ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 30/KH-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 17
tháng 02 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT NĂM 2020 TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Quyết định số
1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trợ giúp người
khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (sau đây gọi là đề án 1019); thực hiện Kế hoạch
số 20/KH-UBND ngày 27/02/2013 của UBND tỉnh về việc thực hiện đề án trợ giúp
người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh xây dựng Kế
hoạch triển khai thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật năm 2020 trên địa
bàn tỉnh như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Hỗ trợ người khuyết tật phát
huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết
tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần
xây dựng cộng đồng và xã hội.
- Tổ chức đánh giá kết quả thực
hiện đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 cho từng mô hình hoạt
động.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Tiếp tục duy trì 06/09
chỉ tiêu đã đạt được trong giai đoạn 2013-2015
- Trên 70% người khuyết tật có
nhu cầu được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng phù hợp;
90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm
sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 50 trẻ em
và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp
dụng cụ trợ giúp phù hợp.
- 70% số trẻ em khuyết tật có
khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.
- 100% đối tượng người khuyết tật
có nhu cầu được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn
nghệ thuật; 100% người khuyết tật có nhu cầu được hỗ trợ tham gia các hoạt động
và luyện tập thể dục, thể thao.
- 100% đối tượng là người khuyết
tật có nhu cầu được trợ giúp pháp lý.
- 80% cán bộ, công chức làm
công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý,
chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; trên 60% các gia đình có người khuyết tật có
nhu cầu được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho
người khuyết tật; 50% người khuyết tật có nhu cầu được tập huấn kỹ năng sống.
- Từ 50% trở lên người khuyết tật
có nhu cầu được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền
thông.
b) Các chỉ tiêu tập trung
triển khai thực hiện trong năm 2020
- Ít nhất 30% công trình đường
giao thông; nhà ga, bến tàu, bến xe; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục,
dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; công trình trụ sở làm việc của
các cơ quan nhà nước; nhà chung cư đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người
khuyết tật;
- Khoảng 30 người khuyết tật
còn khả năng lao động có nhu cầu đều được học nghề, tạo việc làm;
- 40% đối tượng là người khuyết
tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo
quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương.
II. NỘI DUNG
HOẠT đỘNG
1. Phát hiện,
can thiệp sớm và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật, đặc
biệt quan tâm đối tượng trẻ em
a) Nội dung:
- Phát hiện sớm, phẫu thuật chỉnh
hình, cung cấp dụng cụ chỉnh hình, các dịch vụ về chăm sóc sức khoẻ cho người
khuyết tật, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản (Chăm sóc trước,
trong và sau sinh; các dịch vụ sàng lọc trước khi sinh…) cho người khuyết tật.
- Xây dựng Báo cáo đánh giá kết
quả thực hiện đề án 1019, đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đạt được
giai đoạn 2012-2020 thuộc lĩnh vực ngành phụ trách (số liệu cụ thể), những khó
khăn hạn chế và đề xuất các hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.
b) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Y tế.
- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố.
2. Trợ giúp
tiếp cận giáo dục
a) Nội dung:
- Hỗ trợ triển khai giáo dục
hòa nhập ở các cấp học phù hợp với khả năng nhận biết của người khuyết tật, bồi
dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý tham gia giáo dục trẻ khuyết tật; đào tạo,
bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết
tật nghe, nói, khuyết tật nhìn, khuyết tật ngôn ngữ, tự kỷ…
- Xây dựng Báo cáo đánh giá kết
quả thực hiện đề án 1019 đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đạt được
giai đoạn 2012-2020 thuộc lĩnh vực ngành phụ trách (số liệu cụ thể), những khó
khăn hạn chế và đề xuất các hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.
b) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục
và đào tạo.
- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố.
3. Dạy nghề,
tạo việc làm
a) Nội dung:
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ
giáo viên dạy nghề và tư vấn viên việc làm cho người khuyết tật;
- Tư vấn học nghề, việc làm theo
khả năng của người khuyết tật; dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho người khuyết
tật. Nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng mô hình dạy, học nghề gắn với tạo việc
làm cho người khuyết tật;
- Báo cáo đánh giá kết quả thực
hiện đề án 1019, đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đạt được giai đoạn
2012-2020 thuộc lĩnh vực ngành phụ trách (số liệu cụ thể), những khó khăn hạn
chế, nêu rõ lý do, nguyên nhân chỉ tiêu này chưa đạt và đề xuất các hoạt động
cho giai đoạn tiếp theo.
b) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan phối hợp: Các Sở,
ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố.
4. Trợ giúp
tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng
a) Nội dung:
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để người khuyết
tật tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng;
- Tiếp tục thực hiện công tác
tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng
(tư vấn thiết kế, giám sát, quản lý dự án…) về các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng
các công trình đảm bảo cho người khuyết tật sử dụng. Lựa chọn công trình công cộng,
nhà ở, đường và hè phố, trường học phù hợp thực hiện đầu tư, lắp đặt một số bộ
phận cấu kiện đảm bảo để người khuyết tật có thể đến và sử dụng các không gian
chức năng trong công trình.
- Xây dựng Báo cáo đánh giá kết
quả thực hiện đề án 1019, đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đạt được
giai đoạn 2012-2020 thuộc lĩnh vực ngành phụ trách (số liệu cụ thể), những khó
khăn, hạn chế, nêu rõ nguyên nhân chỉ tiêu này chưa đạt và đề xuất các hoạt động
cho giai đoạn tiếp theo.
b) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Xây dựng.
- Cơ quan phối hợp: Các Sở,
ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố.
5. Trợ giúp
tiếp cận và tham gia giao thông
a) Nội dung:
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
thực hiện các quy định về giao thông tiếp cận để người khuyết tật có thể tiếp cận,
sử dụng;
- Xây dựng và triển khai chương
trình, hoạt động tuyên truyền đến các đơn vị vận tải khách công cộng, đơn vị bến
xe thực hiện các quy định về giảm giá vé, phí dịch vụ đối với người khuyết tật
khi tham gia giao thông công cộng; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, thái độ, ý thức
phục vụ trong việc trợ giúp người khuyết tật của đội ngũ lái, phụ xe nói riêng
và các đơn vị vận tải trên địa bàn nói chung;
- Tăng cường kiểm tra, giám
sát, thực hiện các quy định của pháp luật về người khuyết tật trong lĩnh vực
giao thông vận tải, trong đó đặc biệt ưu tiên cho hành khách là người khuyết tật
khi tham gia giao thông công cộng;
- Xây dựng các tuyến mẫu và
nhân rộng các xe vận tải hành khách công cộng để người khuyết tật tham gia giao
thông;
- Tập huấn cho lái xe phục vụ
hành khách là người khuyết tật sử dụng phương tiện giao thông;
- Hỗ trợ nghiên cứu, chế tạo, sản
xuất thử nghiệm thiết bị, công cụ và phương tiện giao thông để người khuyết tật
tham gia giao thông thuận tiện.
- Xây dựng Báo cáo đánh giá kết
quả thực hiện đề án 1019, đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đạt được
giai đoạn 2012-2020 thuộc lĩnh vực ngành phụ trách (số liệu cụ thể), những khó
khăn hạn chế, nêu rõ nguyên nhân chỉ tiêu này chưa đạt và đề xuất các hoạt động
cho giai đoạn tiếp theo.
b) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Giao
thông vận tải.
- Cơ quan phối hợp: Các Sở,
ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố.
6. Trợ giúp
tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông
a) Nội dung:
Duy trì chuyên mục Hỗ trợ người
khuyết tật trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh gồm:
- Khai thác, cập nhật các văn bản,
hình ảnh, tin, bài thông tin tuyên truyền về công tác trợ giúp người khuyết tật.
- Hướng dẫn người khuyết tật tiếp
cận, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông;
- Nâng cấp, tích hợp các tính
năng hỗ trợ người khuyết tật trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- Xây dựng Báo cáo tổng kết thực
hiện đề án 1019, đánh giá những kết quả, mức độ hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đạt
được giai đoạn 2012-2020 thuộc lĩnh vực ngành phụ trách (số liệu cụ thể), những
khó khăn hạn chế và đề xuất các hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.
b) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin
và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan
liên quan.
7. Trợ giúp
pháp lý
a) Nội dung:
- Tăng cường hoạt động truyền
thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thông qua các hoạt động phù hợp,
đúng quy định của pháp luật;
- Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức
pháp luật, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cho người thực
hiện trợ giúp pháp lý và các thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp
lý;
- Thực hiện các hoạt động trợ
giúp pháp lý cho người khuyết tật thông qua các hình thức: Tư vấn pháp luật,
tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.
- Xây dựng Báo cáo đánh giá kết
quả thực hiện đề án 1019, đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đạt được
giai đoạn 2012-2020 thuộc lĩnh vực ngành phụ trách (số liệu cụ thể), những khó
khăn hạn chế và đề xuất các hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.
b) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: Các Sở,
ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố.
8. Hỗ trợ
người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch
a) Nội dung:
- Thực hiện việc miễn, giảm giá
vé tham quan danh lam, thắng cảnh và các điểm di tích trên địa bàn tỉnh cho đối
tượng là người khuyết tật;
- Tổ chức tập huấn sáng tác hội
họa, âm nhạc cho người khuyết tật; các hoạt động giao lưu, toạ đàm, biểu diễn
văn nghệ quần chúng cho người khuyết tật nhân Ngày quốc tế người khuyết tật
(3/12).
- Tạo điều kiện để người khuyết
tật tham gia thi đấu thể thao trong nước và quốc tế.
- Xây dựng Báo cáo đánh giá việc
thực hiện đề án 1019, đánh giá những kết quả, mức độ hoàn thành mục tiêu, chỉ
tiêu đạt được giai đoạn 2012-2020 thuộc lĩnh vực ngành phụ trách (số liệu cụ thể),
những khó khăn hạn chế và đề xuất các hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.
b) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch.
- Cơ quan phối hợp: Các Sở,
ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố.
9. Nâng cao
nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và giám sát đánh giá
a) Nội dung:
- Tổ chức tuyên truyền pháp luật
về người khuyết tật và những chủ trương, chính sách, chương trình trợ giúp người
khuyết tật;
- Đào tạo, tập huấn cho cán bộ,
công chức và cộng tác viên trợ giúp người khuyết tật; Tập huấn cho gia đình người
khuyết tật về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người
khuyết tật; tập huấn các kỹ năng sống cho người khuyết tật;
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra,
giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật.
b) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan phối hợp: Các Sở,
ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố.
II. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí: 400.000.000 đồng
(Bốn trăm triệu đồng).
Đã được bố trí trong dự toán
chi thường xuyên của các Sở, ban, ngành tại Quyết định số 2556/QĐ-UBND ngày
12/12/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội
Là cơ quan chủ trì thực hiện Kế
hoạch này, có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng và triển
khai thực hiện kế hoạch; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh; xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết
giai đoạn thực hiện đề án trình UBND tỉnh ban hành.
2. Các Sở, ban, ngành có
liên quan
Theo chức năng, nhiệm vụ được
giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng,
tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch và Báo cáo kết quả về UBND tỉnh (gửi Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 30/11/2020; Riêng báo cáo tổng kết
thực hiện đề án giai đoạn 2012-2020 gửi trước ngày 30/6/2020) Để tổng hợp,
báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh theo quy định.
3. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Lạng Sơn
Trên cơ sở Kế hoạch này, xây dựng
và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động hàng năm về trợ giúp người khuyết tật;
chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, lồng ghép kinh phí các chương trình, các đề
án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề
án.
Xây dựng Báo cáo đánh giá việc
thực hiện đề án 1019, đánh giá những kết quả, mức độ hoàn thành các mục tiêu,
chỉ tiêu đạt được giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn (có số liệu cụ thể), những
khó khăn hạn chế, nêu rõ nguyên nhân các chỉ tiêu, mục tiêu chưa đạt và đề xuất
các nội dung hoạt động hỗ trợ người khuyết tật cho giai đoạn tiếp theo (gửi
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 30/11/2020; Riêng báo cáo tổng kết
thực hiện đề án giai đoạn 2012-2020 gửi trước ngày 30/6/2020).
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc tỉnh và các đoàn thể tỉnh: Vận động các tổ chức, cá nhân, hội viên và
quần chúng Nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức
triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Trong quá trình triển khai thực
hiện Kế hoạch có vấn đề vướng mắc, các cơ quan kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Để xem xét, chỉ đạo giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PVP UBND tỉnh, các Phòng: KG-VX, TH, TT THCB;
- Lưu: VT, KG-VX(NCD).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Xuân Huyên
|