TÒA
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 330/TANDTC-V1
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2016
|
HƯỚNG DẪN
VỀ VIỆC XÉT, ĐỀ NGHỊ ĐẶC XÁ TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT CHO NGƯỜI BỊ KẾT
ÁN ĐANG ĐƯỢC HOÃN, TẠM ĐÌNH CHỈ CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ NHÂN DỊP QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/2016)
Để thực hiện
đúng và thống nhất khoản 2 Điều 5 Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN
ngày 17/10/2016 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2016; điểm a tiểu mục 1 Mục III, điểm b tiểu mục 2 Mục III
và điểm đ tiểu mục 1 Mục IV Hướng dẫn số 325/HĐTVĐX ngày 25/10/2016
của Hội đồng tư vấn đặc xá;
Sau khi có ý kiến của các thành viên
Hội đồng tư vấn đặc xá, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về đối tượng, điều kiện,
trình tự thủ tục tiến hành xét, đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho
người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nhân dịp Quốc khánh nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/2016) như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG XÉT ĐẶC
XÁ TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT:
Đối tượng được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN ngày 17/10/2016
của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2016 bao gồm:
1.1. Người Việt Nam, người nước ngoài
phạm tội bị Tòa án Việt Nam kết án phạt tù đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp
hành án phạt tù; được phía nước ngoài (Chính phủ, Đại sứ quán, Cơ quan đại diện
Lãnh sự, các tổ chức quốc tế,...) hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của
Việt Nam (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ban của Đảng) đề nghị xem xét đặc xá và
xét thấy việc đặc xá cho họ là cần thiết, đảm bảo yêu cầu về công tác đối ngoại
của Nhà nước.
1.2. Người bị kết án là nhân sĩ, trí
thức, nghệ sỹ,...; người có chức sắc tôn giáo; người có chức vụ trong các tổ chức
xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp...bị kết án phạt tù đang được hoãn, tạm đình
chỉ chấp hành án phạt tù, được cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của Việt Nam (các Bộ, cơ quan ngang
Bộ, các Ban của Đảng) đề nghị xem xét đặc xá và xét thấy việc đặc xá cho họ là
cần thiết, đảm bảo yêu cầu về công tác đối nội của Nhà nước.
1.3. Người bị kết án phạt tù, đang được
hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quyết định vẫn đang có hiệu lực của
Tòa án có thẩm quyền nếu thuộc một trong
các trường hợp sau đây:
a) Đã lập công lớn trong thời gian
đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù: Là trường hợp người bị kết
án đã có hành động giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (như: cơ quan Thanh tra,
Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Công an, Tòa án,
Viện kiểm sát,...) phát hiện, truy bắt, điều tra và xử lý tội phạm; cứu được
tính mạng của người khác hoặc tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên
của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn; có những
phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc khác
được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác
nhận.
b) Là thương binh, bệnh binh; người
có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng
thưởng một trong các danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng
lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, Dũng sỹ
trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; được tặng thưởng một trong các loại Huân
chương hoặc được tặng thưởng Huy chương kháng chiến. Người có một trong các
thân nhân (như: Bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh, chị, em ruột hoặc bố
nuôi, mẹ nuôi, con nuôi hợp pháp) là liệt sỹ. Người là con đẻ, con nuôi hợp
pháp của “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; con của gia đình được Chủ tịch nước, Chủ tịch
Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải
phóng miền Nam Việt Nam tặng bằng “Gia đình có công với nước”.
c) Khi phạm tội là người chưa thành
niên (chưa đủ 18 tuổi);
d) Là người từ 70 tuổi trở lên;
đ) Là người đang bị mắc một trong các
bệnh hiểm nghèo như: Ung thư giai đoạn
cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy
tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS
đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng
xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định
y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là bệnh
hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng.
e) Là người từ 60 tuổi trở lên mà thường
xuyên ốm đau, không tự phục vụ bản thân được.
Người từ 60 tuổi trở lên mà thường
xuyên ốm đau là người phải nằm điều trị tại bệnh viện liên tục trong thời gian
dài (từ ba tháng trở lên) hoặc không liên tục nhưng nhiều lần phải nằm điều trị
tại bệnh viện (mỗi lần không dưới một tháng), không lao động, không tự phục vụ
bản thân được và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, có kết luận bằng
văn bản của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, xác nhận bằng văn bản
của Bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật.
g) Người bị kết án có hoàn cảnh gia
đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình: Là trường
hợp người bị kết án có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó
khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể hoặc có bố đẻ,
mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người bị
kết án là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban
nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận là đúng.
h) Người bị kết án phạt tù về tội phạm
ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do vô ý là nữ giới mà đang được
hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù lần đầu vì lý do đang mang thai hoặc
nuôi con dưới 36 tháng tuổi (tính đến ngày 30/11/2016), nếu
xét thấy việc đặc xá cho họ không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn
xã hội.
II. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC
ĐỀ NGHỊ ĐẶC XÁ
2.1. Người bị kết án đang được hoãn,
tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có nơi cư trú rõ ràng (có xác nhận của Ủy
ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc đơn vị quân đội nơi quản lý
người bị kết án).
2.2. Trong thời gian đang được hoãn,
tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người bị kết án luôn chấp hành tốt chủ
trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của
chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, đơn vị nơi quản lý (có nhận xét
của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị
quân đội nơi quản lý người bị kết án); khi được đặc xá sẽ không làm phương hại
đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không gây ảnh hưởng tiêu cực tới
công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Nhà nước và địa phương.
2.3. Người bị kết án đã chấp hành
xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, tiền bồi thường thiệt hại, tiền truy thu,
án phí và các nghĩa vụ dân sự khác, trừ những trường hợp không bị kết án phạt
tù về các tội phạm về tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc từ
60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang
mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không còn khả năng thực hiện.
- Người bị kết án là người chưa thành
niên phạm tội mà trong bản án, quyết định của Tòa án giao trách nhiệm bồi thường
thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác cho bố mẹ hoặc người đại diện hợp pháp thì phải có đầy đủ tài liệu chứng minh bố, mẹ hoặc người đại diện hợp
pháp đã thực hiện xong trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ
dân sự mới được xem xét, đề nghị đặc xá.
- Những trường hợp sau đây được coi
là đã thực hiện xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền
truy thu, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác hoặc chưa thực hiện xong nhưng vẫn
được xem xét, đề nghị đặc xá nếu có đầy đủ các điều kiện khác:
+ Người bị kết án được Tòa án miễn thực
hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, tiền truy thu, án phí.
+ Người bị kết án được người bị hại
hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại có văn bản đồng ý xóa nợ, không
yêu cầu thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự nữa và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc Cơ quan
thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận.
+ Người bị kết án phải chấp hành
nghĩa vụ dân sự (như về cấp dưỡng) cho bên bị hại theo định kỳ hàng tháng mà
tính đến ngày 30/11/2016, bản thân người bị kết án hoặc thân nhân của họ đã chấp
hành đầy đủ, đúng hạn các khoản nghĩa vụ dân sự theo định kỳ mà bản án, quyết định
của Tòa án đã tuyên và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người
đó cư trú hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận.
+ Người bị kết án được Thủ trưởng Cơ
quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra Quyết định đình chỉ thi hành án theo
quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
2.4. Tính đến ngày 30/11/2016, Quyết
định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (không tính số lần ban hành quyết
định) của Tòa án có thẩm quyền vẫn đang có hiệu lực thi hành đối với người bị kết
án.
III. CÁC TRƯỜNG HỢP
KHÔNG ĐỀ NGHỊ ĐẶC XÁ
Không được đề nghị đặc xá cho người bị
kết án phạt tù đang được hoãn, tạm đình chỉ trong các trường hợp sau đây:
3.1. Bản án hoặc quyết định của Tòa
án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
3.2. Đang bị truy cứu trách nhiệm
hình sự về hành vi phạm tội khác.
3.3. Trước đó đã được đặc xá.
3.4. Có từ hai tiền án trở lên (mà
chưa được xóa án tích).
3.5. Phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc
biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia.
3.6. Bị kết án phạt tù về một trong
các tội: Khủng bố; phá hoại hòa bình; chống loài người; tội phạm chiến tranh;
chống người thi hành công vụ có tổ chức
(quy định tại điểm a khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999)
hoặc phạm tội nhiều lần (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 257 Bộ
luật hình sự năm 1999) hoặc xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội
(quy định tại điểm c khoản
2 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999) hoặc gây hậu quả nghiêm trọng (quy định
tại điểm d khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999).
3.7. Bị kết án phạt tù từ 10 năm trở
lên đối với tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người
do cố ý.
3.8. Bị kết án phạt tù từ 07 năm trở
lên đối với tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản,
sản xuất trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất
ma túy.
3.9. Bị kết án phạt tù (theo bản án)
thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Giết người có tổ chức (quy định tại
điểm o khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Giết người có tính chất côn đồ (quy
định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Cố ý gây
thương tích có tổ chức (quy định tại điểm e khoản 1 Điều 104 Bộ
luật hình sự năm 1999) hoặc có tính chất côn đồ (quy định tại điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999) hoặc phạm tội
nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Hiếp dâm có tính chất loạn luân
(quy định tại điểm e khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn
luân (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm
1999);
- Cướp tài sản có sử dụng vũ khí (quy
định tại điểm d khoản 2 Điều
133 Bộ luật hình sự năm 1999, các loại vũ khí được quy định tại Điều 3 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH ngày 30/6/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng
vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ); cướp tài sản có tổ chức (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 133 Bộ luật
hình sự năm 1999); cướp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại điểm
g khoản 2, điểm c khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Cướp giật tài sản có tổ chức (quy định
tại điểm a khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999); cướp
giật tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng
(quy định tại điểm h khoản 2, điểm c khoản 3, điểm c khoản 4 Điều
136 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Trộm cắp tài sản có tổ chức (quy định
tại điểm a khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999); trộm
cắp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng
(quy định tại điểm g khoản 2, điểm
b khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Cướp tài sản nhiều lần, cướp giật
tài sản nhiều lần, trộm cắp tài sản nhiều lần (từ hai lần trở lên): Căn cứ để
xác định phạm tội nhiều lần là số lần phạm tội được thể hiện
trong Bản án hoặc phần quyết định của Bản án có áp dụng điểm g khoản
1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999. Những trường hợp đang phải chấp hành
hình phạt tổng hợp của nhiều bản án về
cùng một tội mà trong mỗi bản án chỉ thể hiện phạm tội một
lần thì vẫn là phạm tội nhiều lần.
3.10. Người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy
hoặc người dùng thủ đoạn xảo quyệt, người ngoan cố chống đói trong vụ án phạm tội
có tổ chức (căn cứ xác định theo bản án).
3.11. Có căn cứ khẳng định đã sử dụng
trái phép các chất ma túy.
Việc khẳng định đã sử dụng trái phép
các chất ma túy là căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ của người bị kết án
như: Bản án; Cáo trạng; các tài liệu của Cơ quan điều tra; kết quả xét nghiệm của
cơ quan y tế cấp huyện trở lên; bản tự khai của người bị kết án có ghi rõ thời
gian, số lần sử dụng trái phép chất ma túy...hoặc phiếu khám sức khỏe của Trại
giam, Trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có chữ ký
(hoặc điểm chỉ) của người bị kết án thừa nhận là đã sử dụng trái phép các chất
ma túy.
3.12. Đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ
chấp hành án phạt tù do phạm từ ba tội trở lên hoặc phạm hai tội do cố ý, kể cả
trường hợp tổng hợp hình phạt.
3.13. Đã có một tiền án mà lại bị kết
án phạt tù về tội do cố ý.
3.14. Đã từng bị đưa vào cơ sở giáo dục
bắt buộc, kể cả cơ sở giáo dục trước đây hoặc trường giáo dưỡng mà bị kết án phạt
tù về một trong các tội sau đây: Về ma túy; giết người; hiếp
dâm trẻ em; cướp tài sản; cướp giật tài sản; cưỡng đoạt tài sản; lừa đảo chiếm
đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; chống người thi hành công vụ; mua bán phụ nữ hoặc
mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em; gây rối trật tự công
cộng; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
3.15. Người bị kết án phạt tù phạm
các tội về ma túy bị phạt tù dưới 07 năm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại
trên 01 năm; đối với trường hợp phạm các tội về ma túy nhưng không thuộc trường
hợp quy định tại tiểu mục 3.8 Mục này nếu bị phạt tù từ 07
năm đến 15 năm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên 02 năm hoặc bị phạt
tù trên 15 năm, tù chung thân mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên 03
năm, trừ trường hợp người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án
phạt tù vì lý do quy định tại điểm đ, e tiểu mục 1.3 Mục I Hướng dẫn này.
IV. HỒ SƠ, TRÌNH TỰ
VÀ THỦ TỤC XÉT ĐẶC XÁ
4.1. Hồ sơ đề nghị đặc xá:
Hồ sơ đề nghị đặc xá của mỗi trường hợp
người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù bao gồm các
tài liệu được sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới như sau:
a) Phiếu đề nghị xét đặc xá
cho người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Mẫu số 06, 07).
Phiếu này do Tòa án có thẩm quyền đề
nghị đặc xá lập theo đúng các thông tin có trong bản án, tài liệu, hồ sơ của
người bị kết án.
b) Đơn xin đặc xá và cam kết
của người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Mẫu số 08, 09).
Người bị kết án được đề nghị đặc xá
phải viết, trực tiếp ký hoặc điểm chỉ vào “Đơn xin đặc xá và cam kết”, phần sơ
lược lý lịch và các thông tin khác phải viết đúng theo bản án đã tuyên (nếu nơi
về cư trú mà địa danh hành chính đã thay đổi thì ghi theo
địa danh hành chính mới).
Trong Đơn xin đặc xá và cam kết, người
bị kết án phải có cam kết thi hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật
của Nhà nước khi được đặc xá và có nhận xét của Ủy ban
nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc đơn vị quân đội nơi quản lý người bị kết án về
thái độ ăn năn, hối cải và việc chấp hành chính sách pháp luật của Đảng và Nhà
nước tại địa phương trong thời gian được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành án phạt
tù. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc đơn vị quân đội nơi quản
lý chỉ xác nhận tình trạng cư trú của người bị kết án là nhận xét không đầy đủ.
c) Bản sao Quyết định thi hành
án của người bị kết án.
d) Bản sao bản án đang
được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
đ) Bản sao Quyết định hoãn hoặc
Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với người bị kết án
đang còn hiệu lực. Trường hợp người bị kết án được hoãn, tạm
đình chỉ chấp hành án phạt tù nhiều lần thì trong hồ sơ phải có đầy đủ các quyết
định hoãn, tạm đình chỉ trước đó.
e) Các giấy tờ chứng minh đã chấp
hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu
sung quỹ Nhà nước, án phí hoặc Quyết định miễn hình phạt tiền, miễn nộp án phí
của Tòa án; Giấy đồng ý xóa nợ của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người
bị hại được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc
Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận; văn bản của Ủy
ban nhân dân cấp xã hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ
việc đó xác nhận về việc người bị kết án hoặc thân nhân của người bị kết án đã
chấp hành nghĩa vụ dân sự về cấp dưỡng cho bên bị hại theo định kỳ hàng tháng;
Quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm
quyền.
g) Tài liệu chứng minh đã được xóa án
tích là giấy chứng nhận hoặc Quyết định xóa án tích của cơ quan có thẩm quyền cấp
cho người bị kết án hoặc trong bản án có xác định là người bị kết án đã được
xóa án tích.
h) Đối với người bị kết án phạt tù
đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù quy định tại tiểu mục 1.1 và
tiểu mục 1.2 Mục I Hướng dẫn này, nếu là người nước ngoài thì phải có văn bản đề
nghị của phía nước ngoài (Chính phủ, Đại sứ quán, Cơ quan đại diện Lãnh sự, các
tổ chức quốc tế...), bản sao hộ chiếu hoặc thị thực nhập cảnh (nếu có); nếu là
người Việt Nam thì phải có đơn hoặc văn bản của cơ quan, tổ chức, người có thẩm
quyền của Việt Nam (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ban của Đảng) đề nghị xem xét
đặc xá; có văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận danh hiệu, học
hàm, học vị...; phẩm hàm, người có chức sắc
tôn giáo, chức vụ trong các tổ chức xã hội, tổ
chức xã hội nghề nghiệp....
i) Đối với các trường hợp người bị kết
án lập công lớn trong thời gian được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
quy định tại điểm a tiểu mục 1.3 Mục I Hướng dẫn này thì phải có đầy đủ các giấy
tờ sau: Bản tường trình về lập công của người bị kết án; văn bản xác nhận, đề
nghị hoặc quyết định khen thưởng về việc người bị kết án lập công lớn của Cơ
quan thi hành án hình sự cấp huyện, cấp khu vực trở lên hoặc Cơ quan điều tra sử
dụng người bị kết án để phục vụ công tác điều tra hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội
được giao quản lý người đó.
k) Bản sao (có chứng thực theo quy định
của pháp luật) các giấy tờ: Giấy chứng nhận là thương binh, bệnh binh, Anh hùng
lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc
nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu
Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; có thân nhân là liệt sỹ (bao gồm bố
đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh, chị, em ruột hoặc bố nuôi, mẹ nuôi, con
nuôi hợp pháp); con đẻ, con nuôi hợp pháp của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con của
gia đình được Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt
Nam, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng bằng “Gia đình
có công với nước”.
l) Kết luận của Hội đồng giám định y
khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên hoặc bản sao bệnh án, kết luận bằng văn bản
của Bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên đối với trường hợp người bị kết án
đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù bị mắc một trong các loại bệnh
hiểm nghèo được quy định tại điểm đ tiểu mục 1.3 Mục I
Hướng dẫn này.
Các tài liệu chứng minh người bị kết
án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đang bị bệnh hiểm nghèo chỉ
có giá trị trong thời gian 06 (sáu) tháng, tính đến ngày Tòa án có thẩm quyền lập
hồ sơ đề nghị đặc xá.
m) Kết luận bằng văn bản về bệnh tật
của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên hoặc bản sao bệnh
án, kết luận bằng văn bản của Bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên đối với
trường hợp người từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau phải nằm điều trị tại
bệnh viện liên tục trong thời gian dài (từ ba tháng trở lên) hoặc không liên tục
nhưng nhiều lần phải nằm điều trị tại bệnh viện (mỗi lần không dưới một tháng),
không lao động, không tự phục vụ bản thân và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Các tài liệu chứng minh trên đây chỉ
có giá trị trong thời gian 06 (sáu) tháng, tính đến ngày Tòa án có thẩm quyền lập
hồ sơ đề nghị đặc xá.
n) Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Cơ quan thi hành án
dân sự đang thụ lý vụ việc đó về hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn của
người bị kết án không còn tiền, tài sản để thực hiện hình phạt bổ sung là phạt
tiền, bồi thường thiệt hại, nộp án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.
Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị kết án cư trú về thực tế hoàn
cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân người bị kết án là lao động duy nhất
phải ghi rõ nghề nghiệp đang làm, thu nhập thực tế của người bị kết án được đề
nghị xét đặc xá; tuổi, thực trạng sức khỏe, khả năng làm việc của bố mẹ, vợ (chồng),
các con của người đó... để chứng minh người bị kết án thuộc trường hợp hoàn cảnh
gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú chỉ xác nhận
người bị kết án có đăng ký hộ khẩu tại địa phương là không đầy đủ.
o) Phiếu xét nghiệm HIV và bản sao bệnh
án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên về việc đã chuyển
sang giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản
thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
p) Bản sao (có chứng thực theo quy định
của pháp luật) đối với các giấy tờ (như Chứng minh nhân dân, Giấy khai sinh, sổ
hộ khẩu...) để chứng minh người bị kết án khi phạm tội là người chưa thành niên
(chưa đủ 18 tuổi); là người 70 tuổi trở lên.
q) Kết luận của bệnh viện cấp huyện
trở lên về việc người bị kết án là phụ nữ có thai; bản sao giấy khai sinh hoặc
giấy chứng sinh của con người bị kết án dưới 36 tháng tuổi.
4.2. Phương pháp lập danh sách, hồ sơ
đề nghị đặc xá:
a) Đối với mỗi trường hợp người bị kết
án được Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phối hợp với Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án
hình sự cùng cấp thống nhất đồng ý lập danh sách đề nghị đặc xá thì phải lập
thành 11 bộ hồ sơ (mỗi một hồ sơ gồm có các tài liệu như hướng dẫn tại tiểu mục 4.1 Mục này). Trong đó, có 02 bộ đóng dấu đỏ, trong 02 bộ dấu đỏ
có 01 bộ gốc (các tài liệu trong 02 bộ hồ sơ có dấu đỏ phải được Tòa án ký,
đóng dấu “sao y bản chính” từ hồ sơ thi hành án) và 09 bộ hồ sơ photocoppy.
b) Sau khi thống nhất với Viện kiểm
sát, Cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp xét duyệt danh sách đề nghị đặc xá của
địa phương, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu tổng hợp, lập
danh sách và hồ sơ các trường hợp đề nghị
đặc xá cho người bị kết án đang được hoãn chấp hành án phạt tù riêng; các trường
hợp được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù riêng sắp xếp theo vần thứ tự a, b,
c, d,...rồi đóng gộp mỗi loại (hoãn hoặc tạm đình chỉ) thành từng tập riêng biệt
theo thứ tự trong danh sách, ngoài bìa có các thông tin về Tòa án lập hồ sơ,
trường hợp hoãn hay tạm đình chỉ, số lượng người được đề nghị đặc xá, để thuận
tiện cho các cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2016 thẩm định.
Ví dụ:
Tòa án nhân dân tỉnh H có 08 trường hợp đề nghị đặc xá, trong đó có 05 trường hợp
hoãn chấp hành án phạt tù, 03 trường hợp tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, thì
sẽ làm như sau:
- Đóng gộp 05 trường hợp hoãn thành một tập theo thứ tự vần a, b, c...từ 1 đến 5
và tổng cộng có 11 tập hồ sơ hoãn của 05 trường hợp này; trong 11 tập hồ sơ
hoãn này thì có 02 tập có dấu đỏ, trong đó có 01 bộ có chữ ký
gốc. Bìa ngoài ghi: Tòa án nhân dân tỉnh H, hồ sơ đề
nghị đặc xá năm 2016 cho người bị kết án đang được hoãn chấp hành án phạt tù, số
lượng 05 người. Ngoài bìa của tập có dấu đỏ thì ghi “tập có dấu đỏ” để dễ phân biệt.
- Đóng gộp 03 trường hợp tạm đình
chỉ thành một tập theo thứ tự vần a, b, c...từ 1 đến
3 và tổng cộng có 11 tập hồ sơ tạm đình chỉ của 03
trường hợp này; trong 11 tập hồ sơ hoãn này thì có 02 tập có dấu đỏ, trong đó
có 01 bộ gốc. Bìa ngoài ghi: Tòa án nhân dân tỉnh H,
hồ sơ đề nghị đặc xá năm 2016 cho người bị kết án đang được tạm đình chỉ chấp
hành án phạt tù, số lượng 03 người. Ngoài bìa của tập có dấu đỏ thì ghi “tập có
dấu đỏ” để dễ phân biệt.
c) Hồ sơ, tài liệu đặc xá chuyển về
Tòa án nhân dân tối cao bao gồm:
- Danh sách đề nghị đặc xá cho người
bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do Tòa án nhân dân
cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu lập.
- Biên bản họp xét đề nghị đặc xá năm
2016 cho người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của
Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, cấp quân khu.
- 11 tập hồ sơ đề nghị đặc xá được
đóng như hướng dẫn tại điểm b tiểu mục này.
- Lưu ý: Đối với hồ sơ đề nghị xét đặc xá do Tòa
án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự cấp khu vực lập thì cũng phải kèm theo
Biên bản họp xét đề nghị đặc xá.
4.3. Trình tự, thủ tục lập danh sách,
đề nghị đặc xá
a) Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án
quân sự các cấp có trách nhiệm lập hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá cho người bị
kết án đang được hoãn chấp hành án phạt tù theo nguyên tắc: Tòa án nào đã ra
quyết định hoãn, tạm đình chỉ thì Tòa án đó có trách nhiệm hướng dẫn, lập hồ
sơ, danh sách đề nghị đặc xá cho người bị kết án nếu họ cư trú trên cùng địa
bàn với Tòa án ra quyết định. Đối với trường hợp người đang được tạm đình chỉ
cư trú khác địa bàn với Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ thì Tòa án đã ra
quyết định tạm đình chỉ có trách nhiệm thông báo cho Tòa án cấp huyện nơi người
bị kết án cư trú biết, Tòa án nơi người bị kết án đang cư trú có trách nhiệm hướng
dẫn, lập hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá cho người bị kết án (Tòa án đã ra quyết
định hoãn, tạm đình chỉ có trách nhiệm cung cấp các tài liệu liên quan đến việc
đề nghị đặc xá của người bị kết án khi có yêu cầu).
Ví dụ:
- Nguyễn Văn A được Tòa án nhân
dân huyện X tỉnh H cho hoãn chấp hành án phạt tù vì bị bệnh hiểm nghèo và giao cho Ủy ban nhân dân xã T,
huyện X, tỉnh H (nơi Nguyên Văn A cư trú) quản lý.
Nguyên Văn A đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc
xá năm 2016. Do vậy, Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H có trách nhiệm hướng
dẫn, lập hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá cho Nguyễn Văn A.
- Lê Văn B (cư trú ở huyện Y tỉnh
H) được Tòa án nhân dân tỉnh H cho tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vì bị bệnh
hiểm nghèo. Lê Văn B đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá năm 2016. Do vậy, Tòa án nhân dân
tỉnh H có trách nhiệm hướng dẫn, lập hồ sơ, danh
sách đề nghị đặc xá cho Lê Văn B.
- Trần Văn C được Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và giao cho Ủy ban nhân dân phường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội (nơi Trần Văn C
cư trú) quản lý. Trần Văn C đủ
điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá năm 2016. Do
đó, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm thông báo cho Tòa án nhân dân
quận Ba Đình, thành phố Hà Nội biết, Tòa án nhân
dân quận Ba Đình có trách nhiệm hướng dẫn,
lập hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá cho Trần Văn C.
b) Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện,
Chánh án Tòa án quân sự cấp khu vực chủ trì mời đại diện lãnh đạo của Viện kiểm
sát và Cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp tổ chức phiên họp xét hồ sơ, danh
sách đề nghị đặc xá.
- Phiên họp xét đề nghị đặc xá phải
được lập thành biên bản, có đại diện lãnh đạo của 03 cơ quan tham dự phiên họp
ký tên, đóng dấu. Biên bản ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp;
thành phần tham dự phiên họp; nội dung diễn biến phiên họp và ý kiến của các cơ
quan về việc chấp nhận hay không chấp nhận (nêu rõ lý do) đề nghị xét đặc xá
cho người bị kết án (Mẫu số 05).
- Sau đó, Tòa án nhân dân cấp huyện,
Tòa án quân sự cấp khu vực phải gửi danh sách, biên bản phiên họp xét đề nghị đặc
xá và hồ sơ đề nghị đặc xá lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp
quân khu để họp xét.
c) Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án
quân sự cấp quân khu hướng dẫn, lập hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá cho các trường
hợp người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều
kiện đặc xá năm 2016 do Tòa án mình ra quyết định và người bị kết án cư trú tại
địa phương. Đồng thời tập hợp hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá của Tòa án nhân
dân cấp huyện, Tòa án quân sự cấp khu vực để họp xét đề nghị đặc xá.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh,
Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu chủ trì mời đại diện lãnh đạo Viện kiểm
sát và Cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp họp xét đề nghị đặc xá.
- Phiên họp xét đề nghị đặc xá phải
được lập thành biên bản, có đại diện lãnh đạo của 03 cơ quan tham dự phiên họp
ký tên, đóng dấu. Biên bản ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp; thành phần tham dự phiên họp; nội dung, diễn
biến phiên họp và ý kiến của các cơ quan về việc chấp nhận hay không chấp nhận
(nêu rõ lý do) đề nghị xét đặc xá cho người bị kết án (Mẫu
số 05).
- Tại phiên họp xét đề nghị đặc xá cấp
tỉnh, cấp quân khu, người bị kết án được 03 cơ quan tham dự phiên họp thống nhất
đồng ý đề nghị xét đặc xá thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân
khu đưa họ vào danh sách đề nghị đặc xá, có chữ ký của đại diện 03 cơ
quan tham dự họp (Mẫu số 03, Mẫu số
04) và gửi lên Tòa án nhân dân tối cao, qua Vụ Giám đốc kiểm tra về hình
sự, hành chính (Vụ Giám đốc kiểm tra I), số 262 Đội cấn, Ba Đình, Hà Nội) kèm
theo hồ sơ đề nghị đặc xá để trình Hội đồng tư vấn đặc xá xem xét, quyết định.
d) Thẩm định danh sách, hồ sơ đề nghị
đặc xá:
- Tòa án nhân dân tối cao quyết định
thành lập Tổ chuyên viên tư vấn đặc xá để kiểm tra, tiếp nhận, phân loại, thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá cho người bị kết
án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do các Tòa án chuyển đến và thực hiện các công việc khác liên quan đến công tác đặc xá,
giúp việc cho Phó Chánh án kiêm Ủy viên Hội đồng tư vấn đặc
xá năm 2016.
- Tòa án nhân dân tối cao chuyển danh
sách, hồ sơ người bị kết án được đề nghị đặc xá của các Tòa án cho các thành
viên Hội đồng tư vấn đặc xá nghiên cứu cho ý kiến.
Sau khi tổng hợp ý kiến của các thành
viên Hội đồng tư vấn đặc xá, Tòa án nhân dân tối cao lập danh sách đề nghị đặc
xá cho người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù kèm
theo hồ sơ đề nghị đặc xá để trình các cơ quan có thẩm quyền
quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN
ngày 17/10/2016 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2016 xét duyệt và trình Chủ tịch
nước quyết định.
4.4. Quản lý tài liệu, hồ sơ, danh
sách và số liệu người được đề nghị xét đặc xá:
a) Tòa án nhân dân tối cao ban hành
các biểu mẫu về đặc xá năm 2016 kèm theo Hướng dẫn này (từ Mẫu số 01 đến Mẫu số 10).
b) Tài liệu, hồ sơ, danh sách, số liệu
liên quan đến công tác đặc xá cho người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ
chấp hành án phạt tù năm 2016 được quản lý, sử dụng theo chế độ “MẬT” đến khi
Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp tổ chức
công bố Quyết định đặc xá năm 2016 của Chủ tịch nước.
c) Cán bộ, công chức Tòa án; cán bộ,
chiến sỹ, chuyên viên, nhân viên của các Bộ, Ban, ngành tham gia công tác đặc
xá phải chấp hành nghiêm chỉnh việc quản lý, sử dụng tài liệu, danh sách, hồ sơ
đề nghị đặc xá theo chế độ “MẬT”. Những người vi phạm phải xử lý theo pháp luật.
d) Hồ sơ xét đề nghị đặc xá của người
bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phải đầy đủ tài liệu,
nội dung ghi trong hồ sơ phải thống nhất, rõ ràng và đúng thủ tục quy định về đặc
xá. Nếu để sai lệch các dữ liệu ghi trong hồ sơ đề nghị đặc
xá so với hồ sơ gốc hoặc do lỗi kỹ thuật, sau khi thẩm
định để lại không đề nghị đặc xá cho người bị kết
án có đủ điều kiện hoặc do làm sai lệch hồ sơ và đề nghị đặc xá cho người không
có đủ điều kiện, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự
cấp quân khu lập danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá phải chịu trách nhiệm.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
5.1. Trách nhiệm của các Tòa án:
a) Chánh án Tòa án quân sự Trung ương
tổ chức quán triệt sâu rộng mục đích, ý nghĩa của công tác đặc xá trong trường
hợp đặc biệt đối với người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án
phạt tù cho Tòa án quân sự các cấp. Chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án quân sự các cấp
thực hiện công tác đặc xá theo đúng hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.
b) Trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp
tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu:
- Chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án cấp dưới
thực hiện tốt công tác đặc xá năm 2016 theo đúng hướng dẫn của Tòa án nhân dân
tối cao.
- Chủ động, phối hợp chặt chẽ với Viện
kiểm sát nhân dân, Cơ quan Thi hành án hình sự cùng cấp thực hiện tốt công tác
đặc xá năm 2016 theo đúng hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao. Đảm bảo những
trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá 2016 phải được lập hồ sơ đề nghị xét
đặc xá theo quy định. Cá nhân, đơn vị nào để sót, lọt không lập hồ sơ đề nghị
xét đặc xá cho những người thuộc diện xét đặc xá hoặc lập hồ sơ đề nghị đặc xá
cho người không đủ điều kiện thì cá nhân và Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu
trách nhiệm trước lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng tư vấn đặc xá.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh,
Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa
án nhân dân tối cao và Hội đồng tư vấn đặc xá về toàn bộ các công việc liên
quan đến công tác đặc xá của địa phương mình. Có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ
các hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác đặc xá để kịp
thời cung cấp cho Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng tư vấn đặc xá khi có yêu
cầu.
- Trong suốt quá trình, thời gian đề
nghị đặc xá, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp
quân khu phải theo dõi chặt chẽ các thông tin về người bị kết án đang được hoãn,
tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá năm 2016. Nếu đối tượng được đề nghị đặc xá chết, thực hiện hành vi phạm tội mới,
có khiếu nại, tố cáo hoặc các vấn đề khác có liên quan đến việc đặc xá thì phải
báo cáo ngay cho lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Giám đốc kiểm tra I) để giải quyết.
- Sau khi Tòa án nhân dân tối cao
thông báo danh sách người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ đã được đặc xá
thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu tổ chức triển khai công bố Quyết định đặc xá
năm 2016 của Chủ tịch nước tại địa phương mình theo đúng thời gian và thủ tục
quy định, đảm bảo ý nghĩa của công tác đặc xá.
- Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa
án quân sự cấp quân khu không có trường hợp người bị kết án đang được hoãn, tạm
đình chỉ chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá năm 2016 cũng phải gửi báo
cáo về Tòa án nhân dân tối cao bằng văn bản theo thời gian quy định tại điểm a
tiểu mục 5.2 Mục này.
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án
nhân dân cấp quân khu lập danh sách người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ
chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá bằng phông chữ Time New Roman, cỡ chữ
14, lập thành thư mục theo dõi riêng và gửi file gốc về Tòa án nhân dân tối
cao, qua địa chỉ hòm thư điện tử (email): tatc.gdktl@toaan.gov.vn ngay
sau khi Tòa án gửi danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá về Tòa án nhân dân tối cao.
c) Trách nhiệm của Vụ Giám đốc kiểm
tra I:
- Là đầu mối thực hiện công tác đặc
xá của Tòa án nhân dân tối cao, có trách nhiệm tiếp nhận danh sách, hồ sơ đề
nghị xét đặc xá cho người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án
phạt tù được lập theo đúng quy định (theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối
cao) do Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu chuyển đến.
- Tiến hành kiểm tra, phân loại và
báo cáo kết quả thẩm định về nội dung, hình thức đối với danh sách, hồ sơ đề
nghị xét đặc xá cho người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án
phạt tù do Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự quân khu chuyển đến.
- Chuyển tất cả danh sách, hồ sơ người
đề nghị đặc xá của các Tòa án cho các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá nghiên
cứu cho ý kiến. Tham mưu giúp lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao về danh sách đề
nghị đặc xá cho người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt
tù của Tòa án nhân dân tối cao.
- Sau khi có kết quả xét duyệt của Cơ
quan nhà nước có thẩm quyền về danh sách đề nghị đặc xá, tham mưu giúp việc Phó
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiêm Ủy viên Hội đồng tư
vấn đặc xá phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng hợp, rà soát và hoàn chỉnh
danh sách đề nghị đặc xá chính thức để trình Chủ tịch nước quyết định.
- Tham mưu, giúp lãnh đạo Tòa án nhân
dân tối cao trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác đặc xá của Tòa án
các cấp khi cần thiết; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công
dân, các tổ chức trong và ngoài nước có liên quan đến đặc xá cho người bị kết
án phạt tù đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
- Tham mưu, giúp lãnh đạo Tòa án nhân
dân tối cao tiến hành tổng kết công tác đặc xá năm 2016.
5.2. Thời gian thực hiện:
a) Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án
quân sự cấp quân khu có trách nhiệm gửi toàn bộ danh sách, biên bản, hồ sơ đề
nghị đặc xá, văn bản liên quan đến công tác đặc xá được gửi về Tòa án nhân dân
tối cao, qua Vụ giám đốc kiểm tra I, địa chỉ: số 262 Đội cấn, Ba Đình,
Hà Nội, trong thời gian từ ngày 08/11/2016 đến trước ngày 14/11/2016.
Lưu ý: Nếu các Tòa án gửi hồ sơ qua đường bưu
điện thì phải gửi chuyển phát
nhanh để đảm bảo hồ sơ đến Vụ Giám đốc kiểm tra I
trước ngày 14/11/2016.
b) Vụ giám đốc kiểm tra I nhận trực
tiếp tại trụ sở tài liệu, danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá của các Tòa án chuyển
đến từ 08 giờ 00 phút đến 18 giờ 00 phút hàng ngày (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật) từ
ngày 08/11/2016 đến ngày 13/11/2016.
c) Từ ngày 08/11/2016 đến ngày 15/11/2016,
Tòa án nhân dân tối cao tiến hành việc thẩm định
hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá; chuyển hồ sơ, danh sách đến
các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá nghiên cứu, thẩm
định.
d) Từ ngày 10/11/2016 đến ngày 19/11/2016,
Tòa án nhân dân tối cao tổng hợp ý kiến của
các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá và chuẩn
bị hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá để
trình các cơ quan có thẩm quyền quy định
tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN ngày 17/10/2016
của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2016 xét duyệt.
đ) Từ ngày 29/11/2016 đến ngày 30/11/2016,
sau khi Tòa án nhân dân tối cao thông báo về danh sách người bị kết án đang được
hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đặc xá, Tòa án nhân dân cấp tỉnh,
Tòa án quân sự cấp quân khu tiến hành tổ chức
công bố Quyết định đặc xá năm 2016 của Chủ tịch nước đảm bảo tính nghiêm trang,
ý nghĩa của công tác đặc xá.
5.3. Khen thưởng, kỷ luật:
a) Công tác đặc xá phải được tổng kết rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời
cho những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích theo quy định hiện hành về khen
thưởng.
b) Cần phát hiện, ngăn chặn kịp thời
những sai sót, lệch lạc trong công tác đặc xá để chấn chỉnh ngay; xử lý nghiêm
minh những tập thể và cá nhân có hành vi vi phạm Điều 7 Luật đặc
xá. Cơ quan, đơn vị để xảy ra sai sót, tiêu cực, gây phiền hà trong công
tác đặc xá thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Chánh
án Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng tư vấn đặc xá.
Căn cứ vào Hướng dẫn này, các Tòa án
nhân dân và Tòa án quân sự các cấp có trách nhiệm tổ
chức triển khai thực hiện; Tòa án nhân dân tối cao trân trọng đề nghị
các Bộ, Ban, ngành ở trung ương là thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá quan tâm,
chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền phối hợp với Tòa án nhân dân các địa phương
trong việc lập, thẩm định danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá cho người bị kết án
đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Hướng dẫn này và các biểu mẫu gửi kèm
theo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án
nhân dân tối cao và gửi vào hòm thư điện tử của các Tòa án từ ngày 02/11/2016 để
triển khai thực hiện.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu
có vấn đề vướng mắc, yêu cầu các Tòa án phải kịp thời báo cáo về Tòa án nhân
dân tối cao, qua Vụ Giám đốc kiểm tra
I (đồng chí Lương Hồng Minh, Vụ trưởng, số điện thoại 0912.850.257; đồng
chí Nguyễn Xuân Tĩnh, Phó Vụ trưởng, số điện thoại 0912.364.761; đồng chí Võ Hồng
Sơn, số điện thoại 0912.915.832) để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Tòa án nhân dân
tối cao hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời./.
Nơi nhận:
- Chủ tịch nước; (để báo cáo)
- PTTg Trương Hòa Bình, Chủ tịch
HĐTVĐX; (để báo cáo)
- Chánh án TANDTC; (để báo cáo)
- Ban Nội chính TW; (để báo cáo)
- VP Chủ tịch nước; (để phối hợp thực hiện).
- VP Chính phủ; (để phối hợp thực hiện).
- VKSNDTC; (để phối hợp thực hiện).
- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tư pháp; (để phối hợp thực hiện).
- Ủy
ban trung ương MTTQ Việt Nam; (để
phối hợp thực hiện).
- Tòa án quân sự TW; (để thực hiện).
- Các TAND cấp cao; (để thực hiện).
- TAND các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương; (để thực hiện).
- Các TAQS quân khu; (để thực hiện).
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: TK PCA, Vụ GĐKT 103b.CM, VP.
|
KT.
CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Sơn
|
Mẫu
số 01. Bìa tập hồ sơ đề nghị đặc xá dùng trong trường hợp hoãn.
(Ban hành kèm theo Hướng dẫn số 330/TANDTC-V1 ngày
01/11/2016 của Tòa án nhân dân tối cao)
TÒA
ÁN NHÂN DÂN TỈNH………………..
-------------------
HỒ
SƠ
ĐỀ
NGHỊ XÉT ĐẶC XÁ NĂM 2016
HOÃN
TỔNG SỐ... TRƯỜNG HỢP
Hồ sơ gồm:
1- Danh sách đề nghị đặc xá cho người
bị kết án đang được hoãn chấp hành án phạt tù do Tòa án nhân dân tỉnh.. ..lập
(sắp xếp theo thứ tự a,b,c…);
2- Biên bản phiên họp xét đề nghị đặc
xá của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh;
3- Hồ sơ đề nghị xét đặc xá của người
bị kết án (sắp xếp theo thứ tự trong danh sách).
(BỘ
DẤU ĐỎ)
hoặc:
(BỘ PHOTOCOPPY)
|
Mẫu
số 02. Bìa tập hồ sơ đề nghị đặc xá dùng trong trường hợp tạm đình chỉ.
(Ban hành kèm theo Hướng dẫn số 330/TANDTC-V1 ngày 01/11/2016
của Tòa án nhân dân tối cao)
TÒA
ÁN NHÂN DÂN TỈNH………………..
-------------------
HỒ
SƠ
ĐỀ
NGHỊ XÉT ĐẶC XÁ NĂM 2016
TẠM ĐÌNH CHỈ
TỔNG SỐ... TRƯỜNG HỢP
Hồ sơ gồm:
1- Danh sách đề nghị đặc xá cho người
bị kết án đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do
Tòa án nhân dân tỉnh.. ..lập (sắp xếp theo thứ tự a,b,c…);
2- Biên bản phiên họp xét đề nghị đặc
xá của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh;
3- Hồ sơ đề nghị xét đặc xá của người
bị kết án (sắp xếp theo thứ tự trong danh sách).
(BỘ
DẤU ĐỎ)
hoặc:
(BỘ PHOTOCOPPY)
|
Đã chấp hành án phạt tù tại Trại giam (Trại tạm
giam) …………………………………….