TOÀ
ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
20/TANDTC-TĐKT
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2010
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC ĐẠI HỘI THI ĐUA NGÀNH TOÀ ÁN NHÂN DÂN LẦN THỨ 2 VÀ HỘI
NGHỊ ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN
Căn cứ Kế hoạch 25/HĐTĐKT ngày
17/4/2009 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương về việc “Tổ chức Đại hội
thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội thi đua toàn
quốc lần thứ VIII”; Công văn số 2236/BTĐKT-V1 ngày 08/10/2009 của Ban Thi
đua - Khen thưởng trung ương hướng dẫn tổ chức Đại hội thi đua và Hội nghị điển
hình tiên tiến các cấp, Chỉ thị số 01/CT-TANDTC ngày 11/9/2009 của Chánh án Toà
án nhân dân tối cao về việc tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 65 năm ngày
truyền thống của ngành Toà án nhân dân (13/9/1945-13/9/2010) và kế hoạch của
Ban tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Toà
án nhân dân, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Toà án nhân dân ban hành Kế
hoạch tổ chức Đại hội thi đua ngành Toà án nhân dân lần thứ 2 và Kế hoạch tổ chức Hội
nghị điển hình tiên tiến của các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao, Toà án
nhân dân cấp tỉnh và Toà án quân sự (gọi chung là Hội nghị điển hình tiên tiến).
A. Ý
NGHĨA, MỤC ĐÍCH YÊU CẦU CỦA ĐẠI HỘI THI ĐUA LẦN THỨ 2 VÀ HỘI NGHỊ ĐIỂN HÌNH
TIÊN TIẾN
Đại hội thi đua ngành Toà án
nhân dân lần thứ 2 và Hội nghị điển hình tiên tiến là hoạt động thi đua, khen
thưởng quan trọng của ngành Toà án nhân dân. Đây là dịp để các đơn vị kiểm điểm
đánh giá, rút kinh nghiệm công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm qua, đồng
thời ôn lại truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển của ngành Toà án nhân
dân; khen thưởng những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong các
phong trào thi đua của ngành. Do đó, việc tổ chức Đại hội thi đua
ngành Toà án nhân dân lần thứ 2 và Hội nghị điển hình tiên tiến phải đạt
được các mục đích yêu cầu sau:
- Tổng kết, kiểm điểm, đánh giá
thực tiễn công tác thi đua khen thưởng trong ngành Toà án nhân dân từ năm 2005
đến nay; đánh giá kết quả, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước đối với
công tác xét xử, thi hành án hình sự và các công tác khác của ngành Toà án nhân
dân trong 5 năm qua; trao đổi, phổ biến các kinh nghiệm tổ chức, chỉ ra những tồn
tại, hạn chế cần khắc phục trong phong trào thi đua, trên cơ sở đó đề ra phương
hướng, nhiệm vụ, biện pháp đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong những
năm tới;
- Biểu dương, khen thưởng những
tấm gương tiêu biểu, xuất sắc nhất của ngành Toà án nhân dân qua phong trào thi
đua yêu nước, đồng thời động viên, cổ vũ các tập thể, cá nhân trong ngành tiếp
tục phát huy nội lực và những thành tích đã đạt được, tạo ra động lực mới để
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao
phó;
- Trong quá trình chuẩn bị và tổ
chức Đại hội thi đua ngành Toà án nhân dân lần thứ 2 và Hội nghị điển hình tiên
tiến phải phát động các phong trào thi đua sôi nổi, qua đó phát hiện, xây dựng,
nhân rộng và tổ chức học tập các điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực công
tác, nhất là công tác xét xử, giải quyết các loại vụ án;
- Thông qua Đại hội thi đua
ngành Toà án nhân dân lần thứ 2 và Hội nghị điển hình tiên tiến, tiếp tục khẳng
định các bài học kinh nghiệm về việc gắn công tác thi đua khen thưởng với việc
hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành; gắn phong trào thi đua của ngành với
cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đổi mới nội
dung và hình thức thi đua, khen thưởng trên cơ sở các quy định của Luật Thi đua
khen thưởng.
- Đại hội thi đua ngành Toà án nhân
dân lần thứ 2 và Hội nghị điển hình tiên tiến phải được tổ chức trang trọng,
thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức.
B. THỜI
GIAN TỔ CHỨC
1. Đại hội thi đua ngành Toà án nhân
dân lần thứ 2 được tổ chức 1 ngày, trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến ngày
13/9/2010, dự kiến vào dịp tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của
ngành Toà án nhân dân (13/9/1945-13/9/2010).
2. Hội nghị điển hình tiên tiến
dự kiến được tổ chức 1 ngày, trong tháng 4 và tháng 5 năm 2010, vào trước
thời điểm tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi đua 6 tháng đầu năm 2010 của các
Cụm thi đua.
Việc tổ chức Hội nghị điển hình
tiên tiến do Thủ trưởng các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà
án quân sự Trung ương và Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh quyết định.
C. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
I. NỘI DUNG ĐẠI
HỘI THI ĐUA NGÀNH TOÀ ÁN NHÂN DÂN LẦN THỨ 2 VÀ HỘI NGHỊ ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN
Đại hội thi đua ngành Toà án
nhân dân lần thứ 2 và Hội nghị điển hình tiên tiến gồm một số nội dung chính
sau đây:
1. Báo cáo tổng kết phong trào
thi đua yêu nước trong giai đoạn từ sau Đại hội thi đua ngành Toà án nhân dân lần
thứ 1 năm 2005 đến nay.
2. Một số báo cáo điển hình tiên
tiến.
Số lượng và nội dung báo cáo điển
hình tiên tiến tại Hội nghị điển hình tiên tiến do Thủ trưởng các đơn vị thuộc
Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án quân sự Trung ương và Chánh án Toà án
nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Tại Đại hội thi đua ngành Toà án
nhân dân lần thứ 2, dự kiến có 40 báo cáo điển hình của các tập thể và cá nhân
có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong toàn ngành, trong đó 6 báo cáo do Ban tổ
chức lựa chọn được trình bày tại Đại hội.
3. Tuyên dương các tấm gương người
tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua;
trao tặng Huân chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ “Đơn vị thi đua xuất
sắc giai đoạn 2005-2010” (tại Đại hội thi đua ngành Tòa án nhân dân lần thứ 2),
Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”, Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao, Giấy khen và các hình thức khen thưởng khác (tại Hội nghị điển hình tiên
tiến).
4. Tổ chức các hoạt động văn
hoá, thể thao.
5. Đề ra phương hướng của Đại hội
và Hội nghị điển hình tiên tiến về công tác thi đua khen thưởng trong những năm
tới.
6. Tổng kết, thông qua Nghị quyết
và phát động thi đua.
II. MỘT SỐ CÔNG
VIỆC CẦN TỔ CHỨC THỰC HIỆN TỪ NAY ĐẾN ĐẠI HỘI THI ĐUA NGÀNH TOÀ ÁN NHÂN DÂN LẦN
THỨ 2
*Đối với Toà án nhân dân tối cao
:
1. Thành lập Ban tổ chức Đại hội
thi đua ngành Toà án nhân dân lần thứ 2 và giao cho Ban tổ chức Đại hội thi đua
phối hợp với Văn phòng Toà án nhân dân tối cao đảm nhiệm thực hiện các công việc
chuẩn bị và tổ chức Đại hội.
2.Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
ngành Toà án nhân dân, Ban tổ chức Đại hội, Văn phòng Toà án nhân dân tối cao
và Vụ Kế hoạch tài chính dự trù, chuẩn bị kinh phí tổ chức Đại hội thi đua
ngành Toà án nhân dân lần thứ 2 và Hội nghị điển hình tiên tiến.
3. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
ngành Toà án nhân dân chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các đơn vị
trong ngành thực hiện Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua ngành Toà án nhân dân lần
thứ 2; tổ chức quán triệt, tập huấn Luật Thi đua, khen thưởng và triển khai các
văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, khen thưởng của ngành Toà án nhân dân.
4. Báo Công lý, Tạp chí Toà án
nhân dân, Cổng thông tin điện tử của ngành Toà án nhân dân chịu trách nhiệm lập trang
chuyên đề để tuyên truyền về công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội thi đua ngành
Toà án nhân dân lần thứ 2 và Hội nghị điển hình tiên tiến; nêu bật những tấm
gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến trong ngành Toà án nhân dân để
tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và toàn ngành, tạo không khí thi đua sôi nổi
chào mừng Đại hội thi đua ngành Toà án nhân dân lần thứ 2.
5. Khen thưởng các tập thể, cá
nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của ngành Toà án nhân
dân giai đoạn 2005 - 2009.
*Đối với các cụm thi đua:
Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh
là Trưởng cụm thi đua có trách nhiệm tổ chức Hội nghị thi đua cụm theo hướng dẫn
của Toà án nhân dân tối cao để thực hiện các công việc sau đây :
- Sơ kết công tác thi đua theo định
kỳ;
- Trên cơ sở đề xuất của Toà án
nhân dân các tỉnh trong cụm thi đua, suy tôn, lựa chọn các tập thể có thành
tích xuất sắc trong các phong trào thi đua từ năm 2005 đến năm 2010 để đề nghị
Tòa án nhân dân tối cao tặng Cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc giai đoạn 2005-2010”
vào dịp Đại hội thi đua ngành Toà án nhân dân lần thứ 2.
- Các công việc khác theo Kế hoạch
tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của ngành Tòa án nhân dân.
*Đối với các đơn vị thuộc Toà án
nhân dân tối cao, Toà án quân sự Trung ương và Toà án nhân dân cấp tỉnh:
+ Tổ chức triển khai, quán triệt
sâu rộng tới các tập thể và cán bộ, công chức, nhân viên của đơn vị Kế hoạch tổ
chức Đại hội thi đua ngành Toà án nhân dân lần thứ 2 và Hội nghị điển hình tiên
tiến, các văn bản hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng trong ngành Toà án
nhân dân;
+ Căn cứ hướng dẫn của Tòa án
nhân dân tối cao, xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến và kế
hoạch tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Toà
án nhân dân. Các kế hoạch này phải được gửi cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
ngành Toà án nhân dân.
+ Phát động các phong trào thi đua
hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 120 năm ngày
sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9,
65 năm ngày truyền thống của ngành Toà án nhân dân, 1000 năm Thăng long Hà Nội
và những ngày kỷ niệm khác trong năm 2010; hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc
tổ chức các phong trào thi đua của các tập thể nhỏ thuộc quyền quản lý (Toà án
quân sự khu vực, Toà án nhân dân cấp huyện, các Toà, Phòng thuộc Toà án nhân
dân cấp tỉnh).
+ Xây dựng các mô hình và điển
hình tiên tiến xuất sắc, làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền học tập và nhân rộng
các điển hình tiên tiến; chú trọng việc phát hiện các điển hình và nhân tố mới
thực sự nổi trội qua các phong trào thi đua yêu nước.
+ Tổ chức Hội nghị điển hình
tiên tiến và làm các thủ tục đề nghị khen thưởng theo hướng dẫn của Toà án nhân
dân tối cao.
* Việc giới thiệu đại biểu đi dự
Đại hội thi đua ngành Toà án nhân dân lần thứ 2 :
Đại biểu dự Đại hội thi đua
ngành Toà án nhân dân lần thứ 2 là những người tiêu biểu, xuất sắc nhất trong số
cá nhân có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2005-2010.
Số lượng đại biểu dự Đại hội thi
đua ngành Toà án nhân dân lần thứ 2 được phân bổ như sau :
a) Đại biểu khách mời: (Có kế hoạch
riêng)
b) Đại biểu đương nhiên:
- Lãnh đạo Toà án nhân dân tối
cao;
- Thành viên Hội đồng Thi đua -
Khen thưởng ngành Toà án nhân dân;
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc
Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án quân sự trung ương, Chánh án Toà
án nhân dân cấp tỉnh và đại diện Phòng Thi đua - Khen thưởng;
- Các cá nhân đạt danh hiệu “Chiến
sỹ thi đua toàn quốc” trong giai đoạn từ năm 2005-2010;
- Các điển
hình tiên tiến do các cụm thi đua lựa chọn, suy tôn.
c) Đại biểu giới thiệu:
- Đối với các đơn vị thuộc Toà
án nhân dân tối cao: Các đơn vị có dưới 30 biên chế được phân bổ 1 đại biểu;
các đơn vị có trên 30 biên chế, thì cứ vượt 20 biên chế được phân bổ thêm 1 đại
biểu;
- Đối với ngành Toà án nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân bổ 2 đại biểu, trong đó có 1 đại
biểu làm công tác thi đua khen thưởng; các đơn vị có trên 100 biên chế (kể cả
biên chế Toà án nhân dân cấp huyện), thì cứ vượt 50 biên chế được phân bổ thêm
1 đại biểu;
- Đối với ngành Toà án quân sự:
được phân bổ 20 đại biểu. Chánh án Toà án quân sự trung ương chịu trách nhiệm
quy định đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự lựa chọn sau khi thống nhất với Hội đồng
Thi đua - Khen thưởng ngành Toà án nhân dân.
Sau khi tổ chức Hội nghị điển
hình tiên tiến, các đơn vị báo cáo kết quả hội nghị, lập danh sách đại biểu (Đại
biểu đương nhiên và đại biểu giới thiệu) dự Đại hội thi đua ngành Toà án nhân
dân lần thứ 2, giới thiệu các điển hình tiên tiến có thành tích đặc biệt xuất sắc
để báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua ngành Tòa án nhân dân lần thứ 2 và gửi
Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Toà án nhân dân trước ngày 15
tháng 6 năm 2010.
III. KHEN THƯỞNG
VÀO DỊP ĐẠI HỘI THI ĐUA NGÀNH TÒA ÁN NHÂN DÂN LẦN THỨ 2 VÀ HỘI NGHỊ ĐIỂN
HÌNH TIÊN TIẾN
1. Khen thưởng các hình thức thuộc
thẩm quyền của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao:
1.1. Đối tượng khen thưởng:
- Các tập thể, cá nhân có thành
tích xuất sắc trong phong trào thi đua trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm
2010;
- Các tập thể, cá nhân có thành
tích xuắt sắc đột xuất trong công tác hoặc có thành tích xuất sắc trong từng mặt
công tác;
- Các cá nhân làm công tác thi
đua khen thưởng có thành tích trong công tác thi đua khen thưởng.
1.2. Hình thức và tiêu chuẩn
khen thưởng:
+ Cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc
giai đoạn 2005-2010”:
Các đơn vị thuộc Toà án nhân dân
tối cao, Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện và các Toà án thuộc
ngành Toà án quân sự đạt các tiêu chuẩn sau đây có thể được xét, đề nghị tặng
thưởng Cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc giai đoạn 2005-2010”:
a) Là đơn vị tiêu biểu, xuất sắc
của ngành Toà án nhân dân; hoàn thành vượt mức, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ
công tác trong năm với chất lượng cao;
b) Có 5 năm liên tục (2005-2009)
được khen thưởng từ danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” trở lên;
c) Có ít nhất 2 năm (trong đó có
năm 2009) được khen thưởng một trong các danh hiệu thi đua và hình thức khen
thưởng sau: “Cờ thi đua của ngành Tòa án nhân dân”, “Cờ thi đua của Chính phủ”,
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động;
d) Nội bộ đoàn kết, trong sạch,
vững mạnh, tích cực xây dựng phong trào thi đua; thực hành tiết kiệm, chống
tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội có hiệu quả;
e) Được trên 1/2 số đơn vị trong
cụm thi đua tín nhiệm, bỏ phiếu suy tôn là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của
cụm thi đua.
Số lượng Cờ “Đơn vị thi đua xuất
sắc giai đoạn 2005-2010” được phân bổ như sau:
- Các cụm thi đua số I, II, III,
và V được xét, đề nghị tặng thưởng Cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc giai đoạn
2005-2010” cho 4 đơn vị Toà án nhân dân cấp tỉnh, riêng cụm thi đua số IV được
xét chọn, đề nghị tặng thưởng cho 3 đơn vị; các cụm thi đua Toà án nhân dân địa
phương được xét chọn, đề nghị tặng thưởng Cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc giai đoạn
2005-2010” cho tối đa 5% số đơn vị Toà án nhân dân cấp huyện trong cụm thi đua.
Mỗi tỉnh, thành phố chỉ được lựa chọn, giới thiệu không quá 5% số đơn vị Toà án
nhân dân cấp huyện để Hội nghị Cụm thi đua xem xét, bình chọn.
- Cụm thi đua các đơn vị thuộc
Toà án nhân dân tối cao được xét chọn, đề nghị tặng thưởng Cờ “Đơn vị thi đua
xuất sắc giai đoạn 2005-2010” cho 3 đơn vị.
- Cụm thi đua ngành Toà án quân
sự được xét chọn, đề nghị tặng thưởng Cờ “ Đơn vị thi đua xuất sắc giai đoạn
2005-2010” cho 3 đơn vị.
+ Bằng khen của Chánh án Toà án
nhân dân tối cao:
a) Tiêu chuẩn đối với tập thể:
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 5 năm liên tục (2005-2009) được tặng thưởng
danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; các Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổ chức tốt
các hoạt động thi đua khen thưởng, có nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng
các hình thức khen thưởng cao của Nhà nước và Chính phủ, có thể đề nghị Chánh
án Tòa án nhân dân tối cao tặng Bằng khen cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng.
b) Tiêu chuẩn đối với cá nhân:
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 5 năm liên tục (2005-2009) được tặng thưởng
danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”; đối với cán bộ, công chức làm công tác thi
đua khen thưởng (kể cả kiêm nhiệm) hoặc thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
các cấp phải có thời gian đảm nhiệm công tác này từ 5 năm trở lên; đối với Hội
thẩm nhân dân và Hội thẩm quân nhân phải có ít nhất 3 năm được tặng thưởng Bằng
khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
+ Lưu ý: Không tặng thưởng Giấy
khen về thành tích công tác trong 5 năm (2005-2009). Việc khen thưởng thành
tích đột xuất, khen thưởng thành tích sau các đợt thi đua do Thủ trưởng các đơn
vị thuộc Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án quân sự trung ương và Chánh
án Toà án nhân dân cấp tỉnh quyết định khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng
theo thẩm quyền.
1.3. Hồ sơ đề nghị khen thưởng gồm
có:
- Tờ trình đề nghị khen thưởng;
- Danh sách các tập thể, cá nhân
được đề nghị khen thưởng;
- Báo cáo thành tích công tác từ
năm 2005 đến hết năm 2009 của các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng.(Báo
cáo thành tích phải nêu rõ kết quả và chất lượng công tác, các danh hiệu thi đua
và hình thức khen thưởng đã đạt được trong giai đoạn 2005-2010).
2. Việc khen thưởng hình thức
cao:
Việc xét, đề nghị tặng thưởng
Huân chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 được tiến hành trong 1
đợt, để tổ chức trao thưởng tại Đại hội thi đua ngành Toà án nhân dân lần thứ
2. (Tiêu chuẩn, đối tượng, thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng Huân chương, Bằng
khen của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng
và các văn bản hướng dẫn thi hành).
3. Việc tặng thưởng Kỷ niệm
chương “Vì sự nghiệp Tòa án”:
Năm 2010, việc tặng thưởng Kỷ niệm
chương “Vì sự nghiệp Tòa án” thực hiện theo quy định tại Quy chế xét tặng
Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”, nhưng được tiến hành sớm hơn, vào dịp tổ
chức Hội nghị điển hình tiên tiến của các đơn vị.
Các cán bộ, công chức, nhân viên
thuộc ngành Toà án nhân dân có đủ 19 năm công tác (tính đến ngày 01/01/2010) đều
có thể được xét, đề nghị tặng thưởng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án” năm
2010.
Nhân dịp này, Tòa án quân sự
trung ương, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân địa
phương có thể đề nghị tặng thưởng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án” cho các
trường hợp đối ngoại khác, nếu họ thực sự có công lao, thành tích đóng góp cho
sự nghiệp phát triển của ngành Tòa án nhân dân.
4. Thời gian thực hiện:
Hồ sơ đề nghị khen thưởng Huân
chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa
án”, Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải được gửi về Thường trực
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tòa án nhân dân trước ngày 20/3/2010.
Hồ sơ đề nghị tặng thưởng Cờ
“Đơn vị thi đua xuất sắc giai đoạn 2005-2010” phải được gửi cho Trưởng cụm thi
đua trước khi tổ chức Hội nghị sơ kết cụm thi đua ít nhất 15 ngày. Trưởng cụm
thi đua chịu trách nhiệm báo cáo kết quả Hội nghị sơ kết và danh sách các đơn vị
được suy tôn, đề nghị tặng thưởng Cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc giai đoạn
2005-2010” cho Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tòa án nhân dân
trong thời hạn 5 ngày kể từ khi kết thúc Hội nghị sơ kết Cụm thi đua.
Không xem xét, đề nghị khen thưởng
đối với các trường hợp gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng sau thời hạn quy định.
Toà án nhân dân tối cao yêu cầu
các đơn vị triển khai thực hiện ngay Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện nếu
có vướng mắc, thì báo cáo với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Toà án nhân
dân (thông qua Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng) để hướng dẫn giải
quyết.