ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 20/KH-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 29
tháng 01 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
KIỂM
KÊ VÀ LẬP HỒ SƠ KHOA HỌC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của
Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Di sản Văn hóa và Luật Sửa
đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa; Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL
ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định việc kiểm kê di sản
văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào
danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm kê và lập
hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tổ chức kiểm kê nhằm nhận diện, xác định giá trị, lập
danh mục và từng bước tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc
Êđê, M’nông và Gia Rai trên địa bàn tỉnh; khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa,
khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng
đương đại để lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật
thể quốc gia. Xây dựng kế hoạch, đề án, dự án bảo vệ, phát huy, khai thác hiệu
quả các di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
Thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tuân
thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đảm bảo khoa học, trung thực,
khách quan, phản ánh đầy đủ về việc tồn tại, mức độ của di sản bị đe dọa, có
nguy cơ mai một, cần bảo vệ khẩn cấp.
Công tác kiểm kê cần có sự tham gia, phối hợp chặt
chẽ và tạo điều kiện thuận lợi của c ác cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức và
cá nhân liên quan.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Phạm vi kiểm kê: Các huyện, thị xã, thành
phố trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Thời gian: Từ tháng 02 năm 2024 đến tháng
12 năm 2025.
3. Lộ trình thực hiện
- Từ tháng 11/2023 - 01/2024: Xây dựng kế hoạch,
lập dự toán kinh phí kiểm kê, gửi Sở Tài chính thẩm định kinh phí, trình UBND tỉnh
xem xét, phê duyệt.
- Từ tháng 02/2024 - 3/2024: Tổ chức Hội nghị
tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia kiểm kê.
- Từ tháng 4/2024 - 9/2024: Thực hiện kiểm
kê tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.
- Từ tháng 10/2024 -12/2024: Tổng hợp, đánh
giá, báo cáo kết quả kiểm kê sơ bộ và thông báo đến từng địa phương cơ sở.
- Từ tháng 01/2025 - 6/2025: Thống kê, phân
loại và tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể đã kiểm kê trên địa bàn toàn
tỉnh. Báo cáo tổng kết, công bố kết quả kiểm kê và đề xuất UBND tỉnh để lập hồ
sơ khoa học đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Từ tháng 7/2025 - 12/2025: Lựa chọn những
di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và cần bảo vệ khẩn cấp để lập hồ sơ khoa học
đưa vào Danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa đại diện của
nhân loại theo quy định. Hoàn thiện hồ sơ khoa học, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
4. Đối tượng kiểm kê
Đối tượng kiểm kê là di sản văn hóa phi vật thể của
dân tộc Êđê, M’nông và Gia Rai đang tồn tại trong cộng đồng buôn làng trên địa
bàn tỉnh, bao gồm các loại hình sau đây:
a) Tiếng nói, chữ viết của dân tộc Êđê, M’nông và
Gia Rai.
b) Ngữ văn dân gian, bao gồm sử thi, ca dao, dân
ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện
ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi
chép bằng chữ viết của dân tộc Êđê, M’nông và Gia Rai.
c) Nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Êđê,
M’nông và Gia Rai, bao gồm âm nhạc, múa, hát và các hình thức trình diễn dân
gian khác.
d) Tập quán xã hội của dân tộc Êđê, M’nông và Gia
Rai, bao gồm luật tục, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác.
đ) Lễ hội truyền thống của dân tộc Êđê, M’nông và
Gia Rai.
e) Nghề thủ công truyền thống của dân tộc Êđê,
M’nông và Gia Rai.
g) Tri thức dân gian của dân tộc Êđê, M’nông và Gia
Rai, bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y,
dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác.
h) Ưu tiên kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của
dân tộc Êđê, M’nông và Gia Rai đang cần bảo vệ khẩn cấp.
5. Nội dung kiểm kê
Việc kiểm kê cần thu thập thông tin về di sản văn
hoá phi vật thể của dân tộc Êđê, M’nông và Gia Rai gồm các nội dung sau đây:
a) Xác định được tên gọi của di sản (tên thường gọi
và tên gọi khác nếu có).
b) Xác định được loại hình của di sản: Căn cứ vào
Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch để xác định loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Trường hợp
di sản văn hóa phi vật thể thuộc nhiều loại hình thì xác định đầy đủ các loại
hình có liên quan.
c) Xác định rõ địa điểm có di sản: Xác định địa
danh nơi di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại; di sản văn hóa phi vật thể tồn
tại ở nhiều địa điểm trong tỉnh Đắk Lắk.
d) Xác định chủ thể của di sản:
- Trường hợp chủ thể văn hóa là một cá nhân: Xác định
rõ họ và tên, tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, địa chỉ và những thông tin liên quan
đến quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
- Trường hợp chủ thể văn hóa là cộng đồng, nhóm người:
Xác định tên thường gọi của cộng đồng, nhóm người và thông tin về những người đại
diện cho cộng đồng, nhóm người đó. Thông tin về những người đại diện cần xác định
như quy định tại điểm a khoản này.
đ) Miêu tả di sản:
- Quá trình ra đời, tồn tại của di sản văn hóa phi
vật thể.
- Hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, công
trình kiến trúc, hiện vật và không gian văn hóa liên quan cùng với các sản phẩm
vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật
thể
e) Đánh giá giá trị của di sản: Cần xác định được
giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối
với đời sống cộng đồng hiện nay.
g) Xác định hiện trạng di sản (đánh giá sức sống của
di sản, khả năng duy trì, nguy cơ, nguyên nhân mai một của di sản)
h) Các biện pháp bảo vệ (đề xuất các biện pháp, dự
án đã và đang thực hiện bảo vệ di sản)
i) Tổng hợp danh mục các tài liệu có liên quan tới
di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm các xuất bản phẩm, tư liệu khảo sát điền dã
và tài liệu khác
6. Phương pháp kiểm kê
- Khảo sát điền dã, phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, chụp
ảnh, quay phim để thu thập thông tin và tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể.
- Phân tích, đối chiếu, so sánh, đánh giá, tổng hợp
các tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể.
- Ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo tồn các giá trị
văn hóa phi vật thể.
7. Quy trình tổ chức kiểm kê
- Nghiên cứu thu thập tư liệu, thông tin liên quan
đến đối tượng kiểm kê.
- Tập huấn những người tham gia kiểm kê.
- Khảo sát điền dã, thu thập tư liệu, thông tin về
đối tượng kiểm kê theo nội dung kiểm kê.
- Lập phiếu kiểm kê, danh mục kiểm kê (theo mẫu
ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch).
- Tổng hợp, đánh giá, báo cáo kết quả kiểm kê sơ bộ
và thông báo đến từng địa phương cơ sở.
- Lập hồ sơ kiểm kê.
Trong quá trình kiểm kê, khi phát hiện di sản văn
hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo,
trình Ủy ban nhân dân tỉnh có biện pháp chỉ đạo bảo vệ kịp thời.
8. Hồ sơ kiểm kê bao gồm:
- Báo cáo kết quả kiểm kê: Trình bày thông tin cơ bản
về quá trình kiểm kê, số lượng, tên gọi, loại hình, giá trị, hiện trạng, biện
pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Báo cáo kiểm kê phải
có chữ ký của người phụ trách kiểm kê.
- Phiếu kiểm kê.
- Danh mục kiểm kê.
- Băng ghi âm, ghi hình, ảnh, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ.
- Nhật ký khảo sát điền dã và các tài liệu khác có
liên quan.
Hồ sơ kiểm kê được lưu giữ tại Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch.
9. Lập và thẩm định hồ sơ khoa học di sản văn
hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để lập
hồ sơ khoa học:
- Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng,
địa phương.
- Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của
con người, được kế thừa qua nhiều thế hệ.
- Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài.
- Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam
kết bảo vệ.
Trình tự, thủ tục lập hồ sơ và gửi đề nghị đưa vào
danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được thực hiện theo quy định tại
Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTĐL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí: Từ nguồn vốn sự nghiệp (ngân sách
Trung ương) Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân
tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc chương trình mục tiêu quốc gia
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024
và 2025.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên
quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nội
dung của Kế hoạch.
- Thành lập Ban kiểm kê, Tổ giúp việc của Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch (cơ quan Thường trực) để tham mưu, giúp việc
triển khai thực hiện các nội dung kiểm kê theo Kế hoạch.
- Tổ chức Hội nghị tập huấn và hướng dẫn về chuyên
môn, cung cấp các biểu mẫu, phiếu điều tra cho lực lượng tham gia kiểm kê.
- Tổng hợp nội dung kiểm kê, công bố kết quả kiểm
kê và lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản
văn hóa phi vật thể quốc gia; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện theo nội
dung Kế hoạch, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Tài chính
Trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, hàng năm căn cứ
khả năng cân đối ngân sách, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để
các đơn vị thực hiện Kế hoạch theo phân cấp ngân sách hiện hành
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Ủy ban nhân dân
các xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp
với các phòng, đơn vị chức năng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển
khai thực hiện kiểm kê tại địa phương theo nội dung yêu cầu Kế hoạch này.
Trên đây là Kế hoạch kiểm kê và lập hồ sơ khoa học
di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đề nghị các sở, ban,
ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện
nghiêm túc, hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra Trong quá trình thực hiện, nếu có
phát sinh, vướng mắc, kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để được xem xét giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ VHTT&DL (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Các Sở: VHTTDL; TC;
- UBND các huyện, Tx, Tp (t/h);
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh;
- TTCN và Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KgVx (HTN-10b)
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
H’Yim Kđoh
|