BỘ CÔNG AN - BỘ
QUỐC PHÒNG - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 05 năm 2013
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG
DẪN THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ ĐỐI VỚI PHẠM
NHÂN
Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của
pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân, Bộ trưởng Bộ
Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành
các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân như sau:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn cụ thể về đối tượng,
nguyên tắc, thời điểm, điều kiện, mức giảm, hồ sơ, trình tự, thủ tục xét, đề
nghị, quyết định và thi hành quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho
phạm nhân.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với phạm nhân
đang chấp hành án phạt tù trong các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành
án hình sự Công an cấp huyện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến
việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân.
Điều 3. Nguyên tắc giảm thời hạn
chấp hành án phạt tù
1. Tuân thủ quy định của pháp luật; bảo đảm tính
nhân đạo xã hội chủ nghĩa, khách quan, công bằng và có tác dụng khuyến khích phạm
nhân thi đua cải tạo tiến bộ.
2. Phải căn cứ vào kết quả xếp loại chấp hành án phạt
tù, tính chất và mức độ phạm tội, độ tuổi và các đặc điểm nhân thân khác của phạm
nhân. Những phạm nhân phạm tội lần đầu, cải tạo tốt, lập công chuộc tội được
xét, đề nghị và quyết định mức giảm cao hơn những phạm nhân khác. Những phạm
nhân bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân, phạm nhân có nhiều tiền
án, nhân thân xấu, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm thì phải có nhiều thời
gian thử thách hơn và phải xem xét rất chặt chẽ với mức giảm thấp hơn so với phạm
nhân khác.
3. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ
quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
theo đúng danh sách và mức giảm đã được Hội đồng thẩm định của Cơ quan thi hành
án Công an cấp tỉnh, cấp quân khu, Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình
sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng duyệt.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới đây
được hiểu như sau:
1. Trường hợp đặc biệt là các trường hợp phạm
nhân đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
2. Lập công là có hành động giúp trại giam,
trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan nhà nước
có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra và xử lý tội phạm; cứu được tính mạng
của người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản có giá trị từ
30.000.000đ (ba mươi triệu đồng trở lên) của Nhà nước, của tập thể, của công
dân trong thiên tai, hỏa hoạn; có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc
có thành tích đặc biệt xuất sắc khác được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi
hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
3. Đã quá già yếu là người từ 70 tuổi trở
lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên bị bệnh, phải nằm điều trị tại bệnh
xá, bệnh viện nhiều lần trong thời gian dài (từ ba tháng trở lên) và không có
khả năng tự phục vụ bản thân.
4. Mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc
một trong các bệnh như: Ưng thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ
gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã
chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ
bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh
khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở
lên kết luận là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng.
Điều 5. Thời điểm xét giảm thời
hạn chấp hành án phạt tù
1. Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được
thực hiện mỗi năm 03 (ba) đợt, vào các dịp: Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất
đất nước (30/4), ngày Quốc khánh (2/9) và tết Nguyên đán. Đối với các trại
giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, thực hiện việc xét giảm thời hạn chấp
hành án phạt tù vào dịp ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày hội
quốc phòng toàn dân (22/12) thay cho dịp tết Nguyên đán.
2. Đối với những trường hợp đã được giảm thời hạn
chấp hành án phạt tù mà trong năm đó lại lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì
việc đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù không phụ thuộc vào thời điểm
quy định tại khoản 1 của Điều này.
Chương 2.
ĐIỀU KIỆN, MỨC GIẢM THỜI
HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Điều 6. Điều kiện để được xét
giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Phạm nhân có đủ các điều kiện sau đây thì được đề
nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù:
a) Đã chấp hành được ít nhất một phần ba thời hạn đối
với hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống hoặc mười hai năm đối với tù chung
thân;
b) Có nhiều tiến bộ thể hiện ở việc chấp hành tốt Nội
quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động cải tạo
và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên, cụ thể như sau:
- Phạm nhân bị phạt tù chung thân phải có ít nhất bốn
năm liên tục liền kề thời điểm xét giảm thời hạn được xếp loại từ khá trở lên.
Trường hợp bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân phải
có ít nhất năm năm liên tục liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở
lên;
- Phạm nhân bị phạt tù trên hai mươi năm đến ba
mươi năm phải có ít nhất ba năm sáu tháng liên tục liền kề thời điểm xét giảm
được xếp loại từ khá trở lên;
- Phạm nhân bị phạt tù trên mười lăm năm đến hai
mươi năm phải có ít nhất ba năm liên tục liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại
từ khá trở lên;
- Phạm nhân bị phạt tù trên mười năm đến mười lăm
năm phải có ít nhất hai năm liên tục liền kề hoặc tám quý liền kề thời điểm xét
giảm được xếp loại từ khá trở lên;
- Phạm nhân bị phạt tù trên năm năm đến mười năm phải
có ít nhất một năm hoặc bốn quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá
trở lên;
- Phạm nhân bị phạt tù trên ba năm đến năm năm phải
có ít nhất sáu tháng hoặc hai quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ
khá trở lên;
- Phạm nhân bị phạt tù ba năm trở xuống phải có ít
nhất một quý gần nhất được xếp loại từ khá trở lên.
2. Phạm nhân được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt
tù trong trường hợp đặc biệt hoặc người chưa thành niên phạm tội, so với quy định
tại điểm b khoản 1 Điều này còn thiếu một năm đầu tiên xếp loại chấp hành án phạt
tù từ khá trở lên của thời gian liền kề thời điểm xét giảm (đối với phạm nhân bị
phạt tù từ trên mười lăm năm trở lên), thiếu một kỳ sáu tháng đầu tiên xếp loại
từ khá trở lên (đối với phạm nhân bị phạt tù từ trên năm năm đến mười lăm năm),
thiếu một quý đầu tiên xếp loại từ khá trở lên (đối với phạm nhân bị phạt tù từ
trên ba năm đến năm năm) hoặc chưa được xếp loại chấp hành án phạt tù (đối với
phạm nhân bị phạt tù từ ba năm trở xuống) nhưng thời gian bị tạm giữ, tạm giam
hoặc ở trại giam được nhận xét là chấp hành nghiêm chỉnh Nội quy trại giam, trại
tạm giam, nhà tạm giữ và có đủ các điều kiện khác thì vẫn có thể được đề nghị
giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
3. Phạm nhân có đủ điều kiện quy định tại điểm a
khoản 1 Điều này, phạm nhân thuộc trường hợp đặc biệt hoặc người chưa thành
niên phạm tội có số kỳ được xếp loại từ khá trở lên bằng hoặc nhiều hơn so với
quy định tại điểm b khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng không liên tục, vẫn có
thể được xem xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, nếu có ít nhất hai
kỳ sáu tháng liên tục liền kề với thời điểm đề nghị xét giảm được xếp loại từ
khá trở lên (đối với phạm nhân bị phạt tù trên mười năm) hoặc hai quý liên tục
được xếp loại từ khá trở lên (đối với phạm nhân bị phạt tù từ mười năm trở xuống).
4. Phạm nhân có tiền án phải có thời gian thử thách
nhiều hơn và có số kỳ xếp loại từ khá trở lên nhiều hơn so với những phạm nhân
chưa có tiền án, ứng với mỗi tiền án là một kỳ sáu tháng xếp loại từ khá trở
lên. Đối với phạm nhân bị phạt tù từ 3 năm trở xuống, ứng với mồi tiền án là một
quý xếp loại từ khá trở lên.
5. Phạm nhân đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt
tù phải liên tục được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên mới được tiếp
tục xem xét, đề nghị giám thời hạn đúng đợt. Trường hợp không đủ điều kiện để
được xét giảm đúng đợt thì được xem xét, đề nghị giảm thời hạn khi có đủ bốn
quý xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên (trong đó phải có ít nhất hai
quý liền kề thời điểm xét giảm).
6. Phạm nhân đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt
tù mà vi phạm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ bị xử lý kỷ luật,
sau khi được Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án
hình sự Công an cấp huyện công nhận đã cải tạo tiến bộ và có đủ bốn quý liền kề
(đối với phạm nhân bị kỷ luật khiển trách hai lần trong kỳ xếp loại hoặc kỷ luật
cảnh cáo) hoặc năm quý liền kề (đối với phạm nhân bị giam tại buồng kỷ luật) được
xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên thì mới được tiếp tục xem xét, đề
nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
7. Phạm nhân đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt
tù mà lại phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng
thì phải chấp hành được ít nhất hai phần ba mức hình phạt chung hoặc hai mươi
năm nếu là tù chung thân và phải có đủ điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều
này mới được xem xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
8. Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt
tù hoặc người đang được áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc được bảo lưu kết
quả chấp hành án phạt tù và được tính liên tục liền kề với thời gian sau khi trở
lại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để
tiếp tục chấp hành án. Khi những người này trở lại trại giam, trại tạm giam, cơ
quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiếp tục chấp hành án, nếu có đủ
điều kiện quy định tại các khoản nêu trên của Điều này và trong thời gian được
tạm đình chỉ hoặc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh chấp hành nghiêm chỉnh
các quy định của pháp luật, được chính quyền địa phương nơi người được tạm đình
chỉ chấp hành án phạt tù về cư trú hoặc cơ sở y tế điều trị cho người được áp dụng
biện pháp chữa bệnh bắt buộc xác nhận thì mới được xem xét, đề nghị giảm thời hạn
chấp hành án phạt tù.
Điều 7. Mức giảm thời hạn chấp
hành án phạt tù
1. Phạm nhân bị phạt tù chung thân, lần đầu được giảm
xuống ba mươi năm.
2. Phạm nhân bị phạt tù từ ba mươi năm trở xuống, mỗi
lần có thể được giảm từ một tháng đến ba năm. Trường hợp được giảm ba năm phải
là những phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà
tạm giữ và lập công hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, học tập
cải tạo.
3. Mỗi năm một phạm nhân chỉ được xét giảm thời hạn
chấp hành án phạt tù một lần, khoảng cách giữa hai lần xét giảm ít nhất là một
năm. Trường hợp đã được giảm mà thời hạn tù còn lại không đủ một năm thì năm tiếp
theo có thể đề nghị xét giảm sớm hơn trước một đợt, nhưng vẫn phải bảo đảm mỗi
năm chỉ được xét giảm một lần.
Trường hợp sau khi đã được giảm thời hạn mà có lý
do đặc biệt đáng được khoan hồng như lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có
thể được xét giảm thêm nhưng không được quá hai lần trong một năm.
4. Mỗi phạm nhân có thể được giảm thời hạn chấp
hành án phạt tù nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành án phạt
tù được một phần hai mức hình phạt tù có thời hạn đã tuyên hoặc hai mươi năm đối
với hình phạt tù chung thân.
Điều 8. Giảm thời hạn chấp hành
án phạt tù trong trường hợp đặc biệt
1. Phạm nhân đã chấp hành được ít nhất một phần tư
mức hình phạt đã tuyên đối với án phạt tù từ ba mươi năm trở xuống hoặc mười
năm đối với tù chung thân và có đủ điều kiện về xếp loại chấp hành án phạt tù
quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 6 Thông tư liên tịch này, có
thể được xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, nếu thuộc một trong
các trường hợp sau đây:
a) Phạm nhân đã lập công. Mỗi lần lập công, phạm
nhân chỉ được xem xét, đề nghị giảm thời hạn một lần;
b) Phạm nhân đã quá già yếu;
c) Phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
2. Mức giảm mỗi lần cao nhất cho các trường hợp quy
định tại khoản 1 Điều này là bốn năm, nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp
hành án phạt tù ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên hoặc mười lăm
năm đối với hình phạt tù chung thân.
3. Trong trường hợp đặc biệt, khi có đề nghị của Bộ
trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được sự đồng ý của Chánh án
Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phạm nhân
có thể được xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc mức giảm cao hơn so với quy định
ở khoản 1, khoản 2 Điều này.
Điều 9. Giảm thời hạn chấp hành
án phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội
1. Phạm nhân là người chưa thành niên phạm tội nếu
đã chấp hành được ít nhất một phần tư mức hình phạt đã tuyên và có đủ điều kiện
quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 6 Thông tư liên tịch này thì
có thể được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
2. Phạm nhân là người chưa thành niên phạm tội đã lập
công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm ngay mà không cần điều kiện
đã chấp hành được ít nhất một phần tư mức hình phạt đã tuyên.
3. Mức giảm mỗi lần cao nhất đối với phạm nhân là
người chưa thành niên phạm tội là bốn năm, nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế
chấp hành án ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên.
4. Phạm nhân là người chưa thành niên, nếu lập công
hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà sau khi được xét giảm, thời hạn chấp hành hình phạt
tù còn lại không quá một năm thì có thể được miễn chấp hành phần hình phạt tù
còn lại.
Chương 3.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ
ĐỀ NGHỊ XÉT GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Điều 10. Hội đồng xét, đề nghị
giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Các trại giam thuộc Bộ Công an thành lập Hội đồng
xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch, Phó
Giám thị phụ trách công tác giáo dục, hồ sơ làm ủy viên thường trực, Đội trưởng
Giáo dục và hồ sơ làm Ủy viên thư ký và các Ủy viên gồm: Các Phó Giám thị; các
Trưởng phân trại; Đội trưởng các đội: Tham mưu, Cảnh sát quản giáo, Trinh sát,
Cảnh sát bảo vệ - cơ động, Kế hoạch, hướng nghiệp, dạy nghề và xây dựng, Hậu cần,
tài vụ, Y tế và bảo vệ môi trường.
Trại giam có từ hai phân trại trở lên thì thành lập
Tiểu ban xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của phân trại do Phó
Giám thị phụ trách phân trại làm Trưởng tiểu ban, cán bộ giáo dục phân trại làm
Ủy viên thư ký và các ủy viên khác gồm: Trưởng phân trại, Tổ trưởng Cảnh sát quản
giáo, cán bộ trinh sát, y tế và Trung đội trưởng Cảnh sát bảo vệ của phân trại.
2. Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam
thuộc Công an cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành
án phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch, Phó Giám thị phụ trách Phân trại Quản lý
phạm nhân làm Ủy viên thường trực, Trưởng phân trại quản lý phạm nhân, Đội trưởng
Đội Quản giáo, Trung đội trưởng Cảnh sát bảo vệ, cán bộ trinh sát, giáo dục, y
tế của Phân trại Quản lý phạm nhân làm Ủy viên và Đội trưởng Đội Tham mưu làm ủy
viên thư ký.
3. Công an cấp huyện thành lập Hội đồng xét, đề nghị
giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự
Công an cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng, Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án
hình sự và hỗ trợ tư pháp là Ủy viên thường trực, cán bộ quản giáo, y tế là ủy
viên và cán bộ tổng hợp của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện là ủy viên
thư ký.
4. Các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng
hoặc thuộc quân khu thành lập Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án
phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch, Phó Giám thị làm Ủy viên thường trực, Trợ lý giam
giữ làm thư ký và các ủy viên gồm: Chính trị viên, Đội trưởng Quản giáo, Đội
trưởng Vệ binh, Quân y, Văn thư.
Điều 11. Hội đồng thẩm định hồ
sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự
thuộc Bộ Công an thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời
hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam và trại tạm giam thuộc Bộ Công an.
Thành phần Hội đồng gồm có: Cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng,
Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp làm Chủ tịch, một Phó Cục
trưởng Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng phụ trách công tác xét giảm
thời hạn chấp hành án phạt tù làm Ủy viên thường trực, Trưởng phòng Công tác đặc
xá, giảm thời hạn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thuộc Cục Giáo dục cải tạo
và hòa nhập cộng đồng làm Ủy viên thư ký và một Phó Trưởng phòng Công tác đặc
xá, giảm thời hạn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thuộc Cục Giáo dục cải tạo
và hòa nhập cộng đồng, một đại diện lãnh đạo cấp phòng của Cục Quản lý phạm
nhân, trại viên làm ủy viên.
2. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp
tỉnh thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm
thời hạn chấp hành án phạt tù của trại tạm giam Công an cấp tỉnh và Cơ quan thi
hành án hình sự Công an cấp huyện. Các thành viên Hội đồng gồm có: Trưởng phòng
Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là Ủy viên thường trực, Phó Trưởng
phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp phụ trách công tác thi hành
án hình sự là Ủy viên thư ký và các Ủy viên là đại diện lãnh đạo Văn phòng Công
an cấp tỉnh, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra.
3. Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự
thuộc Bộ Quốc phòng thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh
sách xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm
giam thuộc Bộ Quốc phòng.
Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu
thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời
hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam thuộc quân khu.
Điều 12. Lập hồ sơ, danh sách
đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Trước thời điểm xét giảm quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này, ít nhất là hai mươi ngày, các trại
giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bố trí cho
cán bộ quản giáo tổ chức họp đội phạm nhân để bình xét, giới thiệu, đề nghị giảm
thời hạn chấp hành án phạt tù cho những người có đủ điều kiện và biểu quyết bằng
hình thức giơ tay. Cuộc họp phải được lập biên bản, có chữ ký của cán bộ quản
giáo và phạm nhân ghi biên bản.
Trên cơ sở kết quả họp đội phạm nhân, cán bộ quản
giáo lập danh sách và đề xuất mức giảm cho từng phạm nhân để báo cáo trước Tiểu
ban của phân trại (đối với các trại giam có thành lập Tiểu ban) hoặc báo cáo Hội
đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm
giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
Trường hợp cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp
huyện có ít phạm nhân thì cán bộ quản giáo không tổ chức họp mà kiểm tra, rà
soát, lập danh sách phạm nhân có đủ điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt
tù, báo cáo Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của cơ
quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
2. Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án
phạt tù của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp
huyện họp nghe báo cáo kết quả xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
của các Tiểu ban (đối với các trại giam có thành lập Tiểu ban) hoặc của cán bộ
quản giáo phụ trách đội phạm nhân và xét duyệt, đề nghị giảm thời hạn cho từng
phạm nhân, sau đó hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách do Chủ tịch Hội đồng ký.
3. Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc
phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam thuộc quân khu, cơ
quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị xét
giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đến Hội đồng thẩm định có thẩm quyền để thẩm
định.
4. Hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Thi hành án
hình sự.
Điều 13. Thẩm định hồ sơ, danh
sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Trại giam thuộc Bộ Công an chuyển hồ sơ, danh
sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng
thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an để thẩm định.
Trại tạm giam thuộc Bộ Công an chuyển hồ sơ, danh sách đến Thủ trưởng đơn vị trực
tiếp quản lý để xét duyệt, sau đó chuyển cho Hội đồng thẩm định của Cơ quan quản
lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an thẩm định.
Hội đồng thẩm định tổ chức họp để thẩm định hồ sơ,
danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do trại giam, trại tạm
giam chuyển đến. Đối với trường hợp người được đề nghị giảm thời hạn chấp hành
án phạt tù là phạm nhân phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Hội đồng thẩm
định phải mời đại diện Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an dự họp hoặc gửi
văn bản đề nghị cho ý kiến trước khi Hội đồng họp. Sau khi thẩm định hồ sơ,
danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm
giam, Hội đồng tổng hợp kết quả và báo cáo Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành
án hình sự thuộc Bộ Công an duyệt.
Căn cứ kết quả thẩm định đã được Thủ trưởng Cơ quan
quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an duyệt, Giám thị trại giam, trại tạm
giam thuộc Bộ Công an hoàn thành hồ sơ, danh sách, làm văn bản để nghị Tòa án
nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù xem xét, quyết định,
đồng thời gửi một bộ hồ sơ, danh sách đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với
Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.
2. Giám thị trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh và
Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chuyển hồ sơ, danh
sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Hội đồng thẩm định của
Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm
định của Hội đồng, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an
cấp tỉnh phối hợp với trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp
huyện hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có văn bản đề nghị
Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
cho phạm nhân, đồng thời chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để thực hiện
chức năng kiểm sát.
3. Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng
chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm
nhân đến Hội đồng thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc
phòng để thẩm định. Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định hồ sơ, danh sách đề
nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do trại giam, trại tạm giam chuyển đến
và tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc
Bộ Quốc phòng duyệt.
Căn cứ kết quả thẩm định đã được Thủ trưởng Cơ quan
quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng duyệt, Giám thị trại giam, trại
tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách, làm văn bản đề nghị
Tòa án quân sự cấp quân khu nơi trại giam, trại tạm giam đóng xem xét, quyết định;
đồng thời, gửi một bộ hồ sơ, danh sách đến Viện kiểm sát quân sự cùng cấp với
Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.
4. Trại giam thuộc quân khu chuyển hồ sơ, danh sách
đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng thẩm
định của quân khu để thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm định, kiểm tra của Hội đồng,
Giám thị trại giam thuộc quân khu có văn bản đề nghị Tòa án quân sự cấp quân
khu xem xét, quyết định, đồng thời, gửi một bộ hồ sơ, danh sách cho Viện kiểm
sát quân sự cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của
pháp luật.
5. Trại tạm giam thuộc quân khu chuyển hồ sơ, danh
sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng
thẩm định của quân khu để thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm định, kiểm tra của Hội
đồng, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phối hợp với trại tạm giam hoàn
chỉnh hồ sơ, danh sách, làm văn bản đề nghị Tòa án quân sự cấp quân khu xem
xét, quyết định; đồng thời, gửi một bộ hồ sơ, danh sách đến Viện kiểm sát quân
sự cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Giải quyết trường hợp
phạm nhân đã được đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà vi phạm Nội
quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật trước
khi có quyết định xét giảm của Tòa án
Trường hợp phạm nhân đã được đề nghị xét giảm thời
hạn chấp hành án phạt tù mà vi phạm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm
giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật trước khi có quyết định giảm của Tòa án,
thì Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự
Công an cấp huyện phải báo cáo kịp thời với Thủ trưởng cơ quan thẩm định quy định
tại Điều 13 của Thông tư liên tịch này, Tòa án có thẩm quyền
xét giảm và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án để loại phạm nhân đó ra khỏi danh
sách xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Chương 4.
XÉT GIẢM VÀ THI HÀNH QUYẾT
ĐỊNH GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Điều 15. Xét giảm thời hạn chấp
hành án phạt tù
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp
quân khu mở phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù bằng Hội đồng gồm
ba Thẩm phán, có sự tham gia của Kiểm sát viên cùng cấp.
Hội đồng có thể họp tại trụ sở Tòa án hoặc tại trại
giam, trại tạm giam nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù.
2. Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được
tiến hành như sau:
- Một thành viên của Hội đồng trình bày hồ sơ đề
nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ
Công an, Bộ Quốc phòng hoặc Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ
quan thi hành án hình sự cấp quân khu gửi đến;
- Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến;
- Hội đồng thảo luận và xem xét, quyết định.
3. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của Viện kiểm
sát, Hội đồng quyết định:
a) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành
án phạt tù;
b) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị giảm thời
hạn chấp hành án phạt tù.
Hội đồng không được quyết định mức giảm cao hơn mức
đề nghị của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trại giam
thuộc quân khu hoặc Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi
hành án hình sự cấp quân khu;
c) Đối với phạm nhân được đề nghị xét giảm, đến
ngày Hội đồng họp xét giảm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại không quá một
tháng, thì Hội đồng có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại.
Điều 16. Kháng nghị và phúc thẩm
quyết định của Tòa án về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Quyết định của Tòa án về giảm thời hạn chấp hành án
phạt tù có thể bị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp
kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp
là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười lăm ngày, kể từ ngày
Tòa án ra quyết định. Việc phúc thẩm quyết định của Tòa án về giảm thời hạn chấp
hành án phạt tù được thực hiện theo quy định tại Điều 253 của Bộ
luật Tố tụng hình sự.
Điều 17. Thi hành Quyết định của
Tòa án về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Quyết định của Tòa án về giảm thời hạn chấp hành
án phạt tù có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục
phúc thẩm; trường hợp thời gian được giảm bằng thời hạn tù còn lại phải chấp
hành thì quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay.
2. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án
hình sự Công an cấp huyện phải tổ chức công bố công khai quyết định của Tòa án
về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho toàn thể phạm nhân đang chấp hành án
phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ biết và làm thủ tục trừ thời
hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân để lưu hồ sơ phạm nhân.
3. Sau khi công bố quyết định giảm thời hạn chấp
hành án phạt tù cho phạm nhân, Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công
an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu tổng
hợp tình hình, kết quả cụ thể báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ
Công an, Bộ Quốc phòng để theo dõi, chỉ đạo.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 01 tháng 7 năm 2013.
Các văn bản trước đây của Bộ Công an, Bộ Quốc
phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực
hiện các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trái với Thông tư liên
tịch này đều bãi bỏ.
Điều 19. Trách nhiệm thi hành
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thuộc
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân, Tòa án Quân sự, Viện kiểm sát nhân
dân, Viện kiểm sát Quân sự chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch, nếu
có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án
nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để có hướng dẫn kịp thời./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
Trung tướng Lê Quý Vương
|
KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN
NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN THƯỜNG TRỰC
Đặng Quang Phương
|
KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
Trần Công Phàn
|