Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 1385/KH-UBND 2020 phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em tỉnh Quảng Bình 2020 2025

Số hiệu: 1385/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình Người ký: Trần Tiến Dũng
Ngày ban hành: 07/08/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1385/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 07 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

Căn cứ Quyết định 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025;

Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em;

Căn cứ Quyết định số 406/QĐ-LĐTBXH ngày 10/4/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025;

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, với các nội dung sau:

I. THỰC TRẠNG TRẺ EM BỊ BẠO LỰC, XÂM HẠI

Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng trẻ em đang phải sống trong môi trường thiếu an toàn và lành mạnh. Các em vẫn phải đối diện với nhiều nguy cơ, hiểm họa về bạo lực, xâm hại. Từ năm 2015 đến năm 2019, toàn tỉnh có 65 trẻ em bị xâm hại, trong đó: bạo lực: 27 em; xâm hại tình dục: 32 em; bỏ rơi, bỏ mặc trẻ 3 em; các hình thức gây tổn hại khác, như: bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn và các hành vi xâm hại khác 3 em. Số vụ và số trẻ em bị bạo lực, xâm hại có xu hướng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do: công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn có mặt hạn chế; nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng mực, chưa đầy đủ; nhiều em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội; cha mẹ chưa hướng dẫn cụ thể những kiến thức cơ bản để các em chủ động phòng tránh bạo lực, xâm hại hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội. Một số gia đình chưa thực sự quan tâm, giám sát trẻ em do nhiều lý do khác nhau, như: nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân hay mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... là những nguyên nhân dẫn đến trẻ em bỏ học, kiếm sống, bị bạo lực, bị xâm hại; môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị bạo lực, xâm hại, như: xuất hiện những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm...

Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình và trẻ em dễ dàng tiếp cận với những tiến bộ của thế giới thì mặt trái là những trang mạng, thông tin không lành mạnh chưa được kiểm soát làm cho các hành vi bạo lực, hành hạ, ngược đãi, xâm hại tình dục trẻ em, mua dâm người chưa thành niên có nguy cơ gia tăng. Công tác quản lý người bị bệnh tâm thần, người sử dụng chất kích thích (ngáo đá) chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn đối với trẻ em.

II. MỤC TIÊU

1. Phấn đấu 100% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp được củng cố và phát triển ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

2. Phấn đấu 100% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi.

3. Phấn đấu 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi phát hiện trẻ em bị bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục.

4. 100% cơ sở y tế cấp huyện, cấp xã được tăng cường năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

5. 100% cán bộ công an làm công tác điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được nâng cao năng lực thực hiện hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1. Truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cha mẹ và trẻ em

a) Tuyên truyền, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi trong việc bảo vệ trẻ em. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình tư vấn, giáo dục về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.

b) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và vận động xã hội về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Tăng cường đối thoại về bạo lực, xâm hại với trẻ em thông qua các diễn đàn, các cuộc thảo luận tại cộng đồng.

c) Xây dựng và phổ biến các chương trình, sản phẩm, tài liệu tuyên truyền về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng.

d) Tổ chức Hội nghị, nói chuyện chuyên đề, tập huấn, truyền thông về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em góp phần làm thay đổi nhận thức, quan điểm, hành vi ứng xử với trẻ em.

đ) Quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền sâu rộng về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), Tổng đài hỗ trợ dịch vụ Công tác xã hội của tỉnh 18009293 để mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân biết, thực hiện trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đến cơ quan có thẩm quyền.

2. Phòng ngừa bạo lực học đường; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong các cơ sở giáo dục

a) Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về nhận diện, phát hiện, thông báo, tố giác; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng ngừa đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.

b) Nghiên cứu, tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào kế hoạch giáo dục của nhà trường; thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với trẻ em.

c) Nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

d) Hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong các cơ sở giáo dục. Thiết lập, vận hành hiệu quả các kênh thông tin về bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; tăng cường phối hợp trong giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.

3. Cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

a) Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cán bộ của các cơ sở trợ giúp xã hội, cán bộ của các cơ sở giáo dục, cộng tác viên, tình nguyện viên về công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là năng lực ứng phó, kết nối khẩn cấp, quy trình hỗ trợ trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

b) Nâng cao năng lực hoạt động của Tổng đài hỗ trợ dịch vụ Công tác xã hội của tỉnh 18009293.

c) Chia sẻ, học tập kinh nghiệm về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em ở các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em.

4. Tiếp nhận khám, chữa bệnh, phòng ngừa và hỗ trợ, can thiệp của ngành y tế đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục

a) Lồng ghép hoạt động phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vào hoạt động khám, chữa bệnh cho trẻ em và hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong bệnh viện.

b) Hướng dẫn quy trình tiếp nhận khám, chữa bệnh và tăng cường năng lực của nhân viên y tế, đặc biệt là ở thôn, bản về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

c) Cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, chất lượng cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

5. Tăng cường công tác điều tra thân thiện đối với trẻ em

a) Thực hiện tốt các quy định và tiêu chuẩn về hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em.

b) Thí điểm kết nối các biện pháp điều tra thân thiện với cung cấp dịch vụ y tế, hỗ trợ tâm lý, phúc lợi xã hội, dịch vụ bảo vệ trẻ em cho trẻ em là người bị hại, người làm chứng của bạo lực, xâm hại.

c) Nâng cao năng lực cán bộ công an làm công tác điều tra.

d) Thành lập Tổ điều tra thân thiện với trẻ em ở cấp tỉnh, huyện.

6. Thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, có sự tham gia của nhân viên bưu điện, bưu tá xã và các đoàn viên, hội viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức xã hội

a) Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, nhân viên bưu điện, bưu tá xã và các tổ chức tham gia vào mạng lưới bảo vệ trẻ em, xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

b) Xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương về công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; đẩy mạnh công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em là nạn nhân bạo lực, xâm hại.

2. Quan tâm đầu tư nguồn lực thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

3. Thực hiện tốt pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực xâm hại trẻ em; cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

4. Phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp; chú trọng cung cấp dịch vụ tại cơ sở giáo dục và cơ sở y tế.

Lồng ghép chương trình bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em với các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế, việc làm, thu nhập cho các gia đình nghèo có trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt với các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; lồng ghép các hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em với các hoạt động thuộc chương trình y tế, giáo dục và phòng chống tội phạm.

5. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), Tổng đài hỗ trợ dịch vụ Công tác xã hội của tỉnh 18009293; duy trì và thực hiện hiệu quả cơ chế thông tin, báo cáo ở tất cả các cấp về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành; xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí thực hiện được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các ngành, địa phương theo quy định hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước.

- Hàng năm căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị xây dựng dự toán, tổng hợp chung dự toán của cơ quan, đơn vị mình gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện.

- Lồng ghép từ nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, đề án có liên quan; các nguồn vốn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn huy động hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành đoàn thể và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020 - 2025.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành thực hiện các nội dung liên quan;

- Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá về tình hình thực hiện Kế hoạch; thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tại các địa phương, đơn vị; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung tại mục 2 phần III Kế hoạch này.

3. Sở Y tế: Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung tại mục 4 phần III Kế hoạch này.

4. Công an tỉnh: Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung tại mục 5 phần III Kế hoạch này.

5. Sở Văn hóa và Thể Thao: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan thực hiện tốt các nội dung tại mục 1 phần III Kế hoạch này.

6. Sở Kế hoạch - Đầu tư: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, lồng ghép các chỉ tiêu và hoạt động của kế hoạch vào báo cáo kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Kế hoạch.

7. Sở Tài chính: Cân đối, bố trí kinh phí có mục tiêu thực hiện Kế hoạch này trong dự toán hàng năm cho các đơn vị, địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng kinh phí theo quy định.

8. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng: Xây dựng chương trình, kế hoạch và dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang hợp lý để tuyên truyền về thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp tham gia thực hiện Kế hoạch.

10. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Căn cứ vào Kế hoạch của UBND tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu của Kế hoạch.

VII. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương và nội dung Kế hoạch này, UBND các huyện, thị xã và thành phố, các sở, ngành có liên quan chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện tại đơn vị, địa phương; định kỳ trước ngày 30/11 hàng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện thông qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, báo cáo thường xuyên với Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình, triển khai thực hiện Kế hoạch.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, đề nghị báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động TBXH, Cục TE (b/c);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị nêu tại Mục V;
- LĐ Văn phòng UBND;
- Lưu VT, KGVX.

KT .CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 1385/KH-UBND ngày 07/08/2020 về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020-2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


894

DMCA.com Protection Status
IP: 18.227.161.226
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!