Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 1619/KH-UBND 2018 phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng Lâm Đồng

Số hiệu: 1619/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Phan Văn Đa
Ngày ban hành: 23/03/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1619/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 23 tháng 3 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TẠI CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Triển khai Quyết định 216/QĐ-BYT ngày 20/01/2017 của Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch phòng chống tai nạn, thương tích tại cộng đồng giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực, tăng cường triển khai các nhiệm vụ của ngành y tế trong công tác phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng góp phần giảm tỷ lệ mắc, tử vong và tàn tật do tai nạn thương tích (TNTT) đặc biệt là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước, bạo lực và các tai nạn khác.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Mục tiêu 1: Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống TNTT tỉnh; 100% các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống TNTT tại cộng đồng và tổ chức các hoạt động tại địa phương.

b) Mục tiêu 2: 100% các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, giáo dục và đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng của cán bộ y tế và cộng đồng trong phòng chống TNTT.

c) Mục tiêu 3: Trên 90% huyện, thành phố tổ chức giám sát, báo cáo đúng hạn, đầy đủ số liệu mắc, tử vong do TNTT tại cộng đồng và các cơ sở y tế.

d) Mục tiêu 4: Củng cố, phát triển mạng lưới và năng lực sơ cứu, cấp cứu TNTT tại cộng đồng và chăm sóc chấn thương tại các cơ sở y tế. 100% nhân viên y tế thôn, bản biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị TNTT.

d) Mục tiêu 5: Phấn đấu đến cuối năm 2020, tăng ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn cộng đồng an toàn (CĐAT) so với giai đoạn năm 2010 - 2015.

II. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện: 03 năm, từ năm 2018 - 2020.

2. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống TNTT tại cộng đồng của tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống TNTT tại cộng đồng tại 12/12 huyện, thành phố thuộc tỉnh.

- Thành lập và phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống TNTT tại cộng đồng; kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo khi có sự thay đổi thành viên.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống TNTT hằng năm, chú trọng đến phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước, tai nạn lao động, bạo lực của các sở, ban, ngành liên quan.

- Định kỳ hàng năm, đánh giá sơ kết, tổng kết việc triển khai kế hoạch phòng chống TNTT tại địa phương.

2. 100% các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của cán bộ y tế và cộng đồng trong phòng chống TNTT.

- Xây dựng các tài liệu truyền thông về phòng chống TNTT phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình cụ thể của từng địa phương.

- Đa dạng hóa các loại hình truyền thông về phòng chống TNTT phù hợp với đối tượng và vùng miền; phát huy hiệu quả của hệ thống loa truyền thanh tại các xã.

- Lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng chống TNTT vào các hoạt động truyền thông các chương trình y tế, các chương trình mục tiêu quốc gia; lồng ghép truyền thông phòng chống TNTT vào phong trào làng văn hóa sức khỏe, phong trào vệ sinh yêu nước, phong trào xây dựng nông thôn mới, ngày sức khỏe thế giới, tháng an toàn vệ sinh thực phẩm, tháng hành động quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ hằng năm.

- Tham gia các chương trình đào tạo liên tục về phòng chống TNTT cho cán bộ y tế và mạng lưới cộng tác viên, tập trung các nội dung: Chăm sóc chấn thương thiết yếu, giám sát và thống kê báo cáo số mắc và tử vong do TNTT, phòng chống TNTT trẻ em, xây dựng cộng đồng an toàn phòng, chống TNTT trẻ em.

3. Trên 90% địa phương tổ chức giám sát, báo cáo đúng hạn, đầy đủ số liệu mắc, tử vong do TNTT tại các cơ sở y tế và cộng đồng.

a) Sao in, cấp phát và hướng dẫn sử dụng phần mềm báo cáo TNTT của Cục Quản lý môi trường y tế cho tuyến huyện để nâng cao chất lượng thống kê giám sát TNTT; tổ chức ghi chép giám sát số mắc và tử vong do TNTT theo quy định.

b) Theo dõi, giám sát về tình hình TNTT:

- Triển khai giám sát điểm về tai nạn giao thông, đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em theo quy định của Bộ Y tế.

- Triển khai ghi nhận và báo cáo các trường hợp tai nạn lao động được khám và điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều Luật an toàn, vệ sinh lao động.

- Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ cho từng loại hình tai nạn thương tích tại cộng đồng và hiệu quả các biện pháp can thiệp.

- Phổ biến kết quả triển khai việc ghi chép, giám sát số mắc và tử vong do TNTT cho cán bộ lãnh đạo, hoạch định chính sách, cán bộ y tế và cộng đồng; tăng cường sử dụng số liệu giám sát TNTT trong việc lập kế hoạch phòng chống, đánh giá các giải pháp phòng chống TNTT.

4. Củng cố mạng lưới và năng lực sơ cứu, cấp cứu TNTT tại cộng đồng và chăm sóc chấn thương tại các cơ sở y tế; 100% nhân viên y tế thôn, bản biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị TNTT.

- Xây dựng và phát triển các trạm sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông trên các quốc lộ trọng điểm theo quy định.

- Xây dựng và củng cố mạng lưới cộng tác viên sơ cứu TNTT tại cộng đồng thông qua mạng lưới nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên; tổ chức vận chuyển cấp cứu với nhiều hình thức khác ngoài xe cứu thương.

- Các cơ sở y tế được trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc chấn thương thiết yếu.

- Phối hợp với các ban, ngành, tổ chức liên quan tại địa phương triển khai tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho từng nhóm đối tượng là người lao động, giáo viên, học sinh...

- Thông tin rộng rãi về hệ thống sơ cứu, cấp cứu TNTT để người dân biết, liên hệ khi có tai nạn thương tích.

5. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tăng ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn cộng đồng an toàn so với giai đoạn 2010 - 2015.

- Rà soát năng lực xây dựng cộng đồng an toàn tại các địa phương, tổ chức đăng ký và xây dựng mô hình an toàn.

- Xây dựng thí điểm, đánh giá, nhân rộng mô hình cộng đồng an toàn, phòng chống TNTT trẻ em.

- Thực hiện can thiệp theo từng nguy cơ tử vong chung do TNTT, nguy cơ tử vong trong các lĩnh vực đặc thù và đối tượng ưu tiên.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng cộng đồng an toàn trong chuẩn quốc gia y tế xã/ phường.

- Phối hợp xây dựng kế hoạch phòng chống TNTT lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới để xây dựng cộng đồng an toàn.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện kế hoạch được bố trí từ các nguồn:

- Ngân sách của ngành y tế hàng năm theo phân cấp hiện hành.

- Ngân sách của các địa phương.

- Huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống TNTT tại cộng đồng tuyến tỉnh; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống TNTT tại cộng đồng theo quy định.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống TNTT, nhân rộng mô hình cộng đồng an toàn hằng năm; lập dự toán ngân sách thực hiện kế hoạch hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

- Củng cố và tăng cường nguồn lực cho hệ thống giám sát tai nạn thương tích, nâng cao chất lượng ghi chép và báo cáo TNTT; triển khai công tác tuyên truyền, hoạt động đào tạo về phòng chống TNTT, xây dựng CĐAT, lồng ghép trong phong trào xây dựng Làng văn hóa sức khỏe và các chương trình y tế tại địa phương.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức giám sát nguy cơ gây TNTT trong môi trường lao động; nâng cao năng lực sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động tại nơi làm việc; tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ trong cơ quan, doanh nghiệp, xí nghiệp, trường học; phối hợp với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác điều tra, báo cáo tai nạn lao động tại địa phương; thực hiện báo cáo tai nạn lao động được khám và điều trị tại các cơ sở y tế theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

- Tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc chấn thương thiết yếu cho đội ngũ cấp cứu tại các trạm y tế.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động phòng chống TNTT, xây dựng cộng đồng an toàn trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích tại địa phương trong dự toán ngân sách hàng năm; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định.

3. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu việc xây dựng các chốt sơ cứu, cấp cứu trên các tuyến đường giao thông hay xảy ra tai nạn; nghiên cứu việc đưa nội dung sơ cứu, cấp cứu TNTT vào giảng dạy cho các đối tượng học và thi cấp giấy phép lái xe.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn sơ cứu, cấp cứu TNTT xảy ra tại nơi làm việc cho người lao động; tổ chức giám sát nguy cơ gây TNTT trong môi trường lao động; điều tra, báo cáo tai nạn lao động tại địa phương theo quy định; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 2698/KH-UBND ngày 20/5/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn sơ cứu, cấp cứu cho cán bộ làm công tác y tế trường học trên địa bàn tỉnh; triển khai các hoạt động can thiệp, cải tạo môi trường học tập, vui chơi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây TNTT trong trường học; chỉ đạo công tác kiểm tra, đánh giá công nhận các trường học đạt tiêu chí “Trường học an toàn”.

6. Công an tỉnh tổ chức tập huấn cho cảnh sát giao thông về sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phòng cháy, chữa cháy, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, pháo, đồ chơi nguy hiểm và các vi phạm khác về trật tự, an toàn xã hội; thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ các trường hợp TNTT liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ, tai nạn thương tích do cháy, nổ và do các hành vi tội phạm xâm hại trẻ em.

7. Hội Chữ thập đỏ tỉnh củng cố và nâng cao chất lượng các điểm sơ cứu, cấp cứu dựa vào cộng đồng; thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho người dân trong cộng đồng khi có tai nạn thương tích xảy ra.

8. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tuyên truyền cho phụ nữ về phòng, chống bạo lực gia đình; hướng dẫn chăm sóc, giám sát trẻ em trong môi trường an toàn và các biện pháp sơ cứu, cấp cứu tai nạn thương tích trẻ em.

9. Tỉnh Đoàn tổ chức tuyên truyền phòng, chống bạo lực trong cộng đồng cho đối tượng đoàn viên, thanh niên; vận động đoàn viên thanh niên tham gia giao thông an toàn, phòng chống tác hại rượu bia; tập huấn sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông cho đoàn viên, thanh niên tình nguyện.

10. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng:

- Xây dựng chương trình, phổ biến các thông điệp truyền thông, tài liệu truyền thông theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống TNTT đến người dân; bố trí thời lượng thông tin, truyền thông về các hoạt động phòng, chống TNTT trẻ em lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tổ chức tập huấn cho các cán bộ truyền thông về năng lực truyền thông, giáo dục sức khỏe.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm:

- Thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống TNTT tại địa phương.

- Xây dựng kế hoạch phòng chống TNTT giai đoạn 2018 - 2020 và kế hoạch hằng năm của địa phương; tổ chức tổng kết việc thực hiện kế hoạch vào cuối năm 2020 và xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

- Quan tâm, chỉ đạo các phòng, ban liên quan, các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương, phối hợp với ngành Y tế thực hiện nhiệm vụ phòng chống TNTT.

- Xem xét bố trí nguồn kinh phí hằng năm cho việc thực hiện các hoạt động phòng chống TNTT tại địa phương.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên giám sát, tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, xã hội; vận động đoàn viên, hội viên và người dân tích cực tham gia xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích tại địa phương./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như mục V;
- Lưu: VT, VX3.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Văn Đa

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 1619/KH-UBND ngày 23/03/2018 về phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.119

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.8.177
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!