BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THANH TRA
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 37/BC-TTr
|
Hà Nội, ngày
25 tháng 12 năm 2023
|
BÁO CÁO
TỔNG KẾT CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN
CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ TRẺ EM VÀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM NĂM 2023 TRONG
TOÀN QUỐC
Tiếp tục triển khai thực hiện
Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch
triển khai, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 về việc tăng cường hiệu lực,
hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại
trẻ em và Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch
hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025,
năm 2023 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây viết tắt là LĐTBXH) đã tiếp
tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn quốc nhằm phòng ngừa,
phát hiện và có biện pháp hạn chế tình trạng trẻ em bị xâm hại, thực hiện
các quyền của trẻ em, nâng cao trách nhiệm bảo vệ trẻ em của UBND các cấp, các
ngành, cơ quan, tổ chức được pháp luật quy định. Kết quả đạt được như sau:
I. CHỈ ĐẠO,
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN THANH TRA, KIỂM TRA
- Thanh tra Bộ LĐTBXH tham
mưu Lãnh đạo Bộ LĐTBXH ban hành Công văn số 69/LĐTBXH-TTr ngày 09/01/2023 về
thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống
xâm hại trẻ em, trong đó đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương thực hiện:
+ Chỉ đạo Sở LĐTBXH tiến
hành thanh tra tại ít nhất 01 địa bàn cấp huyện; các cơ sở trợ giúp xã hội do cấp
tỉnh thành lập và tổ chức, đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ bảo vệ
trẻ em nhưng không đăng ký hoạt động hoặc không được cấp phép hoạt động chưa được
thanh tra trong năm 2022. Đối với 04 Sở LĐTBXH: Đà Nẵng, Long An, Tiền Giang và
Bình Dương chưa thực hiện thanh tra trong năm 2022 phải thanh tra tại ít nhất
03 địa bàn cấp huyện và các cơ sở trợ giúp xã hội, tổ chức, đơn vị chăm sóc,
nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
+ Chỉ đạo UBND cấp huyện tiếp
tục thực hiện kiểm tra, UBND cấp xã thực hiện tự kiểm tra và kiểm tra tại cơ sở
trợ giúp xã hội do cấp huyện, xã thành lập chưa được kiểm tra trong năm 2022.
+ Nội dung thanh tra, kiểm
tra trọng tâm về thực hiện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; rà
soát, thống kê về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em bị xâm hại và thực hiện
can thiệp, hỗ trợ; thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động của các cơ sở trợ
giúp xã hội, các quỹ từ thiện.
- Để hướng dẫn nghiệp vụ
thanh tra, kiểm tra về thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống
xâm hại trẻ em, Thanh tra Bộ LĐTBXH đã xây dựng tài liệu và tổ chức 02 lớp tập
huấn nghiệp vụ thanh tra về phòng, chống xâm hại trẻ em cho 120 cán bộ thanh
tra Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tại thành phố Cần
Thơ và tỉnh Ninh Bình.
II. KẾT
QUẢ THANH TRA, KIỂM TRA
Toàn quốc, đã thực hiện 8.145
cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và
phòng, chống xâm hại trẻ em (tăng 774 cuộc so với năm 2022), trong đó Bộ LĐTBXH
thực hiện 04 cuộc thanh tra; Sở LĐTBXH các địa phương thực hiện 587 cuộc thanh
tra, kiểm tra; UBND cấp huyện thực hiện 1.023 cuộc kiểm tra và UBND cấp xã thực
hiện 6.531 cuộc tự kiểm tra; phát hiện 455 thiếu sót, sai phạm; thu hồi nộp
ngân sách nhà nước số tiền 561.230.000 đồng (tăng 364.610.680 đồng so với năm
2022); kiến nghị cho trẻ em là đối tượng bảo trợ xã hội được truy lĩnh số tiền
123.120.000 đồng (giảm 114.012.110 đồng so với năm 2022); xử phạt vi phạm hành
chính số tiền là 135.000.000 đồng (năm 2022 không có xử phạt vi phạm hành
chính); 05 cán bộ vi phạm bị kiểm điểm trách nhiệm[1].
1. Tại
Thanh tra Bộ LĐTBXH
Đã thực hiện 04 cuộc thanh
tra tại 04 địa phương (Cần Thơ, Lâm Đồng, Bắc Kạn và Bắc Ninh), phát hiện 122
thiếu sót, sai phạm, thu hồi ngân sách nhà nước số tiền là 81.700.000 đồng, cụ
thể:
- Đã tiến hành 02 cuộc thanh
tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quyền trẻ em và phòng, chống
xâm hại trẻ em tại 02 địa phương (Cần Thơ và Lâm Đồng), xác minh tại 44 cơ
quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (02 UBND cấp tỉnh; 15 Sở, ban ngành
thuộc tỉnh; 02 UBND cấp huyện; 03 UBND cấp xã; 03 cơ sở trợ giúp xã hội; 08 trường
học; 11 hộ gia đình, cá nhân); ban hành 02 kết luận thanh tra, phát hiện 70 thiếu
sót, sai phạm; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 47.100.000 đồng.
Một số sai phạm chủ yếu:
UBND tỉnh chưa tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết để thực hiện
và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; Sở
LĐTBXH: chưa rà soát, thống kê số liệu về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại để chỉ đạo
UBND cấp xã xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp theo quy định, chưa thống kê hộ
gia đình, cá nhân chăm sóc trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em không có nguồn
nuôi dưỡng hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng; UBND huyện: xác định sai
thời điểm trẻ em được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, chưa điều chỉnh đối tượng
từ người khuyết tật là trẻ em sang đối tượng là người khuyết tật, chưa chỉ đạo
cấp xã hướng dẫn cá nhân, hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi lập
hồ sơ đề nghị hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng; UBND xã: chưa rà
soát, thống kê trẻ em có nguy cơ bị xâm hại để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can
thiệp.
- Đã tiến hành 02 cuộc thanh
tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chấp hành các quy định pháp luật
về chính sách trợ giúp xã hội (trong đó có chính sách trợ giúp xã hội đối với
trẻ em) tại 02 địa phương (Bắc Kạn và Bắc Ninh), kiểm tra, xác minh tại 11 cơ
quan, đơn vị: 02 Sở LĐTBXH; 02 UBND cấp huyện; 04 UBND cấp xã; 03 cơ sở trợ
giúp xã hội, ban hành 02 kết luận thanh tra, phát hiện 52 thiếu sót, sai phạm;
quyết định thu hồi số tiền 34.600.000 đồng chi không đúng quy định.
Một số sai phạm chủ yếu: Sở
LĐTBXH chưa rà soát cơ sở trợ giúp xã hội để bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện hoạt
động, để xảy ra việc tiếp nhận đối tượng chăm sóc, nuôi dưỡng vượt quá phạm vi
hoạt động; UBND cấp huyện xét duyệt hồ sơ hưởng trợ cấp chưa bảo đảm thời hạn,
xác định sai thời điểm hưởng, thời điểm điều chỉnh mức trợ cấp; UBND cấp xã
chưa kịp thời hướng dẫn hộ gia đình đang chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật
đặc biệt nặng, trẻ em mồ côi lập hồ sơ đề nghị hưởng kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng;
cơ sở trợ giúp xã hội chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ đối tượng
(trong đó có trẻ em), chưa phối hợp với UBND cấp huyện nơi cư trú trước khi tiếp
nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội để rà
soát, bảo đảm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
2. Tại
các địa phương
Có 63/63 tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương đã báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính
sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em về Bộ LĐTBXH. Kết quả
tổng hợp báo cáo như sau:
- Tổng số 704 huyện/thị
xã/thành phố; 10.571 xã/phường/thị trấn; 439 cơ sở trợ giúp xã hội.
- Tổng số 23.550.935 trẻ em;
trong đó, số trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tai nạn
thương tích là 559.486 (chiếm tỷ lệ 2,3% tổng số trẻ em).
- Đã thực hiện 8.141 cuộc
thanh tra, kiểm tra (94 cuộc thanh tra, 8.047 cuộc kiểm tra), trong đó Sở
LĐTBXH thực hiện 587 cuộc thanh tra, kiểm tra; UBND cấp huyện thực hiện 1.023
cuộc kiểm tra; UBND cấp xã thực hiện 6.531 cuộc tự kiểm tra.
- Tổng số đơn vị cấp huyện
được thanh tra, kiểm tra: 480/704 (đạt tỷ lệ 68,18%); tổng số đơn vị cấp xã được
thanh tra, kiểm tra: 6.513/10.571 (đạt tỷ lệ 61,61%); tổng số cơ sở trợ giúp xã
hội được thanh tra, kiểm tra: 119/439 (đạt tỷ lệ 27,10%); tổng số trẻ em được
xác minh về việc hỗ trợ các hoạt động chăm sóc và bảo vệ: 3.111.999/23.550.935
trẻ em; tổng số trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị
tai nạn thương tích được xác minh: 233.726/559.486 trẻ em; tổng số hộ gia đình,
cá nhân nhận chăm sóc thay thế đối với trẻ em: 7.985; tổng số hộ gia đình, cá
nhân sản xuất kinh doanh được thanh tra, kiểm tra: 19.557.
- Kết quả thanh tra, kiểm
tra của địa phương: phát hiện 333 sai phạm, thiếu sót; thu hồi nộp ngân sách
nhà nước 479.530.000 đồng; đề nghị truy lĩnh trợ cấp cho trẻ em số tiền
123.120.000 đồng; xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 135.000.000 đồng.
2.1. Kết quả thanh
tra, kiểm tra của Sở LĐTBXH
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương đã thực hiện 587 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó
có 94 cuộc thanh tra đối với UBND cấp huyện, 423 cuộc kiểm tra đối với UBND xã
và 70 cuộc kiểm tra đối với cơ sở trợ giúp xã hội (do 58/63 địa phương thực hiện[2], đạt tỷ lệ 92,06%), phát hiện 181 thiếu sót, sai
phạm; thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 479.530.000 [3] đồng do chưa điều chỉnh mức trợ cấp nuôi dưỡng cho trẻ em, thực
hiện chưa đúng thời điểm hưởng, thôi hưởng, không đúng hệ số trợ cấp; kiến nghị
cho trẻ em là đối tượng bảo trợ xã hội được truy lĩnh số tiền 123.120.000 đồng[4] do xác định sai thời điểm hưởng và hệ số trợ cấp;
xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 135.000.000 đồng[5]
do sử dụng lao động chưa thành niên mà chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người
giám hộ của người chưa thành niên đó.
- Tổng số trẻ em đã được xác
minh thực tế về việc được hỗ trợ các hoạt động chăm sóc và bảo vệ: 3.111.999 trẻ
em; tổng số trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tai nạn
thương tích được kiểm tra, xác minh: 233.726 trẻ em; kiểm tra, xác minh 3.098 hộ
gia đình, cá nhân nhận chăm sóc thay thế; kiểm tra, xác minh 19.557 hộ gia
đình, cá nhân sản xuất kinh doanh.
- Một số thiếu sót, sai phạm
chủ yếu: (1) UBND cấp huyện chưa xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế
hoạch, đề án về phòng, chống xâm hại trẻ em; việc thực hiện chăm sóc thay thế của
các hộ gia đình, cá nhân đối với trẻ em chưa kịp thời, chưa đúng quy định; chưa
bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn
nâng cao nghiệp vụ đối với công chức làm công tác bảo vệ trẻ em; chưa bố trí
kinh phí tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người được
giao làm công tác bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ em và mạng lưới cộng tác
viên bảo vệ trẻ em tại huyện; chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về
phòng, chống xâm hại trẻ em; (2) UBND cấp xã: chưa thực hiện rà soát, cập nhật,
chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em tại phần mềm quản lý thông tin trẻ em;
chưa hướng dẫn gia đình trẻ em lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em
bị tai nạn thương tích; chưa bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà
nước về lĩnh vực trẻ em; (3) cơ sở trợ giúp xã hội hoạt động chưa đúng quy định
pháp luật: chưa được cấp phép hoạt động; chưa thực hiện việc thu thập thông tin
và đánh giá nhu cầu chăm sóc, trợ giúp; chưa xây dựng kế hoạch chăm sóc, trợ
giúp đối tượng; chưa thực hiện kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho trẻ em.
2.2. Kết quả kiểm tra
của UBND cấp huyện và tự kiểm tra của UBND cấp xã
a) Tại cấp huyện
- Đã thực hiện 480 cuộc kiểm
tra (do 480/704 UBND cấp huyện thực hiện, đạt tỷ lệ 68,18%); kiểm tra, xác minh
tại 432 xã, 111 cơ sở trợ giúp xã hội do cấp huyện quản lý; phát hiện 110 thiếu
sót, sai phạm; thu hồi ngân sách nhà nước số tiền 233.730.000 đồng.
- Một số thiếu sót, sai phạm
chủ yếu: (1) UBND cấp huyện chưa hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho hộ gia đình,
cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội là trẻ em; việc thực
hiện chăm sóc thay thế đối với trẻ em mồ côi chưa kịp thời; (2) UBND cấp xã:
chưa tổ chức đánh giá mức độ tổn hại đối với trẻ em bị xâm hại để xây dựng kế hoạch
hỗ trợ, can thiệp phù hợp; (3) cơ sở trợ giúp xã hội hoạt động chưa đúng quy định:
chưa được cấp phép hoạt động; chưa đảm bảo điều kiện về nhân sự và cơ sở vật chất;
hồ sơ trẻ em thuộc đối tượng tự nguyện chưa đầy đủ theo quy định. Đặc biệt, tại
thành phố Hà Nội có 10 cơ sở và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 13 cơ sở đang thực hiện
việc chăm sóc thay thế hoặc cung cấp dịch vụ trẻ em nhưng không đăng ký hoạt động
hoặc không được cấp phép hoạt động.
b) Tại cấp xã
- Đã thực hiện 6.513 cuộc tự
kiểm tra (do 6513/10.571 UBND cấp xã thực hiện, đạt tỷ lệ 61,61%); đã kiểm tra
tại 18 cơ sở trợ giúp xã hội do cấp xã quản lý; phát hiện 42 thiếu sót, sai phạm.
- Một số thiếu sót, sai phạm
chủ yếu: việc thực hiện chăm sóc thay thế của các hộ gia đình, cá nhân đối với
trẻ em chưa kịp thời; chưa rà soát, thống kê trẻ em có nguy cơ bị xâm hại để
xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; chưa tổ chức đánh giá mức độ tổn hại đối với
trẻ em bị xâm hại để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp phù hợp; chưa thực hiện
quy trình chăm sóc thay thế theo quy định; chưa thực hiện hướng dẫn, tập huấn
nghiệp vụ cho hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ
xã hội là trẻ em.
III. ĐÁNH
GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA
1. Kết
quả đạt được
- Thanh tra Bộ LĐTBXH đã tiến
hành 04 cuộc thanh tra, phát hiện 122 thiếu sót, sai phạm, thu hồi ngân sách
nhà nước số tiền chi sai quy định là 81.700.000 đồng.
- Kết quả thanh tra, kiểm
tra của địa phương: phát hiện 333 sai phạm, thiếu sót; thu hồi nộp ngân sách nhà
nước 479.530.000 đồng; đề nghị truy lĩnh trợ cấp cho trẻ em số tiền 123.120.000
đồng; xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 135.000.000 đồng.
- Tổng số đơn vị cấp tỉnh được
thanh tra, kiểm tra: 04/63; tổng số đơn vị cấp huyện được thanh tra, kiểm tra: 480/704;
tổng số đơn vị cấp xã được thanh tra, kiểm tra: 6.513/10.571; tổng số cơ sở trợ
giúp xã hội được thanh tra, kiểm tra: 119/439.
- Đã phát hiện 455 sai phạm,
thiếu sót; số tiền thu hồi qua thanh tra, kiểm tra là 561.230.000 đồng (cao hơn
năm 2022 số tiền là 364.610.680 đồng[6]); kiến
nghị cho trẻ em là đối tượng bảo trợ xã hội được truy lĩnh số tiền 123.120.000
đồng; đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính số tiền là 135.000.000 đồng về
việc sử dụng lao động chưa thành niên không đúng quy định pháp luật nhằm bảo vệ
trẻ em không bị sử dụng lao động trái pháp luật[7].
Đặc biệt, địa phương đã xử lý kiểm điểm đối với 05 cán bộ để xảy ra sai phạm,
cho thấy một số cuộc thanh tra, kiểm tra đã đi vào chất lượng, đảm bảo tính hiệu
lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra.
- Bộ LĐTBXH đã kịp thời chỉ
đạo, hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn cho Sở LĐTBXH các địa
phương về kỹ năng thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và
phòng, chống xâm hại trẻ em.
- Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND
cấp tỉnh triển khai thực hiện, hướng dẫn UBND cấp huyện, UBND cấp xã thanh tra,
kiểm tra: có 58/63 Sở LĐTBXH đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và triển
khai thực hiện (đạt tỷ lệ 92,06%). Một số tỉnh đã lồng ghép nội dung kiểm
tra việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ
em vào các cuộc thanh tra về lao động (đối với lao động chưa thành niên), bảo
trợ xã hội, các chương trình phòng, chống bạo lực trẻ em, tai nạn thương tích,
tệ nạn xã hội (Sơn La, Quảng Nam, Bắc Ninh và Quảng Ngãi).
- Đa số UBND cấp huyện đã thực
hiện kiểm tra (480/704 UBND cấp huyện thực hiện, đạt tỷ lệ 68,18%); đa số đơn vị
cấp xã tự kiểm tra, 6.513/10.571 (đạt tỷ lệ 61,61%); UBND cấp huyện và UBND cấp
xã đã tiến hành kiểm tra đối với 129 cơ sở trợ giúp xã hội do UBND cấp huyện, cấp
xã thành lập chưa được kiểm tra trong năm 2022.
- Đối với 04 tỉnh/thành phố
(Đà Nẵng, Long An, Tiền Giang và Bình Dương) chưa thực hiện thanh tra năm 2022,
năm 2023 đã thực hiện thanh tra, kết quả cụ thể như sau: thành phố Đà Nẵng
thanh tra tại 01 UBND huyện, kiểm tra tại 04 UBND xã (chưa ban hành kết luận
thanh tra) và 04 cơ sở trợ giúp xã hội; tỉnh Long An thanh tra tại 03 UBND huyện,
kiểm tra tại 11 UBND xã (phát hiện 01 sai phạm, thu hồi số tiền 233.730.000 đồng);
tỉnh Tiền Giang thanh tra tại 03 UBND huyện, kiểm tra tại 08 UBND xã (phát hiện
08 sai phạm, thu hồi ngân sách số tiền 85.900.000 đồng; truy lĩnh số tiền
23.220.000 đồng; 04 cán bộ bị kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra việc chi sai quy
định); tỉnh Bình Dương thanh tra tại 02 UBND huyện, kiểm tra tại 04 UBND xã
(phát hiện 03 sai phạm).
- Qua thanh tra, kiểm tra việc
thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trong toàn
quốc đã phát hiện ra các sai phạm, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước và
chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực này để kịp thời chấn chỉnh, đồng
thời phát hiện những bất cập trong quy định pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ
sung, hoàn thiện và thống nhất.
- Nâng cao trách nhiệm của
cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực trẻ em, quan tâm đầu tư nguồn lực tài
chính và con người cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; nâng cao nhận thức của
công chức LĐTBXH, công chức làm công tác bảo vệ trẻ em, các cơ quan chức năng về
tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, bố trí nhiều
điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao cho trẻ em nhằm
phát triển thể chất, tinh thần cho trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng
ngừa, giảm thiểu việc trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
- Đánh giá được vai trò và
tính kịp thời của các cơ quan chức năng trong giải quyết các vụ việc trẻ em bị
xâm hại, từ đó có các đề xuất, kiến nghị nâng cao trách nhiệm của các cơ quan
liên quan.
2. Hạn
chế và nguyên nhân
2.1. Hạn chế
- Còn 05/63 Sở LĐTBXH chưa
thực hiện thanh tra ít nhất 01 đơn vị cấp huyện hoặc cơ sở trợ giúp xã hội[8], chiếm tỷ lệ 7,93%.
- Kết quả thanh tra, kiểm
tra do các địa phương thực hiện (Sở LĐTBXH, UBND cấp huyện và UBND cấp xã) đạt
được còn hạn chế; chưa phát hiện được những thiếu sót, sai phạm để kịp thời chấn
chỉnh:
+ Số thiếu sót, sai phạm được
phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra tại địa phương thấp: 333 kiến
nghị/8.141 (trung bình 0,04 thiếu sót, sai phạm/đơn vị được thanh tra, kiểm
tra).
+ 09/52 cuộc thanh tra do Sở
LĐTBXH thực hiện chưa phát hiện thiếu sót, sai phạm[9]
(chiếm tỷ lệ 17,3%).
+ Hầu hết các cuộc kiểm tra
của UBND huyện, tự kiểm tra của UBND xã thực hiện chưa phát hiện thiếu sót, sai
phạm.
- Một số UBND tỉnh chưa thực
sự chỉ đạo quyết liệt và quan tâm thích đáng đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ
em nói chung cũng như công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách
pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, vẫn còn để xảy ra số lượng lớn trẻ em
rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, tai nạn thương tích, bị xâm hại (559.486 trẻ em/57
địa phương[10]).
- Số lượng cán bộ thanh tra,
công chức LĐTBXH, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu công
việc; chưa bảo đảm kinh phí phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra ngành LĐTBXH,
trong đó có thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em
và phòng, chống xâm hại trẻ em.
- Trình độ chuyên môn của
cán bộ thanh tra, công chức LĐTBXH, công chức làm công tác bảo vệ trẻ em còn hạn
chế; chưa có kiến thức, kinh nghiệm về phương pháp, kỹ năng thanh tra, kiểm tra
trong lĩnh vực này.
2.2. Nguyên nhân
- Hầu hết các Sở LĐTBXH đã lập
kế hoạch thanh tra theo chỉ đạo của Bộ trưởng, tuy nhiên sau khi Luật Thanh tra
năm 2022 có hiệu lực, Chính phủ chưa có văn bản quy định cơ quan thực hiện chức
năng thanh tra chuyên ngành, vì vậy một số Sở LĐTBXH chưa thực hiện thanh tra
trước ngày 01/7/2023 đã phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra (không tiến hành
thanh tra theo kế hoạch đã phê duyệt).
- Chưa quan tâm bố trí nguồn
lực tài chính và con người để thực hiện thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này.
- Đội ngũ cán bộ thanh tra số
lượng hạn chế nhưng phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, khó bố trí sắp xếp thực hiện
đoàn thanh tra nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, việc luân chuyển, điều động
công chức, thanh tra viên thường xuyên ở các địa phương do yêu cầu tinh giản
biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ
thanh tra, sử dụng, đào tạo công chức, thanh tra viên.
- Cán bộ thanh tra, công chức
LĐTBXH, công chức làm công tác bảo vệ trẻ em chưa thường xuyên được tập huấn, bồi
dưỡng kiến thức chuyên môn, đặc biệt là chưa có nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng
thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này.
IV. KIẾN
NGHỊ, ĐỀ XUẤT
1. Đối
với UBND các cấp
- UBND cấp tỉnh tiếp tục
giao Sở LĐTBXH tham mưu, lập kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp
luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (trong khi Chính phủ chưa có văn bản quy định
cơ quan thanh tra chuyên ngành); chỉ đạo các cơ sở chăm sóc thay thế hoặc cung
cấp dịch vụ trẻ em nhưng không đăng ký hoạt động tiến hành đăng ký hoạt động hoặc
xử lý theo quy định pháp luật; chỉ đạo UBND cấp huyện giao Phòng LĐTBXH thực hiện
nhiệm vụ kiểm tra; UBND cấp xã tự kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật
về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em thuộc phạm vi quản lý.
- UBND các cấp bố trí nguồn
nhân lực và kinh phí để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật
về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử
lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em.
- Nâng cao trách nhiệm của
UBND các cấp, các ngành, đoàn thể tại địa phương trong thực hiện chính sách,
pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt về sự cần thiết tiến
hành thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra đối với công tác quản lý nhà nước trong
lĩnh vực này.
- Tổ chức tập huấn nâng cao
trình độ chuyên môn, phương pháp, kỹ năng thanh tra, kiểm tra cho cán bộ thanh
tra, công chức LĐTBXH, công chức làm công tác trẻ em từ cấp tỉnh đến cấp xã tại
địa phương.
2. Đối
với Bộ LĐTBXH
- Tiếp tục tiến hành thanh
tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ
em, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu chính
quyền địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ đối với công tác phòng, chống xâm hại
trẻ em.
- Hằng năm, giao Thanh tra Bộ
LĐTBXH nghiên cứu chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn
nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em
và phòng, chống xâm hại trẻ em cho cán bộ thanh tra Sở LĐTBXH các tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương trong toàn quốc./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Chánh thanh tra (để b/c);
- UBND các tỉnh/thành phố (chỉ đạo t/h);
- Sở LĐTBXH các tỉnh/thành phố (để biết);
- Cục Trẻ em (để biết);
- Lưu: TTr.
|
KT.CHÁNH
THANH TRA
PHÓ CHÁNH THANH TRA
Nguyễn Anh Tuấn
|
[1] Tây Ninh:
01 cán bộ; Tiền Giang: 04 cán bộ.
[2] Có 05/63 Sở
LĐTBXH không tiến hành thanh tra, kiểm tra ít nhất 01 đơn vị cấp huyện hoặc cơ
sở trợ giúp xã hội: Thái Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Hà Tĩnh (trong
đó 03 tỉnh Tuyên Quang, Điện Biên và Hà Tĩnh báo cáo đã phê duyệt kế hoạch
thanh tra theo chỉ đạo tại Công văn số 69/LĐTBXH-TTr của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH,
tuy nhiên đã phải điều chỉnh giảm do Chính phủ chưa có văn bản quy định về cơ
quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành).
[3] Có 08 tỉnh
thu hồi gồm: Hậu Giang (2.160.000 đồng); Tây Ninh (32.400.000 đồng); Tiền Giang
(85.900.000 đồng); Bình Định (12.880.000 đồng); Long An (233.730.000 đồng); Hà
Nam (74.700.000 đồng); An Giang (28.400.000 đồng); Phú Yên (9.360.000 đồng).
[4] Có 05 tỉnh
truy lĩnh, gồm: Phú Yên (1.620.000 đồng); Hà Nam (2.880.000 đồng); Tiền Giang
(23.220.000 đồng); Trà Vinh (90.000.000 đồng); Kiên Giang (5.400.000 đồng).
[5] Tỉnh Bắc
Ninh thanh tra tại 17 doanh nghiệp, trong đó có nội dung về sử dụng lao động
chưa thành niên: đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 doanh nghiệp, số tiền
135.000.000 đồng.
[6] Số tiền thu
hồi năm 2022 là 196.619.320 đồng; năm 2023 là 561.230.000 đồng.
[7] Tỉnh Bắc
Ninh: xử phạt vi phạm hành chính 135.000.000 đồng đối với 03 doanh nghiệp.
[8] Gồm: Thái
Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên và Hà Tĩnh, trong đó 03 tỉnh Tuyên
Quang, Điện Biên và Hà Tĩnh báo cáo đã phê duyệt kế hoạch thanh tra theo chỉ đạo
tại Công văn số 69/LĐTBXH-TTr của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, tuy nhiên đã phải điều
chỉnh giảm do Chính phủ chưa có văn bản quy định về cơ quan thực hiện chức năng
thanh tra chuyên ngành
[9] Gồm: Ninh
Bình, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Gia Lai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Bến
Tre và Cà Mau.
[10] Còn 06 địa
phương chưa có số liệu thống kê tổng số trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt và trẻ em bị tai nạn thương tích: Thái Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh
Hòa, Ninh Thuận, Cà Mau.