NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
37-NH/TT
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 3 năm 1986
|
THÔNG TƯ
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 37-NH/TT NGÀY
29-3-1986HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 31-HĐBT NGÀY 28-3-1986 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ
TRƯỞNG VỀ VIỆC BẢO HIỂM GIÁ TRỊ CỦA TIỀN GỬI TIẾT KIỆM
Hiện nay, Đảng và
Nhà nước đang thi hành những chủ trương, biện pháp cấp bách để đẩy mạnh sản xuất,
làm chủ giá cả, thị trường, ổn định tài chính, tiền tệ và ổn định đời sống nhân
dân.
Trước mắt, nhằm bảo đảm quyền lợi
của người gửi tiền tiết kiệm, tạo nên sự yên tâm tin tưởng và động viên nhân
dân hăng hái tiếp tục gửi tiền chưa dùng đến vào Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa
để tăng nguồn vốn tín dụng, tăng thu tiền mặt, giảm bớt áp lực đối với hàng hoá
và giá cả, thị trường.
Căn cứ Nghị quyết số 31-HĐBT
ngày 28-3-1986 của Hội đồng Bộ trưởng quyết định chính sách bảo hiểm giá trị của
tiền gửi tiết kiệm, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành như
sau:
I.
BẢO HIỂM GIÁ TRỊ CỦA TIỀN GỬI TIẾT KIỆM BẰNG TRẢ THÊM MỘT MỨC LÃI SUẤT KHUYẾN
KHÍCH 2%/THÁNG
1. Kể từ ngày
1-4-1986, tất cả các loại tiền gửi tiết kiệm hiện hành có số dư trên sổ, phiếu
tiết kiệm đều được trả thêm một mức lãi suất khuyến khích bằng 2% (hai phần
trăm) mỗi tháng:
a) Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn
có lãi, kể cả phiếu tiết kiệm định mức trước đây hưởng lãi suất 2%/tháng, nay
hưởng 4%/tháng.
b) Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn
3 năm, trước đây hưởng lãi suất 2,5%/tháng, nay hưởng 4,5%/tháng.
c) Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn
5 năm, trước đây hưởng lãi suất 3%/tháng, nay hưởng 5%/tháng.
d) Các loại tiền gửi tiết kiệm
khác cũng được hưởng thêm mức lãi suất khuyến khích là 2%/tháng.
2. Tiền lãi được tính hàng tháng
trên số dư tài khoản tiền gửi tiết kiệm và hạch toán vào tài khoản 128 lãi phải
trả về tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn, và tài khoản 129 lãi phải trả về tiền gửi
tiết kiệm dài hạn trong kế toán Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa; khi người gửi
rút tiền lãi hoặc nhập lãi vào vốn sẽ được trả từ những tài khoản này.
II.
BAN HÀNH THÊM LOẠI TIỀN GỬI TIẾT KIỆM CÓ KỲ HẠN CÓ LÃI VÀ ĐƯỢC BẢO HIỂM GIÁ TRỊ
CỦA TIỀN GỬI TIẾT KIỆM
1. Kể từ ngày 1
tháng 4 năm 1986, Ngân hàng Nhà nước ban hành thêm thể thức tiền gửi tiết kiệm
có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Thể thức tiền gửi tiết kiệm này được hưởng lãi
theo mức lãi suất cơ bản ổn định, và được bảo hiểm giá trị tiền gửi bằng cách
quy ra thóc theo giá Nhà nước thu mua ngoài hợp đồng hai chiều ở tỉnh, thành phố,
đặc khu tại thời điểm gửi tiền; khi đến hạn, nếu rút tiền ra, được hoàn trả bằng
số tiền tương ứng với số lượng thóc ghi trên sổ tiết kiệm theo giá lúc thanh
toán.
Giá thóc thu mua ngoài hợp đồng
hai chiều do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu thông báo, niêm yết tại
các Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa để mọi người biết và tính toán khi gửi tiền,
rút tiền tiết kiệm.
2. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm
có kỳ hạn 6 tháng là 0,5%/tháng, có kỳ hạn 12 tháng là 1%/tháng. Tiền lãi được
tính trên số vốn khi gửi vào và thanh toán một lần khi rút vốn ra.
3. Mỗi lần gửi tiền, người gửi
nhận một sổ tiết kiệm ghi rõ kỳ hạn gửi tiền (6 tháng hoặc 12 tháng), số tiền gửi
quy ra số lượng (ki lô gam) thóc theo giá quy định; cần vận động người gửi tiền
nên gửi số tiền phù hợp với đơn giá quy ra chẵn số lượng thóc. Người có tiền gửi
có thể uỷ quyền cho người khác gửi hoặc lĩnh thay.
4. Người gửi tiền theo Thể lệ tiết
kiệm này, nếu cần rút vốn trước hạn, chỉ được hưởng lãi theo mức lãi suất tiền
gửi tiết kiệm không kỳ hạn có lãi; không được hưởng lãi suất khuyến khích và
không được tính bảo hiểm.
5. Mở thêm trong bản đồ kế toán
Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa tài khoản mang số hiệu 027 tiết kiệm có kỳ hạn
được bảo hiểm để hạch toán tiền gửi thuộc thể thức tiết kiệm có kỳ hạn có lãi
và được bảo hiểm, "phân ra 2 phân loại tiểu khoản":
- 01 - 027 - Tiết kiệm có kỳ hạn
6 tháng
- 02 - 027 - Tiết kiệm có kỳ hạn
12 tháng
Hàng tháng, các Quỹ tiết kiệm xã
hội chủ nghĩa quận, huyện, thị xã phải báo cáo doanh số trong tháng và số dư cuối
tháng của từng phân loại tiểu khoản về Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa tỉnh,
thành phố, đặc khu để tổng hợp báo cáo về Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa Trung
ương cùng với bảng cân đối kế toán tháng.
Trong kế toán ngoài bảng, mở
thêm các tài khoản 208 - 218 - 219 - 238 để hạch toán số lượng sổ tiết kiệm có
kỳ hạn có lãi và được bảo hiểm giá trị của tiền gửi tiết kiệm.
6. Thủ tục giao dịch và chế độ hạch
toán kế toán đối với thể thức tiết kiệm có kỳ hạn, có lãi và được bảo hiểm giá
trị của tiền gửi tiết kiệm được thực hiện như các thể thức tiết kiệm hiện hành.
III.
SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HUY ĐỘNG, MỞ RỘNG CHO VAY THEO KHUNG LÃI SUẤT TƯƠNG ỨNG VỚI
TIỀN TRẢ LÃI VÀ BẢO HIỂM GIÁ TRỊ TIỀN GỬI TIẾT KIỆM
Thực hiện chính
sách của Nhà nước bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền tiết kiệm, các khoản chi
về lãi, thưởng, bảo hiểm giá trị tiền gửi tăng cao, nhưng không để Ngân sách
Nhà nước phải bù lỗ. Vì vậy, cần sử dụng tốt nguồn vốn này để cho vay phát huy
hiệu quả vốn huy động trong nhân dân, đem trở lại phục vụ nhân dân phát triển sản
xuất, cải thiện đời sống, đồng thời thu về mức lãi suất cho vay hợp lý. Tổng
giám đốc Ngân hàng Nhà nước cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước và Giám đốc Quỹ tiết
kiệm xã hội chủ nghĩa tỉnh, thành phố, đặc khu sử dụng số vốn huy động được mở
rộng cho vay các đối tượng và thành phần kinh tế, với khung lãi suất được quy định
sau đây cho tương ứng với tiền trả lãi và bảo hiểm giá trị tiền gửi tiết kiệm.
1. Cho vay phát triển kinh tế
gia đình (bao gồm cán bộ, công nhân viên chức, xã viên hợp tác xã và nhân dân
lao động) để sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, gia công chế biến, giải quyết khó
khăn trong công tác và đời sống. Mức lãi suất từ 4% đến 4,5%/tháng. Thời hạn
cho vay tuỳ theo từng đối tượng, tối đa không quá 24 tháng.
2. Cho vay đối với cá thể sản xuất
nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; mức lãi suất từ 5% đến 6%/tháng; thời hạn
cho vay tối đa không quá 12 tháng đối với chi phí sản xuất, và 36 tháng đối với
vốn vay mua công cụ và phương tiện sản xuất.
3. Cho vay hộ tư nhân được cấp
giấy phép sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ ở thành phố, thị xã, thị trấn; lãi
suất cho vay từ 6% đến 7%/tháng. Thời hạn cho vay tối đa không quá 12 tháng.
4. Cho vay sửa chữa nhà ở, góp vốn
xây dựng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, mua nhà do Nhà nứơc
nhượng bán cho cán bộ công nhân viên và nhân dân lao động thành phố, thị xã;
lãi suất cho vay từ 3% đến 4%/tháng; thời hạn tối đa không qúa 10 năm.
5. Cho vay hợp tác xã mua bán để
kinh doanh; cho vay các cơ quan, trường học, viện nghiên cứu, đơn vị lực lượng
vũ trang có điều kiện tận dụng lao động, đất đai, công trình nghiên cứu, phát
minh để sản xuất ra sản phẩm, thu hồi được vốn và có lãi; cho vay các xí nghiệp
và tổ chức kinh tế khác có nhu cầu vốn đột xuất. Thời hạn cho vay tuỳ theo từng
đối tượng, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
6. Mức lãi suất cho vay các tổ
chức nói ở điểm 5, và lãi suất cụ thể trong khung đối với các đối tượng nói ở
các điểm 1,2, 3 và 4, do Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và Giám đốc Quỹ
tiết kiệm xã hội chủ nghĩa tỉnh, thành phố, đặc khu bàn bạc đề xuất ý kiến với
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu quyết định.
Mức vốn cho vay các đối tượng
nói trên, tuỳ nhu cầu thực tế, điều kiện vay, hiệu quả sử dụng vốn và khả năng
trả nợ, mà Giám đốc Quỹ tiết kiệm quận, huyện, thị xã xem xét quyết định. Trường
hợp có nhu cầu vay vốn theo kế hoạch và dự án kinh tế từ 100.000 đồng trở lên
phải xin quyết định của Giám đốc Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa tỉnh, thành phố,
đặc khu.
Các quỹ tiết kiệm xã hội chủ
nghĩa phải cùng với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tính toán cụ thể kế hoạch hoá
nguồn vốn huy động và vốn cho vay, nhu cầu sử dụng tiền mặt, tăng nhanh vòng
quay và tận dụng hết nguồn vốn huy động vào mục đích cho vay các đối tượng nói
trên.
IV.
TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
1. Chính sách huy động
tiền gửi tiết kiệm với mức lãi suất khuyến khích và có bảo hiểm giá trị tiền gửi
tiết kiệm, góp phần thực hiện có hiệu lực các chủ trương, biện pháp cấp bách về
ổn định tình hình kinh tế, ổn định tâm tư và đời sống nhân dân. Các đồng chí
Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa
tỉnh, thành phố, đặc khu có kế hoạch triển khai cụ thể, kịp thời báo cáo với cấp
uỷ, Uỷ ban Nhân dân địa phương để chỉ đạo; phối hợp với các ngành, các đoàn thể
quần chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ
chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên nhân dân hăng hái gửi tiền tiết kiệm.
Cần cải tiến tổ chức phục vụ thuận
tiện đối với khách hàng gửi tiền, rút tiền, vay vốn; mở rộng các hình thức
thanh toán không dùng tiền mặt trong quan hệ mua bán hàng hoá, chi trả và dịch
vụ của nhân dân; đồng thời phải bảo đảm đầy đủ tiền mặt cho hoạt động nghiệp vụ
của Quỹ tiết kiệm.
2. Quỹ tiết kiệm xã hội chủ
nghĩa Trung ương phối hợp với Vụ Kinh tế và kế hoạch, Vụ Kế toán và chấp hành
quỹ ngân sách, Vụ Tổ chức và cán bộ cùng các vụ có liên quan bàn bạc, hướng dẫn
các nghiệp vụ cụ thể như:
- Phát hành séc cho người gửi tiền
tiết kiệm sử dụng để thanh toán tiền mua hàng hoá và dịch vụ trong địa phương,
hoặc rút tiền mặt ở một số quỹ tiết kiệm thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải
phòng và Quỹ tiết kiệm thành phố, thị xã thuộc tỉnh khác.
- Cân đối nguồn vốn huy động và
sử dụng tốt vốn cho vay; kịp thời điều hoà vốn giữa các địa phương để phát huy
hiệu quả vốn huy động.
- Hướng dẫn hạch toán thu chi
nghiệp vụ và tiền bảo hiểm giá trị của tiền gửi tiết kiệm; chỉ đạo điều hoà và
sử dụng vốn huy động được để bảo đảm chế độ hạch toán kinh tế ở mỗi cấp, mỗi địa
phương và trong toàn hệ thống Quỹ tiết kiệm.
3. Tăng cường bộ máy, hoạt động
của Quỹ tiết kiệm, nhất là ở cấp cơ sở, bổ sung thêm cán bộ có năng lực, nhiệt
tình cho Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa đủ sức đảm nhiệm những nhiệm vụ được
giao. Đối với các phòng giao dịch tiết kiệm, cần tăng cường thêm nhân viên phục
vụ để làm tốt cả việc thu trả tiền tiết kiệm, cho vay, thanh toán và chi trả
khác; sắp xếp lại giờ giấc làm việc phù hợp với thời gian giao dịch của đông đảo
người gửi tiền; sửa đổi thái độ, phong cách giao dịch và chống mọi phiền hà, nhất
là việc trả tiền mặt cho vay, đi đôi với việc xử lý nghiêm túc và thanh lọc các
cán bộ thoái hoá, biến chất.