Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 32/2024/TT-NHNN về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu: 32/2024/TT-NHNN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Người ký: Đoàn Thái Sơn
Ngày ban hành: 30/06/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch được thành lập của ngân hàng thương mại

Ngày 30/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 32/2024/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại.

Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch được thành lập của ngân hàng thương mại

Theo đó, công thức xác định tổng số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại được thành lập phải đảm bảo:

300 tỷ đồng x N1 + 100 tỷ đồng x M1 + 50 tỷ đồng x N2 + 20 tỷ đồng x M2 < C

Trong đó:

- C là giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng thương mại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 hoặc điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư 32/2024/TT-NHNN

- N1 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đang đề nghị thành lập tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội và khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh.

- N2 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đang đề nghị thành lập tại khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội, khu vực ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh; và các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.

- M1 là số lượng phòng giao dịch đã thành lập và đang đề nghị thành lập tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội và khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh.

- M2 là số lượng phòng giao dịch đã thành lập và đang đề nghị thành lập tại khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội, khu vực ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh; và các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.

- Việc xác định địa điểm của chi nhánh, phòng giao dịch đã thành lập và đang đề nghị thành lập thuộc các khu vực quy định tại các điểm N1, N2, M1, M2 được căn cứ vào khu vực địa giới hành chính tại thời điểm đề nghị và tại thời điểm chấp thuận.

Ngoài đáp ứng yêu cầu về tổng số lượng chi nhánh, ngân hàng thương mại phải đáp ứng yêu cầu sau đây:

- Ngân hàng thương mại được thành lập tối đa 10 chi nhánh tại mỗi khu vực nội thành thành phố Hà Nội hoặc nội thành thành phố Hồ Chí Minh.

- Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động dưới 12 tháng tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị được thành lập không quá 03 chi nhánh và các chi nhánh này không được thành lập trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong một năm tài chính.

- Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị được thành lập không quá năm (05) chi nhánh và số chi nhánh tại vùng nông thôn chiếm ít nhất 50% tổng số chi nhánh được thành lập trong một năm tài chính.

- Ngoài số lượng quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 32/2024/TT-NHNN , ngân hàng thương mại đã hoàn tất thủ tục tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội, khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh thì được thành lập tại các địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác số chi nhánh tương ứng với số chi nhánh đã chấm dứt hoạt động.

Xem chi tiết Thông tư 32/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.

 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2024/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2024

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ MẠNG LƯỚI HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 06 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại.

Chương l

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại, bao gồm:

a) Thành lập, khai trương hoạt động, thay đổi tên, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài;

b) Thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch;

c) Chuyển đổi chi nhánh ở trong nước thành phòng giao dịch và ngược lại;

d) Chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.

2. Thông tư này quy định việc thông báo thông tin về thành lập, thay đổi địa điểm, giải thể, chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện ở trong nước và các thông tin liên quan cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

3. Mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt thực hiện theo quy định tại Thông tư này và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ngân hàng thương mại.

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại bao gồm chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.

2. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc ngân hàng thương mại, hạch toán phụ thuộc, có con dấu, có nhiệm vụ thực hiện một hoặc một số chức năng của ngân hàng thương mại theo phân cấp của ngân hàng thương mại và phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Phòng giao dịch là loại hình chi nhánh, được quản lý bởi một chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại, hạch toán báo số, có con dấu, có địa điểm đặt trụ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chi nhánh quản lý. Phòng giao dịch không được thực hiện:

a) Phê duyệt, quyết định cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá hai (02) tỷ đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ quy đổi tương đương, trừ trường hợp khoản cấp tín dụng được đảm bảo toàn bộ bằng tiền, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá do chính ngân hàng thương mại phát hành, trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc nhà nước;

b) Cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền quốc tế.

4. Chi nhánh quản lý phòng giao dịch là chi nhánh được giao thực hiện một số nội dung quản lý đối với phòng giao dịch trên địa bàn cùng một tỉnh, thành phố theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại và phù hợp với quy định của Thông tư này.

5. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc ngân hàng thương mại, có con dấu, thực hiện chức năng đại diện theo ủy quyền của ngân hàng thương mại. Văn phòng đại diện không được thực hiện hoạt động kinh doanh.

6. Đơn vị sự nghiệp là đơn vị phụ thuộc ngân hàng thương mại, có con dấu, thực hiện một hoặc một số hoạt động hỗ trợ hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, bao gồm:

a) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ ngân hàng cho ngân hàng thương mại;

b) Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật cho cán bộ, nhân viên của ngân hàng thương mại;

c) Văn phòng liên lạc; nghiên cứu, tìm hiểu thị trường;

d) Lưu trữ cơ sở dữ liệu, thu thập, xử lý thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại;

đ) Các hoạt động khác hỗ trợ hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại phù hợp với quy định của pháp luật.

7. Ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại (sau đây gọi là ngân hàng con ở nước ngoài) là ngân hàng mà ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng thương mại và người có liên quan của ngân hàng thương mại sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn cổ phần có quyền biểu quyết, được thành lập tại nước ngoài theo quy định pháp luật nước ngoài.

8. Thời điểm đề nghị là ngày, tháng, năm ghi trên văn bản đề nghị thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.

9. Khu vực nội thành thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh bao gồm các thành phố (nếu có) và quận của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

10. Khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh bao gồm các địa bàn còn lại của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh không thuộc phạm vi quy định tại khoản 9 Điều này.

11. Vùng nông thôn là khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn phường thuộc thị xã, quận và thành phố.

12. Người đứng đầu là Giám đốc chi nhánh, Giám đốc phòng giao dịch hoặc chức danh tương đương, người đứng đầu văn phòng đại diện.

13. Thông tin về người đứng đầu bao gồm họ và tên, giới tính, ngày sinh, dân tộc, quốc tịch, loại giấy tờ pháp lý của cá nhân, số giấy tờ pháp lý của cá nhân, ngày cấp, nơi cấp, địa chỉ thường trú và địa chỉ liên lạc.

14. Thông tin về tên bao gồm tên, tên viết bằng tiếng nước ngoài, tên viết tắt.

15. Thông tin về địa chỉ bao gồm địa chỉ, điện thoại, fax, email, website.

Điều 4. Thẩm quyền chấp thuận về mạng lưới của ngân hàng thương mại

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chấp thuận việc ngân hàng thương mại thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể (trừ trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động) chi nhánh ở trong nước; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài; chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.

2. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét chấp thuận việc ngân hàng thương mại thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể (trừ trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động) phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước.

3. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét chấp thuận:

a) Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch;

b) Tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch;

c) Thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch.

4. Trong một số trường hợp cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét quyết định chấp thuận:

a) Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, phòng giao dịch ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại trên cơ sở trình tự, thủ tục theo quy định tại Thông tư này và phù hợp với điều kiện thực tế nhằm:

(i) Phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại giao và điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ;

(ii) Hỗ trợ ngân hàng thương mại tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.

b) Chuyển đổi phòng giao dịch thành chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại trên cơ sở hồ sơ, điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập chi nhánh ở trong nước quy định tại Thông tư này, phù hợp với điều kiện thực tế nhằm thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Các nội dung về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt trên cơ sở trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này.

Điều 5. Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ

1. Ngân hàng thương mại lập 01 bộ hồ sơ bằng tiếng Việt. Các tài liệu bằng tiếng Việt được nộp phải là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu; trong trường hợp người nộp hồ sơ nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính. Các bản dịch tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt phải được công chứng hoặc chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định của pháp luật.

2. Các văn bản của ngân hàng thương mại gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh) theo quy định tại Thông tư này phải do người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật của ngân hàng thương mại ủy quyền ký. Người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho người khác phải bằng văn bản ủy quyền được lập phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ của ngân hàng thương mại được gửi tới Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh bằng một trong những hình thức sau:

a) Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước đối với hồ sơ thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại Điều 19 Thông tư này, hồ sơ thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch quy định tại Điều 22 Thông tư này, hồ sơ tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch quy định tại Điều 29 Thông tư này;

b) Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh;

c) Gửi qua dịch vụ bưu chính.

4. Khi gửi hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ điện tử được sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Trường hợp hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước gặp sự cố hoặc có lỗi không thể tiếp nhận, trao đổi thông tin điện tử, việc khai, gửi, tiếp nhận, trả kết quả, trao đổi, phản hồi thông tin được thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.

5. Các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bản điện tử quét từ bản gốc, bản chính (tập tin định dạng PDF).

Chương II

THÀNH LẬP ĐƠN VỊ THUỘC MẠNG LƯỚI CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

Điều 6. Điều kiện thành lập chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại

Để được thành lập chi nhánh ở trong nước, ngân hàng thương mại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Đối với ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị:

a) Có giá trị thực của vốn điều lệ tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị không thấp hơn mức vốn pháp định. Giá trị thực của vốn điều lệ được xác định theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trên cơ sở báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán của năm trước liền kề năm đề nghị;

b) Hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán của năm trước liền kề năm đề nghị;

c) Tuân thủ các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng quy định tại các Điều 134, 135, 136, 137; khoản 1 Điều 138 và Điều 142 Luật Các tổ chức tín dụng và các hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đối với các quy định này liên tục trong thời gian 12 tháng trước tháng đề nghị;

d) Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động theo quy định của pháp luật tại quý trước liền kề thời điểm đề nghị;

đ) Có tỷ lệ nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc phân loại tài sản có tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị và tại ngày cuối cùng của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị không vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;

e) Tại thời điểm đề nghị, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát có số lượng và cơ cấu theo đúng quy định của pháp luật, không bị khuyết Tổng giám đốc;

g) Tại thời điểm đề nghị, ngân hàng thương mại có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ Điều 57, Điều 58 Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định có liên quan của pháp luật;

h) Không bị xử phạt vi phạm hành chính về tổ chức, quản trị, điều hành (trừ vi phạm quy định về quy định nội bộ); cấp tín dụng; tỷ lệ bảo đảm an toàn; phân loại tài sản có, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong thời hạn 12 tháng trở về trước tính từ thời điểm đề nghị;

i) Không thuộc đối tượng phải thực hiện biện pháp không được mở rộng mạng lưới;

k) Đáp ứng điều kiện về số lượng chi nhánh được phép thành lập theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư này;

l) Trường hợp đề nghị thành lập chi nhánh ở địa bàn không phải vùng nông thôn, ngân hàng thương mại phải được xếp hạng A, B theo kết quả xếp hạng được Ngân hàng Nhà nước thông báo gần nhất tại thời điểm đề nghị và tại thời điểm chấp thuận (trừ ngân hàng thương mại không thuộc đối tượng xếp hạng theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài);

m) Tại thời điểm đề nghị, các đơn vị thuộc mạng lưới ở trong nước của ngân hàng thương mại được chấp thuận thành lập trong năm trước liền kề năm đề nghị đã khai trương hoạt động.

2. Đối với ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động dưới 12 tháng tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị:

a) Có giá trị thực của vốn điều lệ tại tháng liền kề trước thời điểm đề nghị được xác định theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn không thấp hơn mức vốn pháp định;

b) Hoạt động kinh doanh có lãi đến tháng liền kề trước thời điểm đề nghị;

c) Tuân thủ các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng quy định tại các Điều 134, 135, 136, 137; khoản 1 Điều 138 và Điều 142 Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước liên tục từ ngày bắt đầu khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị;

d) Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động theo quy định của pháp luật tại quý trước liền kề thời điểm đề nghị; tỷ lệ nợ xấu theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc phân loại tài sản có tại ngày cuối cùng của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị không vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;

đ) Các quy định tại các điểm e, g, h, i, k, m khoản 1 Điều này.

Điều 7. Công thức xác định tổng số lượng chi nhánh, phòng giao dịch được thành lập

1. Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại được thành lập phải đảm bảo:

300 tỷ đồng x N1 + 100 tỷ đồng x M1 + 50 tỷ đồng x N2 + 20 tỷ đồng x M2 < C

Trong đó:

- C là giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng thương mại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 hoặc điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

- N1 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đang đề nghị thành lập tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội và khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh.

- N2 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đang đề nghị thành lập tại khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội, khu vực ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh; và các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.

- M1 là số lượng phòng giao dịch đã thành lập và đang đề nghị thành lập tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội và khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh.

- M2 là số lượng phòng giao dịch đã thành lập và đang đề nghị thành lập tại khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội, khu vực ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh; và các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.

2. Việc xác định địa điểm của chi nhánh, phòng giao dịch đã thành lập và đang đề nghị thành lập thuộc các khu vực quy định tại các điểm N1, N2, M1, M2 nêu tại khoản 1 Điều này được căn cứ vào khu vực địa giới hành chính tại thời điểm đề nghị và tại thời điểm chấp thuận.

Điều 8. Số lượng chi nhánh được thành lập

Ngoài đáp ứng yêu cầu về tổng số lượng chi nhánh quy định tại Điều 7 Thông tư này, ngân hàng thương mại phải đáp ứng yêu cầu sau đây:

1. Ngân hàng thương mại được thành lập tối đa 10 chi nhánh tại mỗi khu vực nội thành thành phố Hà Nội hoặc nội thành thành phố Hồ Chí Minh.

2. Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động dưới 12 tháng tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị được thành lập không quá 03 chi nhánh và các chi nhánh này không được thành lập trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong một năm tài chính.

3. Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị được thành lập không quá năm (05) chi nhánh và số chi nhánh tại vùng nông thôn chiếm ít nhất 50% tổng số chi nhánh được thành lập trong một năm tài chính.

4. Ngoài số lượng quy định tại khoản 3 Điều này, ngân hàng thương mại đã hoàn tất thủ tục tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội, khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh thì được thành lập tại các địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác số chi nhánh tương ứng với số chi nhánh đã chấm dứt hoạt động.

Điều 9. Điều kiện thành lập chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng con ở nước ngoài

Để được thành lập chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng con ở nước ngoài, ngân hàng thương mại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Các điều kiện quy định tại điểm a, c, d, đ, e, g, h, i, m khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

2. Được xếp hạng A, B theo kết quả xếp hạng do Ngân hàng Nhà nước thông báo gần nhất tại thời điểm đề nghị và tại thời điểm chấp thuận, trừ trường hợp không thuộc đối tượng xếp hạng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Có thời gian hoạt động tối thiểu là 03 năm tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị.

4. Có tổng tài sản Có đạt 100.000 tỷ Đồng Việt Nam trở lên theo báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán của năm trước liền kề năm đề nghị.

5. Hoạt động kinh doanh có lãi theo các báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán trong 03 năm trước liền kề năm đề nghị.

Điều 10. Điều kiện thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước và văn phòng đại diện ở nước ngoài

Để được thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước và văn phòng đại diện ở nước ngoài, ngân hàng thương mại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Có thời gian hoạt động tối thiểu là 12 tháng tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị.

2. Các điều kiện quy định tại các điểm e, g khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

3. Trường hợp thành lập văn phòng đại diện, ngoài việc đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, ngân hàng thương mại phải đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm h, i khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

Điều 11. Điều kiện thành lập phòng giao dịch

Để được thành lập phòng giao dịch, ngân hàng thương mại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Các điều kiện theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, m khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

2. Trường hợp đề nghị thành lập phòng giao dịch ở địa bàn không phải vùng nông thôn, ngân hàng thương mại phải được xếp hạng A, B theo kết quả xếp hạng do Ngân hàng Nhà nước thông báo gần nhất tại thời điểm đề nghị và tại thời điểm chấp thuận (trừ trường hợp không thuộc đối tượng xếp hạng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

3. Chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch phải đáp ứng các điều kiện:

a) Có thời gian hoạt động tối thiểu 12 tháng tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị;

b) Có tỷ lệ nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc phân loại tài sản có tại thời điểm 31 tháng 12 năm trước liền kề năm đề nghị và tại ngày cuối cùng của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị không vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;

c) Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bằng hình thức phạt tiền trong thời hạn 12 tháng trở về trước tính từ thời điểm đề nghị;

d) Có chênh lệch thu chi của năm trước liền kề năm đề nghị dương.

4. Đáp ứng yêu cầu về số lượng phòng giao dịch được thành lập theo quy định tại Điều 7 và Điều 12 Thông tư này.

Điều 12. Số lượng phòng giao dịch được thành lập

Ngoài đáp ứng yêu cầu về tổng số lượng phòng giao dịch quy định tại Điều 7 Thông tư này, ngân hàng thương mại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Số lượng phòng giao dịch của ngân hàng thương mại tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội, khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh không lớn hơn quá 02 lần số lượng chi nhánh hiện có của ngân hàng thương mại tại mỗi khu vực này và không quá 20 phòng giao dịch.

2. Số lượng phòng giao dịch của ngân hàng thương mại tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không lớn hơn quá 03 lần số lượng chi nhánh hiện có của ngân hàng thương mại tại tỉnh, thành phố đó.

3. Trường hợp có số lượng phòng giao dịch được thành lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành vượt quá số lượng quy định tại khoản 1, 2 Điều này hoặc có số lượng phòng giao dịch tại thời điểm đề nghị bằng số lượng quy định tại khoản 1, 2 Điều này, ngân hàng thương mại được thành lập thêm không quá 02 phòng giao dịch tại vùng nông thôn trên mỗi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này trong mỗi năm tài chính. Tổng số lượng phòng giao dịch được thành lập thêm theo quy định tại khoản này không vượt quá số lượng chi nhánh hiện có của ngân hàng thương mại trên mỗi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại thời điểm đề nghị thành lập.

4. Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị được thành lập không quá 10 phòng giao dịch và số lượng phòng giao dịch tại vùng nông thôn chiếm ít nhất 50% tổng số phòng giao dịch được thành lập trong một năm tài chính.

5. Số lượng phòng giao dịch được quản lý bởi 01 chi nhánh do ngân hàng thương mại tự quyết định phù hợp với năng lực quản lý của mỗi chi nhánh.

Điều 13. Hồ sơ đề nghị chấp thuận thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài

1. Văn bản của ngân hàng thương mại đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài theo mẫu tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Nghị quyết hoặc quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên về việc thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài.

Đối với việc thành lập phòng giao dịch, Nghị quyết hoặc quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên phải nêu rõ tên, địa điểm đặt trụ sở dự kiến (thông tin đến địa bàn cấp xã), chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch, các nghiệp vụ phòng giao dịch sẽ thực hiện, phạm vi hoạt động về mặt địa lý và đối tượng khách hàng chính.

3. Nghị quyết hoặc quyết định của Đại hội đồng cổ đông (đối với ngân hàng thương mại cổ phần); nghị quyết hoặc quyết định của Hội đồng thành viên (đối với ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên); ý kiến chấp thuận của chủ sở hữu (đối với ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên) thông qua việc thành lập ngân hàng con ở nước ngoài.

4. Đề án thành lập chi nhánh ở trong nước, trong đó phải có tối thiểu các nội dung sau:

a) Tên đầy đủ bằng tiếng Việt, tên viết tắt bằng tiếng Việt; địa điểm đặt trụ sở dự kiến (thông tin đến địa bàn cấp xã); nội dung hoạt động; đối tượng khách hàng chính;

b) Lý do thành lập và lý do lựa chọn địa bàn thành lập;

c) Cơ cấu tổ chức: sơ đồ tổ chức gồm các phòng ban của chi nhánh;

d) Nghiên cứu khả thi: phân tích môi trường kinh doanh, thị trường mục tiêu các cơ hội kinh doanh cần nắm bắt và kế hoạch chiếm lĩnh thị trường;

đ) Phương án kinh doanh dự kiến trong 03 năm đầu, trong đó tối thiểu bao gồm: dự kiến bảng cân đối, kế toán; báo cáo kết quả kinh doanh; căn cứ xây dựng phương án và thuyết minh khả năng thực hiện phương án trong từng năm.

5. Đề án thành lập chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng con ở nước ngoài, trong đó phải có tối thiểu các nội dung sau:

a) Tên đầy đủ bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài, tên viết tắt bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài (nếu có), hình thức pháp lý (đối với ngân hàng con ở nước ngoài);

b) Địa điểm (tên quốc gia và địa chỉ cụ thể (nếu có));

c) Mức vốn cấp cho chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng con ở nước ngoài;

d) Nội dung hoạt động; thời hạn hoạt động; đối tượng khách hàng chính;

đ) Lý do thành lập và lý do lựa chọn nước sở tại;

e) Cơ cấu tổ chức và mạng lưới: sơ đồ tổ chức gồm trụ sở chính, các phòng ban tại trụ sở chính; mạng lưới hoạt động của ngân hàng con ở nước ngoài (nếu có);

g) Thông tin pháp lý có liên quan: liệt kê các quy định có liên quan của nước sở tại về việc cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài thành lập và hoạt động chi nhánh, ngân hàng con ở nước sở tại đó (tên, số hiệu, ngày tháng của văn bản);

h) Nghiên cứu khả thi: phân tích môi trường kinh doanh, thị trường mục tiêu, các cơ hội kinh doanh cần nắm bắt và kế hoạch chiếm lĩnh thị trường;

i) Phương thức kiểm soát của ngân hàng thương mại đối với chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng con ở nước ngoài, trong đó cần nêu được tối thiểu các nội dung sau: phương thức (thuê ngoài hay tự thực hiện) và lý do lựa chọn phương thức; tổ chức thực hiện phương thức; chi phí ước tính thực hiện phương thức; khó khăn dự kiến và giải pháp;

k) Phương án kinh doanh dự kiến trong 03 năm đầu, trong đó tối thiểu bao gồm: dự kiến bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả kinh doanh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ (đối với ngân hàng con ở nước ngoài); căn cứ xây dựng phương án và thuyết minh khả năng thực hiện phương án trong từng năm;

l) Tác động và hiệu quả dự kiến của việc thành lập chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng con ở nước ngoài, các vấn đề (nếu có) về bảo đảm an toàn hoạt động đối với ngân hàng thương mại và các giải pháp; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và các giới hạn góp vốn mua, cổ phần của ngân hàng thương mại sau khi thành lập ngân hàng con ở nước ngoài;

m) Phương án và biện pháp xử lý của ngân hàng thương mại trong trường hợp chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng con ở nước ngoài có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân hàng thương mại;

n) Thông tin về thành viên sáng lập, cổ đông sáng lập (tên, địa chỉ); dự kiến số tiền góp vốn, tỷ lệ góp vốn, số cổ phần, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các thành viên sáng lập, cổ đông sáng lập ngân hàng connước ngoài.

6. Các văn bản khác chứng minh việc đáp ứng các điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài theo quy định tại Thông tư này.

Điều 14. Trình tự chấp thuận thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài

1. Ngân hàng thương mại gửi hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước một lần trước ngày 30 tháng 9 hàng năm, trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

2. Ngân hàng thương mại lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 13 Thông tư này gửi Ngân hàng Nhà nước (Bộ phận Một cửa). Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định tại khoản này, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi ngân hàng thương mại xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ không đầy đủ.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 13 Thông tư này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có văn bản gửi lấy ý kiến các đơn vị sau:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến đánh giá về sự cần thiết có thêm chi nhánh trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong trường hợp đề nghị mở chi nhánh ở trong nước);

b) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi ngân hàng thương mại dự kiến thành lập chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước có ý kiến đánh giá về sự cần thiết có thêm chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn cấp huyện nơi ngân hàng thương mại đề nghị thành lập chi nhánh, phòng giao dịch; có ý kiến về các địa bàn dự kiến mở chi nhánh, phòng giao dịch; và việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thông tư này đối với chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch trên địa bàn (trong trường hợp đề nghị thành lập phòng giao dịch).

4. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều này có ý kiến tham gia bằng văn bản về các nội dung được đề nghị.

5. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến tham gia của các đơn vị, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận việc ngân hàng thương mại đủ điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước. Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi ngân hàng thương mại nêu rõ lý do.

6. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 13 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận cho ngân hàng thương mại thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài; văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước. Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi ngân hàng thương mại nêu rõ lý do.

7. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận nêu tại khoản 5, 6 Điều này, ngân hàng thương mại phải khai trương hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước đã được chấp thuận thành lập. Quá thời hạn này mà ngân hàng thương mại không khai trương hoạt động, văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đương nhiên hết hiệu lực.

8. Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận nêu tại khoản 6 Điều này, ngân hàng thương mại phải khai trương hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài đã được chấp thuận thành lập. Quá thời hạn này mà ngân hàng thương mại không khai trương hoạt động, văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đương nhiên hết hiệu lực.

Chương III

KHAI TRƯƠNG HOẠT ĐỘNG, THAY ĐỔI TÊN, ĐỊA ĐIỂM CÁC ĐƠN VỊ THUỘC MẠNG LƯỚI CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI; THAY ĐỔI CHI NHÁNH QUẢN LÝ PHÒNG GIAO DỊCH, CHUYỂN ĐỔI CHI NHÁNH Ở TRONG NƯỚC THÀNH PHÒNG GIAO DỊCH

Điều 15. Khai trương hoạt động chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch

1. Yêu cầu khai trương hoạt động chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch:

a) Có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch; trụ sở, trừ trụ sở phòng giao dịch, phải đảm bảo lưu trữ chứng từ, thuận tiện và an toàn cho giao dịch, tài sản, có đầy đủ hệ thống đảm bảo an ninh, bảo vệ, hệ thống cấp điện, liên lạc duy trì liên tục, đáp ứng yêu cầu phòng, chống cháy nổ;

b) Trụ sở chi nhánh có kho tiền đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp ngân hàng thương mại có hơn một chi nhánh trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngân hàng thương mại phải có tối thiểu một chi nhánh có kho tiền theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và phải chịu trách nhiệm chuyển tiền của các chi nhánh không có kho tiền về chi nhánh có kho tiền sau khi kết thúc giờ giao dịch mỗi ngày làm việc;

c) Chi nhánh, phòng giao dịch có hệ thống công nghệ thông tin kết nối trực tuyến với trụ sở chính và phòng giao dịch kết nối trực tuyến với chi nhánh quản lý; đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu hoạt động liên tục, an toàn, bảo mật cho các hoạt động nghiệp vụ;

d) Chi nhánh, phòng giao dịch có đầy đủ nhân sự điều hành tối thiểu gồm Giám đốc chi nhánh, Giám đốc phòng giao dịch hoặc chức danh tương đương và đội ngũ nhân viên thực hiện nghiệp vụ tại phòng giao dịch, chi nhánh, trong đó Giám đốc chi nhánh, Giám đốc phòng giao dịch này không được kiêm nhiệm Giám đốc chi nhánh, Giám đốc phòng giao dịch khác và Giám đốc chi nhánh không được kiêm nhiệm Giám đốc phòng giao dịch;

đ) Giám đốc chi nhánh hoặc các chức danh tương đương (đối với trường hợp khai trương hoạt động chi nhánh) đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 41 Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Ngân hàng thương mại có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày dự kiến khai trương hoạt động chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch các nội dung sau:

a) Ngày dự kiến khai trương hoạt động và việc đáp ứng yêu cầu khai trương hoạt động chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch;

b) Thông tin về người đứng đầu, thông tin về tên, thông tin về địa chỉ của chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch.

3. Ngân hàng thương mại tiến hành khai trương hoạt động chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch sau khi đã đáp ứng yêu cầu tại khoản 1 Điều này, hoàn tất thủ tục pháp lý hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch theo quy định.

Điều 16. Khai trương hoạt động văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài

1. Ngân hàng thương mại quyết định việc khai trương hoạt động văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước và có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày khai trương hoạt động. Văn bản báo cáo khai trương hoạt động của văn phòng đại diện bao gồm thông tin về ngày dự kiến khai trương hoạt động; thông tin về người đứng đầu, thông tin về tên, thông tin về địa chỉ của văn phòng đại diện.

2. Ngân hàng thương mại tiến hành khai trương hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước ngoài; có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày khai trương hoạt động.

Điều 17. Thay đổi tên chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch

1. Ngân hàng thương mại quyết định việc thay đổi tên chi nhánh ở trong nước, thay đổi tên phòng giao dịch.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch hoạt động theo tên mới, ngân hàng thương mại có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch việc thay đổi thông tin về tên của chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Trường hợp thay đổi tên chi nhánh ở trong nước, thay đổi tên phòng giao dịch trước khi khai trương hoạt động, ngân hàng thương mại thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này.

Điều 18. Chuyển đổi chi nhánh ở trong nước thành phòng giao dịch

1. Ngân hàng thương mại quyết định việc chuyển đổi chi nhánh ở trong nước thành phòng giao dịch; có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở phòng giao dịch về việc chuyển đổi chi nhánh ở trong nước thành phòng giao dịch và chi nhánh quản lý phòng giao dịch trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định việc chuyển đổi và kể từ ngày hoàn tất các thủ tục đưa phòng giao dịch đi vào hoạt động.

2. Việc chuyển đổi chi nhánh ở trong nước thành phòng giao dịch không phải đáp ứng quy định tại khoản 1, 2 Điều 12 Thông tư này.

3. Ngân hàng thương mại chuyển đổi chi nhánh ở trong nước thành phòng giao dịch tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội, khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh không được thành lập thêm chi nhánh tại các khu vực này trong thời hạn 03 năm kể từ năm thực hiện việc chuyển đổi.

Điều 19. Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch

1. Ngân hàng thương mại được thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch trong phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ các quy định sau:

a) Ngân hàng thương mại không được thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch từ khu vực vùng nông thôn đến khu vực không phải vùng nông thôn. Việc xác định địa điểm của chi nhánh, phòng giao dịch thuộc vùng nông thôn căn cứ vào khu vực địa giới hành chính tại thời điểm đề nghị thay đổi địa điểm và tại thời điểm chấp thuận;

b) Ngân hàng thương mại không được phép thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch từ khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội hoặc khu vực ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác đến khu vực nội thành thành phố Hà Nội hoặc khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh.

2. Ngân hàng thương mại thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này;

b) Trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chi nhánh, phòng giao dịch phải có thời gian hoạt động tối thiểu 03 năm tính đến thời điểm đề nghị thay đổi địa điểm;

c) Trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở phòng giao dịch giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài điều kiện quy định tại điểm a, b khoản này, việc thay đổi phải đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều 12 và điều kiện đối với chi nhánh quản lý phòng giao dịch quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này.

3. Hồ sơ thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch:

a) Văn bản của ngân hàng thương mại đề nghị chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch; trong đó tối thiểu bao gồm các nội dung: tên, địa điểm hiện tại, địa điểm dự kiến chuyển đến, lý do thay đổi địa điểm, kế hoạch chuyển trụ sở để đảm bảo tính liên tục trong hoạt động, cam kết đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều này chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày dự kiến khai trương hoạt động tại địa điểm được chấp thuận;

b) Phương án giải quyết các tài sản, quyền, nghĩa vụ và các lợi ích liên quan (đối với trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương);

c) Trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở phòng giao dịch giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài hồ sơ quy định tại điểm a, b khoản này, ngân hàng thương mại gửi các văn bản sau:

(i) Văn bản đề nghị thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch, bao gồm tối thiểu các nội dung sau:

- Tên, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh đang quản lý và chi nhánh sẽ tiếp nhận quản lý phòng giao dịch;

- Tên, địa điểm hiện tại, địa điểm dự kiến đặt trụ sở phòng giao dịch đề nghị thay đổi chi nhánh quản lý.

(ii) Nghị quyết hoặc quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên thông qua việc thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch.

4. Trình tự chấp thuận đối với trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Ngân hàng thương mại lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch có văn bản (bao gồm cả văn bản dạng điện tử) gửi ngân hàng thương mại chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch; trường hợp không chấp thuận, văn bản gửi ngân hàng thương mại nêu rõ lý do.

5. Trình tự chấp thuận đối với trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Ngân hàng thương mại lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi dự kiến đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi dự kiến đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch có văn bản lấy ý kiến:

(i) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi chi nhánh, phòng giao dịch hiện đang đặt trụ sở về phương án giải quyết các tài sản, quyền, nghĩa vụ và các lợi ích liên quan và lý do thay đổi địa điểm;

(ii) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự kiến đặt trụ sở chi nhánh về sự cần thiết có thêm chi nhánh trên địa bàn trong trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi dự kiến đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch, Ngân hàng nhà nước chi nhánh nơi chi nhánh, phòng giao dịch hiện đang đặt trụ sở, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự kiến đặt trụ sở chi nhánh có ý kiến bằng văn bản về các nội dung được đề nghị;

d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ ý kiến tham gia của các đơn vị, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi ngân hàng thương mại dự kiến đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch có văn bản gửi ngân hàng thương mại chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch; trường hợp không chấp thuận, văn bản gửi ngân hàng thương mại nêu rõ lý do.

6. Ngân hàng thương mại có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quy định tại khoản 4 Điều này hoặc điểm d khoản 5 Điều này về việc đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều này chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày dự kiến hoạt động tại địa điểm được chấp thuận. Trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch trước khi khai trương hoạt động, ngân hàng thương mại thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này.

7. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản chấp thuận, chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại phải hoạt động tại địa điểm đã được chấp thuận. Quá thời hạn này mà ngân hàng thương mại không hoạt động theo địa điểm đã được chấp thuận, văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đương nhiên hết hiệu lực.

8. Trường hợp thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch nhưng không phát sinh thay đổi địa điểm, ngân hàng thương mại có văn bản thông báo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch về việc thay đổi thông tin về địa chỉ đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày thực hiện thay đổi.

Điều 20. Thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài

1. Ngân hàng thương mại quyết định việc thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài hoạt động theo tên, địa điểm đặt trụ sở mới, ngân hàng thương mại có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước về việc thay đổi này. Văn bản báo cáo về việc thay đổi tên, địa điểm của văn phòng đại diện bao gồm thông tin về tên, thông tin về địa chỉ của văn phòng đại diện.

Trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước khác địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngân hàng thương mại có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp trước đây và nơi đặt trụ sở văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp mới.

Điều 21. Thay đổi tên chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài trong trường hợp tổ chức lại ngân hàng thương mại

Việc thay đổi tên chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài trong trường hợp tổ chức lại ngân hàng thương mại thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về tổ chức lại tổ chức tín dụng.

Điều 22. Thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch

1. Điều kiện thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch, bao gồm cả thay đổi trước khi khai trương hoạt động phòng giao dịch

Chi nhánh dự kiến tiếp nhận quản lý phòng giao dịch phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này.

2. Hồ sơ

a) Văn bản của ngân hàng thương mại đề nghị thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch, bao gồm tối thiểu các nội dung sau:

(i) Lý do thay đổi;

(ii) Tên, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh đang quản lý và chi nhánh sẽ tiếp nhận quản lý phòng giao dịch;

(iii) Tên, địa điểm đặt trụ sở phòng giao dịch đề nghị thay đổi chi nhánh quản lý.

b) Nghị quyết hoặc quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên thông qua việc thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch.

3. Trình tự

a) Ngân hàng thương mại lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh;

b) Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh có văn bản (bao gồm cả văn bản dạng điện tử) hoặc trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của ngân hàng thương mại theo thẩm quyền quy định tại Điều 4 Thông tư này; trường hợp không chấp thuận, văn bản gửi ngân hàng thương mại nêu rõ lý do.

4. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có văn bản chấp thuận, ngân hàng thương mại phải hoàn tất các thủ tục thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch theo đúng quy định. Quá thời hạn này mà ngân hàng thương mại chưa hoàn tất các thủ tục thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch, văn bản chấp thuận quy định tại điểm b khoản 3 Điều này đương nhiên hết hiệu lực.

5. Trường hợp thay đổi chi nhánh quản lý do thay đổi phòng giao dịch giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.

Điều 23. Công bố thông tin về các nội dung thay đổi

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc trước ngày dự kiến khai trương hoạt động quy định tại Điều 15 Thông tư này hoặc trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh theo quy định tại các khoản 4, 5 Điều 19 Thông tư này, ngân hàng thương mại phải thực hiện công bố thông tin sau đây:

a) Số, ngày, nội dung chấp thuận tại văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về thành lập chi nhánh, phòng giao dịch hoặc/và thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch;

b) Tên, địa điểm, ngày dự kiến khai trương hoạt động hoặc tên, địa điểm cũ, địa điểm mới đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch và thông tin khác (nếu cần thiết).

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước quy định tại Điều 22 Thông tư này, ngân hàng thương mại phải công bố nội dung gồm số, ngày, nội dung chấp thuận tại văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện thay đổi theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 4, Điều 17, 18, khoản 8 Điều 19, 20, 21 Thông tư này, ngân hàng thương mại phải công bố quyết định của ngân hàng thương mại về các nội dung này.

4. Ngân hàng thương mại phải công bố các thông tin quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này trên trang thông tin điện tử của ngân hàng thương mại, trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch có liên quan của ngân hàng thương mại.

5. Ngân hàng thương mại phải gửi văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước (Vụ truyền thông) đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước, đăng tải trên 01 tờ báo in trong 03 số liên tiếp hoặc trên 01 báo điện tử của Việt Nam đối với các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước (Vụ Truyền Thông) thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

Chương IV

CHUYỂN ĐỔI HÌNH THỨC PHÁP LÝ NGÂN HÀNG CON Ở NƯỚC NGOÀI CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

Điều 24. Điều kiện chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài

Ngân hàng thương mại được chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài từ công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần và ngược lại; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và ngược lại khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Các điều kiện quy định tại các điểm e và g khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

2. Ngân hàng con của ngân hàng thương mại sau khi chuyển đổi hình thức pháp lý phải đảm bảo đáp ứng quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư này.

3. Trường hợp Ngân hàng thương mại tăng vốn tại ngân hàng con khi ngân hàng con chuyển đổi hình thức pháp lý, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, 2 Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Các điều kiện quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 1 Điều 6 Thông tư này;

b) Các điều kiện quy định tại các khoản 4, 5 Điều 9 Thông tư này.

Điều 25. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài

1. Văn bản của ngân hàng thương mại đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài.

2. Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (đối với ngân hàng thương mại cổ phần); nghị quyết của Hội đồng thành viên (đối với ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên); ý kiến chấp thuận của chủ sở hữu (đối với ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên) thông qua việc chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài.

3. Đề án chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài, trong đó phải có tối thiểu các nội dung sau:

a) Tên đầy đủ bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài, tên viết tắt bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài (nếu có);

b) Địa điểm (tên quốc gia và địa chỉ cụ thể);

c) Mức vốn đã cấp cho ngân hàng con ở nước ngoài;

d) Nội dung hoạt động; thời hạn hoạt động; đối tượng khách hàng chính;

đ) Lý do chuyển đổi hình thức pháp lý;

e) Mức vốn dự kiến cấp thêm hoặc mức vốn giảm tại ngân hàng con ở nước ngoài khi chuyển đổi hình thức pháp lý;

g) Cơ cấu tổ chức và mạng lưới của ngân hàng con ở nước ngoài sau khi chuyển đổi hình thức pháp lý: Sơ đồ tổ chức gồm trụ sở chính, các phòng ban tại trụ sở chính; mạng lưới hoạt động của ngân hàng con ở nước ngoài (nếu có);

h) Thông tin pháp lý có liên quan: liệt kê các quy định có liên quan của nước sở tại về việc cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước sở tại đó (tên, số hiệu, ngày tháng của văn bản);

i) Nghiên cứu khả thi: phân tích môi trường kinh doanh, thị trường mục tiêu, các cơ hội kinh doanh cần nắm bắt và kế hoạch chiếm lĩnh thị trường sau khi chuyển đổi hình thức pháp lý;

k) Phương thức kiểm soát của ngân hàng thương mại đối với ngân hàng con ở nước ngoài, trong đó cần nêu được tối thiểu các nội dung sau: phương thức (thuê ngoài hay tự thực hiện) và lý do lựa chọn phương thức; tổ chức thực hiện phương thức; chi phí ước tính thực hiện phương thức; khó khăn dự kiến và giải pháp;

l) Phương án kinh doanh dự kiến của ngân hàng con ở nước ngoài trong 03 năm đầu sau khi chuyển đổi hình thức pháp lý, trong đó tối thiểu bao gồm: dự kiến bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả kinh doanh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ; căn cứ xây dựng phương án và thuyết minh khả năng thực hiện phương án trong từng năm;

m) Tác động và hiệu quả dự kiến của việc chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài, các vấn đề (nếu có) về bảo đảm an toàn hoạt động đối với ngân hàng thương mại và các giải pháp; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và các giới hạn góp vốn mua, cổ phần của ngân hàng thương mại sau khi chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài;

n) Phương án và biện pháp xử lý của ngân hàng thương mại trong trường hợp ngân hàng con ở nước ngoài có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân hàng thương mại;

o) Thông tin thay đổi về thành viên góp vốn, cổ đông lớn; dự kiến số tiền góp vốn, tỷ lệ góp vốn, số cổ phần, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các thành viên góp vốn, cổ đông lớn của ngân hàng con ở nước ngoài khi chuyển đổi hình thức pháp lý.

4. Các văn bản khác chứng minh việc đáp ứng các điều kiện chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài theo quy định tại Điều 24 Thông tư này.

Điều 26. Trình tự chấp thuận đủ điều kiện chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài

1. Ngân hàng thương mại lập hồ sơ theo quy định tại Điều 25 Thông tư này gửi Ngân hàng Nhà nước (Bộ phận Một cửa).

2. Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 25 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận cho ngân hàng thương mại chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài; trường hợp không chấp thuận, văn bản gửi ngân hàng thương mại nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận quy định tại khoản 2 Điều này, ngân hàng thương mại phải hoàn tất các thủ tục chuyển đổi hình thức pháp lý. Quá thời hạn này mà ngân hàng thương mại chưa hoàn tất các thủ tục chuyển đổi hình thức pháp lý, văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đương nhiên hết hiệu lực.

Chương V

CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG, GIẢI THỂ CÁC ĐƠN VỊ THUỘC MẠNG LƯỚI CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

Điều 27. Chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại

1. Chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước chấm dứt hoạt động, giải thể trong các trường hợp sau:

a) Đương nhiên chấm dứt hoạt động, giải thể;

b) Tự nguyện chấm dứt hoạt động, giải thể;

c) Bắt buộc chấm dứt hoạt động, giải thể.

2. Chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại chấm dứt hoạt động, giải thể theo quy định pháp luật của nước sở tại nơi đặt trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài.

3. Ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm:

a) Giải quyết tài sản, quyền, nghĩa vụ và các lợi ích liên quan của chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài chấm dứt hoạt động, giải thể;

b) Lưu trữ chứng từ, tài liệu liên quan việc chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài;

c) Thực hiện các thủ tục pháp lý chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Đương nhiên chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài

1. Chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài đương nhiên chấm dứt hoạt động, giải thể trong trường hợp ngân hàng thương mại chấm dứt hoạt động, giải thể.

2. Thủ tục đương nhiên chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về chấm dứt hoạt động, giải thể ngân hàng thương mại.

Điều 29. Tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước

1. Hồ sơ tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước:

a) Văn bản của ngân hàng thương mại đề nghị chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch trong đó nêu rõ lý do chấm dứt hoạt động;

b) Nghị quyết hoặc quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên của ngân hàng thương mại về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch;

c) Phương án giải quyết các tài sản, quyền, nghĩa vụ và các lợi ích liên quan của chi nhánh, phòng giao dịch chấm dứt hoạt động.

2. Trình tự tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh ở trong nước:

a) Ngân hàng thương mại lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Ngân hàng nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh;

b) Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh có văn bản (bao gồm cả văn bản dạng điện tử) chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của ngân hàng thương mại; trường hợp không chấp thuận, văn bản gửi ngân hàng thương mại nêu rõ lý do.

3. Trình tự tự nguyện chấm dứt hoạt động phòng giao dịch:

a) Ngân hàng thương mại lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Ngân hàng nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở phòng giao dịch;

b) Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở phòng giao dịch có văn bản (bao gồm cả văn bản dạng điện tử) chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của ngân hàng thương mại; trường hợp không chấp thuận, văn bản gửi ngân hàng thương mại nêu rõ lý do.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này, ngân hàng thương mại phải tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật để chấm dứt hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch; có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch về ngày chấm dứt hoạt động.

5. Đối với việc tự nguyện chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, ngân hàng thương mại phải có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, trong đó nêu rõ lý do, ngày chấm dứt hoạt động.

Điều 30. Bắt buộc chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền bắt buộc chấm dứt hoạt động chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại.

2. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng có thẩm quyền bắt buộc chấm dứt hoạt động phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước của ngân hàng thương mại.

3. Chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước của ngân hàng thương mại bị xem xét chấm dứt hoạt động khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có bằng chứng chứng minh hồ sơ đề nghị thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp có thông tin sai sự thật dẫn đến việc đánh giá sai lệch việc đáp ứng điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại;

b) Hoạt động không đúng nội dung hoạt động được phép theo quy định của pháp luật

4. Chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại bị bắt buộc chấm dứt hoạt động trong trường hợp chi nhánh có chênh lệch thu chi trong 03 năm liên tiếp âm, trừ các trường hợp sau:

a) Trụ sở chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại thành lập tại vùng nông thôn;

b) Chi nhánh mới đi vào hoạt động trong 03 năm đầu.

5. Chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại bị bắt buộc chấm dứt hoạt động trong trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chấp thuận bằng văn bản.

6. Căn cứ các trường hợp quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại có văn bản nêu rõ lý do gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) đề nghị chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại.

7. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh theo quy định tại khoản 6 Điều này hoặc trong quá trình thanh tra, giám sát phát hiện các trường hợp quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có văn bản hoặc trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu ngân hàng thương mại chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp.

8. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản theo quy định tại khoản 7 Điều này, ngân hàng thương mại phải hoàn tất việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp; có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ngày chấm dứt hoạt động.

Điều 31. Chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài

1. Ngân hàng thương mại thực hiện chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước sở tại và các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam.

2. Tối thiểu 14 ngày làm việc trước ngày chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài, ngân hàng thương mại phải có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), trong đó nêu rõ lý do và thời điểm chấm dứt hoạt động, giải thể.

Điều 32. Công bố thông tin

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con nước ngoài (trừ trường hợp đương nhiên chấm dứt hoạt động, giải thể theo Điều 28 Thông tư này) ngân hàng thương mại phải thực hiện công bố và niêm yết công khai việc chấm dứt hoạt động giải thể trên trang thông tin điện tử, tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh quản lý phòng giao dịch (đối với việc chấm dứt phòng giao dịch) của ngân hàng thương mại, đăng báo Trung ương và địa phương tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp đặt trụ sở. Nội dung công bố, niêm yết công khai tối thiểu bao gồm:

1. Tên, địa chỉ của chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con nước ngoài chấm dứt hoạt động, giải thể.

2. Thời điểm chấm dứt hoạt động, giải thể.

3.Trách nhiệm của ngân hàng thương mại về tài sản, quyền, nghĩa vụ và các lợi ích liên quan của chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con nước ngoài chấm dứt hoạt động, giải thể.

Chương VI

THÔNG BÁO CHO CƠ QUAN ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Điều 33. Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh để thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ngân hàng thương mại quyết định thay đổi người đứng đầu chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, ngân hàng thương mại có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch, văn phòng đại diện việc thay đổi thông tin về người đứng đầu.

Điều 34. Thông báo thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của ngân hàng thương mại quy định tại khoản 2 Điều 15 và khoản 1 Điều 16 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản thông tin về người đứng đầu, thông tin về tên, thông tin về địa chỉ của chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện kèm theo văn bản chấp thuận thành lập, thay đổi địa điểm đặt trụ sở của chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch, văn phòng đại diện (nếu có) cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của ngân hàng thương mại quy định tại các khoản 6, 8 Điều 19 và khoản 2 Điều 20 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản việc thay đổi thông tin về địa chỉ của chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện kèm theo văn bản chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của ngân hàng thương mại quy định tại khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 20, Điều 33 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản việc thay đổi thông tin về người đứng đầu, thông tin về tên của chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của ngân hàng thương mại quy định tại khoản 4, 5 Điều 29 và khoản 8 Điều 30 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm theo báo cáo của ngân hàng thương mại cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 35. Trách nhiệm của ngân hàng thương mại

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ và trung thực của thông tin cung cấp tại hồ sơ.

2. Có kế hoạch phát triển chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài trình cấp có thẩm quyền của ngân hàng thông qua hằng năm.

3. Định kỳ 6 tháng, hằng năm lập báo cáo theo Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Báo cáo được lập thành báo cáo điện tử gửi qua hệ thống báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

4. Thực hiện việc công bố thông tin theo quy định tại Thông tư này.

5. Chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch; báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch việc xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến tổ chức, hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn.

6. Quản lý, giám sát thường xuyên hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch.

7. Thực hiện các nội dung khác quy định tại Thông tư này.

Điều 36. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi ngân hàng thương mại đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp

1. Chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện các vấn đề theo thẩm quyền được quy định tại Thông tư này.

2. Tiếp nhận hồ sơ, chấp thuận hoặc không chấp thuận đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quy định tại Điều 4 Thông tư này.

3. Quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch, đơn vị sự nghiệp, văn phòng đại diện của ngân hàng thương mại trên địa bàn, trong đó bao gồm cả thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc trong trường hợp xét thấy cần thiết việc đáp ứng các yêu cầu khai trương hoạt động, thay đổi địa điểm của chi nhánh, phòng giao dịch sau khi ngân hàng thương mại khai trương hoạt động, thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch.

5. Có văn bản báo cáo và đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 30 Thông tư này.

4. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi ngân hàng thương mại dự kiến đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch quy định tại khoản 5 Điều 19 Thông tư này thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh hiện đang đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch việc chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch giữa các địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 37. Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

1. Chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện các vấn đề theo thẩm quyền được quy định tại Thông tư này.

2. Đầu mối tiếp nhận, xem xét và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoặc không chấp thuận theo quy định tại Điều 14, Điều 26 và Điều 30 Thông tư này đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tại Điều 4 Thông tư này.

3. Tiếp nhận hồ sơ, chấp thuận hoặc không chấp thuận theo quy định tại Điều 14, Điều 30 Thông tư này đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng quy định tại Điều 4 Thông tư này.

4. Là đầu mối xem xét, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến việc thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.

5. Cung cấp văn bản chấp thuận thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện quy định tại Điều 14 Thông tư này cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi ngân hàng thương mại dự kiến đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện để thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

6. Tổng hợp báo cáo của các đơn vị theo quy định tại Thông tư này.

Điều 38. Trách nhiệm của các Vụ, Cục có liên quan trong Ngân hàng Nhà nước

Các Vụ, Cục khác trong Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tham gia ý kiến về vấn đề liên quan khi có chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở đề xuất của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 39. Quy định chuyển tiếp

1. Các ngân hàng thương mại không phải điều chỉnh số lượng chi nhánh, phòng giao dịch đã thành lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Trường hợp thành lập mới đơn vị mạng lưới thì phải tuân thủ các quy định tại Thông tư này (trừ quy định tại khoản 3 Điều này).

2. Chi nhánh, phòng giao dịch chưa đáp ứng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 15 Thông tư này phải có biện pháp đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư này trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Các ngân hàng thương mại đã có văn bản đề nghị chấp thuận đủ điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước; chấp thuận thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước, chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài gửi Ngân hàng Nhà nước trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được xử lý theo quy định tại Thông tư số 21/2013/TT-NHNN ngày 09/09/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại (đã được sửa đổi, bổ sung).

Điều 40. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2024.

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các văn bản, quy định sau đây hết hiệu lực thi hành:

a) Thông tư số 21/2013/TT-NHNN ngày 09/09/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại;

b) Thông tư số 01/2022/TT-NHNN ngày 28/01/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2013/TT-NHNN ngày 09 tháng 9 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại;

c) Điều 13 Thông tư số 29/2015/TT-NHNN ngày 22/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về thành phần hồ sơ có bản sao chứng thực giấy tờ, văn bản;

d) Điều 2 Thông tư số 17/2018/TT-NHNN ngày 14/08/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về việc cấp Giấy phép, mạng lưới hoạt động và hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

đ) Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 14/2019/TT-NHNN ngày 30/08/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 41. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng thương mại có trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nơi nhận:

- Như Điều 41;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo;
- Lưu: VP, Vụ PC, TTGSNH6 (03 bản).

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đoàn Thái Sơn

Phụ lục số 01

(Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2024/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2024 quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại)

TÊN NGÂN HÀNG
THƯƠNG MẠI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số : ………..

……., ngày … tháng … năm ……

VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ CHẤP THUẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CHI NHÁNH, PHÒNG GIAO DỊCH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP Ở TRONG NƯỚC, CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, NGÂN HÀNG CON Ở NƯỚC NGOÀI CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngân hàng thương mại... đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đủ điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài như sau:

I. Danh sách đề nghị

1. Mạng lưới hoạt động ở trong nước:

1.1. Thành lập chi nhánh:

1.1.1. Tên chi nhánh

a) Tên đầy đủ bằng tiếng Việt

b) Tên viết tắt bằng tiếng Việt (nếu có)

c) Tên đầy đủ bằng tiếng Anh (nếu có)

d) Tên viết tắt bằng tiếng Anh (nếu có)

1.1.2. Địa điểm dự kiến đặt trụ sở chi nhánh (xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh/thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương)

1.1.3. Chi nhánh thuộc/ không thuộc vùng nông thôn.

1.2. Thành lập phòng giao dịch

Tên phòng giao dịch đề nghị thành lập

Địa điểm dự kiến
(xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/ thành phố thuộc tỉnh/thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương)

Tên, địa điểm đặt trụ sở
chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch

Địa điểm tại vùng nông thôn

Địa điểm khác

a) Tên đầy đủ bằng tiếng Việt

b) Tên viết tắt bằng tiếng Việt (nếu có)

c) Tên đầy đủ bằng tiếng Anh (nếu có)

d) Tên viết tắt bằng tiếng Anh (nếu có).

1.3. Thành lập đơn vị sự nghiệp, văn phòng đại diện:

1.3.1. Tên đơn vị sự nghiệp, văn phòng đại diện;

1.3.2. Địa điểm đặt trụ sở đơn vị sự nghiệp, văn phòng đại diện.

2. Mạng lưới hoạt động ở nước ngoài:

2.1. Thành lập chi nhánh:

2.1.1. Tên chi nhánh

a) Tên đầy đủ bằng tiếng Việt

b) Tên viết tắt bằng tiếng Việt (nếu có)

c) Tên đầy đủ bằng tiếng Anh (nếu có)

d) Tên viết tắt bằng tiếng Anh (nếu có).

2.1.2. Địa điểm đặt trụ sở chi nhánh.

2.1.3. Vốn cấp cho chi nhánh (dự kiến).

2.2. Thành lập ngân hàng con ở nước ngoài:

2.2.1. Tên ngân hàng con

a) Tên đầy đủ bằng tiếng Việt

b) Tên viết tắt bằng tiếng Việt (nếu có)

c) Tên đầy đủ bằng tiếng Anh (nếu có)

d) Tên viết tắt bằng tiếng Anh (nếu có).

2.2.2. Địa điểm đặt trụ sở ngân hàng con.

2.2.3. Vốn thành lập ngân hàng con (dự kiến).

2.2.4. Thành viên sáng lập, cổ đông sáng lập ngân hàng con (tên, địa chỉ); dự kiến số tiền góp vốn, tỷ lệ góp vốn, số cổ phần, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các thành viên sáng lập, cổ đông sáng lập ngân hàng con ở nước ngoài.

2.3. Thành lập văn phòng đại diện:

2.3.1. Tên văn phòng đại diện;

2.3.2. Địa điểm đặt trụ sở văn phòng đại diện.

II. Đánh giá việc ngân hàng thương mại đáp ứng từng điều kiện để được thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước và chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài theo quy định

1. Đối với ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động dưới 12 tháng tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị:

1.1. Giá trị thực của vốn điều lệ tại tháng liền kề trước thời điểm đề nghị: ..................

1.2. Hoạt động kinh doanh có lãi đến tháng liền kề trước thời điểm đề nghị: .................

1.3. Phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro tại quý trước liền kề thời điểm đề nghị; tỷ lệ nợ xấu tại ngày cuối cùng của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị:

- Dự phòng chung phải trích: ..............................................

- Dự phòng chung thực trích: ..............................................

- Dự phòng cụ thể phải trích: ..............................................

- Dự phòng cụ thể thực trích: ..............................................

- Tỷ lệ nợ xấu (%):

1.4. Tuân thủ các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng quy định tại Điều 134, 135, 136, 137; khoản 1 Điều 138 và Điều 142 Luật Các tổ chức tín dụng và các hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đối với các quy định này liên tục từ ngày bắt đầu khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị.

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

1.5. Tại thời điểm đề nghị, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại có số lượng và cơ cấu theo đúng quy định của pháp luật, không bị khuyết Tổng giám đốc.

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

- Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên:

STT

Họ và tên

Đại diện vốn góp (tên tổ chức, tỷ lệ vốn góp/vốn điều lệ)

Chức danh (Chủ tịch, thành viên, thành viên độc lập)

Thành viên là người điều hành
(có/không)

Tên người có liên quan tham gia Hội đồng quản trị của TCTD

1.

2.

- Ban kiểm soát

STT

Họ và tên

Chức danh (Trưởng ban, thành viên, thành viên chuyên trách)

1.

2.

- Họ và tên Tổng giám đốc:...

1.6. Tại thời điểm đề nghị, ngân hàng thương mại có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ Điều 57, Điều 58 Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định có liên quan của pháp luật.

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

1.7. Không bị xử phạt vi phạm hành chính về tổ chức, quản trị, điều hành (trừ vi phạm quy định về quy định nội bộ); cấp tín dụng; tỷ lệ bảo đảm an toàn; phân loại tài sản có, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong thời hạn 12 tháng trở về trước tính từ thời điểm đề nghị;

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

1.8. Không thuộc đối tượng phải thực hiện biện pháp không được mở rộng mạng lưới;

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

1.9. Đáp ứng điều kiện về số lượng chi nhánh được phép thành lập theo quy định tại Thông tư:

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

1.10. Tại thời điểm đề nghị, các đơn vị thuộc mạng lưới ở trong nước được chấp thuận thành lập trong năm trước liền kề năm đề nghị đã khai trương hoạt động

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

2. Đối với ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị

2.1. Giá trị thực của vốn điều lệ tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị:

2.2. Lợi nhuận sau thuế năm 202...:

Theo báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán: .............. tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ có kiểm toán: ........ tỷ đồng

2.3. Tuân thủ các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng quy định tại Điều 134, 135, 136, 137; khoản 1 Điều 138 và Điều 142 Luật Các tổ chức tín dụng và các hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đối với các quy định này liên tục trong trong thời gian 12 tháng trước tháng đề nghị.

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

2.4. Phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro tại quý trước liền kề thời điểm đề nghị; tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31 tháng 12 năm trước liền kề năm đề nghị và tại ngày cuối cùng của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị:

- Dự phòng chung phải trích: ..............................................

- Dự phòng chung thực trích: ..............................................

- Dự phòng cụ thể phải trích: ..............................................

- Dự phòng cụ thể thực trích: ..............................................

- Tỷ lệ nợ xấu (%):

2.5. Tại thời điểm đề nghị, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại có số lượng và cơ cấu theo đúng quy định của pháp luật, không bị khuyết Tổng giám đốc.

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

- Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên:

STT

Họ và tên

Đại diện vốn góp (tên tổ chức, tỷ lệ vốn góp/vốn điều lệ)

Chức danh (Chủ tịch, thành viên, thành viên độc lập)

Thành viên là người điều hành (có/không)

Tên người có liên quan tham gia Hội đồng quản trị của TCTD

1.

2.

- Ban kiểm soát

STT

Họ và tên

Chức danh (Trưởng ban, thành viên, thành viên chuyên trách)

3.

4.

- Họ và tên Tổng giám đốc:...

2.6. Tại thời điểm đề nghị, ngân hàng thương mại có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ Điều 57, Điều 58 Luật các tổ chức tín dụng và các quy định có liên quan của pháp luật.

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

2.7. Không bị xử phạt vi phạm hành chính về tổ chức, quản trị, điều hành (trừ vi phạm quy định về quy định nội bộ); cấp tín dụng; tỷ lệ bảo đảm an toàn; phân loại tài sản có, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong thời hạn 12 tháng trở về trước tính từ thời điểm đề nghị;

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

2.8. Không thuộc đối tượng phải thực hiện biện pháp không được mở rộng mạng lưới;

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

2.9. Đáp ứng điều kiện về số lượng chi nhánh, phòng giao dịch được phép thành lập theo quy định tại Thông tư:

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

2.10. Kết quả xếp hạng đã được Ngân hàng Nhà nước thông báo gần nhất tại thời điểm đề nghị: ....

2.11. Tại thời điểm đề nghị, các đơn vị thuộc mạng lưới ở trong nước được chấp thuận thành lập trong năm trước liền kề năm đề nghị đã khai trương hoạt động

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

2.12. Điều kiện bổ sung đối với việc thành lập chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng con ở nước ngoài:

i) Có thời gian hoạt động tối thiểu là ba (03) năm tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị:

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

ii) Có tổng tài sản Có đạt 100.000 tỷ Đồng Việt Nam trở lên theo báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán của năm trước liền kề năm đề nghị.

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

iii) Hoạt động kinh doanh có lãi theo các báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán trong 03 năm trước liền kề năm đề nghị:

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

3. Đối với trường hợp thành lập phòng giao dịch:

STT

Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch hiện có tại địa bàn đề nghị thành lập phòng giao dịch

Thông tin liên quan đến chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch

Chi nhánh

Phòng giao dịch

Tên và địa chỉ chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch

Số lượng phòng giao dịch chi nhánh đang quản lý

Thời gian hoạt động (tháng)

Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31 tháng 12 năm trước liền kề năm đề nghị và tại ngày cuối cùng của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị (%)

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bằng hình thức phạt tiền trong thời hạn 12 tháng trở về trước tính từ thời điểm đề nghị (có/không)

Chênh lệch thu chi của năm trước liền kề năm đề nghị

1

2

.

a. Đảm bảo □ b. Không đảm bảo □

4. Người đại diện hợp pháp của ngân hàng thương mại cam kết: chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin cung cấp tại văn bản này./.

Đính kèm hồ sơ
(Ghi danh mục tài liệu đính kèm)

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
(Ký tên và đóng dấu)

Phụ lục số 02

(Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2024/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2024 quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại)

TÊN NGÂN HÀNG
THƯƠNG MẠI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------------

……., ngày … tháng … năm ……

BÁO CÁO TÌNH HÌNH CHI NHÁNH, PHÒNG GIAO DỊCH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP Ở TRONG NƯỚC; CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, NGÂN HÀNG CON Ở NƯỚC NGOÀI

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng)

Bảng 1: Báo cáo tình hình chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước

Nội dung báo cáo

Tại thành phố Hà Nội

Tại thành phố Hồ Chí Minh

Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngoài địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Tổng cộng

Khu vực nội thành

Khu vực ngoại thành

Khu vực nội thành

Khu vực ngoại thành

Vùng nông thôn

Khu vực khác

Vùng nông thôn

Khu vực khác

Vùng nông thôn

Khu vực khác

1. Số lượng tính đến 31/12, và 30/6 hằng năm

Chi nhánh

Phòng giao dịch

Văn phòng đại diện

Đơn vị sự nghiệp

2. Số phát sinh tăng trong kỳ báo cáo (bao gồm các đơn vị đã được chấp thuận thành lập nhưng chưa khai trương hoạt động)

Chi nhánh được chấp thuận thành lập mới

Chi nhánh được chuyển đổi từ phòng giao dịch

Phòng giao dịch được chấp thuận thành lập mới

Phòng giao dịch được chuyển đổi từ chi nhánh

Văn phòng đại diện

Đơn vị sự nghiệp

3. Số phát sinh giảm trong kỳ báo cáo (chấm dứt hoạt động, chuyển đổi)

Chi nhánh

Phòng giao dịch

Văn phòng đại diện

Đơn vị sự nghiệp

4. Tình hình hoạt động các chi nhánh

Số chi nhánh có chênh lệch thu chi dương

Số chi nhánh có chênh lệch thu chi âm

Số chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu vượt quá 3%

Số chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%

Số chi nhánh bị xử phạt vi phạm hành chính

Bảng 2: Báo cáo về tình hình chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài

Loại hình

Tên

Địa chỉ

Vốn cấp/vốn thành lập

Tình hình hoạt động (Báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động)

Bằng VND

Bằng tiền tệ nước sở tại

1. Chi nhánh

Các hiện diện thương mại ở nước ngoài trực thuộc chi nhánh

2. Văn phòng đại diện

Bảng 3: Báo cáo về tình hình ngân hàng con ở nước ngoài và việc chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài

Loại hình

Tên

Địa chỉ

Vốn cấp/vốn thành lập/số cổ phần

Tình hình hoạt động (Báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động và chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài)

Vốn góp/số cổ phần

Tỷ lệ vốn góp/tỷ lệ sở hữu cổ phần

Bằng VND

Bằng tiền tệ nước sở tại

Ngân hàng con ở nước ngoài

Mạng lưới hoạt động của ngân hàng con ở nước ngoài

1. Thời hạn gửi báo cáo:

a) Báo cáo 6 tháng đầu năm: chậm nhất ngày 31 tháng 7 hằng năm.

b) Báo cáo năm: chậm nhất ngày 31 tháng 01 năm liền kề sau năm báo cáo.

2. Thời gian chốt số liệu báo cáo của từng kỳ báo cáo tương ứng với kỳ kế toán theo quy định tại Luật kế toán.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA
NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

(Ký tên và đóng dấu)

STATE BANK OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 32/2024/TT-NHNN

Hanoi, June 30, 2024

 

CIRCULAR

OPERATIONAL NETWORK OF COMMERCIAL BANKS

Pursuant to the Law on the State Bank of Vietnam dated June 16, 2010;

Pursuant to the Law on Credit Institutions dated January 18, 2024;  

Pursuant to the Law on Enterprises dated June 17, 2020;

Pursuant to Decree No. 102/2022/ND-CP dated December 12, 2022 of the Government of Vietnam on functions, tasks, entitlements, and organizational structure of the State Bank of Vietnam;

At the Chief Inspector of the Banking Inspection and Supervision Agency;

The Governor of the State Bank of Vietnam hereby promulgates a Circular on the operational network of commercial banks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

1. This Circular provides for the operational network of commercial banks, including:

a) Establishment, opening of operations, name change, relocation, termination of operation, dissolution of branches, transaction offices, representative offices, and public service providers in Vietnam; branches, representative offices, and subsidiary banks in foreign countries;

b) Change of supervisory branches of transaction offices;

c) Conversion of domestic branches into transaction offices and vice versa;

d) Conversion of legal forms of overseas subsidiary banks of commercial banks.

2. This Circular stipulates the provision of notices on information on the establishment, relocation, dissolution, and termination of the operations of branches, transaction offices, and representative offices in Vietnam and relevant information for business registration agencies.

3. The operational network of Lien Viet Joint Stock Commercial Bank shall comply with this Circular and the regulations of the State Bank of Vietnam on postal transaction offices affiliated with Lien Viet Joint Stock Commercial Bank.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Commercial banks.

2. Organizations and individuals relevant to the operational network of commercial banks. 

Article 3. Interpretation of terms

For the purpose of this Circular, the following terms shall be construed as follows:

1. Operational network of commercial banks includes domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks of commercial banks as prescribed by the law.

2. Branch refers to a dependent unit of a commercial bank, which performs dependent accounting and has seals and tasks of implementing one or several functions of commercial banks according to the assignments of the commercial bank in conformity with the law.

3. Transaction office refers to a type of branch managed by another domestic branch of a commercial bank, which performs accounting under the form of recording in accounting books, has seals, and is located in a province or centrally affiliated city where the supervisory branch is located.  The transaction office shall not:

a) Approve or decide on the credit extension for a client exceeding two (2) billion VND or an amount of foreign currency with equal value after conversion, unless the credit extension is guaranteed by money, savings cards, security instruments issued by the commercial bank, government bonds, or state cash vault bills;

b) Provide international money transfer or payment services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Representative office refers to a dependent unit of a commercial bank, which has seals and performs the representative function under the authorization of the commercial bank.  The representative office shall not engage in business operations.

6. Public service provider refers to a dependent unit of a commercial bank, which has seals and performs one or several business operation support activities of the commercial bank, including:

a) Researching and applying banking technologies to commercial banks;

b) Providing professional and technical training and advanced training for officials and employees of commercial banks;

c) Performing as contact offices and researching the market;

d) Storing databases and collecting and processing information used for business operations of commercial banks;

dd) Performing other activities for business operation support of commercial banks in conformity with the law.

7. Overseas subsidiary bank of a commercial bank (hereinafter referred to as "overseas subsidiary bank") refers to a bank in which a commercial bank or a commercial bank and relevant persons of the commercial bank own more than 50% of its charter capital or more than 50% of its equity capital with voting rights, established abroad under foreign laws.

8. Time of request is the date prescribed in the written request for the establishment of a domestic branch, transaction office, representative office, or public service provider; an overseas branch, representative office, or subsidiary bank of a commercial bank.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. Suburban areas of Hanoi City and Ho Chi Minh City include other areas of Hanoi City and Ho Chi Minh City not prescribed in Clause 9 of this Article.

11. Rural areas are administrative boundary areas, excluding areas of wards of district-level towns, districts, and cities.

12. Heads are directors of branches, directors of transaction offices or equivalents, and heads of representative offices.

13. Information on heads includes full names, sex, date of birth, ethnicity, nationality, type of legal documents of individuals, number of legal documents of individuals, issuance date, issuance place, permanent address, and contact address.

14. Information on names includes names, names in foreign languages, and abbreviated names.

15. Information on addresses includes addresses, phone numbers, fax numbers, emails, and websites.

Article 4. Authority to approve network of commercial banks

1. The Governor of the State Bank of Vietnam (SBV) shall consider approving commercial banks’ establishment, termination, and dissolution of domestic branches (excluding cases of voluntary termination), establishment of overseas branches, representative offices, and subsidiary banks, and conversion of legal forms of overseas subsidiary banks.

2. The Chief Inspector of the Banking Inspection and Supervision Agency shall consider approving commercial banks’ establishment, termination, and dissolution of domestic transaction offices, representative offices, and public service providers (excluding cases of voluntary termination).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Relocation of branches and transaction offices;

b) Voluntary termination of operations of branches and transaction offices;

c) Change of supervisory branches of transaction offices.

4. In specific cases, the Governor of SBV shall consider approving:

a) The establishment of domestic branches, representative offices, public service providers, and transaction offices; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks of commercial banks based on the procedures prescribed in this Circular in conformity with actual conditions to:

(i) Serve the objectives of socio-economic development, politics, security, national defense, foreign affairs, and monetary policy management in each period;

(ii) Assist commercial banks in resolving people’s credit funds under special control;

b) Conversion of transaction offices into domestic branches of commercial banks based on applications, conditions, and procedures for the establishment of domestic branches prescribed hereof in conformity with actual conditions to implement schemes for restructuring of credit institutions approved by competent authorities;

c) Contents concerning the operational network of commercial banks under special control according to the restructuring schemes approved based on the procedures prescribed hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A commercial bank shall formulate an application in Vietnamese. Submitted documents in Vietnamese shall be copies of the originals or certified copies or copies enclosed with the originals for comparison; in cases where the applicant submits copies enclosed with the originals for comparison, the applicant shall confirm the accuracy of copies compared to the originals.  Vietnamese translations of documents in foreign languages shall bear the authenticated or certified signatures of the translators as prescribed by the law. 

2. Documents submitted to SBV or an SBV branches in a province or centrally affiliated city by a commercial bank under this Circular shall bear the signature of the legal representative or the person authorized by the legal representative of the commercial bank.  Where a legal representative wishes to authorize another person, the authorization must be made through a power of attorney formulated in compliance with the law.

3. The application of the commercial bank shall be submitted to SBV or an SBV branch under one of the following forms:

a) Online submission through the National Public Service Portal or the Public Service Portal of SBV regarding an application for relocation of branches or transaction offices in a province or centrally affiliated city according to Article 19 of this Circular, an application for change of supervisory branches of transaction offices according to Article 22 of this Circular, and an application for voluntary termination of branches or transaction offices according to Article 29 of this Circular;

b) In-person submission at the Single-Window Department of SBV or the SBV branch;

c) Submission via postal services.

4. When submitting the application through the National Public Service Portal or the Public Service Portal of SBV, the e-application may use digital signatures according to the law on the implementation of online administrative procedures.

Where the National Public Service Portal or the Public Service Portal of SBV encounters problems or errors, leading to the inability to receive or exchange electronic information, the declaration, submission, receipt, result return, exchange, and information feedback shall be carried out through postal services or in person at the Single-Window Department of the SBV branch. 

5. Documents in an e-application shall be electronic copies scanned from the originals (under PDF format).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



ESTABLISHMENT OF UNITS OF OPERATIONAL NETWORK OF COMMERCIAL BANKS

Article 6. Conditions for establishment of domestic branches of commercial banks

A commercial bank shall meet the following conditions to establish domestic branches:

1. Regarding a commercial bank operating for 12 months or more from its opening date to the time of request:

a) The real value of its charter capital on December 31 of the year preceding the requesting year is not lower than the legal capital. The real value of the charter capital shall be determined under the regulations of the Governor of SBV on prudential limits and ratios based on the audited separate financial statements of the year preceding the requesting year;

b) Its business operation is profitable according to the consolidated financial statement and audited separate financial statements of the year preceding the requesting year;

c) It complies with the limits specified in Articles 134, 135, 136, and 137; Clause 1 Article 138 and Article 142 of the Law on Credit Institutions and guidelines of SBV on the mentioned regulations for 12 consecutive months before the requesting month;

d) It properly and adequately implements regulations on the classification of assets, amounts and methods of setting up risk provisions, and use of provisions for control and management of risks according to the law in the quarter preceding the time of the request;

dd) Its bad debt ratio, according to regulations of SBV on the classification of assets on December 31 of the year preceding the requesting year and on the last day of the month preceding the time of the request, does not exceed 3% or another ratio according to decisions of the Governor of SBV in each period;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) At the time of the request, it has an internal audit department and an internal control system in compliance with Articles 57 and 58 of the Law on Credit Institutions and relevant laws;

h) It does not incur any administrative penalty for violations against regulations on organization, administration, and operation (excluding violations of intramural regulations); credit extension; prudential ratios; classification of assets, off-balance sheet commitments, and amounts and use of provisions for control and management of risks according to the law on administrative penalties for violations in monetary and banking for 12 months before the time of the request;

i) It is not under network expansion restriction;

k) It meets the conditions for the number of branches permitted to be established according to Article 7 and Article 8 of this Circular;

l) In case of requesting the establishment of branches in areas that are not rural areas, it must be classified as grade A or B according to the latest ranking result notified by SBV at the time of the request and the time of approval (excluding commercial banks not subject to ranking according to regulations of the Governor of SBV on the ranking of credit institutions and foreign bank branches);

m) At the time of the request, units in its domestic network approved for establishment in the year preceding the requesting year have operated. 

2. Regarding a commercial bank operating for less than 12 months from its opening date to the time of request:

a) The real value of its charter capital in the month preceding the time of the request, determined under the regulations of the Governor of SBV on prudential limits and ratios, is not lower than the legal capital;

b) Its business operation is profitable until the month preceding the time of the request;  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) It properly and adequately implements regulations on the classification of assets, amounts and methods of setting up risk provisions, and use of provisions for control and management of risks according to the law in the quarter preceding the time of request and its bad debt ratio, according to regulations of SBV on the classification of assets, on the last day of the month preceding the time of the request, does not exceed 3% or another ratio according to decisions of the Governor of SBV in each period;

dd) It complies with Points e, g, h, i, k, and m Clause 1 of this Article.

Article 7. Formula for determining maximum permissible number of branches and transaction offices

1. The number of branches and transaction offices of a commercial bank may establish shall be determined using the formula below:

300 billion VND x N1 + 100 billion VND x M1 + 50 billion VND x N2 + 20 billion VND x M2 < C

Where:

- C is the real value of the charter capital of the commercial bank according to Point a Clause 1 Article 6 or Point a Clause 2 Article 6 of this Circular.

- N1 is the number of branches established and pending approval for establishment in the urban areas of Hanoi City and Ho Chi Minh City.

- N2 is the number of branches established and pending approval for establishment in the suburban areas of Hanoi City, Ho Chi Minh City, and provinces and centrally affiliated cities.  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- M2 is the number of transaction offices established or pending approval for establishment in the suburban areas of Hanoi City, Ho Chi Minh City, and provinces and centrally affiliated cities. 

2. The determination of the locations of branches and transaction offices established and pending approval for establishment in areas prescribed in Points N1, N2, M1, and M2 in Clause 1 of this Article shall be based on the administrative boundary areas at the time of the request and the time of the approval.

Article 8. Maximum permissible number of branches

Aside from meeting the requirements prescribed in Article 7 of this Circular, commercial banks shall also meet the following requirements:

1. A commercial bank may establish up to 10 branches in each urban area of Hanoi City or Ho Chi Minh City.

2. A commercial bank operating for less than 12 months from its opening date to the time of the request may establish no more than 3 branches. Such branches shall not be established in the same province or centrally affiliated city in a fiscal year.

3. A commercial bank operating for 12 months or more from its opening date to the time of the request may establish no more than 5 branches. The number of branches in rural areas shall account for at least 50% of the total branches established in a fiscal year.  

4. Aside from the quantity prescribed in Clause 3 of this Article, commercial banks that have completed the procedure for voluntary termination of branches in urban areas of Hanoi City or Ho Chi Minh City may establish a number of branches equivalent to the number of terminated branches in other provinces and centrally affiliated cities.

Article 9. Conditions for establishment of overseas branches and subsidiary banks  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. It meets the conditions prescribed in Points a, c, d, dd, e, g, h, i, and m Clause 1 Article 6 of this Circular.

2. It is classified as grade A or B according to the latest ranking result notified by SBV at the time of the request and the time of the approval, excluding the case where it is not subject to ranking according to regulations of SBV on the ranking of credit institutions and foreign bank branches.

3. It has been operating for at least 3 years from its opening date to the time of the request.

4. Its total assets reach at least 100.000 billion VND according to the audited consolidated financial statement of the year preceding the requesting year.

5. Its business operation is profitable according to consolidated financial statements and audited separate financial statements of the 3 years before the requesting year.

Article 10. Conditions for establishment of domestic representative offices and public service providers and overseas representative offices

A commercial bank shall meet all of the following conditions to establish domestic representative offices and public service providers and overseas representative offices:

1. It has been operating for at least 12 months from its opening date to the time of the request.

2. It meets the conditions prescribed in Points e and g Clause 1 Article 6 of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 11. Conditions for establishment of transaction offices

A commercial bank shall meet the following conditions to establish transaction offices:

1. It meets the conditions prescribed in Points a, b, c, d, dd, e, g, h, i, and m Clause 1 Article 6 of this Circular.

2. In case of requesting the establishment of transaction offices in areas that are not rural areas, it must be classified as grade A or B according to the latest ranking result notified by SBV at the time of the request and the time of the approval (excluding commercial banks not subject to ranking according to regulations of the Governor of SBV on the ranking of credit institutions and foreign bank branches);

3. Any expected supervisory branch of transaction offices shall meet the following conditions:

a) It has been operating for at least 12 months from its opening date to the time of the request.

b) Its bad debt ratio, according to regulations of SBV on the classification of assets on December 31 of the year preceding the requesting year and on the last day of the month preceding the time of the request, does not exceed 3% or another ratio according to decisions of the Governor of SBV in each period;

c) It does not incur any fine for administrative violations in monetary and banking for 12 months before the time of the request;  

d) Its difference in revenues and expenses of the year preceding the requesting year is positive.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 12. Maximum permissible number of transaction offices

Aside from the maximum permissible number of transaction offices prescribed in Article 7 of this Circular, commercial banks shall also meet the following requirements:

1. The number of transaction offices of a commercial bank in the urban areas of Hanoi City or Ho Chi Minh City shall not be larger than 2 times the number of the current branches of the commercial bank in each area. The number of transaction offices shall not exceed 20.

2. The number of transaction offices of a commercial bank in a province or centrally affiliated city shall not be larger than 3 times the number of current branches of the commercial bank in such a province or city. 

3. Where the number of transaction offices established before the effective date of this Circular exceeds the number prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article or the number of transaction offices at the time of the request is equal to the number prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article, a commercial bank may establish no more than 2 transaction offices in the rural areas of a province or centrally affiliated city in a fiscal year.  The total number of transaction offices established under this Clause shall not exceed the number of the current branches of the commercial bank in each province or centrally affiliated city at the time of the request.

4. A commercial bank operating for 12 months or more from its opening date to the time of the request may establish no more than 10 transaction offices. The number of transaction offices in rural areas shall account for at least 50% of the total transaction offices established in a fiscal year.  

5. The number of transaction offices managed by 1 branch shall be decided by the commercial bank in conformity with the managerial capacity of each branch.

Article 13. Applications for approval for establishment of domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks

1. Commercial banks’ written requests for SBV to approve the establishment of domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks following the form prescribed in Appendix No. 01 enclosed herewith.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Regarding the establishment of transaction offices, resolutions or decisions of Boards of Directors or Boards of Members must specify the expected names and locations (including information on concerned communes), expected supervisory branches of transaction offices, specialties to be carried out by transaction offices, geographical scope of operations, and main target clients.

3. Resolutions or decisions of General Meetings of Shareholders (regarding joint-stock commercial banks); resolutions or decisions of Boards of Members (regarding limited liability commercial banks with two or more members); consent of proprietors (regarding single-member limited liability commercial banks) regarding the approval for the establishment of overseas subsidiary banks.

4. A scheme to establish a domestic branch shall have the following mandatory contents:

a) Full name in Vietnamese, abbreviated name in Vietnamese; expected location (including information on the concerned commune); operational contents; main target clients;

b) Reasons for the establishment and selection of the establishment location;

c) Organizational structure: organizational diagram including departments of the branch;

d) Feasibility research: analysis of the business environment, target markets, business opportunities that need to be seized, and plans for market domination;

dd) Expected business scheme in the first 3 years, including the expected balance and accounting sheet; business result report; grounds to develop the scheme and presentation of the feasibility of the implementation of the scheme in each year.

5. A scheme to establish an overseas branch or overseas subsidiary bank shall have the following mandatory contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Location (name of the country and specific address (if any));

c) Capital provided for the overseas branch or overseas subsidiary bank;

d) Operational contents; operational time; main target clients;

dd) Reasons for the establishment and selection of host country;

e) Organizational structure and network: organizational diagram including the headquarters and departments at the headquarters; operational network of the overseas subsidiary bank (if any);

g) Relevant legal information: relevant regulations of the host country on permission for foreign credit institutions to establish and operate branches and subsidiary banks in such a host country (names, numbers, dates of the documents);

h) Feasibility research: analysis of the business environment, target markets, business opportunities that need to be seized, and plans for market domination;

i) Control methods of the commercial bank applicable to the overseas branch or overseas subsidiary bank, specifying the following mandatory contents: methods (outsourcing or self-performing) and reasons for method selection; implementation of methods; estimated costs of method implementation; expected difficulties and solutions;

k) Expected business scheme in the first 3 years, including the expected balance and accounting sheet; business result report; currency flow report (regarding overseas subsidiary banks); grounds to develop the scheme and presentation of the feasibility of the implementation of the scheme in each year;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



m) Handling schemes and measures of the commercial bank in case the overseas branch or overseas subsidiary bank has severe impacts on the commercial bank;

n) Information on founding members, founding shareholders (names, addresses); expected capital contributions, contribution rates, shares, and share ownership ratio of founding members and founding shareholders of the overseas subsidiary bank.

6. Other documents proving compliance with conditions for the establishment of domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks according to this Circular.

Article 14. Procedures for approval for establishment of domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks

1. A commercial bank shall submit an application to SBV once before September 30 every year, excluding cases prescribed in Clause 4 Article 4 of this Circular.

2. The commercial bank shall prepare an application following Article 13 of this Circular and submit it to SBV (Single-Window Department).  Within 5 working days after receiving the application as prescribed in this Clause, SBV shall send a written document to the commercial bank to confirm the receipt of the adequate application or request additions to the application in case the application is inadequate.

3. Within 10 working days after receiving the adequate application according to Article 13 of this Circular, the Banking Inspection and Supervision Agency shall collect written feedback from the following units:

a) The People’s Committee of the province or centrally affiliated city regarding feedback on the necessity of additional branches in its areas (in case of requesting the establishment of domestic branches);

b) The SBV branch where the commercial bank intended to establish domestic branches and transaction offices regarding feedback on the necessity of additional branches and transaction offices in the district where the commercial bank requests the establishment of branches and transaction offices; feedback on areas with expected new branches and transaction offices; and compliance with conditions prescribed in this Circular regarding expected supervisory branches of transaction offices in its areas (in case of requesting the establishment of transaction offices).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Within 20 working days after receiving adequate feedback from concerned units, SBV shall issue a written approval for or disapproval of the eligibility of the commercial bank for establishing domestic branches and transaction offices.  In case of disapproval, SBV shall answer and explain in writing.

6. Within 45 days after receiving the adequate application according to Article 13 of this Circular, SBV shall consider issuing a written approval for or disapproval of the commercial bank’s establishment of overseas branches, representative offices, and subsidiary banks; domestic representative offices and public service providers.  In case of disapproval, SBV shall answer and explain in writing.

7. Within 12 months from the date SBV issues the written approval as prescribed in Clauses 5 and 6 of this Article, the commercial bank shall open domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers approved for establishment for operations.  After the mentioned time limit, if the commercial bank fails to carry out the opening, the written approval of SBV shall be annulled.

8. Within 24 months from the date SBV issues the written approval as prescribed in Clause 6 of this Article, the commercial bank shall open overseas branches, representative offices, and subsidiary banks approved for establishment for operations.  After the mentioned time limit, if the commercial bank fails to carry out the opening, the written approval of SBV shall be annulled.

Chapter III

OPENING, CHANGE OF NAMES, RELOCATION OF UNITS OF NETWORK OF COMMERCIAL BANKS; CHANGE OF SUPERVISORY BRANCHES OF TRANSACTION OFFICES, CONVERSION OF DOMESTIC BRANCHES INTO TRANSACTION OFFICES

Article 15. Opening of domestic branches and transaction offices

1. Requirements for opening of domestic branches and transaction offices:

a) Possession of ownership or legal rights to use branches and transaction offices; the premises, excluding transaction offices, must ensure the storage of documents, convenience, and safety for transactions and assets with adequate systems of security and protection assurance and power supply systems that can be constantly maintained, meeting the requirements for fire safety;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Branches and transaction offices must have information technology systems connected directly to the headquarters, and transaction offices must be directly connected to their supervisory branches; ensure that information technology systems and databases operate constantly, safely, and confidentially regarding professional operations;

d) Branches and transaction offices must have sufficient personnel, including Directors of branches, Directors of transaction offices, or equivalents, and personnel engaging in professional specialties at such branches and transaction offices. The Director of a branch or transaction office shall not simultaneously be the Director of another branch or transaction office. The Director of a branch shall not simultaneously be the Director of a transaction office;

dd) Directors of branches or equivalents (in case of branch opening) must meet the standards and conditions prescribed in Clause 5 Article 41 of the Law on Credit Institutions.

2. The commercial bank shall submit a written report to the SBV branch where its domestic branches and transaction offices are located within 7 working days before the expected opening date of such branches and transaction offices, specifying the following contents:

a) Expected opening date and compliance with requirements for the opening of domestic branches and transaction offices;

b) Information on heads, names, and addresses of domestic branches and transaction offices.

3. The commercial bank shall open its domestic branches and transaction offices after meeting the requirements prescribed in Clause 1 of this Article and completing legal procedures for the operations of branches and transaction offices as per regulation.

Article 16. Opening of domestic representative offices and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks  

1. A commercial bank shall decide on the opening of domestic representative offices and public service providers and submit a written report to the SBV branches where such representative offices and public service providers are located within 7 working days before the opening date.  A report on the opening of representative offices shall include information on the expected opening date and information on heads, names, and addresses of representative offices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 17. Change of names of domestic branches and transaction offices

1. A commercial bank shall decide on the change of the names of domestic branches and transaction offices.

2. Within 5 working days from the date domestic branches and transaction offices operate under new names, the commercial bank shall submit a written report to the SBV branch where such domestic branches and transaction offices are located on the change of the information on names of domestic branches and transaction offices, excluding the case prescribed in Clause 3 of this Article.

3. Where the change of the names of domestic branches and transaction offices takes place before the opening of such branches and transaction offices, the commercial bank shall comply with Clause 2 Article 15 of this Circular.

Article 18. Conversion of domestic branches into transaction offices

1. A commercial bank shall decide on the conversion of domestic branches into transaction offices; submit reports to SBV (through the Banking Inspection and Supervision Agency) and the SBV branch where transaction offices are located on the conversion of domestic branches into transaction offices and supervisory branches of transaction offices within 5 working days after deciding on the conversion and from the completion of procedures for putting transaction offices into operation.

2. The conversion of domestic branches into transaction offices is not required to comply with Clauses 1 and 2 Article 12 of this Circular.

3. Commercial banks converting domestic branches into transaction offices in the urban areas of Hanoi City or Ho Chi Minh City may not establish additional branches in such areas for 3 years from the conversion.

Article 19. Relocation of domestic branches and transaction offices

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The commercial bank shall not relocate branches and transaction offices from rural areas to non-rural areas. The determination of the location of branches and transaction offices in rural areas shall be based on administrative boundary areas at the time of requesting the relocation and at the time of the approval; 

b) The commercial bank is not permitted to relocate branches and transaction offices from the suburban areas of Hanoi City or Ho Chi Minh City or another province or centrally affiliated city to the urban areas of Hanoi City or Ho Chi Minh City.

2. A commercial bank relocating its branches and transaction offices shall meet the following conditions:

a) It meets the conditions prescribed in Clause 1 Article 15 of this Circular;

b) In case of relocating branches and transaction offices between provinces or centrally affiliated cities, such branches and transaction offices must have been operating for at least 3 years at the time of the request for the relocation;

c) In case of relocating transaction offices between provinces and centrally affiliated cities, aside from the conditions prescribed in Points a and b of this Clause, the relocation must meet the conditions prescribed in Clause 2 Article 12 and the conditions applicable to supervisory branches of transaction offices prescribed in Clause 3 Article 11 of this Circular.

3. An application for the relocation of a branch and/or transaction office includes:

a) Written request of the commercial bank for the approval for the relocation of branches and transaction offices, specifying the following mandatory information: current name and location, expected new location, reason for the relocation, plan for the relocation to ensure operational continuity, and commitment to complying with Point a Clause 2 of this Article within 7 working days before the expected opening date at the approved location;

b) Scheme to handle assets, rights, obligations, and relevant benefits (in case of relocating a domestic branch and/or transaction office between provinces and centrally affiliated cities);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(i) Written request for the change of the supervisory branch of the transaction office, including the following mandatory contents:

- Name and location of the current supervisory branch and name and location of the supervisory branch to manage the relocated transaction office;

- The current name and location and the expected name and location of the transaction office requested for a change of the supervisory branch.

(ii) Resolution or decision of the Board of Directors of the Board of Members approving the change of the supervisory branch of the transaction office.

4. Approval procedure for cases of relocating a domestic branch and/or transaction office within a province or centrally affiliated city:

a) The commercial bank shall prepare an application according to Clause 3 of this Article and submit it to the SBV branch where the branch or transaction office is located;

b) Within 10 working days after receiving the adequate application according to this Circular, the mentioned SBV branch shall issue a written document (including an e-document) to the commercial bank approving or disapproving the relocation of the branch or transaction office. In case of disapproval, the SBV branch shall answer and explain in writing.

5. Approval procedure for cases of relocating a domestic branch and/or transaction office between provinces and centrally affiliated cities:

a) The commercial bank shall prepare an application according to Clause 3 of this Article and submit it to the SBV branch where the branch or transaction office is expected to be located;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(i) The SBV branch where the branch or transaction office is currently located regarding the scheme to handle assets, rights, obligations, and relevant benefits and the reason for the relocation;

(ii) The People’s Committee of the province or centrally affiliated city where the branch is expected to be located regarding the necessity of additional branches in its area in case of relocating domestic branches between provinces and centrally affiliated cities.

c) Within 5 working days after receiving the written requests from the SBV branch where the branch or transaction office is expected to be located, the SBV branch where the branch or transaction office is currently located, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city where the branch is expected to be located shall send written feedback on the requested contents;

d) Within 10 working days after receiving adequate feedback from the concerned units, the SBV branch where the branch or transaction office is expected to be located shall issue a written document (including an e-document) to the commercial bank approving or disapproving the relocation of the branch or transaction office. In case of disapproval, the SBV branch shall answer and explain in writing.

6. The commercial bank shall submit a written report to the SBV branch prescribed in Clause 4 of this Article or Point d Clause 4 of this Article on compliance with Point a Clause 2 of this Article within 7 working days before the expected operating date at the approved location.  In case of relocating the branch or transaction office before the opening date, the commercial bank shall comply with Clause 2 Article 15 of this Circular.

7. Within 12 months from the date SBV issues a written approval, the commercial bank shall put the branch or transaction office into operation at the approved location.  After the mentioned time limit, if the commercial bank fails to carry out the opening, the written approval of SBV shall be annulled.

8. In case of changing the address of the domestic branch or transaction but the location remains the same, the commercial bank shall send a written notice to the SBV branch where such a branch or transaction office is located on the change of information on the address of the domestic branch or transaction office within 7 days from the date of the change.

Article 20. Change of names and relocation of domestic representative offices and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks   

1. A commercial bank shall decide on the change of names and relocation of domestic representative offices and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In case of relocating domestic representative offices and public service providers to other provinces or centrally affiliated cities, the commercial bank shall submit a report to the previous SBV branch where the representative offices and public service providers are located and the new SBV branch where the representative offices and public service providers are located.

Article 21. Change of names of domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks in case of reorganization of commercial banks  

The change of names of domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks in case of reorganization of commercial banks shall comply with the guidelines of SBV on the reorganization of credit institutions.

Article 22. Change of supervisory branches of transaction offices

1. Conditions for changing supervisory branches of transaction offices include changes before opening transaction offices.

Branches expected to manage transaction offices shall meet all of the conditions prescribed in Clause 3 Article 11 of this Circular.

2. Application includes:

a) Written request of the commercial bank for the change of the supervisory branch of a transaction office, including the following mandatory contents:

(i) Reason for the change;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(iii) Name and address of the transaction office requested for the change of the supervisory branch. 

b) Resolution or decision of the Board of Directors of the Board of Members approving the change of the supervisory branch of the transaction office.

3. Procedure:

a) The commercial bank shall prepare an application according to this Circular and submit it to the SBV branch where the branch is located;

b) Within 14 working days after receiving the adequate application according to this Circular, the mentioned SBV branch shall issue a written document (including an e-document) or request the Governor of SBV to issue a document approving or disapproving the request of the commercial bank under jurisdiction as prescribed in Article 4 of this Circular. In case of disapproval, the written document sent to the commercial bank shall specify the reason.

4. Within 6 months from the issuance of the written approval, the commercial bank shall complete procedures for changing the supervisory branch of the transaction office as per regulation.  After the mentioned time limit, if the commercial bank fails to complete procedures for changing the supervisory branch of the transaction office, the written approval prescribed in Point b Clause 3 of this Article shall be annulled.

5. In case of changing supervisory branches due to the relocation of transaction offices between provinces and centrally affiliated cities, comply with Article 19 of this Circular.

Article 23. Disclosure of information on changes

1. Within 7 working days before the expected opening date according to Article 15 of this Circular or within 7 working days after receiving the written approval from the SBV branch according to Clauses 4 and 5 Article 19 of this Circular, a commercial bank shall disclose the following information:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Name, location, and expected opening date or previous name, location, and new location of the branch or transaction office, as well as other information (if necessary).

2. Within 7 working days after receiving the written approval from SBV as prescribed in Article 22 of this Circular, the commercial bank shall disclose the number, date, and contents of such written approval.

3. Within 7 working days from the change as prescribed in Point b Clause 4 Article 4, Article 17, Article 18, Clause 8 Article 19, Article 20, and Article 21 of this Circular, the commercial bank shall disclose its decision on such contents.

4. The commercial bank shall disclose the information prescribed in Clauses 1, 2, and 3 of this Article on its website and the websites of its concerned domestic branches and transaction offices.

5. The commercial bank shall submit a written request to SBV (Communication Department) for disclosure of contents prescribed in Clause 1 of this Article on the web portal of SBV and 1 printed newspaper for 3 consecutive issues or 1 e-newspaper of Vietnam. Within 3 working days after receiving the written request from the commercial bank, SBV (Communication Department) shall disclose the relevant information on its web portal.

Chapter IV

CONVERSION OF LEGAL FORMS OF OVERSEAS SUBSIDIARY BANKS OF COMMERCIAL BANKS

Article 24. Conditions for conversion of legal forms of overseas subsidiary banks

A commercial bank may convert the legal form of a subsidiary bank from a limited liability company to a joint stock company and vice versa; from a single-member limited liability company to a limited liability company with two or more members and vice versa when the following conditions are met:  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Its converted subsidiary bank complies with Clause 7 Article 3 of this Circular.

3. Where the commercial bank increases the capital at the subsidiary bank during the conversion, aside from the conditions prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article, the following conditions shall be met:

a) Conditions prescribed in Points a, c, d, and dd Clause 1 Article 6 of this Circular;

b) Conditions prescribed in Clause 4 and 5 Article 9 of this Circular.

Article 25. Applications for approval for conversion of legal forms of overseas subsidiary banks

1. Commercial bank’s written request for SBV to approve the conversion of the legal form of the overseas subsidiary bank.

2. Resolution of the General Meeting of Shareholders (regarding a joint-stock commercial bank); resolution of the Board of Members (regarding a limited liability commercial bank with two or more members); consent of the proprietor (regarding a single-member limited liability commercial bank) regarding approval for the conversion of the legal form of the overseas subsidiary bank.

3. Scheme to convert the legal form of the overseas subsidiary bank, specifying the following mandatory contents:

a) Full name in Vietnamese and foreign language, abbreviated name in Vietnamese and foreign language (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Capital provided for the overseas subsidiary bank;

d) Operational contents; operational time; main client targets;

dd) Reasons for the legal form conversion;

e) Expected additional capital or decreased capital at the overseas subsidiary bank before the legal form conversion;

g) Organizational structure and network of the overseas subsidiary bank after the legal form conversion: organizational diagram including the headquarters and departments at the headquarters; operational network of the overseas subsidiary bank (if any);

h) Relevant legal information: relevant regulations of the host country on permission for foreign credit institutions to convert legal forms of subsidiary banks in such a host country (names, numbers, dates of the documents);

i) Feasibility research: analysis of the business environment, target markets, business opportunities that need to be seized, and plans for market domination after the legal form conversion;

k) Control methods of the commercial bank applicable to the overseas subsidiary bank, specifying the following mandatory contents: methods (outsourcing or self-performing) and reasons for method selection; implementation of methods; estimated costs of method implementation; expected difficulties and solutions;

l) Expected business scheme of the overseas subsidiary bank in the first 3 years after the legal form conversion, including the expected balance and accounting sheet; business result report; currency flow report; grounds to develop the scheme and presentation of the feasibility of the implementation of the scheme in each year;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



n) Handling schemes and measures of the commercial bank in case the overseas subsidiary bank has severe impacts on the commercial bank;

o) Changed information on founding members, major shareholders (names, addresses); expected capital contributions, contribution rates, shares, and share ownership ratio of founding members and major shareholders of the overseas subsidiary bank after the legal form conversion.

4. Other documents proving compliance with Article 24 of this Circular.

Article 26. Procedures for approving eligibility for conversion of legal forms of overseas subsidiary banks

1. The commercial bank shall prepare an application following Article 25 of this Circular and submit it to SBV (Single-Window Department).

2. Within 45 working days after receiving the adequate application as prescribed in Article 25 of this Circular, SBV shall issue a written document approving or disapproving the commercial bank’s legal form conversion of its overseas subsidiary bank. In case of disapproval, the written document sent to the commercial bank shall specify the reason.

3. Within 24 months from the issuance of the written approval of SBV, as prescribed in Clause 2 of this Article, the commercial bank shall complete procedures for converting the legal form.  After the mentioned time limit, if the commercial bank fails to complete the procedures for converting the legal form, the written approval of SBV shall be annulled.

Chapter V

TERMINATION AND DISSOLUTION OF UNITS OF NETWORK OF COMMERCIAL BANKS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers of the commercial bank shall be terminated or dissolved in the following cases:

a) Automatic termination or dissolution;

b) Voluntary termination or dissolution;

c) Compulsory termination or dissolution.

2. Overseas branches, representative offices, and subsidiary banks of the commercial bank shall be terminated and dissolved under the law of the host country where they are located.

3. The commercial bank shall:

a) Handle assets, rights, obligations, and relevant benefits of domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks subject to termination or dissolution;

b) Store records and documents relevant to the termination and dissolution of domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks;

c) Carry out legal procedures for the termination or dissolution of domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks according to the law.   

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers; overseas branches and representative offices shall be automatically terminated or dissolved when the commercial bank is terminated or dissolved.   

2. Procedures for automatic termination and dissolution of domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers; overseas branches and representative offices shall comply with the law on termination and dissolution of commercial banks.

Article 29. Voluntary termination of domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers

1. An application for voluntary termination of domestic branches or transaction offices includes:

a) Commercial bank’s written request for the termination of branches or transaction offices, specifying the reasons;

b) Resolution or decision of the Board of Directors of the Board of Members of the commercial bank on the termination of branches or transaction offices;

a) Scheme to handle assets, rights, obligations, and relevant benefits of domestic branches and transaction offices subject to the termination.

2. Procedure for voluntary termination of a domestic branch:

a) The commercial bank shall prepare an application according to Clause 1 of this Article and submit it to the SBV branch where the branch is located;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Procedure for voluntary termination of a transaction office:

a) The commercial bank shall prepare an application according to Clause 1 of this Article and submit it to the SBV branch where the transaction office is located;

b) Within 14 working days after receiving the adequate application according to this Circular, the mentioned SBV branch shall issue a written document (including an e-document) approving or disapproving the request of the commercial bank. In case of disapproval, the SBV branch shall answer and explain in writing.

4. Within 45 days from the date the SBV branch issues the written approval prescribed in Point b Clause 2 and Point b Clause 3 of this Article, the commercial bank shall carry out legal procedures as prescribed by the laws to terminate the branch or transaction office and submit written reports on the termination date to SBV (through the Banking Inspection and Supervision Agency) and the SBV branch where the branch or transaction office is located.

5. Regarding the voluntary termination of representative offices and public service providers, within 5 working days from the termination of representative offices or public service providers, the commercial bank shall submit written reports to SBV (through the Banking Inspection and Supervision Agency) and the SBV branch where the representative offices or public service providers are located, specifying the reasons and the termination date.

Article 30. Compulsory termination of domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers

1. The Governor of SBV has the authority to impose compulsory termination on any domestic branch of commercial banks. 

2. The Chief Inspector of the Banking Inspection and Supervision Agency has the authority to impose compulsory termination on any domestic transaction office, representative office, or public service provider of commercial banks. 

3. A domestic branch, transaction office, representative office, or public service provider of a commercial bank shall be considered for termination when it is subject to one of the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Its operation is different from the permitted operational contents according to the law.

4. A domestic branch of a commercial bank shall be subject to compulsory termination in case the difference in revenues and expenses in 3 consecutive years is negative, excluding the following cases:

a) The domestic branch of the commercial bank is established in a rural area;

b) The new branch is in its first 3 years of operation.

5. A domestic branch or transaction office of a commercial bank shall be subject to compulsory termination in case of relocating the domestic branch or transaction office without the written approval of an SBV branch.

6. The SBV branch where the branch, transaction office, representative office of the commercial bank shall, based on Clauses 3, 4, and 5 of this Article, send a written explanation to SBV (through the Banking Inspection and Supervision Agency) to request the termination of such branch transaction office, representative office of the commercial bank.

7. b) Within 14 working days from after receiving the written document from the SBV branch according to Clause 6 of this Article or during the inspection or supervision procedure, the cases prescribed in Clauses 3, 4, and 5 of this Article are discovered, the Banking Inspection and Supervision Agency shall issue a written document or request the Governor of SBV to issue a written document requesting the commercial bank to terminate the branch, transaction office, representative office, or public service provider.

8. Within 90 days from the date SBV issues the written document prescribed in Clause 7 of this Article, the commercial bank shall complete the termination of the branch, transaction office, representative office, or service provider and submit reports on the termination date to SBV and the SBV branch.

Article 31. Termination and dissolution of overseas branches, representative offices, and subsidiary banks

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Within 14 working days before the termination date of the overseas branch, representative office, or subsidiary bank, the commercial bank shall submit reports on the reason and the termination or dissolution time to SBV (through the Banking Inspection and Supervision Agency).

Article 32. Information disclosure

Within 7 working days after the termination or dissolution date of a domestic branch, transaction office, representative office, or public service provider; overseas branch, representative office, or subsidiary bank (excluding cases of automatic termination or dissolution according to Article 28 of this Circular) the commercial bank shall disclose and post the termination or dissolution on its website, at its headquarters, and its supervisory branch (regarding the termination of a transaction office) and on the central or local newspaper of the province or centrally affiliated city where the branch, transaction office, representative office, or public service provider is located.  Mandatory contents include:

1. Name and address of the domestic branch, transaction office, representative office, or public service provider; overseas branch, representative office, or subsidiary bank subject to the termination or dissolution.

2. Termination or dissolution time.

3. Responsibilities of the commercial bank regarding assets, rights, obligations, and relevant benefits of the domestic branch, transaction office, representative office, or public service provider; overseas branch, representative office, or subsidiary bank subject to the termination or dissolution.

Chapter VI

NOTICES FOR BUSINESS REGISTRATION AGENCIES

Article 33. Information provision by commercial banks for SBV branches for notices for business registration agencies

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 34. Information provision for business registration agencies

1. Within 5 working days after receiving the written document from the commercial bank prescribed in Clause 2 Article 15 and Clause 1 Article 16 of this Circular, the SBV branch shall send a written notice on the information on the head, name, and address of the concerned branch, transaction office, or representative office enclosed with the written approval for the establishment or relocation of the domestic branch, transaction office, or representative office (if any) to the provincial business registration agency.

2. Within 5 working days after receiving the written document from the commercial bank prescribed in Clauses 6 and 8 Article 19 and Clause 2 Article 20 of this Circular, the SBV branch shall send a written notice on the change of the information on the address of the concerned branch, transaction office, or representative office enclosed with the written approval for the relocation of the domestic branch and transaction office to the provincial business registration agency.

3. Within 5 working days after receiving the written document from the commercial bank prescribed in Clause 2 Article 17, Clause 2 Article 20, and Article 33 of this Circular, the SBV branch shall send a written notice on the change of the information on the head and name of the concerned branch, transaction office, or representative office to the provincial business registration agency.

4. Within 5 working days after receiving the written document from the commercial bank prescribed in Clauses 4 and 5 Article 29 and Clause 8 Article 30 of this Circular, the SBV branch shall send a written notice enclosed with the report of the commercial bank to the provincial business registration agency.

Chapter VII

IMPLEMENTATION

Article 35. Responsibilities of commercial banks

1. Take legal liability for the accuracy, adequacy, and truthfulness of information provided in applications.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Every 6 months or year, formulate reports following Appendix No. 02 enclosed herewith. E-reports shall be made for submission through the reporting system of SBV.

4. Disclose information as prescribed in this Circular.

5. Assume responsibility for the organization and operation of branches and transaction offices; submit reports to SBV branches where branches and transaction offices are located on the handling of arising issues relevant to the organization and operation of branches and transaction offices in their areas.

6. Regularly manage and supervise the operation of branches and transaction offices.

7. Implement other contents prescribed in this Circular.

Article 36. Responsibilities of SBV branches where branches, transaction offices, representative offices, and public service providers of commercial banks are located

1. Take responsibility before the Governor of SBV when implementing matters under their jurisdiction as prescribed in this Circular.

2. Receive applications and approve or disapprove cases within the jurisdiction of Directors of SBV branches as prescribed in Article 4 of this Circular.

3. Manage, inspect, and supervise the operation of branches, transaction offices, public service providers, and representative offices of commercial banks in their areas, including inspections under plans or in necessary cases regarding compliance with requirements for opening and relocation of branches and transaction offices after the opening or relocation of branches and transaction offices by commercial banks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. SBV branches where concerned branches and transaction offices are expected to be located according to Clause 5 Article 19 of this Circular shall submit written notices to the current SBV branches of such branches and transaction offices on approval for the relocation of branches and transaction offices between provinces and centrally affiliated cities.

Article 37. Responsibilities of Banking Inspection and Supervision Agency

1. Take responsibility before the Governor of SBV when implementing matters under their jurisdiction as prescribed in this Circular.

2. Perform as the authority receiving, assessing, and requesting the Governor of SBV to issue approval or disapproval according to Article 14, Article 26, and Article 30 of this Circular for cases under the jurisdiction of the Governor of SBV according to Article 4 of this Circular.

3. Receive applications and issue approval or disapproval according to Articles 14 and 30 of this Circular for cases under the jurisdiction of the Chief Inspector of the Banking Inspection and Supervision Agency according to Article 4 of this Circular.

4. Assess and request the Governor of SBV to handle issues relevant to the establishment, termination, and dissolution of domestic branches, transaction offices, representative offices, and public service providers; overseas branches, representative offices, and subsidiary banks of commercial banks.

5. Provide written approvals for the establishment of branches, transaction offices, and representative offices according to Article 14 of this Circular for SBV branches where such branches, transaction offices, and representative offices are expected to be located by commercial banks for notice provision for business registration agencies.

6. Summarize reports of units according to this Circular.

Article 38. Responsibilities of relevant Departments in SBV

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter VIII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 39. Transitional provisions

1. Commercial banks are not required to adjust the number of branches and transaction offices established before the effective date of this Circular. Any commercial bank that wishes to establish new units in its network shall comply with this Circular (excluding Clause 3 of this Article).

2. Branches and transaction offices that fail to comply with Point d Clause 1 Article 15 of this Circular shall adopt measures to ensure compliance with this Circular within 6 months from the effective date of this Circular.

3. Commercial banks’ written requests for approval for establishment of domestic branches and transaction offices; establishment of domestic representative offices and public service providers and overseas branches, representative offices, and banks with 100% capital in foreign countries submitted to SBV before the effective date of this Circular shall continue to be processed under Circular No. 21/2013/TT-NNHN dated September 9, 2013 of the Governor of SBV (amended). 

Article 40. Entry into force

1. This Circular comes into force as of August 15, 2024.

2. The following documents and regulations shall be annulled from the effective date of this Circular: 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Circular No. 01/2022/TT-NHNN dated January 28, 2022 of the Governor of SBV;

c) Article 13 of Circular No. 29/2015/TT-NHNN dated December 22, 2015 of the Governor of SBV;

d) Article 2 of Circular No. 17/2018/TT-NHNN dated August 14, 2018 of the Governor of SBV;

dd) Clause 3 Article 1 of Circular No. 14/2019/TT-NHNN dated August 30, 2019 of the Governor of SBV.

Article 41. Implementation

Chief of Office, Chief Inspector of the Banking Inspection and Supervision Agency, Directors of units of SBV, and commercial banks shall implement this Circular./.

 

 

PP. GOVERNOR
DEPUTY GOVERNOR




Doan Thai Son

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 32/2024/TT-NHNN ngày 30/06/2024 về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


19.069

DMCA.com Protection Status
IP: 52.15.72.229
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!