ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 184/KH-UBND
|
Cần Thơ, ngày 30
tháng 8 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 30-CT/TW NGÀY 05 THÁNG 02 NĂM 2024 CỦA BAN BÍ THƯ
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN MIỆNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Thực hiện Kế hoạch số 316-KH/TU ngày 17 tháng 7 năm
2024 của Thành ủy Cần Thơ về thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm
2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về công tác tuyên truyền miệng
trong tình hình mới (Chỉ thị số 30-CT/TW), Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế
hoạch triển khai cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Chỉ thị
số 30-CT/TW đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về vị trí, vai trò
của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới;
b) Đổi mới phương thức quản lý, điều hành hoạt động
tuyên truyền của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước gắn với công tác tuyên
truyền miệng trong tình hình mới, góp phần tạo sự thống nhất, lan tỏa nhanh nhằm
góp phần tích cực trong việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn
hóa, chính trị, xã hội và an ninh, quốc phòng (ANQP) trong các cơ quan, đơn vị,
địa phương.
2. Yêu cầu
a) Các Sở, ban ngành, địa phương chủ động triển
khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chủ yếu nêu tại Chỉ thị số
30-CT/TW, trong đó xác định rõ nhiệm vụ của mỗi cá nhân, bộ phận trong từng
lĩnh vực, nhiệm vụ cần tập trung nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng
tại cơ quan, đơn vị, địa phương;
b) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền
miệng phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các cơ quan quản lý
nhà nước thành phố, trong đó phương thức, nội dung tuyên truyền miệng cần liên
tục được đổi mới, sáng tạo, chính xác, kịp thời, hiệu quả.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Triển khai thực hiện tuyên
truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng
a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động
định hướng và phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng
trong tình hình mới đến các cán bộ, công chức viên chức, người lao động để đảm
bảo tính thống nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành lĩnh vực
được giao;
b) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm
bố trí cơ sở vật chất và kinh phí cần thiết đầy đủ, kịp thời cho đội ngũ tuyên
truyền viên hoạt động, chú trọng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để phục vụ
công tác tuyên truyền bảo đảm tính nhanh chóng và tiết kiệm.
2. Đổi mới, sáng tạo nội dung
và phương thức tuyên truyền miệng
a) Liên tục đổi mới, sáng tạo nội dung tuyên truyền
miệng ngắn gọn, dễ hiểu, chính xác, kịp thời; đồng thời, sử dụng các hình thức
thông tin (mạng nội bộ, văn bản điện tử, mạng xã hội...) để cung cấp đầy đủ
thông tin đến toàn cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn
vị, địa phương với các nội dung trong lĩnh vực về bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công
tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; lan tỏa những giá trị đạo đức, nhân
văn, liêm chính trong Đảng và trong xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí,
tiêu cực; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; về xây dựng Cần
Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước
vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch,
logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục
và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao; là đô thị hạt
nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đời sống vật chất và tinh thần của người dân
đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc
phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc...;
b) Áp dụng nhiều phương thức, loại hình tuyên truyền,
trong đó, kết hợp tuyên truyền trực tiếp với trực tuyến; sử dụng hình thức trực
tiếp đối với lĩnh vực, vấn đề phức tạp, nhạy cảm; triển khai phối hợp giữa
tuyên truyền miệng với tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan,
đơn vị, địa phương, tận dụng ưu thế của các nền tảng mạng xã hội (Facebook,
Zalo, Tiktok ...) để thực hiện công tác tuyên truyền miệng đảm bảo đúng các quy
định của pháp luật. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình chung của
ngành, xã hội trước những vấn đề dư luận quan tâm để kịp thời cung cấp thông
tin chính thống, định hướng dư luận theo ngành, lĩnh vực phụ trách để tạo sự
thông suốt, ổn định về tư tưởng, sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành và sự
đồng thuận trong xã hội;
c) Đẩy mạnh ứng dụng, phát huy hiệu quả của công
nghệ thông tin trong hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên với sự kết hợp
phương pháp truyền thông (thuyết trình) với các phương tiện kỹ thuật hiện đại,
trình chiếu bằng hình ảnh để tăng cường tính hấp dẫn, nâng cao tính thuyết phục,
hiệu quả trong công tác tuyên truyền miệng.
3. Phát triển nhân lực báo cáo
viên và tuyên truyền viên
a) Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà
soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên bảo đảm số lượng,
chất lượng; quan tâm bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, trau dồi
kỹ năng, đầu tư nghiên cứu sâu, liên hệ thực tiễn tại cơ quan, địa phương gắn với
từng đối tượng cụ thể;
b) Tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên
truyền viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, cập
nhật kiến thức, nhất là nghiệp vụ tuyên truyền miệng, kỹ năng thuyết trình, kỹ
năng đối thoại, thông tin hai chiều, kỹ năng nắm bắt dư luận xã hội, kỹ năng tiếp
cận, thu thập, xử lý thông tin và kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ... để các
bài báo cáo có nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể, phát
huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên tất cả lĩnh vực
phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội và ANQP trong các cơ quan, đơn vị,
địa phương;
c) Tổ chức các Hội nghị Báo cáo viên, đồng thời, kết
hợp tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên trong thành phố được tham dự và giao
lưu học tập kinh nghiệm tại các cuộc hội nghị ngoài thành phố liên quan đến hoạt
động tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
4. Tổ chức khảo sát, giám sát,
kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác tuyên truyền miệng
a) Thường xuyên tổ chức khảo sát, giám sát, kiểm
tra, đánh giá công tác tuyên truyền miệng; việc thực hiện Quy chế hoạt động của
đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của cơ quan, đơn vị, để kịp thời phát
hiện, nhân rộng những mô hình sáng tạo, hiệu quả; chấn chỉnh những tập thể, cá
nhân chưa hoàn thành nhiệm vụ;
b) Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện hằng năm để
rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng hoạt động sát thực tiễn; kịp thời biểu
dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhằm động
viên, khích lệ đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tích cực thực hiện nhiệm
vụ, nỗ lực cống hiến tài năng, trí tuệ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Là đầu mối phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, địa
phương triển khai thực hiện Kế hoạch này; theo dõi, đôn đốc việc tổng hợp tình
hình triển khai thực hiện và định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố;
b) Chủ động theo dõi, hướng dẫn cung cấp kịp thời
thông tin cho các Văn phòng đại diện báo Trung ương, địa phương khác đóng trên
địa bàn thành phố, Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ
và Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận, huyện tuyên truyền Chỉ thị
số 30-CT/TW, Hướng dẫn số 155-HD/BTGTW đến các tầng lớp Nhân dân nhằm góp phần
tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng,
Nhà nước.
2. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu Ủy ban
nhân dân thành phố về kinh phí thực hiện Kế hoạch này theo quy định.
3. Thủ trưởng Sở, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân quận, huyện
a) Căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ được giao của từng
sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức thực hiện Chỉ thị
số 30-CT/TW đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và góp
phần tạo sự thống nhất, lan tỏa nhanh nhằm góp phần tích cực trong việc hoàn
thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội và ANQP trong
các cơ quan, đơn vị, địa phương;
b) Chủ động biên soạn các nội dung thuộc lĩnh vực
do cơ quan quản lý phục vụ công tác tuyên truyền miệng hoặc đặt hàng các cơ
quan báo chí để tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả; tăng cường
viết tin, bài về các hoạt động chuyên ngành, các hoạt động đổi mới sáng tạo, giới
thiệu các nhân tố điển hình, các tấm gương người tốt, việc tốt của cơ quan, đơn
vị, địa phương; chủ động nắm bắt thông tin, dư luận xã hội, thông tin của báo
chí để phản ánh kịp thời và tham mưu xử lý các vấn đề nóng do cơ quan quản lý;
c) Thường xuyên rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo
viên, tuyên truyền viên nhằm triển khai thực hiện tốt việc tuyên truyền miệng
trong tình hình mới trong toàn ngành, đơn vị, địa phương;
d) Tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên
truyền viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, cập
nhật kiến thức, nhất là nghiệp vụ tuyên truyền miệng trong tình hình mới;
đ) Tổ chức tôn vinh, giới thiệu cá nhân, tập thể điển
hình tiên tiến bằng nhiều hình thức phù hợp, đa dạng, phong phú, gắn với thi
đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao;
e) Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình triển khai thực
hiện Kế hoạch này về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 15 tháng 12.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số
30-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về
công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới của Ủy ban nhân dân thành phố.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan,
đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo
cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND TP;
- CT, các PCTUBND TP;
- Sở, Ban ngành thành phố;
- UBND quận, huyện;
- VP UBND TP (2,3BCG,4,7);
- Cổng TTĐT TP;
- Báo Cần Thơ; Đài PTTH CT;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Tấn Hiển
|