Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 16/2022/TT-NHNN lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Số hiệu: 16/2022/TT-NHNN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Người ký: Đào Minh Tú
Ngày ban hành: 30/11/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Các loại giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước

Nội dung đề cập tại Thông tư 16/2022/TT-NHNN ngày 30/11/2022 quy định về lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, các loại giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước bao gồm:

- Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước;

- Trái phiếu Chính phủ;

- Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn;

- Trái phiếu chính quyền địa phương được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thống đốc trong từng thời kỳ; (Nội dung mới)

- Trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho TCTD bán nợ để mua nợ xấu theo giá thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam; (Nội dung mới)

- Trái phiếu được phát hành bởi NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các NHTM đã được mua bắt buộc); trái phiếu được phát hành bởi TCTD (trừ các TCTD được kiểm soát đặc biệt) và doanh nghiệp khác. (Nội dung mới)

- Các loại giấy tờ có giá khác do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ.

Thông tư 16/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/01/2023 và thay thế Thông tư 04/2016/TT-NHNN ngày 15/4/2016.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2022/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2022

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC LƯU KÝ VÀ SỬ DỤNG GIẤY TỜ CÓ GIÁ TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về nghiệp vụ phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương;

Căn cứ Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao dịch;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước.

2. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi tắt là thành viên).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Giấy tờ có giá bao gồm: giấy tờ có giá loại ghi sổ (dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử) và giấy tờ có giá loại chứng chỉ.

2. Lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước là hoạt động nhận ký gửi, bảo quản, chuyển giao và thực hiện các quyền liên quan đến sở hữu giấy tờ có giá do thành viên trực tiếp lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước hoặc lưu ký tại Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (sau đây gọi tắt là VSDC) nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích liên quan đến giấy tờ có giá của người sở hữu và thực hiện một số nghiệp vụ tại Ngân hàng Nhà nước.

3. Chuyển giao giấy tờ có giá giữa các bên trong giao dịch sử dụng giấy tờ có giá là việc chuyển khoản đối với giấy tờ có giá loại ghi sổ hoặc bàn giao, kiểm đếm và ghi nhận vào hệ thống kế toán đối với giấy tờ có giá loại chứng chỉ. Chuyển giao giấy tờ có giá có thể bao gồm hoặc không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá.

4. Tài khoản tự doanh là tài khoản do VSDC mở cho thành viên lưu ký của VSDC hoặc tổ chức được mở tài khoản tại VSDC để quản lý giấy tờ có giá thuộc sở hữu của chính thành viên lưu ký hoặc của tổ chức được mở tài khoản tại VSDC.

5. Tài khoản môi giới là tài khoản do VSDC mở cho thành viên lưu ký của VSDC hoặc tổ chức được mở tài khoản tại VSDC để quản lý giấy tờ có giá thuộc sở hữu khách hàng của thành viên lưu ký hoặc khách hàng của tổ chức được mở tài khoản tại VSDC.

6. Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước gồm Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đang quản lý và Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước lưu ký tại VSDC.

Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đang quản lý là tài khoản nội bộ của Ngân hàng Nhà nước để lưu ký giấy tờ có giá thuộc sở hữu của Ngân hàng Nhà nước.

Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước lưu ký tại VSDC là tài khoản thuộc loại tự doanh được VSDC mở theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để lưu ký giấy tờ có giá thuộc sở hữu của Ngân hàng Nhà nước.

7. Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC là tài khoản thuộc loại môi giới được VSDC mở theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để phong tỏa và lưu ký giấy tờ có giá thuộc sở hữu của thành viên nhằm thực hiện một số nghiệp vụ tại Ngân hàng Nhà nước.

8. Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký là tài khoản Ngân hàng Nhà nước mở để theo dõi lưu ký giấy tờ có giá của thành viên. Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký gồm Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước và Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng lưu ký trên Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC.

Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước là tài khoản Ngân hàng Nhà nước mở theo yêu cầu của thành viên để lưu ký giấy tờ có giá trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước.

Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng lưu ký trên Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC là tài khoản VSDC mở theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để lưu ký giấy tờ có giá của thành viên tại VSDC.

9. Tài khoản giấy tờ có giá lưu ký cho mục đích cầm cố là tài khoản nội bộ của Ngân hàng Nhà nước mở cho thành viên để quản lý giấy tờ có giá theo đề nghị cầm cố, ký quỹ của thành viên khi tham gia một số nghiệp vụ thị trường tiền tệ.

10. Tài khoản giấy tờ có giá lưu ký cho mục đích cấp tín dụng trên thị trường liên ngân hàng là tài khoản nội bộ của Ngân hàng Nhà nước mở cho thành viên để phong tỏa giấy tờ có giá trong giao dịch cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá giữa các thành viên trên thị trường liên ngân hàng.

Điều 4. Điều kiện, mệnh giá và mã giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước

1. Các loại giấy tờ có giá bao gồm:

a) Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước;

b) Trái phiếu Chính phủ;

c) Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn;

d) Trái phiếu chính quyền địa phương được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thống đốc trong từng thời kỳ;

đ) Trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;

e) Trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc); trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng (trừ các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt) và doanh nghiệp khác;

g) Các loại giấy tờ có giá khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.

2. Điều kiện giấy tờ có giá

a) Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của thành viên;

b) Thuộc loại giấy tờ có giá được quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Chưa chốt quyền nhận gốc và lãi khi đáo hạn;

d) Giấy tờ có giá loại chứng chỉ lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước phải nguyên vẹn, không rách nát, hư hỏng, không bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ, số, không bị nhàu, nát, nhòe, bẩn, tẩy xóa.

3. Mệnh giá giấy tờ có giá

Mệnh giá giấy tờ có giá lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước là 100.000 VND (một trăm nghìn đồng) hoặc bội số của 100.000 VND (một trăm nghìn đồng).

Đối với giấy tờ có giá đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước trực tiếp quản lý và giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, mệnh giá giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với từng loại giấy tờ có giá.

4. Mã giấy tờ có giá

Giấy tờ có giá lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước được quản lý theo hệ thống mã do VSDC và Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) quy định. Ngân hàng Nhà nước quản lý giấy tờ có giá thống nhất theo hệ thống mã định danh chứng khoán quốc tế (ISIN) khi cần thiết.

Điều 5. Sử dụng giấy tờ có giá lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước

1. Giấy tờ có giá được sử dụng trong nghiệp vụ thị trường tiền tệ gồm:

a) Nghiệp vụ thị trường mở;

b) Nghiệp vụ tái cấp vốn:

- Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Chiết khấu giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Các hình thức tái cấp vốn khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

c) Cầm cố giấy tờ có giá để thiết lập hạn mức thấu chi và cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng;

d) Cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá để thiết lập hạn mức nợ ròng trong thanh toán điện tử liên ngân hàng;

đ) Cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá để thiết lập hạn mức thanh toán tập trung;

e) Cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá để thiết lập hạn mức bù trừ điện tử qua Hệ thống bù trừ điện tử;

g) Cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá để thực hiện các nghiệp vụ khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.

2. Giấy tờ có giá được sử dụng trong nghiệp vụ cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

3. Giao dịch giấy tờ có giá lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước giữa các thành viên bao gồm:

a) Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá giữa các thành viên;

b) Mua bán giấy tờ có giá giữa các thành viên.

4. Ngân hàng Nhà nước nhận hồ sơ, chứng từ để xử lý các yêu cầu sử dụng giấy tờ có giá lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước muộn nhất đến 15 giờ 30 phút của ngày làm việc. Sau thời điểm này các yêu cầu sử dụng giấy tờ có giá lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước được xử lý vào ngày làm việc kế tiếp. Trường hợp cần kéo dài thời gian nhận hồ sơ, chứng từ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với thành viên để thống nhất thời điểm nhận hồ sơ của ngày làm việc đó.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. LƯU KÝ GIẤY TỜ CÓ GIÁ

Điều 6. Mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá

1. Hồ sơ mở tài khoản

Để lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước, các thành viên quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này lập và gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước (bộ phận một cửa) 01 (một) bộ hồ sơ gồm:

a) Giấy đề nghị mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá theo Phụ lục 1a/LK ban hành kèm theo Thông tư này (03 bản);

b) Bản đăng ký mẫu dấu, chữ ký sử dụng tài khoản lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước theo Phụ lục 1b/LK ban hành kèm theo Thông tư này (03 bản);

c) Các giấy tờ chứng minh việc thành viên mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá được thành lập và hoạt động hợp pháp gồm: điều lệ, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;

d) Các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của người đại diện theo pháp luật của thành viên mở tài khoản (quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận chức danh dự kiến, quyết định bổ nhiệm) kèm giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người đó;

đ) Văn bản hoặc quyết định bổ nhiệm và giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán, người kiểm soát chứng từ giao dịch với Ngân hàng Nhà nước;

e) Trường hợp người đại diện theo pháp luật, kế toán trưởng ủy quyền cho người khác (bao gồm trường hợp ủy quyền lại (nếu có)), thành viên mở tài khoản lưu ký phải cung cấp quyết định bổ nhiệm của người được ủy quyền và giấy ủy quyền theo Phụ lục 7/LK ban hành kèm theo Thông tư này kèm giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người được ủy quyền. Đối với giấy ủy quyền công việc của người được kế toán trưởng ủy quyền phải có chữ ký xác nhận của người đại diện của chủ tài khoản;

g) Thành viên không phải cung cấp các giấy tờ quy định tại điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều này trong trường hợp thành viên đã cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) khi mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước hoặc trong trường hợp các thông tin nhân thân (số chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân hoặc số hộ chiếu) của người đại diện hợp pháp, kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền có thể được khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Các giấy tờ quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này là bản chính và do người đại diện hợp pháp của thành viên mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá ký tên và đóng dấu; các giấy tờ quy định tại điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều này là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính. Nếu giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.

3. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá hợp lệ của thành viên, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá và thông báo cho thành viên biết số tài khoản và ngày bắt đầu hoạt động của tài khoản lưu ký giấy tờ có giá; trường hợp hồ sơ mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá của thành viên chưa đầy đủ, chưa hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thông báo cho thành viên biết để hoàn thiện hồ sơ; trường hợp từ chối mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thông báo lý do cho thành viên biết.

Điều 7. Thay đổi thông tin tài khoản lưu ký giấy tờ có giá

1. Khi có thay đổi thông tin tài khoản lưu ký giấy tờ có giá của thành viên liên quan đến các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi, thành viên phải thông báo và gửi hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan cho Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch), gồm:

a) Thông báo thay đổi thông tin về tài khoản lưu ký giấy tờ có giá mở tại Ngân hàng Nhà nuớc theo Phụ lục 1c/LK ban hành kèm theo Thông tư này (03 bản);

b) Bản đăng ký mẫu dấu, chữ ký sử dụng tài khoản lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước theo Phụ lục 1b/LK ban hành kèm theo Thông tư này (03 bản);

c) Các giấy tờ quy định tại điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều 6.

2. Các giấy tờ quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này là bản chính và do người đại diện hợp pháp của thành viên mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá ký tên và đóng dấu. Các giấy tờ quy định tại điểm c khoản 1 Điều này là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính. Nếu giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Lưu ký giấy tờ có giá

1. Đối với giấy tờ có giá ghi sổ lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước

a) Trường hợp thành viên thực hiện lưu ký giấy tờ có giá thuộc danh mục giấy tờ có giá đang được quản lý tại Ngân hàng Nhà nước:

Thành viên gửi Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) Giấy đề nghị lưu ký giấy tờ có giá theo Phụ lục 2a/LK ban hành kèm theo Thông tư này và chứng từ liên quan (nếu có). Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị lưu ký giấy tờ có giá của thành viên, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) chuyển giấy tờ có giá vào Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước;

b) Trường hợp thành viên trúng thầu mua giấy tờ có giá trong các phiên giao dịch do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) chuyển giấy tờ có giá trúng thầu của thành viên vào Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước.

2. Đối với giấy tờ có giá ghi sổ lưu ký tại VSDC

a) Khi có nhu cầu lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước, thành viên chuyển giấy tờ có giá từ Tài khoản lưu ký của thành viên tại VSDC sang Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước mở tại VSDC. Khi nhận được thông báo của VSDC về việc chuyển khoản giấy tờ có giá lưu ký của thành viên, Ngân hàng Nhà nước hạch toán kế toán những thay đổi trên vào Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký;

b) Trường hợp thành viên trúng thầu mua giấy tờ có giá trong các phiên giao dịch do Ngân hàng Nhà nước làm đại lý phát hành hoặc Ngân hàng Nhà nước bán giấy tờ có giá, Ngân hàng Nhà nước gửi VSDC thông tin đấu thầu để VSDC hạch toán lưu ký giấy tờ có giá.

3. Đối với giấy tờ có giá loại chứng chỉ

Thành viên gửi Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố)) Giấy đề nghị lưu ký giấy tờ có giá theo Phụ lục 2a/LK ban hành kèm theo Thông tư này và toàn bộ giấy tờ có giá loại chứng chỉ.

Trường hợp thành viên nộp giấy tờ có giá loại chứng chỉ tại Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch), trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc tiếp nhận, kiểm đếm và kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ có giá, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) làm thủ tục lưu ký giấy tờ có giá vào Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp thành viên nộp giấy tờ có giá loại chứng chỉ tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc tiếp nhận, kiểm đếm và kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ có giá loại chứng chỉ, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố giao trả giấy tờ có giá cho Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch). Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày kiểm xong giấy tờ có giá, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) làm thủ tục lưu ký giấy tờ có giá vào Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước.

Điều 9. Nguyên tắc chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá

1. Đối với giấy tờ có giá lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá trong ngày phát sinh giao dịch theo nguyên tắc:

a) Trường hợp Ngân hàng Nhà nước là bên mua hoặc là bên nhận giấy tờ có giá khi xử lý tài sản bảo đảm, giấy tờ có giá được chuyển từ Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước hoặc Tài khoản giấy tờ có giá lưu ký cho mục đích cầm cố của thành viên sang Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước;

b) Trường hợp Ngân hàng Nhà nước là bên bán, giấy tờ có giá được chuyển từ Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước sang Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước;

c) Trường hợp xử lý tài sản cầm cố trong giao dịch cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá giữa các thành viên trên thị trường liên ngân hàng, giấy tờ có giá được chuyển từ Tài khoản giấy tờ có giá lưu ký cho mục đích cấp tín dụng trên thị trường liên ngân hàng của bên cầm cố sang Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước của bên nhận cầm cố.

2. Đối với giấy tờ có giá lưu ký trên Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC, việc chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá được VSDC thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán, thỏa thuận giữa Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) và VSDC theo nguyên tắc:

a) Trường hợp Ngân hàng Nhà nước là bên mua hoặc bên nhận giấy tờ có giá khi xử lý tài sản bảo đảm, giấy tờ có giá được chuyển từ Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng lưu ký trên Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC sang Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước lưu ký tại VSDC;

b) Trường hợp Ngân hàng Nhà nước là bên bán, giấy tờ có giá được chuyển từ Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước lưu ký tại VSDC sang Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng lưu ký trên Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC;

c) Trường hợp xử lý tài sản cầm cố trong giao dịch cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá giữa các thành viên trên thị trường liên ngân hàng, giấy tờ có giá được chuyển từ bên cầm cố sang bên nhận cầm cố trong Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước mở tại VSDC.

3. Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá theo Hợp đồng mua bán hoặc Thông báo kết quả đấu thầu trong các nghiệp vụ thị trường mở theo ủy quyền của thành viên. Đối với các nghiệp vụ chiết khấu, cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá, các hình thức tái cấp vốn khác trên cơ sở cầm cố giấy tờ có giá và mua bán giấy tờ có giá giữa các thành viên, việc chuyển quyền giấy tờ có giá thực hiện theo quy định tại Điều 14, 15, 16, 17, 18 Thông tư này.

4. Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá trong trường hợp tách hoặc sáp nhập tổ chức tín dụng theo yêu cầu của thành viên là chủ sở hữu giấy tờ có giá trên cơ sở Đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá theo Phụ lục 5/LK ban hành kèm theo Thông tư này kèm theo văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc tách hoặc sáp nhập tổ chức tín dụng và các giấy tờ liên quan (nếu có).

Tổ chức tín dụng bị chia, hợp nhất, giải thể hoặc phá sản phải thực hiện rút giấy tờ có giá theo quy định tại Điều 11 Thông tư này và đóng tài khoản lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Điều 12 Thông tư này trước khi chấm dứt tồn tại. Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá theo Đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá theo Phụ lục 5/LK ban hành kèm theo Thông tư này và văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc chia, hợp nhất, giải thể tổ chức tín dụng hoặc Quyết định tuyên bố phá sản tổ chức tín dụng của Tòa án nhân dân và các giấy tờ liên quan (nếu có).

Điều 10. Thanh toán gốc và lãi giấy tờ có giá

1. Đối với giấy tờ có giá lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước

a) Giấy tờ có giá loại ghi sổ

Khi giấy tờ có giá đáo hạn, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) kiểm tra việc hoàn thành các nghĩa vụ của thành viên đối với Ngân hàng Nhà nước trong các nghiệp vụ sử dụng giấy tờ có giá liên quan. Trường hợp thành viên đã hoàn thành nghĩa vụ thì làm thủ tục thanh toán gốc, lãi cho thành viên. Trường hợp thành viên chưa hoàn thành nghĩa vụ thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này;

b) Giấy tờ có giá loại chứng chỉ

Khi giấy tờ có giá loại chứng chỉ đến ngày đáo hạn, thành viên đề nghị rút giấy tờ có giá theo quy định tại Điều 11 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) kiểm tra việc hoàn thành các nghĩa vụ của thành viên đối với Ngân hàng Nhà nước trong các nghiệp vụ sử dụng giấy tờ có giá liên quan. Trường hợp thành viên đã hoàn thành nghĩa vụ thì hoàn trả giấy tờ có giá để thành viên làm thủ tục thanh toán tại tổ chức phát hành hoặc đại lý của tổ chức phát hành. Trường hợp thành viên chưa hoàn thành nghĩa vụ thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Đối với giấy tờ có giá lưu ký tại Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC

a) Khi đến hạn thanh toán lãi giấy tờ có giá loại thanh toán lãi định kỳ, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) kiểm tra việc hoàn thành các nghĩa vụ của thành viên đối với Ngân hàng Nhà nước trong các nghiệp vụ sử dụng giấy tờ có giá liên quan. Trường hợp thành viên đã hoàn thành nghĩa vụ, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) gửi cho VSDC thông báo xác nhận danh sách thành viên sở hữu giấy tờ có giá trong Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC để VSDC làm thủ tục thanh toán lãi cho thành viên. Trường hợp thành viên chưa hoàn thành nghĩa vụ thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này;

b) Khi giấy tờ có giá đến ngày đáo hạn, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) kiểm tra việc hoàn thành các nghĩa vụ của thành viên đối với Ngân hàng Nhà nước trong các nghiệp vụ sử dụng giấy tờ có giá liên quan. Trường hợp thành viên đã hoàn thành nghĩa vụ, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) gửi cho VSDC thông báo xác nhận giấy tờ có giá liên quan của thành viên trong Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC đủ điều kiện thanh toán gốc và lãi để VSDC làm thủ tục thanh toán cho thành viên. Trường hợp thành viên chưa hoàn thành nghĩa vụ thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này;

c) Việc thanh toán gốc, lãi giấy tờ có giá lưu ký tại Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC thực hiện theo thỏa thuận giữa Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) và VSDC.

3. Lãi và các khoản thu nhập khác (nếu có) từ giấy tờ có giá trong thời gian chuyển quyền sở hữu từ bên bán sang bên mua trong các nghiệp vụ có kỳ hạn trên thị trường tiền tệ được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

4. Trường hợp thành viên chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) không giải tỏa hoặc giữ lại gốc, lãi giấy tờ có giá đang sử dụng cho các nghĩa vụ này. Việc xử lý đối với các thành viên chưa hoàn thành nghĩa vụ được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng nghiệp vụ.

Điều 11. Rút giấy tờ có giá

1. Giấy tờ có giá lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước

Khi có nhu cầu rút giấy tờ có giá loại chứng chỉ lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước, thành viên gửi Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) Giấy đề nghị rút giấy tờ có giá theo Phụ lục 3/LK ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của thành viên, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) kiểm tra việc hoàn thành các nghĩa vụ của thành viên đối với Ngân hàng Nhà nước trong các nghiệp vụ sử dụng giấy tờ có giá liên quan. Trường hợp thành viên đã hoàn thành nghĩa vụ thì hạch toán xuất giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước và hoàn trả giấy tờ có giá loại chứng chỉ cho thành viên. Trường hợp thành viên chưa hoàn thành nghĩa vụ thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Giấy tờ có giá lưu ký tại Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC

Khi có nhu cầu rút giấy tờ có giá lưu ký tại Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC, thành viên gửi Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) yêu cầu chuyển khoản giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng lưu ký trên Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC sang Tài khoản lưu ký của thành viên tại VSDC.

Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của thành viên, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) kiểm tra việc hoàn thành các nghĩa vụ của thành viên đối với Ngân hàng Nhà nước trong các nghiệp vụ sử dụng giấy tờ có giá liên quan. Trường hợp thành viên đã hoàn thành nghĩa vụ, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) yêu cầu VSDC chuyển khoản giấy tờ có giá của thành viên từ Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC sang Tài khoản lưu ký của thành viên tại VSDC. Trường hợp thành viên chưa hoàn thành nghĩa vụ thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Trường hợp thành viên chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) không giải tỏa giấy tờ có giá đang sử dụng cho các nghĩa vụ này. Việc xử lý đối với các thành viên chưa hoàn thành nghĩa vụ được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng nghiệp vụ.

Điều 12. Đóng tài khoản lưu ký giấy tờ có giá

1. Khi không có nhu cầu lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước hoặc trước khi chấm dứt tồn tại do chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc phá sản, thành viên lập và gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước (bộ phận một cửa) Giấy đề nghị đóng tài khoản giấy tờ có giá theo Phụ lục 4/LK ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của thành viên, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) đóng Tài khoản giấy tờ có giá lưu ký của thành viên, đề nghị VSDC đóng Tài khoản giấy tờ có giá lưu ký tương ứng trên Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC và thông báo cho thành viên.

3. Trường hợp thành viên bị chia, hợp nhất, giải thể hoặc phá sản không làm thủ tục đóng tài khoản lưu ký giấy tờ có giá, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) đóng tài khoản của thành viên sau 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc chia, hợp nhất, giải thể hoặc Quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án nhân dân (nếu tài khoản không còn số dư).

Mục 2. SỬ DỤNG GIẤY TỜ CÓ GIÁ TRONG NGHIỆP VỤ THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

Điều 13. Nghiệp vụ thị trường mở

1. Ngân hàng Nhà nước mua hẳn hoặc mua kỳ hạn giấy tờ có giá

Căn cứ hợp đồng mua bán giấy tờ có giá đối với giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua kỳ hạn hoặc Thông báo kết quả đấu thầu đối với giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua hẳn, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thanh toán tiền mua giấy tờ có giá và thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký của thành viên sang Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với giấy tờ có giá trúng thầu.

Đối với giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua kỳ hạn giấy tờ có giá, vào ngày đáo hạn hợp đồng, thành viên thanh toán tiền mua lại giấy tờ có giá. Sau khi nhận được đầy đủ số tiền mua lại giấy tờ có giá từ thành viên, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước sang Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký của thành viên.

2. Ngân hàng Nhà nước bán hẳn hoặc bán kỳ hạn giấy tờ có giá

Căn cứ hợp đồng mua bán giấy tờ có giá đối với giao dịch Ngân hàng Nhà nước bán kỳ hạn hoặc Thông báo kết quả đấu thầu đối với giao dịch Ngân hàng Nhà nước bán hẳn, thành viên thanh toán tiền mua giấy tờ có giá và Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước sang Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký của thành viên.

Đối với giao dịch Ngân hàng Nhà nước bán kỳ hạn giấy tờ có giá, vào ngày đáo hạn hợp đồng, thành viên bán lại giấy tờ có giá trong hợp đồng cho Ngân hàng Nhà nước. Căn cứ chứng từ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện chuyển tiền cho thành viên và chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký của thành viên sang Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 14. Nghiệp vụ chiết khấu giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với các thành viên

1. Sau khi nhận được đề nghị chiết khấu giấy tờ có giá của thành viên, trường hợp chấp nhận đề nghị của thành viên, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký của thành viên sang Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với những giấy tờ có giá được chấp nhận chiết khấu.

2. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước chấp nhận chiết khấu có kỳ hạn, thời hạn còn lại của giấy tờ có giá phải lớn hơn thời hạn chiết khấu.

Sau khi thành viên thanh toán theo cam kết mua lại giấy tờ có giá đã được Ngân hàng Nhà nước chiết khấu, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước sang Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký của thành viên.

Điều 15. Các nghiệp vụ tái cấp vốn trên cơ sở bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá

1. Sau khi thành viên gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị vay vốn dưới hình thức tái cấp vốn trên cơ sở bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá và Ngân hàng Nhà nước chấp nhận đề nghị của thành viên, thành viên chuyển giao các giấy tờ có giá làm tài sản cầm cố cho Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) chuyển giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký của thành viên sang Tài khoản giấy tờ có giá lưu ký cho mục đích cầm cố của thành viên tại Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp giải ngân tại Sở Giao dịch: Sau khi hoàn tất việc cầm cố giấy tờ có giá, Sở Giao dịch thực hiện chuyển số tiền cho vay vào tài khoản tiền gửi của thành viên tại Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp giải ngân tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố: Sau khi hoàn tất việc cầm cố giấy tờ có giá, Sở Giao dịch thông báo cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi thực hiện giải ngân khoản vay.

2. Trường hợp thành viên có nhu cầu đổi giấy tờ có giá, căn cứ vào Giấy đề nghị đổi giấy tờ có giá của thành viên theo Phụ lục 2b/LK ban hành kèm theo Thông tư này, Ngân hàng Nhà nuớc (Sở Giao dịch) thực hiện kiểm tra và hạch toán theo quy định bảo đảm nguyên tắc giải tỏa tài sản bảo đảm sau khi đã hoàn thành việc bổ sung tài sản bảo đảm mới.

3. Trường hợp thành viên hoàn trả đầy đủ nợ gốc và lãi, căn cứ vào đề nghị hoàn trả của thành viên và chứng từ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện giải tỏa và chuyển giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá cầm cố của thành viên sang Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký của thành viên tại Ngân hàng Nhà nước.

Điều 16. Cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá để thiết lập hạn mức thấu chi và cho vay qua đêm, hạn mức nợ ròng, hạn mức thanh toán tập trung, hạn mức bù trừ điện tử

1. Sau khi nhận được đề nghị của thành viên về việc cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá theo Phụ lục 2c/LK ban hành kèm theo Thông tư này để thiết lập hạn mức thấu chi, hạn mức nợ ròng, hạn mức thanh toán tập trung, hạn mức bù trừ điện tử, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của chứng từ và thực hiện chuyển giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký của thành viên sang tài khoản giấy tờ có giá lưu ký cho mục đích cầm cố tại Ngân hàng Nhà nước.

2. Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) giải tỏa giấy tờ có giá cầm cố, ký quỹ của thành viên trong trường hợp giấy tờ có giá cầm cố, ký quỹ của thành viên đến hạn thanh toán hoặc thành viên dùng giấy tờ có giá khác để thay thế hoặc khi thành viên có nhu cầu giảm hoặc không còn nhu cầu duy trì hạn mức thấu chi, hạn mức nợ ròng, hạn mức thanh toán tập trung, hạn mức bù trừ điện tử. Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện giải tỏa giấy tờ có giá đến hạn thanh toán, một phần hoặc toàn bộ giấy tờ có giá cầm cố, ký quỹ theo đề nghị của thành viên và chuyển giấy tờ có giá từ tài khoản giấy tờ có giá lưu ký cho mục đích cầm cố sang tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký của thành viên.

3. Để giải tỏa giấy tờ có giá cầm cố, ký quỹ, thành viên gửi Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) đề nghị đổi giấy tờ có giá theo Phụ lục 2b/LK ban hành kèm theo Thông tư này hoặc đề nghị giải tỏa giấy tờ có giá cầm cố, ký quỹ theo Phụ lục 2d/LK ban hành kèm theo Thông tư này. Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) kiểm tra việc hoàn thành các nghĩa vụ của thành viên đối với Ngân hàng Nhà nước trong các nghiệp vụ liên quan. Trường hợp thành viên đã hoàn thành nghĩa vụ, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) tiến hành các thủ tục giải tỏa giấy tờ có giá cho thành viên.

Trường hợp thành viên chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) không giải tỏa giấy tờ có giá đang cầm cố, ký quỹ cho các nghĩa vụ này. Việc xử lý đối với các thành viên chưa hoàn thành nghĩa vụ được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong nghiệp vụ cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá để thiết lập hạn mức thấu chi và cho vay qua đêm, hạn mức nợ ròng, hạn mức thanh toán tập trung, hạn mức bù trừ điện tử.

Mục 3. GIAO DỊCH GIẤY TỜ CÓ GIÁ GIỮA CÁC THÀNH VIÊN

Điều 17. Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá giữa các thành viên

1. Giấy tờ có giá sử dụng trong giao dịch cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá giữa các thành viên phải là các giấy tờ có giá chưa được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong các hoạt động nghiệp vụ tại Ngân hàng Nhà nước. Các loại giấy tờ có giá này phải đang được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước, bao gồm lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước hoặc lưu ký tại Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC.

2. Khi có nhu cầu cầm cố giấy tờ có giá để vay vốn của thành viên khác (bên nhận cầm cố), thành viên (bên cầm cố) gửi đến Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) 01 (một) bộ hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cầm cố giấy tờ có giá theo Phụ lục 6a/LK ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hợp đồng cầm cố giấy tờ có giá giữa bên cầm cố và bên nhận cầm cố (bản chính).

3. Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) tiếp nhận hồ sơ, làm thủ tục phong tỏa giấy tờ có giá và chuyển giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký sang Tài khoản giấy tờ có giá lưu ký cho mục đích cấp tín dụng trên thị trường liên ngân hàng của bên cầm cố.

4. Trong thời gian cầm cố, nếu được bên nhận cầm cố đồng ý bằng văn bản, bên cầm cố có thể đề nghị Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) kéo dài thời hạn cầm cố và/hoặc đổi giấy tờ có giá đang được Ngân hàng Nhà nước phong toả bằng giấy tờ có giá khác đang lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước xem xét thực hiện đề nghị của bên cầm cố sau khi có xác nhận của bên nhận cầm cố.

5. Ngân hàng Nhà nước chuyển giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá lưu ký cho mục đích cấp tín dụng trên thị trường liên ngân hàng sang Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký của thành viên khi nhận được đề nghị giải tỏa giấy tờ có giá theo Phụ lục 6b/LK ban hành kèm theo Thông tư này của bên cầm cố kèm xác nhận của bên nhận cầm cố đồng ý cho giải tỏa giấy tờ có giá.

6. Trường hợp bên cầm cố không thể hoàn trả đúng thời hạn toàn bộ hoặc một phần gốc, lãi khoản vay cho bên nhận cầm cố, trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của bên nhận cầm cố, Ngân hàng Nhà nước thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ bên cầm cố sang bên nhận cầm cố theo yêu cầu bằng văn bản của bên nhận cầm cố mà không cần có xác nhận của bên cầm cố (chủ sở hữu giấy tờ có giá) nếu hai bên đã có thỏa thuận trong Hợp đồng cầm cố. Trường hợp bên cầm cố và bên nhận cầm cố không có thỏa thuận về thủ tục chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ bên cầm cố sang bên nhận cầm cố trong Hợp đồng cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ bên cầm cố sang bên nhận cầm cố theo yêu cầu bằng văn bản của bên nhận cầm cố có xác nhận của bên cầm cố (chủ sở hữu giấy tờ có giá) và biên bản xử lý nợ giữa hai bên. Trường hợp bên cầm cố không thực hiện nghĩa vụ và không xác nhận về việc sử dụng tài sản bảo đảm thay cho nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng Nhà nước không giải tỏa giấy tờ có giá và xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Mua, bán giấy tờ có giá giữa các thành viên

1. Đối với giấy tờ có giá lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước

a) Thành viên được mua bán giấy tờ có giá đang lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước. Thành viên bán giấy tờ có giá gửi Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) Đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá theo Phụ lục 5/LK ban hành kèm theo Thông tư này và hợp đồng mua bán giấy tờ có giá giữa hai bên (bản chính). Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký của bên bán sang bên mua. Giấy tờ có giá được tiếp tục lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước trừ khi bên mua có yêu cầu khác;

b) Trường hợp mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá, thành viên bán kỳ hạn gửi Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) Đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá theo Phụ lục 5/LK ban hành kèm theo Thông tư này và hợp đồng mua bán giấy tờ có giá giữa hai bên (bản chính). Ngân hàng Nhà nước thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ bên bán kỳ hạn sang bên mua kỳ hạn.

Vào ngày đáo hạn hợp đồng, căn cứ chứng từ thanh toán hợp lệ và Đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá theo Phụ lục 5/LK ban hành kèm theo Thông tư này của chủ sở hữu giấy tờ có giá (bên mua kỳ hạn), Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ bên mua kỳ hạn sang bên bán kỳ hạn. Các trường hợp khác, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá theo thỏa thuận hợp pháp giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Đối với giấy tờ có giá đang lưu ký tại VSDC, thành viên phải làm thủ tục rút giấy tờ có giá từ Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSDC trước khi tiến hành mua bán. Việc mua bán giấy tờ có giá đang lưu ký tại VSDC thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Sở Giao dịch

a) Thực hiện hạch toán lưu ký, thanh toán, thu lãi, thu phí lưu ký, cầm cố, ký quỹ và chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định;

b) Thực hiện phân quyền giao dịch trên hệ thống lưu ký giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước cho các nhân sự của thành viên tham gia nghiệp vụ lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước;

c) Cung cấp cho thành viên quyền tra cứu số dư lưu ký, tình hình sử dụng giấy tờ có giá của thành viên tại Ngân hàng Nhà nước qua mạng và sao kê Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký;

d) Làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghiệp vụ lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước;

đ) Ký kết thỏa thuận với VSDC về việc sử dụng các dịch vụ của VSDC và kết nối truyền dữ liệu điện tử giữa hai bên trong nghiệp vụ lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước.

2. Vụ Tài chính - Kế toán

Hướng dẫn hạch toán kế toán đối với các giao dịch lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư này.

3. Cục Công nghệ thông tin

a) Làm đầu mối, phối hợp với Sở Giao dịch và các đơn vị liên quan xây dựng, cài đặt, thực hiện bảo trì các chương trình phần mềm liên quan và bảo đảm hạ tầng mạng giao dịch và truyền thông cho nghiệp vụ lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước;

b) Cấp chữ ký số, tài khoản truy cập cho nghiệp vụ lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước.

4. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

a) Làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý vi phạm hành chính đối với thành viên theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật;

b) Thông báo cho Sở Giao dịch trong trường hợp thành viên bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc phá sản.

5. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở chính

a) Kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ có giá và lưu giữ giấy tờ có giá loại chứng chỉ cho các thành viên có Hội sở chính trên địa bàn theo ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

b) Thực hiện quản lý, theo dõi và giao trả giấy tờ có giá loại chứng chỉ theo thông báo của Sở Giao dịch.

Điều 20. Trách nhiệm của thành viên

1. Cung cấp và cập nhật đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu theo quy định tại Thông tư này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của số liệu, tài liệu, hồ sơ cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước.

2. Thực hiện các cam kết và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho Ngân hàng Nhà nước và các thành viên khác theo hợp đồng đã ký.

3. Ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá trong các nghiệp vụ thị trường tiền tệ.

4. Thực hiện các yêu cầu trong thông báo của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến các nghiệp vụ thị trường tiền tệ.

5. Trả phí dịch vụ phát sinh từ việc chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá theo quy định của Bộ Tài chính (nếu có).

Điều 21. Quy định chuyển tiếp

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức là thành viên được quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này đang có tài khoản lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được sử dụng tài khoản trên để thực hiện các nghiệp vụ theo quy định tại Thông tư này.

2. Các giao dịch liên quan đến giấy tờ có giá đã thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tiếp tục được thực hiện theo thỏa thuận đã ký giữa các bên liên quan.

Điều 22. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 17/01/2023.

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, Thông tư số 04/2016/TT-NHNN ngày 15/4/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực thi hành.

3. Chánh Văn phòng, Giám đốc Sở Giao dịch, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Như khoản 3 Điều 22;
- Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo;
- Website Ngân hàng Nhà nước;
- Lưu: VP, PC (2), Sở Giao dịch (3).

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đào Minh Tú

DANH SÁCH PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Thông số 16/2022/TT-NHNN ngày 30/11/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

STT

Tên phụ lục

Ký hiệu

1

Giấy đề nghị mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước.

Phụ lục 1a/LK

2

Bản đăng ký mẫu dấu, chữ ký sử dụng tài khoản lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước

Phụ lục 1b/LK

3

Thông báo thay đổi thông tin về tài khoản lưu ký giấy tờ có giá mở tại Ngân hàng Nhà nước

Phụ lục 1c/LK

4

Giấy đề nghị phân quyền người sử dụng tham gia nghiệp vụ lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước

Phụ lục 1d/LK

5

Giấy đề nghị lưu ký giấy tờ có giá

Phụ lục 2a/LK

6

Giấy đề nghị đổi giấy tờ có giá

Phụ lục 2b/LK

7

Giấy đề nghị cầm cố/ký quỹ giấy tờ có giá

Phụ lục 2c/LK

8

Giấy đề nghị giải tỏa giấy tờ có giá

Phụ lục 2d/LK

9

Giấy đề nghị rút giấy tờ có giá

Phụ lục 3/LK

10

Giấy đề nghị đóng tài khoản giấy tờ có giá

Phụ lục 4/LK

11

Đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá

Phụ lục 5/LK

12

Đề nghị cầm cố giấy tờ có giá cho mục đích...

Phụ lục 6a/LK

13

Đề nghị giải tỏa giấy tờ có giá cho mục đích

Phụ lục 6b/LK

14

Giấy ủy quyền

Phụ lục 7/LK

Phụ lục 1a/LK

(Thành viên lưu ký)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:

, ngày tháng năm

GIẤY ĐỀ NGHỊ MỞ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GIẤY TỜ CÓ GIÁ TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Kính gửi: Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước

Tên tổ chức mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá (GTCG): ………………………………

+ Tên đầy đủ bằng tiếng Việt: ……………………………………………………………………

+ Tên đầy đủ bằng tiếng Anh: ……………………………………………………………………

+ Tên dùng để giao dịch: …………………………………………………………………………

Quyết định thành lập số: ………………………… Ngày cấp ……………………………….

Nơi cấp: ...………………………………………………………………………………………….

Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh số: ……………………………………

Ngày cấp …………………………………………………… Nơi cấp …………………………

Mã số thuế:.....……………………………………………………………………………………

Địa chỉ:…………………………………………………… Điện thoại: …………………………

Website: …………………………………………………… Email.……………………………..

Họ và tên người đại diện hợp pháp (chủ tài khoản): ……………………………………..

Ngày, tháng, năm sinh ………………………… Giới tính (Nam/Nữ): ………………………

Quốc tịch: ………………………… là người cư trú/ không cư trú …………………………..

Địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú …………………………………………………………..

Chỗ ở hiện nay: …………………………………………………… Điện thoại: ……………….

Quyết định bổ nhiệm số…………… ngày……….. tháng …………….. năm ..………………..

Số chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (hoặc hộ chiếu): …………………………

Ngày cấp: …………………………………………………… Nơi cấp ..…………………………

Họ và tên Kế toán trưởng (hoặc người phụ trách kế toán hoặc người kiểm soát chứng giao dịch với Ngân hàng Nhà nước) ……………………………………………………

Ngày, tháng, năm sinh:………………………… Giới tính (Nam/Nữ)…………………………

Số chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (hoặc hộ chiếu) …………………………

Ngày cấp ...………………………… Nơi cấp ……………………………………………………

Quyết định bổ nhiệm số ……………………………………….. Ngày …………………………

Đề nghị mở tài khoản lưu ký GTCG tại ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chúng tôi cam kết:

- Những thông tin trên đây là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng sự thật của các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá đính kèm

- Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về việc lưu ký và sử dụng GTCG tại Ngân hàng Nhà nước và xin chịu trách nhiệm đối với mọi vấn đề phát sinh trong trường hợp chúng tôi không thực hiện đúng, đầy đủ quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá do Ngân hàng Nhà nước quy định.

- Có văn bản (kèm các giấy tờ liên quan) gửi Ngân hàng Nhà nước khi có bất kỳ sự thay đổi nào về thông tin tài khoản lưu ký GTCG hoặc mẫu dấu, mẫu chữ ký đã đăng ký sử dụng với Ngân hàng Nhà nước

Hồ sơ đính kèm:
1) Bản đăng ký mẫu dấu và chữ ký kèm văn bản ủy quyền của Chủ tài khoản, Kế toán trưởng (nếu có).

2) Giấy phân quyền tham gia nghiệp vụ lưu ký GTCG (nếu có)

3) Quyết định số .............................................

4) …………………………………………………..

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
CỦA TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ MỞ
TÀI KHOẢN
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

PHẦN DÀNH CHO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC (SỞ GIAO DỊCH)

Sau khi kiểm soát và xác định Hồ sơ mở tài khoản lưu ký GTCG của …………là đầy đủ và hợp lệ. Ngân hàng Nhà nước đồng ý mở tài khoản lưu ký GTCG số………………………………………………………. cho ………………………………….

Ngày bắt đầu hoạt động ……………………………………………….

TRƯỞNG PHÒNG
PHÒNG KẾ TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên)

GIÁM ĐỐC SỞ GIAO DỊCH
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Phụ lục 1b/LK

BẢN ĐĂNG KÝ MẪU DẤU, CHỮ KÝ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN LƯU KÝ GIẤY TỜ CÓ GIÁ TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

(Đính kèm Giấy đề nghị mở tài khoản số ngày của )

Tên đơn vị: ……………………………………………………………………………………..

Địa chỉ giao dịch……………………………….. Điện thoại giao dịch: ……………………..

Tên tài khoản lưu ký giấy tờ có giá (GTCG)………………………………………………….

Số tài khoản lưu ký GTCG ..............................................................................................

Nơi mở tài khoản lưu ký GTCG ....................................................................................

Đăng ký mẫu chữ ký và mẫu dấu sử dụng trên các chứng từ giao dịch với Ngân hàng Nhà nước như sau:

1. Mẫu chữ ký

Người đăng ký mẫu chữ ký

Mẫu chữ ký thứ nhất

Mẫu chữ ký thứ hai

Người đại diện hợp pháp của Chủ tài khoản và người được ủy quyền

Người đại diện hợp pháp của Chủ tài khoản

Họ và tên

…………………………………..

Số CMND/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu:

…………………………………..

Ngày cấp …………………………………….

Nơi cấp ……………………………………….

Họ và tên người được người đại diện hợp pháp của Chủ tài khoản ủy quyền (người thứ nhất)

Số CMND/ Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu:

……………………………………………………….

Ngày cấp: ………………………………………….

Nơi cấp ……………………………………………

Giấy ủy quyền số………………… ngày …………..

Thời hạn ủy quyền………………………………….

Phạm vi ủy quyền ………………………………….

Họ và tên người được người đại diện hợp pháp của Chủ tài khoản ủy quyền (người thứ hai).

Số CMND/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu:

……………………………………………………..

Ngày cấp …………………………………………

Nơi cấp ...…………………………………………

Giấy ủy quyền số………… ngày ……………………

Thời hạn ủy quyền ………………………………

Phạm vi ủy quyền ………………………………

Kế toán trưởng (hoặc người phụ trách kế toán, người kiểm soát chứng từ giao dịch với NHNN) và người được ủy quyền

Họ và tên kế toán trưởng (hoặc người phụ trách kế toán, người kiểm soát chứng từ giao dịch với NHNN).

Số CMND/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu

……………………………………………………

Ngày cấp ...…………………………………………

Nơi cấp …………………………………………

Họ và tên người được Kế toán trưởng ủy quyền (người thứ nhất)

Số CMND/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu

……………………………………………………..

Ngày cấp …………………………………………

Nơi cấp …………………………………………

Giấy ủy quyền số ………… ngày ……………………

Thời hạn quyền ................................................

Phạm vi ủy quyền: ................................................

Họ và tên người được Kế toán trưởng ủy quyền (người thứ hai)

Số CMND/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu

........................................................................

Ngày cấp ................................................

Nơi cấp ...................................................

Giấy ủy quyền số........................ ngày.................

Thời hạn ủy quyền ....................................

Phạm vi ủy quyền:....................................

2. Mẫu dấu

Mẫu dấu thứ nhất

Mẫu dấu thứ hai

ngày tháng năm
NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP1
CỦA CHỦ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GTCG

(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

PHẦN DÀNH CHO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC (SỞ GIAO DỊCH)

Sau khi xác định mẫu chữ ký và mẫu dấu của ………………………là hợp lệ. Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) chấp thuận với Bản đăng ký mẫu dấu, chữ ký sử dụng tài khoản lưu ký GTCG tại Ngân hàng Nhà nước kèm theo tài khoản lưu ký GTCG số ....................................

Thời điểm bắt đầu có hiệu lực ................................................................................................


TRƯỞNG PHÒNG
PHÒNG KẾ TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên)

, ngày tháng năm
GIÁM ĐỐC SỞ GIAO DỊCH
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

___________

1 Là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp là người đại diện theo ủy quyền phải kèm theo Giấy ủy quyền

Phụ lục 1c/LK

Thành viên lưu ký

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:

, ngày tháng năm

THÔNG BÁO THAY ĐỔI THÔNG TIN VỀ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GIẤY TỜ CÓ GIÁ MỞ TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Kính gửi: Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước

Tên tổ chức mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá (GTCG) ……………………………………

Quyết định thành lập số …………………………………………………………………………

Địa chỉ giao dịch ……………………………… Điện thoại giao dịch …………………………

Tên tài khoản lưu ký GTCG …………………………………………………………………….

Số tài khoản lưu ký GTCG ………………………………………………………………………

Nơi mở tài khoản lưu ký GTCG ………………………………………………………………..

Ngày mở tài khoản lưu ký GTCG ………………………………………………………………

Đăng ký thay đổi thông tin trên Giấy đề nghị mở tài khoản lưu ký GTCG với Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước như sau (chỉ khai những nội dung thay đổi)

1. Thay đổi thông tin về tài khoản lưu ký GTCG:

- Tên tổ chức mở tài khoản lưu ký GTCG ……………………………………………………

- Địa chỉ, điện thoại giao dịch: ………………………………………………………………….

- Người đại diện hợp pháp ………………………………………………………………………

- Kế toán trưởng (hoặc người phụ trách kế toán, người kiểm soát chứng từ giao dịch với NHNN) ……………………………………………………………………………………

- …

2. Thay đổi về mẫu dấu, chữ ký sử dụng tài khoản lưu ký tại Sở Giao dịch NHNN:

a) Thay đổi mẫu chữ ký

b) Thay đổi mẫu dấu (nếu có)

Chúng tôi cam kết:

- Những thông tin thay đổi trên đây là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng sự thật của các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản lưu ký GTCG đính kèm

- Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về việc lưu ký và sử dụng GTCG tại Ngân hàng Nhà nước và xin chịu trách nhiệm đối với mọi vấn đề phát sinh trong trường hợp chúng tôi không thực hiện đúng, đầy đủ quy định về việc lưu ký và sử dụng GTCG do Ngân háng Nhà nước quy định.


Hồ sơ đính kèm:

1) ………………………………

2) ………………………………

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
CỦA CHỦ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GTCG
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

PHẦN DÀNH CHO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC (SỞ GIAO DỊCH)

Sau khi kiểm soát và xác định các giấy tờ bổ sung, thay đổi tại Hồ sơ mở tài khoản lưu ký GTCG của …………………… số tài khoản lưu ký GTCG ...…………………… là đầy đủ và hợp lệ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận với những thay đổi trên của ………………………………

Thời điểm bắt đầu có hiệu lực ……………………………………………………


TRƯỞNG PHÒNG
PHÒNG KẾ TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên)

…… ngày ....tháng…..năm
GIÁM ĐỐC SỞ GIAO DỊCH
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Phụ lục 1d/LK

(Thành viên lưu ký)

Số

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

, ngày tháng năm

GIẤY ĐỀ NGHỊ
PHÂN QUYỀN NGƯỜI SỬ DỤNG THAM GIA NGHIỆP VỤ LƯU KÝ VÀ SỬ DỤNG GIẤY TỜ CÓ GIÁ TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Kính gửi: Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước

Tên Tổ chức tín dụng ……………………………………………………………………………

Địa chỉ giao dịch…………………………………………. Điện thoại giao dịch ………………

Tên tài khoản lưu ký giấy tờ có giá (GTCG) ………………………………………………….

Số tài khoản lưu ký GTCG ………………………………………………………………………

Nơi mở tài khoản lưu ký GTCG …………………………………………………………………

Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước phân quyền giao dịch cho nhân sự của chúng tôi theo danh sách dưới đây

Họ và tên

Mã người sử dụng

Chức vụ

Chữ ký 1

Chữ ký 2

1. Người ký duyệt

2. Người kiểm soát

3. Người giao dịch

Ghi chú: Người ký duyệt phải là người đại diện hợp pháp của thành viên.


Nơi nhận:
- Như trên
- Lưu.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
CỦA CHỦ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GTCG
(Ký tên, đóng dấu)

Phụ lục 2a/LK

(Thành viên lưu ký)

Số

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

….., ngày….tháng…năm….

GIẤY ĐỀ NGHỊ LƯU KÝ GIẤY TỜ CÓ GIÁ

Kính gửi:

- Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh….

Tên đơn vị (Chủ tài khoản) ………………………………………………………………………

Địa chỉ ………………………………………………………………………………………………

Tên tài khoản lưu ký giấy tờ có giá (GTCG) ……………………………………………………

Số tài khoản lưu ký GTCG ………………………………………………………………………

Đề nghị lưu ký các loại giấy tờ có giá sau

Đơn vị:………VNĐ

TT

Tên GTCG

Mã GTCG tại NHNN

Mã GTCG tại VSDC

Số lượng

Mệnh giá

Tổng mệnh giá

Ngày phát hành

Ngày đến hạn

Lãi suất phát hành

Ghi chú

Tổng cộng

Tổng mệnh giá bằng chữ: ……………………………………………………………………………….

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP1
CỦA CHỦ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GTCG
(Ký tên và đóng dấu)

_______________________

1 Là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp là người đại diện theo ủy quyền phải kèm theo Giấy ủy quyền

Phụ lục 2b/LK

(Thành viên lưu ký)

Số

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

…., ngày….tháng….năm….

GIẤY ĐỀ NGHỊ ĐỔI GIẤY TỜ CÓ GIÁ

Kính gửi: Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước

Tên đơn vị (Chủ tài khoản) ……………………………………………………………………….

Địa chỉ ………………………………………………………………………………………………

Tên tài khoản lưu ký giấy tờ có giá (GTCG) ……………………………………………………

Số tài khoản lưu ký GTCG ……………………………………………………………………….

……………… (Tên đơn vị) đề nghị Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay đổi GTCG đang cầm cố tham gia theo bảng kê dưới đây

STT

Loại GTCG

Mã GTCG tại NHNN

Mã GTCG tại VSDC

Ngày phát hành

Ngày đáo hạn

Số lượng

Mệnh giá

Tổng mệnh giá (VND)

Lãi suất (%/năm)

Thời hạn còn lại

I

GTCG cũ

Tổng cộng

II

GTCG mới

Tổng cộng


Nơi nhận:
- Như trên.
- Lưu

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP1
CỦA CHỦ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GTCG
(Ký tên và đóng dấu)

___________________

1 Là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp là người đại diện theo ủy quyền phải kèm theo Giấy ủy quyền

Phụ lục 2c/LK

(Thành viên lưu ký)

Số

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

…..,ngày…tháng…năm….

GIẤY ĐỀ NGHỊ CẦM CỐ/KÝ QUỸ GIẤY TỜ CÓ GIÁ

Kính gửi: Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước

Tên đơn vị (Chủ tài khoản) : .............................................................................................

Địa chỉ ...............................................................................................................................

Tên tài khoản lưu ký giấy tờ có giá (GTCG): ....................................................................

Số tài khoản lưu ký GTCG ................................................................................................

Đề nghị cầm cố các loại giấy tờ có giá để tham gia.............. như sau

Đơn vị: VND

TT

Tên GTCG

Mã GTCG tại NHNN

Mã GTCG tại VSDC

Số lượng

Mệnh giá

Tổng mệnh giá

Ngày phát hành

Ngày đến hạn

Lãi suất phát hành

Ghi chú

Tổng cộng

Tổng mệnh giá bằng chữ: …………………………………………………………………….

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP1
CỦA CHỦ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GTCG
(Ký tên và đóng dấu)

_______________________

1 Là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp là người đại diện theo ủy quyền phải kèm theo Giấy ủy quyền

Phụ lục 2d/LK

(Thành viên lưu ký)

Số

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

…..,ngày…tháng…năm….

GIẤY ĐỀ NGHỊ GIẢI TỎA GIẤY TỜ CÓ GIÁ

Kính gửi: Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước

Tên đơn vị (Chủ tài khoản) ………………………………………………………………………

Địa chỉ ………………………………………………………………………………………………

Tên tài khoản lưu ký giấy tờ có giá (GTCG) ……………………………………………………

Số tài khoản lưu ký GTCG: ………………………………………………………………………

Đề nghị giải tỏa các loại giấy tờ có giá tham gia ………………………. như sau:

Đơn vị:…VND

TT

Tên GTCG

Mã GTCG tại NHNN

Mã GTCG tại VSDC

Số lượng

Mệnh giá

Tổng mệnh giá

Ngày phát hành

Ngày đến hạn

Lãi suất phát hành

Ghi chú

Tổng cộng

Tổng mệnh giá bằng chữ: …………………………………………………………………….

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP1
CỦA CHỦ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GTCG
(Ký tên và đóng dấu)

_______________________

1 Là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp là người đại diện theo ủy quyền phải kèm theo Giấy ủy quyền

Phụ lục 3/LK

(Thành viên lưu ký)

Số

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

…..,ngày…tháng…năm….

GIẤY ĐỀ NGHỊ RÚT GIẤY TỜ CÓ GIÁ

Kính gửi: Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước

Tên đơn vị (Chủ tài khoản) ………………………………………………………………………..

Địa chỉ ………………………………………………………………………………………………..

Tên tài khoản lưu ký giấy tờ có giá (GTCG) …………………………………………………….

Số tài khoản lưu ký GTCG: ………………………………………………………………………..

Đề nghị rút các loại giấy tờ có giá sau

Đơn vị:…. VND

TT

Tên GTCG

Mã GTCG tại NHNN

Mã GTCG tại VSDC

Số lượng

Mệnh giá

Tổng mệnh giá

Ngày phát hành

Ngày đến hạn

Lãi suất phát hành

Ghi chú

Tổng cộng

Tổng mệnh giá bằng chữ: …………………………………………………………………….

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP1
CỦA CHỦ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GTCG
(Ký tên và đóng dấu)

_______________________

1 Là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp là người đại diện theo ủy quyền phải kèm theo Giấy ủy quyền

Phụ lục 4/LK

(Thành viên lưu ký)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số ………..

…..,ngày…tháng…năm….

GIẤY ĐỀ NGHỊ ĐÓNG TÀI KHOẢN GIẤY TỜ CÓ GIÁ

Kính gửi: Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước

Tên thành viên (Chủ tài khoản) …………………………………………………………………

Họ và tên người đại diện của Chủ tài khoản ....……………………………………………….

Số chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu ………………………………..

Ngày cấp: ……………………………………… Nơi cấp: ....……………………………………

Địa chỉ ...……………………………………………………………………………………………

Số điện thoại: ………………………………………………………………………………………

Số Fax: ………………………………………………………………………………………………

Yêu cầu đóng tài khoản lưu ký giấy tờ có giá (GTCG) số ……………… đã mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước kể từ ngày ………………………………………

Số dư còn lại……………… VND (bằng chữ ……………………… ) đề nghị Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước xử lý ………………………………

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP1
CỦA CHỦ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GTCG
(Ký tên và đóng dấu)

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

PHẦN DÀNH CHO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC (SỞ GIAO DỊCH)

Sau khi kiểm tra thông tin của …………………………… là hợp lệ. Ngân hàng nhà nước chấp thuận đóng tài khoản lưu ký GTCG của ……………… số tài khoản……………….

TRƯỞNG PHÒNG
PHÒNG KẾ TOÁN

(Ký, ghi rõ họ tên)

…., ngày….tháng…năm….
GIÁM ĐỐC SỞ GIAO DỊCH
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

_______________________

1 Là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp là người đại diện theo ủy quyền phải kèm theo Giấy ủy quyền

Phụ lục 5/LK

(Thành viên lưu ký)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:

…..,ngày…tháng…năm….

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHUYỂN QUYỀN SỞ HỮU GIẤY TỜ CÓ GIÁ

Kính gửi: Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước

Căn cứ Hợp đồng mua bán số……………. theo Quyết định số……. ngày …… tháng….. năm….. (đính kèm), chúng tôi là……………………….. (Bên bán/Bên chuyển quyền sở hữu) đồng ý bán/chuyển quyền sở hữu cho………………… (Bên mua/Bên nhận quyền sở hữu) số giấy tờ có giá (GTCG) theo bảng kê sau:

Đơn vị:….. VND

TT

Tên GTCG

Mã GTCG tại NHNN

Mã GTCG tại VSDC

Số lượng

Mệnh giá

Tổng mệnh giá

Ngày phát hành

Ngày đến hạn

Lãi suất phát hành

Ghi chú

Tổng cộng

Tổng mệnh giá GTCG bằng chữ ……………………………………………………………….

Ngày thực hiện chuyển quyền sở hữu GTCG …………………………………………………

Chúng tôi đề nghị Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước xác nhận và chuyển quyền sở hữu những GTCG thuộc bảng trên cho chúng tôi theo chi tiết sau.

Bên Bán / Bên chuyển quyền sở hữu

- Mã số……………………………………… Địa chỉ ……………………………………………

- Điện thoại ………………………………... Fax: ………………………………………………

- Số tài khoản lưu ký GTCG……………… tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước

Bên Mua / Bên nhận quyền sở hữu

- Mã số……………………………………… Địa chỉ: ……………………………………………

- Điện thoại……………………………………… Fax......………………………………………

- Số tài khoản lưu ký GTCG tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

Đính kèm:

- Hợp đồng mua bán, hoặc

- Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP1
CỦA CHỦ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GTCG
(Ký tên, đóng dấu)

_______________________

1 Là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp là người đại diện theo ủy quyền phải kèm theo Giấy ủy quyền

XÁC NHẬN CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC (SỞ GIAO DỊCH)

Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) xác nhận giấy tờ có giá trong bảng kê nêu trên tính đến thời điểm ….. giờ, ngày….tháng….năm……… chưa được sử dụng cho bất kỳ nghiệp vụ nào và/hoặc ràng buộc bởi nghĩa vụ nào tại Ngân hàng Nhà nước và đồng ý chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ tài khoản lưu ký giấy tờ có giá của ………………. sang tài khoản lưu ký giấy tờ có giá của………………. với chi tiết như đơn đề nghị chuyển nhượng quyền sở hữu giấy tờ có giá giữa hai bên.

Bên Bán/ Bên chuyển quyền sở hữu

- Mã số ………………………………….. Địa chỉ ……………………………………………

- Điện thoại............................................... Fax …………………………………………….

- Số tài khoản lưu ký GTCG........................... tại Ngân hàng Nhà nước

Bên Mua /Bên nhận quyền sở hữu

- Mã số ………………………………….. Địa chỉ ……………………………………………

- Điện thoại............................................... Fax …………………………………………….

- Số tài khoản lưu ký GTCG........................... tại Ngân hàng Nhà nước

Giá trị bằng số ………………………………………………………………………………….

Giá trị bằng chữ…………………………………………………………………………………


TRƯỞNG PHÒNG
PHÒNG KẾ TOÁN

(ký và ghi rõ họ tên)

Hà Nội, ngày.... tháng…. năm……..
GIÁM ĐỐC SỞ GIAO DỊCH
(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Phụ lục 6a/LK

(Thành viên lưu ký)

Số

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

…..,ngày…tháng…năm….

ĐỀ NGHỊ CẦM CỐ GIẤY TỜ CÓ GIÁ CHO MỤC ĐÍCH …….

Kính gửi: Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước

Theo hợp đồng (hay thỏa thuận) cầm cố giấy tờ có giá số ……………………… ngày …….. giữa …………………. và…………………… chúng tôi đề nghị Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cầm cố số giấy tờ có giá (GTCG) đang lưu ký tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước chi tiết như sau

TT

Tên GTCG

Mã GTCG tại NHNN

Mã GTCG tại VSDC

Số lượng

Mệnh giá

Tổng mệnh giá

Ngày phát hành

Ngày đến hạn

Lãi suất phát hành

Ghi chú

Tổng cộng

Giá trị bằng chữ: …………………………………………………………………….

Số lượng giấy tờ có giá nêu trên là thuộc sở hữu của ………………. (bên cầm cố) và hiện không sử dụng để bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào của ……………………… (bên cầm cố)

Số lượng giấy tờ có giá trên được phong tỏa từ ngày………………… đến khi có “Giấy đề nghị giải tỏa giấy tờ có giá” có xác nhận của…………………………. (bên nhận cầm cố)

Trong thời gian phong tỏa………………. (bên cầm cố) chỉ được thay thế giấy tờ có giá theo thỏa thuận và có xác nhận của ……………… (bên nhận cầm cố)

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP1
CỦA CHỦ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GTCG
(Ký tên và đóng dấu)

_______________________

1 Là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp là người đại diện theo ủy quyền phải kèm theo Giấy ủy quyền

XÁC NHẬN CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC (SỞ GIAO DỊCH)

Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) xác nhận giấy tờ có giá trong bảng kê nêu trên hiện đang lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước và tính đến thời điểm….. giờ …..ngày….tháng….năm…. chưa được sử dụng cho bất kỳ nghiệp vụ nào và/hoặc ràng buộc bởi nghĩa vụ nào tại Ngân hàng Nhà nước.

Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước xác nhận phong tỏa giấy tờ có giá của ….. (bên cầm cố) với các nội dung chi tiết như đơn đề nghị cầm cố giấy tờ có giá của bên cầm cố

Giá trị bằng số…………………………………………………

Tổng mệnh giá bằng chữ ………………………………………………

Thời gian phong tỏa từ ngày / /


TRƯỞNG PHÒNG
PHÒNG KẾ TOÁN

(ký và ghi rõ họ tên)

Hà Nội, ngày.... tháng…. năm……..
GIÁM ĐỐC SỞ GIAO DỊCH
(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Phụ lục 6b/LK

(Thành viên lưu ký)

Số

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

…..,ngày…tháng…năm….

ĐỀ NGHỊ GIẢI TỎA GIẤY TỜ CÓ GIÁ CHO MỤC ĐÍCH…………….

Kính gửi: Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước

Theo hợp đồng (hay thỏa thuận) cầm cố giấy tờ có giá (GTCG) số ……………….. ngày ……….. giữa………………. và…………………….. chúng tôi đề nghị Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước giải tỏa số giấy tờ có giá đang lưu ký tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước chi tiết như sau

TT

Tên GTCG

Mã GTCG tại NHNN

Mã GTCG tại VSDC

Số lượng

Mệnh giá

Tổng mệnh giá

Ngày phát hành

Ngày đến hạn

Lãi suất phát hành

Ghi chú

Tổng cộng

Tổng mệnh giá bằng chữ: ………………………………………………………

Số lượng giấy tờ có giá nêu trên là thuộc sở hữu của ………………….. (bên cầm cố) và hiện không sử dụng để đảm bảo cho bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào của tổ chức này

BÊN NHẬN CẦM CỐ
(Ký tên và đóng dấu)

BÊN CẦM CỐ
(Ký tên và đóng dấu)

Phụ lục 7/LK

(Thành viên lưu ký)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:

, ngày tháng năm

GIẤY ỦY QUYỀN

Kính gửi: Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước

- Tên tôi là (người ủy quyền) ……………………………………………………………………

- Số chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/ Hộ chiếu ……………………………..

Ngày cấp ………………………………… Nơi cấp ……………………………………………..

- Chức vụ……………………………………………………………… ủy quyền cho người có tên sau đây, là người được ủy quyền của người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản /kế toán trưởng, thay mặt người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản /kế toán trưởng ký văn bản, các chứng từ giao dịch liên quan đến tài khoản lưu ký giấy tờ có giá (GTCG) của ……. (tên thành viên) với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

- Họ và tên người được ủy quyền .....................................................................................

Số chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/ Hộ chiếu ………………………………

Ngày cấp…………………………………………….. Nơi cấp ………………………………….

- Chức vụ ………………………………………………………………………………………….

Thời hạn ủy quyền ………………………………………………………………………………..

NGƯỜI ỦY QUYỀN (1)
(Chữ ký)

NGƯỜI ĐƯỢC ỦY QUYỀN
(Chữ ký)

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
CỦA CHỦ TÀI KHOẢN LƯU KÝ GTCG(2)
(ký và đóng dấu)

Ghi chú

(1) là người đại diện theo pháp luật của thành viên

(2) áp dụng trong trường hợp Giấy ủy quyền của kế toán trưởng

THE STATE BANK OF VIETNAM
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No.: 16/2022/TT-NHNN

Hanoi, November 30, 2022

 

CIRCULAR

PRESCRIBING DEPOSITING AND USE OF FINANCIAL INSTRUMENTS AT STATE BANK OF VIETNAM

Pursuant to the Law on the State Bank of Vietnam dated June 16, 2010;

Pursuant to the Law on Credit Institutions dated June 16, 2010 and the Law providing amendments to the Law on Credit Institutions dated November 20, 2017;

Pursuant to the Law on Securities dated November 26, 2019;

Pursuant to the Government’s Decree No. 01/2011/ND-CP dated January 05, 2011 prescribing issuance of government bonds, government-guaranteed bonds and municipal bonds;

Pursuant to the Government’s Decree No. 95/2018/ND-CP dated June 30, 2018 prescribing issuance, registration, depositing, listing and trading of government debt instruments on securities market;

Pursuant to the Government's Decree No. 16/2017/ND-CP dated February 17, 2017 prescribing functions, tasks, powers and organizational structure of the State Bank of Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Governor of the State Bank of Vietnam promulgates a Circular prescribing the depositing and use of financial instruments deposited at the State Bank of Vietnam.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Circular provides regulations on the depositing and use of financial instruments deposited at the State Bank of Vietnam (hereinafter referred to as “SBV”).

Article 2. Regulated entities

1. SBV’s affiliated units.

2. Deposit Insurance of Vietnam, credit institutions, foreign bank branches (FBBs) and other organizations as decided by the SBV’s Governor (hereinafter referred to as “members”).

Article 3. Definitions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. “depositing of an financial instrument at SBV” means the act of accepting, maintaining, transferring and performing actions relating to the ownership of the financial instrument deposited by a member directly at the SBV or on the SBV’s client account opened at the Vietnam Securities Depository and Clearing Corporation (hereinafter referred to as “VSDC”) in order to ensure the holder's rights and benefits associated with the financial instrument and perform some operations at the SBV.

3. “transfer of financial instruments” means the transfer of book-entry financial instruments between accounts or physical delivery, counting and recording on accounting system of certificated financial instruments. The transfer of a financial instrument may include the transfer of the ownership of that financial instrument or not.

4. “proprietary trading account” means an account opened by VSDC for its depository member or another organization that is allowed to open account at VSDC in order to manage financial instruments under their ownership.

5. “brokerage account” means an account opened by VSDC for its depository member or another organization that is allowed to open account at VSDC in order to manage financial instruments under the ownership of their clients.

6. “SBV’s financial instrument account” includes account on financial instruments under SBV's management and account on SBV's financial instruments deposited at VSDC.

Account on financial instruments under SBV's management is a SBV’s internal account used for serving the depositing of financial instruments under the SBV’s ownership.

Account on SBV's financial instruments deposited at VSDC is a proprietary trading account opened by VSDC at the request of the SBV to serve the depositing of financial instruments under the SBV’s ownership.

7. “SBV’s client account opened at VSDC” is a brokerage account opened by VSDC at the request of the SBV to serve the blockade and depositing of financial instruments under the ownership of members when performing some operations at the SBV.

8. “account on financial instruments deposited by clients” is an account opened by the SBV to monitor the depositing of financial instruments of its members. Account on financial instruments deposited by clients includes account on financial instruments deposited directly at SBV and account on financial instruments deposited on SBV’s client account opened at VSDC.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Account on financial instruments deposited on SBV’s client account opened at VSDC is an account opened by VSDC at the request of the SBV in order to deposit financial instruments of its members at VSDC.

9. “account on financial instruments deposited for pledging” is an internal account opened by the SBV for its member to serve the management of financial instruments at the request for pledging or deposit of the later when performing some money market operations.

10. “account on financial instruments deposited for credit extension on interbank market” is an internal account opened by the SBV for its member to serve the blockade of financial instruments used in lending transactions secured by financial instruments between its members on interbank market.

Article 4. Conditions, face value and code of financial instruments deposited at SBV

1. Financial instruments include:

a) SBV bills;

b) Government bonds;

c) Bonds for which principal and interest payments are entirely guaranteed by the Government when they become due;

d) Municipal bonds which are used in SBV’s transactions conducted according to a decision issued by the SBV’s Governor in each period;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Bonds issued by commercial banks over 50% of charter capital of which is held by the State (except commercial banks which have been compulsorily acquired); bonds issued by credit institutions (except credit institutions placed under special control) and other enterprises;

g) Other types of financial instruments as specified in the decision issued by the SBV’s Governor in each period.

2. Conditions of a financial instrument

a) It is under the legal ownership of a member;

b) It is one of types of financial instruments specified in Clause 1 of this Article;

c) The right to receive its principal and interest when they become due is not yet determined;

d) Certificated financial instruments deposited at SBV must not be torn or deteriorated, and their color, images, letters and digits thereon must not be faded, wrinkled, blurred, dirty or erased.

3. Face value of financial instruments

The face value of a financial instrument is VND 100.000 (one hundred thousand) or its multiple.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Code of financial instruments

Financial instruments deposited at the SBV shall be managed according to a coding system established by VSDC and SBV (SBV's Operations Center). The SBV may consistently manage financial instruments according to the international securities identification numbering (ISIN) system, if it’s deemed necessary.

Article 5. Use of financial instruments deposited at SBV

1. Financial instruments shall be used for the following money market operations:

a) Open market operations;

b) Refinancing operations:

- Grant of loans secured by financial instruments by the SBV to credit institutions and FBBs;

- Discounting on financial instruments granted by the SBV to credit institutions and FBBs;

- Other refinancing forms as prescribed by the SBV; 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Pledge or provision of financial instruments as deposits for setting limits on net debts in interbank electronic payment;

dd) Pledge or provision of financial instruments as deposits for setting centralized payment limits;

e) Pledge or provision of financial instruments as deposits for setting limits on electronic clearing through the electronic clearing system;

g) Pledge or provision of financial instruments as deposits for performing other operations according to the decision issued by the SBV’s Governor in each period.

2. Financial instruments shall be used for granting special loans to credit institutions which are placed under special control.

3. Transactions of financial instruments deposited at SBV between members include:

a) Grant of loans secured by financial instruments between members;

b) trading of financial instruments between members.

4. The SBV shall only receive requests and supporting documents for use of financial instruments deposited at the SBV by 15:30 PM of every business day. Any requests for use of financial instruments deposited at the SBV sent after this deadline shall be processed in the next business day. If the deadline of a business day needs to be extended, the SBV shall cooperate with its members to agree upon a specific deadline of that business day.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



SPECIFIC PROVISIONS

Section 1. DEPOSITING OF FINANCIAL INSTRUMENTS

Article 6. Opening depository accounts

1. Application for account opening

In order to deposit financial instruments at the SBV, any of the members defined in Clause 2 Article 2 of this Circular shall prepare and send, either directly or by post, an application to the SBV’s head office (single-window section). Such an application includes:

a) The application form made according to Appendix 1a/LK enclosed herewith (03 copies);

b) The list of specimen seals and signatures for using depository account at the SBV which is made according to Appendix 1b/LK enclosed herewith (03 copies);

c) The documentary evidences of the lawful establishment and operation of the applicant, including: the charter, license for establishment and operation, enterprise registration certificate or other documents of equivalent validity as prescribed by laws;  

d) The documentary evidences of the legal status of the legal representative of the applicant (such as the SBV’s decision on approval for provisional position holders and/or appointment decision) accompanied by ID card or Citizen Identity Card or unexpired passport of the representative;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) If another person is authorized by the legal representative or chief accountant (including re-authorization (if any)), the applicant shall submit the appointment decision of the authorized person and the power of attorney made according to Appendix 7/LK enclosed herewith, accompanied by the ID card or Citizen Identity Card or unexpired passport of the authorized person. The power of attorney made by the chief account must also bear signature of the representative of the account holder;

g) The documents in Point c, d, dd, e Clause 1 of this Article shall not be required if they have been submitted to the SBV (SBV’s Operations Center) when the applicant follows procedures for opening and use of a checking account at the SBV or person identity (including number of ID card or Citizen Identity Card or passport) of the lawful representative, chief account or their authorized person may be obtained from the national population database.

2. The documents in Point a, b Clause 1 of this Article must be original copies and bear signature and seal of the lawful representative of the applicant; the documents in Point c, d, dd, e Clause 1 of this Article are copies from the master registers or certified true copies or copies presented together with their originals for verification purposes or certified electronic copies of the original copies. If any documents included in the submitted application are made in foreign language, their Vietnamese translations which must be notarized or certified in accordance with regulations of law shall be required.

3. Within 05 (five) working days from the receipt of an adequate and valid application, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall open a financial instrument depository account and notify the number and validity start date of the depository account to the applicant. If the received application is inadequate or invalid, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall request the applicant to complete the application. If an application is refused, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall provide the applicant with reasons for such refusal.

Article 7. Changing depository account information

1. If there is any change in details about its financial instrument depository account in respect of the documents included in the application specified in Clause 1 Article 6 of this Circular, within 15 days from the occurrence of the change, the account holder shall notify and provide the SBV (the SBV’s Operations Center) with the following relevant legal documents and materials:

a) The notice of changes in financial instrument depository account opened at SBV which is made according to Appendix 1c/LK enclosed herewith (03 copies);

b) The list of specimen seals and signatures for using depository account at the SBV which is made according to Appendix 1b/LK enclosed herewith (03 copies);

c) The documents specified in Points c, d, dd and e Clause 1 of Article 6.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 8. Depositing of financial instruments

1. Book-entry financial instruments directly deposited at SBV

a) If financial instruments to be deposited are included in the list of financial instruments under SBV's management:

The application for depositing of financial instruments made according to Appendix 2a/LK enclosed herewith and relevant documents (if any) shall be submitted to the SBV (the SBV’s Operations Center). Within 01 (one) working day from the receipt of the application for depositing of financial instruments, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall transfer financial instruments to the account on financial instruments deposited directly at SBV;

b) If a successful bidder purchases financial instruments in trading sessions organized by the SBV, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall transfer financial instruments purchased by that bidder to the account on financial instruments deposited directly at SBV.

2. Book-entry financial instruments deposited at VSDC

a) Members that wish to deposit financial instruments at SBV shall transfer financial instruments from their depository accounts opened at VSDC to SBV’s client account opened at VSDC. Upon receipt of VSDC’s notification of transfer of financial instruments, the SBV shall record the increase in financial instruments on the account on financial instruments deposited by clients;

b) If a successful bidder purchases financial instruments in a trading session in which the SBV acts as an issuing agent or sells financial instruments, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall provide VSDC with bidding information to serve VSDC’s recording of deposited financial instruments.

3. Certificated financial instruments

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If certificated financial instruments are presented at the SBV (the SBV’s Operations Center), within 01 (one) working day from the completion of receipt, counting and examination of validity and legitimacy of such financial instruments, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall carry out procedures for depositing received financial instruments on the account on financial instruments deposited directly at SBV.

If certificated financial instruments are presented at a SBV’s provincial branch, within 05 (five) working days from the completion of receipt, counting and examination of validity and legitimacy of such financial instruments, the SBV’s provincial branch shall transfer received financial instruments to SBV (the SBV’s Operations Center). Within 01 (one) working day from the completion of counting of received financial instruments, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall carry out procedures for depositing received financial instruments on the account on financial instruments deposited directly at SBV.

Article 9. Rules for transfer of ownership of financial instruments

1. The SBV (the SBV’s Operations Center) shall carry out the transfer of ownership of financial instruments directly deposited at SBV within the same day in which the relevant transaction is conducted according to the following rules:

a) If the SBV is the buyer or receiver of financial instruments upon disposition of collateral, the financial instruments shall be transferred from the account on financial instruments deposited directly at SBV or the account on financial instruments deposited for pledging to the SBV’s financial instrument account;

b) If the SBV is the seller, the financial instruments shall be transferred from the SBV’s financial instrument account to the account on financial instruments deposited directly at SBV;

c) If the collateral of a lending transaction secured by financial instruments between members on the interbank market is disposed of, the financial instruments shall be transferred from the account on financial instruments deposited for credit extension on interbank market of the borrower to the account on financial instruments deposited directly at SBV of the lender.

2. VSDC shall carry out the transfer of ownership of financial instruments deposited on SBV’s client account opened at VSDC in accordance with regulations of law on securities, special agreement between the SBV (the SBV’s Operations Center), and the following rules:

a) If the SBV is the buyer or receiver of financial instruments upon disposition of collateral, the financial instruments shall be transferred from the account on financial instruments deposited on SBV’s client account opened at VSDC to the account on SBV's financial instruments deposited at VSDC;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) If the collateral of a lending transaction secured by financial instruments between members on the interbank market is disposed of, the financial instruments shall be transferred from the borrower to the lender on the SBV’s client account opened at VSDC.

3. The SBV shall carry out the transfer of ownership of financial instruments according to the sales contract or notice of bidding results in open market operations under authorization of a member. The transfer of ownership of financial instruments in case of discounting, pledging, provision of financial instruments as collateral, other forms of refinancing based on pledged financial instruments, and trading of financial instruments between members shall comply with the provisions of Articles 14, 15, 16, 17, 18 of this Circular.

4. The SBV (the SBV’s Operations Center) shall carry out the transfer of ownership of financial instruments in case of split-off or merger of credit institution(s) at the request of holders of financial instruments and on the basis of the application for transfer of ownership of financial instruments made according to Appendix 5/LK enclosed herewith, which is accompanied with the SBV’s approval for the split-off or merger of credit institution(s) and relevant documents (if any).

A credit institution that undergoes split-up, consolidation or dissolution or is declared bankrupt shall follow procedures for withdrawal of its financial instruments as prescribed in Article 11 of this Circular and closing financial instrument depository account at SBV as prescribed in Article 12 of this Circular before its termination of existence. The SBV (the SBV’s Operations Center) shall carry out the transfer of ownership of financial instruments on the basis of the application for transfer of ownership of financial instruments made according to Appendix 5/LK enclosed herewith, the SBV’s approval for the split-up, consolidation or dissolution of the credit institution or the decision to declare bankruptcy of the credit institution issued by a competent People’s Court, and relevant documents (if any).

Article 10. Payment of principal and interest on financial instruments

1. Financial instruments directly deposited at SBV

a) Book-entry financial instruments

When a financial instrument reaches maturity, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall examine the fulfillment of obligations of members to SBV in operations with use of that financial instrument. If a member has fulfilled all obligations, procedures for paying principal and interest to that member shall be followed. If a member fails to fulfill obligations, the provisions of Clause 4 of this Article shall apply;

b) Certificated financial instruments 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Financial instruments deposited on the SBV’s client account opened at VSDC

a) When the interest on a financial instrument of which interest payment is made periodically becomes due, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall examine the fulfillment of obligations of members to SBV in operations with use of that financial instrument. If all members have fulfilled obligations, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall provide VSDC with a notice of confirmation of the list of members holding financial instruments deposited on the SBV’s client account opened at VSDC for completing procedures for paying interest to such members. If a member fails to fulfill obligations, the provisions of Clause 4 of this Article shall apply;

b) When a financial instrument reaches maturity, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall examine the fulfillment of obligations of members to SBV in operations with use of that financial instrument. If a member has fulfilled obligations, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall provide VSDC with a notice of confirmation that the relevant financial instrument of that member deposited on the SBV’s client account opened at VSDC is eligible for principal and interest payment so that VSDC can complete procedures for paying principal and interest to that member. If a member fails to fulfill obligations, the provisions of Clause 4 of this Article shall apply;

c) The payment of principal and interest on financial instruments deposited on the SBV’s client account opened at VSDC shall be made according to specific agreements between the SBV (the SBV’s Operations Center) and VSDC.

3. The payment of interest and other incomes (if any) earned from a financial instrument during the transfer of its ownership from the seller to the buyer in a repo transaction conducted on the money market shall comply with specific regulations of the SBV.

4. If a member fails to fulfill obligations to the SBV, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall refuse to release or refuse to pay the principal and/or interest on the financial instrument used for these obligations. Actions against members that fail to fulfill their obligations shall comply with SBV’s specific regulations applicable to each operation.

Article 11. Withdrawal of financial instruments

1. Financial instruments directly deposited at SBV

A member that wishes to withdraw a certificated financial instrument directly deposited at SBV shall send an application for withdrawal of financial instrument made according to Appendix 3/LK enclosed herewith to the SBV (the SBV’s Operations Center).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Financial instruments deposited on the SBV’s client account opened at VSDC 

A member that wishes to withdraw a financial instrument deposited on the SBV’s client account opened at VSDC shall submit to the SBV (the SBV’s Operations Center) a request for transfer of the financial instrument from the account on financial instruments deposited on SBV’s client account opened at VSDC to its depository account opened at VSDC.

Within 01 (one) working day from the receipt of the request, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall examine the member’s fulfillment of obligations to SBV in operations with use of the financial instrument to be withdrawn. If the member has fulfilled obligations, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall request VSDC to transfer the relevant financial instrument of that member from the SBV’s client account opened at VSDC to that member’s depository account opened at VSDC. If the member fails to fulfill obligations, the provisions of Clause 3 of this Article shall apply.

3. If a member fails to fulfill obligations to the SBV, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall refuse to release the financial instrument used for these obligations. Actions against members that fail to fulfill their obligations shall comply with SBV’s specific regulations applicable to each operation.

Article 12. Closing depository accounts

1. When a member no longer has demand for depositing financial instruments at SBV or before the termination of its existence due to split-off, split-up, merger, consolidation, dissolution or bankruptcy, it shall prepare and send an application for closure of financial instrument depository account made according to Appendix 4/LK enclosed herewith, either directly or by post, to the SBV’s head office (single-window section).

2. Within 05 (five) working days from the receipt of the application, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall close the applicant’s depository account, or request VSDC to close the corresponding account on financial instruments deposited on SBV’s client account opened at VSDC, and send a notification thereof to the applicant.

3. If a member that undergoes split-up, consolidation, dissolution or is declared bankrupt fails to follow procedures for closing its financial instrument depository account, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall close that member’s depository account after 15 (fifteen) working days from the receipt of the decision on approval for the split-up, consolidation or dissolution issued by the SBV’s Governor or the decision to declare bankruptcy of the credit institution issued by a competent People’s Court (if the balance on that account is zero).

Section 2. USE OF FINANCIAL INSTRUMENTS FOR MONEY MARKET OPERATIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. SBV’s outright purchase or repo of financial instruments

Based on the contract for purchase of financial instruments, in case of a repo transaction, or the notice of bidding results, in case of outright purchase, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall make payment for purchased financial instruments and follow procedures for transferring the ownership of financial instruments from the member’s account on financial instruments deposited by clients to the SBV’s financial instrument account in respect of financial instruments purchased through bidding.

In the case of a repo transaction, on the maturity date of the repo contract, payment for repurchased financial instruments shall be made. Upon receipt of full payment for repurchased financial instruments from the relevant member, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall transfer financial instruments from the SBV’s financial instrument account to the member’s account on financial instruments deposited by clients.

2. SBV’s outright sale or reverse repo of financial instruments

Based on the contract for purchase of financial instruments, in case of a reverse repo transaction, or the notice of bidding results, in case of outright sale, the relevant member shall make payment for purchased financial instruments and the SBV (the SBV’s Operations Center) shall transfer financial instruments from the SBV’s financial instrument account to the member’s account on financial instruments deposited by clients.

In the case of a reverse repo transaction, on the maturity date of the repo contract, the relevant member shall resell financial instruments defined in the contract to the SBV. Based on valid documents, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall make payment to the member and transfer financial instruments from the member’s account on financial instruments deposited by clients to the SBV’s financial instrument account.

Article 14. SBV’s purchase of financial instruments at discount rate

1. Upon receipt of a request for purchase of financial instruments at discount rate from a member, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall, if the request is accepted, transfer financial instruments purchased at discount rate from the member’s account on financial instruments deposited by clients to the SBV’s financial instrument account.

2. Where the SBV accepts the request for fixed-term purchase of a financial instrument at discount rate, the remaining term to maturity of the financial instrument must be longer than the discounting period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 15. Refinancing based on pledged financial instruments

1. After a member’s application for a refinanced loan based on pledged financial instruments has been submitted to and accepted by the SBV, the member shall transfer the financial instruments pledged as collateral to the SBV. The SBV (the SBV’s Operations Center) shall transfer such financial instruments from the member's account on financial instruments deposited by clients to its account on financial instruments deposited for pledging opened at the SBV.

If the loan amount is disbursed at the SBV's Operations Center, the SBV's Operations Center shall transfer the loan amount to the member's deposit account opened at the SBV after procedures for pledge of financial instruments have been completed.

If the loan amount is disbursed at a SBV’s provincial branch, the SBV's Operations Center shall give a notification to the SBV’s provincial branch in charge of the disbursement after procedures for pledge of financial instruments have been completed.

2. If a member wishes to change the pledged financial instrument, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall, based on the application for change of pledged financial instrument made according to Appendix 2b/LK enclosed herewith, examine and record the change according to regulations, provided that the current collateral shall be only released after new collateral has been provided.

3. After the principal and interest have been paid in full, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall, based on the member’s application for approval of debt repayment and payment receipts, release and transfer financial instruments from the member’s account on financial instruments deposited for pledging to its account on financial instruments deposited by clients.

Article 16. Pledging and provision of financial instruments as deposits for setting limits on overdraft facility and overnight loans, limits on net debts, centralized payment limits and limits on electronic clearing through the electronic clearing system

1. Upon receipt of an application for pledging or provision of financial instruments as deposit, made according to Appendix 2c/LK enclosed herewith, for setting limits on overdraft facility, net debts, centralized payment or electronic clearing, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall examine the validity and legitimacy of received documents, and transfer financial instruments from the member's account on financial instruments deposited by clients to its account on financial instruments deposited for pledging opened at the SBV.

2. The SBV (the SBV’s Operations Center) shall release financial instruments pledged or provided as deposit when they reach maturity or in case they are replaced by other financial instruments or the relevant member wishes to reduce or no longer has demands for maintaining such limits on overdraft facility, net debts, centralized payment or electronic clearing. The SBV (the SBV’s Operations Center) shall release financial instruments reaching maturity or a partial or entire number of financial instruments pledged or provided as deposit at the request of the relevant member and transfer the released financial instruments from the member’s account on financial instruments deposited for pledging to its account on financial instruments deposited by clients.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If the applicant fails to fulfill obligations to the SBV, the SBV (the SBV’s Operations Center) shall refuse to release the financial instrument pledged or provided as deposit for these obligations. Actions against members that fail to fulfill their obligations shall comply with SBV’s regulations on pledging and provision of financial instruments as deposits for setting limits on overdraft facility and overnight loans, limits on net debts, centralized payment limits and limits on electronic clearing.

Section 3. FINANCIAL INSTRUMENT TRANSACTIONS BETWEEN MEMBERS

Article 17. Grant of loans secured by financial instruments between members

1. Financial instruments used in lending transactions secured by financial instruments between members shall not be used for ensuring their fulfillment of obligations in other operations at the SBV. They must be deposited at SBV, either deposited directly at SBV or deposited on SBV’s client account opened at VSDC.

2. When a member (the borrower) wishes to provide its financial instruments for getting a loan from another member (the lender), it shall submit an application to the SBV (the SBV’s Operations Center). Such an application includes:

a) The application form made according to Appendix 6a/LK enclosed herewith; 

b) The original contract for pledge of financial instruments made between the borrower and the lender.

3. The SBV (the SBV’s Operations Center) shall receive the application and follow procedures for blocking relevant financial instruments and transferring them from the account on financial instruments deposited by clients to the account on financial instruments deposited for credit extension on interbank market of the borrower.

4. During the validity period of the pledge, if agreed in writing by the lender, the borrower may request the SBV (the SBV’s Operations Center) to extend the validity period of the pledge and/or replace the financial instruments blocked by the SBV with other financial instruments deposited at the SBV. The SBV shall consider responding to the borrower’s request after receiving confirmation from the lender.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. In case the borrower is unable to partially or fully repay the loan principal and interest to the lender, within 05 (five) working days from the receipt of the written request from the lender, the SBV shall follow procedures for transferring the ownership of such financial instruments from the borrower to the lender without consent from the borrower (i.e. holder of such financial instruments), provided that this transfer has been agreed upon and specified in the signed contract. Otherwise, the SBV shall only follow procedures for transferring the ownership of such financial instruments from the borrower to the lender at the lender’s written request which must bear the consent from the borrower (i.e. holder of such financial instruments) and the debt settlement record made between two parties. Where the borrower neither fulfills its obligations nor gives consent to use of collateral for debt repayment, the SBV shall refuse to release the relevant financial instruments and take actions against the collateral in accordance with regulations of law.

Article 18. Trading of financial instruments between members

1. Financial instruments directly deposited at SBV

a) Members are allowed to trade in financial instruments directly deposited at SBV. The seller shall send an application for transfer of ownership of financial instruments made according to Appendix 5/LK enclosed herewith and the original copy of the sales contract signed between two parties to the SBV (the SBV’s Operations Center). The SBV (the SBV’s Operations Center) shall transfer the ownership of financial instruments on the account on financial instruments deposited by clients from the seller to the buyer. The depositing of such financial instruments at SBV shall be maintained, unless otherwise requested by the buyer;

b) In the case of a repo transaction, the seller shall send an application for transfer of ownership of financial instruments made according to Appendix 5/LK enclosed herewith and the original copy of the repo contract signed between two parties to the SBV (the SBV’s Operations Center). The SBV shall transfer the ownership of financial instruments from the seller to the buyer.

On the maturity date of the repo contract, based on valid payment receipts and application for transfer of ownership of financial instruments made according to Appendix 5/LK enclosed herewith submitted by the holder of such financial instruments (i.e. buyer), the SBV (the SBV’s Operations Center) shall transfer the ownership of financial instruments from the buyer to the seller. In other cases, the SBV shall transfer the ownership of financial instruments according to lawful agreements between the parties or in accordance with regulations of law.

2. With regard to financial instruments deposited at VSDC, procedures for withdrawal of such financial instruments from the SBV’s client account opened at VSDC must be completed before any transactions are conducted. Trading of financial instruments deposited at VSDC shall comply with in accordance with regulations of law on securities.

Chapter III

IMPLEMENTATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The SBV’s Operations Center shall:

a) record the depositing and payment of financial instruments, collect interests and depository service fees, carry out pledge or provision of financial instruments as deposit, and transfer of financial instruments at SBV as prescribed;

b) grant authorization to conduct transactions on the SBV’s depository system to employees of members engaging in depositing and use of financial instruments deposited at SBV;

c) grant members the right to search for information on depository account balance and use of financial instruments deposited at SBV online, and statement of account on financial instruments deposited by clients;

d) act as a contact point in charge of, and cooperate with relevant agencies in dealing with difficulties that may arise during the performance of depositing and use of financial instruments at SBV;

dd) enter into an agreement with VSDC on use of VSDC’s services and network connection for data transmission between two parties during the depositing and use of financial instruments at SBV.

2. The Finance and Accounting Department shall:

provide guidelines for accounting and recording of depositing and use of financial instruments at SBV according to the provisions of this Circular.

3. The Information Technology Department shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) issue digital signatures and user accounts to serve the performance of depositing and use of financial instruments at SBV.

4. The SBV Banking Supervision Agency shall:

a) act as a contact point in charge of, and cooperate with relevant agencies in taking actions against administrative violations committed by members according to the provisions of this Circular and regulations of law;

b) notify the SBV’s Operations Center of split-off, split-up, merger, consolidation, dissolution or bankruptcy of members.

5. SBV’s branches in provinces or central-affiliated cities where credit institutions of FBBs are headquartered shall:

a) examine the validity and legitimacy of, and keep certificated financial instruments of members whose headquarters are located in their provinces or cities under authorization of the SBV’s Governor;

b) manage, monitor and return certificated financial instruments according to notification of the SBV’s Operations Center.

Article 20. Responsibilities of members

1. provide and update the documents and materials in an adequate and timely manner as prescribed in this Circular, and assume legal responsibility for the accuracy and legitimacy of their documents and materials provided to the SBV.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. grant authorization to the SBV to carry out the transfer of financial instruments when conducting money market operations.

4. comply with the SBV’s notifications concerning money market operations.

5. pay service fees incurred from the transfer of financial instruments according to regulations of the Ministry of Finance of Vietnam (if any).

Article 21. Transition 

1. Credit institutions, FBBs and organizations that are members defined in Clause 2 Article 2 of this Circular and have financial instrument depository accounts opened at SBV shall continue using their current accounts to perform relevant operations according to the provisions of this Circular.

2. Financial instrument transactions which have been conducted before the entry into force of this Circular shall be continued according to agreements concluded between relevant parties.

Article 22. Effect

1. This Circular comes into force from January 17, 2023.

2. The Circular No. 04/2016/TT-NHNN dated April 15, 2016 of the Governor of the State Bank of Vietnam on depositing and use of financial instruments at SBV shall cease to have effect from the effective date of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

PP. GOVERNOR
DEPUTY GOVERNOR




Dao Minh Tu

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 16/2022/TT-NHNN ngày 30/11/2022 quy định về lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8.614

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.128.227
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!