Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 3536/KH-UBND 2017 phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Bình Dương

Số hiệu: 3536/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: Đặng Minh Hưng
Ngày ban hành: 17/08/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3536/KH-UBND

Bình Dương, ngày 17 tháng 08 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”;

Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg , cụ thể như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có diện tích tự nhiên là 2.694,4 km2, dân số 2.004.800 người. Toàn tỉnh có 9 huyện, thị xã, thành phố (01 thành phố, 04 thị xã, 04 huyện) và có 91 xã, phường, thị trấn.

Là tỉnh nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, trong những năm qua Bình Dương phát triển nhanh trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích là 10.560 ha, có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 10 cụm công nghiệp với diện tích gần 707 ha; tỷ lệ lấp đầy diện tích cho thuê của các khu công nghiệp đạt 70%, các cụm công nghiệp là 65%.

Tổng số công nhân lao động đang làm việc trên 960 ngàn người (trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm tỷ lệ khoảng 70 %) phần lớn công nhân chủ yếu là lao động trẻ từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến Bình Dương làm việc.

Tỉnh Bình Dương đã chính thức phê duyệt Đề án xây dựng Thành phố thông minh và có lộ trình cụ thể trong thời gian gần đây nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân, giảm chi phí xã hội và tiêu thụ tài nguyên, đồng thời cải thiện sự giao tiếp và tương tác giữa người dân và chính quyền.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm tình hình của Bình Dương là nội dung quan trọng nhằm phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế, quảng bá hình ảnh, con người, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Thu hút nguồn lực từ xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng thành phố thông minh, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với xu thế thời đại, khơi dậy sức sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu xã hội, khai thác tiềm năng địa phương, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với Chương trình hành động số 88-CTHĐ/TU ngày 12/09/2014 của Tỉnh ủy Bình Dương thực hiện Nghị Quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thông qua phát triển các ngành công nghiệp văn hóa từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về văn hóa.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 2017- 2020

Tập trung triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thực hiện các bước cơ bản và đồng bộ thông qua việc tuyên truyền phổ biến, xác định ngành nghề và mời gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Bình Dương đồng thời tham gia xây dựng và triển khai các đề án, nhiệm vụ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Trung ương.

Định hướng và tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc điểm văn hóa-kinh tế- xã hội và tiềm năng của tỉnh như: Quảng cáo, du lịch văn hóa, điện ảnh, truyền hình và phát thanh, phần mềm và các trò chơi giải trí, mỹ thuật thành những ngành kinh tế dịch vụ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng của người dân.

Từng bước nâng cao tỉ trọng ngành du lịch và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương. Tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh, đặc biệt là du lịch sinh thái dọc tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, quần thể núi Cậu huyện Dầu Tiếng và các điểm du lịch văn hóa, lịch sử đặc sắc của tỉnh.

Nhà nước đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, có chính sách thu hút nguồn nhân lực để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, thị trường.

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa tập trung địa bàn các đô thị thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát.

2. Giai đoạn 2021-2030

Doanh thu ngành công nghiệp văn hóa tăng tỷ lệ trong nguồn thu ngân sách, tạo thêm nhiều việc làm và sản phẩm cho xã hội góp phần giải quyết nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trong tỉnh.

Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng lên và đóng góp từ 1,5- 2% trong tổng mức GRDP của tỉnh.

Các Đề án phát triển du lịch nhằm phát huy du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử được triển khai thực hiện.

Ngành du lịch tăng trưởng ổn định hàng năm (bình quân tăng 10% về doanh thu và 6,41% về lượng khách).

Tiếp tục phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn các huyện còn lại và đô thị mới hình thành.

3. Phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa cụ thể phù hợp với đặc điểm tình hình, tiềm năng và lợi thế của tỉnh Bình Dương.

3.1. Quảng cáo

Khuyến khích việc thành lập và phát triển các công ty tổ chức sự kiện, các hình thức ứng dụng công nghệ mới hiện đại trong quảng cáo, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ di động. Tăng cường quảng cáo các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện và tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo ở địa phương theo hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của Luật Quảng cáo.

3.2. Du lịch văn hóa

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển các loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh.

Hình thành các tour, tuyến du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế cơ sở hạ tầng của tỉnh (đường thủy, đường bộ, di tích lịch sử- văn hóa, làng nghề truyền thống, các khu du lịch); tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng về du lịch với các tỉnh nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh Tây Nam bộ.

Hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác hiệu quả công trình cơ sở vật chất các khu du lịch có quy mô đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các di tích văn hóa- lịch sử quốc gia, bảo tàng, và các làng nghề thủ công truyền thống trong tỉnh. Quản lý, khai thác và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Tăng cường tuyên truyền quảng bá rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng (truyền hình, báo chí, website, ấn phẩm tờ rơi, các cuộc thi ảnh đẹp du lịch...) các sản phẩm du lịch văn hóa để thu hút khách du lịch đến với Bình Dương.

3.3. Nghệ thuật biểu diễn

Phát triển nghệ thuật biểu diễn theo hướng chuyên nghiệp, hình thành Nhà hát của tỉnh trên cơ sở phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân địa phương mời các nhóm nhạc, đoàn nghệ thuật truyền thống và đương đại nước ngoài vào biểu diễn phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Đẩy mạnh mô hình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, phát triển các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, đưa một số hoạt động biểu diễn vào sản phẩm du lịch.

Quy hoạch và đầu tư xây dựng Trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng cấp tỉnh mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, là nơi quảng bá và giao lưu văn hóa và Trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng tại các đô thị thị xã xứng với tầm vóc là đô thị trực thuộc Trung ương.

Thực hiện các chính sách ưu đãi để thu hút tài năng nghệ thuật các chuyên ngành đặc thù: Đạo diễn, biên kịch, nghệ sĩ biểu diễn các loại hình nghệ thuật, người dẫn chương trình, người mẫu...để tăng cường nguồn nhân lực cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

3.4. Điện ảnh

Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động điện ảnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực cho ngành điện ảnh phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở sản xuất vật liệu (đĩa, USB) ghi hình phim; xây dựng và phát triển các cụm rạp, phòng chiếu phim chất lượng cao phục vụ nhu cầu xã hội. Liên kết hợp tác với các hãng phim trong nước và quốc tế sản xuất các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh giới thiệu về vùng đất con người Bình Dương.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất phim trong nước khai thác tiềm năng về di tích lịch sử- văn hóa, địa hình cảnh quan thiên nhiên đẹp của Bình Dương; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh được nhập khẩu phim trong khuôn khổ pháp luật quy định. Tăng tỷ lệ phổ biến các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật và có tính thương mại cao.

Khuyến khích đầu tư xây dựng các phim trường với cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ hiện đại, đạt chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ khu vực, vùng; thành lập hãng phim, phát hành phim tư nhân ... để hỗ trợ các hoạt động sản xuất và phổ biến phim.

3.5. Mỹ thuật, nhiếp ảnh, thư viện và triển lãm

a) Mỹ thuật

Khuyến khích hình thức đầu tư xây dựng bảo tàng ngoài công lập về cổ vật, tác phẩm hội họa, điêu khắc, có giá trị mỹ thuật cao.

Quy hoạch và xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng (tác phẩm điêu khắc, tượng mỹ thuật tại các quảng trường trung tâm, khu du lịch) để tạo mỹ quan đô thị và phục vụ dân sinh.

Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi các tổ chức, cá nhân đầu tư cho các hoạt động về thời trang trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

b) Nhiếp ảnh

Hỗ trợ tổ chức các cuộc thi sáng tác, phát huy hoạt động của các câu lạc bộ nhiếp ảnh, khuyến khích sưu tầm, lưu trữ ảnh nghệ thuật có giá trị và tham gia các cuộc thi sáng tác cấp quốc gia, quốc tế.

Xây dựng các bộ sưu tập hình ảnh về quê hương, đất nước, con người Bình Dương nhằm quảng bá văn hóa và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch trong nước và giao lưu quốc tế.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhiếp ảnh và phát triển thị trường nhiếp ảnh; ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động nhiếp ảnh.

c) Thư viện

Đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống Thư viện công cộng của tỉnh, bổ sung vốn tài liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cải tiến phương thức làm việc, cung ứng thông tin theo chuyên đề và yêu cầu của người dùng đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

d) Triển lãm

Thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề về nhiếp ảnh, hội họa, mỹ thuật ứng dụng và sáng tác điêu khắc.

Hoàn thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động triển lãm, tạo điều kiện để các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của tỉnh tham gia các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế.

3.6. Về thể thao

Bên cạnh các công trình cơ sở vật chất thể thao công lập, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng các công trình cơ sở vật chất về thể thao hiện đại đạt chuẩn quốc gia và quốc tế theo chủ trương xã hội hoá; tham gia thi đấu, biểu diễn, giao lưu quốc tế về thể thao; tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế tại Bình Dương; nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thể thao; xây dựng chương trình, dự án hợp tác quốc tế về đào tạo huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài thể thao.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, các doanh nghiệp và xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy hiệu quả vai trò của các cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng.

Xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh đối với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các Sở, ban, ngành trong công tác quản lý. Nâng cao hiệu quả việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.

Đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa; có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với một số lĩnh vực đặc thù để thu hút các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên môn đến Bình Dương làm việc.

Ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất sản phẩm, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa nghệ thuật và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa.

Phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống: In ấn, xuất bản, phát hành, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, giải trí, quảng cáo... hợp tác, học tập kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển, khuyến khích đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Tăng cường mở rộng hợp tác, trao đổi, giao lưu văn hóa nghệ thuật với các nước trong khu vực, trong cộng đồng ASEAN, các quốc gia và vùng lãnh thổ và các nước có quan hệ truyền thống với tỉnh trong nhiều năm qua như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Phát huy vai trò của các tổ chức hội ngành nghề trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

Nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa.

Ngân sách cân đối từng thời kỳ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ các ngành công nghiệp văn hóa, hỗ trợ thu hút, đào tạo nguồn nhân lực.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch

Là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

Tham mưu các cơ chế, chính sách liên quan đến các lĩnh vực quản lý của ngành như: Quảng cáo, du lịch, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm...

Định kỳ báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện.

2. Các Sở, ban, ngành của tỉnh

Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Thông tin Truyền thông và các Sở, ngành có liên quan căn cứ Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành.

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối kinh phí hằng năm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo định hướng của Kế hoạch.

3. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

Có trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vận động các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư phát triển cơ sở vật chất các ngành công nghiệp văn hóa.

Trên đây là Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Website tỉnh;
- LĐVP, Tùng, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Minh Hưng

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 3536/KH-UBND ngày 17/08/2017 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


12.266

DMCA.com Protection Status
IP: 13.58.160.117
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!