VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 375/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 8 năm 2024
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP
VỀ ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
Ngày 05 tháng 8 năm 2024, tại
Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về việc
điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 7 tháng đầu năm 2024, nhiệm
vụ, giải pháp những tháng cuối năm. Tham dự cuộc họp có Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, các Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ. Sau khi
nghe báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại văn bản số 263/BC-NHNN ngày 05
tháng 8 năm 2024, ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính kết luận như sau:
1. Chính sách
tiền tệ trong những tháng đầu năm 2024 được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp
thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính
sách vĩ mô khác, cơ bản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và diễn
biến tình hình kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng đạt được các kết quả tích cực
về phát triển kinh tế xã hội trong 7 tháng đầu năm 2024, bảo đảm ổn định kinh tế
vĩ mô, kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra, thúc đẩy tăng trưởng cả 3
khu vực kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, các cân đối lớn của nền
kinh tế và an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.
Hoan nghênh, biểu dương nỗ lực,
cố gắng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tập thể Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam và toàn ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực, tổ chức triển khai chính sách
tiền tệ hiệu quả. Đây là những kết quả tích cực cần được phát huy, thúc đẩy
trong thời gian tới.
2. Tuy nhiên,
việc điều hành chính sách tiền tệ còn có những khó khăn, thách thức cần tập
trung nghiên cứu kỹ lưỡng, xử lý hiệu quả như: (i) Áp lực lạm phát gia tăng làm
thu hẹp dư địa điều hành chính sách; (ii) Mặt bằng lãi suất huy động của các tổ
chức tín dụng có xu hướng tăng tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay; (iii)
Tăng trưởng tín dụng còn chưa đáp ứng với yêu cầu đề ra; (iv) Nhu cầu vay vốn
thường tăng cao vào cuối năm đòi hỏi phải có giải pháp để duy trì mặt bằng lãi
suất cho vay và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay vào các động lực tăng
trưởng; (v) Nhu cầu ngoại tệ tăng gây áp lực lên tỷ giá; (vi) Các tác động từ rủi
ro căng thẳng địa chính trị trên thế giới.
3. Bài học
kinh nghiệm: (i) Phải bình tĩnh, chắc chắn, bản lĩnh trong điều hành, không chủ
quan, “thắng không kiêu, bại không nản”, phát huy kinh nghiệm, kết quả đã đạt
được; (ii) Điều hành các chính sách vĩ mô phải chủ động, kịp thời, linh hoạt,
không giật cục, có sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa để đảm bảo tính đồng bộ, hỗ trợ
lẫn nhau trong quá trình thực thi; (iii) Thông điệp chính sách phải rõ ràng, ngắn
gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn, đã nói là làm, đã
cam kết là thực hiện; (iv) Điều hành phải dựa trên cơ sở dữ liệu và tình hình
thực tiễn tại Việt Nam, có tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, có phân tích, dự
báo khoa học, sát tình hình; (v) Tổng kết, đánh giá việc triển khai các chương
trình tín dụng ưu đãi trước đây để nghiên cứu mở rộng và tăng tính hiệu quả, khả
thi trong triển khai thực hiện.
4. Trong thời
gian tới, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan
xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục
tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các Bộ, cơ quan,
địa phương phải chủ động theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo, có phản ứng
chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, từ sớm, từ xa, ngay từ nơi xuất phát để
tiếp tục điều hành hài hòa, đồng bộ, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô với
tinh thần kiên định mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ
mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tháo gỡ khó
khăn cho sản xuất kinh doanh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội,
bảo đảm an sinh xã hội.
5. Bộ Tài
chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
a) Triển khai hiệu quả các
chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất
đã được ban hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước,
bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu; tiết kiệm triệt để
các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách. Quyết liệt
thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử; giám sát chặt chẽ, thường xuyên
kiểm tra việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử.
b) Thúc đẩy giải ngân vốn đầu
tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt, dẫn dắt đầu tư tư và thu hút mọi nguồn lực
xã hội. Nghiên cứu phương án phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động nguồn vốn
đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, hạ tầng chiến lược, các động
lực tăng trưởng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
c) Khẩn trương triển khai ngay
các biện pháp theo quy định để nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận
biên lên thị trường mới nổi, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng
các tiêu chí nâng hạng.
d) Khẩn trương trình cấp thẩm
quyền xem xét, ban hành Nghị định quy định về chế độ tài chính của tổ chức tín
dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu
tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ
chức tín dụng có vốn nhà nước, bảo đảm kịp thời, thống nhất, đồng bộ, chất lượng,
hiệu lực, hiệu quả, không để chậm trễ và tạo khoảng trống pháp lý, báo cáo cấp
thẩm quyền trước ngày 15 tháng 8 năm 2024.
6. Bộ Công
Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
a) Khẩn trương triển khai các
giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu
trong năm 2024 khoảng 750 – 800 tỷ USD, xuất siêu cao hơn năm 2023; phối hợp với
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu việc mở rộng thanh toán bằng đồng bản tệ
trong các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ…
b) Triển khai các chính sách,
chương trình kích cầu, gia tăng tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh cuộc vận động
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;
tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm
các hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và các hành vi
vi phạm pháp luật.
c) Khẩn trương hoàn thiện hệ thống
pháp lý, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thương mại biên giới;
xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống phân phối, cửa khẩu, kho bãi,
logistic…; phối hợp với Bộ Tài chính đơn giản, hiện đại hóa các thủ tục hải
quan, xuất nhập khẩu để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương,
kinh doanh ở khu vực biên giới.
d) Tiếp tục triển khai hiệu quả
các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia; tập trung triển
khai các chương trình hành động thực thi các FTA thế hệ mới, thúc đẩy các quan
hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu; tiếp tục tìm kiếm, đàm phán, ký kết các
FTA với các đối tác mới, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi
cung ứng.
7. Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai các giải
pháp để đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại khu vực công và khu vực tư; hoàn thiện
hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường
xúc tiến, quảng bá, giới thiệu cơ hội đầu tư FDI đối với các nhà đầu tư nước
ngoài; tăng cường, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt
Nam.
8. Các Bộ,
ngành, cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai hiệu quả, đồng bộ, kịp thời
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng;
khẩn trương trình cấp thẩm quyền ban hành ngay các văn bản quy phạm pháp luật
còn lại quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc áp dụng các quy định của Luật trong thực
tiễn.
9. Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
a) Thực hiện quyết liệt, nhất
quán Kết luận 64-KL/TW ngày 18 tháng 10 năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XIII; tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời,
hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách
kinh tế vĩ mô khác, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định
kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an toàn hệ thống
các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
b) Điều hành tín dụng chủ động,
linh hoạt phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn
cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với nâng cao chất lượng
tín dụng, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng;
thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực
ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các động lực
tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức,
kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm…); tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu và hạn
chế nợ xấu phát sinh.
Tiếp tục tăng cường hiệu quả
công tác điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng, khuyến khích các tổ chức tín dụng
có chất lượng tín dụng tốt, tăng trưởng lành mạnh, hiệu quả, cơ cấu tín dụng
phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các điều
kiện khác theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, không để xảy
ra tiêu cực, xin cho, tham nhũng, vi phạm pháp luật.
c) Điều hành tỷ giá theo hướng
linh hoạt, hài hòa, cân bằng hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; theo dõi sát diễn
biến, tình hình kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế,
nhất là các động thái điều chỉnh chính sách của FED và các ngân hàng trung
ương, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo và có phản ứng chính sách kịp thời,
hiệu quả; đa dạng hóa các kênh cung ứng ngoại tệ, ổn định giá trị đồng Việt
Nam, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
d) Điều hành lãi suất theo hướng
bám sát diễn biến thị trường và sử dụng hiệu quả, hợp lý, kịp thời, đồng bộ các
công cụ điều hành chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực
hiện nghiêm việc công khai lãi suất cho vay; tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản
hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số...,
để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh
doanh, tạo sinh kế cho người dân, với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”;
phát huy hơn nữa vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước.
đ) Điều hành nghiệp vụ thị trường
mở (OMO) linh hoạt, hiệu quả, phù hợp diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị
trường tiền tệ, tạo dư địa để điều hành lãi suất, tỷ giá; theo thẩm quyền xem
xét, cân nhắc việc điều hành OMO nới lỏng trong điều kiện kiểm soát lạm phát
theo mục tiêu để có điều kiện giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh
nghiệp.
e) Tiếp tục chủ động triển khai
các công cụ, giải pháp quản lý, điều hành thị trường vàng phù hợp, kịp thời, hiệu
quả hơn nữa; đánh giá kết quả triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng
trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp quản lý thị trường vàng căn cơ,
dài hạn, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, bền
vững, không để xảy ra tình trạng vàng hóa nền kinh tế; đẩy mạnh công tác thông
tin truyền thông về điều hành thị trường vàng.
g) Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức
tín dụng triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi,
trong đó có chương trình tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ cho chủ đầu
tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo,
xây dựng lại chung cư cũ; phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, cơ quan có
liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các nguyên nhân chậm giải ngân
để tháo gỡ các vướng mắc, triển khai hiệu quả chương trình tín dụng 140 nghìn tỷ
đồng.
h) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng
tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, tích cực triển khai các biện pháp kiểm
soát, hạn chế và xử lý nợ xấu phát sinh theo quy định pháp luật, bảo đảm an
ninh tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
i) Khẩn trương, quyết liệt hoàn
thiện phương án chuyển giao các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng thương mại
cổ phần Đông Á đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương; chủ động theo thẩm
quyền hoàn thiện ngay phương án cơ cấu lại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn
theo đúng quy định pháp luật, không để chậm trễ hơn nữa, báo cáo cấp thẩm quyền
trong tháng 8 năm 2024.
k) Triển khai mạnh mẽ hoạt động
chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ
hiện đại, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn
nhu cầu khách hàng và thích ứng với những thay đổi của thời đại số; ngành ngân
hàng phải tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số và là động lực thúc đẩy
chuyển đổi số của cả nền kinh tế nhằm giảm chi phí hành chính, tạo lợi ích thiết
thực cho người dân, doanh nghiệp.
l) Tăng cường công tác thông
tin truyền thông, bảo đảm kịp thời, chính xác, rõ ràng, đầy đủ, minh bạch về
các chủ trương, chính sách, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, tín
dụng, thị trường vàng… để tăng cường, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người
dân đối với hệ thống ngân hàng.
m) Nghiên cứu, xem xét về việc
Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho vay đối
với người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
10. Bộ Xây dựng
chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan chuẩn bị tổ
chức Hội nghị về nhà ở xã hội trong tháng 8 năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ
trì.
Văn phòng Chính phủ thông báo để
các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân, các Vụ: QHQT, CN, NN, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KTTH (2).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Mai Thị Thu Vân
|