ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10/CT-UBND
|
Gia Lai, ngày 01
tháng 06 năm 2021
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
Trong thời gian qua, tỉnh Gia
Lai đã tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật
thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh, điển hình như: Lập hồ sơ khoa học đề nghị
xếp hạng di tích, tu bổ, tôn tạo di tích; tổ chức kiểm kê cồng chiêng, kiểm kê
di sản văn hóa phi vật thể; phục dựng một số nghi lễ có nguy cơ mai một; tổ chức
nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản một số tác phẩm ngữ văn dân gian; tổ chức các hội
thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu; lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ
nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú…
Đến nay, toàn tỉnh có 29 di
tích đã được xếp hạng, trong đó có 14 di tích quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh, 43
di tích dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng đến năm 2023; nhiều di tích
được quan tâm tu bổ, tôn tạo; quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo đang được xây
dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 1 hiện vật được công nhận
là bảo vật quốc gia; 3 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể
quốc gia; 23 nghệ nhân được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong
lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
(trong đó có tỉnh Gia Lai) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật
thể đại diện của nhân loại từ năm 2005.
Có được kết quả trên là nhờ sự
nỗ lực của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, thành tựu này chưa
tương xứng với tiềm năng của địa phương. Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá
trị di sản văn hóa; đồng thời, thực hiện có hiệu quả các luật, văn bản dưới luật
có liên quan; phát huy và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh
về lĩnh vực di sản văn hóa, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Uỷ ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan thực hiện những nhiệm vụ sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, quảng bá về di sản văn hóa:
1.1. Tăng cường tuyên truyền Luật
Di sản văn hóa ngày 29/6/2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản
văn hóa ngày 18/6/2009, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, của Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch về di sản văn hóa, Quyết định số 801/QĐ-UBND ngày
16/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định quản lý, bảo vệ di tích lịch
sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa
bàn tỉnh Gia Lai và các quy định của pháp luật khác về công tác quản lý di sản
văn hóa.
1.2. Tăng cường tuyên truyền,
quảng bá sâu rộng về các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là các
di sản đã được xếp hạng, ghi danh; trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân
trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
địa phương.
2. Tăng cường công tác quản
lý Nhà nước về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa:
2.1. Nghiêm túc thực hiện Quyết
định số 312/QĐ-UBND ngày 06/7/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt
Danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích
giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các văn bản khác quy định về
việc quản lý, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa
bàn tỉnh; nghiên cứu, rà soát, đề xuất danh mục di tích dự kiến lập hồ sơ khoa
học trong giai đoạn tiếp theo.
2.2. Tăng cường công tác bảo vệ,
phát huy giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Hằng năm, rà soát, lựa chọn các
hiện vật, nhóm hiện vật có giá trị tiêu biểu, đáp ứng tiêu chí để lập hồ sơ đề
nghị công nhận bảo vật quốc gia theo quy định.
2.3. Hằng năm, các đơn vị có
liên quan xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật
thể tại địa bàn, đặc biệt chú ý đến các di sản thuộc Danh mục di sản văn hóa
phi vật thể quốc gia, nhất là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Duy
trì việc tổ chức Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai định kỳ 2
năm/lần. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, khuyến khích các đơn vị thực hiện xã hội
hóa nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo tổ chức, cá nhân vào hoạt động bảo vệ
và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.
3. Tổ chức thực hiện:
3.1. Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch:
- Hướng dẫn về chuyên môn, đôn
đốc, nhắc nhở các địa phương thực hiện Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 06/7/2018
và các văn bản khác có liên quan về di sản văn hóa.
- Thẩm định hồ sơ, trình cấp có
thẩm quyền xếp hạng di tích theo quy định.
- Tổ chức việc lập hồ sơ đề nghị
xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
- Tổng hợp, báo cáo thực trạng
quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh; thống
kê danh sách các di tích đã bị xuống cấp, cần đầu tư, tu bổ, tôn tạo.
- Rà soát, cập nhật và đề xuất
Uỷ ban nhân dân tỉnh việc chỉnh sửa, bổ sung danh mục kiểm kê di tích phù hợp với
tình hình thực tế của các địa phương; tổng hợp và tham mưu việc ban hành danh mục
kiểm kê di tích giai đoạn tiếp theo, chú ý đến các di tích lịch sử.
- Chỉ đạo Bảo tàng tỉnh thực hiện
có hiệu quả việc bảo tồn các di sản văn hóa, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ
thông tin trong công tác chuyên môn, gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với
phục vụ du lịch; xây dựng phương án bảo quản bảo vật quốc gia, lập hồ sơ hiện vật
đề nghị công nhận bảo vật quốc gia theo quy định.
- Chủ trì, tham mưu Uỷ ban nhân
dân tỉnh tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật
thể trên địa bàn tỉnh, nhất là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
- Hướng dẫn, phối hợp với Uỷ
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu
Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể
theo quy định.
- Phối hợp với Sở Lao động,
Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan, căn cứ quy định hiện hành,
tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú
trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, người có đóng góp quan trọng trong
việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
3.2. Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội
Chủ trì, thực hiện, báo cáo việc
triển khai Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ
đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó
khăn và các chương trình, dự án khác của ngành có liên quan đến việc bảo tồn,
phát huy giá trị di sản văn hóa.
3.3. Sở Tài nguyên và Môi
trường
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị
có liên quan xây dựng quy hoạch và xử lý các trường hợp vi phạm về đất di tích.
3.4. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị
có liên quan xây dựng chương trình giáo dục địa phương có nội dung phù hợp về bảo
tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
3.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các ngành
liên quan trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn đầu tư phát triển để thực
hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, ưu tiên
các di tích có tiềm năng phát triển du lịch theo các quy định hiện hành.
3.6. Sở Tài chính
Hàng năm, trên cơ sở Kế hoạch
và đề xuất dự toán của các đơn vị lập theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước
và các văn bản hướng dẫn hiện hành, Sở Tài chính trình cấp thẩm quyền cân đối
nguồn vốn sự nghiệp thực hiện tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp di tích đã được
xếp hạng; việc tổ chức các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể theo
đúng quy định.
3.7. Đề nghị Ban Thường trực
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội
tỉnh
Tích cực phối hợp với các cấp
chính quyền vận động, tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên, hội viên và nhân
dân, đặc biệt là thanh thiếu nhi thực hiện tốt việc bảo vệ và phát huy giá trị
di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
3.8. Báo Gia Lai, Đài Phát
thanh - Truyền hình Gia Lai
Tăng cường tuyên truyền về bảo
tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
3.9. Uỷ ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố:
- Căn cứ tình hình thực tế của
địa phương bố trí thời gian, nhân lực, kinh phí phù hợp triển khai việc lập hồ
sơ khoa học di tích đề nghị xếp hạng.
- Đối với các di tích đã được xếp
hạng, hằng năm xây dựng kế hoạch bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị
di tích gắn với phát triển du lịch tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp
lấn chiếm đất đai di tích hoặc các hành vi khác xâm phạm đến di tích.
- Xây dựng kế hoạch, quy hoạch
đất đối với các di tích dự kiến lập hồ sơ khoa học trong quy hoạch đất đai các
giai đoạn của địa phương; có phương án khoanh vùng, bảo vệ đất đối với di tích
đã xếp hạng và dự kiến đề nghị xếp hạng.
- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát
các di tích dự kiến lập hồ sơ khoa học tại địa bàn để đề xuất, tham mưu Uỷ ban
nhân dân tỉnh bổ sung vào danh mục kiểm kê giai đoạn 2018-2023 (theo Quyết định
312/QĐ-UBND) và ban hành danh mục kiểm kê các giai đoạn tiếp theo (qua Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch) và nghiêm túc triển khai sau khi ban hành.
- Rà soát, lập hồ sơ đề nghị
phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản
văn hóa phi vật thể theo quy định; chăm sóc, thăm viếng đối với các nghệ nhân
có đóng góp quan trọng cho di sản văn hóa địa phương, đặc biệt quan tâm đến các
nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong đời sống thường ngày, khi ốm đau, qua
đời.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện chỉ thị này; hằng năm báo cáo kết
quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trước
ngày 15/12 để theo dõi, tổng hợp và chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL; Báo cáo
- T.Tr Tỉnh ủy; Báo cáo
- T.Tr HĐND tỉnh; Báo cáo
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ;
- Các sở, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh;
- Hội VHNT tỉnh;
- Báo GL, Đài PTTH tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TTTH, KGVX.
|
CHỦ TỊCH
Võ Ngọc Thành
|