ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 108/KH-UBND
|
Ninh Bình, ngày
29 tháng 6 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 82/NQ-CP NGÀY 18/5/2023 CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐẨY NHANH PHỤC HỒI, TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN DU LỊCH
HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG
Thực hiện Nghị quyết số
82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh
phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững (Nghị quyết số
82/NQ-CP), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du
lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững, trong đó: Đa dạng
hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành
khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy
trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”. Tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế
điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong phát triển
du lịch, bảo đảm đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.
- Tiếp tục tạo thuận lợi thu
hút khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình; tăng cường thu hút đầu tư phát triển
du lịch có trọng tâm, trọng điểm; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng
bá, xúc tiến du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
- Phát triển ngành du lịch với
phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện,
đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn,
văn minh, thân thiện”, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
2. Yêu cầu
- Tổ chức triển khai thực hiện
đồng bộ, hiệu quả các nội dung Nghị quyết số 82/NQ-CP .
- Đề ra các giải pháp, lộ trình
cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế để triển khai thực hiện.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Đẩy mạnh
cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững
- Tiếp tục triển khai thực hiện
Đề án “Cơ cấu lại ngành Du lịch Ninh Bình đáp ứng yêu cầu phát triển thành
ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường
khách du lịch. Tập trung phát triển du lịch nội địa, hướng tới các thị trường
có khả năng chi trả cao (nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa…); thu hút thị trường
khách du lịch quốc tế cao cấp (Tây Âu, Asean, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…)…, nghiên
cứu, nắm bắt xu hướng du lịch mới và đưa ra các biện pháp thực hiện kịp thời,
phù hợp.
- Xây dựng Kế hoạch triển khai
Chương trình hành động du lịch xanh, giai đoạn 2023-2025, bảo vệ môi trường tự
nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh theo định
hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.
- Nghiên cứu cơ chế, chính sách
đột phá để huy động các nguồn lực, cơ cấu lại ngành Du lịch Ninh Bình để thực
hiện có hiệu quả các mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch trở thành ngành kinh
tế mũi nhọn, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Nghị quyết số
08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn và Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Ninh Bình. Thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các tổ hợp
vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, các dịch vụ hỗ trợ du lịch như cơ sở lưu trú,
trung tâm thương mại, dịch vụ bán lẻ… để thúc đẩy chi tiêu của khách du lịch.
- Tập trung liên kết phát triển
sản phẩm, thị trường; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên
vùng. Hình thành mô hình liên kết giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh, thành phố
trong cả nước và giữa các huyện, thành phố trong tỉnh. Phát huy giá trị văn hóa
vật thể và phi vật thể tham gia vào phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa
Việt Nam nói chung, vùng đất Cố đô nói riêng.
2. Đảm bảo
môi trường du lịch thuận lợi, an ninh, an toàn để thu hút khách du lịch
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác
giáo dục nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn, bảo vệ môi
trường du lịch, qua đó nâng cao trách nhiệm của cá nhân, các tổ chức kinh doanh
du lịch trong việc xử lý vệ sinh môi trường, phối hợp phòng chống các tệ nạn xã
hội trong cơ sở kinh doanh du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với
công tác môi trường trong hoạt động kinh doanh du lịch bao gồm địa điểm lưu
trú, phương tiện vận chuyển, khu vui chơi giải trí… Chỉnh trang khuôn viên, cơ
sở vật chất các khu vực tập trung đông khách du lịch.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát
việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, lễ hội, công tác
vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trong các ngày lễ, sự kiện lớn;
đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục
và phong tục tập quán của địa phương; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực,
lợi dụng lễ hội để hoạt động thu lợi bất chính, mê tín dị đoan gây ảnh hưởng đến
hình ảnh du lịch Ninh Bình.
3. Tăng cường
thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm
Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng
hạ tầng khu, điểm du lịch, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch bằng nguồn
ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa: Tập trung đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng,
cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, chất lượng cao. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách
nhà nước đầu tư hoàn chỉnh các dự án cơ sở hạ tầng du lịch; tăng cường thu hút
các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
Thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch
vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm,
vui chơi giải trí, phố đi bộ, chợ đêm; khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm du lịch
nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch; nghiên cứu phát triển các sản
phẩm du lịch; xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch
sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị Di sản
văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để tạo ra sản phẩm
có tính độc đáo, hấp dẫn và đặc trưng, mang dấu ấn riêng.
4. Phát triển
sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch
- Phát triển, làm mới loại
hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh
tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như du lịch
nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp,
nông thôn, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực. Nâng
cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ.
- Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến
du lịch tại các hội chợ, triển lãm du lịch quốc tế ở các thành phố lớn. Đẩy mạnh
ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, hướng dẫn và
giới thiệu du lịch. Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa
bàn tỉnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, kinh doanh và quảng bá
hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ du lịch góp phần thu hút khách du lịch
đến Ninh Bình. Tăng cường hợp tác, liên kết du lịch với các địa phương để thu
hút đầu tư, khách du lịch. Thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương
tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các Đài truyền hình, các tạp chí du lịch,
nền tảng mạng xã hội uy tín trong nước và quốc tế.
- Thường xuyên mời các hãng lữ
hành, phóng viên, cơ quan báo chí có uy tín đến Ninh Bình để nghiên cứu, khảo
sát, xây dựng các chương trình du lịch và quảng bá du lịch. Tạo điều kiện cho
các hãng phim nổi tiếng trong nước và quốc tế về làm phim tại Ninh Bình để góp
phần quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh Ninh Bình.
5. Hỗ trợ
doanh nghiệp kinh doanh du lịch
- Hoàn thiện các cơ chế, chính
sách phù hợp, thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển
du lịch trên địa bàn tỉnh. Kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các
doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Hằng năm, tổ chức gặp gỡ, đối
thoại và giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia
phát triển du lịch. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn…
cho lực lượng lao động tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính trong cấp phép đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch; công bố, thông
tin rộng rãi các kế hoạch, chương trình phát triển du lịch, đồng thời hỗ trợ,
hướng dẫn và cung cấp thông tin tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch,
bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng cùng tham gia phát triển du lịch.
Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi
từ du lịch; có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh du lịch, phát triển du
lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng
môi trường du lịch văn minh, thân thiện.
6. Nâng cao
chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
- Cơ cấu lại nguồn nhân lực
theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Hằng năm xây dựng và tổ chức thực hiện kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển; đặc
biệt, chú trọng đào tạo, thu hút lao động có kỹ năng, trình độ quản lý, đáp ứng
yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tin học, nhận thức
chính trị, ý thức, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp. Định kỳ tổ chức điều
tra, khảo sát, phân loại trình độ nghiệp vụ của lao động ngành du lịch để đưa
ra kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp với năng lực, trình độ, yêu cầu công
việc của từng đối tượng lao động.
- Chú trọng đào tạo, nâng cao
kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm, chuyển đổi số, xúc
tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ cán bộ học
tập, nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch
và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu
khoa học, công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực
du lịch. Tập trung đào tạo kỹ năng theo Bộ Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam
(VTOS) và Tiêu chuẩn nghề Du lịch ASEAN cho lực lượng lao động du lịch trên địa
bàn tỉnh. Chú trọng đào tạo quản lý, quản trị lữ hành, quản lý cơ sở lưu trú và
hướng dẫn viên. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ du lịch
cho người dân địa phương tham gia làm du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh
nghiệp tổ chức đào tạo, đào tạo lại và liên kết với các cơ sở đào tạo du lịch
trong và ngoài nước, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ
quản lý, nhân viên và người lao động trong hoạt động du lịch.
7. Đẩy
nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong
lĩnh vực du lịch
Thực hiện chuyển đổi số trong
ngành Du lịch. Tập trung, ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển
đổi số du lịch để kết nối nhằm hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch
và phục vụ công tác quản lý; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để kết nối
hạ tầng dịch vụ du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ
sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.
III. PHÂN
CÔNG NHIỆM VỤ CỤ THỂ (Có biểu chi tiết kèm theo)
IV. KINH PHÍ
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
Do Ngân sách Nhà nước đảm bảo
theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác
theo quy định của pháp luật.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành; UBND các
huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện, gửi Sở Du
lịch để theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình triển khai thực
hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Du lịch tham
mưu) để kịp thời chỉ đạo, giải quyết.
2. Giao Sở Du lịch chủ trì, phối
hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, tổng hợp, tình hình, kết quả thực hiện
Kế hoạch này; định kỳ trước ngày 30 tháng 6 và ngày 31 tháng 12 hằng năm báo
cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP2,4,5,6,9.
Zh_VP5
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Song Tùng
|