HIỆP ĐỊNH
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP
VÀ PHÁP LÝ VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ, GIA ĐÌNH VÀ HÌNH SỰ GIỮA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM VÀ LIÊN BANG CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA XÔ VIẾT
Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam và Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô
viết.
Xuất phát từ lòng mong muốn phát triển hơn nữa quan
hệ hữu nghị trên cơ sở Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ký ngày 3
tháng 11 năm 1987.
Cho rằng việc phát triển hợp tác trong lĩnh vực tương
trợ tư phát và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự có ý nghĩa
quan trọng.
Đã quyết định ký kết Hiệp định này và với mục
đích ấy hai bên đã cử đại diện toàn quyền của mình.
Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam cử:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam Phan Hiền.
Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên bang Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Xô viết cử:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Xô viết Terebilov V.I.
Các đại diện toàn quyền, sau khi trao đổi giấy ủy
quyền hợp pháp và hợp thức, đã thỏa thuận những điều sau đây:
Chương I
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1. Bảo hộ pháp lý
1. Công dân nước này ký kết này được hưởng trên lãnh
thổ của nước ký kết kia sự bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân thân và tài
sản mà nước ký kết kia dành cho công dân của mình.
2. Công dân của nước ký kết này được quyền tự do
liên hệ với Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan công chứng (sau đây, gọi chung là cơ
quan tư pháp) và các cơ quan khác có thẩm quyền về các vấn đề dân sự, gia đình và
hình sự của nước ký kết kia. Họ cũng có quyền bày tỏ ý kiến, đề đạt nguyện vọng,
đưa đơn kiện và thực hiện những hành vi tố tụng khác trước các cơ quan trên
theo những điều kiện mà nước ký kết kia dành cho công dân mình.
3. Những quy định trong các khoản 1 và 2 của Điều
này cũng được áp dụng cho vấn đề lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án.
4. Những quy định của Hiệp định này cũng được áp
dụng tương ứng đối với các pháp nhân của nước ký kết.
Điều 2. Tương trợ tư pháp
1. Cơ quan tư pháp của nước ký kết sẽ tương trợ nhau
về tư pháp trong các vấn đề dân sự (kể cả lao động), gia đình và hình sự, theo
những quy định trong Hiệp định này.
2. Cơ quan tư pháp của các nước ký kết cũng sẽ tương
trợ về tư pháp cho các cơ quan khác của mỗi nước ký kết có thẩm quyền về các
vấn đề ở khoản 1.
Điều 3. Cách thức liên hệ
1. Khi thực hiện tương trợ tư pháp, cơ quan tư pháp
của nước ký kết liên hệ với nhau qua Bộ Tư pháp hoặc Viện Kiểm sát của mình,
trừ trường hợp Hiệp định này quy định khác; phía Liên Xô là Bộ Tư pháp hoặc
Viện kiểm sát của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết; phía Việt Nam là
Bộ Tư pháp hoặc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
2. Các cơ quan khác có thẩm quyền về dân sự, gia
đình và hình sự gửi ủy thác tư pháp cho nhau qua các cơ quan tư pháp, trừ trường
hợp Hiệp định này quy định khác.
Điều 4. Phạm vụ tương trợ tư
pháp
Các nước ký kết tương trợ nhau về mặt tư pháp bằng
cách thực hiện việc ủy thác tiến hành các hành vi tố tụng riêng biệt đã được
pháp luật của nước được ủy thác quy định, như tống đạt giấy tờ, khám xét, thu
giữ và chuyển giao các vật chứng, tiến hành giám định, lấy lời khai của các bị
cáo, người làm chứng, người giám định, các bên đương sự và những người khác, xem
xét vật chứng tại phiên tòa, thi hành các quyết định, dẫn dộ người phạm tội, điều
tra hình sự hoặc chuyển giao tài liệu và cung cấp cho các tin tức khác.
Điều 5. Hình thức ủy thác tư
pháp
1. Giấy ủy thác tư pháp cần nêu đủ các điểm sau
đây:
1) Tên cơ quan ủy thác;
2) Tên cơ quan được ủy thác;
3) Tên công việc ủy thác;
4) Họ tên, quốc tịch, nghề nghiệp, nơi cư trú hay
nơi tạm trú của các bên đương sự, bị can, bị cáo và cả của những người khác có
liên quan đến việc ủy thác tư pháp;
5) Họ tên và địa chỉ của người đại diện trong tố
tụng;
6) Nội dung ủy thác; riêng đối với vụ án hình sự
thì còn phải miêu tả hoàn cảnh thực tế của tội phạm và nêu tội danh pháp lý.
2. Giấy ủy thác tư pháp phải có chữ ký và đóng dấu;
3. Khi thực hiện tương trợ tư pháp, hai nước ký kết
được sử dụng các giấy in sẵn bằng tiếng Nga và tiếng Việt, mà trước đó đã gửi
mẫu cho nhau.
Điều 6. Cách thức thực hiện
ủy thác tư pháp
1. Trong việc thưc hiện ủy thác tư pháp, cơ quan
được yêu cầu áp dụng pháp luật của nước mình. Song nếu có đề nghị của cơ quan yêu
cầu thì cũng có thể áp dụng các quy phạm tố tụng của nước ký kết có cơ quan yêu
cầu, miễn là những quy phạm đó không mâu thuẫn với pháp luật của nước mình.
2. Trong trường hợp không có thẩm quyền, cơ quan
được ủy thác sẽ chuyển việc được ủy thác cho cơ quan có thẩm quyền.
3. Nếu việc được ủy thác không thể thực hiện được
theo địa chỉ đã nếu trong giấy tờ ủy thác, thì cơ quan được yêu cầu sẽ căn cứ
vào pháp luật của nước mình mà thi hành những biện pháp cần thiết để tìm ra địa
chỉ đúng.
4. Theo yêu cầu của cơ quan của nước ủy thác, cơ
quan của nước được yêu cầu sẽ thông báo kịp thời cho cơ quan đó và các bên liên
quan biết thời gian và địa điểm thực hiện việc được ủy thác.
5. Nếu không thực hiện được việc ủy thác thì cơ quan
được ủy thác sẽ gửi trả tài liệu và đồng thời thông báo lý do cho cơ quan ủy
thác biết.
Điều 7. Gọi người làm chứng
và người giám định
1. Người làm chứng hoặc người giám định, không kể
là công dân nước nào, mà theo giấy gọi của cơ quan tư pháp được yêu cầu đến cơ
quan yêu cầu, thì không thể bị truy cứu trách nhiệm, không bị bắt giữ hoặc
không bị xử lý về hành vi phạm pháp thực hiện trước khi qua biên giới của nước
yêu cầu. Những người đó cũng không thể bị truy cứu trách nhiệm, không bị bắt
giữ hoặc không bi xử lý vì những lời khai làm chứng và những kết luận có tư
cách là người giám định, hoặc vì họ liên quan đến vụ án hình sự đang là đối
tượng của tố tụng.
2. Người làm chứng hoặc người giám định không được
hưởng sự bảo đảm nói ở khoản 1 nếu, mặc dù có khả năng, họ đã không rời khỏi
lãnh thổ của nước yêu cầu trong vòng 15 ngày kể từ ngày họ được báo là sự có
mặt của họ không cần thiết nữa. Sẽ không tính vào thời gian mà họ không thể rời
khỏi nước ký kết trên vì những nguyên nhân không phụ thuộc vào họ.
3. Người làm chứng và người giám định được gọi sang
lãnh thổ của nước ủy thác có quyền được hoàn lại các khoản chi phí về đi đường,
về cư trú cũng như khoản tiền lương không được hưởng thù lao giám định. Ngoài ra
người giám định còn đươc hưởng thù lao giám định. Giấy gọi phải ghi rõ các khoản
tiền mà những người được gọi có quyền hưởng. Nếu người được gọi yêu cầu thì cơ
quan của nước ký kết đã phát giấy gọi sẽ phải ứng trước một số tiền để thanh
toán các khoản chi phí thích ứng.
Điều 8. Sự hợp lệ của giấy tờ
1. Các giấy tờ do các cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc
chứng nhận trên lãnh thổ của một nước ký kết theo đúng thể thức quy định, được
miễn thị thực khi đem sử dụng ở nước ký kết kia. Giấy tờ này bao gồm cả giấy tờ
của công dân, nếu chữ ký của họ đã được chứng thực theo đúng những quy định
hiện hành ở nước họ.
2. Những giấy tờ được coi là chính thức trên lãnh
thổ của một nước ký kết thì trên lãnh thổ của nước ký kết kia cũng có giá trị
như các giấy tờ chính thức của nước đó.
Điều 9. Chuyển giao giấy tờ
liên quan đến quyền và lợi ích riêng của công dân
1. Nước ký kết này, thể theo yêu cầu nhận được qua
đường ngoại giao, chuyển giao cho nước ký kết kia các giấy chứng nhận về hộ tịch,
thời gian công tác, trình độ văn hóa và các giấy tờ khác có liên quan đến quyền
và lợi ích của công dân nước ký kết kia.
2. Các giấy tờ trên đây được chuyển giao bằng đường
ngoại giao, không phải dịch và được miễn các khoản tiền.
Điều 10. Tống đạt giấy tờ
1. Cơ quan tư pháp của nước được yêu cầu sẽ căn cứ
vào những quy định hiện hành của nước mình mà tống đạt giấy tờ, nếu những giấy
tờ đó được viết bằng tiếng nước mình hoặc có kèm theo bản dịch được chứng nhận là
đúng. Trong các trường hợp khác, chỉ tống đạt khi người nhận tự nguyện nhận.
2. Giấy ủy thác tống đạt giấy tờ cần ghi rõ địa chỉ
người nhận và tên của giấy tờ đó.
3. Nếu việc tống đạt không thể thực hiện được theo
địa chỉ đã nêu trong giấy ủy thác, thì cơ quan được ủy thác sẽ căn cứ vào pháp
luật nước mình mà tiến hành các biện pháp cần thiết để xác định địa chỉ đúng
của người nhận; nếu không thể tìm được địa chỉ của người nhận, thì cơ quan được
ủy thác sẽ thông báo cho cơ quan ủy thác biết và gửi trả các giấy tờ cần tống
đạt.
Điều 11. Xác nhận việc tống
đạt giấy tờ
Xác nhận việc tống đạt giấy tờ được thực hiện theo
các quy định hiện hành về tống đạt của nước được yêu cầu. Giấy xác nhận cần ghi
rõ thời gian, địa điểm tống đạt và họ tên người đã nhận giầy tờ.
Điều 12. Tống đạt giấy tờ
và xét hỏi công dân của nước mình
Hai nước ký kết có quyền tống đạt giấy tờ và xét
hỏi công dân của nước mình thông qua đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của
mình.
Điều 13. Thông tin pháp luật
Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát Liên bang Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Xô viết, Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thể theo yêu cầu của mỗi bên, sẽ thông báo cho
nhau về các văn bản pháp luật đang có hiệu lực hoặc trước đây có hiệu lực trên
lãnh thổ của nước mình và về vấn đề áp dụng các văn bản đó của các cơ quan tư
pháp.
Điều 14. Tiếng nói
Trong việc tương trợ tư pháp các cơ quan của hai
nước ký kết sẽ sử dụng tiếng Nga hoặc tiếng Việt nếu Hiệp định này không quy định
khác.
Điều 15. Chi phí liên quan
đến việc tương trợ tư pháp
1. Nước ký kết được yêu cầu sẽ không đòi thanh toán
các chi phí trong việc tương trợ tư pháp. Mỗi nước ký kết chịu tất cả những chi
phí về tương trợ tư pháp trên lãnh thổ của mình.
2. Cơ quan tư pháp được yêu cầu sẽ thông báo cho
cơ quan tư pháp yêu cầu tổng số chi phí. Nếu cơ quan tư pháp yêu cầu thu được số
chi phí này ở đương sự có trách nhiệm phải nộp, số tiền thu được sẽ thuộc quyền
nước ký kết đã thu.
Chương II.
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VÀ
QUAN HỆ PHÁP LUẬT DÂN SỰ VÀ GIA ĐÌNH
Điều 16. Miễn cược án phí
Không thể bắt buộc công dân của một trong hai nước
ký kết đang sống trên lãnh thổ của một trong hai nước này phải nộp tiền cược án
phí khi họ tham gia tố tụng ở nước ký kết kia, chỉ vì họ là người nước ngoài
hoặc vì họ không có chỗ thường trú ở nước ký kết, nơi họ tham gia tố tụng.
Điều 17. Những ưu đãi trong
tố tụng
1. Công dân của một nước ký kết được miễn trên lãnh
thổ của nước ký kết kia các khoản lệ phí và chi phí liên quan đến việc giải
quyết vụ án, cũng như được hưởng sự giúp đỡ pháp lý không mất tiền theo cùng
những điều kiện và mức độ như đối với công dân của nước ký kết kia.
2. Những ưu đãi quy định ở khoản 1 được áp dụng đối
với tất cả các hành vi tố tụng, kể cả việc thi hành quyết định của Tòa án.
Điều 18.
1. Những ưu đãi quy định ở Điều 17 được cho hưởng
trên cơ sở các giấy tờ về tình trạng nhân thân, gia đình và tài sản của người
ưu đãi. Giấy tờ này do cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết nơi trú quán hoặc
tạm trú của người xin ưu đãi cấp.
2. Nếu người xin ưu đãi không có nơi cư trú hoặc
nơi tạm trú trên lãnh thổ của hai nước ký kết, thì chỉ cần giấy chứng nhận do cơ
quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước ký kết mà người ấy là công
dân cấp.
Điều 19.
1. Công dân của một nước ký kết muốn xin hưởng trên
lãnh thổ của nước ký kết kia các ưu đãi quy định ở Điều 17, có thể đưa đơn qua
cơ quan có thẩm quyền của nước mình. Cơ quan này sẽ chuyển đơn kèm theo các giấy
chứng nhận quy định ở Điều 18 và những giấy tờ cần thiết khác của người đứng
đơn cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia.
2. Cùng một lúc với việc chuyển đơn xin hưởng các
ưu đãi quy định ở Điều 17, có thể chuyển cả đơn khởi tố cũng như đơn xin chỉ
định người đại diện hoặc những nơi cần thiết khác.
3. Cơ quan giải quyết đơn xin ưu đãi có thể yêu cầu
cơ quan đã cấp giấy chứng nhận giải thích hoặc cung cấp thêm những điều cần thiết.
Điều 20. Đình chỉ vụ kiện
Nếu Tòa án của cả hai nước ký kết đều có thẩm quyền
theo Hiệp định này hoặc trong trường hợp Hiệp định này không quy định mà họ có
thẩm quyền theo pháp luật của nước mình, cùng thụ lý một vụ kiện có cùng một
bên đương sự và cùng một nội dung, thì Tòa án nào thụ lý sau sẽ phải đình chỉ
tố tụng và báo cho các bên đương sự biết.
QUY CHẾ NHÂN THÂN VÀ LUẬT GIA ĐÌNH
Điều 21. Năng lực hành vi
và năng lực pháp lý
1. Năng lực hành vi của một người do pháp luật của
nước ký kết mà người đó là công dân quy định.
2. Khi ký kết những giao kèo nhỏ phục vụ sinh hoạt
thì năng lực hành vi của một người do pháp luật của nước ký kết nơi ký giao kèm
quy định.
3. Năng lực pháp lý của một pháp nhân do pháp luật
của nước ký kết đã thành lập pháp nhân đó quy định.
Điều 22. Công nhận người
mất tích hoặc chết và xác nhận sự kiện chết
1. Việc công nhận một người mất tích hoặc chết cũng
như việc xác nhân sự kiện chết thuộc thẩm quyền những cơ quan của nước ký kết
mà theo những tin tức cuối cùng, người đó là công dân khi còn sống.
2. Theo đơn yêu cầu của người cư trú trên lãnh thổ
nước mình, các cơ quan tư pháp tư pháp của nước ký kết này có thể công nhận việc
mất tích, việc chết hoặc xác định sự kiện chết của công dân nước ký kết kia,
nếu theo pháp luật của nước họ đang cư trú người đứng đơn có quyền và lợi ích.
3. Trong những trường hợp nói ở các khoản 1 và 2
trên đây, các cơ quan tư pháp của các nước ký kết áp dụng pháp luật cho nước
mình.
Điều 23. Kết hôn
1. Việc kết hôn giữa công dân nước ký kết này với
công dân nước ký kết kia phải tuân theo những điều kiện kết hôn do pháp luật
của nước ký kết mà họ là công dân quy định. Ngoài ra, người kết hôn phải tuân
theo pháp luật của nước ký kết nơi tiến hành việc kết hôn về những trường hợp
ngăn cấm kết hôn.
2. Nghi thức kết hôn do pháp luật của nước ký kết
nơi tiến hành việc kết hôn quy định.
Điều 24. Quan hệ nhân thân
và quan hệ tài sản giữa vợ chồng
1. Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng
đang cùng sống được quy định theo pháp luật của nước ký kết ở đó họ có nơi
thường trú.
2. Nếu hai vợ chồng cùng quốc tịch mà người cư trú
trên lãnh thổ nước ký kết này, người cư trú trên lãnh thổ nước ký kết kia, thì
quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa họ sẽ theo pháp luật của nước ký kết
mà họ là công dân.
3. Nếu hai vợ chồng không cùng quốc tịch mà người
cư trú trên lãnh thổ nước ký kết này, người cư trú trên lãnh thổ nước ký kết
kia, thì quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa họ sẽ theo pháp luật của nước
ký kết ở đó họ có nơi cư trú chung cuối cùng.
4. Nếu hai vợ chồng, nói ở khoản 3 trên đây, mà không
có nơi cư trú chung, thì áp dụng pháp luật của nước ký kết có Tòa án đã nhận
đơn kiện.
5. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề thuộc
về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng là các cơ quan của nước
ký kết được phép áp dụng pháp luật của mình theo những khoản 1, 2 và 3. Đối với
trường hợp quy định ở khoản 4 thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án của cả
hai nước ký kết.
Điều 25. Ly hôn
1. Nếu hai vợ chồng cùng là công dân một nước ký
kết thì việc ly hôn sẽ tiến hành theo pháp luật của nước ký kết mà họ là công
dân khi đưa đơn ly hôn.
2. Nếu hai vợ chồng người có quốc tịch của nước ký
kết này, người có quốc tịch của nước ký kết kia thì cơ quan tư pháp đã nhận đơn
sẽ tiến hành tố tụng theo pháp luật của nước mình.
3. Về trường hợp ly hôn nói ở khoản 1 điều nay, thì
thẩm quyền giải quyết thuộc về các cơ quan tư pháp của nước ký kết mà cả hai vợ
chồng là công dân khi đưa đơn ly hôn. Nếu khi đưa đơn ly hôn cả hai vợ chồng
đều cư trú trên lãnh thổ của nước ký kết kia thì các cơ quan tư pháp của nước
ký kết kia cũng có thẩm quyền.
4. Về trường hợp ly hôn nói ở khoản 2 điều này, cơ
quan tư pháp có thẩm quyền là cơ quan tư pháp của nước nơi cả hai vợ chồng đang
cư trú. Nếu hai vợ chồng không cư trú ở một nước ký kết thì cơ quan tư pháp của
cả hai nước ký kết đều có thẩm quyền giải quyết.
Điều 26. Hôn nhân vô hiệu
1. Đối với việc xác định một hôn nhân là vô hiệu
thì áp dụng pháp luật theo tinh thần Điều 23 về kết hôn.
2. Thẩm quyền của cơ quan tư pháp trong việc công
nhận hôn nhân vô hiệu được xác định theo các khoản 3 và 4 của Điều 25 Hiệp định
này.
Điều 27. Quan hệ pháp luật
giữa cha mẹ và con cái
1. Đối với việc xác nhận hay khước từ quan hệ cha
con, sẽ áp dụng pháp luật của nước ký kết mà đứa trẻ là công dân khi sinh ra.
2. Quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con cái được
xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi họ đang cùng cư trú.
3. Nếu cha mẹ hoặc một trong hai người cư trú ở nước
ký kết này còn đứa trẻ lại cư trú ở nước ký kết kia, thì quan hệ pháp luật giữa
cha mẹ và con cái do pháp luật của nước ký kết nơi đứa trẻ đang cư trú quy định.
4. Về việc cha mẹ cấp dưỡng con cái và con cái đã
thành niên cấp dưỡng cha mẹ thì theo pháp luật của nước ký kết nơi người yêu cầu
cấp dưỡng đang cư trú.
5. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định về quan hệ
pháp luật nói ở khoản 1 điều này là cơ quan tư pháp của nước ký kết mà đứa trẻ
là công dân hoặc đang có nơi cư trú. Về trường hợp nói ở các khoản 2, 3 và 4,
thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan tư pháp của nước ký kết nơi nguyên đơn đang
cư trú.
Điều 28. Nuôi con nuôi
1. Đối với việc nuôi con nuôi sẽ áp dụng pháp luật
của nước ký kết mà người nhận nuôi là công dân vào lúc nhận nuôi.
2. Nếu pháp luật của nước ký kết mà đứa trẻ là công
dân đòi hỏi phải có sự đồng ý của đứa trẻ hoặc của những người đại diện hợp
pháp của nó, cũng như sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, thì nhất thiết phải
đáp ứng yêu cầu này.
3. Trong trường hợp hai vợ chồng cùng nhận nuôi mà
chồng là công dân của nước ký kết này, vợ là công dân của nước ký kết kia, thì
áp dụng pháp luật của cả hai nước.
4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc nuôi con
nuôi là cơ quan của nước ký kết mà người nhận nuôi là công dân. Trong trường
hợp ở khoản 3 điều này thì cơ quan tư pháp có thẩm quyền là cơ quan của nước ký
kết nơi hai vợ chồng đang có hoặc đã có nơi cú trú hoặc nơi tạm trú chung.
5. Những quy định ở các khoản 1, 2, 3 và 4 trên đây
cũng áp dụng đối với việc hủy bỏ nuôi con nuôi.
Điều 29. Giám hộ và trợ tá
1. Nếu như Hiệp định này không quy định khác, việc
giám hộ và trợ tá đối với công dân của các nước ký kết do cơ quan tư pháp của
nước ký kết mà người được giám hộ hoặc trợ tá là công dân quyết định.
2. Điều kiện đặt và hủy bỏ giám hộ và trợ tá do pháp
luật của nước ký kết mà người được giám hộ hoặc trợ tá là công dân quy định.
3. Quan hệ pháp luật giữa người giám hộ, hoặc người
trợ tá và người được giám hộ, trợ tá sẽ theo pháp luật của nước ký kết đã chỉ
định người giám hộ, người trợ tá.
4. Về nghĩa vụ nhận giám hộ hoặc trợ tá thì theo
pháp luật của nước ký kết mà người được chỉ định làm giám hộ, trợ tá là công
dân.
5. Công dân của nước ký kết này có thể được chỉ định
làm người giám hộ, trợ tá cho công dân của nước ký kết kia, nếu họ đang ở nước
ký kết nơi sẽ tiến hành việc giám hộ hoặc trợ tá.
Điều 30.
1. Nếu nước ký kết này thấy cần thiết phải đặt giám
hộ hoặc trợ tá cho công dân nước ký kết kia có trú quan, nơi tạm trú hoặc tài
sản ở nước mình, thì cơ quan có thẩm quyền của nuớc ký kết đó phải thông báo
ngay cho cơ quan có thẩm quyền nói ở khoản 1 Điều 29 của nước ký kết kia biết.
2. Trong trường hợp khẩn cấp các cơ quan có thẩm
quyền của nước trên đây sẽ căn cứ vào pháp luật của nước mình mà tiến hành những
biện pháp tạm thời cần thiết, những phải thông báo ngay cho các cơ quan có thẩm
quyền nói ở khoản 1 Điều 29 của nước ký kết kia biết. Những biện pháp đó có
hiệu lực cho đến khi các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia ra những
quyết định khác.
Điều 31.
1. Những cơ quan của nước ký kết có công dân cần
được giám hộ hoặc trợ tá, có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết
kia đặt giám hộ, trợ tá hoặc cho tiến hành những biện pháp tạm thời, nếu người
cần được giám hộ, trợ tá có nơi cư trú hoặc nơi tạm trú ở nước ký kết kia. Các
cơ quan yêu cầu cần thông báo cho các cơ quan yêu cầu về việc chỉ định giám hộ,
trợ tá cũng như về việc tiến hành các biện pháp tạm thời.
2. Nếu công dân của nước ký kết này, sau khi đã được
đặt giám hộ, trợ tá, lại chuyển nơi cư trú sang nước ký kết kia, thì cơ quan đã
ra quyết định đặt giám hộ, trợ tá có thể đề nghị cơ quan của nước ký kết kia
duy trì việc giám hộ hoặc trợ tá. Việc giám hộ hoặc trợ tá coi như được chuyển
giao khi cơ quan được yêu cầu tiếp nhân và thông báo điều này cho cơ quan yêu
cầu biết.
3. Cơ quan đã tiếp nhận việc giám hộ hoặc trợ tá
sẽ căn cứ vào pháp luật của nước mình để thực hiện việc giám hộ, trợ tá. Những cơ
quan này không có quyền ra quyết định về các vấn đề liên quan tới quy chế nhân
thân của người được giám hộ, trợ tá.
Điều 32. Hình thức giao kèo
1. Hình thức giao kèo phải tuân thủ theo pháp luật
áp dụng đối với từng loại giao kèo. Nhưng chỉ cần tuân theo pháp luật của nơi
thực hiện giao kèo.
2. Hình thức giao kèo về bất động sản thì phải tuân
theo pháp luật của nước ký kết có bất động sản.
Điều 33. Trách nhiệm do gây
thiệt hại
1. Về trách nhiệm do gây thiệt hại, áp dụng pháp
luật của nước ký kết nơi xảy ra những hành vi hoặc những tình tiết khác là cơ sở
để đòi bồi thường thiệt hại.
2. Nếu người gây thiệt hại hoặc người bị hại đều
là công dân của một nước ký kết thì áp dụng pháp luật của nước đó.
3. Áp dụng pháp luật của nước ký kết nào thì cơ quan
tư pháp của nước đó có thẩm quyền ra quyết định đối với những việc đã nói ở các
khoản 1 và 2 điều nay.
THỪA KẾ
Điều 34. Nguyên tắc bình
đẳng
Công dân nước ký kết này bình đẳng với công dân nước
ký kết kia trong việc lập hoặc hủy bỏ di chúc đối với tài sản đang có và các
quyền cần thực hiện ở nước ký kết kia, cũng như về khả năng được nhận tài sản
hoặc các quyền theo thừa kế. Việc chuyển tài sản và các quyền cho công dân nước
ký kết này theo đúng những điều kiện mà nước ký kết kia dành cho công dân của
mình.
Điều 35. Quyền thừa kế
1. Pháp luật điều chỉnh quyền thừa kế bất động sản
là pháp luật của nước ký kết mà người để lại tài sản thừa kế là công dân khi
chết.
2. Pháp luật điều chỉnh quyền thừa kế bất động sản
là pháp luật của nước ký kết nơi có bất động sản.
3. Việc phân biệt một tài sản thừa kế là động sản
hay bất động sản được giải quyết theo pháp luật của nước ký kết nơi có tài sản
đó.
Điều 36. Chuyển giao tài
sản thừa kế cho Nhà nước
Nếu theo pháp luật của các nước ký kết mà tài sản
thừa kế sẽ chuyển giao cho Nhà nước, thì động sản thuộc về nước mà người thừa
kế là công dân khi chết, còn bất động sản thì thuộc về nước nơi có bất động sản.
Điều 37. Di chúc
1. Năng lực lập hoặc hủy bỏ di chúc và hậu quả pháp
lý của những người khuyết nhược điểm về thể hiện ý chí của người để lại di chúc
được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người để lại di chúc là công
dân khi lập hoặc hủy bỏ di chúc.
2. Hình thức di chúc được xác định theo pháp luật
của nước ký kết mà người để lại di chúc là công dân khi lập hoặc hủy bỏ di chúc.
Tuy nhiên cũng hợp thức nếu chỉ tuân theo pháp luật của nước ký kết nơi lập
hoặc hủy bỏ di chúc.
Điều 38. Thẩm quyền giải
quyết về thừa kế
1. Thẩm quyền giải quyết thừa kế động sản thuộc cơ
quan tư pháp của nước ký kết mà người để lại của thừa kế là công dân khi chết.
2. Thẩm quyền giải quyết thừa kế bất động sản thuộc
cơ quan tư pháp của nước ký kết nơi có bất động sản.
3. Những quy định ở khoản 1 và 2 điều này áp dụng
cho cả những tranh chấp về thừa kế.
Điều 39. Biện pháp bảo quản
tài sản thừa kế
1. Cơ quan của một nước ký kết, căn cứ vào pháp luật
của nước mình, tiến hành các biện pháp cần thiết để giữ gìn hoặc quản lý tài
sản thừa kế của công dân nước ký kết kia để ở lãnh thổ nước mình.
2. Những biện pháp được áp dụng theo khoản 1 cần
được thông báo ngay cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước
ký kết kia để các cơ quan này có thể tham gia vào việc thực hiện những biện
pháp ấy. Theo yêu cầu của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự,
những biện pháp áp dụng theo khoản 1 có thể được thay đổi, hủy bỏ hoặc hoãn thi
hành.
3. Theo yêu cầu của cơ quan tư pháp có thẩm quyền
giải quyết về thừa kế, những biện pháp áp dụng theo khoản 1 có thể được thay
đổi, hủy bỏ hoặc hoãn thi hành.
Điều 40. Gửi di chúc
Nếu bản di chúc để ở nước ký kết này, mà thẩm quyền
giải quyết việc thừa kế lại thuộc cơ quan tư pháp của nước ký kết kia, thì phải
gửi cho cơ quan này bản sao đã được thị thực của di chúc, nếu được yêu cầu thì
gửi cả bản gốc.
CÔNG NHẬN VÀ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH
Điều 41. Công nhận những
quyết định về các vụ kiện không mang tính chất tài sản
Những quyết định đã có hiệu lực pháp luật về các
vụ kiện dân sự (cả lao động) và gia đình không mang tính chất tài sản do các cơ
quan tư pháp, hộ tịch, cũng như cơ quan giám hộ và trợ tá của một nước ký kết đã
ra được công nhận trên lãnh thổ của nước ký kết kia không cần xử tiếp, nếu không
có cơ sở để từ chối việc công nhận như quy định ở Điều 46. Những quyết định trên
đây được công nhận trong cả trường hợp chúng được ra trước khi Hiệp định này có
hiệu lực.
Điều 42. Công nhận và thi
hành những quyết định về các vụ kiện mang tính chất tài sản
Theo những điều kiện quy định trong Hiệp định này,
mỗi nước ký kết công nhận và thi hành những quyết định đã có hiệu lực pháp luật
dưới đây được ra trên lãnh thổ nước ký kết kia sau khi Hiệp định này có hiệu
lực:
1. Những quyết định của các cơ quan tư pháp về các
vụ kiện về dân sự (cả lao động) và gia đình mang tính chất tài sản.
2. Những thỏa thuận qua việc hòa giải đã được Tòa
án công nhận.
3. Phần bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra trong
các án hình sự.
Điều 43. Đơn xin cho thi
hành quyết định
1. Đơn xin cho thi hành quyết định phải đưa đến cơ
quan tư pháp đã ra quyết định về vụ kiện. Cơ quan này sẽ chuyển đơn tới Tòa án
có thẩm quyền ra quyết định về đơn đó theo Điều 45 Hiệp định này. Nếu người đưa
đơn xin cho thi hành quyết định lại có nơi cư trú hoặc nơi tạm trú ở nước ký
kết nơi sẽ thi hành quyết định, thì có thể đưa đơn trực tiếp cho Tòa án có thẩm
quyền của nước này.
2. Về những điều cần nói trong đơn thì theo pháp
luật của nước ký kết nơi thi hành quyết định.
Điều 44. Những giấy tờ kèm
theo đơn xin cho thi hành quyết định
Đơn xin cho thi hành quyết định phải kèm theo những
giấy tờ sau đây:
1. Một bản sao quyết định có thị thực của cơ quan
tư pháp kèm theo giấy chứng nhận quyết định đã có hiệu lực pháp luật và hiệu
lực thi hành nếu như lời văn của quyết định không nói rõ điều này.
2. Một văn bản xác nhận người bị đơn không tham gia
tố tụng hoặc người đại diện có thẩm quyền của người đó đã được tống đạt giấy
gọi đến Tòa án kịp thời và đúng thể thức.
3. Các bản dịch đã được thị thực của những giấy tờ
nêu trong điều này cũng như bản dịch của đơn xin.
Điều 45. Cho thi hành quyết
định
1. Đơn xin cho thi hành quyết định do Tòa án của
nước ký kết nơi quyết định phải được thi hành, giải quyết.
2. Tòa án xét đơn xin cho thi hành quyết định chỉ
cần xác định rằng những điều kiện quy định trong Hiệp định này đã được tuân theo.
Trong trường hợp, những điều kiện đó đã được tuân theo, Tòa án cho phép thi
hành.
3. Nếu khi xét đơn xin cho thi hành quyết định thấy
có những điều kiện chưa rõ, tòa án có thể yêu cầu người đứng đơn giải thích
cũng như lấy lời khai của người thua kiện về thực chất của đơn xin cho thi hành
và trong trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan tư pháp đã ra quyết định giải
thích.
Điều 46. Từ chối việc công
nhận và thi hành quyết định
Việc công nhận và thi hành quyết định có thể bị từ
chối:
1. Nếu bị đơn không tham gia tố tụng vì lý do bị
đơn hay người đại diện có thẩm quyền đã không được tống đạt giấy gọi ra tòa kịp
thời và đúng thể thức.
2. Nếu về cùng đối tượng tranh chấp, giữa cùng các
bên đương sự, trên cùng cơ sở, cơ quan của nước ký kết nơi quyết định cần được
công nhận và thi hành, trước đó đã ra quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc đã
tiến hành tố tụng.
3. Nếu theo Hiệp định này hoặc trong trường hợp Hiệp
định này không quy định mà theo pháp luật của nước ký kết nơi quyết định cần được
công nhận và thi hành vụ kiện thuộc thẩm quyền riêng của các cơ quan nước ký
kết đó.
Điều 47. Thi hành quyết định
1. Thủ tục thi hành quyết định do pháp luật của nước
ký kết nơi thi hành quy định.
2. Người thua kiện có thể xin chống lại việc thi
hành nếu pháp luật của nước ký kết có cơ quan tư pháp đã ra quyết định cho phép.
3. Chi phí về việc thi hành quyết định do pháp luật
của nước ký kết nơi thi hành quyết định.
Điều 48. Thi hành quyết
định về án phí
1. Nếu một người được miễn cước án phí theo Điều
16 lại bị buộc phải nộp án phí trên lãnh thổ của nước ký kết thì, thể theo yêu cầu,
Tòa án liên quan của nước ký kết kia sẽ cho thi hành trên lãnh thổ của nước
mình quyết định bắt chịu án phí mà không thu một khoản tiền nào.
2. Ngoài án phí còn thu các khoản lệ phí về dịch
và chứng thực các giấy tờ nêu trong Điều 44.
Điều 49.
1. Đơn xin cho thi hành quyết định thu án phí phải
kèm theo một bản sao quyết định được Tòa án thị thực về các khoản chi phí và
một giấy chứng nhận là quyết định đã có hiệu lực pháp luật và cần phải được thi
hành,
2. Các giấy tờ đã nếu trên đây phải kèm theo bản
dịch ra tiếng của nước ký kết nơi thi hành quyết định.
3. Tòa án cho phép thi hành quyết định về thu án
phí chỉ cần kiểm tra xem:
1) Quyết định đã có hiêu lực pháp luật và cần phải
thi hành chưa.
2) Các giấy tờ nói ở khoản 1 có được kèm theo bản
dịch được chứng thực không.
4. Quyết định của Tòa án về việc cho thi hành có
thể bị khiếu nại theo pháp luật của nước ký kết có Tòa án đã ra quyết định đó.
Điều 50.
Đơn xin cho thi hành quyết định về án phí trên lãnh
thổ của nước ký kết khác được gửi đến Tòa án có thẩm quyền cho thi hành của
nước ký kết ấy, hoặc gửi đến Tòa án đã ra quyết định về án phí. Ở trường hợp
sau, Tòa án nhận được đơn sẽ chuyển đơn cùng với những giấy tờ quy định ở Điều
49 đến Tòa án có thẩm quyền của nước ký kết kia.
Điều 51.
1. Tòa án giải quyết việc cho thi hành quyết định
về án phí không cần gọi hỏi các bên đương sự.
2. Không được từ chối việc cho thi hành quyết định
về án phí với lý do người đưa đơn không nộp trước những chi phí về thi hành
quyết định.
Điều 52. Chuyển đồ vật và
chuyển tiền
Về việc chuyển đồ vật và chuyền tiền theo Hiệp định
này từ nước ký kết này sang nước ký kết kia, sẽ áp dụng pháp luật của nước mà
đồ vật và tiền được chuyển đi từ nước đó.
Chương III
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ
HÌNH SỰ DẪN ĐỘ
Điều 53. Trách nhiệm dẫn độ
1. Chiếu theo yêu cầu của nhau, các nước ký kết có
trách nhiệm căn cứ vào các điều kiện đã được Hiệp định này quy định, dẫn độ những
can phạm đang có mặt trên lãnh thổ của mình cho nước ký kết kia để truy cứu
trách nhiệm hình sự hoặc sẽ thi hành án.
2. Chỉ dẫn độ những ngươi đã có những hành vi mà
theo pháp luật của cả hai nước ký kết là tội phạm bị phạt tù trên một năm hoặc bị
hình phạt nặng hơn. Việc dẫn độ để thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật được
áp dụng đối với những người phạm tội trên bị phạt không dưới sáu tháng tù hoặc
bị hình phạt nặng hơn.
Điều 54. Từ chối dẫn độ
1. Sẽ không có dẫn độ, nếu:
1) Người bị dẫn độ là công dân của nước được yêu
cầu dẫn độ.
2) Vào lúc nhận được yêu cầu dẫn độ, căn cứ vào pháp
luật của nước được yêu cầu, việc khởi tố cụ án hoặc thi hành bản án không thể
thực hiện được vì lý do thời hiệu hoặc vì lý do khác đã được pháp luật của nước
này quy định.
3) Người bị yêu cầu dẫn độ đã bị kết án trên lãnh
thổ của nước được yêu cầu về cùng một tội phạm và bản án đã có hiệu lực pháp
luật hoặc tố tụng đã bị đình chỉ.
4) Theo pháp luật của hai nước ký kết, người phạm
tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo thủ tục tư tố.
2. Việc dẫn độ có thể bị từ chối, nếu tội phạm dẫn
đến việc yêu cần dẫn độ đã hoàn thành trên lãnh thổ của nước được yêu cầu.
3. Trường hợp từ chối dẫn độ, nước ký kết được yêu
cầu sẽ thông báo cho nước ký kết yêu cầu biết các lý do không dẫn độ.
Điều 55. Đơn yêu cần dẫn dộ
1. Đơn yêu cầu dẫn độ cần nêu đủ các điểm sau
đây:
1) Tên cơ quan yêu cầu.
2) Điều luật của nước ký kết yêu cầu, theo đó hành
vi bị coi là tội phạm.
3) Họ tên, quốc tịch, nơi cư trú hoặc nơi tạm trú
và nếu có thể được thì tả nhận dạng và cung cấp những tài liệu khác về nhân thân
người bị yêu cầu dẫn độ.
4) Nếu tội phạm đã gây thiệt hại thì nêu cả mức độ
thiệt hại.
2. Đơn yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình
sự phải kèm theo một bản sao lệnh bắt giữ người phạm tội có thị thực và bản
miêu tả việc phạm tội.
3. Đơn yêu cầu dẫn độ để thi hành án phải kèm theo
bản sao có thị thực của bản án và xác nhận bản án đã có hiệu lực pháp luật và
các điều luật hình sự làm căn cứ để kết án người bị yêu cầu dẫn độ. Nếu người
này đã chấp hành một phần hình phạt, thì cũng phải thông báo điều đó.
Điều 56. Bắt giữ để dẫn độ
Nhận được đơn yêu cầu dẫn độ, nước ký kết được yêu
cầu cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp cần thiết để bắt người bị yêu cầu
dẫn độ, trừ những trường hợp mà Hiệp định này không cho phép dẫn độ.
Điều 57. Bổ sung tài liệu
1. Nếu đơn yêu cầu dẫn độ chưa có đủ các tài liệu
cần thiết, thì nước ký kết được yêu cầu có thể đòi nước ký kết kia bổ sung.
Thời gian ấn định cho việc cung cấp thêm tài liệu không qua hai tháng. Nếu có
lý do chính đáng thì thể theo đề nghị của nước yêu cầu dẫn độ, có thể gia hạn,
nhưng cũng không quá hai tháng nữa.
2. Cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết được yêu
cầu có thể chấm dứt thủ tục dẫn độ và trả lại tự do cho người bị bắt giữ nếu
sau thời hạn quy định hoặc sau thời gian gia hạn, không ngânh được những tài liệu
bổ sung cần thiết.
Điều 58. Bắt giữ trước khi
nhận được yêu cầu dẫn độ
1. Trong trường hợp không thể trì hoãn, thể theo
yêu cầu của nước ký kết này, nước ký kết kia vẫn có thể bắt giữ người phạm tội mặc
dù chưa nhận được đơn yêu cầu dẫn độ nói ở Điều 55. Đơn yêu cầu bắt giữ trước
cần viện dẫn lệnh bắt giữ hoặc bản án đã có hiệu lực pháp luật và nêu rõ đơn
yêu cầu dẫn độ sẽ được chuyển đến nước được yêu cầu trong thời gian ngắn nhất.
Đơn yêu cầu bắt giữ trước có thể chuyển bằng bưu chính, điện thoại, điện tín và
các phương tiện khác.
2. Cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước ký kết có thể
bắt giữ tạm thời những người đang ở trên lãnh thổ của nước mình, mặc dù không
có yêu cầu như quy định ở khoản 1 Điều này, nếu có cơ sở để nghi ngờ người đó
đã phạm tội trên lãnh thổ của nước ký kết kia và do đó phải dẫn độ.
3. Việc bắt giữ theo quy định của khoản 1 và 2 cần
được thông báo ngay cho bên ký kết kia biết.
Điều 59. Trả lại tự do cho
người tạm bị bắt giữ
Người bị bắt giữ theo quy định của Điều 58 sẽ được
trả lại tự do nếu nước bắt giữ không nhận được yêu cầu dẫn độ trong vòng 30
ngày, kể từ ngày nước ký kết kia được thông báo về việc bắt giữ. Việc trả lại
tự do cho người bị bắt giữ cần được thông báo cho nước ký kết kia biết.
Điều 60. Hoãn dẫn độ
Nếu người bị dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm
hình sự hoặc đang phải thi hành hình phạt vì một tội phạm khác trên lãnh thổ của
nước ký kết được yêu cầu dẫn độ, thì có thể hoãn việc dẫn độ đến khi kết thúc
tố tụng hình sự, thi hành xong hình phạt, hoặc tha trước thời hạn.
Điều 61. Dẫn độ tạm thời
1. Nếu việc hoãn dẫn độ nói ở Điều 60 có thể làm
cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị thời hiệu hoặc việc tiến hành tố tụng
hình sự sẽ gặp khó khăn thì có thể cho dẫn độ tạm thời thể theo yêu cầu có căn
cứ của nước ký kết kia.
2. Khi tiến hành xong các hành vi tố tụng hình sự
phải trả ngay người bị dẫn độ tạm thời cho nước ký kết đã cho dẫn độ.
Điều 62. Xung đột giữa các
yêu cầu dẫn độ
Nếu nhiều nước yêu cầu dẫn độ cùng một người thì
nước ký kết được yêu cầu sẽ xem xét yêu cầu của từng nước để quyết định nên thỏa
mãn nước nào.
Điều 63. Giới hạn của việc
truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ
1. Nếu không có sự thỏa thuận của nước ký kết đã
cho dẫn độ thì không được truy cứu trách nhiệm hình sự, không được bắt chịu hình
phạt về một tội mà người bị dẫn độ đã phạm trước khi bị dẫn độ và không phải là
căn cứ để bị dẫn độ.
2. Nếu không được sự đồng ý của nước ký kết đã dẫn
độ thì không được dẫn độ người đó cho một nước thứ ba.
3. Trong những trường hợp sau đây thì không cần sự
thỏa thuận của nước ký kết đã cho dẫn độ:
a) Người bị dẫn độ mặc dù có điều kiện đã không rời
khỏi lãnh thổ của nước ký kết đã yêu cầu dẫn độ trong thời hạn một tháng, kể từ
ngày kết thúc tố tụng hình sự, kết thúc việc thi hành hình phạt hay từ ngày
được tha trước thời hạn. Sẽ không tính vào thời hạn này thời gian mà người bị
dẫn độ không thể rời khỏi nước trên dây vì lý do không phụ thuộc vào người đó.
b) Người bị dẫn độ sau khi rời khỏi lãnh thổ của
mình đã yêu cầu dẫn độ, lại tự ý quay lại nước đó.
Điều 64. Thực hiện dẫn độ
1. Nước ký kết được yêu cầu dẫn độ có trách nhiệm
thông báo cho nước ký kết kia biết thời gian và địa điểm dẫn độ.
2. Người bị dẫn độ sẽ được trả lại tự do nếu
nước yêu cầu dẫn độ không tiếp nhận người đó trong vòng 15 ngày, kể từ ngày ấn
định cho việc giao nhận. Nếu có sự thỏa thuận của hai bên thì có thể gia hạn,
nhưng không được quá 15 ngày nữa.
Điều 65. Dẫn độ lại
Nếu người bị dẫn độ trốn tránh việc truy cứu trách
nhiệm hình sự hoặc việc thi hành hình phạt và quay trở lại nước ký kết đã cho
dẫn độ thì thể theo yêu cầu mới của nước ký kết kia, người đó sẽ bị dẫn độ lại
mà không cần phải làm lại các thủ tục nói ở Điều 55 Hiệp định này.
Điều 66. Thông báo kết quả
tố tụng hình sự
Nước ký kết sau khi nhận được người bị dẫn độ sẽ
thông báo cho nước ký kết kia biết kết quả của tố tụng hình sự. Nếu có yêu cầu thì
sẽ gửi cho người kia một bản sao quyết định cuối cùng.
Điều 67. Quá cảnh
1. Mỗi nước ký kết Hiệp định, thể theo yêu cầu của
nhau, cho phép vận chuyển qua lãnh thổ của nhau những người mà nước thứ ba chuyển
giao cho nước ký kết bên kia.
Các nước ký kết không nhất thiết phải cho phép vận
chuyển qua lãnh thổ mình những người mà Hiệp định này không cho dẫn độ.
2. Đơn yêu cầu dẫn độ quá cảnh nói trên phải làm
và gửi theo đúng thể thức đã quy định cho đơn yêu cầu dẫn độ.
Điều 68. Chi phí cho dẫn độ
và cho quá cảnh
Chi phí cho dẫn độ thực hiện trên lãnh thổ của nước
ký kết nào do nước ấy chịu. Chi phí cho quá cảnh do nước yêu cần quá cảnh chịu.
TIẾN HÀNH TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
Điều 69. Nghĩa vụ truy cứu
trách nhiệm hình sự
1. Các nước ký kết cam kết, thể theo yêu cầu của
nhau, sẽ tiến hành việc truy cứu trách nhiệm hình sự, phù hợp với pháp luật hiện
hành của nước mình những công dân của mình bị tình nghi đã phạm tội trên lãnh
thổ của nước ký kết kia.
2. Nghĩa vụ truy cứu trách nhiệm hình sự, được áp
dụng cả đối với những hành vi mà theo pháp luật của nước ký kết yêu cầu thì là
tội phạm, còn theo pháp luật của nước được yêu cầu thì chỉ là những vi phạm
hành chính.
3. Đơn yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự mà người
bị hại gửi cho cơ quan có thẩm quyền theo đúng pháp luật của nước ký kết này
trong thời hạn quy định cũng có giá trị trên lãnh thổ của nước ký kết kia.
4. Người bị thiệt hại do một hành vi phạm tôi của
một người bị nước ký kết này yêu cầu nước ký kết kia truy cứu trách nhiệm hình
sự sẽ được tham gia tố tụng nếu họ nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Điều 70. Ủy thác truy cứu
trách nhiệm hình sự
1. Văn bản ủy thác truy cứu trách nhiệm hình sự cần
nêu đủ các điểm sau đây:
a) Tên cơ quan yêu cầu.
b) Miên tả những hành vi đã dẫn đến việc ủy thác
truy cứu trách nhiệm hình sự.
c) Nêu càng rõ càng tốt thời gian và địa điểm xảy
ra hành vi phạm tội.
d) Điều luật của nước ủy thác quy định những hành
vi đã xảy ra là tội phạm, kể cả những điều luật khác có ý nghĩa thiết thực đối
với việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
đ) Họ tên, quốc tịch, nơi cư trú hoặc nơi tạm trú
của người bị tình nghi và cả những tài liệu cần thiết về nhân thân người đó.
g) Đơn của người bị hại nếu vụ án hình sự được khởi
tố theo yêu cầu của họ, và đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
h) Mức độ thiệt hại do tội phạm gây ra nếu có.
Văn bản ủy thác phải kèm theo hồ sơ điều tra và những
chứng cứ mà nước ký kết yêu cầu đã thu thập được.
2. Nếu khi gửi giấy ủy thác truy cứu trách nhiệm
hình sự mà bị can đang bị giam giữ ở nước ủy thác thì bị can sẽ bị dẫn giải trở
lại nước được ủy thác.
3. Nước ký kết được ủy thác có trách nhiệm thông
báo quyết định cuối cùng cho nước ký kết ủy thác biết. Nếu nước ký kết này đề nghị
thì một bản sao quyết định cuối cùng sẽ được gửi cho nước đó.
Điều 71. Hậu quả của việc
truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu các cơ quan của nước ký kết được yêu cầu truy
cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 69 đã ra một bản án có hiệu lực pháp luật
hoặc một quyết định cuối cùng khác, thì cơ quan của nước ký kết yêu cầu không thể
khởi tố vụ án hình sự nữa, còn nếu đã khởi tố thì phải đình chỉ.
NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC THUỘC TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ HÌNH SỰ
Điều 72. Chuyển giao đồ vật
liên quan đến vụ án
1. Các nước ký kết cam kết, thể theo yêu cầu của
nhau, chuyển giao cho nhau những đồ vật sau đây:
a) Những đồ vật hoặc trị giá của những đồ vật do
phạm tội mà có.
b) Những đồ vật có thể có ý nghĩa chứng của trong
tố tụng hình sự: nếu việc dẫn độ không thực hiện được vì người phạm tội chết, chạy
trốn hoặc vì nguyên nhân khác, thì những đồ vật đó vẫn phải được chuyển giao.
2. Nếu những đồ vật phải chuyển giao lại cần thiết
làm chứng cứ cho tố tụng hình sự ở nước được yêu cầu, thì nước này có thể tạm
giữ những đồ vật đó cho đến khi tiến hành xong tố tụng.
3. Quyền của người thứ ba đối với các đồ vật đã được
chuyển giao cho nước yêu cầu được bảo đảm hoàn toàn. Sau khi kết thúc tố tụng
hình sự, những đồ vật trên sẽ được trả lại vô điều kiện cho nước ký kết đã chuyển
giao. Nếu không có hại gì cho tố tụng thì, trước khi xét xử xong, có thể trả
những đồ vật đó cho chủ của nó. Nếu người có quyền đối với những đồ vật ấy đang
ở nước ký kết yêu cầu, thì nước này, sau khi được sự thỏa thuận của nước ký kết
kia, sẽ trả trực tiếp những đồ vật kể trên cho người đó.
Điều 73. Thông báo các bản
án và án tích
1. Các nước ký kết cam kết, hàng năm sẽ thông báo
cho nhau những bản án đã có hiệu lực pháp luật mà Tòa án nước mình đã tuyên xử
đối với công dân của nước ký kết kia.
2. Các nước ký kết thể theo yêu cầu của nhau, thông
báo cho nhau án tích của những người trước đây đã bị Tòa án nước mình xét xử,
nếu những người đó đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở nước ký kết yêu cầu.
Điều 74. Cách thức liên hệ
Về các vấn đề dẫn độ và truy cứu trách nhiệm hình
sự hoặc các vấn đề khác nằm trong phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự, các
nước ký kết sẽ liên hệ với nhau qua các cơ quan sau đây của mình: phía Liên Xô
là Viện kiểm sát hoặc Bộ Tư pháp của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết,
phía Việt Nam là Viện kiểm sát hoặc Bộ Tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
Chương IV
NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CUỐI
CÙNG
Điều 75.
1. Hiệp định này cần được phê chuẩn.
2. Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ
ngày trao đổi thư phê chuẩn. Việc trao đổi thư phê chuẩn sẽ tiến hành ở Hà Nội[1].
3. Nếu nước ký kết này thông báo cho nước ký kết
kia biết ý muốn chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này thì Hiệp định vẫn tiếp tục có
hiệu lực trong 1 năm kể từ ngày thông báo
Làm tại Mátxcơva ngày 10 tháng 12 năm 1981 thành
hai bản, một bản bằng tiếng Nga và một bản bằng tiếng Việt, cả hai văn bản đều có
giá trị như nhau./.
THAY MẶT
ĐOÀN CHỦ TỊCH XÔ VIẾT TỐI CAO
LIÊN BANG CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
XÔ VIẾT
Terebilov V.I
|
THAY MẶT
HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Phan Hiền
|