ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 160/KH-UBND
|
Cần Thơ, ngày 25
tháng 7 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN QUY CHẾ SỐ 05/QC-BCA-BLĐTBXH-BTTTT NGÀY 15
THÁNG 8 NĂM 2022 CỦA BỘ CÔNG AN, BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI, BỘ THÔNG
TIN VÀ TRUYỀN THÔNG PHỐI HỢP TRONG TIẾP NHẬN THÔNG TIN, ĐIỀU TRA, XỬ LÝ ĐỐI VỚI
CÁC HÀNH VI XÂM HẠI TRẺ EM VÀ THEO DÕI DỮ LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN XÂM HẠI TÌNH DỤC
TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG
Căn cứ Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm
2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em
tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” (viết
tắt là Quyết định số 830/QĐ-TTg) và Quy chế số 05/QC-BCA-BLĐTBXH-BTTTT ngày 15
tháng 8 năm 2022 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông
tin và Truyền thông phối hợp trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với
các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục
trẻ em trên môi trường mạng (viết tắt là Quy chế phối hợp số 05), Ủy ban nhân
dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Thống nhất trong công tác lãnh đạo, tổ chức
cụ thể hóa các nhiệm vụ được nêu tại Quy chế phối hợp số 05; phân công nhiệm vụ
trong công tác phối hợp liên ngành giữa Công an thành phố, Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông (viết tắt là 03 cơ quan) trong việc
tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em trên
môi trường mạng và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên
môi trường mạng.
2. Phát huy vai trò, trách nhiệm của 03 cơ
quan; các cơ quan, đơn vị tuân thủ nguyên tắc, nội dung, hình thức phối hợp
trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 05.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
Trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với
các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và theo dõi dữ liệu liên quan đến
xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, 03 cơ quan đảm bảo tuân thủ
nguyên tắc, hình thức, nội dung phối hợp cụ thể như sau:
1. Nguyên tắc phối hợp
a) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và các quy định của
Đảng, Nhà nước; đảm bảo nguyên tắc phối hợp ngang cấp, phù hợp với chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
b) Các cơ quan trong công tác phối hợp đảm bảo tính
chủ động, tích cực, thường xuyên, kịp thời, trách nhiệm, thống nhất và hiệu quả
khi xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác tiếp nhận thông tin, điều
tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và theo dõi
dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng;
c) Chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí
mật nhà nước; bảo mật thông tin về lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ
theo quy định;
d) Việc trao đổi thông tin về đời sống riêng tư, bí
mật cá nhân và bí mật gia đình liên quan đến trẻ em phải đảm bảo theo đúng quy
định của Luật Trẻ em, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em và các quy định
pháp luật có liên quan;
đ) Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có nội
dung phát sinh vượt thẩm quyền, Công an thành phố, Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông trao đổi, thống nhất báo cáo Ủy ban nhân
dân thành phố và các Bộ chủ quản quyết định.
2. Hình thức phối hợp
a) Ban hành các văn bản phối hợp để triển khai thực
hiện nhiệm vụ;
b) Trao đổi trực tiếp, bằng văn bản, điện thoại hoặc
phương tiện thông tin khác;
c) Tổ chức hội nghị, hội thảo, đoàn thanh tra, kiểm
tra;
d) Các hình thức phối hợp khác theo quy định của
pháp luật;
đ) Trao đổi bằng tin nhắn, thư điện tử qua đầu mối
giao nhiệm vụ.
3. Nội dung phối hợp
a) Trao đổi thông tin, tài liệu, kết quả triển khai
một số nhiệm vụ thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg ;
b) Phối hợp tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý
các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng;
c) Theo dõi, trao đổi, cung cấp thông tin dữ liệu
liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng;
d) Triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về
phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng;
đ) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp
hành các quy định của pháp luật về nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Công an thành phố
a) Trao đổi, cung cấp cho Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông các thông tin, tài liệu như sau:
- Tình hình, kết quả triển khai một số nhiệm vụ được
phân công thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg của Công an thành phố;
- Thông tin các đầu mối, cơ quan, đơn vị chuyên
trách của Công an thành phố được giao thực hiện một số nhiệm vụ theo Quyết định
số 830/QĐ-TTg ;
- Kết quả phối hợp, tiếp nhận, điều tra và xử lý
các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng;
- Thông tin liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em
trên môi trường mạng do Công an thành phố quản lý khi Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị theo đúng quy định của pháp luật
Việt Nam và quy định của tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Các thông tin khác trong phạm vi triển khai một số
nhiệm vụ thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg khi Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị.
b) Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các mặt công tác phòng ngừa, rà
soát, phát hiện, đánh giá, ngăn chặn, điều tra, xử lý các vụ việc, đối tượng có
hành vi sử dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em. Chỉ đạo Công an các đơn vị,
địa phương trực thuộc phối hợp tiếp nhận, điều tra, xử lý các phản ánh về các
hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng do Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị theo đúng quy định;
c) Phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các phòng, đơn vị
chuyên trách trực thuộc của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin
và Truyền thông thực hiện các quy định theo trình tự, thủ tục tiếp nhận tin
báo, tố giác tội phạm và quy trình cung cấp dữ liệu liên quan đến xâm hại tình
dục trẻ em trên môi trường mạng trên cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý theo
đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của tổ chức quốc tế mà Việt
Nam là thành viên;
d) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông khai
thác cơ sở dữ liệu CSAM của Việt Nam (tiếng Anh là Child Sexual Abuse Material
- gọi tắt CSAM), bao gồm thông tin, dữ liệu đặc tả về hình ảnh, video và những
thông tin dữ liệu có liên quan đến xâm hại trẻ em tại thành phố Cần Thơ sau khi
được Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai;
đ) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở
Thông tin và Truyền thông thực hiện các hoạt động truyền thông trong triển khai
một số nhiệm vụ thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg ; phối hợp định hướng các cơ
quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở xây dựng nội
dung, triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về bảo vệ, hỗ trợ trẻ
em, phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng qua các phương tiện thông
tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở;
e) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở
Thông tin và Truyền thông rà soát, phát hiện, đánh giá và yêu cầu các doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, dịch vụ ứng dụng viễn thông tại
Việt Nam gỡ bỏ, ngăn chặn, xử lý các thông tin vi phạm pháp luật có nội dung độc
hại, ảnh hưởng không tốt đối với trẻ em theo thẩm quyền được giao.
2. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
a) Trao đổi, cung cấp cho Công an thành phố, Sở
Thông tin và Truyền thông các thông tin, tài liệu như sau:
- Tình hình, kết quả thực hiện một số nhiệm vụ theo
Quyết định số 830/QĐ-TTg của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thông tin các đầu mối, cơ quan, đơn vị chuyên
trách của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao thực hiện một số nhiệm
vụ theo Quyết định số 830/QĐ-TTg ;
- Thông tin về hoạt động của các tổ chức, hiệp hội
có liên quan đến bảo vệ trẻ em trong phạm vi quản lý và theo dõi của Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội.
b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện
các quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý tin báo ban đầu về các vụ việc
có dấu hiệu tội phạm hoặc vi phạm pháp luật về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng
trước khi chuyển đến Cơ quan Công an để xác minh, điều tra, xử lý; phối hợp chặt
chẽ với Cơ quan Công an trong quá trình đánh giá, điều tra, xử lý các vụ việc
xâm hại trẻ em trên môi trường mạng;
c) Phối hợp với Công an thành phố, Sở Thông tin và
Truyền thông thực hiện các hoạt động tuyên truyền trong triển khai một số nhiệm
vụ thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg ; phối hợp định hướng các cơ quan báo chí,
phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở xây dựng các nội dung, triển
khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về bảo vệ trẻ em, hỗ trợ trẻ em,
phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng qua các phương tiện thông tin đại
chúng và hệ thống thông tin cơ sở; rà soát, phát hiện, đánh giá và yêu cầu các
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, dịch vụ ứng dụng viễn thông
gỡ bỏ, ngăn chặn, xử lý các thông tin vi phạm pháp luật có nội dung độc hại, ảnh
hưởng không tốt đối với trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Trao đổi, cung cấp cho Công an thành phố, Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội các thông tin, tài liệu như sau:
- Tình hình, kết quả triển khai một số nhiệm vụ thực
hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg của Sở Thông tin và Truyền thông;
- Thông tin các đầu mối, cơ quan, đơn vị chuyên
trách của Sở Thông tin và Truyền thông được giao một số nhiệm vụ thực hiện Quyết
định số 830/QĐ-TTg ;
- Thông tin liên quan đến tình hình hoạt động, xu
hướng phát triển của các loại hình, nền tảng dịch vụ, ứng dụng trên môi trường
mạng, nhất là các loại hình, nền tảng dịch vụ, ứng dụng có số lượng người dùng
trẻ em lớn, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phục vụ các yêu cầu về
phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện
các quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý tin báo ban đầu về các vụ việc
có dấu hiệu tội phạm hoặc vi phạm pháp luật về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng
trước khi chuyển đến Cơ quan Công an để xác minh, điều tra, xử lý; phối hợp chặt
chẽ với Cơ quan Công an trong quá trình đánh giá, điều tra, xử lý các vụ việc
xâm hại trẻ em trên môi trường mạng;
c) Chủ trì, phối hợp Công an thành phố, Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan vận hành và tổ chức thu thập dữ
liệu, cơ chế liên ngành theo dõi, chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu CSAM của Việt
Nam tại thành phố Cần Thơ;
d) Chủ trì, phối hợp Công an thành phố, Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội thực hiện các hoạt động truyền thông trong triển khai một
số nhiệm vụ thực hiện theo Quyết định số 830/QĐ-TTg ; chỉ đạo, định hướng các cơ
quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở xây dựng các nội
dung, triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về bảo vệ trẻ em, hỗ trợ
trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng qua các phương tiện
thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở;
đ) Phối hợp Công an thành phố, Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội rà soát, phát hiện, đánh giá và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp
dịch vụ viễn thông, Internet, dịch vụ ứng dụng viễn thông gỡ bỏ, ngăn chặn, xử
lý các thông tin vi phạm pháp luật có nội dung độc hại, ảnh hưởng không tốt đối
với trẻ em.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ kế hoạch này, Công an thành phố, Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông chủ động triển
khai thực hiện nhiệm vụ được phân công; tăng cường phối hợp, trao đổi trong tiếp
nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi
dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, đảm bảo
đúng quy định pháp luật, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao phụ trách.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở
Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm về Công
an thành phố (đơn vị liên hệ: Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử
dụng công nghệ cao) trước ngày 10 tháng 12 hàng năm để tổng hợp.
Giao Công an thành phố chủ trì, đôn đốc, hướng dẫn và báo cáo kết quả thực hiện
kế hoạch về Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Công an theo quy định.
3. Kinh phí phục vụ các hoạt động thực hiện
Kế hoạch do mỗi Cơ quan chủ động bảo đảm theo nguyên tắc cơ quan nào chủ trì xử
lý vụ việc (sơ kết, tổng kết, tổ chức hội nghị, thành lập đoàn kiểm tra...) thì
cơ quan đó bảo đảm kinh phí cho hoạt động thực hiện.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Quy chế số
05/QC-BCA-BLĐTBXH-BTTTT ngày 15 tháng 8 năm 2022 của Bộ Công an, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp trong tiếp nhận
thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu
liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng của Ủy ban nhân dân
thành phố Cần Thơ. Yêu cầu Công an thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân
dân quận, huyện và cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ
quan, đơn vị phản ánh về Công an thành phố tổng hợp, có ý kiến trình Ủy ban
nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TT TU, TT HĐND TP;
- Sở, ban, ngành thành phố;
- UBND quận, huyện;
- VP UBND TP (2AE, 3BC);
- Cổng TTĐT thành phố;
- Lưu: VT, LHH
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Việt Trường
|