ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 11/2014/CT-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 28
tháng 10 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI
THỰC HIỆN LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
Công tác hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang
tính chất xã hội tự quản, đã tồn tại từ lâu đời và trở thành một truyền thống
tốt đẹp của dân tộc ta. Qua hơn 14 năm thực hiện Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10
ngày 25/12/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động hòa giải
ở cơ sở (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh về hòa giải ở cơ sở), hoạt động hòa giải
ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, mạng lưới tổ hòa
giải được thành lập rộng khắp; chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng được
nâng lên, qua đó đã giải quyết kịp thời nhiều vụ, việc vi phạm pháp luật, mâu
thuẫn và tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ gìn tình đoàn kết,
gắn bó trong cộng đồng dân cư, ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã
hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công
tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn
và còn nhiều hạn chế như: Kinh phí dành cho công tác hòa giải, chế độ đãi ngộ,
bồi dưỡng đối với hòa giải viên chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời; một số
địa phương, tổ hòa giải không thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động
còn mang tính hình thức, chiếu lệ dẫn đến hiệu quả thấp; việc lưu trữ, thống kê
vụ việc chưa đi vào nề nếp, gây khó khăn cho công tác quản lý... Những hạn chế
này một phần do cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở một số địa phương chưa thực
sự nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác này đối với đời sống xã hội
nên thiếu sự quan tâm chỉ đạo cũng như đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất; mặt
khác, do cơ chế, chính sách cho công tác hòa giải ở cơ sở, vai trò, trách nhiệm
của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và cơ quan
Tư pháp đối với công tác hòa giải ở cơ sở chưa được quy định đầy đủ, cụ thể trong
Pháp lệnh về hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế đặt ra trong
thực tiễn, ngày 20/6/2013, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
khóa XIII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở (thay thế cho Pháp
lệnh về hòa giải ở cơ sở), đã tạo ra cơ sở pháp lý toàn diện, thống nhất điều
chỉnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Để đưa Luật Hòa giải ở cơ sở và
các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đi vào cuộc sống, qua đó nâng
cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả của công tác này trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh
chỉ thị:
1. Các Sở, ban, ngành ở tỉnh; UBND cấp huyện,
UBND cấp xã
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, chủ động tổ chức
nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Hòa giải ở cơ sở,
Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản
pháp luật có liên quan, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của mỗi cán bộ, đảng
viên, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người dân ở cơ sở về
vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng
nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ mới
phát sinh trong cộng đồng dân cư. Xác định công tác hòa giải là một trong những
nhiệm vụ quan trọng góp phần tích cực vào việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội
trong cộng đồng dân cư.
2. Sở Tư pháp
a) Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chủ trì, phối hợp
với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hướng dẫn, tổ chức thực hiện kịp
thời, có hiệu quả các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng
dẫn thi hành trên địa bàn toàn tỉnh.
b) Kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật
của tỉnh về công tác hòa giải ở cơ sở để tham mưu UBND tỉnh kịp thời sửa đổi,
bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới cho phù hợp, thống nhất với các quy định
của Trung ương.
c) Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quy định mức
chi cụ thể thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh theo Thông tư
liên tịch số 100/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của liên Bộ Tài chính - Tư pháp về
quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách
nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
d) Biên soạn, phát hành tài liệu nghiệp vụ về hòa
giải ở cơ sở, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công
tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp huyện.
e) Hướng dẫn các địa phương lập dự toán kinh phí hỗ
trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở, trên cơ sở đó tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh
báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ theo
quy định.
f) Tham mưu UBND tỉnh chủ trì,
phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức kiểm tra kết quả
thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; tổ chức sơ kết, tổng
kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua,
khen thưởng.
3. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện
các nhiệm vụ về xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở
trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét để đề nghị Trung ương hỗ trợ theo
quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP và nhiệm vụ quy định
tại Điểm c Khoản 2 Chỉ thị này.
4. UBND cấp huyện
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định
pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quản lý. Tăng cường chỉ đạo công tác
hòa giải ở cơ sở; đôn đốc, kiểm tra UBND cấp xã trong việc thực hiện các nhiệm
vụ quy định tại Khoản 5 Chỉ thị này.
b) Tổng hợp, xây dựng dự toán kinh
phí hỗ trợ cho công tác hòa giải tại địa phương trình HĐND cùng cấp xem xét,
quyết định, nhằm bảo đảm cho các hoạt động của công tác này tại địa phương.
c) Chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì,
phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và các cơ quan, đơn vị
liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng,
nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; hướng dẫn lồng ghép thực hiện
pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của
thôn, buôn, tổ dân phố.
d) Phát động phong trào thi đua,
tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với hoạt động hòa giải cơ sở theo quy
định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, bảo đảm hàng năm 100% cấp huyện và
cấp xã có tổng kết công tác hòa giải.
e) Định kỳ sáu tháng, hàng năm và
đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo cho HĐND cung cấp, Sở Tư
pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
5. UBND cấp xã
a) Đẩy mạnh việc tổ chức triển
khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo các quy định mới của Luật Hòa
giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan,
xác định công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng
nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; lấy tiêu
chí hòa giải thành là một trong những chỉ tiêu đánh giá, phân loại thôn, buôn,
tổ dân phố; chính quyền xã, phường, thị trấn hàng năm; bảo đảm cơ bản các vụ
việc mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp phát sinh đều được hòa giải ngay tại cơ
sở, trong đó tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt từ 80% trở lên.
b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung sau:
- Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các
văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở; lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa
giải ở cơ sở trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, buôn, tổ
dân phố; hỗ trợ tài liệu, phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở
cho cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn Ban công tác Mặt trận
phối hợp với trưởng các thôn, buôn, tổ dân phố hàng năm tiến hành rà soát, đánh
giá về tổ chức và hoạt động các tổ hòa giải, từ đó kịp thời kiến nghị biện pháp
kiện toàn tổ hòa giải bảo đảm thực hiện đúng quy định của Điều 12 Luật Hòa giải
ở cơ sở.
- Hàng năm tổ chức kiểm tra sơ
kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về
thi đua, khen thưởng; định kỳ sáu tháng, hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu
thực hiện thống kê báo cáo HĐND cùng cấp, Phòng Tư pháp kết quả hoạt động hòa
giải ở cơ sở.
c) Hàng năm xây dựng dự toán kinh
phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải trình HĐND cùng cấp hoặc cơ quan nhà nước có
thẩm quyền xem xét, quyết định; tổ chức triển khai thực hiện việc hỗ trợ kinh
phí cho hoạt động hòa giải thuộc địa bàn quản lý.
6. Đề
nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận
tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức cấp dưới của mình phối
hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp trong việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo
dục pháp luật về hòa giải; củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt
động hòa giải ở cơ sở; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho thành viên,
hội viên tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở.
7. Khuyến
khích sự tham gia của những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân
cư tham gia làm hòa giải viên hòa giải ở cơ sở.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành
sau 10 ngày kể từ ngày ký, thay thế Chỉ thị số 09/2004/CT-UB ngày 18/5/2004 của
UBND tỉnh Đắk Lắk về tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác hòa giải
ở cơ sở.
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể ở
tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm triển khai
nghiêm túc Chỉ thị này. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kiểm tra
việc thực hiện và định kỳ báo cáo UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ
thị./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp
(Cục Kiểm tra văn bản
QPPL);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh,
UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh;
- UBND cấp huyện;
- Báo Đắk Lắk;
- Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh;
- Website tỉnh, Công báo tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LđVP;
+ Các P: Ch. môn, TTTHCB;
- Lưu: VT, NCm80.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Y Dhăm Ênuôl
|