ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 234/KH-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày 05 tháng 12 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC
TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI NĂM 2025
Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của
Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 833/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh phê
duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh
Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 17/9/2024 của UBND
tỉnh về việc thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh đến
năm 2025; căn cứ các quy định hiện hành; xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 156/TTr-SLĐTBXH ngày 29/11/2024; UBND tỉnh
ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2025 (sau đây viết tắt là Kế hoạch), với những
nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số
90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị số 34-CT/TU ngày
06/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện miền
núi; Quyết định số 833/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ngãi
giai đoạn 2021-2025; thực hiện đạt và vượt các mục tiêu của Chương trình đề ra
và đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều tại Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 17/9/2024
của UBND tỉnh.
2. Yêu cầu
Bám sát các nhiệm vụ, nội dung hỗ trợ các Dự án thuộc
Chương trình, đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch. Sử dụng hiệu
quả nguồn kinh phí thực hiện Chương trình, đúng quy định tài chính hiện hành,
huy động, lồng ghép thêm nguồn lực trong quá trình triển khai thực hiện Chương
trình.
Giảm nghèo bền vững, thực chất; tập trung nguồn lực hỗ
trợ cho các hộ đăng ký thoát nghèo và các hộ có khả năng thoát nghèo, thoát cận
nghèo bền vững; công khai, minh bạch các nguồn lực hỗ trợ. Các ngành, các cấp tập
trung xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch giảm nghèo, phấn đấu
giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện vượt mục tiêu đã đề ra.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, kịp thời
bổ sung, cập nhật các chủ trương, chính sách của Trung ương, các nhiệm vụ mới
phù hợp với thực tiễn, cần kiểm tra giám sát để kịp thời giải quyết khó khăn,
vướng mắc, điều chỉnh biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo thực hiện thắng lợi
các mục tiêu nhiệm vụ đề ra.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền
vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận
nghèo nhất là các huyện miền núi; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt
lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa
chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó
khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt
khó khăn. Phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm nghèo năm 2025 để góp phần hoàn thành mục
tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 và đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều
trên địa bàn tỉnh đã đề ra đến năm 2025..
2. Các chỉ tiêu cần đạt đến cuối năm
2025
a) Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 2,21%, riêng
tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm 11,07 % theo chuẩn nghèo đa chiều giai
đoạn 2022- 2025;
b) Phấn đấu giảm 10.050 hộ cận nghèo;
c) Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,67%;
d) Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 20 mô hình giảm
nghèo, xây dựng và phê duyệt trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc
làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo,
hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo,
xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biến và hải đảo;
đ) Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu
thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi
ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm,
ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh
lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập;
e) Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất
một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững;
g) 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng,
tập huấn kiến thức về các nội dung triển khai công tác giảm nghèo năm 2025.
h) Các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch
vụ xã hội cơ bản
- Chiều thiếu hụt về việc làm:
+ 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ
mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp,
cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm;
+ Tối thiểu 200 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc
làm thành công;
+ Tối thiểu 200 người lao động thuộc các huyện nghèo,
xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo;
trong đó, có khoảng 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít
nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo). Hỗ
trợ khoảng 10 người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại
ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt
Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.
- Chiều thiếu hụt về y tế: 100% người thuộc hộ nghèo,
hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp
còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các huyện nghèo xuống còn 33,50%, các xã đặc biệt
khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xuống còn 33,40%.
- Chiều thiếu hụt về giáo dục, đào tạo:
+ Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học
đúng độ tuổi đạt 93,90%;
+ Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo,
hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua
đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 25%; 100% người lao động
thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp
có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp;
- Về nhà ở: Tối thiểu 1.463 hộ nghèo, hộ cận nghèo
trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định,
có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc
sống và giảm nghèo bền vững.
- Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh: 90% hộ
nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 60% hộ nghèo, hộ
cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Chiều thiếu hụt về thông tin: 90,40% hộ nghèo, hộ cận
nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95,03%
các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, 99,40% xã đặc biệt khó khăn vùng
bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững
thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.
(Cụ thể theo Phụ lục 01, 03, 04 đính kèm).
III. NỘI DUNG VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng chương trình;
đối tượng và nội dung hỗ trợ chi tiết các dự án, tiểu dự án thực hiện theo Kế
hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn
tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 833/QĐ-UBND
ngay 29/7/2022 của UBND tỉnh.
2. Kinh phí thực hiện: Tổng kinh phí dự kiến thực hiện các dự
án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh
năm 2025 là 365.665 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương: 284.319 triệu
đồng (vốn đầu tư phát triển 78.650 triệu đồng, vốn sự nghiệp 205.669 triệu đồng),
vốn ngân sách địa phương 42.659 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 11.797 triệu
đồng, vốn sự nghiệp 30.862 triệu đồng), huy động khác 38.687 triệu đồng.
(Cụ thể từng dự án, tiểu dự án theo Phụ lục 02 đính
kèm).
Ngoài nguồn vốn được ngân sách địa phương bố trí thực
hiện Tiểu dự án 2 Dự án 7 của Chương trình, UBND các huyện, thị xã, thành phố bố
trí kinh phí để thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm đảm
bảo theo nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 21/9/2021 của UBND
tỉnh về việc tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ, rà soát hộ nghèo, hộ cận
nghèo hàng năm; xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm
nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo chuẩn nghèo đa
chiều giai đoạn 2021-2025.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Năm 2025 là năm kết thúc Chương trình mục tiêu quốc
gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Do đó, cần tập trung triển khai thực
hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp theo Kế hoạch thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 833/QĐ-UBND ngày 29/7/2022
của UBND tỉnh. Trong đó, cần tập trung thực hiện các nội dung sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao
nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người
dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo
bền vững. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên
thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội, nhất
là đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa; theo phương châm đến từng hộ
gia đình. Thực hiện có hiệu quả Phong trào “Quảng Ngãi chung tay vì người nghèo
- Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
2. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp ban hành
nghị quyết, kế hoạch, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững
trong năm 2025. Phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo
thoát nghèo.
3. Rà soát, đánh giá lại tất cả các mục tiêu, chỉ
tiêu đạt được đến cuối năm 2024 để có giải pháp, kế hoạch thực hiện đảm bảo đạt
mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, tập trung chỉ đạo, quyết liệt, khẩn
trương thực hiện đối với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ có mức hoàn thành và
tỷ lệ đạt thấp nhằm đảm bảo đến cuối năm 2025 hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ
tiêu, nhiệm vụ đề ra.
4. Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo
có đủ năng lực, nhiệt huyết để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình.
5. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo thật
sự đã có hiệu quả trong thực tế, các mô hình phải có đánh giá cụ thể về hiệu quả
kinh tế, xã hội và tác động môi trường. Đổi mới phương thức hỗ trợ hộ nghèo,
chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô
hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia
đình, cộng đồng) phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, nhu cầu của hộ
nghèo, hộ gia đình tham gia đóng góp bằng ngày công lao động, tiền hoặc hiện vật.
Trọng tâm của mô hình, dự án giảm nghèo là phát triển kinh tế vùng, địa phương;
từng bước hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt lớn, tạo động lực
phát triển vùng nghèo một cách bền vững.
6. Tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác điều
tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, nhất là lao động thuộc hộ
nghèo, cận nghèo; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động
của doanh nghiệp, nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương.
7. Tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm,
phiên giao dịch việc làm theo chuyên đề, lồng ghép lưu động tại các huyện, nhất
là các huyện miền núi; triển khai đa dạng các hoạt động cung cấp thông tin thị
trường lao động, tạo điều kiện giúp học viên, sinh viên, người lao động dễ dàng
tiếp cận thông tin thị trường lao động, xu hướng việc làm.. Xây dựng kế hoạch cụ
thể để giải quyết việc làm cho lao động thuộc các hộ: nghèo, hộ cận nghèo tại
các khu công nghiệp trong tỉnh và thông qua hoạt động đưa người lao động đi làm
việc ở nước ngoài theo hợp đồng để người lao động có thu nhập ổn định.
8. Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, phân loại
chuẩn xác hộ nghèo, hộ cận nghèo đế tiếp tục phân loại cụ thể từng đối tượng
làm cơ sở có kế hoạch hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng; giáo dục, nâng
cao khả năng tổ chức cuộc sống trong từng gia đình, gắn trách nhiệm cho các cơ
quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện các tiêu chí về giảm nghèo; đồng thời,
phân công cán bộ, đảng viên theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo
phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
9. Tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của
doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối
ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng; vốn tín dụng ưu
đãi; lồng ghép nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các
chính sách giảm nghèo nói chung với các dự án, nội dung thuộc Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó
khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
10. Khẩn trương triển khai thực hiện đảm bảo đạt mục
tiêu hỗ trợ nhà ở tại Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15/11/2024 của UBND tỉnh triển
khai thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm
2025; thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Kế hoạch
số 186/KH-UBND ngày 17/9/2024 của UBND tỉnh nhằm đảm bảo giảm tỷ lệ nghèo đa
chiều đến cuối năm 2025.
11. Các sở, ban, ngành nâng cao trách nhiệm trong
công tác xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát
các nội dung thuộc nhiệm vụ, chức năng thuộc lĩnh vực ngành và các nhiệm vụ được
giao trong công tác giảm nghèo. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các đơn vị liên
quan và Cơ quan Thường trực Chương trình trong việc thực hiện công tác giảm
nghèo.
12. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
quá trình thực hiện Chương trình đối với các cơ quan chủ trì Dự án, Tiểu dự án,
các địa phương, cơ sở, cộng đồng và người dân.
13. Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc giảm nghèo bền
vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 và Phong trào thi đua “Quảng Ngãi
vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2021 -2025”: cấp
huyện hoàn thành trong tháng 11/2025, cấp tỉnh hoàn thành trong tháng
12/2025.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các sở, ban, ngành và địa phương căn cứ chức năng,
nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 đã ban hành kèm
theo Quyết định số 833/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh tổ chức triển khai
thực hiện đảm bảo nội dung Kế hoạch. Trong đó, các cơ quan, đơn vị và địa
phương cần tập trung thực hiện một số nội dung chính của Kế hoạch như sau:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, liên quan thực
hiện Dự án 1, Dự án 2, Dự án 4, Tiểu dự án 2-Dự án 6, Dự án 7.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, giám
sát việc thực hiện Chương trình của các địa phương; tổng hợp kết quả thực hiện
Chương trình, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp thẩm
quyền theo quy định.
- Tổ chức, thực hiện kiểm tra, giám sát rà soát hộ
nghèo, hộ cận nghèo năm 2025 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 làm
cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành liên quan tham
mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá kế hoạch thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 trong
tháng 12/2025 (bao gồm nội dung tổng kết của Phong trào thi đua "Quảng
Ngãi vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn
2021-2025).
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và
các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện hoạt động nâng cao năng lực
và kiểm tra, giám sát của Dự án 7; đồng thời, chủ trì thực hiện phần kinh phí
được phân bổ cho Tiểu dự án 2 của Dự án 7; tổng hợp báo cáo theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp,
tham mưu cấp thẩm quyền bố trí nguồn vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương
và ngân sách tỉnh để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2025.
3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và
các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện hoạt động nâng cao năng lực
và kiểm tra, giám sát của Dự án 7.
- Căn cứ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương
phân bổ, tham mưu cấp thẩm quyền phân bổ nguồn vốn trung ương và vốn đối ứng
ngân sách địa phương để đảm bảo hoạt động của Kế hoạch.
4. Sở Y tế chịu trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện
Tiểu dự án 2 của Dự án 3 và hoạt động nâng cao năng lực và kiểm tra, giám sát của
Dự án 7 thuộc lĩnh vực được phân công; tổng hợp báo cáo theo quy định; tổ chức
đánh giá tổng kết Tiểu dự án 2 của Dự án 3 hoàn thành trong tháng 11/2025
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách
nhiệm: Chủ trì,
phối hợp với các sở, ngành, liên quan thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và nguồn
vốn thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 3; chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện hoạt động
nâng cao năng lực và kiểm tra, giám sát của Dự án 7 thuộc lĩnh vực được phân
công; tổng hợp báo cáo theo quy định. Tổ chức đánh giá tổng kết Tiểu dự án 1 của
Dự án 3 hoàn thành trong tháng 11/2025
6. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai
thực hiện Dự án 5 và hoạt động nâng cao năng lực và kiểm tra, giám sát của Dự
án 7 thuộc lĩnh vực được phân công. Tổ chức đánh giá tổng kết Dự án 5 hoàn
thành trong tháng 11/2025
7. Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành liên quan thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và nguồn vốn thuộc Tiểu dự án
1 -Dự án 6; chủ trì, phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các sở,
ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện hoạt động nâng cao năng lực và kiểm
tra, giám sát của Dự án 7 thuộc lĩnh vực được phân công; tổng hợp báo cáo theo
quy định. Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tuyên
truyền về Chương trình trong năm 2025. Tổ chức đánh giá tổng kết Tiểu dự án 1 của
Dự án 6 hoàn thành trong tháng 11/2025.
8. Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh): Chủ trì, chuẩn bị các nội
dung, điều kiện cần thiết liên quan đến Phong trào thi đua "Quảng Ngãi vì
người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025, hoàn
thành trong tháng 11/2025 để phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội tổ chức tổng kết Phong trào thi đua vào dịp tổng kết Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
9. Các sở, ngành có chức năng, nhiệm vụ thực hiện các
chính sách giảm nghèo chung, các hoạt động liên quan đến công tác giảm nghèo: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ
được giao tại Mục V của Chương trình phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức
triển khai thực hiện theo quy định.
10. Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh triển khai tuyên
truyền về công tác giảm nghèo bền vững và các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch.
Các cơ quan thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh
có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền theo chức năng, nhiệm vụ được
giao và yêu cầu của Chương trình.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Khẩn trương ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai
thực hiện trên địa bàn quản lý đảm bảo nội dung Kế hoạch; tổng hợp báo cáo theo
quy định.
- Rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt được đến
cuối năm 2024 đế xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện, trong đó giao nhiệm vụ cụ
thể cho từng cơ quan, đơn vị theo dõi, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhằm đảm
bảo hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra cuối
năm 2025.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức
chính trị - xã hội phối hợp thực hiện nội dung Kế hoạch.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu
quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2025, đề nghị các sở, ngành,
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội và các địa
phương khẩn trương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có phát
sinh vướng mắc, chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để giải
quyết hoặc tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Các
Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền
thông,
Xây dựng, Y tế, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- BTT UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các sở, ngành là thành viên BCĐ các Chương trình mục tiêu quốc gia được
thành lập tại Quyết định số 1241/QĐ-UBND ngày 11/10/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Ngãi;
- VPUB: CVP, PCVP, KTTH, KTN, NC;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KGVXVHTin575.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Phiên
|
FILE ĐƯỢC ĐÍNH
KÈM THEO VĂN BẢN
|