Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 120/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật thi hành tạm giữ tạm giam

Số hiệu: 120/2017/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 06/11/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Chế độ cho trẻ dưới 36 tháng ở cùng mẹ bị tạm giữ, tạm giam

Ngày 06/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 120/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Theo đó, trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng như sau:

- Bảo đảm định lượng ăn như người bị tạm giữ, tạm giam khác, được tăng thêm 30% định lượng về thịt, cá và hoán đổi phù hợp với nhu cầu của trẻ;

- Cấp thẻ bảo hiểm y tế;
 
- Ngày Quốc tế thiếu nhi, Trung thu hưởng chế độ ăn gấp 02 lần ngày thường;

- Mỗi tháng được cấp sữa, đồ dùng sinh hoạt cần thiết giá trị tương đương 20 kg gạo tẻ loại trung bình;
 
- Bảo đảm các quyền cơ bản theo quy định của Luật trẻ em 2016;

- Được chăm sóc y tế, tiêm phòng, trường hợp bệnh vượt quá khả năng điều trị của bệnh xá được chuyển đến cơ sở y tế của Nhà nước để điều trị;

- Được thanh toán chi phí thực tế trong khám, chữa bệnh;
 
- Nếu trẻ chết, kinh phí an táng thực hiện như đối với người bị tạm giữ, tạm giam chết.

Nghị định 120/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) bãi bỏ Nghị định 89/1998/NĐ-CP ; Nghị định 98/2002/NĐ-CP và Nghị định 09/2011/NĐ-CP.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 120/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2017

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế (gọi chung là chế độ) đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ; việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Điều 3. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam

Kinh phí cho hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam và chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương II

CHẾ ĐỘ ĂN, MẶC, CHĂM SÓC Y TẾ ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, NGƯỜI BỊ TẠM GIAM; CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG TRẺ EM DƯỚI 36 THÁNG TUỔI Ở CÙNG MẸ TRONG CƠ SỞ GIAM GIỮ

Điều 4. Định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Định mức ăn trong một tháng của người bị tạm giam gồm: 17 kg gạo tẻ loại trung bình, 0,5 kg đường loại trung bình, 15 kg rau, 0,7 kg thịt, 0,8 kg cá, 01 kg muối, 0,75 lít nước chấm, 0,1 kg bột ngọt và chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than, 45 kw/h điện, 3 m3 nước để đảm bảo phục vụ ăn, uống và sinh hoạt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Định mức ăn của người bị tạm giữ được tính theo ngày trên cơ sở định mức ăn của người bị tạm giam.

Định mức trên do Nhà nước cấp và quy ra tiền theo thời giá thị trường ở địa phương nơi có cơ sở giam giữ.

2. Định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam ốm đau, bệnh tật, thương tích do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định theo chỉ định của cơ sở y tế điều trị, nhưng không quá 02 lần so với tiêu chuẩn ăn ngày thường.

3. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hưởng định mức ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam khác và được ăn tăng thêm 30% định lượng về thịt, cá. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sinh con được thanh toán viện phí và bồi dưỡng bằng hiện vật trị giá tương đương 30 kg gạo tẻ loại trung bình.

4. Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định tại khoản 1 Điều này, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quà, tiền gửi lưu ký để ăn thêm nhưng không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

5. Định mức ăn đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài thực hiện như quy định đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người Việt Nam; trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó; trường hợp vì lý do đối ngoại khác sẽ do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.

Điều 5. Tổ chức bếp ăn phục vụ người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Mỗi cơ sở giam giữ được tổ chức bếp ăn có đủ các dụng cụ cần thiết để bảo quản lương thực, thực phẩm, phục vụ việc nấu ăn, cung cấp suất ăn, nước uống cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam phù hợp với địa điểm, quy mô và nhu cầu thực tế của cơ sở giam giữ. Việc tổ chức bếp ăn ở cơ sở giam giữ phải bảo đảm đúng định mức ăn và vệ sinh, an toàn thực phẩm.

2. Trường hợp các cơ sở giam giữ do quy mô và số lượng người bị tạm giữ, người bị tạm giam không tổ chức được bếp ăn riêng thì tổ chức nấu ăn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại bếp ăn tập thể của đơn vị quản lý cơ sở giam giữ.

Điều 6. Chế độ mặc và tư trang của người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quần, áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân, nếu thiếu thì cơ sở giam giữ cho mượn theo tiêu chuẩn mỗi người gồm: 01 chiếu, 01 màn cá nhân, 01 đôi dép, 02 bộ quần áo dài, 01 áo ấm mùa đông và 01 chăn (các cơ sở giam giữ từ thành phố Đà Nẵng trở vào dùng chăn sợi, từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra dùng chăn bông loại không quá 02 kg).

Người bị tạm giữ được cấp 01 bàn chải đánh răng, kem đánh răng loại thường không quá 20g, 01 khăn rửa mặt.

Người bị tạm giam được cấp 01 bàn chải đánh răng, kem đánh răng loại thường không quá 100g dùng trong 02 tháng, 01 khăn rửa mặt dùng trong 04 tháng, mỗi tháng được cấp 0,3 kg xà phòng giặt.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ giá trị tương đương 02 kg gạo tẻ loại trung bình/01 tháng.

2. Cơ sở giam giữ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam mượn quần áo theo mẫu thống nhất, áo kiểu bludong dài tay, quần dài có chun, không đóng số, màu xanh lam.

Điều 7. Kinh phí khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc y tế và phòng chống dịch bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam được cấp tương đương 02 kg gạo tẻ loại trung bình/01 người/01 tháng.

2. Kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam căn cứ theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh tật và được thanh toán theo định mức chế độ bảo hiểm y tế. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam mắc bệnh nặng, kinh phí điều trị vượt quá định mức chi trả theo quy định của bảo hiểm y tế sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam tự nguyện chi trả kinh phí điều trị bệnh.

3. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm thanh toán chi phí thực tế trong việc khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại bệnh xá, bệnh viện trong cơ sở giam giữ và các cơ sở y tế của Nhà nước.

4. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở giam giữ trên địa bàn, tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; xây dựng hoặc bố trí khu, buồng riêng để khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phòng trực của cán bộ quản lý phù hợp với điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 8. Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ

1. Trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ được bảo đảm định lượng ăn theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này và được hoán đổi phù hợp với nhu cầu của trẻ; được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); được bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em theo quy định của Luật trẻ em năm 2016, Ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày tết Trung thu được hưởng chế độ ăn gấp 02 lần ngày thường, Mỗi tháng được cấp sữa và đồ dùng sinh hoạt cần thiết trị giá tương đương 20 kg gạo tẻ loại trung bình/01 trẻ em.

2. Trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ được chăm sóc y tế, tiêm phòng theo quy định của Bộ Y tế, trường hợp bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của bệnh xá, cơ sở giam giữ làm thủ tục chuyển đến cơ sở y tế của Nhà nước để điều trị; thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc trích xuất và áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam là mẹ của trẻ đi cùng để chăm sóc.

Cơ sở giam giữ có trách nhiệm thanh toán chi phí thực tế trong việc khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ tại bệnh xá, bệnh viện trong cơ sở giam giữ và các cơ sở y tế của Nhà nước.

3. Trường hợp trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ chết, kinh phí an táng được thực hiện như đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết.

Chương III

KINH PHÍ BẢO ĐẢM VIỆC ÁP GIẢI VÀ CHẾ ĐỘ ĂN ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC TRÍCH XUẤT; KINH PHÍ VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM TỔ CHỨC AN TÁNG NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, NGƯỜI BỊ TẠM GIAM CHẾT

Điều 9. Kinh phí bảo đảm việc áp giải và chế độ ăn đối với người được trích xuất

1. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị áp giải theo lệnh trích xuất đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ sở giam giữ khác thì được hưởng chế độ ăn gấp 02 lần chế độ ăn ngày thường.

2. Trường hợp thực hiện lệnh trích xuất và áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam bằng các phương tiện giao thông thì đơn vị thực hiện áp giải được thanh toán chi phí tàu, xe theo yêu cầu của kế hoạch áp giải.

Điều 10. Kinh phí và các điều kiện bảo đảm an táng người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết

1. Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết, kinh phí bảo đảm việc khâm liệm gồm: Tiền mua 01 quan tài bằng gỗ thường, 01 bộ quần áo dài và 01 bộ quần áo lót mới, 04 m2 vải liệm, hương, nến, cồn làm vệ sinh và khoản tiền chi phí khác tương đương 100 kg gạo tẻ loại trung bình.

2. Cơ sở giam giữ tổ chức an táng cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết, bằng hình thức địa táng hoặc hỏa táng.

3. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết mà thân nhân nhận thi hài về an táng thì được hỗ trợ kinh phí vận chuyển thi hài và chi phí an táng trị giá tương đương 200 kg gạo tẻ loại trung bình.

4. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí quỹ đất phù hợp và phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức an táng, làm thủ tục khai tử cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THĂM GẶP, TIẾP XÚC LÃNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, NGƯỜI BỊ TẠM GIAM LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Điều 11. Xác định quốc tịch của người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam khai báo là người nước ngoài, cơ quan đang thụ lý vụ án phải gửi văn bản đến Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh đối với các tỉnh, thành phố từ tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trở vào phía Nam) đề nghị xác nhận quốc tịch của họ và thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án và cơ sở giam giữ biết để phối hợp quản lý.

2. Sau khi nhận được văn bản của cơ quan đang thụ lý vụ án, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam mang quốc tịch để xác nhận quốc tịch của họ và thông báo kết quả cho cơ quan đang thụ lý vụ án và cơ sở giam giữ biết.

Điều 12. Việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài

1. Việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Trường hợp có yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thì cơ sở giam giữ phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án để xem xét, quyết định việc thăm gặp.

Điều 13. Việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài tiếp xúc lãnh sự

1. Tiếp xúc lãnh sự là hoạt động của viên chức ngoại giao, lãnh sự thuộc cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam mang quốc tịch đến thực hiện việc tiếp xúc lãnh sự.

2. Bộ Ngoại giao là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu về tiếp xúc lãnh sự. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài có yêu cầu tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là công dân nước mình phải gửi văn bản đề nghị đến Bộ Ngoại giao. Nội dung văn bản đề nghị gồm:

a) Tên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự gửi văn bản;

b) Họ và tên, quốc tịch người bị tạm giữ, người bị tạm giam cần tiếp xúc lãnh sự;

c) Cơ sở đang giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

d) Họ và tên, chức vụ, số hộ chiếu hoặc số thẻ ngoại giao của những người đến tiếp xúc lãnh sự;

đ) Họ và tên người phiên dịch (nếu có);

e) Nội dung tiếp xúc lãnh sự và các đề nghị khác (nếu có).

3. Khi có đề nghị tiếp xúc lãnh sự, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo nội dung tiếp xúc lãnh sự cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Ngoại giao đề nghị tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ sở giam giữ trả lời bằng văn bản về việc đồng ý cho tiếp xúc lãnh sự gửi Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan ngoại giao, lãnh sự nước ngoài có yêu cầu liên hệ với cơ quan thụ lý vụ án, cơ sở giam giữ tổ chức tiếp xúc lãnh sự.

Trường hợp không đồng ý cho tiếp xúc lãnh sự thì cơ quan đang thụ lý vụ án trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do để Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài có yêu cầu tiếp xúc lãnh sự.

4. Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc tiếp xúc lãnh sự.

Điều 14. Các trường hợp không giải quyết tiếp xúc lãnh sự

1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam từ chối việc tiếp xúc lãnh sự.

2. Vì lý do khẩn cấp để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cơ sở giam giữ.

3. Khi có dịch bệnh xảy ra tại cơ sở giam giữ.

4. Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A.

5. Người đến tiếp xúc lãnh sự vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ.

6. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ, đang bị kỷ luật.

Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan trong tổ chức tiếp xúc lãnh sự

1. Thủ trưởng cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài, đảm bảo yêu cầu đối ngoại, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

2. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức việc tiếp xúc lãnh sự theo đúng quy định, trong trường hợp cần thiết thủ trưởng cơ sở giam giữ mời đại diện Bộ Ngoại giao hoặc đại diện Hội chữ thập đỏ Việt Nam cùng tham dự.

Điều 16. Trách nhiệm của cán bộ theo dõi tiếp xúc lãnh sự

1. Tiếp nhận giấy giới thiệu, kiểm tra hộ chiếu, thẻ ngoại giao của người đến tiếp xúc lãnh sự.

2. Thông báo quy định về tiếp xúc lãnh sự và tình hình sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được tiếp xúc lãnh sự.

3. Có hình thức thích hợp để giám sát quá trình tiếp xúc lãnh sự, lập biên bản ghi nhận việc tiếp xúc lãnh sự.

4. Trong quá trình tiếp xúc lãnh sự, nếu người đến tiếp xúc lãnh sự hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ thì cán bộ theo dõi nhắc nhở hoặc báo cáo thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định chấm dứt việc tiếp xúc lãnh sự.

5. Báo cáo đề xuất giải quyết các kiến nghị của cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự (nếu có).

Điều 17. Trách nhiệm của người đến tiếp xúc lãnh sự

1. Xuất trình giấy giới thiệu tiếp xúc lãnh sự, hộ chiếu hoặc thẻ ngoại giao; người phiên dịch phải có giấy tờ tùy thân và do cơ quan ngoại giao giới thiệu.

2. Chấp hành đúng Nội quy cơ sở giam giữ, chỉ được thực hiện các nội dung tiếp xúc đã nêu trong đề nghị, chịu sự theo dõi, giám sát của cơ sở giam giữ hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án.

Việc gửi thư, quà, tiền, sách báo, các đồ dùng sinh hoạt trong khi tiếp xúc lãnh sự thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 27 và Điều 29 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

3. Không được chuyển cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam những đồ vật thuộc danh mục cấm đưa vào cơ sở giam giữ hoặc tiếp xúc, liên hệ với người khác trong khu vực tiếp xúc lãnh sự.

4. Chấp hành đúng quy định của pháp luật Việt Nam, không có lời nói, cử chỉ thể hiện sự ủng hộ đối với hành vi vi phạm pháp luật của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

5. Trong quá trình tiếp xúc lãnh sự không được sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm, chụp ảnh hoặc sử dụng các thiết bị kỹ thuật khác nếu không được sự đồng ý của cơ sở giam giữ.

6. Không được tiến hành các hoạt động khác ngoài nội dung tiếp xúc lãnh sự.

Điều 18. Thời gian tiếp xúc lãnh sự

1. Người bị tạm giữ được tiếp xúc lãnh sự 01 lần trong thời gian tạm giữ, 01 lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ, mỗi lần không quá 01 giờ.

2. Người bị tạm giam được tiếp xúc lãnh sự 01 lần trong 01 tháng, thời gian tiếp xúc lãnh sự tổ chức trong giờ làm việc, ngày làm việc, mỗi lần không quá 01 giờ.

3. Trường hợp tăng thêm số lần tiếp xúc lãnh sự hoặc tăng thêm số người tiếp xúc lãnh sự phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Bãi bỏ Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ ban hành quy chế về tạm giữ, tạm giam; Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tạm giữ, tạm giam; Nghị định số 09/2011/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung chế độ ăn và khám, chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, tạm giam quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (2b). XH

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 120/2017/NĐ-CP ngày 06/11/2017 về hướng dẫn Luật thi hành tạm giữ, tạm giam

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


46.545

DMCA.com Protection Status
IP: 44.220.181.180
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!