Để áp dụng thống nhất các quy định
của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội khoá IX
thông qua ngày 22-12-1992, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối
cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điểm như sau:
1. VỀ THỜI
HIỆU:
a. Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 22-12-1992 đã được Chủ tịch
nước công bố ngày 2-1-1993, cho nên các quy định của Luật này được áp dụng đối
với tất cả các hành vi phạm tội được thực hiện kể từ ngày 2-1-1993 trở đi.
b. Theo Khoản 2 Điều 7 Bộ luật
hình sự thì "Điều luật quy định một tội phạm mới hoặc một hình phạt nặng
hơn không áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó
được ban hành...", cho nên, nếu hành vi phạm tội đã được thực hiện trước
ngày 2-1-1993 mà sau ngày đó mới xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm
thì vẫn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự chứ không áp dụng các quy định
mới được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi... ngày 22-12-1992 có quy định tội
phạm mới hoặc hình phạt nặng hơn, cụ thể là:
- Không áp dụng tình tiết định
khung hình phạt mới được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 của các điều 134, 135,
226, 227.
- Không áp dụng hình phạt tử
hình mới được bổ dung tại khoản 3 Điều 97; các khung hình phạt mới được bổ sung
tại khoản 3 của các điều 174, 221, 224; các mức hình phạt mới được sửa đổi cao
hơn mức cũ tại các điều 97, 139, 167, 169, 174, 220, 221, 224, 246.
c. Trong trường hợp một người bị
khởi tố, truy tố, xét xử về một tội nào đó với nhiều hành vi, trong đó có hành
vi thực hiện trước, có hành vi thực hiện sau ngày 2-1-1993, thì áp dụng điều luật
đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng để khởi tố, truy tố, xét xử,
nhưng khi quyết định hình phạt cần cân nhắc số lượng và tính chất của các hành
vi được thực hiện trước cũng như các hành vi được thực hiện sau ngày 2-1-1993 để
quyết định một mức hình phạt cho thoả đáng đối với tất cả các hành vi đó.
d. Tại các điều 97, 139, 169,
174, 220, 221, 224, theo quy định cũ thì có hình phạt cảnh cáo, cải tạo không
giam giữ hoặc phạt tiền là hình phạt chính, nay theo quy định mới thì không còn
các loại hình phạt này. Do đó, đối với các hành vi phạm tội được thực hiện trước
ngày 2-1-1993 mà sau ngày đó mới xét xử sơ thẩm, thì không áp dụng các loại
hình phạt này. Tuy nhiên, trong trường hợp vụ án đã được xét xử sơ thẩm trước
ngày 2-1-1993 và Toà án đã áp dụng các loại hình phạt này, nếu sau ngày
2-1-1993 vụ án được xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm thì toà án không được thay
các loại hình phạt này bằng hình phạt tù, nếu không có kháng cáo, kháng nghị
theo hướng tăng hình phạt.
2. VỀ ĐƯỜNG
LỐI XỬ LÝ:
a. Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Bộ luật hình sự được thông qua ngày 22-12-1992 phục vụ cuộc đấu tranh
chống tội phạm đang diễn biến phức tạp hiện nay, đặc biệt là phục vụ cuộc đấu
tranh chống tham nhũng, buôn lậu, làm hàng giả... các điều khoản của Bộ luật
hình sự được sửa đổi bổ sung lần này đều theo hướng tăng nặng, nghiêm khắc hơn
so với quy định cũ, cho nên, đối với những người mà từ ngày 2-1-1993 trở đi phạm
một trong các tội được quy định trong Luật mới được thông qua ngày 22-12-1992,
thì phải xử phạt nghiêm khắc theo đúng quy định của Luật này, còn đối với những
người mà trước ngày 2-1-1993 phạm một trong các tội được quy định trong Luật mới
được thông qua ngày 22-12-1992, thì về nguyên tắc là phải áp dụng các quy định
cũ nhưng có tham khảo các quy định mới để quyết định hình phạt cho thoả đáng.
b. Các tội có tính chất tham
nhũng cần phải bị xử lý nghiêm khắc là các tội được liệt kê dưới đây:
- Tội tham ô tài sản xã hội chủ
nghĩa (Điều 133);
- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
xã hội chủ nghĩa trong trường hợp người phạm tội có lợi dụng chức vụ, quyền hạn
(điểm d khoản 2 Điều 134).
- Tội lợi dụng tín nhiệm chiếm
đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa trong trường hợp người phạm tội có lợi dụng chức
vụ, quyền hạn (điểm d khoản 2 Điều 135);
Tội sử dụng trái phép tài sản xã
hội chủ nghĩa trong trường hợp người phạm tội có lợi dụng chức vụ quyền hạn
(khoản 2 Điều 137).
- Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn
chiếm đoạt tài sản của công dân (Điều 156);
- Tội cố ý làm trái quy định của
Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp người phạm
tội có vụ lợi hoặc động cơ cá nhân (điểm a khoản 2 Điều 174);
- Tội lập quỹ trái phép (Điều
175);
- Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn
hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 221);
- Tội giả mạo trong công tác (Điều
224);
- Tội nhận hối lộ (Điều 226);
- Tội đưa hối lộ trong trường hợp
người phạm tội sử dụng công quỹ để đưa hối lộ (điểm e khoản 2 Điều 227).
3. VỀ HÌNH
PHẠT BỔ SUNG LÀ PHẠT TIỀN
Theo quy định mới tại đoạn 1 Điều
23 thì việc phạt tiền được áp dụng đối với cả những người phạm một trong các tội
có tính chất tham nhũng. Do đó, đối với các tội có tính chất tham nhũng mà ở
"Phần các tội phạm" của Bộ luật hình sự có quy định hình phạt bổ sung
là phạt tiền (kể cả trường hợp quy định là "có thể" phạt tiền), thì
Viện kiểm sát phải đề nghị áp dụng việc phạt tiền và Toà án phải áp dụng hình
phạt bổ sung là phạt tiền. Tuy nhiên, đối với các tội khác có tính chất tham
nhũng mà ở "Phần các tội phạm" của Bộ luật hình sự không quy định việc
phạt tiền là hình phạt bổ sung thì không được áp dụng hình phạt này.
Đối với tội buôn lậu hoặc vận
chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (Điều 97), theo quy định cũ
thì có thể áp dụng phạt tiền là hình phạt chính, nay theo quy định mới thì
không được áp dụng phạt tiền là hình phạt chính nữa. Do đó, đối với các loại
hành vi phạm tội này được thực hiện trước ngày 2-1-1993 mà nay mới xét xử sơ thẩm
thì Toà án không áp dụng phạt tiền là hình phạt chính. Tuy nhiên, trong trường
hợp vụ án đã được xét xử sơ thẩm trước ngày 2-1-1993 và toà án cấp sơ thẩm đã
áp dụng hình phạt chính là phạt tiền mà sau ngày 2-1-1993 mới xét xử phúc thẩm,
giám đốc thẩm, thì Toà án không được thay hình phạt chính là hình phạt tiền bằng
hình phạt tù nếu không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng hình phạt.
4. VỀ HÌNH
PHẠT BỔ SUNG LÀ CẤM ĐẢM NHIỆM CHỨC VỤ:
Đối với những người phạm một
trong các tội như tham ô... (Điều 133), sử dụng trái phép... (Điều 137), thiếu
trách nhiệm (Điều 139), theo quy định cũ tại khoản 1 của Điều 142, Toà án có thể
áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa từ hai
năm đến năm năm, nay theo quy định mới thì trong mọi trường hợp, Toà án đều phải
áp dụng loại hình phạt bổ sung này. Trong trường hợp vụ án đã được xét xử sơ thẩm
trước ngày 2-1-1993 và Toà án đã không áp dụng loại hình phạt bổ sung này mà
sau ngày 2-1-1993 mới xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, thì Toà án chỉ áp dụng
loại hình phạt bổ sung này nếu có kháng cáo, kháng nghị theo hướng đó.
Đối với người phạm một trong các
tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 134 hoặc điểm d khoản 2 Điều 135, nếu tội
phạm được thực hiện trước ngày 2-1-1993 thì Toà án không áp dụng hình phạt bổ
sung cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa, nhưng nếu tội phạm
được thực hiện kể từ ngày 2-1-1993 trở về sau thì Toà án phải áp dụng loại hình
phạt bổ sung này.
5. VỀ HÌNH
PHẠT BỔ SUNG LÀ TỊCH THU TÀI SẢN:
Đối với những người mà trước ngày
2-1-1993 phạm một trong các tội quy định tại các điều 169, 174 thì Toà án không
được áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. VỀ ĐIỀU
174:
Điều 174 được sửa đổi, bổ sung một
cách cơ bản theo hướng tăng nặng. Theo quy định cũ thì chỉ có hai khoản và mức
hình phạt cao nhất theo điều luật này là mười hai năm tù, nay có ba khoản với mức
hình phạt cao nhất là hai mươi năm tù. Theo quy định cũ thì phải có yếu tố
"vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác" mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm,
nay yếu tố này được chuyển thành tình tiết định khung hình phạt tăng nặng theo
khoản 2 của điều luật. Theo quy định cũ thì người phạm tội theo khoản 1 "bị
phạt cải tạo không giam giữ từ sáu tháng đến hai năm hoặc phạt tù từ một năm đến
bảy năm". Do đó, đối với các hành vi phạm tội được thực hiện trước ngày
2-1-1993 thì khi khởi tố, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm vụ
án, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án đều phải áp dụng các quy định cũ mà
không được áp dụng các quy định mới.
7. VỀ ĐIỀU
97
Đối với những
người buôn bán trái phép hoặc vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hoá là vũ
khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất
phóng xạ, các chất ma tuý, văn hoá phẩm đồi trụy, từ nay chỉ truy cứu trách nhiệm
hình sự về tội "buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới"
theo Điều 97 mà không truy cứu thêm về tội phạm tương ứng theo quy định tại các
điều 95, 96, 96a, 99 như đã hướng dẫn trước đây.
8. VỀ ÁN
TREO
Theo quy định cũ tại khoản 1 Điều
44 thì đối với những người bị xử phạt tù không quá năm năm có thể xem xét để nếu
có đủ các điều kiện do Luật định thì cho hưởng án treo, nay theo quy định mới
thì chỉ đối với những người bị xử phạt tù không quá ba năm mới có thể xem xét để
cho hưởng án treo. Như vậy, khoản 1 Điều 44 được sửa đổi theo hướng hạn chế việc
cho hưởng án treo, cho nên từ nay trở đi, việc xem xét để cho hưởng án treo phải
được tiến hành chặt chẽ và thận trọng hơn, cụ thể là chỉ đối với những người bị
phạt tù không quá ba năm, có nhân thân không xấu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ
và xét thấy không nhất thiết phải bắt họ chấp hành hình phạt tù mới đạt được
tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung, thì mới cho hưởng án treo. Các Toà
án cần tránh việc cho hưởng án treo không chính xác như: cho người không đủ điều
kiện hưởng án treo được hưởng án treo hoặc đáng lẽ phải xử phạt trên ba năm tù
thì lại chỉ phạt không quá 3 năm tù để cho hưởng án treo...
9. THÔNG TƯ
NÀY CÓ HIỆU LỰC KỂ TỪ NGÀY BAN HÀNH.