộ gia đình có radio
cũng không nghe được chương trình.
Số máy vi tính bàn đang sử dụng được
26/100 đơn vị (đạt 26%). Máy ghi âm hiện có đang sử dụng được 20/100 đơn vị (đạt
20%). Hệ thống truyền thanh cấp xã hiện có 1.400 cụm loa (mỗi ấp, khóm bình
quân có 1,5 cụm loa). Hiện nay có 455 cụm loa hư hỏng không sử dụng được cần sửa
chữa, thay thế.
Tổng thời lượng phát sóng của mỗi Đài
đạt 60 phút/ngày. Trong đó, thời lượng tự sản xuất đạt
trên, dưới 03 phút/ngày. Tiếp âm Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền
hình Cà Mau và Đài Truyền thanh cấp huyện hơn 55 phút/ngày.
7.2. Giải pháp thực hiện
Bố trí nhân sự (chuyên trách, bán
chuyên trách, kiêm nhiệm): Người phụ trách, người viết, biên tập tin bài, tổng
hợp ý kiến, văn bản chỉ đạo của cấp ủy, UBND cấp xã, người đọc tin, bài, trực
máy phát sóng phải kiêm nhiệm để không vượt quá số lượng 02 nhân sự, phù hợp với
điều kiện thực tế của địa phương cấp xã; nhân viên Đài Truyền thanh cấp xã được
tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ thuật (như: Báo chí tuyên truyền,
điện tử viễn thông, chuyên viên kỹ thuật và công nghệ thông tin).
Đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật: Đến
năm 2020, 100% đơn vị cấp xã sử dụng công nghệ không dây, thay thế thiết bị có
dây hiện đã lạc hậu. Đảm bảo mỗi ấp, khóm có từ 02 cụm loa trở lên.
Sản xuất chương trình: Đài Truyền
thanh cấp xã tăng thời lượng chương trình tự sản xuất để đáp ứng yêu cầu nhiệm
vụ thông tin tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền cấp xã và thông tin thiết yếu
phục vụ sản xuất, nuôi trồng và tiếp âm Đài Truyền thanh cấp huyện, Đài Phát
thanh - Truyền hình Cà Mau và Đài tiếng nói Việt Nam.
Thời lượng phát sóng: UBND cấp xã căn
cứ yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực tế của địa phương mà quy định: Kỳ phát sóng,
thời lượng tiếp âm và thời lượng tự sản xuất phát sóng nhưng không ít hơn 60
phút/ngày.
Đến năm 2020, 100% Đài Truyền thanh cấp
xã được trang bị máy vi tính và máy ghi âm.
- Đơn vị thực hiện: UBND cấp huyện,
UBND cấp xã (theo phân cấp quản lý).
- Đơn vị phối hợp, hỗ trợ: Sở Nội vụ;
Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau.
- Thời gian thực hiện: Năm 2019 -
2020.
IV. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
a) Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch
này chi từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
b) Hàng năm các cơ quan, đơn vị có
liên quan trực tiếp, xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí gửi cơ
quan tài chính cùng cấp thẩm định để trình UBND cùng cấp xem xét phê duyệt.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì việc triển khai, hướng dẫn
các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nội dung Kế hoạch.
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy,
các cơ quan liên quan định hướng thông tin cho Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp
xã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao chất lượng nội
dung chương trình.
- Phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện
trong việc cấp giấy phép, kiểm tra, hướng dẫn sử dụng thiết bị, tần số vô tuyến
điện của Đài Truyền thanh cấp huyện và cấp xã.
- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng
nghiệp vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả
thực hiện Kế hoạch gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Thông tin cơ sở)
và UBND tỉnh trước ngày 20/12.
2. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch
Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin
và Truyền thông hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ
chức, quy chế hoạt động,... tạo điều kiện cho viên chức được đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao trình độ, phát huy chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm
trong việc thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về sáp nhập Đài Truyền thanh,
Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp khác trên địa
bàn, theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Chính
phủ.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì và phối hợp với các đơn vị
liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí do Trung ương cấp và vốn đầu tư
phát triển của tỉnh Cà Mau cho sự nghiệp truyền thanh và thông tin cơ sở.
4. Sở
Nội vụ
Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo sáp nhập
Đài Truyền thanh cấp huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện và các đơn vị
sự nghiệp khác trên địa bàn, theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24
tháng 01 năm 2018 của Chính phủ.
5. Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ vào khả năng ngân sách
của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác tham mưu UBND tỉnh phê duyệt,
đảm bảo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Kế hoạch.
6. Đài Phát thanh - Truyền hình Cà
Mau
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, đào tạo lại, cập nhật bồi dưỡng kiến
thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ thông tin để nâng cao chất
lượng chương trình của Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã.
- Hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn,
nghiệp vụ cho các Đài Truyền thanh cấp huyện thực hiện tốt công tác thông tin
tuyên truyền.
- Tham gia ý kiến trong việc đầu tư
cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn, phát sóng đối
với hệ thống Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã.
7. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Cà Mau
- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức
năng cấp tỉnh và các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội
dung, nhiệm vụ được giao trong kế hoạch và chỉ đạo UBND cấp xã triển khai tốt
nhiệm vụ đã đề ra.
- Chỉ đạo Đài Truyền thanh cấp huyện
sản xuất các chương trình phát thanh phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương;
tiếp âm Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau và Đài tiếng nói Việt Nam theo yêu
cầu của Kế hoạch.
- Hàng năm, bố trí kinh phí để duy
tu, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ truyền thanh và hệ thống
thông tin, truyền thông cơ sở theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
- Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa
phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định về thời lượng và định kỳ phát sóng
hàng ngày của Đài Truyền thanh cấp huyện.
- Báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch
này, gửi về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 15/12 hàng năm để tổng hợp
báo cáo UBND tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.
8. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị
trấn
Căn cứ vào điều kiện thực tế và yêu cầu
nhiệm vụ của địa phương, UBND cấp xã chỉ đạo sản xuất chương trình, định kỳ
phát sóng, thời lượng phát sóng, tiếp âm; Chủ động xây dựng dự toán kinh phí sửa
chữa, bảo trì thiết bị, hệ thống loa hàng năm và thực hiện chi trả nhuận bút,
thù lao theo Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để
triển khai thực hiện.
Trên đây là Kế
hoạch thực hiện Đồ án Quản lý hoạt động Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đến
năm 2020 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong quá trình triển
khai thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Thông tin
và Truyền thông, để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.
Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền
thông;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBMTTQVN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Các cơ quan báo chí trong tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- UBND các huyện, TP.Cà Mau;
- UBND cấp xã, phường, thị trấn;
- Lưu: VT, KGVX. Tr 05/5.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Thân Đức Hưởng
|