Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 26/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động cho thuê tài chính của công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu: 26/2024/TT-NHNN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Người ký: Đào Minh Tú
Ngày ban hành: 28/06/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Thuê tài chính bằng phương tiện điện tử không vượt quá 500 triệu đồng

Ngày 28/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 26/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động cho thuê tài chính của công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính.

Thuê tài chính bằng phương tiện điện tử không vượt quá 500 triệu đồng

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định việc Thuê tài chính bằng phương tiện điện tử không vượt quá 500 triệu đồng như sau:

- Bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính được lựa chọn thực hiện xét duyệt cho thuê tài chính qua việc sử dụng các phương tiện điện tử đối với khoản đề nghị xét duyệt cho thuê tài chính không vượt quá 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng Việt Nam.

- Việc thực hiện xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định Thông tư 26/2024/TT-NHNN ; quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; giao dịch điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Bên cho thuê tài chính tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình xét duyệt cho thuê tài chính, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

+ Biện pháp, hình thức, công nghệ được bên cho thuê tài chính lựa chọn phải đảm bảo tiêu chuẩn về an ninh, an toàn, bảo mật theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan

+ Áp dụng các hình thức xác thực giao dịch điện tử trong quá trình thực hiện xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật liên quan

+ Lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết đối với các tài liệu, thông tin, dữ liệu nhận biết bên thuê tài chính trong quá trình xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử. Các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, xác thực bên thuê tài chính trong quá trình thực hiện cho thuê tài chính qua phương tiện điện tử; giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Thời gian lưu trữ, bảo quản thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và luật giao dịch điện tử

+ Thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, bảo mật của biện pháp, hình thức, công nghệ và thực hiện tạm dừng cung cấp dịch vụ để nâng cấp, chỉnh sửa, hoàn thiện trong trường hợp có dấu hiệu mất an toàn

+ Phân công trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, bộ phận có liên quan trong xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử và trong việc quản lý, giảm sát rủi ro. Trường hợp có rủi ro phát sinh, bên cho thuê tài chính phải có cơ chế để xác định từng cá nhân, bộ phận chịu trách nhiệm và xử lý kịp thời các vấn đề, rủi ro phát sinh để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong quá trình thực hiện cho thuê tài chính qua phương tiện điện tử

+ Hệ thống thông tin thực hiện xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử phải tuân thủ theo quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Xem chi tiết tại Thông tư 26/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2024/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2024

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ TÀI CHÍNH CỦA CÔNG TY TÀI CHÍNH TỔNG HỢP, CÔNG TY CHO THUÊ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hoạt động cho thuê tài chính của công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hoạt động cho thuê tài chính của công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính của công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cho thuê tài chính là hoạt động cấp tín dụng trung hạn, dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính giữa bên cho thuê tài chính với bên thuê tài chính. Bên cho thuê tài chính mua tài sản cho thuê tài chính theo yêu cầu của bên thuê tài chính và nắm giữ quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê tài chính trong suốt thời hạn cho thuê. Bên thuê tài chính sử dụng tài sản thuê tài chính và thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn thuê theo quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính.

2. Tài sản cho thuê tài chính là các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải (trừ tàu biển, tàu bay có chở người) không thuộc danh mục cấm mua, bán, xuất, nhập khẩu theo quy định.

3. Bên cho thuê tài chính (bao gồm cả Bên mua và cho thuê lại theo hình thức cho thuê tài chính) là công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính được phép thực hiện cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật.

4. Bên thuê tài chính (bao gồm cả Bên bán và thuê lại theo hình thức cho thuê tài chính) là tổ chức, cá nhân hoạt động tại Việt Nam thực hiện thuê tài chính để sử dụng tài sản thuê theo mục đích đã thỏa thuận tại hợp đồng cho thuê tài chính.

5. Hợp đồng cho thuê tài chính là thỏa thuận được ký giữa bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính về việc cho thuê tài chính đối với một hoặc một số tài sản cho thuê theo quy định tại Thông tư này và quy định pháp luật có liên quan. Hợp đồng cho thuê tài chính là hợp đồng không hủy ngang.

6. Tiền thuê tài chính là số tiền mà bên thuê tài chính phải trả cho bên cho thuê tài chính theo thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê tài chính. Tiền thuê tài chính bao gồm:

a) Nợ gốc được xác định trên cơ sở giá mua tài sản cho thuê tài chính và các chi phí hợp pháp liên quan đến việc mua và đưa tài sản đó vào hoạt động cho thuê tài chính;

b) Tiền lãi thuê được tính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây là Ngân hàng Nhà nước) về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của tổ chức tín dụng.

7. Mua và cho thuê lại theo hình thức cho thuê tài chính (sau đây gọi là mua và cho thuê lại) là việc bên cho thuê là công ty cho thuê tài chính mua tài sản cho thuê tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều này thuộc sở hữu của bên thuê và cho bên thuê thuê lại chính các tài sản đó theo hình thức cho thuê tài chính để bên thuê tiếp tục sử dụng phục vụ cho hoạt động của mình. Trong giao dịch mua và cho thuê lại, bên thuê đồng thời là bên cung ứng tài sản cho thuê.

8. Thời hạn cho thuê tài chính là khoảng thời gian được tính từ thời điểm bên thuê tài chính bắt đầu nhận nợ tiền thuê tài chính cho đến thời điểm trả hết tiền thuê tài chính đã được quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính.

9. Thời điểm bắt đầu nhận nợ tiền thuê tài chính là ngày bên thuê tài chính nhận tài sản thuê hoặc ngày bên cho thuê tài chính thanh toán tiền lần đầu tiên cho bên cung ứng tài sản cho thuê, tùy theo ngày nào đến trước.

10. Kỳ hạn trả nợ tiền thuê tài chính là các khoảng thời gian trong thời hạn cho thuê tài chính đã được thỏa thuận giữa bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính mà tại cuối mỗi khoảng thời gian đó bên thuê tài chính phải trả một phần hoặc toàn bộ số tiền thuê tài chính cho bên cho thuê tài chính.

11. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính là việc bên cho thuê tài chính chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với các khoản nợ tiền thuê tài chính của bên thuê tài chính khi bên thuê tài chính không có khả năng trả nợ tiền thuê tài chính theo thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê tài chính như sau:

a) Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ tiền thuê tài chính là việc bên cho thuê tài chính chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ số tiền trả nợ gốc và/hoặc tiền lãi thuê của kỳ hạn trả nợ trong phạm vi thời hạn cho thuê tài chính đã thỏa thuận, thời hạn cho thuê tài chính không thay đổi;

b) Gia hạn nợ là việc bên cho thuê tài chính chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc tiền lãi thuê, vượt quá thời hạn cho thuê tài chính đã thỏa thuận.

12. Khoản cho thuê tài chính mức giá trị nhỏ là khoản cho thuê tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Các tổ chức tín dụng và không vượt quá 100.000.000 (một trăm triệu) đồng Việt Nam.

Điều 4. Nguyên tắc cho thuê tài chính

Hoạt động cho thuê tài chính của bên cho thuê tài chính đối với bên thuê tài chính được thực hiện theo thỏa thuận giữa bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Chương II

HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ TÀI CHÍNH

Điều 5. Điều kiện đối với bên thuê tài chính

1. Bên cho thuê tài chính xem xét, quyết định cho thuê tài chính khi bên thuê tài chính có đủ các điều kiện sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:

a) Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

b) Thuê tài sản cho thuê tài chính để sử dụng vào mục đích hợp pháp;

c) Có phương án sử dụng tài sản cho thuê tài chính khả thi;

d) Có khả năng tài chính đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ cam kết theo hợp đồng cho thuê tài chính;

đ) Đối với tổ chức Việt Nam và nước ngoài, thời hạn cho thuê tài chính không quá thời hạn hoạt động còn lại theo quyết định thành lập hoặc giấy phép hoạt động tại Việt Nam; đối với cá nhân nước ngoài, thời hạn cho thuê tài chính không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.

2. Bên cho thuê tài chính xem xét, quyết định cho thuê tài chính mức giá trị nhỏ theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Thông tư này khi bên thuê tài chính đáp ứng tối thiểu các điều kiện quy định tại điểm a, b, d, đ khoản 1 Điều này.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị thuê tài chính

Bên thuê tài chính gửi cho bên cho thuê tài chính giấy đề nghị thuê tài chính và các tài liệu sau:

1. Các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thuê tài chính theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

2. Thông tin về người có liên quan với bên thuê tài chính, bao gồm:

a) Thông tin về người có liên quan với bên thuê tài chính thuộc trường hợp hạn chế cấp tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;

b) Thông tin về người có liên quan với bên thuê tài chính theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng trong trường hợp, tại thời điểm đề nghị thuê tài chính, bên thuê tài chính có dư nợ cấp tín dụng tại bên cho thuê tài chính (bao gồm cả số tiền nợ gốc đang đề nghị thuê tài chính) lớn hơn hoặc bằng 0,5% vốn tự có của bên cho thuê tài chính tại cuối ngày làm việc gần nhất. Trường hợp bên cho thuê tài chính có vốn tự có âm, tỷ lệ trên được áp dụng trên vốn điều lệ.

3. Thông tin về người có liên quan với bên thuê tài chính quy định tại khoản 2 Điều này gồm:

a) Thông tin về người có liên quan là cá nhân, bao gồm: họ và tên, số định danh cá nhân đối với công dân Việt Nam; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với người nước ngoài; mối quan hệ với bên thuê tài chính;

b) Thông tin về người có liên quan đối với tổ chức, bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương đối với tổ chức không phải doanh nghiệp; người đại diện theo pháp luật, mối quan hệ với bên thuê tài chính.

4. Bên cho thuê tài chính hướng dẫn bên thuê tài chính cung cấp các thông tin, tài liệu quy định tại Điều này.

Điều 7. Lãi suất cho thuê tài chính

1. Bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính thỏa thuận về lãi suất cho thuê tài chính theo quy định pháp luật. Mức lãi suất cho thuê tài chính được tính theo tỷ lệ %/năm.

2. Khi đến hạn thanh toán mà bên thuê tài chính không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc tiền lãi thuê theo hợp đồng thuê tài chính thì bên thuê tài chính phải trả tiền lãi thuê như sau:

a) Tiền lãi thuê trên nợ gốc theo lãi suất cho thuê tài chính đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn thuê tài chính mà đến hạn chưa trả;

b) Trường hợp bên thuê tài chính không trả tiền lãi thuê đúng hạn, bên thuê tài chính còn phải trả cho bên cho thuê tài chính tiền lãi đối với tiền lãi thuê chậm trả theo mức lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số tiền lãi thuê chậm trả trong thời gian chậm trả;

c) Tiền lãi thuê trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả theo lãi suất quá hạn do bên cho thuê tài chính thỏa thuận với bên thuê tài chính trong hợp đồng cho thuê tài chính nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho thuê tài chính trong hạn áp dụng ngay trước thời điểm bị quá hạn đối với số dư nợ gốc đó.

3. Trường hợp áp dụng lãi suất cho thuê tài chính điều chỉnh, bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho thuê tài chính. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho thuê tài chính khác nhau thì bên cho thuê tài chính áp dụng mức lãi suất cho thuê tài chính thấp nhất.

Điều 8. Phí liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính

Bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính thỏa thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính gồm:

1. Phí thu xếp để thực hiện ký kết hợp đồng hợp vốn cho thuê tài chính giữa các bên cho thuê tài chính tham gia cho thuê tài chính hợp vốn với bên thuê. Mức phí thu xếp hợp đồng hợp vốn cho thuê tài chính do bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính thỏa thuận.

2. Phí cam kết thuê tài chính (phí tính theo thời gian từ thời điểm hợp đồng cho thuê tài chính có hiệu lực đến thời điểm bên thuê tài chính nhận nợ thuê tài chính).

3. Phí trả nợ trước hạn (trong trường hợp bên thuê tài chính trả nợ trước hạn).

4. Các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Điều 9. Đồng tiền sử dụng trong cho thuê tài chính

1. Bên cho thuê tài chính thực hiện cho thuê tài chính bằng đồng Việt Nam trừ trường hợp được cho thuê tài chính bằng ngoại tệ quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Việc cho thuê tài chính bằng ngoại tệ phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Bên cho thuê tài chính thanh toán tiền nhập khẩu tài sản cho thuê tài chính với bên cung ứng bằng ngoại tệ; bên thuê tài chính nhận nợ, thanh toán tiền thuê tài chính bằng ngoại tệ;

b) Bên thuê tài chính sử dụng tài sản thuê để phục vụ sản xuất, kinh doanh;

c) Bên thuê tài chính có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ tiền thuê tài chính.

Điều 10. Thẩm định và quyết định cho thuê tài chính

1. Bên cho thuê tài chính thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện thuê tài chính của bên thuê tài chính theo quy định tại Điều 5 Thông tư này để xem xét quyết định cho thuê tài chính. Trong quá trình thẩm định, bên cho thuê tài chính được sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, kết hợp với các thông tin tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, các kênh thông tin khác.

2. Bên cho thuê tài chính phải tổ chức xét duyệt cho thuê tài chính theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho thuê tài chính.

3. Trường hợp quyết định không đồng ý cho bên thuê tài chính thuê tài chính, bên cho thuê tài chính phải thông báo cho bên thuê tài chính lý do khi bên thuê tài chính có yêu cầu.

Điều 11. Trả nợ gốc và lãi tiền thuê tài chính

1. Bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính thỏa thuận về kỳ hạn trả nợ gốc và lãi tiền thuê tài chính như sau:

a) Trả nợ gốc, lãi tiền thuê tài chính theo kỳ hạn riêng;

b) Trả nợ gốc và lãi tiền thuê tài chính trong cùng một kỳ hạn.

2. Bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính thỏa thuận về việc trả nợ thuê tài chính trước hạn.

3. Bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền thuê tài chính. Đối với khoản nợ thuê tài chính bị quá hạn trả nợ, bên cho thuê tài chính thực hiện thu nợ gốc trước, thu nợ lãi tiền thuê tài chính sau. Đối với khoản nợ thuê tài chính có một hoặc một số kỳ hạn trả nợ bị quá hạn, bên cho thuê tài chính thực hiện thu nợ theo thứ tự thu nợ gốc đã quá hạn, thu nợ lãi thuê tài chính trên nợ gốc quá hạn chưa trả, thu nợ gốc đến hạn, thu nợ lãi thuê tài chính trên nợ gốc mà đến hạn chưa trả.

Điều 12. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính

Bên cho thuê tài chính xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính trên cơ sở đề nghị của bên thuê tài chính, đánh giá khả năng trả nợ tiền thuê tài chính của bên thuê tài chính và khả năng tài chính của bên cho thuê tài chính như sau:

1. Bên thuê tài chính không có khả năng trả nợ tiền thuê tài chính đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc tiền lãi thuê trong phạm vi thời hạn cho thuê đã thoả thuận và được bên cho thuê tài chính đánh giá là có khả năng trả được đầy đủ nợ gốc và/hoặc tiền lãi thuê theo kỳ hạn trả nợ tiền thuê tài chính được điều chỉnh thì bên cho thuê tài chính xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc tiền lãi thuê phù hợp với nguồn trả nợ của bên thuê tài chính.

2. Bên thuê tài chính không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc tiền lãi thuê đúng thời hạn cho thuê tài chính đã thoả thuận và được bên cho thuê tài chính đánh giá là có khả năng trả được đầy đủ nợ gốc và/hoặc tiền lãi thuê trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho thuê tài chính thì bên cho thuê tài chính xem xét cho gia hạn thời hạn cho thuê tài chính phù hợp với nguồn trả nợ của bên thuê tài chính.

3. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.

Điều 13. Nợ quá hạn

Trường hợp bên thuê tài chính không trả được nợ gốc và/hoặc tiền lãi thuê đúng hạn theo hợp đồng cho thuê tài chính và không được bên cho thuê tài chính chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ, bên cho thuê tài chính thông báo cho bên thuê tài chính về nợ bị quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc và/hoặc số tiền lãi thuê bị quá hạn, thời điểm phát sinh nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn, lãi suất áp dụng đối với số tiền lãi thuê chậm trả.

Điều 14. Bên cho thuê tài chính có các quyền

1. Bên cho thuê tài chính không phải chịu trách nhiệm về việc tài sản cho thuê tài chính không được giao hoặc giao không đúng với các điều kiện do bên thuê thỏa thuận với bên cung ứng.

2. Quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê tài chính của bên cho thuê tài chính không bị ảnh hưởng trong trường hợp bên thuê phá sản, giải thể hoặc có tranh chấp, khởi kiện trước Tòa án liên quan đến một bên thứ ba khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác. Tài sản cho thuê không được coi là tài sản của bên thuê khi xử lý tài sản để trả nợ cho các chủ nợ khác.

3. Có quyền gắn ký hiệu sở hữu của bên cho thuê trên tài sản cho thuê trong suốt thời hạn cho thuê.

4. Có quyền thỏa thuận với bên thuê tài chính về việc thực hiện các biện pháp bảo đảm theo quy định pháp luật.

5. Có quyền yêu cầu bên thuê tài chính báo cáo việc sử dụng tài sản cho thuê tài chính và cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh tài sản cho thuê tài chính được sử dụng đúng mục đích trong thời gian thuê tài chính theo yêu cầu của bên cho thuê tài chính và cung cấp các thông tin khác có liên quan đến bên thuê và tài sản cho thuê theo thỏa thuận.

6. Có quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản cho thuê tài chính, trả nợ của bên thuê tài chính theo quy định.

7. Yêu cầu bên thuê tài chính bồi thường thiệt hại khi bên thuê tài chính vi phạm các điều khoản, điều kiện theo quy định của hợp đồng cho thuê tài chính.

8. Có quyền chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính, thu hồi nợ, tài sản thuê tài chính trước hạn theo thỏa thuận tại hợp đồng cho thuê tài chính.

9. Có quyền thu hồi đối với tài sản cho thuê tài chính bị hỏng không thể phục hồi, sửa chữa và thay thế được, yêu cầu bên thuê tài chính thanh toán tiền thuê còn phải trả theo hợp đồng cho thuê tài chính và các chi phí phát sinh đối với việc thu hồi tài sản cho thuê theo thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê tài chính.

10. Có quyền thu hồi và thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản cho thuê tài chính sau khi kết thúc thời hạn thuê trong trường hợp nếu bên thuê tài chính quyết định không mua hoặc không tiếp tục thuê tài sản quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.

11. Các quyền khác theo quy định của pháp luật và hợp đồng cho thuê tài chính.

Điều 15. Bên cho thuê tài chính có nghĩa vụ

1. Bên cho thuê tài chính có trách nhiệm cung cấp trung thực, chính xác cho bên thuê tài chính trước khi ký hợp đồng cho thuê tài chính về: lãi suất cho thuê tài chính, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn, lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho thuê tài chính đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho thuê tài chính có điều chỉnh, các loại phí và niêm yết công khai mức phí áp dụng để bên thuê tài chính xem xét quyết định việc ký kết hợp đồng cho thuê tài chính.

2. Đánh giá tài sản cho thuê tài chính bao gồm đặc tính kỹ thuật, chủng loại, giá cả, thời hạn giao nhận, lắp đặt, bảo hành; tính khả thi, hiệu quả của phương án và các điều kiện về cho thuê tài chính, mục đích sử dụng tài sản cho thuê và khả năng trả nợ của bên thuê tài chính.

3. Mua, nhập khẩu tài sản cho thuê theo thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng cho thuê tài chính.

4. Đăng ký quyền sở hữu, làm thủ tục mua bảo hiểm đối với tài sản cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật.

5. Bảo đảm cho bên thuê tài chính quyền sử dụng tài sản thuê theo hợp đồng cho thuê tài chính.

6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và hợp đồng cho thuê tài chính.

Điều 16. Bên thuê tài chính có quyền

1. Nhận và sử dụng tài sản thuê tài chính theo quy định của hợp đồng cho thuê tài chính.

2. Quyết định việc mua tài sản hoặc tiếp tục thuê sau khi kết thúc thời hạn thuê.

3. Yêu cầu bên cho thuê tài chính bồi thường thiệt hại khi bên cho thuê tài chính vi phạm các điều khoản, điều kiện theo quy định của hợp đồng cho thuê tài chính.

4. Có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn theo quy định tại hợp đồng cho thuê tài chính.

5. Bên thuê tài chính có thể tu sửa và làm tăng giá trị tài sản thuê nếu có thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê tài chính.

6. Các quyền khác theo quy định của pháp luật và hợp đồng cho thuê tài chính.

Điều 17. Bên thuê tài chính có nghĩa vụ

1. Chịu trách nhiệm đối với việc lựa chọn tài sản thuê, bên cung ứng, các điều khoản, điều kiện liên quan đến tài sản thuê, bao gồm cả đặc tính kỹ thuật, chủng loại, giá cả, thời hạn giao nhận, lắp đặt, bảo hành tài sản thuê và các điều khoản, điều kiện khác có liên quan đến tài sản thuê tài chính.

2. Sử dụng tài sản thuê tài chính đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê tài chính; không được bán, chuyển quyền sử dụng tài sản thuê tài chính cho cá nhân, tổ chức khác trừ trường hợp bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính có thỏa thuận khác trong hợp đồng cho thuê tài chính.

3. Khi thực hiện thuê tài chính với bên cho thuê tài chính, bên thuê tài chính có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu gửi cho bên cho thuê tài chính theo quy định pháp luật có liên quan và hợp đồng cho thuê tài chính, cụ thể:

a) Các thông tin, tài liệu quy định tại Điều 6 Thông tư này khi đề nghị thuê tài chính;

b) Báo cáo, cung cấp các thông tin, tài liệu cho bên cho thuê tài chính để bên cho thuê tài chính thực hiện quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản cho thuê tài chính và trả nợ của bên thuê tài chính trong thời gian thuê tài chính theo quy định.

c) Các thông tin khác theo thỏa thuận tại hợp đồng cho thuê tài chính.

4. Thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền thuê tài chính và các chi phí khác có liên quan đến tài sản thuê tài chính theo quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính.

5. Chịu mọi rủi ro về việc tài sản thuê tài chính bị mất, chịu mọi chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế tài sản thuê tài chính trong thời hạn thuê và chịu trách nhiệm về mọi hậu quả do việc sử dụng tài sản thuê tài chính gây ra đối với tổ chức, cá nhân khác trong quá trình sử dụng tài sản thuê tài chính.

6. Không được tẩy, xóa, làm hỏng ký hiệu sở hữu của bên cho thuê tài chính gắn trên tài sản thuê.

7. Không được dùng tài sản thuê tài chính để thế chấp, cầm cố hoặc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

8. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và hợp đồng cho thuê tài chính.

Điều 18. Hợp đồng cho thuê tài chính

1. Hợp đồng cho thuê tài chính phải được lập thành văn bản phù hợp với các quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự và phải có tối thiểu các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ của bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính;

b) Tên, đặc tính kỹ thuật, chủng loại, giá cả, thời hạn giao nhận, lắp đặt, bảo hành tài sản thuê, chất lượng của tài sản thuê, các điều khoản, điều kiện khác có liên quan đến tài sản thuê;

c) Mục đích sử dụng tài sản thuê;

d) Đồng tiền thuê tài chính, đồng tiền trả nợ;

đ) Tiền thuê tài chính, thời điểm nhận nợ tiền thuê tài chính; mức lãi suất cho thuê tài chính; nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho thuê tài chính đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho thuê tài chính có điều chỉnh; loại phí và mức phí áp dụng; các chi phí theo quy định của pháp luật;

e) Thời hạn cho thuê tài chính và kỳ hạn trả nợ tiền thuê tài chính;

g) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thông báo nợ gốc bị quá hạn, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn, lãi suất áp dụng đối với tiền lãi thuê chậm trả;

h) Việc trả nợ gốc, lãi tiền thuê tài chính và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền thuê tài chính; trả nợ trước hạn;

i) Các trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính chấm dứt trước hạn, thời điểm chấm dứt trước hạn và xử lý các vấn đề phát sinh;

k) Thỏa thuận về các biện pháp đảm bảo thực hiện quyền sở hữu của bên cho thuê tài chính đối với tài sản cho thuê tài chính;

l) Trách nhiệm, xử lý do vi phạm hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên;

m) Phương thức giải quyết tranh chấp;

n) Các nội dung khác của hợp đồng cho thuê tài chính do bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính thỏa thuận phù hợp theo quy định pháp luật.

2. Hợp đồng cho thuê tài chính có hiệu lực từ ngày được các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê tài chính.

3. Việc đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

1. Bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính được thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp bên cho thuê tài chính, bên thuê tài chính không thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê tài chính.

2. Bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính có thoả thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Điều 20. Chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn

1. Hợp đồng cho thuê tài chính có thể chấm dứt trước hạn khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Bên cho thuê tài chính phát hiện bên thuê tài chính cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm nội dung thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa thuận cho thuê tài chính, hợp đồng bảo đảm;

b) Tài sản cho thuê tài chính bị mất, hỏng không thể phục hồi sửa chữa và không thể thay thế được;

c) Bên cho thuê tài chính vi phạm một trong các điều khoản, điều kiện là căn cứ chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính, được quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính;

d) Các trường hợp chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn theo quy định pháp luật và hợp đồng cho thuê tài chính.

2. Bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính quy định cụ thể các trường hợp chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn quy định tại khoản 1 Điều này trong hợp đồng cho thuê tài chính.

Trường hợp nếu một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng cho thuê tài chính thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng. Nội dung thông báo đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và thời điểm chấm dứt hợp đồng trước hạn do các bên thỏa thuận tại hợp đồng cho thuê tài chính phù hợp với quy định pháp luật.

3. Việc xử lý hợp đồng cho thuê tài chính chấm dứt trước hạn thực hiện theo quy định tại Điều 21 Thông tư này và quy định pháp luật có liên quan.

Điều 21. Xử lý hợp đồng cho thuê tài chính chấm dứt trước hạn

1. Trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính chấm dứt trước hạn quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 20 Thông tư này, việc xử lý tiền thuê được thực hiện như sau:

a) Bên thuê tài chính phải thanh toán hết toàn bộ số tiền thuê còn phải trả theo hợp đồng thuê tài chính tính đến thời điểm chấm dứt trước hạn hợp đồng cho thuê tài chính, bao gồm: nợ gốc, tiền lãi thuê, tiền lãi đối với tiền lãi thuê chậm trả (nếu có). Việc thu hồi tiền thuê được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này;

b) Thời điểm bên thuê tài chính phải thanh toán hết toàn bộ số tiền thuê quy định tại điểm a khoản này do các bên thỏa thuận tại hợp đồng cho thuê tài chính. Trường hợp nếu các bên không có thỏa thuận thì thời điểm bên thuê tài chính phải thanh toán hết toàn bộ số tiền thuê còn phải trả theo hợp đồng thuê tài chính là thời điểm chấm dứt trước hạn hợp đồng cho thuê tài chính.

c) Trường hợp bên thuê tài chính không thanh toán được đúng hạn toàn bộ số tiền thuê quy định tại điểm a, điểm b khoản này, bên thuê tài chính phải trả lãi quá hạn đối với số nợ gốc chưa thanh toán, lãi chậm trả đối với số tiền lãi chưa thanh toán theo thỏa thuận tại hợp đồng cho thuê tài chính.

2. Trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính chấm dứt trước hạn quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 20 Thông tư này, việc xử lý tiền thuê thực hiện theo hợp đồng cho thuê tài chính và các quy định pháp luật có liên quan.

3. Việc xử lý tài sản cho thuê tài chính và các vấn đề khác trong hợp đồng cho thuê tài chính trong trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính chấm dứt trước hạn quy định khoản 1 Điều 20 Thông tư này, bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính thực hiện theo quy định tại hợp đồng cho thuê tài chính và quy định pháp luật có liên quan.

Điều 22. Kiểm tra, giám sát cho thuê tài chính

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, bên cho thuê tài chính có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản cho thuê tài chính và trả nợ của bên thuê tài chính; có quyền yêu cầu bên thuê tài chính thuê tài chính báo cáo việc sử dụng tài sản cho thuê tài chính và cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh tài sản cho thuê tài chính được sử dụng đúng mục đích.

2. Đối với khoản cho thuê tài chính có mức giá trị nhỏ quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, bên cho thuê tài chính có quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản cho thuê tài chính và trả nợ của bên thuê tài chính; có quyền yêu cầu bên thuê tài chính báo cáo việc sử dụng tài sản cho thuê tài chính và cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh tài sản cho thuê tài chính được sử dụng đúng mục đích.

Điều 23. Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê tài chính

Trong thời hạn cho thuê tài chính, bên cho thuê tài chính nắm giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê. Bên thuê tài chính được sử dụng bản sao có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc sử dụng tài sản thuê tài chính.

Điều 24. Quy định nội bộ

1. Căn cứ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, bên cho thuê tài chính ban hành quy định nội bộ về cho thuê tài chính, bao gồm quy định về cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử (nếu có), quản lý tài sản cho thuê tài chính phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của bên cho thuê tài chính (sau đây gọi là quy định nội bộ về cho thuê tài chính).

2. Quy định nội bộ về cho thuê tài chính được thực hiện trong toàn hệ thống và phải bảo đảm có cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro trong hoạt động cho thuê tài chính của bên cho thuê tài chính. Quy định này tối thiểu phải có các nội dung sau đây:

a) Tiêu chí xác định một bên thuê tài chính, một bên thuê tài chính và người có liên quan theo quy định, chính sách cho thuê tài chính đối với một bên thuê tài chính, một bên thuê tài chính và người có liên quan, quy định về quy trình thẩm định, phê duyệt và quyết định cho thuê tài chính, nguyên tắc phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thẩm định, quyết định, phê duyệt cho thuê tài chính, cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính đối với bên thuê tài chính;

b) Điều kiện cho thuê tài chính, các trường hợp không được cho thuê tài chính, hạn chế cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật, các loại tài sản không được cho thuê tài chính; lãi suất cho thuê tài chính và phương pháp tính tiền lãi thuê; hồ sơ cho thuê tài chính và các tài liệu của bên thuê tài chính gửi bên cho thuê tài chính phù hợp với đặc điểm của tài sản cho thuê tài chính và đối tượng bên thuê tài chính; thu nợ; điều kiện để được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính, thông báo nợ bị quá hạn;

c) Quy định về việc phân tán rủi ro trong hoạt động cho thuê tài chính; phương pháp theo dõi, quản lý và việc phê duyệt, quyết định cho thuê tài chính đối với một bên thuê tài chính, một bên thuê tài chính và người có liên quan ở mức từ 1% vốn tự có của bên cho thuê tài chính, đảm bảo công khai, minh bạch giữa khâu thẩm định, cho thuê tài chính và cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính, ngăn ngừa xung đột lợi ích giữa người thẩm định, người quyết định cho thuê tài chính và bên thuê tài chính là người có liên quan của những người này;

d) Nguyên tắc, chỉ tiêu đánh giá, xác định mức độ rủi ro cho thuê tài chính đối với các đối tượng bên thuê tài chính, lĩnh vực mà bên cho thuê tài chính ưu tiên hoặc hạn chế cấp tín dụng làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh hàng năm, các biện pháp quản lý rủi ro cho thuê tài chính đối với bên thuê tài chính;

đ) Quy trình kiểm tra, giám sát quá trình cho thuê tài chính, sử dụng tài sản cho thuê tài chính và trả nợ tiền thuê tài chính của bên thuê tài chính (bao gồm cả các khoản cho thuê tài chính có mức giá trị nhỏ), trong đó bao gồm kiểm soát trước, trong và sau khi cho thuê tài chính; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc kiểm tra, giám sát quá trình cho thuê tài chính, sử dụng tài sản thuê tài chính và trả nợ tiền thuê tài chính của bên thuê tài chính;

e) Việc xét duyệt cho thuê tài chính và xét duyệt, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính (bao gồm gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn trả nợ) phải được thực hiện trên nguyên tắc người quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính không là người quyết định cho thuê tài chính trừ trường hợp việc cho thuê tài chính do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên thông qua;

g) Quy định về thực hiện kiểm tra, giám sát tài sản cho thuê tài chính và trả nợ của bên thuê tài chính.

h) Chấm dứt và xử lý hợp đồng cho thuê tài chính chấm dứt trước hạn; miễn, giảm lãi suất, phí;

i) Nhận dạng các loại rủi ro có thể phát sinh trong quá trình cho thuê tài chính (bao gồm cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử); quy trình theo dõi, đánh giá và kiểm soát rủi ro; phương án xử lý rủi ro;

k) Phương án xử lý trường hợp khẩn cấp.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ, công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính gửi quy định nội bộ về cho thuê tài chính cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính) theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử

1. Bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính được lựa chọn thực hiện xét duyệt cho thuê tài chính qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (sau đây gọi là xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử) đối với khoản đề nghị xét duyệt cho thuê tài chính không vượt quá 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng Việt Nam.

Việc thực hiện xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư này; quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; giao dịch điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Bên cho thuê tài chính tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình xét duyệt cho thuê tài chính, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

a) Biện pháp, hình thức, công nghệ được bên cho thuê tài chính lựa chọn phải đảm bảo tiêu chuẩn về an ninh, an toàn, bảo mật theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan;

b) Áp dụng các hình thức xác thực giao dịch điện tử trong quá trình thực hiện xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật liên quan;

c) Lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết đối với các tài liệu, thông tin, dữ liệu nhận biết bên thuê tài chính trong quá trình xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử. Các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, xác thực bên thuê tài chính trong quá trình thực hiện cho thuê tài chính qua phương tiện điện tử; giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Thời gian lưu trữ, bảo quản thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và luật giao dịch điện tử;

d) Thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, bảo mật của biện pháp, hình thức, công nghệ và thực hiện tạm dừng cung cấp dịch vụ để nâng cấp, chỉnh sửa, hoàn thiện trong trường hợp có dấu hiệu mất an toàn;

đ) Phân công trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, bộ phận có liên quan trong xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử và trong việc quản lý, giám sát rủi ro. Trường hợp có rủi ro phát sinh, bên cho thuê tài chính phải có cơ chế để xác định từng cá nhân, bộ phận chịu trách nhiệm và xử lý kịp thời các vấn đề, rủi ro phát sinh để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong quá trình thực hiện cho thuê tài chính qua phương tiện điện tử.

3. Hệ thống thông tin thực hiện xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử phải tuân thủ theo quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Chương III

HOẠT ĐỘNG MUA VÀ CHO THUÊ LẠI

Điều 26. Nguyên tắc mua và cho thuê lại

1. Giao dịch mua và cho thuê lại phải thực hiện thông qua hợp đồng mua tài sản và hợp đồng cho thuê tài chính giữa bên mua và cho thuê lại và bên bán và thuê lại. Hợp đồng mua tài sản có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng cho thuê tài chính có hiệu lực.

2. Trong giao dịch mua và cho thuê lại, bên mua và cho thuê lại nắm giữ quyền sở hữu tài sản cho thuê và cho thuê lại đối với bên bán và thuê lại theo hình thức cho thuê tài chính theo quy định về cho thuê tài chính tại Thông tư này. Việc chuyển quyền sở hữu tài sản từ bên bán và thuê lại sang bên mua và cho thuê lại thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Bên mua và cho thuê lại lựa chọn tài sản và bên bán và thuê lại có khả năng trả nợ để thực hiện giao dịch mua và cho thuê lại an toàn, hiệu quả.

4. Bên mua và cho thuê lại thực hiện mua và cho thuê lại bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ. Việc mua và cho thuê lại được thực hiện bằng ngoại tệ khi:

a) Tài sản mua và cho thuê lại là tài sản cho thuê tài chính được nhập khẩu, và đáp ứng quy định tại Điều 27 Thông tư này;

b) Bên bán và thuê lại đang có dư nợ bằng ngoại tệ tại ngân hàng để nhập khẩu tài sản, hoặc đang còn nợ bằng ngoại tệ chưa thanh toán cho Bên cung ứng nước ngoài;

c) Bên bán và thuê lại sử dụng tài sản mua và cho thuê lại để phục vụ sản xuất, kinh doanh và có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ tiền thuê tài chính;

d) Thanh toán tiền mua tài sản mua và cho thuê lại bằng ngoại tệ:

Bên mua và cho thuê lại tiến hành mua và cho thuê lại khi bên bán và thuê lại xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý về tài sản. Trường hợp ngân hàng hoặc bên cung ứng nước ngoài quản lý, nắm giữ hồ sơ liên quan đến tài sản thì bên mua và cho thuê lại sẽ thanh toán tiền mua sau khi đã thỏa thuận với ngân hàng hoặc bên cung ứng nước ngoài để nhận lại hồ sơ tài sản khi mua lại tài sản mua và cho thuê lại;

Bên mua và cho thuê lại trả trực tiếp tiền mua tài sản mua và cho thuê lại cho ngân hàng hoặc bên cung ứng nước ngoài bằng ngoại tệ tương ứng với giá trị tài sản mua và cho thuê lại. Trường hợp giá mua lại tài sản lớn hơn dư nợ vay ngân hàng hoặc nợ bên cung ứng nước ngoài, bên mua và cho thuê lại trả bên bán và thuê lại phần chênh lệch bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại do hai bên lựa chọn tại ngày thanh toán;

đ) Sau khi bên mua và cho thuê lại thanh toán tiền mua tài sản mua và cho thuê lại, bên bán và thuê lại nhận nợ và thanh toán tiền thuê tài chính bằng ngoại tệ theo quy định hiện hành về cho thuê tài chính.

Điều 27. Tài sản mua và cho thuê lại

Khi thực hiện giao dịch mua và cho thuê lại, tài sản mua và cho thuê lại phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán và thuê lại.

2. Không có tranh chấp.

3. Không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.

4. Đang hoạt động bình thường.

5. Tài sản mua và cho thuê lại là tài sản cho thuê tài chính quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

Điều 28. Hợp đồng mua tài sản

Hợp đồng mua tài sản phải có các nội dung chính sau đây: tên, địa chỉ của các bên; mục đích mua tài sản; mô tả tài sản; giá mua tài sản; phương thức thanh toán; thời gian, địa điểm thực hiện hợp đồng, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền lợi và nghĩa vụ các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng và các nội dung khác theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật về mua bán tài sản.

Điều 29. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch mua và cho thuê lại:

1. Quyền và nghĩa vụ của bên mua và cho thuê lại:

a) Yêu cầu bên bán và thuê lại cung cấp đầy đủ thông tin và tài liệu liên quan đến tài sản (trừ trường hợp ngân hàng hoặc bên cung ứng nước ngoài quản lý, nắm giữ hồ sơ liên quan đến tài sản quy định tại điểm d khoản 4 Điều 26 Thông tư này);

b) Yêu cầu bên bán và thuê lại xuất hóa đơn bán hàng hợp pháp, giao toàn bộ giấy tờ sở hữu và các giấy tờ khác có liên quan của tài sản;

c) Yêu cầu bên bán và thuê lại bồi thường thiệt hại do các tranh chấp phát sinh liên quan đến tài sản và quyền sở hữu tài sản của bên bán và thuê lại;

d) Thanh toán cho bên bán và thuê lại số tiền đã thoả thuận trong hợp đồng mua tài sản;

đ) Thực hiện đúng và đầy đủ các điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng mua tài sản.

2. Quyền và nghĩa vụ của bên bán và thuê lại

a) Nhận tiền bán tài sản do bên mua và cho thuê lại thanh toán theo thoả thuận trong hợp đồng mua tài sản;

b) Cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực tất cả các thông tin, tài liệu, liên quan đến tài sản theo yêu cầu của bên mua và cho thuê lại;

c) Xuất hoá đơn bán hàng hợp pháp, giao toàn bộ giấy tờ sở hữu và các giấy tờ có liên quan của tài sản;

d) Bồi thường cho bên mua và cho thuê lại những thiệt hại phát sinh do các tranh chấp liên quan đến tài sản và quyền sở hữu tài sản của bên bán và thuê lại;

đ) Thực hiện đúng và đầy đủ các điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng mua tài sản.

3. Ngoài quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1, 2 Điều này, bên mua và cho thuê lại và bên bán và thuê lại còn có các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 30. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế có trách nhiệm:

a) Theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện hoạt động cho thuê tài chính theo quy định tại Thông tư này;

b) Đầu mối xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính theo quy định tại Thông tư này;

2. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm:

a) Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động cho thuê tài chính theo chức năng, nhiệm vụ;

b) Phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế trong việc xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh.

3. Vụ Tài chính - Kế toán có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện chế độ hạch toán kế toán đối với hoạt động cho thuê tài chính.

4. Cục Công nghệ thông tin có trách nhiệm hướng dẫn quy định về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai xét duyệt cho thuê tài chính bằng phương tiện điện tử của công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính.

5. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động cho thuê tài chính của các công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính quy định tại Thông tư này theo thẩm quyền.

6. Trách nhiệm của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam:

a) Tiếp nhận và tổng hợp thông tin về cho thuê tài chính do các công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính cung cấp;

b) Cung cấp thông tin về hoạt động cho thuê tài chính của các công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính theo quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 31. Quy định chuyển tiếp

Đối với các hợp đồng cho thuê tài chính được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng cho thuê tài chính. Trường hợp sửa đổi, bổ sung, hợp đồng cho thuê tài chính phải phù hợp với các quy định của Thông tư này.

Điều 32. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Điều 33. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công ty tài chính tổng hợp, Công ty cho thuê tài chính chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 33;
- Ban lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử NHNN;
- Lưu: VT, PC, TDCNKT (5b).

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đào Minh Tú

THE STATE BANK OF VIETNAM
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 26/2024/TT-NHNN

Hanoi, June 28, 2024

 

CIRCULAR

PROVIDING FOR FINANCE LEASING ACTIVITIES OF GENERAL FINANCE COMPANIES AND FINANCE LEASING COMPANIES

Pursuant to the Law on the State Bank of Vietnam dated June 16, 2010;

Pursuant to the Law on Credit Institutions dated January 18, 2024;

Pursuant to the Government’s Decree No. 102/2022/ND-CP dated December 12, 2022 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the State Bank of Vietnam;

At the request of the Director General of the Department of Credit for Economic Sectors;

The Governor of the State Bank of Vietnam hereby promulgates a Circular providing for finance leasing activities of general finance companies and finance leasing companies.

Chapter I

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 1. Scope

This Circular provides for finance leasing activities of general finance companies and finance leasing companies.

Article 2. Regulated entities

1. General finance companies and finance leasing companies specified under the Law on Credit Institutions.

2. Organizations and individuals engaged in finance leasing activities of general finance companies and finance leasing companies specified in clause 1 of this Article.

Article 3. Definitions

For the purposes of this Circular, the terms below shall be construed as follows:

1. “finance leasing” means the extension of medium and long-term credit under a finance leasing contract between a finance lessor and a finance lessee. The finance lessor purchases finance leased assets at the request of the finance lessee and takes over ownership of the finance leased assets during the lease term. The finance lessee uses the finance leased assets and pays rentals therefor throughout the lease term under the finance leasing contract.

2. “finance leased assets” include machinery, equipment, tools, means of transport (except ships and aircraft carrying persons) that are not included in the list of those prohibited from purchase, sale, export and import as prescribed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. finance lessee” (hereinafter referred to as “lessee”) (including the seller and sublessee in the form of finance leasing) means an organization or individual conducting that conducts activities in Vietnam and directly uses the leased assets for the purposes as agreed upon in the finance leasing contract.

5. “finance leasing contract” means an agreement signed between a lessor and a lessee on finance leasing of one or more leased assets in accordance with this Circular and relevant regulations of law. The finance leasing contract is irrevocable.

6. “rental” means an amount payable by a lessee to a lessor as agreed upon in a finance leasing contract.  Rentals consist of:

a) Principal debt determined at the purchase price of a finance leased asset and legitimate costs related to the purchase of that asset for finance leasing;

b) Rental interest determined according to regulations of the State Bank of Vietnam (hereinafter referred to as “SBV”) on methods for calculation and accounting of interest collections and payments of credit institutions.

7. “purchase and sublease in the form of finance leasing” (hereinafter referred to as “purchase and sublease”) means that a lessor being a finance leasing company purchases finance leased assets under clause 2 of this Article which are owned by a lessee and subleases such assets to the lessee in the form of finance leasing so as for the lessee to keep using the assets to serve their activities. In the purchase and sublease transactions, the lessee is also the supplier of financed assets.

8. “finance lease term” means a period from the time the lessee begins to owe the rental to the time the rental is fully paid as specified in the finance leasing contract.

9. “time of beginning to owe the rental” means the date on which the lessee receives the leased asset or the date on which the lessor makes the first payment to the supplier of the leased asset, whichever comes first.

10.  “rental repayment term” means the periods of the finance lease term agreed upon between the lessor and the lessee at the end of each period over which the lessee has to repay the rental in part or in full to the lessor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Adjustment of the rental repayment term means the lessor agreeing to extend a period of time to partially or fully pay the loan principal and/or interest of the repayment term during the agreed finance lease term without changing the finance lease term;

b) Extension of debt means the lessor agreeing to extend the loan principal and/or interest for a period exceeding the agreed finance lease term.

12. “small-value finance leasing amount” means a finance leasing amount prescribed in clause 2 Article 102 of the Law on Credit Institutions not exceeding VND 100,000,000 (one hundred million).

Article 4. Finance leasing principles

The finance lease by a lessor to a lessee shall adhere to the agreement between the lessor and the lessee and conform to this Circular and other relevant regulations of law.

Chapter II

FINANCE LEASING ACTIVITIES

Article 5. Conditions applicable to lessees

1. The lessor shall consider and decide finance leasing when the lessee fully meets the following conditions, except for the case specified in clause 2 of this Article:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) They rent finance leased assets for lawful purposes;

c) They have a feasible plan to use finance leased assets;

d) They have financial capacity to ensure their fulfillment of obligations under the finance leasing contract;

dd) For Vietnamese and foreign organizations, the finance lease term must not exceed the remaining operating period according to the establishment decision or license for operation in Vietnam; for foreign individuals, the finance lease term must not exceed the remaining period of permitted residence in Vietnam.

2. The lessor shall consider and decide the grant of a small-value financial lease amount as prescribed in clause 12 Article 3 of this Circular when the lessee meets at a minimum, the conditions specified in points a, b, d and dd clause 1 of this Article.

Article 6. Applications for finance leasing

The lessee shall send an application form for finance leasing and the following documents to the lessor:

1. Documents proving the satisfaction of the conditions for finance leasing prescribed in Article 5 of this Circular.

2. Information about the related person(s) of the lessee, including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Information about person(s) related to the lessee in accordance with the Law on Credit Institutions in case, at the time of applying for finance leasing, the lessee has a balance of credit extension at the lessor (including the principal amount proposed for finance leasing) greater than or equal to 0.5% of the lessor's equity at the end of the latest working day. In case the lessor’s equity is a negative number, the abovementioned percentage shall apply to their charter capital.

3. Information about the related person(s) of the lessee specified in clause 2 of this Article, consisting of:

a) Information about the related person(s) who is an individual(s), including full name; personal identification number, for Vietnamese citizens; nationality, passport number, date of issue and place of issue, for foreigners; relationship with the lessee;

b) Information about the related person(s) that is an organization(s), including name, enterprise identification number, head office address of the enterprise, enterprise registration certificate number or equivalent legal documents, for organizations other than enterprises; legal representative, and relationship with the lessee.

4. The lessor shall instruct the lessee to provide information and documents specified in this Article.

Article 7. Finance leasing interest rate

1. The lessor and the lessee shall agree to the finance leasing interest rate in accordance with law. The finance leasing interest rate shall be expressed as %/year.

2. When the payment is due and the lessee fails to pay or fully pay the loan principal and/or interest under the finance leasing contract, the lessee must pay the rental interest as follows:

a) The leasing interest on the principal is charged at the agreed finance leasing interest rate in proportion to the lease term during which repayment of that principal due has not been made;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Leasing interest on the overdue outstanding amount of principal in proportion to the period of late payment at the overdue interest rate shall be agreed upon by the lessor and the lessee under the finance leasing contract but must not exceed 150% of the leasing interest rate immediately applicable before the overdue date for that outstanding amount of principal.

3. Where the adjusted finance leasing interest rate is applied, the lessor and the lessee must agree to the principles and factors for determination of the adjusted interest rate, and the time of adjustment to the finance leasing interest rate. In cases where referring to factors for determination of the adjusted interest rate results in finance leasing interest rates, the lessor shall apply the lowest finance leasing interest rate.

Article 8. Fees related to finance leasing activities

The lessor and the lessee shall agree to collect fees related to finance leasing activities, including:

1. Agreement fee for signing a finance leasing syndication contract between the lessors participating in the finance leasing syndication and the lessee. The fee for arranging a finance leasing syndication contract shall be agreed upon by the lessor and the lessee.

2. Fee for making a commitment to finance leasing (charged from the time the finance leasing contract comes into force to the time the lessee receives finance lease debt).

3. Exit fee (paid by the lessee for repayment of debt before the due date).

4. Other fees related to finance leasing activities which are specified in relevant legislative documents.

Article 9. Currencies used in finance leasing

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Finance leasing in a foreign currency must comply with the following requirements:

a) The lessor pays for the import of finance leased assets to the supplier in a foreign currency; the lessee receives debt and pays the rental in that foreign currency;

b) The lessee uses the leased assets to serve their production and business;

c) The lessee has enough foreign currency from production and business revenue to repay the rental debt.

Article 10. Appraisal and finance leasing decisions

1. The lessor shall appraise the lessee’s ability to satisfy the conditions for finance leasing under Article 5 of this Circular to consider making finance leasing decisions. In the course of such appraisal, the lessor may use the internal credit rating system associated with information available at the National Credit Information Center of Vietnam and other communications channels.

2. The lessor must establish finance leasing approval procedures according to the principle of assignment of responsibilities in the appraisal and decision-making stages.

3. In the event of rejection of the finance lease, the lessor shall notify the lessee of the reason therefor at the latter’s request.

Article 11. Repayment of rental principal and interest

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Separate terms for repayment of rental principal and interest;

b) Same terms for repayment of rental principal and interest.

2. The lessor and lessee shall agree upon the repayment of rental principal and interest prior to the due date.

3. The lessor and lessee may agree on the order of collection of the rental principal and interest. With respect to a rental loan overdue, the lessor shall recover the rental principal first and the rental interest later.  With respect to a rental loan for which one or more payment are past due, the lessor shall collect debts in the following order: overdue principal amount, unpaid interest on overdue principal amount, principal amount due, interest on the principal amount that has not been paid when due.

Article 12. Rental rescheduling

A lessor may consider and decide the rental rescheduling at the lessee’s request and depending on results of assessment of the lessee’s capability to repay rental and the lessor’s financial capability as follows:

2. If the lessee is incapable of paying off their rental principal and/or interest in full within the agreed finance lease term and is assessed by the credit institution as having capability to fully repay the rental principal and/or interest within a specified period of time following the said finance lease term, the lessor shall consider extending the term for repayment of that principal and/or interest as appropriate to the lessee’s source of financing for debt payment.

3. The rental rescheduling shall be performed prior to or within 10 (ten) days from the agreed date on which debt repayment is due.

Article 13. Overdue debts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 14. Rights of lessors

1. Not to take responsibility for the finance leased assets not delivered or delivered in contravention of the conditions agreed upon by the lessee and the supplier.

2. To have their ownership of finance leased assets not affected in case the lessee goes bankrupt, is dissolved or involved in a dispute or lawsuit at court related to a third party, unless otherwise prescribed by law or agreed upon by the parties. Leased assets are not regarded as assets of the lessee upon the disposal of assets for payment of debts to other creditors.

3. To affix their ownership signs to leased assets throughout the lease term.

4. To agree with the lessee about the adoption of security interests in accordance with regulations of law.

5. To request the lessee to report their use of finance leased assets, provide documents and data proving that the finance leased assets are used for their intended purposes during the lease term at the lessor’s request and provide other information relating to the lessee and leased assets as agreed.

6. To examine and supervise the use of finance leased assets and the debt repayment by the lessee as prescribed.

7. To request the lessee to pay compensation when the latter violates terms and conditions of the finance leasing contract.

8. To terminate the finance leasing contract, recover debts and leased assets ahead of schedule as agreed upon in the finance leasing contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. To recover and exercise the rights of the owners of leased assets after the lease term expires in case the lessee decides not to buy or continue to rent the assets specified in clause 2 Article 16 of this Circular.

11. Other rights prescribed by law and finance leasing contracts.

Article 15. Obligations of lessors

1. To assume responsibility for truthfully and accurately providing the following information to the financial lessee before signing a finance leasing contract: finance leasing interest rate, interest rates charged for overdue principal balance, late payment interest; principles, factors and time for determination of finance leasing interest rates in case of applying adjusted finance leasing interest rates, fees and open posting of applicable fees for the lessee to consider and decide the signature of the finance leasing contract.

2. To assess the leased assets, including their technical specifications, types, prices, time of delivery, installation and warranty; feasibility and efficiency of plans and conditions for finance leasing, purposes of leased assets and lessee’s capability to pay debts.

3. To purchase and import leased assets agreed upon by both parties under a finance leasing contract.

4. To register the ownership of, and initiate procedures for buying insurance for, leased assets in accordance with law.

5. To guarantee the lessee the right to use leased assets under the finance leasing contract.

6. Other obligations prescribed by law and finance leasing contracts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. To receive and use leased assets according to regulations laid down under the finance leasing contract.

2. To decide to purchase or continue to lease assets after the expiry of the lease term.

3. To request the lessor to pay compensation for their violation of terms and conditions of the finance leasing contract.

4. To terminate the finance leasing contract early as agreed upon in the finance leasing contract.

5. To repair and increase the value of the leased assets if agreed in the finance leasing contract.

6. Other rights prescribed by law and finance leasing contracts.

Article 17. Obligations of lessees

1. Assume responsibility for the selection of leased assets, suppliers, terms and conditions relating to the leased assets, including their technical specifications, types, prices, time of delivery, installation and warranty and other terms and conditions relating to the leased assets.

2. To use leased assets for their intended purposes as agreed upon in the finance leasing contract; to refrain from selling or transferring the right to use leased assets to other individuals and organizations, unless otherwise agreed between the lessor and the lessee in the finance leasing contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Information and documents specified in Article 6 of this Circular when applying for finance leasing;

b) Reporting and providing information and data to the lessor so as for them to exercise their rights and obligations to examine and supervise the use of leased assets and debt repayment by the lessee during the lease term as prescribed;

c) Other information as agreed upon under the finance leasing contract.

4. To pay rentals and other costs related to leased assets in full and on schedule under regulations of the finance leasing contract.

5. To incur all risks of loss of leased assets and all costs of maintenance, repair or replacement of leased assets throughout the lease term and take responsibility for all consequences caused by the use of leased assets to other organizations and individuals in the course of using leased assets.

6. To refrain from erasing or damaging lessor’s ownership signs affixed to leased assets.

7. To refrain from using leased assets for mortgage, pledge or use as security for performance of obligations.

8. Other obligations prescribed by law and finance leasing contracts.

Article 18. Finance leasing contracts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Names and addresses of the lessor and the lessee;

b) Name, technical specifications, type, prices, time of delivery, installation and warranty of the leased asset, quality of the leased asset and other terms and conditions relating to the leased asset;

c) Purposes of the leased asset;

d) Currency used in finance leasing and debt repayment;

dd) Rentals, time of beginning to owe the rentals; finance leasing interest rate; principles, factors and time for determination of the finance leasing interest rates in case of applying adjusted finance leasing interest rates; types and rates of fees; costs as prescribed by law;

e) Lease term and rental repayment term;

g) Rental rescheduling, notification of overdue principals, interest rate charged for overdue outstanding amount of principal, interest rate charged for the late payment interest amount;

h) The repayment of rental principal and interest and the order of recovery of rental principal and interest; payment of debt ahead of schedule;

i) Cases where the finance leasing contract is terminated early, time of early termination and handling of issues that arise;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



l) Responsibility and actions against breach of contract, rights and obligations of the parties;

m) Method of dispute settlement;

n) Other contents of the finance leasing contract as agreed upon by the lessor and the lessee in accordance with regulations of law.

2. Effective date of the finance leasing contract shall be agreed upon by the parties.

3. Registration of the finance leasing contract shall comply with regulations of law.

Article 19. Penalties for breach and compensation for damage

1. The lessor and the lessee are entitled to agree on penalties for breach and compensation for damage in accordance with regulations of law in case either of them fails to comply with the agreements in the finance leasing contract.

2. The lessor and the lessee may agree that a party breaching an obligation must only be subject to a penalty for breach without having to compensate damage or must be subject to a penalty for breach and also compensate for damage.

Where the lessor and the lessee have agreed on penalties for breach but do not have an agreement on both penalties for breach and compensation for damage, the party breaching an obligation is required to be subject to the penalty for breach only.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A finance leasing contract may be terminated early in any of the following cases:

a) The lessor discovers that the lessee has provided untruthful information, breaching the finance leasing contract or agreement or guarantee contract;

b) The finance leased asset is lost or damaged beyond repair and cannot be replaced;

c) The lessor breaches one of the terms and conditions that are grounds for terminating the finance leasing contract, as stipulated in the finance leasing contract;

d) Cases of early termination of the finance leasing contract according to regulations of law and finance leasing contract.

2. The lessor and the lessee shall specify cases of early termination of the finance leasing contract ahead specified in clause 1 of this Article in the finance leasing contract.

In case one party unilaterally terminates the finance leasing contract, the party that unilaterally terminates the finance leasing contract must immediately notify the other party of the contract termination. Contents of the notice of unilateral termination of contract and the time of early contract termination shall be agreed upon by the parties in the finance leasing contract in accordance with regulations of law.

3. Actions taken in case of early termination of a contract are specified in Article 21 of this Circular and relevant regulations of law.

Article 21. Actions taken in case of early termination of finance leasing contracts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The lessee must fully pay remaining rental payable under the finance leasing contract prior to the date of early termination of the finance leasing contract, including: principal, rental interest, and interest charged for late payment interest (if any). Rentals shall be recovered in accordance with clause 3 Article 11 of this Circular;

b) The time the lessee must pay the entire rental amount specified in point a of this clause shall be agreed upon by the parties to the finance leasing contract. In case the parties do not reach an agreement, the time the financial lessee must pay all remaining rental payable under the finance leasing contract is the time of early termination of the finance leasing contract.

c) If the lessee fails to make due payment of the entire rental amount specified in points a and b of this clause, that lessee must pay overdue interest charged for the unpaid principal and late payment interest for unpaid interest as agreed in the finance leasing contract.

2. In case the finance leasing contract is terminated early under points c and d clause 1 Article 20 of this Circular, the rental payment shall be made under the finance leasing contract and relevant regulations of law.

3. Disposal of finance leased assets and handling of other issues arising from a finance leasing contract in case the finance leasing contract is terminated early as specified in clause 1 Article 20 of this Circular, the lessor and the lessee shall comply with the provisions set out under the finance leasing contract and relevant regulations of law.

Article 22. Examination and supervision of finance leasing

1. Except for the cases specified in clause 2 of this Article, the lessor has the right and obligation to examine and supervise the use of finance leased assets and debt repayment by the lessee; has the right to request the lessee to report the use of finance leased assets and provide documents and data proving that the finance leased assets are used for their intended purposes.

2. For a small-value financial leasing amount specified in clause 2 Article 5 of this Circular, the lessor has the right to examine and supervise the use of finance leased assets and debt repayment by the lessee; has the right to request the lessee to report the use of finance leased assets and provide documents and data proving that the finance leased assets are used for their intended purposes.

Article 23. Certificates of ownership of finance leased assets

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 24. Internal regulations

1. Pursuant to the Law on Credit Institutions, this Circular and relevant regulations of law, the lessor shall issue internal regulations on finance leasing, including regulations on finance leasing by electronic means (if any), management of leased assets as appropriate to the characteristics of their business activities (hereinafter referred to as “internal regulations on finance leasing”).

2. Internal regulations on finance leasing shall be applied to the entire system and must contain a mechanism for control, internal audit and risk management in finance leasing activities of the lessor. Such regulations must at least include the following details:

a) Criteria for determining a lessee, a lessee and their related person(s) as per regulations and finance leasing policies applicable to a lessee, a lessee and their related person(s), regulations on the process of appraisal, approval and decision on finance leasing, principles of decentralization, authorization and responsibilities of each individual and department for the appraisal, decision and approval of finance leasing and rental rescheduling towards the lessee;

b) Conditions for finance leasing, cases where finance leasing is not permitted or is restricted as prescribed by law, types of assets not permitted for finance leasing; finance leasing interest rates and rental interest calculation methods; applications for finance leasing and documents sent by the finance lessee to the lessor as appropriate to the characteristics of the finance leased assets and the lessees; debt collection; conditions to be considered for rental rescheduling, notification of overdue debt;

c) Regulations on risk dispersion in finance leasing activities; methods of monitoring, managing and approving and deciding finance leasing for a lessee, a lessee and their related person(s) at a level 1% or more of the lessor's equity, ensuring publicity and transparency in the stages of appraisal, finance leasing and rental rescheduling, preventing conflicts of interest between finance leasing appraisers, decision makers and the lessees that are related persons of such appraisers and decision makers;

d) Principles and criteria for assessing and determining the level of finance leasing risk to lessees, areas which the lessor prioritizes or those restricted from credit extension to form a basis for formulating annual business plans and strategies, measures to manage finance leasing risks to lessees;

dd) Procedures for examining and supervising the finance leasing process, use of finance leased assets and repayment of rentals by the lessee (including small-value financial leasing amount), which contain control before, during and after finance leasing; decentralization, authorization and responsibilities of each individual and department for examining and supervising the finance leasing process, use of finance leased assets and repayment of rentals by the lessee;

e) Considering approval of finance leasing, considering approval of and deciding rental rescheduling (including debt extension and adjustment of the repayment term) must adhere to the principle that the person deciding rental rescheduling is not the person who decides finance leasing unless the finance leasing is approved by the Board of Directors and Board of Members;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Early termination of finance leasing contracts and actions taken in case of early termination; exemption or reduction of interest rates and fees;

i) Identification of risks that may arise during the finance leasing process (including finance leasing by electronic means); the process of monitoring, assessment and control of risks; risk management plans;

k) A plan for handling emergencies.

3. Within 10 days from the date of issuing new or amended internal regulations, general finance companies and finance leasing companies shall send them to SBV (the Banking Supervision Agency and SBV branches of provinces and cities where they are headquartered) in accordance with regulations of law.

Article 25. Considering approval of finance leasing by electronic means

1. The financial lessor and the lessee may choose to consider approval of finance leasing through the use of electronic means (hereinafter referred to as “considering approval of finance leasing by electronic means”) for the amount proposed for finance leasing approval not exceeding VND 500,000,000 (five hundred million).

Approval of finance leasing by electronic means shall be considered in line with regulations of this Circular; law on anti-money laundering; e-transactions; personal data protection; safety and security for providing online services in the banking industry and relevant regulations of law.

2. The lessor shall decide its own measures, methods and technologies for considering approval of finance leasing by electronic means for all or each stage in the finance leasing approval process, and shall bear all risks that arise (if any) and must, at a minimum, meet the following requirements:

a) Measures, methods and technologies chosen by the lessor must comply with security, safety and confidentiality standards according to SBV’s regulations and relevant regulations of law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Adequate and detailed documents, information, and data identifying the lessee during the process of considering approval of finance leasing by electronic means must be stored and preserved. Information and data must be stored safely, securely, and backed up, ensuring the adequacy and integrity of the data to serve the examination, comparison, and authentication of the lessee in the process of finance leasing by electronic means; handling of tracing requests, complaints and disputes and provision of information at competent authorities’ request. The period of storage and preservation shall comply with regulations of law on anti-money laundering and law on e-transactions;

d) Safety and security levels of measures, methods, and technologies must be inspected and assessed and services must be suspended for upgradation, editing or improvement in case of any safety threat;

dd) Specific responsibility shall be delegated to each individual or department involved in considering approval of finance leasing by electronic means for the management and control of risks. In case a risk arises, the lessor must have a mechanism to identify each responsible individual and department and promptly handle any issue or risk that arises to ensure efficiency and safety in the process of finance leasing by electronic means.

3. The information system for considering approval of finance leasing by electronic means must comply with regulations on ensuring information system security at level 3 or higher according to the Government’s regulations on assurance of security of information systems by classification and SBV’s regulations on security of information systems in banking activities.

Chapter III

PURCHASE AND SUBLEASE

Article 26. Principles of purchase and sublease

1. Purchase and sublease transactions must be conducted through an asset purchase contract and finance leasing contract between the purchaser and sublessor, the seller and sublessee. The asset purchase contract takes effect from the effective date of the finance leasing contract.

2. In the purchase and sublease transaction, the purchaser and sublessor hold the ownership of the leased and subleased assets to the seller and sublessee in the form of finance leasing in accordance with regulations on finance leasing enshrined in this Circular. The transfer of asset ownership from the seller and sublessee to the purchaser and sublessor shall be carried out as per regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The purchaser and sublessor shall carry out purchase and sublease in VND or foreign currency. The purchase and sublease shall be carried out in a foreign currency when:

a) Assets purchased and subleased are finance leased assets which are imported and meet the requirements in Article 27 of this Circular;

b) The seller and sublessee currently have outstanding debt in the foreign currency at a bank to import assets, or have outstanding debt in the foreign currency that has yet to be paid to the foreign supplier;

c) The seller and sublessee use the purchased and subleased assets to serve their production and business and have enough foreign currency from production and business revenue to pay the rental debt;

d) Payment for purchased and subleased assets in foreign currency:

The purchaser and sublessor proceed to purchase and sublease when the seller and sublessee present complete legal documents about the assets. In case a bank or foreign supplier manages and holds asset-related dossiers, the purchaser and sublessor shall pay for the assets purchased after agreeing with the bank or foreign supplier to receive asset-related dossiers when repurchasing purchased and sub-leased assets;

The purchaser and sublessor shall directly pay for the purchased and subleased assets to the bank or foreign supplier in the foreign currency corresponding to the value of the purchased and subleased assets. In case the asset repurchase price is greater than outstanding balance on the loan granted by the bank or debt owed to the foreign supplier, the purchaser and sublessor shall pay the seller and sublessee the difference in VND at the exchange rate of the commercial bank chosen by both parties at the payment date;

dd) After the purchaser and sublessor pay for the purchased and sub-leased assets, the seller and sublessee shall owe the debt and pay the rentals in foreign currency in accordance with applicable regulations on finance leasing.

Article 27. Purchased and subleased assets

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Be under legal ownership of the seller and sublessee.

2. Not be involved in any dispute.

3. Not be used to secure the performance of other obligations.

4. Be in normal operation.

5. Be finance leased assets specified in clause 2 Article 3 of this Circular;

Article 28. Asset purchase contracts

An asset purchase contract must contain the following main details: names and addresses of the parties; purpose of purchasing the asset; asset description; asset purchase price; payment methods; time and place of contract performance, method of contract performance; rights and obligations of the parties; liability for breach of contract, penalties for breach of contract and other details as agreed in accordance with regulations of law on asset purchase and sale.

Article 29. Rights and obligations of the parties to purchase and sublease transactions

1. Purchasers and sublessors have the right and obligation to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Request sellers and sublessees to issue legal sales invoices, hand over all ownership documents and other relevant documents of the assets;

c) Request sellers and sublessees to compensate for damage caused by disputes related to the assets and asset ownership of sellers and sublessees;

d) Pay sellers and sublessees the amount as agreed in asset purchase contracts;

dd) Properly and fully comply with the terms agreed in asset purchase contracts.

2. Sellers and sublessees have the right and obligation to:

a) Receive proceeds from the sale of assets paid by purchasers and sublessors as agreed in asset purchase contracts;

b) Provide fully, accurately, and truthfully all information and documents related to the assets at the request of purchasers and sublessors;

c) Issue legal sales invoices, hand over all ownership documents and relevant documents of the assets;

d) Compensate purchasers and sublessors for damage caused by disputes related to the assets and asset ownership of sellers and sublessees;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. In addition to the rights and obligations specified in clauses 1 and 2 of this Article, purchasers and sublessors, sellers and sublessees have other rights and obligations as per relevant regulations of law.

Chapter IV

IMPLEMENTATION

Article 30. Responsibilities of units affiliated to SBV

1. The Department of Credit for Economic Sectors shall:

a) Monitor and examine the finance leasing in accordance with this Circular;

b) Act as a conduit to resolve difficulties that arise from finance leasing activities as per this Circular;

2. The Banking Supervision Agency shall:

a) Examine, inspect and supervise finance leasing activities according to its function and tasks;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The Department of Finance and Accounting shall instruct credit institutions and foreign bank branches to impose accounting regimes applicable to finance leasing activities.

4. The Department of Information Technology shall provide guidance on application of information technology to considering approval of finance leasing by electronic means by general finance companies and finance leasing companies.

5. SBV branches of provinces and central-affiliated cities shall supervise, examine and inspect finance leasing activities of general finance companies and finance leasing companies specified in this Circular within their power.

6. The National Credit Information Center of Vietnam shall:

a) Receive and consolidate information about finance leasing provided by general finance companies and finance leasing companies;

b) Provide information about finance leasing activities of general finance companies and finance leasing companies in accordance with regulations on credit information activities of SBV.

Article 31. Transitional clause

For any finance leasing contract signed before the effective date of this Circular, the lessor and the lessee may continue to comply with the signed agreements until the expiration of the finance leasing contract. In case of any amendment, the finance leasing contract must comply with the provisions of this Circular.

Article 32. Effect

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 33. Organizing implementation

Chief of Office, Director General of Department of Credit for Economic Sectors, heads of units affiliated to SBV, Directors of SBV branches of provinces and central-affiliated cities, general finance companies and finance leasing companies shall organize the implementation of this Circular./.

 

 

PP. THE GOVERNOR
THE DEPUTY GOVERNOR




Dao Minh Tu

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 26/2024/TT-NHNN ngày 28/06/2024 quy định về hoạt động cho thuê tài chính của công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.729

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.212.153
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!