Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư liên tịch 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC phối hợp thi hành tạm giữ tạm giam

Số hiệu: 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Người ký: Nguyễn Văn Sơn, Lê Hữu Thể, Lê Chiêm, Nguyễn Trí Tuệ
Ngày ban hành: 23/01/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2018

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH VỀ QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CƠ SỞ GIAM GIỮ VỚI CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG VÀ VIỆN KIỂM SÁT CÓ THẨM QUYỀN KIỂM SÁT QUẢN LÝ, THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 06 năm 2015;

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên tịch ban hành quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Thông tư liên tịch này quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân với cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong việc thi hành tạm giữ, tạm giam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Cơ quan Điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Cơ quan Điều tra.

3. Cơ quan, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra.

4. Viện kiểm sát, người có thẩm quyền thuộc Viện kiểm sát có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

5. Tòa án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Tòa án.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Việc phối hợp phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam quy định tại Điều 4 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Việc phối hợp phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

3. Việc phối hợp phải bảo đảm chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo Điều kiện hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ.

4. Việc phối hợp phải bảo đảm chế độ bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Phối hợp trong giao, nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tài liệu, hồ sơ kèm theo, đồ vật, tư trang, tiền, tài sản khác và trao đổi thông tin cần thiết liên quan đến người bị tạm giữ, người bị tạm giam với cơ sở giam giữ để phân loại, bố trí giam giữ.

2. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra người, tài liệu, hồ sơ để xác định đúng người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo lệnh, quyết định của người có thẩm quyền; việc giao, nhận phải lập biên bản.

3. Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam cơ sở giam giữ có trách nhiệm khám sức khỏe, kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam, trẻ em dưới 36 tháng tuổi đi theo (nếu có). Trường hợp phát hiện người bị tạm giữ, người bị tạm giam có thương tích, bị bệnh nặng hoặc có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng Điều khiển hành vi của mình thì cơ sở giam giữ phối hợp với cơ quan, người bàn giao đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ sở y tế cấp huyện trở lên để khám xác định mức độ bệnh tật, tình trạng sức khỏe, thương tích của họ. Biên bản giao, nhận phải ghi rõ mức độ bệnh tật, tình trạng sức khỏe, dấu vết thương tích, kèm theo hồ sơ khám xác định bệnh tật, thương tích của cơ sở y tế.

4. Khi bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho cơ sở giam giữ, cơ quan đang thụ lý vụ án thấy việc cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 22 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; văn bản nêu rõ lý do, thời hạn không cho gặp; cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ biết khi có yêu cầu thăm gặp.

Điều 5. Phối hợp trong bố trí giam giữ để bảo đảm yêu cầu Điều tra

1. Khi có yêu cầu bố trí giam giữ để bảo đảm yêu cầu Điều tra thì Cơ quan Điều tra đang thụ lý vụ án có văn bản nêu rõ nội dung và thời gian áp dụng, gửi Thủ trưởng cơ sở giam giữ để thực hiện. Đồng thời thường xuyên trao đổi với cơ sở giam giữ về những thông tin liên quan; phối hợp với cơ sở giam giữ bảo đảm tuyệt, đối an toàn trong việc bố trí giam giữ. Khi kết thúc, Cơ quan Điều tra đang thụ lý vụ án có văn bản đánh giá kết quả và gửi Thủ trưởng cơ sở giam giữ.

2. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm phối hợp thực hiện bố trí giam giữ để bảo đảm yêu cầu Điều tra; trường hợp không thể thực hiện được thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phải trao đổi ngay bằng văn bản với Cơ quan Điều tra đang thụ lý vụ án.

3. Khi Viện kiểm sát tiến hành kiểm sát việc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cơ sở giam giữ phải thông báo cho Kiểm sát viên biết việc bố trí giam giữ phục vụ yêu cầu Điều tra.

Điều 6. Trao đổi thông tin

1. Cơ quan đang thụ lý vụ án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm trao đổi kịp thời các thông tin có liên quan về người bị tạm giữ, người bị tạm giam phục vụ công tác quản lý giam giữ.

2. Khi có yêu cầu của cơ quan đang thụ lý vụ án, cơ sở giam giữ trao đổi thông tin về diễn biến tư tưởng, thái độ chấp hành nội quy cơ sở giam giữ, tình trạng sức khỏe và các thông tin liên quan đến người bị tạm giữ, người bị tạm giam phục vụ công tác giải quyết vụ án.

Cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trước khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam theo quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 13 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

3. Cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm xử lý kịp thời thông báo của cơ sở giam giữ về thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; thông báo bằng văn bản cho cơ sở giam giữ biết khi chuyển hồ sơ vụ án đến cơ quan khác thụ lý.

Điều 7. Phối hợp quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi trích xuất để thực hiện hoạt động Điều tra, truy tố, xét xử tại cơ sở giam giữ

1. Cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam để phục vụ hoạt động Điều tra, truy tố, xét xử hoặc tống đạt các lệnh, quyết định tố tụng và văn bản hành chính tư pháp của Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân với bị can, bị cáo bên trong khu vực cơ sở giam giữ thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ cử cán bộ áp giải, bàn giao và phối hợp quản lý, giám sát. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm trực tiếp quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong quá trình làm việc đảm bảo an toàn, đúng quy định. Việc giao, nhận phải ghi chép đầy đủ và ký nhận vào sổ.

2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công giải quyết vụ án khi có yêu cầu làm việc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại cơ sở giam giữ thì phải xuất trình quyết định phân công thụ lý, giải quyết vụ án hoặc văn bản đồng ý của Thủ trưởng hoặc người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án.

Trường hợp có yêu cầu làm việc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam của vụ án khác, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng hoặc người có thẩm quyền cơ quan đang thụ lý vụ án đó.

3. Trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công giải quyết vụ án có yêu cầu đưa bị can, bị cáo đang tại ngoại hoặc người tham gia tố tụng khác để thực hiện các hoạt động tố tụng tại cơ sở giam giữ phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng hoặc người có thẩm quyền cơ quan đang thụ lý vụ án và gửi cho Thủ trưởng cơ sở giam giữ biết trước khi thực hiện.

Điều 8. Phối hợp quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi trích xuất ra ngoài cơ sở giam giữ để phục vụ hoạt động Điều tra, truy tố

1. Trường hợp thực hiện lệnh trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra ngoài khu vực cơ sở giam giữ, cơ quan áp giải phải có kế hoạch áp giải, quản lý; việc giao, nhận phải lập biên bản, ghi rõ tình trạng sức khỏe của người đó và ghi vào sổ theo dõi; cơ sở giam giữ trao đổi những thông tin liên quan đến người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho cán bộ có trách nhiệm áp giải, quản lý.

Trường hợp trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam để phục vụ hoạt động Điều tra trong vụ án khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan đang thụ lý vụ án đó.

2. Khi hết thời hạn trích xuất hoặc chưa hết thời hạn trích xuất nhưng đã hoàn thành Mục đích trích xuất thì cơ quan có yêu cầu trích xuất, cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải bàn giao người được trích xuất cho cơ sở giam giữ; Thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định.

Trường hợp hết thời hạn trích xuất, nếu có nhu cầu tiếp tục trích xuất thì cơ quan có yêu cầu trích xuất phải có lệnh gia hạn trích xuất, ghi rõ lý do; thời hạn trích xuất và gia hạn trích xuất không được dài hơn thời hạn tạm giữ, tạm giam còn lại và thông báo cho cơ sở giam giữ biết.

3. Trường hợp trích xuất nhiều người bị tạm giữ, người bị tạm giam cùng một lúc hoặc đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm ra ngoài khu vực cơ sở giam giữ phục vụ hoạt động tố tụng thì cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải phải có kế hoạch để đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Điều 9. Phối hợp giải quyết cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân

1. Việc phối hợp trong tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân thực hiện theo quy định tại Điều 22 và Điều 34 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu giám sát, theo dõi việc thăm gặp thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ kịp thời thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết thời điểm thăm gặp để phối hợp. Cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu giám sát, theo dõi việc thăm gặp thì cử cán bộ phối hợp với cơ sở giam giữ để thực hiện.

3. Khi tổ chức thăm gặp, nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc thân nhân của họ có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì cán bộ giám sát phải dừng ngay cuộc gặp và lập biên bản báo cáo với Thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý.

Điều 10. Phối hợp giải quyết cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp người bào chữa

1. Việc phối hợp, tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp người bào chữa thực hiện theo quy định tại Điều 80 của Bộ luật Tố tụng hình sựĐiều 22, Điều 34 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát. Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bào chữa có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì người có thẩm quyền giám sát phải dừng ngay cuộc gặp và lập biên bản, báo cáo với Thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý.

4. Trường hợp người bào chữa có yêu cầu gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại nơi khám bệnh, chữa bệnh ngoài cơ sở giam giữ thì cơ sở giam giữ trao đổi với bác sỹ Điều trị; trường hợp được sự đồng ý của bác sỹ Điều trị thì cơ sở giam giữ thông báo cho người bào chữa biết, đồng thời thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án để có biện pháp phối hợp kịp thời. Người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ phải quản lý, giám sát chặt chẽ không để người bào chữa đưa, chuyển đồ vật cấm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc có vi phạm khác về việc thăm gặp, gây cản trở việc giải quyết vụ án.

Điều 11. Phối hợp trong việc tổ chức thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự, tổ chức nhân đạo đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài

1. Việc phối hợp tổ chức thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự, tổ chức nhân đạo đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài thực hiện theo Điều 22 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Khi nhận được yêu cầu tiếp xúc lãnh sự, tổ chức nhân đạo đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài, cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ sở giam giữ trả lời bằng văn bản về việc đồng ý hoặc không đồng ý cho tiếp xúc lãnh sự, tổ chức nhân đạo để thông báo cho cơ quan ngoại giao, tổ chức nhân đạo.

Trường hợp đồng ý cho tiếp xúc lãnh sự, tổ chức nhân đạo thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm, địa điểm tổ chức tiếp xúc lãnh sự, tổ chức nhân đạo bằng văn bản, lưu hồ sơ giam giữ.

Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu giám sát thì phối hợp với cơ sở giam giữ để tổ chức thực hiện.

Điều 12. Phối hợp trong việc Điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam giữa các cơ sở giam giữ

1. Phối hợp trong việc Điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam giữa các cơ sở giam giữ thực hiện theo Khoản 4 Điều 19 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Khi nhận được quyết định Điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan, người có thẩm quyền thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ nơi chuyển đi có trách nhiệm bàn giao người, hồ sơ, đồ vật, tư trang, tiền, tài sản khác đã gửi lưu ký cho cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải Điều chuyển. Cơ sở giam giữ nơi nhận có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận, bố trí giam giữ, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam biết.

Điều 13. Phối hợp quản lý người bị tạm giam khi trích xuất phục vụ xét xử tại phiên tòa

1. Tòa án có thẩm quyền phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử và lệnh trích xuất người bị tạm giam cho cơ sở giam giữ nơi đang giam giữ người bị tạm giam chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, đồng thời trao đổi với cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải về tính chất phức tạp của vụ án, mức độ nguy hiểm, số lượng đối tượng đưa ra xét xử.

2. Cơ quan có nhiệm vụ áp giải phải phối hợp với cơ sở giam giữ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc áp giải người bị tạm giam đến địa điểm mở phiên tòa đúng thời gian, phối hợp với lực lượng bảo vệ phiên tòa đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình áp giải và quá trình xét xử tại phiên tòa.

3. Cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải có trách nhiệm bàn giao người bị tạm giam được trích xuất để phục vụ xét xử tại phiên tòa cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Khi kết thúc phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm bàn giao người bị tạm giam được trích xuất cho cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải, trừ trường hợp người bị tạm giam là bị cáo được trả tự do theo bản án, quyết định của Tòa án; trường hợp hết thời hạn tạm giam thì phải kèm theo Quyết định tạm giam, trừ trường hợp bị cáo bị phạt tử hình theo quy định tại Khoản 4 Điều 329 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc bàn giao phải được lập thành biên bản, có ghi rõ tình trạng sức khỏe.

4. Trong quá trình xét xử, trường hợp phiên tòa tạm nghỉ mà không có Điều kiện áp giải người bị tạm giam về cơ sở giam giữ phải lưu lại tại nơi xét xử thì Tòa án bố trí nơi để quản lý người bị tạm giam; cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải có trách nhiệm quản lý, giám sát chặt chẽ, phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức cho người bị tạm giam ăn, uống theo chế độ quy định.

Điều 14. Phối hợp quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi đưa đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế ngoài cơ sở giam giữ và giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần

1. Trường hợp đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế ngoài cơ sở giam giữ thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ ra lệnh trích xuất; đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án, Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam biết và thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam biết để phối hợp chăm sóc, Điều trị.

Khi nhận được thông báo của cơ sở giam giữ, nếu cần phối hợp quản lý, giám sát thì cơ quan đang thụ lý vụ án cử cán bộ phối hợp với cơ sở giam giữ để có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh.

2. Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án cần làm việc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại nơi khám bệnh, chữa bệnh phải trao đổi trực tiếp và được sự nhất trí của bác sỹ Điều trị và phối hợp với cơ sở giam giữ để thực hiện.

3. Trường hợp cần trưng cầu giám định pháp y, pháp y tâm thần đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì cơ quan đang thụ lý vụ án chủ trì hoàn chỉnh các thủ tục đề nghị giám định, phối hợp với cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến nơi giám định.

Cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan giám định quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong quá trình giám định. Cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm gửi bản sao kết quả giám định cho cơ sở giam giữ.

Trường hợp có quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan đang thụ lý vụ án chủ trì phối hợp với cơ sở giam giữ đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ sở chữa bệnh nêu trong quyết định.

Điều 15. Phối hợp giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn

1. Việc phối hợp giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn được thực hiện theo Điều 25 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam trốn khỏi cơ sở giam giữ thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức ngay lực lượng truy bắt đối tượng bỏ trốn, áp dụng các biện pháp khẩn cấp, bảo vệ hiện trường, lập biên bản, báo cáo vụ việc với cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trực tiếp. Đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án; Cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

3. Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn trong trường hợp được trích xuất ra ngoài cơ sở giam giữ hoặc tại phiên tòa thì cơ quan, người có trách nhiệm áp giải phải tổ chức truy bắt ngay đối tượng bỏ trốn, đồng thời thông báo cho cơ sở giam giữ, cơ quan đang thụ lý vụ án; Cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.

4. Khi nhận được thông báo của Thủ trưởng cơ sở giam giữ về việc người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn, Cơ quan Điều tra phối hợp truy bắt và tiến hành các hoạt động Điều tra theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Phối hợp giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết

1. Việc phối hợp giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết thực hiện theo Điều 26 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Thủ trưởng cơ sở giam giữ có trách nhiệm báo cáo vụ việc với cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trực tiếp. Đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án, Cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

3. Cơ quan Điều tra vụ án có người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết phải trao đổi với cơ sở giam giữ những thông tin liên quan đến việc đảm bảo an ninh, trật tự đối với trường hợp giải quyết cho thân nhân của người chết có đơn đề nghị xin nhận thi hài về an táng.

4. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết mà không có nơi cư trú rõ ràng, không xác định được thân nhân, người đại diện hợp pháp thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ trao đổi thống nhất với Cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền để tổ chức an táng.

Điều 17. Phối hợp trong việc trực tiếp kiểm sát tại cơ sở giam giữ

1. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát tại cơ sở giam giữ theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; cử cán bộ phối hợp khi Kiểm sát viên gặp, hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam về việc tạm giữ, tạm giam; kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam và thực hiện ngay quyết định trả tự do cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền.

2. Việc kiểm sát hàng ngày tại nhà tạm giữ, hàng tuần tại trại tạm giam của Viện kiểm sát phải được ghi vào sổ, nếu phát hiện vi phạm phải lập biên bản có ký xác nhận của đại diện cơ sở giam giữ và Kiểm sát viên.

Việc kiểm sát định kỳ, đột xuất phải có quyết định và do Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được phân công tiến hành khi kết thúc phải có kết luận bằng văn bản. Trước khi tiến hành kiểm sát định kỳ ít nhất 05 ngày làm việc, Viện kiểm sát có quyết định, kế hoạch gửi cho cơ sở giam giữ. Quyết định, kết luận kiểm sát, kiến nghị và kháng nghị (nếu có) phải được gửi cho cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp trên trực tiếp để phối hợp chỉ đạo.

3. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm bố trí phòng hoặc địa điểm làm việc; cung cấp hồ sơ, tài liệu và báo cáo các nội dung theo yêu cầu để Viện kiểm sát thực hiện kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Phối hợp trong việc xử lý các vụ, việc đột xuất tại cơ sở giam giữ

1. Khi xảy ra các vụ, việc đột xuất như thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; người bị tạm giữ, người bị tạm giam có hành vi chống phá, gây rối trật tự, phạm tội mới hoặc các vụ, việc đột xuất khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo an toàn của cơ sở giam giữ thì cơ sở giam giữ phải báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trực tiếp và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Trường hợp do Điều kiện thực tế mà nhà tạm giữ, trại tạm giam, buồng tạm giữ đồn biên phòng không thể đáp ứng được yêu cầu giam giữ riêng hoặc để đảm bảo an toàn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ chủ trì, phối hợp với cơ quan đảng thụ lý vụ án để ra quyết định bằng văn bản về những người được giam giữ chung.

Trường hợp để bảo đảm yêu cầu Điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan đang thụ lý vụ án chủ trì, phối hợp với cơ sở giam giữ để Thủ trưởng cơ sở giam giữ ra quyết định bằng văn bản về những người được giam giữ chung.

Cơ sở giam giữ thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam về những người được giam giữ chung khi kiểm sát tại cơ sở giam giữ.

Điều 19. Phối hợp thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

1. Việc phối hợp thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời cho Viện kiểm sát trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Điều 20. Phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

1. Cơ sở giam giữ khi nhận được khiếu nại, tố cáo về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thì phải vào sổ theo dõi; trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại, tố cáo phải chuyển đơn đến Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam giải quyết theo quy định.

2. Viện kiểm sát có thẩm quyền có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và người bị khiếu nại trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định giải quyết khiếu nại; thông báo về kết luận nội dung tố cáo cho người tố cáo theo yêu cầu.

Điều 21. Phối hợp trong huy động lực lượng của cơ sở giam giữ

1. Cơ quan đang thụ lý vụ án nếu có yêu cầu cơ sở giam giữ cử người tham gia phối hợp thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự thì phải có văn bản trao đổi trước ít nhất 01 ngày với cơ sở giam giữ về nội dung, yêu cầu phối hợp, số lượng người tham gia, thời gian, địa điểm thực hiện.

Thủ trưởng cơ sở giam giữ có trách nhiệm cử người tham gia phối hợp thực hiện yêu cầu của cơ quan đang thụ lý vụ án theo chức năng, nhiệm vụ được giao; nếu không thể thực hiện được yêu cầu thì phải trao đổi lại ngay để cơ quan đang thụ lý vụ án biết.

2. Các trường hợp tiến hành hoạt động tố tụng hình sự trong cơ sở giam giữ thì cơ quan, người tiến hành tố tụng phải trao đổi thống nhất với Thủ trưởng cơ sở giam giữ về nội dung, yêu cầu cần phối hợp và chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 3 năm 2018.

Điều 23. Trách nhiệm tổ chức thi hành

1. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để có hướng dẫn, giải quyết kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Lê Chiêm

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




Trung tướng Nguyễn Văn Sơn

KT. CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Trí Tuệ

KT. VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Lê Hữu Thể


Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Công an;
- Bộ Quốc phòng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử các bộ, ngành: BCA, BQP, TANDTC, VKSNDTC;
- Lưu: VT, V19, BCA (C81-C84); BQP (C87), TANDTC (vụ PC&QLKH), VKSNDTC (Vụ 8, Vụ 14).

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư liên tịch 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


59.705

DMCA.com Protection Status
IP: 3.12.154.133
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!