ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 123/KH-UBND
|
Vĩnh Phúc, ngày
14 tháng 5 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
KHAI THÁC, PHÁT HUY HIỆU QUẢ THIẾT CHẾ VĂN HÓA NHÀ HÁT TỈNH
GIAI ĐOẠN 2021- 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Nghị quyết số
12-NQ/TU ngày 12/3/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nâng cao thu
nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Kế hoạch số 40/KH-UBND
ngày 24/02/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày
04/6/2020 của Bộ Chính trị, Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ
tướng Chính phủ, Thông tri số 25-TT/TU ngày 24/8/2020, Kế hoạch số 12-KH/TU
ngày 07/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số
33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng
và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất
nước;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế
hoạch khai thác, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa Nhà hát tỉnh, giai đoạn
2021-2025, định hướng đến năm 2030 như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xác định rõ nhiệm vụ và các
giải pháp để khai thác, phát huy có hiệu quả công năng sử dụng, ý nghĩa văn
hóa, xã hội của thiết chế văn hóa Nhà hát tỉnh.
- Xây dựng Nhà hát tỉnh trở
thành trung tâm tổ chức sự kiện chính trị của tỉnh, nơi tuyên truyền, phổ biến
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; một không
gian văn hóa, nghệ thuật, điểm đến của khách du lịch; giới thiệu, quảng bá hình
ảnh đất và người Vĩnh Phúc, gắn với phát triển du lịch của tỉnh; góp phần giáo
dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu
thưởng thức văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí của nhân dân.
2. Yêu cầu
- Kế hoạch phải bám sát và gắn
liền với việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp trên và của tỉnh
liên quan đến hoạt động phát triển văn hoá, nghệ thuật, nâng cao đời sống vật
chất và tinh thần của nhân dân.
- Xác định rõ nội dung các nhiệm
vụ thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị Nhà hát Nghệ thuật tỉnh
và phù hợp với công năng của công trình Nhà hát tỉnh, để tổ chức thực hiện hiệu
quả các nhiệm vụ yêu cầu đề ra.
- Ngoài việc sử dụng Nhà hát tỉnh
phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật
của Nhân dân, Nhà hát có thể được sử dụng cho các cá nhân, tổ chức thuê để tổ
chức các hoạt động văn hóa khác. Việc cho thuê Nhà hát tỉnh phải đảm bảo đúng
các quy định của pháp luật hiện hành.
II. NỘI
DUNG, GIẢI PHÁP
1. Tổ chức
các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân
Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ
thuật phục vụ nhân dân (miễn phí), từng bước tạo ra một không gian, địa điểm hoạt
động văn hoá nghệ thuật quen thuộc, khẳng định công năng, giá trị cốt lõi của
công trình Nhà hát tỉnh.
- Số lượng buổi biểu diễn: 01
buổi/tuần; 52 buổi biểu diễn/năm; Thời lượng: Từ 60 phút đến 90 phút/buổi biểu
diễn.
- Thời gian biểu diễn: Các ngày
thứ Bảy, chủ Nhật hoặc ngày Lễ.
- Địa điểm: Khán phòng T1 hoặc
trước cửa Nhà hát tỉnh.
- Đơn vị thực hiện: Nhà hát nghệ
thuật Vĩnh Phúc.
- Nội dung biểu diễn: Công diễn,
biểu diễn các chương trình ca múa nhạc, vở diễn sân khấu, tiểu phẩm, trích đoạn
đặc sắc, nội dung truyền thống và hiện đại, đặc biệt là xoay quanh các vấn đề của
đời sống xã hội. Kết hợp tổ chức giao lưu, tương tác nghệ thuật giữa nghệ sỹ với
Nhân dân.
- Giải pháp thực hiện:
+ Đầu tư dàn dựng mới các
chương trình nghệ thuật; vở diễn, trích đoạn, tiểu phẩm sân khấu đảm bảo chất
lượng; Liên kết, phối hợp với các tổ chức, cá nhân dàn dựng, thực hiện các
chương trình biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc phục vụ nhân dân; giao lưu, hợp
tác với các đoàn nghệ thuật trong nước, quốc tế nâng cao năng lực, kinh nghiệm
biểu diễn nghệ thuật.
+ Xây dựng các chương trình, tiết
mục, vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật kịch, kịch hát dân tộc, ca múa nhạc
tổng hợp…, đảm bảo tính truyền thống và hiện đại; dàn dựng mới từ 03 đến 05
chương trình nghệ thuật tổng hợp, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu nghệ thuật của
nhân dân để biểu diễn tại Nhà hát tỉnh.
+ Khai thác, sử dụng hiệu quả
các nguồn lực sẵn có như: Cơ sở vật chất đã được đầu tư trang bị tại công trình
Nhà hát và nguồn nhân lực là đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên của tỉnh.
+ Tổ chức đa dạng các chương
trình văn hóa nghệ thuật, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các chương
trình biểu diễn nghệ thuật, có trọng tâm, trọng điểm, thu hút đông đảo nhân
dân, đến xem và tham gia chương trình.
+ Gắn chức năng, nhiệm vụ
chuyên môn trọng tâm của đơn vị Nhà hát Nghệ thuật tỉnh trong việc kết hợp hiệu
quả giữa biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân với việc khai thác, phát huy hiệu
quả của công trình Nhà hát (công trình đang được giao cho đơn vị quản lý, khai
thác, sử dụng).
+ Tổ chức biểu diễn phục vụ
khán giả nhằm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần và thẩm mỹ của người xem, đặc
biệt quan tâm đến đối tượng thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
2. Tổ chức
các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh
- Tổ chức các chương trình được
được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, giao theo chương trình kế hoạch hàng năm hoặc đột xuất
theo yêu cầu.
- Giai đoạn 2021-2025, ưu tiên
lựa chọn địa điểm Nhà hát tỉnh để tổ chức các hoạt động sự kiện sử dụng nguồn
ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác, do các sở, ngành, các đơn vị
trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên thực hiện, có quy mô, tính chất phù hợp với
công năng của Nhà hát tỉnh.
3. Tổ chức
chiếu phim phục vụ nhân dân
- Địa điểm thực hiện: Khu vực đại
sảnh, bên trong Nhà hát tỉnh.
- Nội dung: Tổ chức chiếu phim
phục vụ nhân dân (miễn phí).
- Thời gian mở cửa phục vụ Nhân
dân: Trong suốt thời gian diễn ra hoạt động.
- Giải pháp thực hiện: Tổ chức
chiếu phim tuyên truyền phục vụ nhân dân vào các dịp như: Ngày lễ, ngày kỷ niệm,
sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh… từ 03 đến 06 buổi chiếu phim/năm (gắn
với các ngày kỷ niệm, ngày lễ, sự kiện chính trị…).
4. Đăng cai
địa điểm tổ chức các cuộc thi, liên hoan phim, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp
và không chuyên khu vực, toàn quốc
- Địa điểm thực hiện: Khán
phòng T1
- Nội dung: Đăng cai địa điểm tổ
chức các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và khu vực do Cục
Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, các Hội chuyên ngành tổ chức (Hội nhạc sỹ,
Hội nghệ sỹ múa, Hội nghệ sỹ sân khấu…); các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật
không chuyên do Cục Văn hoá cơ sở, liên hoan nghệ thuật, cuộc thi chuyên nghiệp
do Cục nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh hoặc các hoạt động do các Bộ, ban
ngành và địa phương tổ chức.
- Thời gian, thời lượng: Theo
quy định, quy chế của Ban tổ chức.
- Số lượng: Từ 08-10 cuộc/1
năm, cho tất cả các loại hình và các lĩnh vực.
- Giải pháp: Làm việc, phối với
Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Văn hoá Cơ sở thuộc Bộ Văn hoá, Thể
thao và Du lịch; các tổ chức hội chuyên ngành (Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh, Hội Mỹ
thuật, Hội Nhạc sỹ…. ); các cơ quan truyền thông - giải trí... nhằm giới thiệu
về công năng sử dụng, quy mô, tính chất của công trình Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc để
tổ chức các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhân dân.
5. Tổ chức
các hoạt động văn hóa nghệ thuật có thu phí
Bên cạnh việc tổ chức các hoạt
động phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ Nhân dân. Công trình Nhà hát được sử dụng
vào việc phát triển các hoạt động doanh thu nhằm cải thiện, tăng nguồn thu sự
nghiệp cho đơn vị được giao quản lý, khai thác, sử dụng; góp phần từng bước giảm
chi ngân sách nhà nước. Các hoạt động doanh thu được thực hiện trên cơ sở lấy
thu bù chi, thông qua việc cho thuê địa điểm, liên doanh, liên kết mở các dịch
vụ gắn với văn hóa, giải trí và du lịch (phù hợp với công năng sử dụng của công
trình).
5.1. Tổ
chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật bán vé
- Địa điểm thực hiện: Khán
phòng T1
- Nội dung: Các loại hình nghệ
thuật và có sự kết hợp, liên kết với các đơn vị nghệ thuật trong nước, đơn vị
kinh doanh dịch vụ giải trí, có sự tham gia biểu diễn của ngôi sao nghệ thuật nổi
tiếng, đang được khán giả mến mộ.
- Thời gian: Biểu diễn buổi tối
(lựa chọn ngày phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế).
- Thời lượng biểu diễn: Từ 70 đến
90 phút.
- Số buổi biểu diễn thực hiện
hàng năm: Từ 02 đến 03 buổi biểu diễn/năm.
5.2.Tổ
chức các hoạt động trưng bày, triển lãm phục vụ nhân dân
- Địa điểm thực hiện: Khán
phòng T1 và Khu vực đại sảnh, bên trong Nhà hát tỉnh.
- Nội dung: Tổ chức trưng bày,
triển lãm, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm, loại hình nghệ thuật phục vụ nhân
dân.
- Thời gian mở cửa phục vụ Nhân
dân: Trong suốt thời gian diễn ra các hoạt động.
5.3. Tổ
chức các hoạt động gắn liền giữa biểu diễn, giới thiệu, quảng bá về các giá trị
văn hoá truyền thống với khai thác dịch vụ du lịch
- Địa điểm thực hiện: Khán
phòng T1 hoặc Khu vực đại sảnh tầng 1
- Nội dung: Biểu diễn nghệ thuật
truyền thống tiêu biểu, trích đoạn sân khấu, trong đó có các làn điệu dân ca,
dân vũ, diễn xướng dân gian đặc trưng của Vĩnh Phúc như: Hát trống quân Đức
Bác, hát Soọng cô, hát Chèo, hát văn biểu diễn phục vụ khách du lịch.
- Thời gian: Theo lịch trình, đặt
trước của từng tour
- Thời lượng biểu diễn: Từ 15 đến
20 phút.
5.4.
Khai thác doanh thu thông qua việc cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện
- Địa điểm thực hiện: Khán
phòng T1 và Khu vực đại sảnh tầng 1
- Nội dung: Cho thuê địa điểm để
tổ chức các sự kiện như: Hội nghị, hội thảo, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, tổ
chức gameshow; trưng bày, triển lãm, dạ hội, trình diễn thời trang, tiệc chiêu
đãi...., tính theo buổi sử dụng (1 buổi = 1/2 ngày).
- Thời gian cho thuê: Tùy theo
yêu cầu, tính chất của từng sự kiện và nhu cầu cụ thể của phía đối tác (đơn vị
có nhu cầu thuê). Trên cơ sở không trùng với lịch của các sự kiện chính trị của
tỉnh đã có kế hoạch tổ chức tại Nhà hát.
5.5. Tổ
chức sân khấu Minishow (biểu diễn nhỏ) kết hợp dịch vụ theo cơ chế xã hội hoá
- Địa điểm thực hiện: Khu vực sảnh
phụ - tại cửa phụ tầng 1 (phía trước)
- Nội dung: Tổ chức các hoạt động
dịch vụ gắn với văn hoá - giải trí theo dạng Minishow ca nhạc, biểu diễn nhạc cụ,
nghệ thuật…; mở các lớp đào tạo, hướng dẫn phát triển năng khiếu nghệ thuật đồng
thời kết hợp với dịch vụ Căngtin, dịch vụ đồ uống… (theo mô hình đã được thực
hiện thành công tại các công trình có tính chất tương tự như: Nhà hát Trưng
Vương - Đà Nẵng, Nhà hát Âu Cơ - Hà Nội…).
- Thời gian mở cửa dịch vụ: Mở
cửa hàng ngày.
- Thời gian tổ chức các hoạt động
nghệ thuật: Định kỳ vào buổi tối các ngày Chủ nhật hàng tuần.
- Thời lượng tổ chức các hoạt động
nghệ thuật: Từ 50 đến 60 phút.
5.6.
Giải pháp thực hiện:
- Liên doanh, liên kết với các
đơn vị nghệ thuật trong nước, đơn vị kinh doanh dịch vụ giải trí, ngôi sao nghệ
thuật nổi tiếng, đang được khán giả mến mộ để tổ chức các buổi biểu diễn nghệ
thuật (các loại hình khác nhau), Live Show ca nhạc, chương trình nghệ thuật tổng
hợp…theo hình thức bán vé (có thu phí).
- Chủ động trong việc liên kết,
phối hợp với các tổ chức Hội chuyên ngành như: Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh, Hội Mỹ
thuật, Hội Nhạc sỹ…. tổ chức trưng bày, triển lãm, giới thiệu, quảng bá các tác
phẩm, loại hình nghệ thuật tại khu vực đại sảnh của Nhà hát, mở cửa, phục vụ
nhân dân (miễn phí). Trưng bày, triển lãm từ 01 đến 02 đợt/năm (gắn với các
ngày kỷ niệm, ngày lễ, sự kiện chính trị…).
- Phối hợp với các Câu lạc bộ
dân ca, các nghệ nhân dàn dựng, tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật
truyền thống, hoặc các trích đoạn phục vụ khách du lịch; phối hợp Bảo tàng tỉnh,
trong hành trình các tour du lịch Bảo tàng - Văn Miếu - Nhà hát tỉnh.
- Sử dụng khán phòng T1 và khu
vực đại sảnh tầng 1 cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện như: Hội nghị, hội thảo,
lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức gameshow; trưng bày, triển lãm, dạ hội,
trình diễn thời trang, tiệc chiêu đãi... Trên cơ sở không trùng với các sự kiện
chính trị của tỉnh đã có kế hoạch tổ chức tại Nhà hát tỉnh.
- Liên danh, liên kết, phối hợp
với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lữ hành, tour du lịch… nhằm tổ chức một
số hoạt động dịch vụ gắn với văn hoá, giải trí và du lịch.Trên cơ sở các loại
hình kinh doanh, dịch vụ phải đảm bảo phù hợp với công năng sử dụng, tính chất,
của công trình Nhà hát tỉnh.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh
phê duyệt, đơn giá cho thuê địa điểm Nhà hát tỉnh, theo quy định của Luật quản
lý sử dụng tài sản công.
- Phấn đấu từ giai đoạn 2026 -
2030, các hoạt động xã hội hoá không ngừng được đẩy mạnh thông qua việc khai
thác các dịch vụ từ: cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện, mở các loại hình dịch vụ
như: văn hoá - giải trí, chiếu phim, ẩm thực… nhằm nâng cao hiệu quả khai thác,
góp phần từng bước giảm đầu tư từ nguồn lực nhà nước, giảm chi ngân sách, từng
bước tiến tới xã hội hoá, phù hợp với lộ trình hàng năm và tình hình thực tế.
III. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
- Kinh phí thực hiện việc tổ chức
các hoạt động, phục vụ nhân dân không thu phí theo Kế hoạch được bố trí từ nguồn
ngân sách nhà nước trong dự toán kinh phí hàng năm và các nguồn khác theo quy định
của pháp luật.
- Kinh phí thực hiện các hoạt động
doanh thu do đơn vị được giao quản lý, khai thác, sử dụng công trình tự hạch
toán và triển khai tổ chức thực hiện phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế.
Trên cơ sở lấy thu bù chi (nhà nước xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nhất định).
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch.
- Chủ trì xây dựng “Quy chế hoạt
động của Nhà hát tỉnh” trình UBND tỉnh phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các
ngành liên quan xây dựng Đề án “Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị
nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả thiết chế văn hóa Nhà hát tỉnh”.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ban, ngành liên quan định kỳ kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn, kiểm
tra giám sát việc khai thác và phát huy hiệu quả sử dụng Nhà hát tỉnh theo kế
hoạch đã được phê duyệt.
- Hàng năm đề xuất, báo cáo và
tổng hợp kinh phí đảm bảo thực hiện Kế hoạch gửi Sở Tài chính thẩm định, trình
UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh về tiến độ thực hiện và các vấn đề phát sinh; tổng hợp tình
hình và kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch theo quy định.
- Chỉ đạo đơn vị Nhà hát Nghệ
thuật tỉnh:
+ Trước mắt chủ động bố trí, sử
dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có để triển khai thực hiện kế hoạch này.
- Xây dựng Đề án trình UBND tỉnh
phê duyệt, đơn giá cho thuê địa điểm Nhà hát tỉnh, theo quy định của Luật quản
lý sử dụng tài sản công, theo kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với các
ngành liên quan đề xuất, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp, cơ chế chính sách
như: Tuyển dụng bổ sung nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện công tác quản lý, khai
thác và phát huy hiệu quả, công năng sử dụng của công trình; đề xuất việc triển
khai thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2, hoàn thiện, đưa vào khai thác tổng
thể công trình Nhà hát tỉnh.
2. Sở Tài
chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định bố trí kinh
phí hàng năm trình UBND tỉnh quyết định; hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng,
quyết toán nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện Kế hoạch.
- Hướng dẫn, thẩm định Đề án
đơn giá cho thuê địa điểm Nhà hát tỉnh, theo Luật quản lý và sử dụng tài sản
công, để thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có thu theo kế hoạch này.
- Kiểm tra, giám sát việc sử dụng
kinh phí theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật
có liên quan.
4. Sở Kế
hoạch và đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, tham mưu bố trí danh mục và nguồn vốn đầu tư xây dựng
giai đoạn 2, Nhà hát tỉnh, trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn
2021-2025.
5. Sở Xây
dựng: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề
xuất chủ trương đầu tư xây dựng giai đoạn 2, Nhà hát tỉnh.
7. Các Sở,
ban, ngành và các đoàn thể
Chủ động trong việc phối hợp với
đơn vị được giao quản lý, khai thác, sử dụng công trình Nhà hát. Tạo điều kiện
ưu tiên đặt địa điểm tổ chức các Hội nghị, hội thảo, sự kiện… nhằm phát huy
công năng sử dụng của công trình.
8. Báo Vĩnh
Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh
Đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu
rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa và du lịch
gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, đơn vị được giao quản lý, khai thác, sử dụng công trình Nhà
hát tăng cường các chương trình phát sóng, tổ chức các chuyên đề gameshow truyền
hình về văn hóa, lịch sử vùng đất con người Vĩnh Phúc, giới thiệu, quảng bá về
công trình Nhà hát tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch khai thác,
phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa Nhà hát tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng
đến năm 2030. Yêu cầu các Sở, ban, ngành của tỉnh và đơn vị liên quan tổ chức
thực hiện, báo cáo UBND tỉnh theo quy định (Thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch tổng hợp)./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CPVP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành (T/h);
- Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH tỉnh;
- Cổng giao tiếp và thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, VX3.
(H- b)
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Việt Văn
|