ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 107/KH-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày
17 tháng 5 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ THEO
QUYẾT ĐỊNH SỐ 12/2018/QĐ-TTG VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 28/2023/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số
12/2018/QĐ- TTg ngày 06/3/2018 về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín
và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, số
28/2023/QĐ- TTg ngày 23/11/2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết
định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện hướng
dẫn của Ủy ban Dân tộc tại các Công văn: Số 2460/UBDT-DTTS ngày 29/12/2024 về
việc thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ; số 128/UBDT-DTTS ngày 24/01/2024 về việc hướng dẫn thực hiện
Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ
trình số 513/TTr-BDT ngày 04/5/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện
chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định
12/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa
bàn tỉnh Quảng Ngãi với nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Nhằm xây dựng và phát huy vai trò của người có uy
tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (sau đây gọi tắt là người có uy tín)
trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; khuyến khích, động viên người có uy tín tích cực
tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phát huy sức mạnh đại đoàn
kết toàn dân để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở vùng
đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
2. Yêu cầu
a) Việc thực hiện chính sách đối với người có uy
tín phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng chế độ, đúng đối tượng.
b) Việc phân công, phân cấp thực hiện chính sách và
công tác quản lý, vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh
rõ ràng, tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện.
c) Trường hợp người có uy tín thuộc đối tượng được
hưởng nhiều chính sách hỗ trợ với cùng tính chất thì chỉ được hưởng một chính
sách với mức hỗ trợ cao nhất.
II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được
cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày
06/3/2018 và Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính
phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày
06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy
tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động
quản lý và thực hiện chính sách đối với người có uy tín.
III. NỘI DUNG CÁC CHÍNH SÁCH
1. Cung cấp thông tin, tập huấn,
bồi dưỡng
a) Định kỳ phổ biến, cung cấp thông tin mới về chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm
vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự và kết quả thực hiện
các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện ở địa phương cho người
có uy tín. Khi cần thiết, các địa phương kịp thời tổ chức cung cấp thông tin
cho người có uy tín nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong việc thực
hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương giao.
- Cơ quan thực hiện: UBND các huyện có người có uy
tín.
- Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh
và các đơn vị liên quan.
b) Cấp không thu tiền 02 ấn phẩm: Báo Dân tộc và
Phát triển cuối tháng (01 tờ/người/kỳ) và Báo Quảng Ngãi (01 tờ/người/kỳ)
cho người có uy tín.
- Cơ quan thực hiện: UBND các huyện có người có uy
tín.
- Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị
liên quan.
c) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin
về pháp luật, quốc phòng, an ninh; thông tin kiến thức cơ bản về công tác dân tộc,
chính sách dân tộc; kiến thức, kỹ năng khai thác, sử dụng, xử lý thông tin trên
hệ thống Internet, mạng xã hội và các kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động
quần chúng cho người có uy tín.
- Cơ quan thực hiện: UBND các huyện có người có uy
tín.
- Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh
và các đơn vị liên quan.
2. Hỗ trợ vật chất, động viên
tinh thần
a) Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có uy tín
nhân dịp Tết Nguyên đán.
- Cơ quan thực hiện: UBND các huyện có người có uy
tín.
- Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị
liên quan.
b) Tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ người có uy tín bị ốm
đau đi điều trị bệnh có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
- Cơ quan thực hiện:
+ Ban Dân tộc tỉnh:
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của UBND các huyện, Ban
Dân tộc tỉnh đề xuất Ủy ban Dân tộc thăm hỏi và hỗ trợ người có uy tín bị ốm
đau đi điều trị bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến Trung ương và
tương đương đóng trên địa bàn các thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố
Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk[1]. Trường
hợp Ủy ban Dân tộc không thực hiện thăm hỏi, hỗ trợ thì Ban Dân tộc tỉnh thực
hiện.
Tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ người có uy tín bị ốm
đau đi điều trị bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh và tương
đương.
+ UBND cấp huyện tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ người
có uy tín bị ốm đau đi điều trị bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến
huyện và tương đương, tuyến xã và tương đương.
Trong trường hợp người có uy tín điều trị ở nhiều
tuyến cơ sở khám, chữa bệnh (xã, huyện, tỉnh) trên địa bàn tỉnh thì tổng
số tiền hỗ trợ thăm hỏi người có uy tín không quá 1.500.000 đồng/người/năm cho
tất cả các lần thăm hỏi[2].
c) Thăm hỏi động viên hộ gia đình người có uy tín gặp
khó khăn đột xuất do sự cố, thiên tai, hỏa hoạn được chính quyền cấp xã nơi cư
trú xác nhận (tình huống, sự cố thiên tai, hỏa hoạn theo quy định tại khoản
1, Điều 3 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ Quy định tổ
chức hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn[3]).
- Cơ quan thực hiện: UBND các huyện có người có uy
tín.
- Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị
liên quan.
d) Thăm viếng, động viên khi người có uy tín, thân
nhân trong gia đình qua đời: bố (bố đẻ, bố chồng hoặc bố vợ, bố nuôi), mẹ
(mẹ đẻ, mẹ chồng hoặc mẹ vợ, mẹ nuôi), vợ hoặc chồng, con (con đẻ,
con nuôi) hợp pháp theo quy định hiện hành.
- Cơ quan thực hiện: UBND các huyện có người có uy
tín.
- Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị
liên quan.
3. Biểu dương, khen thưởng, tôn
vinh người có uy tín
a) Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao
động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh, trật tự,
giữ gìn bản sắc văn hóa và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc được biểu
dương, khen thưởng theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản
hướng dẫn hiện hành về thi đua, khen thưởng.
- Cơ quan thực hiện: UBND các cấp.
- Cơ quan phối hợp: Cơ quan Nội vụ các cấp và các
đơn vị liên quan.
b) Biểu dương, tôn vinh người có uy tín.
- Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở
ngành, UBND các huyện liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương,
tôn vinh, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu cấp tỉnh theo định kỳ 05 năm một
lần.
- UBND các huyện có người có uy tín lựa chọn, quyết
định hình thức, thời gian tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, khen thưởng
người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn huyện bảo đảm phù hợp với quy mô, số lượng
người có uy tín và tình hình thực tiễn của địa phương.
4. Tổ chức các đoàn đại biểu
người có uy tín đi làm việc, giao lưu, gặp mặt, tọa đàm, học hỏi kinh nghiệm.
a) Tổ chức các đoàn đại biểu người có uy tín đi làm
việc, giao lưu, gặp mặt, tọa đàm, học hỏi kinh nghiệm trong hoặc ngoài tỉnh.
Cơ quan thực hiện:
- Ban Dân tộc tỉnh tổ chức cho người uy tín tiêu biểu
trên địa bàn tỉnh đi làm việc, giao lưu, gặp mặt, tọa đàm, học hỏi kinh nghiệm
ngoài tỉnh. Việc tổ chức Đoàn đại biểu người uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh
đi làm việc, giao lưu, gặp mặt, tọa đàm, học hỏi kinh nghiệm ngoài tỉnh thực hiện
theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc tại Công văn số 2460/UBDT-DTTS ngày
29/12/2023 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
- UBND các huyện tổ chức cho người uy tín tiêu biểu
trên địa bàn huyện đi làm việc, giao lưu, gặp mặt, tọa đàm, học hỏi kinh nghiệm
trong tỉnh.
b) Đón tiếp các đoàn đại biểu người có uy tín trong
và ngoài tỉnh đến làm việc, giao lưu, gặp mặt, tọa đàm, học hỏi kinh nghiệm.
Cơ quan thực hiện:
- Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan tổ chức đón tiếp, hỗ trợ các đoàn đại biểu người có uy
tín trong và ngoài tỉnh đến làm việc, giao lưu, gặp mặt, tọa đàm, học hỏi kinh
nghiệm tại tỉnh; tặng quà cho các đại biểu người có uy tín của các địa phương
trong tỉnh đến làm việc, giao lưu, gặp mặt, tọa đàm, học hỏi kinh nghiệm tại
Ban Dân tộc tỉnh.
- UBND các huyện phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tạo
điều kiện cho các đoàn đại biểu người có uy tín của các địa phương trong và
ngoài tỉnh đến làm việc, học hỏi kinh nghiệm tại huyện.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Từ nguồn ngân sách tỉnh bố trí cho các cơ quan, đơn
vị và địa phương theo quy định tại Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023
của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số
12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn,
công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào
dân tộc thiểu số và chính sách đặc thù của tỉnh được cấp có thẩm quyền ban
hành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Dân tộc tỉnh chịu trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên
quan thực hiện quản lý, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quyết định số
12/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch
này. Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh kết quả thực hiện
chính sách và kết quả phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc
thiểu số trên địa bàn tỉnh theo quy định.
b) Hằng năm xây dựng dự toán thực hiện chính sách đối
với người có uy tín đối với phần nhiệm vụ do Ban Dân tộc tỉnh thực hiện gửi Sở
Tài chính tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
c) Hằng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ được giao tại Mục III của Kế hoạch này; xây dựng kế hoạch tổ chức
đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu đi làm việc, giao lưu, gặp mặt, tọa
đàm, học hỏi kinh nghiệm ngoài tỉnh báo cáo UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc theo
quy định.
d) Định kỳ 05 năm tham mưu UBND tỉnh xem xét, tổ chức
Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu cấp tỉnh.
đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện
và các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn thực hiện việc biểu dương, khen
thưởng đối với người có uy tín có thành tích tiêu biểu, xuất sắc theo quy định
hiện hành.
2. Công an tỉnh: Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh,
UBND các huyện thực hiện chính sách và phát huy vai trò của người có uy tín
trong đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định.
3. Sở Tài chính: Hằng năm, tổng hợp nhu cầu kinh
phí thực hiện chính sách của các cơ quan, đơn vị có liên quan trình cấp thẩm
quyền xem xét, quyết định giao kinh phí để triển khai thực hiện theo quy định của
Luật Ngân sách và các quy định hiện hành.
4. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Ban Dân
tộc tỉnh, UBND các huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn thực hiện
việc biểu dương, khen thưởng đối với người có uy tín có thành tích tiêu biểu,
xuất sắc theo quy định hiện hành.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
và các tổ chức chính trị - xã hội: Chỉ đạo các cấp theo hệ thống ngành dọc
phối hợp thực hiện và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách theo quy định.
6. Ủy ban nhân dân các huyện có người có uy tín
a) Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã,
thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của người có uy tín
trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
b) Hằng năm, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ được giao tại Mục III của Kế hoạch này trên địa bàn huyện, báo cáo
UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo. Xây dựng dự toán
kinh phí thực hiện chính sách này của huyện gửi Sở Tài chính tổng hợp trình
UBND tỉnh xem xét, quyết định.
c) Thực hiện phân cấp, phân công nhiệm vụ cho các
cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện thực hiện chính sách đối với người có uy tín
phù hợp với điều kiện của địa phương.
d) Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nội vụ và các
cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc biểu dương, khen thưởng đối với người
có uy túi có thành tích tiêu biểu, xuất sắc theo quy định hiện hành.
d) Kịp thời báo cáo Ban Dân tộc tỉnh các trường hợp
người có uy tín bị ốm đau đi điều trị bệnh tại các cơ sở tuyến Trung ương và
tương đương, tuyến tỉnh và tương đương để đề xuất Ủy ban Dân tộc tổ chức thăm hỏi
và hỗ trợ hoặc tổ chức thăm theo quy định tại điểm b khoản 2, Mục III của Kế hoạch
này.
đ) Định kỳ hằng tháng, quý, năm báo cáo UBND tỉnh
(thông qua Ban Dân tộc tỉnh) tình hình và kết quả triển khai thực hiện chính
sách đối với người có uy tín và kết quả phát huy vai trò của người có uy tín
trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện theo quy định.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh
khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh
để giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo UBND tỉnh
(thông qua Ban Dân tộc tỉnh) để xem xét, chỉ đạo theo quy định./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Dân tộc;
- Bộ Tài chính;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- BTT UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Các Sở, ban ngành tỉnh;
- UBND các huyện: Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, Sơn Tây, Trà Bồng, Bình Sơn, Tư
Nghĩa và Nghĩa Hành;
- VPUB: PCVP, KTTH, NC;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KGVXVHTin199.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Phiên
|