CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
98/2002/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2002
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 98/2002/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2002 SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ VỀ TẠM GIỮ, TẠM GIAM BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ
ĐỊNH SỐ 89/1998/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 11 NĂM 1998 CỦA CHÍNH PHỦ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ
Tư pháp,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm
theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ (sau
đây viết gọn là Quy chế), như sau:
1. Sửa đổi, bổ
sung khoản 1 Điều 6 của Quy chế như
sau:
"1. Mỗi Công an cấp huyện,
mỗi Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương
được tổ chức một nhà tạm giữ. Nhà tạm giữ có một số buồng tạm giam và phải treo
biển "Buồng tạm giam". Đối với nhà tạm giữ thường xuyên có từ 30 người
bị tạm giữ, tạm giam trở lên được bố trí thêm buồng để quản lý phạm nhân phục vụ
việc nấu ăn, đưa cơm, vận chuyển quà và đồ dùng sinh hoạt, làm vệ sinh, sửa chữa
nhà tạm giữ, phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ giam, giữ và phải treo biển "Buồng
quản lý phạm nhân".
Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng quyết định cụ thể nhà tạm giữ được bố trí buồng quản lý phạm nhân
và quy định quy mô, tiêu chuẩn phạm nhân tại buồng này. Chế độ quản lý, giáo dục
và chế độ khác có liên quan đối với phạm nhân được để ở nhà tạm giữ thực hiện
theo quy định của pháp luật về thi hành án phạt tù. Đồn biên phòng ở biên giới,
hải đảo xa trung tâm hành chính cấp huyện thì được lập Buồng tạm giữ. Buồng tạm
giữ ở Đồn biên phòng phải treo biển "Buồng tạm giữ".
2. Sửa đổi, bổ
sung khoản 3 Điều 15 của Quy chế như
sau:
"3. Mỗi trại tạm giam có một
cơ sở chấp hành hình phạt tù (gọi là Phân trại quản lý phạm nhân) để thường
xuyên phục vụ việc nấu ăn, đưa cơm, vận chuyển qùa, đồ dùng sinh hoạt, làm vệ
sinh, sửa chữa, xây dựng trại tạm giam, nhà tạm giữ và phục vụ các yêu cầu nghiệp
vụ giam, giữ. Việc thi hành án phạt tù ở phân trại quản lý phạm nhân phải thực
hiện theo Pháp lệnh Thi hành án phạt tù và Quy chế trại giam. Bộ trưởng Bộ Công
an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, giải thể phân trại quản lý phạm
nhân trong trại tạm giam và quy định quy mô, tiêu chuẩn phạm nhân, của phân trại
quản lý phạm nhân trong trại tạm giam ".
3. Sửa đổi, bổ
sung khoản 1 và khoản 3 Điều 20 của Quy chế như sau:
"1. Việc đưa người bị tạm
giữ, tạm giam khỏi nơi giam, giữ chỉ được thực hiện khi có Lệnh trích xuất bằng
văn bản của cơ quan có thẩm quyền được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự
hoặc có văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền thuộc các trường hợp quy định
tại khoản 2 Điều 21 Quy chế này. Trường hợp cần cấp cứu, khám và chữa bệnh ngay
cho người bị tạm giữ, tạm giam tại cơ sở y tế ở ngoài Nhà tạm giữ, Trại tạm
giam thì Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam có quyền ra lệnh trích xuất,
sau đó phải thông báo ngay cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết.
3. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị
Trại tạm giam phải có sổ theo dõi hàng ngày việc đưa người bị tạm giữ, tạm giam
khỏi nơi giam, giữ".
4. Sửa đổi, bổ
sung Điều 21 của Quy chế như sau:
"1. Việc trích xuất người bị
tạm giam, tạm giữ để tiến hành các hoạt động ở bên ngoài khu vực trại tạm giam,
nhà tạm giữ trong các trường hợp sau:
a) Đưa đi khám, chữa bệnh, giám
định pháp y; giám định pháp ý tâm thần;
b) Để thực hiện
các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử;
c) Cho gặp thân nhân, luật sư hoặc
người bào chữa khác;
d) Cho người nước ngoài bị tạm
giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo theo quy
định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, hoặc theo sự
thoả thuận trực tiếp của Nhà nước Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm
giam hoặc vì lý do đối ngoại đối với từng trường hợp cụ thể.
2. Ngoài những trường hợp trích
xuất quy định tại khoản 1 Điều này, Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam
có trách nhiệm bàn giao người bị tạm giữ, tạm giam trong các trường hợp dưới
đây:
a) Khi có quyết định của cơ quan
quản lý trại giam đưa người bị kết án phạt tù đến trại giam;
b) Khi có quyết định của Hội đồng
thi hành án tử hình đưa người bị kết án tử hình đi thi hành án tử hình;
c) Khi có quyết định của cơ quan
thụ lý vụ án chuyển người bị tạm giữ, tạm giam đến nơi giam, giữ khác;
d) Để tiến hành các hoạt động
quy định tại khoản 1 Điều này ở bên trong khu vực nhà tạm giữ, trại tạm giam.
Trong trường hợp đó, Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam căn cứ vào quyết
định phân công thụ lý vụ án, văn bản của cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý cho
thân nhân, luật sư, người bào chữa khác, đại diện cơ quan, tổ chức nước ngoài
thăm gặp, tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam để quyết định đưa người bị tạm
giữ, tạm giam ra khỏi buồng giam, giữ ".
5. Sửa đổi đoạn
thứ hai khoản 1 Điều 26 của Quy chế như sau:
"1...
Một tháng không quá hai lần, người
bị tạm giam được nhận quà và đồ dùng sinh hoạt của thân nhân gửi đến; người bị
tạm giữ chỉ được nhận quà và đồ dùng sinh hoạt của thân nhân một lần trong thời
gian tạm giữ; định lượng quà cho mỗi ngày bị tạm giữ, tạm giam không được vượt
quá hai lần tiêu chuẩn ăn hàng ngày. Nghiêm cấm người bị tạm giữ, tạm giam dùng
rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích độc hại khác. Trưởng Nhà tạm giữ,
Giám thị Trại tạm giam tổ chức tiếp nhận và kiểm tra chặt chẽ quà và đồ dùng
sinh hoạt; loại bỏ các vật bị cấm và giao lại đầy đủ cho người bị tạm giữ, tạm
giam; kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt quà, đồ dùng sinh
hoạt của người bị tạm giam, tạm giữ. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng quy định cụ thể quà và đồ dùng sinh hoạt mà thân nhân người bị tạm giữ, tạm
giam được phép gửi và quy định việc tổ chức bán các thứ cần thiết trong các trại
tạm giam. Việc sử dụng quà và đồ dùng sinh hoạt do thân nhân gửi được quy định
cụ thể trong nội quy nhà tạm giữ, trại tạm giam".
6. Sửa đổi, bổ
sung khoản 3 và khoản 5 Điều 32 của Quy chế như sau:
"3. Người bị tạm giữ, tạm
giam vi phạm quy chế, nội quy của nhà tạm giữ, trại tạm giam thì tuỳ theo tính
chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật sau:
- Cảnh cáo;
- Phạt giam riêng ở buồng kỷ luật
từ 3 ngày đến 7 ngày và có thể bị gia hạn đến 12 ngày. Người bị phạt giam ở buồng
kỷ luật có thể bị cùm một chân. Thời gian bị cùm chân do Trưởng Nhà tạm giữ,
Giám thị Trại tạm giam quyết định, nhưng không quá 10 ngày. Không áp dụng hình
thức kỷ luật cùm chân đối với người chưa thành niên, phụ nữ.
5. Việc thi hành kỷ luật đối với
người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm Quy chế và nội quy nhà tạm giữ, trại tạm
giam do Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam quyết định bằng văn bản.
Biên bản việc vi phạm và quyết định hình thức kỷ luật được đưa vào hồ sơ của
người đó. Trong thời gian chấp hành kỷ luật, nếu người bị kỷ luật có tiến bộ
thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam xét được giảm thời hạn kỷ luật".
Điều 2.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Bãi bỏ các khoản
1 Điều 6, khoản 3 Điều 15, khoản 1, khoản 3 Điều 20, Điều 21, khoản 1 Điều 26,
khoản 3, khoản 5 Điều 32 của Quy chế tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định
số 89/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chịu
trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, đôn đốc
việc thi hành Nghị định này.
Điều 3.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm thi hành Nghị định này.