ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/KH-UBND
|
Cà Mau, ngày 04 tháng 01 năm 2016
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 01/CT-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ “VỀ
VIỆC TỔ CHỨC PHONG TRÀO TOÀN DÂN THAM GIA BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, LÃNH THỔ AN NINH
BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRONG TÌNH HÌNH MỚI”
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày
09 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn số 7210/HD-BQP ngày
13 tháng 8 năm 2015 của Bộ Quốc phòng “Về việc tổ chức
phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ an ninh biên giới quốc
gia trong tình hình mới”; Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau xây dựng kế hoạch triển
khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của
cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn thể quần chúng nhân dân tham gia
quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
2. Việc tổ chức quán triệt, triển
khai cần phải linh hoạt, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phát huy
tối đa vai trò trách nhiệm của tập thể, hộ gia đình và cá nhân trong tham gia
quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
3. Quá trình thực hiện phải xây dựng
kế hoạch cụ thể, sát với tình hình thực tiễn địa bàn; tổ chức triển khai, đảm bảo
thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền,
an ninh biên giới quốc gia, vùng nội thủy, lãnh hải; quyền chủ quyền, quyền tài
phán trên vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt
Nam như: tuần tra, bảo vệ biên giới vùng biển; dấu hiệu nhận biết các điểm mốc
đường cơ sở; công trình quốc phòng an ninh khu vực biên giới biển.
2. Tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên
vùng biển, đảo của Tổ quốc.
3. Tham gia đấu tranh, phòng chống tội
phạm, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới
biển, đảo của Tổ quốc; vi phạm quy chế khu vực biên giới; xuất, nhập cảnh trái
phép hoặc tạm dừng trái phép trên các vùng biển.
4. Tham gia phòng, chống thiên tai, hỏa
hoạn, dịch bệnh; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ tài nguyên môi trường sinh
thái, bảo vệ lợi ích quốc gia ở khu vực biên giới vùng biển.
5. Các hoạt động giao lưu, đối ngoại
với các nước trong khu vực, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu
nghị, hợp tác cùng phát triển.
III. NGUYÊN TẮC, ĐIỀU KIỆN, ĐỐI
TƯỢNG, CHÍNH SÁCH
1. Nguyên tắc tổ chức, tham
gia phong trào
a) Việc tổ chức cho tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ,
an ninh biên giới quốc gia do BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh giữ vai trò nòng cốt
tham mưu, hướng dẫn tổ chức thực hiện.
b) Việc đăng ký phong trào toàn dân
tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của các
tập thể, hộ gia đình và cá nhân phải trên cơ sở tự nguyện, dân chủ, công khai,
phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Đồng thời, bảo đảm quyền, lợi ích hợp
pháp, trách nhiệm của tập thể, hộ gia đình và cá nhân khi tham gia phong trào.
c) Chế độ, chính sách hỗ trợ được thực
hiện trực tiếp đối với tập thể, hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia, huy động
và được Ủy ban nhân dân các huyện ven biển công nhận bằng văn bản, có đóng góp
trong các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới vùng
biển của Tổ quốc. Trường hợp tập thể, hộ gia đình, cá nhân chưa đăng ký nhưng
được huy động tham gia trong những trường hợp cụ thể và được cấp có thẩm quyền
công nhận, có đóng góp trong các hoạt động tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền
lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia thì được hưởng chế độ,
chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành.
d) Hàng năm, Đồn Biên phòng phối hợp
với Ủy ban nhân dân khu vực ven biển xem xét, quyết định công nhận đối với các
đối tượng đăng ký tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới
quốc gia vào dịp “Ngày Biên phòng toàn dân” 03/3 và đề xuất Chủ tịch Ủy ban
nhân dân huyện khen thưởng đối với những tập thể, hộ gia đình, cá nhân có thành
tích tiêu biểu. Đồng thời, kịp thời phê phán, kiểm điểm, xử lý đối với các trường
hợp vi phạm.
đ) Tập thể, hộ gia đình và cá nhân
đăng ký tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia
phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định
công nhận một năm một lần.
2. Điều kiện tham gia
a) Tập thể, hộ gia đình, cá nhân đăng
ký tham gia phải gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định
của địa phương và có nơi sản xuất, làm việc, hoạt động, cư trú, đảm bảo cho việc
thực hiện các nội dung đã đăng ký.
b) Tập thể đăng ký tham gia quản lý,
bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia phải
có tư cách pháp nhân và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; địa điểm, địa
bàn hoạt động phải đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả các nội dung đăng ký
tham gia.
3. Đối tượng tham gia
a) Tập thể là tổ chức cơ sở của các đoàn thể chính trị, xã hội; doanh nghiệp,
khóm, ấp; hợp tác xã; nghiệp đoàn nghề cá, tổ đội sản xuất;
tổ, đội tàu thuyền cùng sinh hoạt hoặc cùng làm việc chung
với nhau được tập hợp có tổ chức ở khu vực biên giới biển do cơ quan nhà nước
có thẩm quyền ra quyết định thành lập.
b) Hộ gia đình là do các thành viên cùng chung sống, có tài sản chung, cùng đóng góp
công sức để hoạt động kinh tế chung, là chủ thể trong các quan hệ sản xuất,
kinh doanh có hộ khẩu tại các huyện ven biển hoặc có hộ khẩu ở huyện, thị xã, thành phố được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định giao đất, giao rừng, giao diện
tích đất sản xuất, nuôi trồng thủy, hải sản ven biển và các đảo.
c) Cá nhân là công dân Việt Nam được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định
huy động tham gia phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an
ninh biên giới quốc gia; bảo vệ tài nguyên, môi trường, lợi ích quốc gia; phòng
chống thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ở khu vực biên
giới biển.
4. Chính sách
a) Hỗ trợ trang thiết bị, thông tin,
tài liệu
- Được chính quyền các cấp nơi cư trú
định kỳ hoặc đột xuất phổ biến, cung cấp thông tin về chính sách pháp luật mới
của Nhà nước; các hiệp định thỏa thuận về biên giới mà nước ta ký kết với các
nước liên quan; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc
phòng - an ninh của địa phương;
- Được cung cấp tài liệu, tập huấn bồi
dưỡng kiến thức liên quan;
- Được ưu tiên xét, cấp phương tiện,
trang bị thông tin liên lạc, định vị vệ tinh, quan sát,
phương tiện an toàn, cứu sinh... khi có các chương trình, dự án đầu tư.
b) Hỗ trợ về điều kiện sản xuất, sinh
hoạt
- Được ưu tiên xét tham gia các dự án
xóa đói, giảm nghèo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm,
khuyến ngư của Nhà nước và địa phương ở khu vực biên giới biển;
- Được ưu tiên tạo điều kiện xét, cho
vay vốn, nhất là những hộ gia đình tái định cư, ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ;
hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn khi đánh bắt xa bờ, để bảo vệ chủ
quyền biển, đảo quốc gia;
Trường hợp tập thể, hộ gia đình, cá
nhân đăng ký (hoặc không đăng ký tham gia) nhưng được người đứng đầu cơ quan,
đơn vị có thẩm quyền ra quyết định huy động nhân lực, phương tiện tàu, thuyền...
tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ,
an ninh biên giới quốc gia nếu bị ốm, bị thương, bị chết, thiệt hại về tài sản,
phương tiện tàu thuyền... thì tùy theo điều kiện cụ thể, được hưởng chế độ
chính sách theo Nghị định số 30/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 của Chính phủ hoặc được
hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với
cách mạng.
c) Khen thưởng, xử lý vi phạm
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành
tích xuất sắc trong tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc
gia, được xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng;
- Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền
đăng ký, xét duyệt; tập thể, hộ gia đình và cá nhân có hành vi gian dối trong
xét duyệt, đăng ký tham gia; thiếu trách nhiệm hoặc không thực hiện, không hoàn
thành các nội dung đã đăng ký, có hành vi làm tổn hại đến
chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vi phạm pháp luật thì tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ chế độ, chính sách
được hưởng, bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
là Cơ quan Thường trực, có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo
dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị số
01/CT-TTg của Chính phủ và nội dung Kế hoạch này. Định kỳ 05 năm một lần tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết cấp tỉnh; hàng năm vào Ngày Biên phòng
toàn dân” 03/3, chỉ đạo tiến hành sơ kết phong trào ở cấp xã. Ngoài ra, tập
trung thực hiện một số nội dung sau:
- Định kỳ hàng năm, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về kết quả thực hiện Chỉ thị số
01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền
trong việc tổ chức triển khai thực hiện và tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh
nghiệm phong trào trên địa bàn; tổng hợp đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong việc
tham gia thực hiện phong trào.
- Nghiên cứu bổ sung Quy chế phối hợp
giữa Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh với các Huyện ủy ven biển trong tổ chức cho
tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an
ninh biên giới quốc gia.
- Chỉ đạo các Đồn Biên phòng ký kết,
bổ sung chương trình phối hợp hoạt động với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
xã, các ngành đoàn thể; tham mưu Ủy ban nhân dân xã, thị trấn biên giới biển
xác định nội dung, yêu cầu, phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn cho từng đối tượng,
sát với tình hình, đặc điểm của địa phương; bổ sung Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy
xã, thị trấn với Đồn Biên phòng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp hoạt
động. Thực hiện công tác khen thưởng theo quy định.
- Định kỳ hàng năm, các Đồn Biên
phòng phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu chính quyền địa phương khu vực
biên giới biển tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng
tham gia về kiến thức pháp luật, quy định, thủ tục, quy trình liên quan đến việc
thực hiện các nội dung quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc
gia, bảo vệ tài nguyên, môi trường...
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động
các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân vùng biên giới biển
nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền
lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đẩy mạnh phong trào
toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc.
- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên
phòng và các đơn vị có liên quan hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp
trong tỉnh về nội dung, phương pháp xây dựng phong trào và các mô hình tham gia
quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc
gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp bộ nòng cốt của
phong trào, tổ chức các hoạt động giao lưu, nhân rộng mô hình tại địa với cơ
quan, đơn vị có liên quan mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán phương.
3. Đề nghị các sở,
ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau trong phạm vi, chức
năng, nhiệm vụ của mình tổ chức kết nghĩa, đỡ đầu các đơn vị Bộ đội Biên phòng. Hàng năm, có chương trình, nội dung công tác hướng về
biên giới.
4. Công an tỉnh chỉ đạo các cơ quan
chuyên môn phối hợp với các đơn vị Bộ đội Biên phòng kết hợp nội dung xây dựng
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với phong trào toàn dân tham gia bảo
vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trong xây dựng “Tổ tự quản
an ninh trật tự” tại các khóm, ấp ở các xã, thị trấn biên giới biển.
5. Ủy ban nhân dân các huyện biên giới biển có trách nhiệm xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa và triển
khai thực hiện Kế hoạch này, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị định số
71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015 của Chính phủ “về quản lý hoạt động của người,
phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam”. Hàng năm, bố trí kinh phí để đảm bảo các hoạt động của
phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên
giới quốc gia.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng
mắc, yêu cầu các đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời đến Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) để tổng hợp,
nghiên cứu giải quyết và hướng dẫn bổ sung./.
Nơi nhận:
- BQP, BTL-BĐBP;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- UBMTTQ VN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- NC (H) 31/12;
- Lưu: VT, Mi01
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lâm Văn Bi
|