Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: Khongso Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà Ba Lan, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Người ký: Nguyễn Đình Lộc, Jan Piatkowski
Ngày ban hành: 22/03/1993 Ngày hiệu lực:
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

HIỆP ĐỊNH

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ, GIA ĐÌNH VÀ HÌNH SỰ GIỮA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HÒA BA LAN

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng thống nước Cộng hòa Ba Lan;

Khẳng định lòng mong muốn thực hiện tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước;

Đã khẳng định ký kết Hiệp định này, và, nhằm mục đích đó, đã cử những người được ủy quyền của mình:

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử: Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Đình Lộc;

Tổng thống nước Cộng hòa Ba Lan cử: Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Ba Lan JAN PIATKOWSKI;

Những người được ủy quyền, sau khi trao đổi giấy ủy quyền hợp pháp và hợp thức, đã thỏa thuận những điều sau đây:

PHẦN THỨ NHẤT

Chương 1

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Bảo hộ pháp lý

1. Công dân nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ nước ký kết kia sự bảo hộ pháp lý về các quyền nhân thân và tài sản mà nước ký kết kia dành cho công dân của họ.

2. Công dân nước ký kết này được liên hệ tự do và không hạn chế với các tòa án và các cơ quan khác của nước ký kết kia có thẩm quyền về dân sự, gia đình và hình sự, theo quy định của pháp luật nước ký kết kia. Trước các tổ chức này, họ có thể nêu lên những lợi ích và quyền của mình, đề xuất các yêu cầu và đưa đơn kiện theo cùng những điều kiện dành cho công dân của nước ký kết kia.

3. Khái niệm “những vấn đề dân sự” nói trong Hiệp định này bao gồm cả những vấn đề phát sinh từ hợp đồng lao động.

4. Quy định ở các khoản 1 và 2 cũng áp dụng đối với các pháp nhân có trụ sở trên lãnh thổ nước ký kết kia và được thành lập theo đúng pháp luật của nước đó.

Điều 2. Ngôn ngữ liên hệ

1. Các tài liệu và giấy tờ chuyển giao trong trường hợp thi hành Hiệp định này được viết bằng tiếng của nước ký kết yêu cầu và kèm theo bản dịch ra tiếng nước ký kết được yêu cầu hoặc ra tiếng Nga hay tiếng Pháp, trừ khi Hiệp định này quy định khác.

2. Nếu cần thiết, bản dịch đúng có thể do cơ quan yêu cầu, cơ quan được yêu cầu, một người phiên dịch có tuyên thệ, đại diện ngoại giao hoặc viên chức cơ quan lãnh sự của một trong hai nước ký kết làm

Điều 3. Cách thức liên hệ

Các nước ký kết liên hệ với nhau thông qua: Về phía Việt Nam là Bộ Tư Pháp hoặc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về phía Ba Lan là Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Ba Lan, trừ khi Hiệp định này quy định khác.

Điều 4. Thông tin về pháp luật

Bộ Tư pháp các nước ký kết, theo yêu cầu, sẽ chuyển cho nhau các văn bản pháp luật cũng như các thông tin về pháp luật đang có hoặc đã có hiệu lực thi hành của nước mình và các thông tin về tư pháp.

Chương II

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ, GIA ĐÌNH VÀ HÌNH SỰ

Điều 5. Thực hiện tương trợ tư pháp và phạm vi tương trợ tư pháp

1. Các nước ký kết thực hiện tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự.

2. Tương trợ tư pháp bao gồm các hành vi riêng biệt trong khuôn khổ tố tụng dân sự và tố tụng hình sự, đặc biệt là tống đạt giấy tờ, khám nhà, thu giữ và chuyển giao tang vật chứng, tiến hành giám định, lấy lời khai của người bị tình nghi, bị can, người làm chứng và của giám định viên, cũng như xem xét về mặt tư pháp.

Điều 6. Cách thức thực hiện tương trợ tư pháp

1. Tòa án và các cơ quan khác của các nước ký kết có thẩm quyền về dân sự, gia đình và hình sự gửi các giấy ủy thác tư pháp thông tin qua các cơ quan nói ở điều 3 Hiệp định này.

2. Các giầy tờ, tài liệu được lập ra khi thực hiện ủy thác cũng được chuyển theo cách thức trên đây.

3. Cách thức liên hệ quy định trên đây không hạn chế quyền của một nước ký kết được trực tiếp tống đạt giấy tờ cho công dân của họ đang ở trên lãnh thổ nước ký kết kia hoặc lấy lời khai của những người này thông qua có quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự. Trong những trường hợp này, không được áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Nếu có xung đột pháp luật về quốc tịch của người cần được tống đạt giấy tờ, cần lấy lời khai thì quốc tịch của người đó sẽ được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện tống đạt giấy tờ hoặc lấy lời khai.

Điều 7. Hình thức ủy thác tư pháp

1. Văn bản ủy thác tư pháp phải ghi những điểm sau đây:

a. Tên cơ quan yêu cầu và tên cơ quan được yêu cầu;

b. Mục đích việc ủy thác;

c. Họ tên của các đương sự, những người bị tình nghi, bị cáo hoặc những người bị kết án; nơi thường trú hay tạm trú; quốc tịch và nghề nghiệp của họ; trong các việc hình sự; nếu có thể được, thì ghi nơi và ngày sinh của những người bị tình nghi, bị cáo hoặc những người bị kết án, và họ tên của cha mẹ họ;

d. Họ tên và địa chỉ của những người đại diện;

e. Nội dung ủy thác và những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện ủy thác; và trong các việc hình sự thì mô tả vụ án và nêu tội danh.

2. Văn bản ủy thác và giấy tờ gửi kèm theo phải được cơ quan yêu cầu ký và đóng dấu chính thức.

Điều 8. Thực hiện ủy thác tư pháp

1. Cơ quan được yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp theo pháp luật của nước mình. Tuy nhiên, theo đề nghị của cơ quan yêu cầu, cơ quan được yêu cầu có thể áp dụng những quy định về tố tụng của nước yêu cầu, nếu những quy định này không trái với pháp luật tố tụng của nước mình.

2. Nếu không có thẩm quyền để thực hiện ủy thác tư pháp, cơ quan được yêu cầu sẽ chủ động chuyển ủy thác cho cơ quan có thẩm quyền, đồng thời thông báo cho cơ quan yêu cầu biết.

3. Cơ quan được yêu cầu, theo đề nghị của cơ quan yêu cầu, thông báo cho cơ quan này về ngày và nơi thực hiện ủy thác tư pháp.

4. Nếu không có địa chỉ chính xác của người nêu trong văn bản ủy thác tư pháp hoặc phát hiện có sự nhầm lẫn về địa chỉ, cơ quan được yêu cầu thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm xác định địa chỉ đúng, cơ quan được yêu cầu sẽ thông báo cho cơ quan yêu cầu biết.

5. Sau khi thực hiện ủy thác tư pháp, cơ quan được yêu cầu gửi trả hồ sơ cho có quan yêu cầu hoặc thông báo cho cơ quan này biết về những trở ngại nảy sinh trong quá trình thực hiện ủy thác tư pháp.

Điều 9. Tống đạt giấy tờ

Cơ quan được yêu cầu, căn cứ theo pháp luật của nước mình, thực hiện việc tống đạt, nếu giấy tờ cần tống đạt được biết bằng tiếng của nước mình hoặc có kèm theo bản dịch được chứng thực ra tiếng của nước mình.

Trong những trường hợp khác, cơ quan được yêu cầu tống đạt giấy tờ khi người được tống đạt tự nguyện nhận.

Điều 10. Xác nhận việc tống đạt

Việc tống đạt giấy tờ được xác nhận theo những quy định hiện hành về tống đạt giấy tờ của nước được yêu cầu. Trong giấy xác nhận việc tống đạt phải ghi rõ thời gian và địa điểm tống đạt.

Điều 11. Chi phí về tương trợ tư pháp.

1. Nước ký kết được yêu cầu chịu các chi phí về thực hiện ủy thác tư pháp, kể cả chi phí tiến hành giám định, nảy sinh trên lãnh thổ nước mình.

2. Cơ quan được yêu cầu thông báo cho cơ quan yêu cầu biết về tính chất và tổng số chi phí. Nếu cơ quan yêu cầu thu lại được số chi phí này từ người có nghĩa vụ phải trả, thì số chi phí thu lại được thuộc về nước yêu cầu.

Điều 12. Từ chối tương trợ tư pháp

Nếu việc thực hiện ủy thác tư pháp có khả năng xâm phạm chủ quyền, an ninh hoặc trật tự công cộng của nước kết kết được yêu cầu thì nước này có thể từ chối việc thực hiện ủy thác đó.

Điều 13. Bảo hộ người làm chứng và giám định viên

1. Nếu trong quá trình tiến hành tố tụng trước tòa án hoặc cơ quan khác của nước ký kết này mà cần đến sự có mặt của người làm chứng hoặc của giám định viên đang cư trú trên lãnh thổ của nước ký kết kia, thì tòa án hoặc cơ quan khác của nước ký kết này có thể yêu cầu tòa án hoặc cơ quan khác của nước ký kết kia tống đạt giấy triệu tập phiên tòa cho họ.

2. Trong trường hợp nói ở khoản 1, giấy triệu tập phiên tòa không được kèm theo lời đe dọa, biện pháp phạt tiền hoặc biện pháp cưỡng chế khác vì lý do vắng mặt.

3. Nước ký kết yêu cầu hoàn lại các chi phí về đi lại và lưu trú, cũng như phải bồi thường khoản tiền lương không được lĩnh cho người làm chứng và trả tiền thù lao giám định cho giám định viên.

4. Người làm chứng được giám định viên đến trình diện trước cơ quan yêu cầu theo giấy triệu tập mà cơ quan được yêu cầu tống đạt cho họ, thì không kể người đó mang quốc tịch nước nào, đều không thể bị bắt, bị truy cứu trách nhiệm, bị buộc thi hành hình phạt về một tội đã phạm trước khi qua biên giới nước yêu cầu.

5. Người làm chứng hoặc giám định viên không được hưởng sự bảo hộ nói ở khoản 4, nếu họ không rời khỏi nước yêu cầu trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi được thông báo là sự có mặt của họ không cần thiết nữa. Không tính vào thời hạn này thời gian mà họ không thể rời khỏi nước yêu cầu không phải do lỗi của họ.

Chương III

GIẤY TỜ

Điều 14. Gửi giấy tờ

Các nước ký kết, theo yêu cầu của nhau, gửi cho nhau bản sao các giấy chứng nhận về hộ tịch cũng như bản sao các quyết định về hộ tịch, nếu các giấy tờ này liên quan đến công dân và nước yêu cầu. Các giấy tờ này không cần phải được hợp pháp hóa, không phải dịch và được gửi cho nước yêu cầu mà không được thanh toán tiền gửi.

Điều 15. Giá trị chứng cứ của giấy tờ.

1. Các giấy tờ và bản sao các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền lập ra hoặc chứng thực ở nước ký kết này và được đóng dấu chính thức sẽ có giá trị ở nước ký kết kia mà không cần phải hợp pháp hóa.

2. Các giấy tờ chính thức được lập ra ở nước ký kết này có giá trị chứng cứ như các giấy tờ chính thức được lập ra ở nước ký kết kia.

PHẦN THỨ HAI

Chương I

MIỄN CƯỢC ÁN PHÍ VÀ MIỄN ÁN PHÍ

Điều 16. Miễn cược án phí

Công dân nước ký kết này thường trú hoặc tạm trú ở một trong hai nước ký kết, khi tham gia tố tụng trước tòa án của nước ký kết kia, thì không phải chịu cược án phí chỉ vì lý do họ là người nước ngoài hoặc vì họ không thường trú hoặc tạm trú ở nơi họ tham gia tố tụng.

Điều 17. Phạm vi miễn án phí.

1. Công dân nước ký kết này được miễn án phí trên lãnh thổ nước ký kết kia và được hưởng sự giúp đỡ tư pháp không mất tiền theo cùng những điều kiện và mức độ như đối với công dân nước ký kết kia.

2. Việc miễn án phí được áp dụng đối với mọi hành vi tố tụng, kể cả các hành vi thi hành án.

3. Công dân của nước ký kết này đã được miễn án phí theo pháp luật của nước mình sẽ được miễn án phí về những hành vi tố tụng liên quan đến cùng vụ án được tiến hành trên lãnh thổ nước ký kết kia.

Điều 18. Giấy chứng nhận

1. Giấy chứng nhận về tình trạng nhân thân, gia đình, về thu nhập và tài sản của người xin được giúp đỡ tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết nơi người đó thường trú hoặc tạm trú cấp.

2. Trong trường hợp đương sự không thường trú hoặc tạm trú ở nước ký kết nào thì cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước ký kết mà đương sự là công dân có thể cấp giấy những nhận về việc đó.

3. Tòa án có thẩm quyền xét đơn xin giúp đỡ tư pháp có thể yêu cầu cơ quan đã cấp giấy chứng nhận cung cấp thêm những giấy tờ cần thiết khác theo cách thức quy định ở Điều 3 Hiệp định này.

Điều 19. Cách thức gửi đơn xin miễn án phí

Công dân của nước ký kết này có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền nơi cư trú, hoặc tạm trú của mình ghi nhận đề nghị tòa án của nước ký kết kia cho miễn án phí hoặc cho hưởng sự giúp đỡ tư pháp không mất tiền. Tòa án đã ghi nhận điều đó chuyển biên bản cho Tòa án có thẩm quyền và của nước ký kết kia kèm theo giấy chứng nhận nói ở Điều 18 Hiệp định này và các giấy tờ khác mà đương sự đã nộp theo cách thức quy định ở Điều 3 Hiệp định này.

Điều 20. Thời hạn nộp án, lệ phí.

1. Khi tòa án có thẩm quyền của một nước ký kết đòi hỏi án phí hoặc lệ phí thời hạn để nộp các khoản này không được dưới 2 tháng.

2. Khi tòa án có thẩm quyền của nước ký kết này ấn định thời hạn để công dân thường trú trên lãnh thổ nước ký kết kia thực hiện một hành vi tố tụng nhất định, thì thời hạn được tính bắt đầu từ ngày ghi trên dấu bưu điện của nước ký kết yêu cầu.

Chương II

QUYỀN NHÂN THÂN

Điều 21. Năng lực pháp lý và năng lực hành vi

Năng lực pháp lý và năng lực hành vi của một người được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người đó là công dân. Đối với việc ký kết các giao kèo nhỏ phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, thì năng lực hành vi của một người được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi ký kết giao kèo.

2. Năng lực pháp lý và năng lực hành vi của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi pháp nhân đặt trụ sở.

Điều 22. Tuyên bố chết

1. Cơ quan có thẩm quyền tuyên bố một người chết và xác nhận sự kiện chết là cơ quan của nước ký kết mà theo những tin tức cuối cùng người chết hoặc mất tích là công dân vào lúc còn sống.

2. Cơ quan của nước ký kết này có thể tuyên bố một người chết hoặc xác nhận sự kiện chết đối với công dân nước ký kết kia trong những trường hợp sau đây:

a) Có đơn yêu cầu của người muốn đòi quyền thừa kế đối với động sản hoặc bất động sản của người mất tích hoặc chết để lại trên lãnh thổ của nước ký kết này, hoặc

b) Có đơn của vợ hoặc chồng của người mất tích hoặc chết, trong trường hợp người đưa đơn thường trú ở nước ký kết này vào thời điểm đưa đơn.

3. Trong những trường hợp quy định ở các khoản 1 và 2, pháp luật áp dụng là pháp luật của nước ký kết mà theo những tin tức cuối cùng người chết là công dân vào lúc còn sống.

Chương III

CÁC VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH

Điều 23. Kết hôn

1. Hình thức kết hôn được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi tiến hành kết hôn.

2. Về điều kiện kết hôn, mỗi bên đương sự phải tuân theo pháp luật của nước ký kết mà người đó là công dân.

Điều 24. Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng

1. Các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng cũng như các quan hệ tài sản giữa vợ chồng phải tuân theo pháp luật của nước ký kết mà họ là công dân.

2. Nếu vợ chồng không cùng quốc tịch, pháp luật áp dụng là pháp luật của nước ký kết nơi họ đang thường trú hoặc đã cùng thường trú lần cuối cùng. Nếu họ không hề có nơi thường trú chung thì áp dụng pháp luật của nước ký kết có tòa án giải quyết vụ kiện.

Điều 25. Xác định có hôn nhân hay không có hôn nhân và công nhận hôn nhân vô hiệu.

1. Việc xác định có hôn nhân hay không có hôn nhân cũng như việc công nhận hôn nhân vô hiệu do không tuân theo các điều kiện về hình thức kết hôn phải căn cứ vào pháp luật của nước ký kết, nơi tiến hành kết hôn.

2. Việc xác định có hôn nhân hay không có hôn nhân cũng như việc công nhận hôn nhân vô hiệu do không tuân theo các điều kiện về nội dung kết hôn phải căn cứ vào pháp luật nói ở Điều 23, khoản 2 của Hiệp định này.

Điều 26. Ly hôn

1. Việc ly hôn phải tuân theo pháp luật của nước ký kết mà vợ chồng là công dân vào thời điểm đưa đơn ly hôn.

2. Nếu vào thời điểm đưa đơn ly hôn, vợ chồng không phải là công dân của cùng một nước ký kết thì pháp luật phải tuân theo là pháp luật của nước ký kết nơi họ đang cùng thường trú hoặc đã cùng thường trú lần cuối cùng. Nếu họ không hề có nơi thường trú chung trên lãnh thổ của một nước ký kết thì theo pháp luật của nước ký kết có tòa án giải quyết vụ ly hôn.

Điều 27. Thẩm quyền của Tòa án trong lĩnh vực hôn nhân

1. Trong trường hợp vợ chồng đều là công dân của một nước ký kết, Tòa án của nước ký kết đó có thẩm quyền giải quyết các vụ kiện nói ở Điều 24 khoản 1, Điều 25 và Điều 26 khoản 1 Hiệp định này. Tuy nhiên, nếu vợ chồng cùng thường trú ở nước ký kết kia thì Tòa án của nước ký kết kia cũng có thẩm quyền đó.

2. Trong trường hợp vợ chồng không cùng quốc tịch của một nước ký kết, Tòa án của nước ký kết nơi vợ chồng đang cùng thường trú hoặc đã cùng thường trú lần cuối cùng có thẩm quyền giải quyết các vụ kiện nói ở Điều 24 khoản 2, Điều 25 và Điều 26, khoản 2 Hiệp định này. Nếu vợ chồng không hề có nơi thường trú chung trên lãnh thổ của nước ký kết này, thì Tòa án của cả hai nước đều có thẩm quyền đó.

QUAN HỆ PHÁP LÝ GIỮA CHA MẸ VÀ CON

Điều 28.

Các vụ kiện về xác định hoặc khước từ quan hệ cha con, quan hệ mẹ con được giải quyết theo pháp luật của nước ký kết mà người con là công dân khi sinh ra. Quan hệ pháp lý giữa cha mẹ và con tuân theo pháp luật của nước ký kết mà người con là công dân.

Điều 29.

Tòa án của nước ký kết nơi người con thường trú có thẩm quyền giải quyết các quan hệ pháp lý nói ở Điều 28 Hiệp định này.

NUÔI CON NUÔI

Điều 30.

1. Việc nhận con nuôi phải tuân theo pháp luật của nước ký kết mà người nhận con nuôi là công dân.

2. Nếu vợ chồng, người là công dân nước ký kết này, người là công dân nước ký kết kia, cùng nhận nuôi đứa trẻ thì việc nhận nuôi này phải tuân theo những điều kiện của pháp luật hiện hành ở nước ký kết này hoặc ở nước ký kết kia.

3. Trong trường hợp đứa trẻ được nuôi là công dân nước ký kết này, người nhận nuôi là công dân nước ký kết kia, nếu pháp luật của nước ký kết mà đứa trẻ là công dân đòi hỏi, thì việc nhận nuôi này phải được sự thỏa thuận của đứa trẻ, của người đại diện hợp pháp của đứa trẻ hoặc của cơ quan chính thức có thẩm quyền của nước ký kết mà đứa trẻ là công dân.

Điều 31.

Các cơ quan của nước ký kết mà người được nuôi là công dân có thẩm quyền giải quyết các vấn đề về nhận nuôi con nuôi.

Điều 32.

Các quy định ở Điều 30 và Điều 31 Hiệp định này cũng áp dụng đối với việc chấm dứt nuôi con nuôi.

Điều 33. Công nhận năng lực hành vi hạn chế

Về công nhận năng lực hành vi hạn chế, pháp luật áp dụng và Tòa án có thẩm quyền là pháp luật và Tòa án của nước ký kết mà người có năng lực hành vi hạn chế là công dân.

ĐỠ ĐẦU VÀ TRỢ TÁ

Điều 34.

1. Pháp luật áp dụng và cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề đỡ đầu và trợ tá là pháp luật và cơ quan của nước ký kết mà người được đỡ đầu hoặc được trợ tá là công dân, trừ khi Hiệp định này quy định khác.

2. Quan hệ pháp lý giữa một bên là người đỡ đầu hoặc trợ tá và một bên là người được đỡ đầu hoặc được trợ tá được xác định theo pháp luật của nước ký kết có cơ quan đã chỉ định người đỡ đầu hoặc trợ tá.

3. Nghĩa vụ nhận làm người đỡ đầu hoặc trợ tá được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người có khả năng được chỉ định làm người đỡ đầu hoặc trợ tá là công dân.

4. Công dân của nước ký kết này có thể được chỉ định làm người đỡ đầu hoặc trợ tá cho công dân nước ký kết kia, nếu người đó cư trú trên lãnh thổ nước ký kết nơi phải thực hiện việc đỡ đầu hoặc trợ tá và nếu việc chỉ định người đó là thích hợp nhất đối với quyền lợi của người được đỡ đầu hoặc được trợ tá.

Điều 35.

1. Nếu thấy cần thiết phải tiến hành những biện pháp về đỡ đầu hoặc trợ tá để bảo vệ quyền lợi của công dân nước ký kết này thường trú hoặc tạm trú ở nước ký kết kia hoặc có tài sản ở nước ký kết kia, thì cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia sẽ thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết có công dân đó biết.

2. Trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia quyết định những biện pháp cần thiết tạm thời với điều kiện là thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết có công dân nói trên biết. Những biện pháp đó có hiệu lực cho đến khi cơ quan được thông báo ra quyết định khác

Điều 36.

1. Cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết này có công dân thường trú hoặc tạm trú ở nước ký kết kia hoặc có tài sản ở nước ký kết kia, có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia đặt đỡ đầu hoặc trợ tá cho công dân đó. Việc ủy nhiệm này có hiệu lực từ khi cơ quan được yêu cầu ra quyết định đặt đỡ đầu hoặc trợ tá và thông báo cho cơ quan yêu cầu biết.

2. Cơ quan được yêu cầu đặt đỡ đầu hoặc trợ tá theo khoản 1 sẽ áp dụng pháp luật của nước mình. Nhưng đối với việc xác định năng lực pháp lý hoặc năng lực hành vi của người được đỡ đầu hoặc trợ tá, thì phải áp dụng pháp luật của nước ký kết mà người được đỡ đầu hoặc trợ tá là công dân. Cơ quan này không có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến hộ tịch của người được đỡ đầu hoặc trợ tá, trừ việc cho phép kết hôn theo quy định của pháp luật nước ký kết mà người được đỡ đầu hoặc trợ tá là công dân.

Chương IV

CÁC VẤN ĐỀ VỀ TÀI SẢN

Điều 37. Hình thức giao kèo.

1. Hình thức giao kèo được xác định theo pháp luật áp dụng đối với chính giao kèo đó. Tuy nhiên, giao kèo vẫn được coi là hợp thức, nếu tuân theo pháp luật nơi ký kết giao kèo đó.

2. Hình thức giao kèo về bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước ký kết nơi có bất động sản.

Điều 38.

1. Pháp luật áp dụng đối với các nghĩa vụ không phát sinh từ giao kèo là pháp luật của nước ký kết nơi xảy ra sự kiện làm nảy sinh nghĩa vụ.

2. Nếu người gây thiệt hại và người bị thiệt hại là công dân của cùng một nước ký kết thì áp dụng pháp luật của nước ký kết đó.

Điều 39.

Tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ việc nói ở Điều 38 Hiệp định này là Tòa án của nước ký kết mà pháp luật sẽ được áp dụng theo quy định của Điều 38.

Chương V

THỪA KẾ

Điều 40. Nguyên tắc bình đẳng

1. Công dân nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ nước ký kết kia những quyền tài sản về thừa kế không có di chúc hoặc thừa kế có di chúc, theo cùng những điều kiện và cùng mức độ như công dân nước ký kết kia.

2. Công dân nước ký kết này có thể định đoạt bằng di chúc tài sản của mình để trên lãnh thổ nước ký kết kia.

Điều 41. Pháp luật áp dụng

1. Về thừa kế động sản, áp dụng pháp luật của nước ký kết mà người để lại động sản là công dân vào thời điểm chết.

2. Về thừa kế bất động sản, áp dụng pháp luật của nước ký kết nơi có bất động sản.

Điều 42. Di chúc

1. Hình thức của di chúc do pháp luật của nước ký kết mà người lập di chúc là công dân vào thời điểm lập di chúc quy định. Tuy nhiên, di chúc vẫn hợp thức nếu tuân theo pháp luật của nước ký kết nơi lập chúc. Quy định này cũng được áp dụng đối với việc hủy bỏ di chúc.

2. Năng lực lập và hủy bỏ di chúc, cũng như hậu quả pháp lý của những thiếu sót trong việc thể hiện ý chí được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người để lại di chúc là công dân vào thời điểm lập di chúc.

Điều 43. Thẩm quyền giải quyết các vấn đề thừa kế.

1. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc thừa kế động sản là cơ quan của nước ký kết mà người để lại tài sản là công dân khi chết, trừ trường hợp nói ở khoản 4 điều này.

2. Đối với việc thừa kế bất động sản, cơ quan có thẩm quyền giải quyết là cơ quan của nước ký kết nơi có bất động sản.

3. Các quy định nói ở khoản 1 và khoản 2 được áp dụng tương ứng đối với các tranh chấp về vấn đề thừa kế.

4. Trong trường hợp công dân nước ký kết này sau khi chết để lại toàn bộ động sản trên lãnh thổ trước ký kế kia, thì thể theo yêu cầu của một người thừa kế, theo di chúc hoặc theo pháp luật, cơ quan của nước ký kết kia sẽ tiến hành thủ tục về thừa kế, nếu được sự đồng ý của tất cả những người thừa kế theo di chúc mà người ta biết nơi thường trú hoặc tạm trú của họ.

Điều 44. Mở và công bố di chúc.

Việc mở và công bố di chúc thuộc thẩm quyền của cơ quan nước ký kết nơi để di chúc. Bản sao di chúc cũng như biên bản mở và công bố di chúc và, nếu cần thiết, thì cả bản gốc di chúc được gửi đi cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết mà người để lại di chúc là công dân.

Chương VI

CÔNG NHẬN VÀ THI HÀNH CÁC QUYẾT ĐỊNH VỀ DÂN SỰ

Điều 45. Điều kiện công nhận các quyết định

Các quyết định về dân sự đã tuyên ở nước ký kết này có thể được công nhận ở nước ký kết kia, nếu đáp ứng những điều kiện sau đây:

a) Theo pháp luật của nước ký kết được yêu cầu công nhận quyết định, Tòa án của nước đó không phải là Tòa án độc nhất có thẩm quyền giải quyết vụ kiện;

b) Bên thua kiện đã tham gia tố tụng hoặc nếu vắng mặt thì đã được tống đạt giấy triệu tập phiên tòa theo đúng thể thức quy định trong pháp luật của nước ký kết nơi ra quyết định;

c) Quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật của nước ký kết nơi ra quyết định;

d) Quyết định không có khoản nào phương hại đến chủ quyền, an ninh và trật tự công cộng của nước ký kết được yêu cầu công nhận nó;

e) Trước đó ở nước ký kết được yêu cầu công nhận quyết định chưa có một quyết định nào về cùng vụ kiện đó;

f) Về cùng vụ kiện đó Tòa án của nước ký kết được yêu cầu chưa tiến hành tố tụng trước khi bắt đầu việc giải quyết vụ kiện ở Tòa án nước ký kết yêu cầu.

Điều 46. Không thể công nhận quyết định

Những quy định của Điều 45 không áp dụng đối với các quyết định về những vụ kiện thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án nước thứ ba theo những điều ước quốc tế mà các nước ký kết đã ký kết hoặc tham gia.

Điều 47. Thi hành các quyết định

Những quyết định đã có hiệu lực pháp luật của nước ký kết này có thể được thi hành ở nước ký kết kia, nếu đáp ứng đầy đủ những điều kiện quy định ở Điều 45 Hiệp định này và nếu những quyết định đó có thể thi hành được ở nước ký kết yêu cầu. Nguyên tắc này cũng áp dụng đối với phần xử về bồi thường thiệt hại dân sự đã có hiệu lực pháp luật trong bản án hình sự.

Điều 48. Pháp luật áp dụng

Thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định do pháp luật của nước ký kết nơi quyết định cần được công nhận và thi hành quyết định.

Điều 49. Hình thức đơn xin công nhận và cho thi hành quyết định

1. Đơn xin công nhận và cho thi hành quyết định phải kèm theo:

a) Bản sao quyết định có chứng thực, kèm theo bản trình bày lý do;

b) Giấy xác nhận chính thức là quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nếu điều này không toát ra từ nội dung của quyết định;

c) Đối với quyết định xử vắng mặt thì kèm theo giấy xác nhận đã tống đạt hoặc các giấy tờ khác chứng minh đã tống đạt kịp thời và hợp thức giấy triệu tập phiên tòa cho bị đơn.

2. Đơn xin thi hành quyết định còn phải kèm theo giấy chứng nhận bản án đã được cho phép thi hành.

3. Các giấy tờ nói ở khoản 1 phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng nước ký kết được yêu cầu do một phiên dịch đã tuyên thệ làm hoặc được Tòa án của nước ký kết yêu cầu chứng thực.

Điều 50. Thi hành biên bản hòa giải

1. Biên bản hòa giải trước các Tòa án có thẩm quyền của nước ký kết này mà đã có hiệu lực thi hành ở nước ký kết này cũng có thể được công nhận và thi hành ở nước ký kết kia, nếu nó không trái với trật tự công cộng của nước ký kết kia.

2. Đơn xin công nhận và thi hành biên bản hòa giải phải kèm theo bản sao biên bản có chứng thực và giấy của Tòa án đã tiến hành hòa giải chứng nhận là biên bản có hiệu lực thi hành.

Điều 51. Thi hành văn bản công chứng

1. Văn bản công chứng được lập ra và có khả năng thi hành ở nước ký kết này có thể được thi hành ở nước ký kết kia theo cách thức đã quy định đối với các quyết định, nếu văn bản công chứng đó không trái với trật tự công cộng của nước ký kết kia.

2. Người xin thi hành văn bản công chứng phải nộp bản sao văn bản công chứng đã được chứng thực và ký tên, đóng dấu. Ngoài ra phải nộp giấy chứng nhận là văn bản công chứng đã có hiệu lực thi hành.

PHẦN THỨ BA

Chương I

DẪN ĐỘ

Điều 52. Nghĩa vụ dẫn độ

1. Các nước ký kết cam kết, theo quy định của Hiệp định này, khi được yêu cầu sẽ dẫn độ cho nhau những người đang cư trú trên lãnh thổ nước mình để nước ký kết kia truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt.

2. Chỉ dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự những người đã có các hành vi mà theo pháp luật của cả hai nước ký kết là tội phạm với hình phạt quy định là tước tự do trên một năm hoặc hình phạt nặng hơn.

3. Chỉ dẫn độ để thi hành hình phạt những người đã có hành vi phải chịu hình phạt theo pháp luật của cả hai nước ký kết và hình phạt đã tuyên không dưới 6 tháng tù hoặc nặng hơn.

Điều 53. Dẫn độ về nhiều tội phạm

Trong trường hợp có yêu cầu dẫn độ về nhiều tội phạm, mà mỗi tội phạm đều có thể bị phạt tù theo pháp luật của cả hai nước ký kết, nhưng có những tội phạm không đáp ứng những điều kiện quy định ở Điều 52, khoản 2 và khoản 3, thì nước ký kết được yêu cầu vẫn có thể cho dẫn độ.

TỪ CHỐI DẪN ĐỘ

Điều 54.

Nước ký kết được yêu cầu không dẫn độ công dân của nước mình, cũng như không dẫn độ những người đã được phép lánh nạn ở nước mình.

Điều 55.

Các nước ký kết không dẫn độ trong những trường hợp sau đây:

1. Tội phạm đã thực hiện trên lãnh thổ nước ký kết được yêu cầu, bao gồm cả trên tàu thủy, máy bay của nước đó, hoặc vì những lý do khác mà tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nước ký kết được yêu cầu và xâm phạm những lợi ích quan trọng của nước đó.

2. Tội phạm đã thực hiện trên lãnh thổ một nước thứ ba và pháp luật của nước ký kết được yêu cầu không cho truy cứu trách nhiệm hình sự loại tội phạm đó thực hiện ngoài lãnh thổ nước mình.

Điều 56.

1. Không dẫn độ trong những trường hợp mà theo pháp luật của nước ký kết được yêu cầu;

a) Hành vi phạm tội có khả năng xâm phạm chủ quyền, an ninh hoặc trật tự công cộng của nước ký kết được yêu cầu;

b) Hành vi phạm tội chỉ là sự vi phạm các quy định về thuế, về độc quyền, về hải quan, về hối đoái, về hàng hóa hoặc ngoại thương (các tội phạm về thuế).

c) Hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm theo yêu cầu của người bị hại.

2. Quy định ở khoản trên không cản trở việc hai nước ký kết thỏa thuận với nhau về dẫn độ những người phạm các tội nói ở các mục b và c của khoản 1 điều này trong những trường hợp cá biệt.

Điều 57.

1. Không dẫn độ:

a) Nếu về cùng hành vi phạm tội làm cơ sở để yêu cầu dẫn độ, đã có một bản án có hiệu lực pháp luật do nước ký kết được yêu cầu tuyên xử phạt hoặc đã tha người có hành vi đó, hoặc đã có một quyết định có hiệu lực pháp luật hủy bỏ tố tụng, trừ trường hợp bản án hoặc quyết định đó do một Tòa án không có thẩm quyền tuyên;

b) Nếu việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc việc thi hành hình phạt đã hết thời hiệu theo pháp luật của nước ký kết yêu cầu hoặc của nước ký kết được yêu cầu.

2. Ngoài ra, nước ký kết được yêu cầu có thể từ chối dẫn độ nếu tội phạm đã được thực hiện trên lãnh thổ một nước thứ ba và đã có bản án được tuyên ở nước thứ ba đó.

Điều 58. Hoãn dẫn độ

1. Nếu người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt về một tội phạm khác trên lãnh thổ nước ký kết được yêu cầu thì việc dẫn độ có thể được hoãn lại cho đến khi kết thúc tố tụng hình sự, chấp hành xong hình phạt hoặc được tha trước thời hạn.

2. Trong trường hợp việc hoãn dẫn độ nói ở khoản 1 có thể làm cho việc truy cứu hình sự bị hết thời hiệu hoặc làm cho việc điều tra tội phạm gặp khó khăn nghiêm trọng thì theo đề nghị có căn cứ có thể dẫn độ tạm thời người bị yêu cầu dẫn độ.

3. Người bị dẫn độ tạm thời phải được trả lại ngay sau khi hoàn thành tố tụng hình sự. Trong mọi trường hợp phải trả lại trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày dẫn độ.

Điều 59. Giới hạn việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Nếu không có sự đồng ý của nước ký kết được yêu cầu, thì không được truy cứu trách nhiệm hình sự người bị dẫn độ, không được buộc người đó phải chấp hành hình phạt về một tội phạm đã thực hiện trước ngày dẫn độ, trừ tội phạm đã là căn cứ để dẫn độ, và cũng không được dẫn độ người đó cho nước thứ ba.

2. Không đòi hỏi phải có sự đồng ý nói trên trong những trường hợp sau đây:

a) Người bị dẫn độ đã không rời khỏi lãnh thổ của nước ký kết yêu cầu trong thời hạn một tháng, kể từ ngày kết thúc tố tụng hình sự hoặc kể từ ngày đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn hình phạt. Không tính vào thời hạn này thời gian mà người bị dẫn độ không thể rời khỏi lãnh thổ của nước ký kết này vì những hoàn cảnh không phụ thuộc vào họ;

b) Người bị dẫn độ sau khi rời khỏi nước ký kết yêu cầu đã tự ý trở lại nước đó.

Điều 60. Văn bản yêu cầu dẫn độ.

1. Văn bản yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự phải kèm theo bản sao có chứng thực lệnh bắt, bản mô tả hoàn cảnh phạm tội cũng như điều luật quy định tội phạm đó. Nếu tội phạm đã gây thiệt hại vật chất, phải nói rõ mức độ thiệt hại.

2. Văn bản yêu cầu dẫn độ để thi hành hình phạt phải kèm theo bản sao có chứng thực bản án cùng với việc xác nhận bản án đã có hiệu lực pháp luật cũng như toàn văn điều luật mà theo đó can phạm đã bị kết án. Nếu người bị kết án đã chấp hành được một phần hình phạt thì cũng phải thông báo về điều này.

3. Văn bản yêu cầu dẫn độ phải ghi rõ quốc tịch, nhận dạng của người bị yêu cầu dẫn độ và nếu có thể được thì ghi rõ căn cước, nhân thân, nơi thường trú, ảnh và dấu vân tay của người đó.

4. Nước ký kết yêu cầu dẫn độ không bắt buộc phải gửi các tang, vật chứng về hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ kèm theo văn bản yêu cầu dẫn độ.

Điều 61. Bổ sung hồ sơ yêu cầu dẫn độ.

Nếu văn bản yêu cầu dẫn độ không có đầy đủ những dữ kiện cần thiết, nước ký kết được yêu cầu có thể đề nghị cung cấp bổ sung tin tức và ấn định một thời hạn trả lời không được quá hai tháng. Tuy nhiên, nếu có lý do chính đáng thời hạn này có thể được kéo dài thêm 15 ngày.

Điều 62. Tạm giữ để dẫn độ.

Sau khi nhận được yêu cầu dẫn độ, nước ký kết được yêu cầu phải tiến hành các biện pháp cần thiết để tạm giữ người bị yêu cầu dẫn độ. Điều này không áp dụng đối với những trường hợp không dẫn độ theo Hiệp định này.

Điều 63. Tạm giữ trước khi nhận được văn bản yêu cầu dẫn độ.

1. Người bị yêu cầu dẫn độ có thể bị tạm giữ trước khi nhận được văn bản yêu cầu dẫn độ, nếu có đề nghị của nước ký kết yêu cầu và nước này bảo đảm rằng đã có lệnh bắt hoặc đã có bản án có hiệu lực pháp luật xử phạt người đó, hoặc đã có một quyết định khác của tòa án. Đề nghị tạm giữ có thể được chuyển theo đường bưu chính, điện báo hoặc bằng bất cứ phương tiện nào khác chuyển được nội dung của văn bản yêu cầu dẫn độ.

2. Đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp, mặc dù chưa có yêu cầu dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết này cũng có thể tạm giữ một người đang có mặt trên lãnh thổ nước mình, nếu có tin tức về việc người đó đã thực hiện trên lãnh thổ nước ký kết kia một tội phạm đưa đến dẫn độ.

3. Ngày tạm giữ theo quy định ở khoản 1 và khoản 2 điều này phải được thông báo ngay cho nước ký kết kia biết.

Điều 64. Trả tự do cho người bị tạm giữ.

Người bị tạm giữ theo Điều 62 hoặc Điều 63 Hiệp định này có thể được trả tự do, nếu trong thời hạn một tháng, kể từ ngày thông báo việc tạm giữ cho nước ký kết kia, nước ký kết này không nhận được văn bản yêu cầu dẫn độ. Thời hạn này có thể được kéo dài thêm 15 ngày. Nếu có yêu cầu chính đáng của nước ký kết kia.

Điều 65. Thông báo quyết định về việc dẫn độ.

1. Nước ký kết được yêu cầu thông báo cho nước ký kết yêu cầu biết quyết định của mình về việc dẫn độ.

2. Nếu không chấp nhận toàn bộ hay một phần yêu cầu dẫn độ, thì nước ký kết được yêu cầu gửi cho nước ký kết yêu cầu một văn bản nói rõ lý do của quyết định đó.

3. Nếu chấp nhận yêu cầu dẫn độ, nước ký kết được yêu cầu thông báo cho nước ký kết yêu cầu biết về ngày và địa điểm dẫn độ. Nếu nước ký kết yêu cầu không tiếp nhận người bị dẫn độ vào ngày và địa điểm mà nước ký kết được yêu cầu đã ấn định mà không có yêu cầu hoãn việc dẫn độ thì người bị dẫn độ được trả tự do. Trong trường hợp này có thể từ chối việc dẫn độ, mặc dù yêu cầu dẫn độ được nhắc lại.

4. Việc hoãn dẫn độ nói ở khoản 3 không được quá một tháng.

Điều 66. Nhiều nước yêu cầu dẫn độ.

Nếu nhiều nước cùng yêu cầu dẫn độ một người, nước ký kết được yêu cầu có quyền quyết định ưu tiên dẫn độ cho một nước nhất định trong số các nước yêu cầu đó, căn cứ vào mọi tình tiết, nhất là vào tính chất của hành vi phạm tội, vào địa điểm phạm tội, vào quốc tịch của người bị yêu cầu dẫn độ, vào khả năng sau này dẫn độ cho các nước khác đã yêu cầu, cũng như vào ngày tháng của các yêu cầu dẫn độ.

Điều 67. Dẫn độ lại.

Nếu người bị dẫn độ trốn tránh việc truy cứu trách nhiệm hình sự và quay trở lại lãnh thổ nước ký kết được yêu cầu, thì người đó sẽ bị dẫn độ lại, khi nước ký kết kia nhắc lại yêu cầu dẫn độ. Trong trường hợp này không cần gửi các văn bản nói ở Điều 60 Hiệp định này.

Điều 68. Chuyển giao đồ vật

1. Những đồ vật của người bị dẫn độ do thực hiện tội phạm mà có, cũng như những đồ vật khác có thể dùng làm tang vật chứng trong tố tụng hình sự đều phải được chuyển giao cho nước ký kết yêu cầu, kể cả trong trường hợp không giao được người bị dẫn độ vì người này chết hoặc vì lý do khác. Phải có giấy biên nhận về việc chuyển giao đồ vật.

2. Nước ký kết được yêu cầu có thể tạm hoãn việc chuyển giao đồ vật, nếu những đồ vật này cần thiết cho việc giải quyết một vụ án hình sự khác.

3. Những người thứ ba có quyền lợi nguyên vẹn đối với những đồ vật đã được chuyển giao. Sau khi kết thúc tố tụng hình sự, những đồ vật này phải được hoàn lại cho nước ký kết đã chuyển giao chúng trong thời hạn ngắn nhất để trả cho những người có quyền lợi.

4. Những quy định của điều này không áp dụng đối với những quy định về hạn chết nhập khẩu và xuất khẩu đồ vật và tiền tệ.

Điều 69. Dẫn độ tạm thời

1. Nếu cần đến những người bị giam ở nước ký kết được yêu cầu để làm chứng, các cơ quan nói ở Điều 3 Hiệp định này có thể cho phép, chuyển giao những người đó cho nước ký kết yêu cầu với điều kiện là họ tiếp tục bị giam ở nước này và được trả lại ngay sau khi xong việc.

2. Nếu cần đến những người bị giam ở một nước thứ ba để làm chứng, các cơ quan nói ở Điều 3 Hiệp định này cho phép những người đó quá cảnh nước mình.

3. Những quy định của Điều 12 Hiệp định này được áp dụng đối với các trường hợp nói ở khoản 1 và khoản 2 điều này.

Chương II

QUÁ CẢNH VÀ NHỮNG QUY ĐỊNH KHÁC VỀ HÌNH SỰ

Điều 70. Quá cảnh

1. Nước ký kết này, theo yêu cầu của nước ký kết kia sẽ cho phép quá cảnh lãnh thổ nước mình những người mà một nước thứ ba dẫn độ cho nước ký kết kia. Các nước ký kết không có nghĩa vụ phải cho phép quá cảnh những trường hợp mà theo những quy định của Hiệp định này không được dẫn độ.

2. Văn bản yêu cầu quá cảnh được gửi theo đúng thể thức quy định đối với văn bản yêu cầu dẫn độ.

3. Các cơ quan có thẩm quyền của các nước ký kết thông báo cho nhau biết về cách thức thực hiện, hành trình và những điều kiện khác của việc quá cảnh đối với từng trường hợp một.

Điều 71. Chi phí về dẫn độ và về quá cảnh

Theo những quy định của Hiệp định này, chi phí về chuẩn bị và thực hiện việc dẫn độ và về chuyển giao đồ vật nảy sinh trên lãnh thổ nước ký kết nào, thì nước ký kết ấy chịu. Chi phí về quá cảnh do nước ký kết yêu cầu chịu.

Điều 72. Thông báo kết quả truy cứu trách nhiệm hình sự người bị dẫn độ.

Các nước ký kết thông báo cho nhau biết về kết quả truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ. Nếu có yêu cầu, thì gửi cả bản sao bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 73. Cách thức liên hệ

Trong các vấn đề liên quan đến dẫn độ, các nước ký kết liên hệ với nhau theo cách thức nói ở Điều 3 Hiệp định này hoặc bằng con đường ngoại giao.

Điều 74. Hiệu lực của Hiệp định trong vấn đề dẫn độ

Những quy định của Hiệp định này được áp dụng đối với những tội phạm thực hiện sau khi Hiệp định có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, các nước ký kết, theo pháp luật của nước mình, cũng có thể chấp nhận việc dẫn độ đối với những tội phạm được thực hiện trước đó.

Điều 75. Quan hệ với các điều ước quốc tế nhiều bên

Hiệp định này không làm thay đổi những nghĩa vụ về dẫn độ phát sinh từ các điều ước quốc tế nhiều bên của nước ký kết được yêu cầu.

Chương III

ỦY THÁC VIỆC TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Điều 76.

Nước ký kết này, thể theo yêu cầu của nước ký kết kia, có nghĩa vụ, phù hợp với pháp luật của nước mình, truy cứu trách nhiệm hình sự công dân của nước mình phạm tội trên lãnh thổ nước ký kết kia.

Điều 77.

1. Nhằm ủy thác việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 76 Hiệp định này, nước ký kết nơi xảy ra tội phạm gửi cho nước ký kết kia văn bản yêu cầu, trong đó cần ghi những điểm sau đây:

a) Tên cơ quan yêu cầu;

b) Định rõ tội phạm cần được truy cứu trách nhiệm hình sự và mô tả càng tỷ mỷ càng tốt thời gian và địa điểm phạm tội;

c) Những điều luật của nước ký kết yêu cầu, theo đó hành vi đã thực hiện bị coi là tội phạm;

d) Các tin tức chính xác về căn cước của người bị tình nghi, về quốc tịch, nơi thường trú hoặc tạm trú và nhận dạng của người đó, nếu thấy cần thiết.

Văn bản yêu cầu phải được ký tên và đóng dấu.

2. Cùng với văn bản yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực hồ sơ vụ án và các tang, vật chứng mà nước ký kết yêu cầu đã thu thập được. Việc chuyển giao các đồ vật này phải tuân theo Điều 68, khoản 4 Hiệp định này. Hồ sơ không cần phải có bản dịch.

3. Nước ký kết được yêu cầu thông báo cho nước ký kết yêu cầu biết về cách thức giải quyết ủy thác và kết quả việc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời gửi cho nước ký kết yêu cầu bản án đã tuyên.

Điều 78. Thông báo về các bản án

1. Hàng năm các nước ký kết thông báo cho nhau về các bản án đã có hiệu lực pháp luật xét xử công dân của nước ký kết kia.

2. Nhằm mục đích truy cứu trách nhiệm hình sự, các nước ký kết cung cấp cho nhau những thông tin về các hình phạt đã tuyên đối với những người trước đây đã cư trú trên lãnh thổ nước ký kết được yêu cầu.

3. Đối với những trường hợp nói ở khoản 1 và khoản 2 điều này, nếu có thể được, các nước ký kết cũng gửi cho nhau các bản in vân tay của những người bị kết án.

Chương IV

CHUYỂN GIAO NGƯỜI BỊ KẾT ÁN CHO NƯỚC KÝ KẾT MÀ HỌ LÀ CÔNG DÂN ĐỂ THI HÀNH HÌNH PHẠT

Điều 79. Điều kiện chuyển giao

Công dân của nước ký kết này bị phạt tù theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của nước ký kết kia, theo sự thỏa thuận của hai nước ký kết và tuân theo những điều kiện quy định ở Hiệp định này, sẽ được chuyển giao cho nước ký kết mà họ là công dân để thi hành hình phạt tù ở nước đó. Người bị kết án có đồng ý mới chuyển giao.

Điều 80. Yêu cầu và đơn xin chuyển giao

1. Việc chuyển giao người bị kết án để thi hành hình phạt được tiến hành theo yêu cầu của nước ký kết nơi đã ra bản án, nếu nước ký kết kia đồng ý nhận.

2. Nước ký kết mà người bị kết án là công dân có thể đề nghị nước ký kết nơi đã ra bản án xem xét khả năng chuyển giao người bị kết án.

3. Người bị kết án hoặc thân nhân của người đó có thể làm đơn xin các cơ quan có thẩm quyền của một nước ký kết cho chuyển giao người đó về nước để thi hành hình phạt. Cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết nơi đã ra bản án có trách nhiệm thông báo cho người bị kết án biết về khả năng làm đơn này.

Điều 81. Văn bản yêu cầu nhận chuyển giao người bị kết án

1. Cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết, nơi đã ra bản án gửi văn bản yêu cầu nhận chuyển giao người bị kết án để thi hành hình phạt cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia.

Yêu cầu nhận chuyển giao phải được làm thành văn bản và phải được gửi kèm theo những giấy tờ sau đây:

a) Bản sao có chứng thực bản án xử phạt người đó cũng như bản sao bản án của Tòa án cấp trên, nếu có, cùng với giấy xác nhận là bản án đã có hiệu lực pháp luật;

b) Những điều luật làm căn cứ để xử phạt;

c) Giấy chứng nhận phần hình phạt mà người bị kết án đã chấp hành, cũng như phần chưa chấp hành trong trường hợp hình phạt đang được chấp hành dở dang;

d) Giấy xác nhận quốc tịch của người bị kết án;

e) Những giấy tờ khác mà cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết, nơi đã ra bản án, thấy cần thiết.

2. Khi cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết mà người bị kết án là công dân yêu cầu, thì cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết, nơi đã ra bản án, sẽ bổ sung các tin tức hoặc giấy tờ khác.

Điều 82. Thông báo về cách thức giải quyết yêu cầu chuyển giao người bị kết án.

Cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết được yêu cầu trong thời hạn ngắn nhất sẽ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết yêu cầu biết về cách thức giải quyết yêu cầu.

Điều 83. Chuyển giao người bị kết án

Trong trường hợp nước ký kết được yêu cầu đồng ý, các cơ quan có thẩm quyền của hai nước ký kết trong thời hạn ngắn nhất sẽ ấn định địa điểm, ngày và cách thức chuyển giao người bị kết án. Việc chuyển giao người bị kết án được tiến hành trên lãnh thổ nước ký kết nơi đã ra bản án.

Điều 84. Pháp luật áp dụng

1. Việc thi hành hình phạt, ấn định mức hình phạt, miễn toàn bộ hay giảm một phần hình phạt, chuyển hình phạt này sang một hình phạt khác, cũng như việc xóa án sẽ tuân theo pháp luật của nước ký kết mà người bị kết án là công dân.

2. Sau khi người bị kết án được chuyển giao, thì việc đại xá sẽ được áp dụng với pháp luật hiện hành ở cả hai nước ký kết.

Điều 85. Chi phí về chuyển giao người bị kết án

Chi phí liên quan đến chuyển giao người bị kết án do nước ký kết đã yêu cầu chuyển giao chịu. Việc thông bảo bản án không được coi là yêu cầu chuyển giao người bị kết án.

PHẦN THỨ TƯ

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 86.

Những bất đồng về giải thích và áp dụng Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua đường ngoại giao

Điều 87.

1. Hiệp định này cần được phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực vào ngày thứ 30, kể từ ngày trao đổi các văn kiện phê chuẩn ở Hà Nội.

2. Hiệp định này có giá trị vô thời hạn. Mỗi nước ký kết có thể hủy bỏ Hiệp định bằng cách thông báo cho nước ký kết kia. Trong trường hợp này, Hiệp định sẽ hết hiệu lực sau 6 tháng, kể từ ngày có thông báo hủy bỏ.

Làm tại Vacsava, ngày 22 tháng 3 năm 1993, thành hai bản, mỗi bản được viết bằng Tiếng Việt, tiếng Ba Lan và tiếng Pháp. Hai văn bản bằng tiếng Việt và tiếng Ba Lan có giá trị ngang nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau giữa hai văn bản này thì căn cứ vào văn bản bằng tiếng Pháp.

Để làm bằng những người được ủy quyền của hai nước ký kết đã ký vào Hiệp định này và đóng dấu xác nhận./.

 

THỪA ỦY QUYỀN
CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Nguyễn Đình Lộc

THỪA ỦY QUYỀN
TỔNG THỐNG NƯỚC CỘNG HÒA
BA LAN




Jan Piatkowski

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam - Ba Lan

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


19.135

DMCA.com Protection Status
IP: 18.216.99.18
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!