NGÂN HÀNG NHÀ
NƯỚC
VIỆT NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 25/VBHN-NHNN
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 06 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ ĐỘ MẬT CỦA TỪNG LOẠI TÀI LIỆU, VẬT MANG BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRONG NGÀNH
NGÂN HÀNG
Quyết định số 45/2007/QĐ-NHNN ngày
17 tháng 12 năm 2007 của Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam về độ mật của từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
trong ngành Ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 01 năm 2008, được sửa đổi,
bổ sung bởi:
Thông tư số 10/2009/TT-NHNN ngày 8
tháng 5 năm 2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung Quyết
định số 45/2007/QĐ-NHNN ngày 17 tháng 12 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước về độ mật của từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành
Ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 6 năm 2009.
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam năm 2003;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh số
30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000 của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội về bảo vệ bí mật nhà
nước;
Căn cứ Nghị định 52/2003/NĐ-CP
ngày 19/5/2003 của Chính phủ về chức năng
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định 33/2002/NĐ-CP của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp
lệnh bảo vệ bí mật nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg ngày 20/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt
mật và Tối mật trong ngành Ngân hàng;
Căn cứ Quyết định số 151/2003/QĐ-BCA (A11) ngày 11/3/2003 của Bộ trưởng
Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Ngân hàng;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng1,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh:
Quyết định này quy định độ mật của từng
loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
trong ngành Ngân hàng do các đơn vị thuộc
Ngân hàng Nhà nước, Nhà máy in tiền quốc gia, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng
dịch vụ thanh toán và tổ chức khác có hoạt động ngân hàng soạn thảo, ban hành,
thiết kế, xây dựng, tiếp nhận, xử lý.
Điều 2. Nguyên tắc xác định độ mật trong một số trường hợp:
1. Đối với những tài liệu, vật mang
bí mật nhà nước chứa đựng thông tin ở nhiều cấp
độ mật khác nhau thì độ mật của tài liệu, vật mang bí mật nhà nước đó được xác
định theo độ mật của thông tin có cấp độ mật cao nhất.
2. Đối với tài liệu, vật mang bí mật
nhà nước chưa công bố, đơn vị xác định độ mật phải ghi rõ dòng chữ “chưa công bố”
trên tài liệu, vật mang bí mật nhà nước đó.
Điều 3. Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành
Ngân hàng thuộc độ “Tuyệt mật” gồm:
1. Tài liệu chưa công bố về phương
án, kế hoạch phát hành tiền mặt vào lưu thông.
2. Tài liệu về kế hoạch và tình hình
thực hiện cung ứng tiền hàng năm.
3. Đề án, kế hoạch đổi tiền và kết quả
thu đổi tiền chưa công bố.
4. Đề án, phương án và kế hoạch thiết
kế, chế bản mẫu tiền mới.
5. Bản mẫu thiết kế đã được phê duyệt,
bản mẫu chế bản gốc (bản khắc gốc, phim gốc), mẫu in thử, mẫu đúc thử; thông số
kỹ thuật, khóa an toàn của từng mẫu tiền và các giấy tờ có giá như tiền.
6. Tài liệu về yếu tố chống giả,
thông số kỹ thuật không công bố của đồng tiền Việt Nam, giấy tờ có giá như tiền.
Điều 4. Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành
Ngân hàng thuộc độ “Tối mật” gồm:
1. Tài liệu về số lượng tiền in, đúc
và tiền phát hành.
2. Kế hoạch điều chuyển, lịch trình vận chuyển, điện báo vận chuyển tiền, tài sản
quý và giấy tờ có giá (ngày, giờ xuất phát, địa điểm đi, đến, tuyến đường, loại
phương tiện, khối lượng, giá trị, loại tài sản).
3. Sổ quỹ, sổ kế toán về Quỹ dự trữ
phát hành.
4. Sổ phụ của các Kho tiền Trung
ương.
5. Báo cáo thống kê, biên bản và báo
cáo kiểm kê Quỹ dự trữ phát hành của các Kho tiền trung ương, Ngân hàng Nhà nước
chi nhánh tỉnh, thành phố.
6. Tài liệu về bội thu, bội chi tiền
mặt chưa công bố.
7. Tài liệu về số lượng và nơi lưu giữ
dự trữ ngoại hối Nhà nước, kim loại quý hiếm, đá quý và các vật quý hiếm khác của
Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quản lý, bảo quản.
8. Tài liệu về tiêu chuẩn, hạn mức, tỷ
lệ cơ cấu dự trữ ngoại hối Nhà nước.
9. Báo cáo số dư tiền gửi ngoại tệ
trên tài khoản của Ngân hàng Nhà nước mở tại đối tác nước ngoài.
10. Báo cáo chi tiết về các khoản đầu
tư của Ngân hàng Nhà nước tại nước ngoài theo hình thức, kỳ hạn, đối tác
và khu vực đầu tư.
11. Báo cáo số dư Quỹ dự trữ ngoại hối
nhà nước, Quỹ Bình ổn và các nguồn ngoại tệ khác.
12. Báo cáo đánh giá về tình hình ủy
thác đầu tư của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
13. Báo cáo về tình hình xếp hạng các
đối tác nước ngoài của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước có số liệu về hạn mức đầu
tư Dự trữ ngoại hối nhà nước tại mỗi đối tác.
14. Báo cáo kết quả giám sát tình
hình thực hiện nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước tại Sở Giao dịch;
biên bản kiểm tra của Vụ Tổng kiểm soát tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
15. Tài liệu về phương án, kế hoạch đặt
tổ chức tín dụng vào tình trạng giám sát, kiểm soát đặc biệt.
16. Tài liệu về phương án, kế hoạch hợp
nhất, sáp nhập, giải thể, mua bán tổ chức
lại tổ chức tín dụng chưa công bố.
17. Tài liệu về thiết kế nhà máy in
tiền, nhà máy đúc tiền, kho tiền.
18. Quy trình công nghệ về in, đúc tiền
và các giấy tờ có giá như tiền.
19. Công thức pha chế mực in tiền.
20. Tài liệu về cấp vần series để in, đúc tiền.
21. Tài liệu về thiết kế hệ thống, cài đặt các hạng
mục bảo đảm an ninh, bảo mật các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông của ngành Ngân hàng.
22. Tài liệu về thuật toán, phần mềm máy tính để
xây dựng chữ ký điện tử và mã khóa bảo mật; mật mã, thuật toán dùng mã hóa dữ
liệu.
23. Mã khóa bảo mật để tạo chữ ký điện tử, khóa bí
mật để tạo chữ ký số trong các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông của ngành Ngân hàng.
24. Tài liệu về phương án chuẩn bị đàm phán và kết
quả đàm phán các hiệp định, thỏa thuận về tiền tệ và hoạt động ngân hàng được
ký kết giữa Việt Nam và đối tác nước ngoài chưa công bố.
25. Bảng cân đối tiền tệ chi tiết của Ngân hàng Nhà
nước.
26. Bảng cân đối tiền tệ tóm tắt của Ngân hàng Nhà
nước.
Điều 5. Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng thuộc
độ “Mật” gồm:
1. Tài liệu về chiến lược phát triển ngành Ngân
hàng và các giải pháp thực hiện chưa công bố.
2. Các tài liệu về chủ trương, phương án, giải pháp
điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước chưa công bố.
3. Báo cáo về tình hình giao dịch trên thị trường
ngoại tệ liên ngân hàng.
4. Tài liệu về đấu thầu, xét thầu các dự án do Ngân
hàng Nhà nước thực hiện đang trong quá trình xem xét chưa công bố.
5. Bảng cân đối tài khoản kế toán, bảng cân đối kế
toán, báo cáo kế hoạch thu nhập, chi phí và thuyết minh báo cáo tài chính của
Ngân hàng Nhà nước chưa công bố.
6.2 Tài liệu, chứng từ,
số liệu về xuất kho, nhập kho các loại tiền của Nhà máy in tiền quốc gia, các
kho tiền Trung ương; tài liệu, chứng từ, số liệu về xuất, nhập tiền thuộc Quỹ dự
trữ phát hành tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định (trừ trường hợp
xuất, nhập với Quỹ nghiệp vụ phát hành).
7. Lệnh điều chuyển tiền, tài sản quý và giấy tờ có
giá.
8. Tài liệu, chứng từ về tiền tiêu hủy.
9. Tài liệu quy định về ký hiệu các loại tiền và giấy
tờ có giá như tiền.
10. Tài liệu, hồ sơ, phương án, bản vẽ thiết kế và
lắp đặt hệ thống thiết bị, phương tiện kỹ
thuật bảo đảm an toàn kho tiền, nhà máy in tiền, nhà máy đúc tiền.
11. Mã khóa cửa kho tiền và két tiền.
12. Báo cáo kết quả giám sát hoạt động in tiền tại
Nhà máy in tiền quốc gia.
13. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát an
toàn tài sản tại các Kho tiền Trung ương.
14. Tài liệu về tiền giả chưa công bố.
15. Tài liệu liên quan đến tiền gửi và tài sản khác
của từng khách hàng tại các tổ chức tín dụng.
16. Tài liệu chi tiết liên quan đến tiền gửi, tài sản
khác của từng tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước.
17. Mã khóa, ký hiệu mật dùng trong điện báo nghiệp
vụ ngân hàng, mã khóa truyền dữ liệu.
18. Mẫu chữ ký của chủ tài khoản, mẫu chữ ký dùng
trong công tác thanh toán.
19. Ký hiệu mật dùng trong thanh toán và chuyển tiền
của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (trừ thanh toán chuyển tiền điện tử).
20. Mã số quy định cho khách hàng để xác định thẻ
cá nhân của người dùng thẻ thanh toán, thẻ tín dụng và các loại thẻ khác dùng
trong hoạt động ngân hàng.
21. Mật khẩu truy cập hệ thống máy tính, hệ thống
cơ sở dữ liệu; mật khẩu sử dụng các chương trình ứng dụng ngân hàng.
22. Tài liệu chưa công bố về hoạt động thanh tra,
giám sát, xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và phòng,
chống rửa tiền, gồm:
a) Kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của
Thanh tra ngân hàng;
b) Văn bản chỉ
đạo về hoạt động thanh tra, giám sát, xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng,
chống tham nhũng và phòng, chống rửa tiền;
c) Báo cáo công tác thanh tra định kỳ;
d) Báo cáo chuyên đề công tác xét, giải quyết khiếu
nại tố cáo; báo cáo về phòng, chống tham nhũng và phòng, chống rửa tiền;
e) Tài liệu về các vụ việc, nội dung đang trong quá
trình thanh tra, kiểm tra; biên bản, kết luận thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra.
23. Kết quả xếp
loại các tổ chức tín dụng hàng năm chưa công bố.
24. Tài liệu, hồ sơ liên quan đến các giao dịch có
các cá nhân, tổ chức báo cáo Trung tâm Phòng chống rửa tiền theo quy định về
phòng, chống rửa tiền.
25. Tài liệu về các vụ việc đang trong quá trình kiểm
toán, kiểm soát chưa công bố; biên bản, kết
luận kiểm toán, kiểm soát, báo cáo kết quả
kiểm toán, kiểm soát chưa công bố; văn bản chỉ đạo hướng dẫn trong hoạt động kiểm
toán kiểm soát chưa công bố.
26. Báo cáo tình hình hoạt động, kết quả kiểm tra về tổ chức và hoạt động của tổ chức
tín dụng và tổ chức khác có hoạt động
ngân hàng chưa công bố.
27. Tài liệu về người viết đơn thư tố cáo; đơn thư
khiếu nại, tố cáo đang được thẩm tra, xác minh và giải quyết chưa công bố; tài
liệu, vật có lưu trữ thông tin liên quan đến việc xác minh, giải quyết đơn khiếu
nại, tố cáo chưa công bố.
28. Tài liệu về quy hoạch cán bộ diện Ban cán sự Đảng
và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý, gồm: tài liệu về nhân thân cán bộ; phiếu
thăm dò tín nhiệm tại các Hội nghị giới thiệu nguồn cán bộ quy hoạch; biên bản
Hội nghị liên tịch giữa lãnh đạo đơn vị với lãnh đạo Đảng, đoàn thể; nhận xét,
đánh giá của cấp ủy Đảng.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công
báo.
Điều 7.3 Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Nhà máy in tiền quốc
gia, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, tổ
chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức
khác có hoạt động ngân hàng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Website NHNN;
- Lưu VP, PC3.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Đặng Thanh Bình
|
1 Thông tư số 10/2009/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Quyết
định số 45/2007/QĐ-NHNN ngày 17 tháng 12 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước về độ mật của từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành
Ngân hàng có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm
1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày
28/12/2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bảo vệ bí mật nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Ngân hàng nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg ngày
20/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và
Tối mật trong ngành Ngân hàng;
Căn cứ Quyết định số 151/2003/QĐ-BCA(A11) ngày
11/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong
ngành Ngân hàng;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung Quyết
định số 45/2007/QĐ-NHNN ngày 17 tháng 12 năm 2007 về độ mật của từng loại tài
liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng như sau.”
2 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại Điều 1
của Thông tư số 10/2009/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Quyết định số 45/2007/QĐ-NHNN
ngày 17 tháng 12 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về độ mật của từng
loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng, có hiệu lực kể từ
ngày 22 tháng 6 năm 2009.
3 Điều 2 của Thông tư số 10/2009/TT-NHNN sửa đổi,
bổ sung Quyết định số 45/2007/QĐ-NHNN ngày 17 tháng 12 năm 2007 của Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước về độ mật của từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
trong ngành Ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 6 năm 2009 quy định như
sau:
“Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45
ngày, kể từ ngày ký ban hành.
2. Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc
Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Nhà máy in tiền quốc gia, Chủ tịch Hội đồng quản
trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh
toán, tổ chức khác có hoạt động ngân hàng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư
này.”