CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 05/2003/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 21 tháng 1
năm 2003
|
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm
2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma tuý ngày 09
tháng 12 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Nghị định này quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý của
Chính phủ Việt Nam, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan
Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức của
Việt Nam) với Chính phủ và các cơ quan Chính phủ của các nước, tổ chức quốc tế,
tổ chức và cá nhân nước ngoài.
Điều 2.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý phải tuân thủ các nguyên tắc
sau:
1. Tôn trọng độc lập, chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ, phong tục tập quán của dân tộc, các bên cùng có lợi và bảo đảm
hiệu quả thiết thực, trên cơ sở pháp luật của Việt Nam và của nước có liên
quan, các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết hoặc
tham gia.
2. Bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành
tập trung thống nhất của Thủ tướng Chính phủ và sự quản lý trực tiếp của cơ
quan, tổ chức hữu quan của Việt Nam.
3. Nội dung, chương trình hợp
tác phải căn cứ vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có
tính đến hướng ưu tiên và khả năng hợp tác của các cơ quan, tổ chức của Việt
Nam cũng như của nước ngoài.
4. Việc xây dựng, ký kết và thực
hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống ma tuý phải tuân theo các quy định của
Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế
và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
5. Việc quản lý và sử dụng nguồn
hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước
ngoài phục vụ công tác phòng, chống ma tuý cũng phải tuân thủ các quy định của
Nghị định này, Nghị định số 103/1998/NĐ-CP
ngày 26 tháng 12 năm 1998 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về
pháp luật, Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
ban hành kèm theo Nghị định số 17/2001/NĐ-CP
ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ, Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi
Chính phủ nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001 của Thủ
tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Điều 3.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý được thực hiện thông qua các
hình thức sau:
1. Phối hợp phát hiện, ngăn chặn
các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý theo quy định của pháp luật
Việt Nam và của nước có liên quan.
2. Ký kết các điều ước quốc tế
đa phương và song phương về phòng, chống tình trạng nghiện ma tuý, tội phạm về
ma tuý và các hành vi trái phép khác về ma tuý (sau đây viết gọn là tệ nạn ma
tuý).
3. Thu thập, nghiên cứu, trao đổi
thông tin, kinh nghiệm phòng, chống tệ nạn ma tuý.
4. Phối hợp đào tạo, bồi dưỡng,
huấn luyện nghiệp vụ về phòng, chống tệ nạn ma tuý cho cán bộ, nhân viên các cơ
quan, tổ chức hữu quan.
5. Phối hợp tổ chức hội nghị, hội
thảo về các vấn đề có liên quan trong công tác phòng, chống ma tuý.
6. Phối hợp điều tra, xử lý tội
phạm về ma tuý liên quan đến cá nhân, tổ chức nước ngoài ở Việt Nam và cá nhân,
tổ chức Việt Nam ở nước ngoài.
7. Hỗ trợ lẫn nhau về cơ sở vật
chất, công nghệ, tăng cường năng lực pháp luật trong hoạt động phòng, chống ma
tuý.
Điều 4.
Trên cơ sở pháp luật của Việt Nam và của nước có liên quan, các điều ước quốc tế
đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, các cơ quan, tổ
chức của Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình được tiến hành các
hoạt động sau:
1. Thiết lập mạng lưới sĩ quan
liên lạc về phòng, chống ma tuý tại các nước để phối hợp hoạt động và đảm bảo
thông tin nhanh, chính xác.
2. Thoả thuận với cơ quan hữu
quan của nước khác thực hiện yêu cầu chuyển giao hàng hoá có kiểm soát trên cơ
sở điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia để phát hiện và truy cứu
trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội về ma tuý.
Điều 5.
Trên cơ sở pháp luật của Việt Nam và của nước có liên quan, các điều ước quốc tế
đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, các cơ quan, tổ
chức của Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện hợp tác
quốc tế về các vấn đề sau:
1. Tuyên truyền, giáo dục về
phòng, chống ma tuý.
2. Xoá bỏ, thay thế việc trồng
cây có chứa chất ma tuý.
3. Tổ chức cai nghiện ma tuý và
quản lý người đã cai nghiện ma tuý; nghiên cứu, triển khai ứng dụng các bài thuốc,
các phương pháp cai nghiện ma tuý và phục hồi chức năng cho người nghiện ma
tuý.
4. Tổ chức phòng, chống việc mua
bán, sử dụng trái phép chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong
nhà trường, cơ sở giáo dục khác và trong các cơ quan, tổ chức.
5. Kiểm soát và quản lý chặt chẽ
chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất sử dụng trong lĩnh vực
y tế, sản xuất công nghiệp, nghiên cứu khoa học, phân tích kiểm nghiệm và hỗ trợ
trang bị, phương tiện, điều kiện để phục vụ công tác kiểm soát, quản lý các chất
này.
6. Thực hiện các biện pháp giảm
tác hại của ma tuý đối với sức khoẻ cộng đồng, trong đó có phòng ngừa lây nhiễm
HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác qua tiêm, chích ma tuý.
7. Xây dựng xã, phường, thị trấn,
cơ quan, đơn vị không có tội phạm về ma tuý và người nghiện ma tuý.
8. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ phòng, chống ma tuý và trang bị phương tiện phòng, chống ma tuý.
9. Xây dựng, ban hành và tổ chức
thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý.
10. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng
tiến bộ khoa học và công nghệ, trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống ma tuý.
Điều 6.
Các cơ quan, tổ chức Việt Nam từ chối tương trợ tư pháp về hình sự đối với các
vụ án về ma tuý theo quy định của Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam đã ký kết
với các nước.
Chương 3:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỢP
TÁC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ
Điều 7.
1. Chính
phủ thống nhất quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống
ma tuý, có trách nhiệm:
a) Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý;
b) Quyết định chủ trương, chính
sách, phương hướng, chương trình tổng thể hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng,
chống ma tuý;
c) Chỉ đạo việc ký kết và thực
hiện chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với các nước về phòng, chống ma tuý.
2. Bộ Công an chịu trách nhiệm
trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực
phòng, chống ma tuý bao gồm:
a) Xây dựng kế hoạch tổng thể
dài hạn, hàng năm về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý và tổng
hợp điều phối nội dung chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác, đôn đốc kiểm tra
việc thực hiện chương trình, kế hoạch của các cơ quan, tổ chức, báo cáo kết quả
việc thực hiện các chương trình, kế hoạch đó lên Chính phủ;
b) Giúp Chính phủ thực hiện việc
thống nhất quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma
tuý và thực hiện hợp tác quốc tế về dẫn độ tội phạm về ma tuý, tương trợ tư
pháp hình sự về ma tuý, chuyển giao người bị kết án phạt tù tội phạm về ma tuý
và thực hiện các nhiệm vụ khác trong lĩnh vực này theo quy định của pháp luật.
c) Thực hiện các nghĩa vụ của Việt
Nam theo quy định của các Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống ma tuý;
d) Hướng dẫn các Bộ, ngành, ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chương trình tổng
thể hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý.
Điều 8.
Bộ Công an có trách nhiệm:
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện
chủ trương, kế hoạch hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm về ma tuý.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc
phòng, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan khác, chính quyền địa phương thực
hiện việc hợp tác với cơ quan hữu quan của các nước có chung đường biên giới và
các nước khác để ngăn chặn, đấu tranh chống các tội phạm về ma tuý.
3. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện
các điều ước quốc tế về hợp tác kiểm soát ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện,
thuốc hướng thần qua biên giới mà Việt Nam đã ký kết với các nước.
4. Hướng dẫn ủy ban nhân dân các
tỉnh biên giới thực hiện nhiệm vụ hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý với
các tỉnh giáp biên giới của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà dân chủ nhân
dân Lào, Vương quốc Cămpuchia.
5. Chủ trì, phối hợp các lực lượng
phòng, chống ma tuý của Việt Nam trong việc hợp tác với cơ quan tương ứng của
các nước để điều tra, xử lý tội phạm về ma túy theo quy định của pháp luật.
Điều 9.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện
chủ trương, kế hoạch hợp tác quốc tế về cai nghiện ma tuý và giải quyết các vấn
đề xã hội sau cai nghiện, phòng, chống tái nghiện.
2. Hướng dẫn, chỉ đạo các địa
phương, các cơ sở cai nghiện ma tuý trong các hoạt động hợp tác quốc tế về cai
nghiện ma tuý, tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân nước
ngoài để xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức cai nghiện ma tuý, quản lý, giáo dục
người nghiện ma tuý và người đã cai nghiện ma tuý, hỗ trợ người đã cai nghiện
ma tuý hoà nhập cộng đồng.
Điều 10.
Bộ Y tế có trách nhiệm:
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện
chủ trương, kế hoạch hợp tác quốc tế về kiểm soát thuốc gây nghiện, thuốc hướng
thần, tiền chất sử dụng trong lĩnh vực y tế, phân tích, kiểm nghiệm và nghiên cứu
khoa học.
2. Chủ trì và tổ chức thực hiện
các dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc, phương pháp y
học cai nghiện ma tuý; các dự án hợp tác quốc tế về kiểm soát thuốc gây nghiện,
thuốc hướng thần, tiền chất sử dụng trong lĩnh vực y tế, phân tích, kiểm nghiệm
và nghiên cứu khoa học.
Điều 11.
Bộ Công nghiệp có trách nhiệm:
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện
chủ trương, kế hoạch hợp tác quốc tế về kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh
vực công nghiệp.
2. Tổ chức thực hiện các dự án hợp
tác quốc tế về kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp.
Điều 12.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện
chủ trương, kế hoạch hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý trong nhà trường,
cơ sở giáo dục khác.
2. Tổ chức thực hiện các dự án hợp
tác quốc tế về giáo dục phòng, chống ma tuý trong giáo viên, cán bộ, nhân viên,
học sinh, sinh viên, học viên.
Điều 13.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với ủy ban Dân tộc
và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác chỉ đạo việc hợp tác quốc tế về tuyên
truyền, giáo dục, tổ chức xoá bỏ cây có chứa chất ma tuý, thực hiện các chương
trình phát triển kinh tế - xã hội trợ giúp việc chuyển hướng sản xuất có hiệu
quả, ổn định đời sống của nhân dân.
Điều 14.
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển
thực hiện nhiệm vụ hợp tác với cơ quan hữu quan tương ứng của nước khác theo
quy định tại Chương VI Luật Phòng, chống ma
tuý và của Nghị định này cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan
để phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý,
tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần qua biên giới.
Điều 15.
Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo Tổng cục Hải quan và lực lượng hải quan các
cấp hợp tác với cơ quan phòng, chống ma tuý, cơ quan hải quan của các nước có
chung đường biên giới với Việt Nam, tổ chức hải quan khu vực và các nước khác
trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép chất
ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần qua biên giới theo quy định
của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế đa phương, song phương mà Việt
Nam ký kết hoặc tham gia.
Điều 16.
Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong việc
nghiên cứu, đề xuất chủ trương đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc
tế về phòng, chống ma tuý.
Điều 17.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu,
hoàn thiện pháp luật về hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma tuý, bảo đảm sự
phù hợp giữa pháp luật Việt Nam và các Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống
ma tuý; tham gia xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật về hợp tác
quốc tế về phòng, chống ma tuý và tổ chức phổ biến các văn bản này trong cán bộ,
công chức, nhân dân.
Điều 18.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình
phối hợp với Bộ Công an thẩm định các đề án, dự án hợp tác quốc tế về phòng, chống
ma tuý, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt và có trách nhiệm
bảo đảm kinh phí thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về phòng,
chống ma tuý đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 19.
1. Uỷ ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ kế hoạch của Chính phủ
có trách nhiệm:
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện
kế hoạch hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý ở địa phương;
b) Chỉ đạo các lực lượng: Công
an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển ở địa phương hợp tác với các cơ
quan tương ứng của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam trong việc
trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành
vi mua bán, vận chuyển trái phép qua biên giới chất ma tuý, tiền chất, thuốc
gây nghiện, thuốc hướng thần theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức cuộc họp định kỳ 6
tháng và hàng năm với chính quyền các tỉnh của nước có chung đường biên giới để
trao đổi thông tin, bàn biện pháp phối hợp phòng, chống tệ nạn ma tuý.
Việc tổ chức họp định kỳ với các
tỉnh tương ứng thực hiện theo Phụ lục số 1, 2 và 3 của Nghị định này và theo chế
độ luân phiên địa điểm giữa hai nước.
2. Các cơ quan chuyên trách
phòng, chống ma tuý cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện biên giới có trách nhiệm
thực hiện chế độ giao ban với cơ quan tương ứng và chính quyền các huyện giáp
biên giới tương ứng của nước bạn theo hiệp định, thoả thuận đã ký giữa hai nước
để trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các
hành vi mua bán, vận chuyển trái phép qua biên giới chất ma tuý, tiền chất, thuốc
gây nghiện, thuốc hướng thần theo quy định của pháp luật.
Điều 20.
Các cơ quan, tổ chức của Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có trách nhiệm:
1. Vận động các nguồn tài trợ,
xây dựng chương trình, dự án hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý, trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án theo quy định
của pháp luật.
2. Thực hiện các nhiệm vụ hợp
tác quốc tế về phòng, chống ma tuý theo kế hoạch của Chính phủ.
Điều 21.
Hàng năm cơ quan, tổ chức phối hợp với Bộ Công an lập kế hoạch hợp tác quốc tế
trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý do mình phụ trách trình Chính phủ phê duyệt;
báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, việc sử dụng
các nguồn tài trợ của nước ngoài theo các quy định của pháp luật và gửi Bộ Công
an để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Điều 22.
1. Cơ
quan, tổ chức, cá nhân của Việt Nam, tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân nước
ngoài có thành tích về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý theo
Nghị định này thì được khen thưởng theo quy định hiện hành.
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi
phạm các quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị
xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 23.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thi hành
Nghị định này.
Điều 24.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm thi hành Nghị định này.
PHỤ LỤC SỐ 1
CÁC CẶP TỈNH TƯƠNG ỨNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM - LÀO
(Ban hành kèm theo Nghị định số 05/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2003 của
Chính phủ)
Phía
CHXHCN Việt Nam
|
Phía
CHDCND Lào
|
Tỉnh Lai Châu
|
Phong Xa Lỳ
Luông Pha Băng
|
Tỉnh Sơn La
|
Luông Pha Băng
Hủa Phăn
|
Tỉnh Thanh Hoá
|
Hủa Phăn
|
Tỉnh Nghệ An
|
Hủa Phăn
Xiêng Khoảng
Bo Ly Khăm Xay
|
Tỉnh Hà Tĩnh
|
Bo Ly Khăm Xay
Khăm Muộn
|
Tỉnh Quảng Bình
|
Khăm Muộn, Savanakhét
|
Tỉnh Quảng Trị
|
Savanakhét
|
Tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Salavan
Xê Kong
|
Tỉnh Quảng Nam
|
Xê Kong
|
Tỉnh Kon Tum
|
Xê Kong
At Ta Pư
|
PHỤ LỤC SỐ 2
CÁC CẶP TỈNH TƯƠNG ỨNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM
- CĂMPUCHIA
(Ban hành kèm theo Nghị định số 05/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2003 của
Chính phủ)
Phía
CHXHCN Việt Nam
|
Phía
Vương quốc Cămpuchia
|
Tỉnh Đắk Đắk
|
Tỉnh Mondunkiri
|
Tỉnh Bình Phước
|
Tỉnh Mondunkiri
Tỉnh Cra Chê
Tỉnh Công Pông Chàm
|
Tỉnh Tây Ninh
|
Tỉnh Công Pông Chàm
Tỉnh Xvay Riêng
|
Tỉnh Long An
|
Tỉnh Xvay Riêng
Tỉnh Pray Veng
|
Tỉnh An Giang
|
Tỉnh Căng Đan
Tỉnh Tà Kẹo
Tỉnh Ki Ri Vông
|
Tỉnh Kiên Giang
|
Tỉnh Căm Pot
|
PHỤ LỤC SỐ 3
CÁC CẶP TỈNH TƯƠNG ỨNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM
- TRUNG QUỐC
(Ban hành kèm theo Nghị định số 05/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2003 của
Chính phủ)
Phía
Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
|
Phía Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa
|
Tỉnh Lai Châu
Tỉnh Lào Cai
Tỉnh Hà Giang
|
Tỉnh Vân Nam
|
Tỉnh Cao Bằng
Tỉnh Lạng Sơn
Tỉnh Quảng Ninh
|
Khu tự trị Quảng Tây
|