UBND
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BAN CHỈ ĐẠO 197
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
|
Số:
02/KH-UBND
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2010
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN NGHỊ QUYẾT 09/1998/NQ-CP VÀ CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM NĂM
2010
Ngày 24/2/2010 Ban chỉ đạo
138/CP có Kế hoạch số 14/KH-BCĐ138 về thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình
quốc gia phòng, chống tội phạm năm 2010. Triển khai sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo
138/CP, Ban chỉ đạo 197 Thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng
hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội tham gia phong trào toàn dân bảo vệ An
ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm; triển khai đồng bộ toàn diện các biện pháp,
trong đó chú ý biện pháp vận động quần chúng tham gia công tác phòng, chống tội
phạm. Tạo áp lực quần chúng trong đấu tranh với các vi phạm pháp luật. Nâng cao
ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng môi trường sống trật
tự, kỷ cương, lành mạnh tại cộng đồng.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của
các cấp ủy Đảng. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành
của các ngành, chính quyền các cấp, nhất là cấp phường, xã. Củng cố, kiện toàn
và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo 197 các cấp, các Tiểu ban thực
hiện các đề án, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên về phòng, chống
tội phạm. Củng cố quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấpp, các tổ chức, đoàn
thể xã hội và hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác đấu
tranh phòng chống tội phạm. Từng bước hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy phục
vụ có hiệu quả công tác quản lý xã hội và phòng chống tội phạm.
3. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục
tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, đối ngoại, các hoạt động văn
hóa, thể thao, lễ kỷ niệm lớn của đất nước, Thành phố, không thể xẩy ra các hoạt
động phá hoại, khủng bố. Từng bước xóa bỏ các nguyên nhân và điều kiện kinh tế
- xã hội làm nẩy sinh tội phạm; kiềm chế sự gia tăng tội phạm làm giảm từ 5-10%
số vụ phạm pháp hình sự và các vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng, không để hình
thành tội phạm có tổ chức, các băng, ổ nhóm lưu manh chuyên nghiệp lộng hành.
Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, buôn lậu và các vi phạm về
môi trường; đẩy lùi hoạt động tội phạm về ma túy. Không để xảy ra các vụ tham
nhũng, đổ vỡ, thất thoát lớn về kinh tế. Phấn đấu nâng tỷ lệ điều tra khám phá các
vụ trọng án đạt trên 95%, riêng các vụ án giết người - cướp tài sản đạt 100%.
II. NHỮNG CÔNG TÁC TRỌNG TÂM
1. Tiếp tục chỉ đạo lồng ghép việc
thực hiện Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, Kế
hoạch của Ban Chỉ đạo 197 Thành phố gắn với việc thực hiện Chương trình 03 của
Thành ủy về đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội giai đoạn
2006-2010; Chỉ thị số 123 ngày 25/12/2009 của Chủ tịch UBND Thành phố về tăng
cường công tác đảm bảo ANCT, TTATXH trên địa bàn Thành phố năm 2010; Chương
trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, Chương trình mục
tiêu quốc gia phòng, chống ma túy và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội khác của Thành phố, nhất là các chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã
hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo hiệu
quả, thiết thực.
2. Triển khai thực hiện Kế hoạch
số 01/KH-BCĐ ngày 08/3/2010 của Ban chỉ đạo 197/TP về Tổng kết thực hiện Nghị
quyết 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 1998-2010 và
các đề án I, II, III, IV thuộc Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.
Đánh giá và tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các đề án mới về
“Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”; “Xây dựng trung tâm thông tin tội
phạm”; “Tăng cường năng lực cơ quan điều tra các cấp trong điều tra khám phá
các loại án hình sự về kinh tế và trật tự xã hội” theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo
138/CP. Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những chủ trương, giải pháp, mục tiêu của
công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011 - 2015, chiến lược
phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa
bàn Thành phố.
3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của
Ban Chỉ đạo 197 từ Thành phố đến các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, phường,
xã, thị trấn. Kiện toàn các tiểu ban thực hiện các đề án trong Chương trình quốc
gia phòng, chống tội phạm. Trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành
viên Tiểu ban thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đổi mới phương
thức hoạt động của Ban chỉ đạo và các Tiểu ban đảm bảo tập trung trong chỉ đạo,
hoạch định kế hoạch, xây dựng giải pháp, tổ chức thanh tra, kiểm tra, thực hiện
hiệu quả Chương trình; phát huy vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động và thực
hiện của từng sở, ngành, đoàn thể và các quận, huyện, thị xã thành viên Ban chỉ
đạo.
4. Nâng cao năng lực quản lý Nhà
nước về an ninh, trật tự, tăng cường kỷ cương, phép nước. Tăng cường hoạt động
thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu
sót trong cơ chế chính sách, quản lý kinh tế - xã hội, không để tội phạm lợi dụng
hoạt động, đấu tranh có hiệu quả hơn với tham nhũng, tiêu cực. Chủ động nắm
tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết kịp thời những vấn
đề mới phát sinh trong nội bộ nhân dân, khiếu kiện, đình công, tranh chấp đất
đai có yếu tố tôn giáo, dân tộc, không để xảy ra phức tạp về an ninh, trật tự.
Thể chế hóa các qui định của pháp luật mà hiện nay đang còn thiếu hoặc sơ hở để
tích cực phòng ngừa, xử lý nghiêm các phức tạp nảy sinh về tội phạm và trật tự
an toàn xã hội.
5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
phòng, chống tội phạm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tiếp tục nghiên cứu,
biên tập, phát hành tài liệu tuyên truyền chuyên sâu về phòng, chống tội phạm.
Tổ chức biên tập xuất bản, phát hành Bản tin “Phòng, chống tội phạm” đến các
khu dân cư, địa bàn cơ sở.
6. Triển khai Kế hoạch số
37/BC-BCĐ ngày 1/3/2010 của Ban Chỉ đạo Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ
ANTQ về vận động toàn dân thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình quốc gia
phòng chống tội phạm trên địa bàn Thành phố năm 2010. Nâng cao ý thức cảnh giác
và ý thức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong từng gia đình, dòng họ,
khu dân cư… Duy trì thường xuyên, hiệu quả và nhân rộng các mô hình quần chúng
tham gia phòng, chống tội phạm đã được xác định. Đẩy mạnh phong trào “Tự phòng,
tự quản về ANTT” theo Kế hoạch 45 của UBND Thành phố.
Thực hiện có hiệu quả các nghị
quyết liên tịch, chương trình phối hợp hành động đã ký kết giữa các sở, ngành,
đoàn thể về công tác phối hợp phòng, chống tội phạm; nhân rộng các hình thức ký
cam kết giữa các đơn vị, tổ chức trong phòng, chống tội phạm để phát huy vai
trò của cộng đồng dân cư, góp phần hoàn thiện cơ chế phát huy sức mạnh tổng hợp
của hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm.
Tổ chức củng cố, xây dựng, bồi
dưỡng, đào tạo lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng cả về tổ chức,
trình độ nghiệp vụ, pháp luật và chính sách đãi ngộ để phát huy hơn nữa hiệu quả
của các lực lượng này ngay tại cơ sở. Xây dựng chế độ chính sách đối với người
có công và chính sách khen thưởng đối với những tập thể cá nhân có thành tích
xuất sắc trong phòng, chống tội phạm.
7. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện
hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội
phạm. Tham mưu cho UBND Thành phố đề xuất Chính phủ xây dựng Luật Thủ đô. Triển
khai thực hiện Pháp lệnh Công an xã. Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục
vụ phòng, chống tội phạm; xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện, kịp thời giải
quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn phòng, chống tội phạm.
8. Tiếp tục xây dựng các cơ quan
bảo vệ pháp luật của Thành phố và các quận, huyện, thị xã thật sự trong sạch, vững
mạnh, là công cụ sắc bén trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự
kỷ cương xã hội, đồng thời tăng cường phương tiện, kinh phí cho các cơ quan này
có đủ điều kiện bảo đảm thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia phòng, chống
tội phạm.
9. Liên tục mở các đợt tấn công
trấn áp tội phạm ở các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, bảo vệ các sự kiện
chính trị, Hoạt động văn hóa, xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn Thành phố,
như: Đại hội Đảng các cấp; Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đẩy mạnh
công tác phòng ngừa nghiệp vụ của các cơ quan điều tra, trinh sát, nhất là công
tác nghiệp vụ cơ bản của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an nhân dân; đảm bảo
thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng…. chủ động phát hiện
và xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra. Tập trung đấu tranh trấn áp các loại tội
phạm hình sự có tổ chức, tội phạm lưu động, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội
phạm về ma túy, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm môi trường,
truy bắt đối tượng truy nã … Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ
án đảm bảo đúng pháp luật, đặc biệt là các vụ án lớn, gây bức xúc trong dư luận.
10. Tiếp tục mở rộng quan hệ phối
hợp với các tỉnh, thành phố trong phòng, chống tội phạm. Nâng cao hiệu quả công
tác trao đổi thông tin, hoạt động phối hợp với các tỉnh, thành phố trong công
tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Phối hợp các trường, học viện trong công
tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm công tác phòng, chống tội phạm ở nước ngoài.
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Công an Thành phố làm tốt chức
năng thường trực, nòng cốt trong thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc
gia phòng, chống tội phạm. Phối hợp các sở, ngành liên quan đôn đốc tổng kết
Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm trên toàn
Thành phố. Tổ chức tổng kết Đề án III, đề án IV của Chương trình.
Tham mưu cho Thành ủy, UBND
Thành phố triển khai thực hiện các Chỉ thị, Chương trình, Chiến lược quốc gia
phòng, chống tội phạm giai đoạn 2010 - 2020 theo chỉ đạo của Ban Bí thư TW,
Chính phủ và Ban chỉ đạo 138/CP.
Xây dựng kế hoạch phân bổ kinh
phí thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm
năm 2010.
Tập trung lực lượng có kế hoạch
bảo vệ an toàn những ngày lễ hội lớn, những sự kiện trọng đại diễn ra trên địa
bàn Thành phố trong năm 2010, như: Đại hội Đảng các cấp, các lễ kỷ niệm lớn, đặc
biệt đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tiếp tục chỉ đạo mở các đợt
phát động quần chúng tham gia tấn công trấn áp tội phạm, tập trung vào các tuyến,
địa bàn, đối tượng trọng điểm; nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá án. Chấn chỉnh,
thực hiện tốt công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm; thống kê về phòng
chống ma túy.
Nắm chắc tình hình, nâng cao chất
lượng công tác dự báo tham mưu cho UBND Thành phố, Ban chỉ đạo 197 Thành phố chỉ
đạo thực hiện hiệu quả Chương trình. Đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp
xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổ chức thực hiện hiệu quả
công tác phòng ngừa nghiệp vụ, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể đẩy mạnh
công tác phòng ngừa xã hội.
2. Bộ Tư lệnh Thủ đô có trách
nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong quân nhân. Chỉ đạo lực lượng bộ đội,
dân quân tự vệ thường xuyên có kế hoạch phối hợp lực lượng trong phòng, chống
các loại tội phạm ở địa bàn nơi đơn vị đóng quân; quản lý chặt chẽ vũ khí, công
cụ hỗ trợ được cấp phát, không để mất cắp, thất lạc, chịu trách nhiệm kiểm tra
công tác quản lý sử dụng vũ khí và vật liệu nổ quân dụng trong các ngành, các
cơ quan đơn vị và thu hồi các loại vũ khí quân dụng tàng trữ, sử dụng trái
phép. Phối hợp với Công an Thành phố tiếp tục thực hiện Quyết định 107/QĐ-TTg,
các quy chế phối hợp giữa các lực lượng thuộc Công an Thành phố và Bộ Tư lệnh
Thủ đô về phòng, chống tội phạm.
3. Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu
cho UBND Thành phố triển khai thực hiện giai đoạn 2 Đề án của UBND Thành phố về
thực hiện Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật. Chủ trì tổ chức tổng kết thực
hiện Đề án 2 của Chương trình về “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng chống
tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về
bảo vệ an ninh trật tự”. Tiếp tục phối hợp các sở, ngành rà soát sửa đổi, bổ
sung các văn bản pháp quy của Thành phố liên quan đến công tác đấu tranh phòng,
chống tội phạm. Tham mưu cho UBND Thành phố đề xuất Chính phủ xây dựng Luật Thủ
đô; ban hành một số văn bản đặc thù trong quản lý Nhà nước về ANTT, phòng chống
tội phạm. Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm và tệ
nạn xã hội tại cơ sở. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý ở phường, xã;
tổ chức rà soát, củng cố đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên tại cơ sở. Phối
hợp các đoàn thể nắm tình hình, phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn nảy
sinh trong nội bộ nhân dân để phòng ngừa trọng án.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm cung cấp thông tin chính xác,
kịp thời định hướng công luận qua hoạt động giao ban báo chí. Chỉ đạo các cơ
quan thông tin đại chúng Thành phố đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền
phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền đấu tranh chống tiêu cực, tham
nhũng, vi phạm pháp luật, biểu dương khen ngợi, khích lệ các mô hình, điển hình
tiên tiến trong phòng, chống tội phạm.
5. Sở Giáo dục - Đào tạo có
trách nhiệm quản lý giáo dục học sinh trong các trường hợp, đưa nội dung giáo dục
pháp luật và các quy định bảo vệ an ninh trật tự vào chương trình giáo dục phù
hợp cho từng cấp học. Từng đơn vị có kế hoạch phối hợp với công an cơ sở tổ chức
phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh; xây dựng
kế hoạch thực hiện chuyên đề “phòng chống bạo lực học đường”, bảo vệ tốt ANTT
khu nhà trường …. Mở rộng các mô hình liên kết, giao ước thi đua giữa nhà trường
với đơn vị công an và chính quyền nơi đóng trụ sở. Xây dựng cơ chế phối hợp quản
lý giáo dục học sinh giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương.
6. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, dịch vụ
văn hóa và du lịch, trọng tâm Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 16
của UBND Thành phố về “Tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn
hóa, nhất là kinh doanh vũ trường, karaoke, quán bar ca nhạc”, không để hình
thành các tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy, mại dâm gây dư luận xấu trong nhân
dân. Phối hợp với CATP, các ngành hữu quan, UBND các cấp để quản lý, hướng dẫn
người nước ngoài đến tham quan du lịch đảm bảo an toàn.
7. Cục Hải quan Thành phố nghiên
cứu biện pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại
tại các cửa khẩu, sân bay, nhà ga…. theo chức năng. Phối hợp với CATP. Chi cục
quản lý thị trường Thành phố và các ngành hữu quan kiểm tra chặt chẽ, kiên quyết
ngăn chặn các loại văn hóa phẩm phản động, độc hại, kích động bạo lực, các nguồn
buôn bán, vận chuyển các chất ma túy, vũ khí, chất nổ, chất cháy.
8. Sở Công thương tham mưu cho
Ban Chỉ đạo 127 Thành phố triển khai tốt kế hoạch, chương trình phòng chống
buôn lậu và gian lận thương mại, trốn thuế, vi phạm sở hữu công nghiệp … trên địa
bàn Thành phố.
9. Sở Lao động, Thương binh và
xã hội chủ trì cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố
ban hành quy định về chế độ chính sách đối với những người có công, bị thương,
hy sinh trong phòng, chống tội phạm. Đề xuất UBND Thành phố đầu tư mở rộng,
nâng cấp các trung tâm cai nghiện, nâng công suất tiếp tục nhận, quản lý, chữa
trị cai nghiện đạt hiệu quả. Xây dựng cơ chế quản lý giáo dục, giúp đỡ, tạo
công ăn việc làm … nhằm giảm tỷ lệ tái phạm.
10. Các Sở Kế hoạch - Đầu tư,
Tài chính phối hợp với Công an TP tổ chức quản lý Chương trình quốc gia phòng,
chống tội phạm theo cơ chế quản lý chương trình mục tiêu quốc gia; bố trí đủ
kinh phí thực hiện hiệu quả các đề án, dự án của Chương trình. Đề xuất UBND
Thành phố ban hành một số quy chế đặc thù về chế độ bồi dưỡng, khen thưởng đối
với lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Tổ chức tập huấn
cho cán bộ theo dõi thực hiện kinh phí Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Thành phố, Hội liên hiệp phụ nữ, Thành đoàn, Tổng Liên đoàn lao động, Hội
Cựu chiến binh, Hội Nông dân TP…. tiếp tục thực hiện Đề án I “Phát động toàn
dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo
người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” lồng ghép với cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng khu dân
cư, phường xã không có tội phạm, không có ma túy”; phối hợp với Công an Thành
phố tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình hành động, nghị quyết liên tịch
đã ký kết về phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động
cán bộ, hội viên, quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tội
phạm; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống tội
phạm trong các cấp hội, cấp bộ Đoàn …. Duy trì và củng cố các hình thức hoạt động
thu hút cán bộ, hội viên tham gia phòng, chống tội phạm. Chủ trì tổ chức hướng
dẫn tổng kết việc thực hiện Đề án.
12. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân
dân TP phối hợp với CATP, Tòa án nhân dân TP tập trung giải quyết các vụ án trọng
điểm phức tạp về an ninh trật tự. Kịp thời hướng dẫn điều tra, xử lý nghiêm các
hành vi phạm tội phức tạp, đang nổi lên, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều
tra phát hiện, bắt giữ, xử lý triệt để các loại tội phạm. Nâng cao chất lượng
công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát tuân theo pháp luật, kiểm sát chặt
chẽ việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị
can, hạn chế đến mức thấp nhất việc oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Thực hiện hiệu quả công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm phục vụ nghiên
cứu, dự báo tình hình, đề ra các chủ trương, chính sách trong phòng, chống tội
phạm.
13. Đề nghị Tòa án nhân dân
Thành phố chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã khẩn trương đưa ra
xét xử nghiêm minh các vụ án lớn, nghiêm trọng. Tăng cường tổ chức các phiên
tòa xét xử án điểm, xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án nhằm đề cao tác dụng tuyên
truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả
Chỉ thị số 186/CT-CA ngày 11/10/2006 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về
công tác thi hành án hình sự.
14. Các Sở, ngành Thành phố
thành viên Ban Chỉ đạo 197/TP theo chức năng chủ động có kế hoạch triển khai thực
hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
mở đợt giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống rộng khắp, quyết liệt
trong toàn thể cán bộ công chức của mình và có kế hoạch phòng, chống tham nhũng
tiêu cực cụ thể tại cơ quan, đơn vị mình; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước
trên các lĩnh vực, tăng cường kỷ cương, phép nước. Phối hợp CATP tăng cường các
biện pháp phòng ngừa, bảo vệ an toàn tài sản cơ quan, chủ động tham gia đấu
tranh phòng chống tội phạm thuộc lĩnh vực mà ngành phụ trách.
15. Ban chỉ đạo 197 các quận,
huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện toàn diện các giải pháp thực hiện
Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. Căn cứ tình
hình thực tế tại địa phương mình và các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 197
Thành phố để xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung đấu tranh có hiệu quả với
các loại tội phạm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ngành, UBND các quận,
huyện, thị xã, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo 197 Thành phố căn cứ trách nhiệm
được phân công và những yêu cầu, nội dung của kế hoạch này để xây dựng kế hoạch
thực hiện cụ thể. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình kết quả thực hiện,
có báo cáo định kỳ và đột xuất về Ban Chỉ đạo 197/TP (qua Văn phòng CATP - 87
Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố và phục vụ
giao ban Ban Chỉ đạo.
2. Giao cho Công an Thành phố là
cơ quan Thường trực có trách nhiệm giúp UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo 197/TP theo
dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch này. Tổ chức các đoàn
kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia
phòng, chống tội phạm tại một số sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và tổng hợp,
báo cáo UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo 197/TP. Trong giao ban định kỳ sẽ triển
khai sơ kết từng chuyên đề, lĩnh vực riêng./.
Nơi nhận:
- BCĐ138 Bộ Công an
- Đ/c Chủ tịch UBND TP
- Đ/c Vũ Hồng Khanh - Phó CTUBND TP
- Văn phòng Thành ủy
- Văn phòng UBND TP (Để báo cáo)
- Các Sở, Ngành, đoàn thể thành viên BCĐ
- BCĐ 197 các quận, huyện, thị xã (Để thực hiện)
- Lưu: VPUB.
|
KT.
TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
PHÓ GIÁM ĐỐC CATP
ĐẠI TÁ
Trần Thùy
|