TỜ TRÌNH
XIN PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG
VÀ QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG” ĐẾN NĂM 2015
Kính
gửi: Thủ tướng Chính phủ
Tiếp theo Tờ trình số
828/TTr-BNN-TCTL ngày 26/3/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc
xin phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản
lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đến năm 2015; thực hiện ý kiến chỉ đạo của
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại văn bản số 5247/VPCP-KTN ngày
17/7/2012 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức làm việc với
các Bộ Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư về triển khai thực hiện
Đề án giai đoạn 2013 - 2015.
Các Bộ cơ bản đã thống nhất kế hoạch
thực hiện Đề án giai đoạn 2013-2015: Bộ Tài chính có văn
bản số 16916/BTC-HCSN ngày 05/12/2012 về việc kế hoạch thực hiện Đề án; Bộ Kế
hoạch và Đầu tư có văn bản số 9697/BKHĐT-KTDN ngày 21/11/2012. Nội dung kế hoạch
giai đoạn 2013-2015 cơ bản phù hợp với Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và
quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Trên cơ sở ý kiến đánh giá, đóng
góp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiếp thu chỉnh sửa và kính trình Thủ tướng Chính
phủ các nội dung như sau:
I. MỘT SỐ CÔNG VIỆC ĐÃ THỰC HIỆN
1. Thông qua nguồn ngân sách
Trung ương cấp cho Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng một phần hỗ trợ từ nguồn kinh
phí của Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) và Ngân hàng Thế giới
(WB), Bộ tiếp tục thực hiện các lớp tập huấn cho cán bộ cấp
tỉnh (TOT). Đến ngày 28/12/2012, theo phân cấp, Bộ đã tổ chức đào tạo cho 63 tỉnh
với 737 giảng viên cấp tỉnh, trong đó:
a) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: đã
đào tạo tại 13 tỉnh với 215 giảng viên cấp tỉnh;
b) Vùng Đông Nam Bộ: đã đào tạo tại
06 tỉnh với 92 giảng viên cấp tỉnh;
c) Vùng Tây nguyên: đã đào tạo tại 05
tỉnh với 53 giảng viên cấp tỉnh;
d) Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền
trung: đã đào tạo tại 14 tỉnh với 153 giảng viên cấp tỉnh;
đ) Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: đã đào tạo tại 14 tỉnh với 137 giảng
viên cấp tỉnh;
e) Vùng Đồng bằng sông Hồng: đã đào tạo
tại 11 tỉnh với 84 giảng viên cấp tỉnh;
g) Đào tạo cán bộ cho cấp tỉnh và huyện
cho tỉnh Kiên Giang và đã đào tạo tại 15 huyện của tỉnh Kiên Giang với 108 giảng
viên cấp huyện.
2. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và
PTNT đang xây dựng dự thảo các tiêu chí đánh giá, giám sát thực hiện Đề án;
hoàn thành việc xây dựng các tài liệu truyền thông về nâng cao nhận thức cộng đồng
và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng thuộc kế hoạch năm 2012.
3. Một
số vướng mắc khi thực hiện
a) Chưa có sự quán triệt tới các địa
phương, đồng thời các địa phương còn lúng túng khi triển khai xuống cấp huyện.
Trong khi đó, theo phân cấp của Đề án, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ chịu trách
nhiệm thực hiện đến cấp tỉnh.
b) Đến nay, các Bộ liên quan đã thống
nhất về kinh phí cho 39 tỉnh, thành phố (đã xây dựng kế hoạch theo đề nghị của
Bộ Nông nghiệp và PTNT). Vì vậy, một số tỉnh đặc biệt khó khăn như Hậu Giang,
Sóc Trăng, Bắc Kạn, ... chưa được thông qua kinh phí.
c) Thiếu văn bản quy phạm pháp luật
hướng dẫn cơ chế chi phí thực hiện Đề án; chưa có cơ chế
tài chính để sử dụng nguồn kinh phí ở cấp tỉnh.
d) Thiếu cơ chế giám sát đánh giá thực
hiện Đề án.
II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
1. Nội dung thực hiện
Trong giai đoạn 2013-2015, Bộ Nông
nghiệp và PTNT dự kiến triển khai các nội dung của Đề án xuống cấp cộng đồng, tập
trung vào các khu vực cộng đồng thiếu kinh nghiệm phòng chống thiên tai, cơ sở
hạ tầng thấp kém và khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, cụ thể
như sau:
- Khu vực dân cư giữa hai tuyến đê
sông Đáy;
- Khu vực miền núi phía Bắc;
- Khu vực duyên hải Trung Bộ;
- Khu vực miền Tây Nam Bộ;
Để hoàn thiện
khung pháp lý thực hiện Đề án và tiếp tục phát huy hiệu quả công việc đã đạt được,
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị một số
nội dung công việc giai đoạn 2013-2015 (có bổ sung so với đề nghị của Bộ Tài
chính tại văn bản số 16916/BTC-HCSN ngày 05/12/2012), cụ thể như sau:
- Xây dựng các văn bản quy phạm pháp
luật, hướng dẫn phù hợp và thống nhất về quản lý, triển khai thực hiện các hoạt
động quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng ở các cấp và tại cộng đồng;
- Xây dựng hệ thống đào tạo về quản
lý thiên tai dựa vào cộng đồng thống nhất ở các cấp;
- Xây dựng tài liệu đào tạo về các hoạt
động triển khai QLTTDVCD (bao gồm cả bộ tài liệu cho giảng viên và học viên);
- Tổ chức đào tạo về các bước thực hiện
QLTTDVCD cho các đội ngũ giảng dạy QLTTDVCD ở các cấp;
- Thiết lập bản đồ thiên tai và tình
trạng dễ bị tổn thương ở từng cộng đồng (do cộng đồng tự xây dựng dựa trên hướng
dẫn của nhóm thực hiện quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng tại cộng đồng);
- Các hoạt động truyền thông về quản
lý thiên tai dựa vào cộng đồng.
2. Về
kinh phí thực hiện
a) Tính chất nguồn vốn: Giai đoạn 2013-2015 chỉ sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp.
b) Kinh
phí thực hiện giai đoạn 2013 - 2015:
- Tổng kinh phí là 150,8 tỷ đồng (phụ
lục I) trong đó:
Bộ Nông nghiệp và PTNT là 7,3 tỷ đồng
(phụ lục II);
Bộ Giáo dục và Đào tạo là 10 tỷ đồng
(phụ lục III): Kinh phí thực hiện bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục
đào tạo hàng năm;
Ngân sách hỗ trợ địa phương là 133,5
tỷ đồng (phụ lục IV): Căn cứ kế hoạch thực hiện Đề án được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt, các tỉnh, thành phố chủ động bố trí trong dự toán ngân sách địa phương
hàng năm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy
định để thực hiện;
- Đối với việc huy động nguồn vốn
ODA, trong quá trình thực hiện kế hoạch, các cơ quan chức năng có trách nhiệm
chủ động đàm phán và định hướng để các nhà tài trợ tham gia đầu tư đúng mục
tiêu, tránh trùng lắp. Với nhiệm vụ được giao là cơ quan chủ trì thực hiện Đề
án, Bộ Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm chia sẻ thông tin, nhu cầu đến các Nhà tài trợ.
III. KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
Để triển khai kế
hoạch đến năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ:
1. Phê duyệt kế hoạch triển khai Đề
án từ năm 2013 đến năm 2015 với tổng kinh phí là 150,8 tỷ đồng.
2. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
- Thực hiện nhiệm vụ phê duyệt kế hoạch,
dự toán, quyết toán và nội dung thực hiện Đề án hàng năm thuộc phạm vi thực hiện
của Bộ theo nguồn kinh phí do Thủ tướng Chính phủ giao.
- Phối hợp với Bộ
Tài chính xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Đề án; hướng
dẫn các tỉnh, thành phố chưa lập kế hoạch giai đoạn 2013-2015 khẩn trương hoàn
thành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt bổ sung.
- Đôn đốc các tỉnh, thành phố xây dựng
kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện hàng năm; chủ trì thẩm định kỹ thuật.
3. Giao Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch
và Đầu tư:
- Xem xét cân đối, đề xuất bố trí nguồn
vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương để các tỉnh,
thành phố chủ động trực tiếp thực hiện các hoạt động của Đề án.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan rà soát và đề
xuất cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ cho các tổ chức, cá
nhân tham gia thực hiện Đề án, đồng thời đưa ra cơ chế lồng ghép với các nguồn
vốn hỗ trợ khác.
4. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Chủ trì xây dựng nội dung thực hiện
thuộc chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Chủ động phê duyệt kế hoạch, dự
toán, quyết toán và nội dung thực hiện Đề án hàng năm thuộc phạm vi thực hiện của
Bộ.
5. Giao Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch,
dự toán và quyết toán đối với nguồn kinh phí được cấp theo kế hoạch hàng năm.
- Sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương đúng mục đích; bố trí, dành nguồn vốn từ ngân sách địa phương, lồng ghép với các
kế hoạch phát triển, kế hoạch phòng chống lụt bão của địa
phương và kết hợp các nguồn vốn từ
các chương trình, dự án liên quan khác trên địa bàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo và kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê
duyệt./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TC, KH&ĐT, GD&ĐT;
- TCTL (GNTT, VPTC);
- Lưu VT, TCTL.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Văn Thắng
|